Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2016/NQ-HĐND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 04 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN II (2016 - 2020) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm;

Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư công;

Xét Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt chủ trương thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn II (2016-2020); Báo cáo thẩm tra số 64/BC-VHXH ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn II (2016-2020) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (kèm theo đề án chi tiết).

1. Chỉ tiêu:

a) Hỗ trợ xây mới 626 căn nhà ở. Quy mô theo thiết kế kỹ thuật loại nhà cấp 4, diện tích từ 40m2 trở lên; kinh phí dự toán là 55 triệu đồng/căn (Nhà nước hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng, hộ dân đối ứng kinh phí 15 triệu đồng).

Nguyên tắc thực hiện: vận động tối đa sự tham gia đóng góp tiền của, công sức lao động của gia đình và cộng đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời hỗ trợ xây nhà vệ sinh nên lồng ghép cùng với công trình xây nhà ở để giảm thiểu chi phí xây dựng và tiện lợi trong việc sinh hoạt.

b) Hỗ trợ xây dựng 937 nhà vệ sinh. Kinh phí 10 triệu đồng/cái.

c) Hỗ trợ lắp điện sinh hoạt cho 500 hộ. Kinh phí dự toán là 5 triệu đồng/hộ.

d) Hỗ trợ lắp nước máy cho 1.040 hộ. Kinh phí dự toán là 10 triệu đồng/hộ.

đ) Hỗ trợ phát triển sản xuất: Hỗ trợ con giống theo các mô hình đã được chuyển giao như nuôi dê sinh sản và bò sinh sản cho: 1.200 hộ. Kinh phí 15 triệu đồng/hộ. Trong đó:

Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, hộ dân phải đảm bảo có nguồn vốn đối ứng của gia đình hoặc vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 5 triệu đồng để làm chuồng trại, mua thức ăn trước khi được hỗ trợ.

e) Hỗ trợ về Văn hóa: Hỗ trợ kinh phí bảo tồn, tổ chức các lễ hội hàng năm cho cộng đồng các dân tộc. Kinh phí dự toán là 550 triệu đồng.

Hỗ trợ 100 bộ trang phục truyền thống để mặc tham dự diễu hành các ngày lễ lớn của đất nước và các hoạt động lễ hội của dân tộc; 06 bộ cồng - chiêng và 05 bộ nhạc cụ dân tộc Chơ ro cho các Nhà văn hóa dân tộc Chơ ro tại 04 huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ, Tân Thành và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Kinh phí dự toán là 780 triệu đồng.

g) Hỗ trợ về giáo dục: Hỗ trợ tập vở 200.000 đồng/em/năm và sách giáo khoa 300.000 đồng/em/năm cho 26.550 em học sinh dân tộc (cấp 1, 2, 3).

h) Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật: Tổ chức các lớp học tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số cho khoảng 8.000 lượt học viên.

i) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phát triển kinh tế, xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa tại 04 huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ, gồm:

Đầu tư mới và nâng cấp 79.500m đường giao thông từ đường đất lên đường cấp phối đá xô bồ, từ đường cấp phối lên đường nhựa; xây dựng 9.700m hệ thống điện dùng thắp sáng và phát triển sản xuất; xây dựng 8.600m hệ thống nước phục vụ cho sinh hoạt; xây dựng 4.500m hệ thống thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; sửa chữa nhà văn hóa dân tộc truyền thống và sân khấu sinh hoạt văn nghệ tại Nhà văn hóa dân tộc Chơ Ro ấp Tân Thuận, xã Long Tân.

2. Kinh phí: Tổng kinh phí đề án: 274.745 triệu đồng.

(Hai trăm bảy mươi bốn tỷ, bảy trăm bốn mươi lăm triệu đồng) Trong đó:

Vốn đầu tư: 183.720 triệu đồng

Vốn sự nghiệp: 75.115 triệu đồng

Vốn đối ứng: 15.390 triệu đồng. Trong đó:

Gồm: Vốn đối ứng hộ dân tự có là: 10.000 triệu đồng

Vốn đối ứng bố trí cho vay là: 5.390 triệu đồng

Phí quản lý: 520 triệu đồng

Dự án đầu tư hỗ trợ không được trùng lắp với các dự án đầu tư xây dựng Chương trình Nông thôn mới, Chương trình 135 giai đoạn III và các chương trình khác của tỉnh.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Khóa VI, Kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 04 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 8 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN II (2016 - 2020)

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2012-2015:

1) Tình hình triển khai:

Thực hiện Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 02/4/2010 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc. Ngày 13/11/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2490/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2012-2015 với tổng kinh phí đầu tư là 215.182 triệu đồng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Năm 2015, UBND tỉnh đã bổ sung mục tiêu hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho các nhà văn hóa dân tộc và bố trí thêm kinh phí 1.142 triệu đồng vốn sự nghiệp. Như vậy, tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2012 - 2015 là: 216.324 triệu đồng.

2) Tình hình phân bổ kinh phí:

Từ năm 2012-2015, UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn sự nghiệp và vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để thực hiện đề án theo phân kỳ hàng năm. Đến nay, tổng kinh phí UBND tỉnh phân bổ để thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là 222.487 đạt 103% tổng kinh phí của đề án được duyệt, cụ thể: Vốn đầu tư 162.500 triệu đồng đạt 102%, vốn sự nghiệp 59.987 triệu đồng đạt 101%.

3) Kết quả thực hiện giai đoạn 2012 - 2015:

a) Nhóm hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào dân tộc:

Hỗ trợ xây mới nhà ở 969 căn đạt 107% so với kế hoạch; sửa chữa nhà ở 201căn đạt 67% kế hoạch (xây mới 35 triệu đồng/căn, sửa chữa 15 triệu đồng/căn); hỗ trợ xây dựng 721 nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 91% kế hoạch (định mức 8 triệu đồng/cái); hỗ trợ lắp đặt điện sinh hoạt cho 665 hộ đạt 88% kế hoạch (định mức 3 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nước sinh hoạt cho 864 hộ đạt 90% kế hoạch (định mức 8 triệu đồng/hộ).

Việc đầu tư hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt giúp bà con ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, làm thay đổi tập quán sinh hoạt của bà con ăn ở hợp vệ sinh. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đa số bà con còn góp thêm kinh phí, ngày công lao động để đầu tư cho ngôi nhà thêm khang trang, rộng rãi hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số nơi việc xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh chưa có sự tham gia đóng góp của hộ dân được thụ hưởng và sự giúp đỡ của cộng đồng, của các đoàn thể và chính quyền theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ” vì vậy một số nơi nhà ở chưa đạt chun bền vững, diện tích không tăng.

b) Nhóm hỗ trợ về văn hóa, giáo dục:

+ Hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa cho 17.710 lượt học sinh cấp I, II, III đạt 110% kế hoạch (định mức 350 ngàn đồng/em/năm). Chương trình đã góp phn giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần cho các cháu học sinh con em đồng bào dân tộc đến trường. Do đó, tình trạng bỏ học, nghỉ học giảm hẳn so với trước đây góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Hỗ trợ về văn hóa:

Hỗ trợ kinh phí cho 28 lượt lễ hội của các dân tộc như: Lễ hội Jang Vri (Thần Rừng), lễ hội Jang Va (Thần Lúa) của dân tộc Chơro; lễ hội Choi Chnam Thmay, Sen Dol Ta của dân tộc Khơme; lễ hội Quản nhân duyên của dân tộc Hoa; hỗ trợ 12 bộ cồng chiêng và 191 bộ trang phục truyền thống dân tộc phục vụ các lễ hội tại các Nhà văn hóa dân tộc Chơro tại 04 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và Tân Thành; hỗ trợ 9 cái tủ trưng bày và 01 tủ sách, 30 cái bàn, 90 cái ghế, 01 bục phát biểu, 01 bộ nhạc cụ dân tộc, 35 chiếc gùi, 19 cây nỏ cho các Nhà văn hóa dân tộc; sửa chữa nâng cấp Nhà văn hóa Bàu Lâm huyện Xuyên Mộc.

Việc hỗ trợ văn hóa cho đồng bào dân tộc bước đầu đã khôi phục lại các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, đã tạo không gian văn hóa cho bà con sinh hoạt. Đồng thời sưu tầm các hiện vật văn hóa và trang bị cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa từng bước giúp làm thay đổi nhận thức trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người dân tộc không biết chữ trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên trong đồng bào dân tộc vẫn còn cao 504 người chiếm 6,79%; việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc truyền thống, đặc biệt là của đồng bào dân tộc Châu Ro vẫn chưa thực hiện được do thiếu nghệ nhân truyền dạy.

c) Nhóm hỗ trợ phát triển sản xuất:

Sau 04 năm thực hiện đã hỗ trợ cây, con giống cho 1.543 hộ đạt 99% kế hoạch (định mức hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ); mở 48 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho khoảng 3.000 lượt người.

Qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã dần giúp bà con biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chủ động đầu tư, đưa các giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; các mô hình hỗ trợ cây, con giống bước đầu đã mang lại kết quả tích cực như các mô hình hỗ trợ nuôi dê, heo, gà được bà con đồng tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, đối tượng hỗ trợ cây, con giống của Đề án đa số là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, trình độ hạn chế, định mức hỗ trợ thấp (4 triệu đồng/hộ). Vì vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hộ chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, việc tái đầu tư phát triển sản xuất sau khi được Nhà nước hỗ trợ vẫn còn thấp, đạt hiệu quả chưa cao.

d) Công tác tuyên truyền:

Công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước giúp nhận thức của đồng bào được nâng lên một cách rõ rệt, không còn tình trạng khiếu kiện, đòi hỏi chế độ chính sách như trước đây mà các cấp các ngành phải thường xuyên để giải quyết các thắc mắc, kiến nghị. Góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số.

e) Nhóm Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu:

Đã đầu tư 75,87 km đường giao thông liên thôn, ấp (đạt 102%); xây dựng 6,4 Km đường điện hạ thế; lắp đặt 3,5 km đường ống cung cấp nước sinh hoạt tập trung (đạt 70%). Việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc, đáp ứng được nhu cầu đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số địa phương do công tác khảo sát khái toán ban đầu thiếu chính xác nên khi triển khai thực hiện đã vượt dự toán so với kế hoạch.

4) Đánh giá chung:

Qua 04 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, được sự quan tâm của UBND tỉnh nguồn vốn bố trí đạt 103% so với kế hoạch, qua đó đã làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc đã thay đổi rõ nét, nhất là các mặt cơ bản của đời sống xã hội như: nhà ở, nhà vệ sinh; điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất... Hạ tầng kinh tế vùng đồng bào dân tộc được đầu tư như: Hệ thống đường giao thông liên thôn, ấp; hệ thống điện, nước, kênh mương thủy lợi nội đồng đã bước đầu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đạt được so với đầu năm 2011, cụ thể là: 99% tỷ lệ hộ có điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt; 98% số hộ có nhà ở từ bán kiên cố trở lên (năm 2011 là 95%); Trên 98% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 61% hộ sử dụng nước máy (đầu năm 2011 số hộ sử dụng nước máy là 53%); 80% hộ dân tộc có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn (đầu năm 2011 là 70%), 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và đồng bào dân tộc sống vùng kinh tế khó khăn được mua bảo hiểm y tế, tỷ lệ người được khám chữa bệnh thường xuyên đạt 66%; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 5%, đầu năm 2011 số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc là 1.588 hộ, chiếm tỷ lệ 26%, đến đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh còn 311 hộ chiếm 4,7%. Hệ thống chính trị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng củng cố và phát triển; trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao. Đồng bào các dân tộc thiểu số phấn khởi và biết ơn trước sự đầu tư chăm lo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay đời sống của đồng bào dân tộc nhất là đồng bào dân tộc Chơ ro vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp; việc thiếu đất ở, đất sản xuất làm không gian sinh tồn còn thu hẹp, ảnh hưởng đến đời sống và bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc.

Công tác sinh đẻ chưa có kế hoạch dẫn đến tình trạng tăng dân số, nên việc chia tách hộ thường xuyên xảy ra. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chính sách gặp rất nhiều khó khăn do phát sinh nhu cầu mới đòi hỏi các cấp chính quyền phải đầu tư hỗ trợ. Công tác phối kết hợp của các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng các hạng mục của Đề án chưa được tốt; chưa tổ chưa sơ kết giữa ký để đánh giá rút kinh nghiệm, để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.

II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN II (2016-2020):

1. Sự cần thiết phải xây dựng đề án:

Để định hướng cho việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn II (2016-2020), ngày 28/8/2014 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND Về việc khảo sát, điều tra hộ gia đình dân tộc thiểu số và tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc năm 2014. Theo báo cáo số 93/BC-ĐTDT ngày 02/6/2015 của Cục Thống kê về kết quả tổng điều tra cơ bản thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 28 thành phần dân tộc thiểu số với 7.434 hộ, 31.722 nhân khẩu. So với năm 2011, tăng là 880 hộ, 2.469 khẩu (tăng khoảng 13%). Dự kiến đến năm 2020, dân số tăng cơ học trong đồng bào dân tộc khoảng trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc tăng trên dưới 30% so với chuẩn nghèo mới.

Thực trạng đời sống xã hội của đồng bào dân tộc cần đầu tư hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 là: Hiện nay số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 190 hộ, chiếm 2,6%; số người trong độ tuổi lao động không có việc làm là 1.066 người; số hộ hiện nay có nhà ở tạm bợ, nhà đã hư hỏng, xuống cấp cần được hỗ trợ là 626 hộ; số hộ chưa có hoặc có nhà vệ sinh nhưng không đảm bảo vệ sinh cần được hỗ trợ là 937 hộ; số hộ cần hỗ trợ điện sinh hoạt do hiện đang sống những vùng sâu cách xa mạng lưới điện hiện đang còn dùng dầu thắp sáng hoặc câu điện nhờ của hộ khác là 500 hộ; số hộ hiện đang thiếu nước sinh hoạt cần hỗ trợ là 1.040 hộ; số hộ thiếu đất sản xuất là 697 hộ; số hộ thiếu đất ở là 432 hộ; số hộ cần hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất là 3.133 hộ; số hộ cần hỗ trợ vay vốn sản xuất là 3.360; số hộ cần chuyển đổi ngành, nghề là 442 hộ.

Thực trạng về giáo dục hiện nay trong đồng bào dân tộc là ngoài hệ thống Trường phổ thông Dân tộc nội trú còn lại đại đa số các em ở những vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn trong việc đi lại và ảnh hưởng đến việc học tập của con em trong đồng bào dân tộc; số người từ 15 tuổi trở lên không biết chữ là 504 người; số người trong độ tuổi đi học bỏ học 373 người.

Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội các phong tục tập quán văn hóa tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc nhất là dân tộc Chơ ro ngày càng mai một cần được hỗ trợ để phát huy và bảo tồn.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc trong thời gian vừa qua được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn mà nhất là hệ thống đường giao thông liên thôn, ấp; hệ thống điện, nước sinh hoạt cần được quan tâm đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc đang còn khó khăn trên địa bàn tỉnh .

Từ thực trạng trên về các mặt kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020 cần phải quan tâm đầu tư, hỗ trợ một cách toàn diện nhằm ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh mang tính bền vững.

2. Những căn cứ pháp lý để xây dựng, triển khai thực hiện đề án:

- Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;

- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung và dài hạn; Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư công;

- Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số: 2356/QĐ-TTg, ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số 1557/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015;

- Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc;

- Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 02/4/2010 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Kế hoạch 4098/KH-UBND ngày 06/7/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 31/12/2015 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh;

- Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 03/11/2014 của UBND tỉnh V/v: Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.

- Báo cáo số 93/BC-KQĐT ngày 02/06/2015 của Cục Thống kê về Báo cáo kết quả điều tra dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2014.

3. Mục tiêu đề án:

a) Mục tiêu tổng quát:

Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn II (2016-2020) nhằm tập trung nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nơi đồng bào dân tộc sinh sống; đầu tư hỗ trợ trực tiếp như: Nhà ở, nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt; hỗ trợ vật nuôi phát triển sản xuất; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc; quan tâm hỗ trợ giáo dục.

b) Mục tiêu cụ thể:

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn II (2016-2020) nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong đồng bào dân tộc theo những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể là:

- Hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và phát triển sản xuất, trong đó tập trung hỗ trợ cho những hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trước, những hộ khó khăn được xem xét hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo đến năm 2020 đạt 100% hộ có nhà ở từ bán kiên cố trở lên; 100% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hộ sử dụng điện thắp sáng, phương tiện sinh hoạt; 100% hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (trong đó có khoảng 70% sử dụng nước máy)... nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất; tập trung phát triển về chăn nuôi và một số ngành nghề khác, phấn đấu đến năm 2020 giảm còn dưới 5% tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc theo chuẩn nghèo mới.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông liên thôn, ấp; các hệ thống điện, nước sạch sinh hoạt; hệ thống thủy lợi tưới tiêu phục vụ nông nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc của tỉnh nhưng không được trùng lắp với các dự án đầu tư xây dựng chương trình nông thôn mới, chương trình 135 giai đoạn III và các chương trình khác của tỉnh.

- Đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và phát huy những lễ hội, những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Hỗ trợ về giáo dục để tạo điều kiện và động viên cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường.

4. Kế hoạch và giải pháp thực hiện:

Kế hoạch và giải pháp thực hiện của Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn II (2016-2020) gồm:

a) Hỗ trợ xây mới 626 căn nhà ở; quy mô theo thiết kế kỹ thuật loại nhà cấp 4, diện tích tối thiểu từ 40 m2 trở lên; kinh phí dự toán là 55 triệu đồng/căn (Nhà nước hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng, hộ dân đối ứng kinh phí 15 triệu đồng).

Giải pháp thực hiện theo nguyên tắc:

- Việc hỗ trợ nhà ở phải vận động tối đa sự tham gia đóng góp tiền của và công sức lao động của gia đình và cộng đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để cho ngôi nhà thêm kiên cố, khang trang theo phương châm “ Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ”; mẫu nhà ở phải đa dạng và theo nguyện vọng của đồng bào để cho ngôi nhà phù hợp với điều kiện sinh hoạt cũng như phong tập tập quán của đồng bào dân tộc; đồng thời hỗ trợ xây nhà vệ sinh nên lồng ghép cùng với công trình xây nhà ở để giảm thiểu chi phí xây dựng và tiện lợi trong việc sinh hoạt;

- Kinh phí thực hiện: Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, hộ dân được hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo có nguồn vốn đối ứng tối thiểu từ 15 triệu đồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình hoặc vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

b) Hỗ trợ xây dựng 937 nhà vệ sinh. Quy mô theo thiết kế kỹ thuật gồm: Hố xí 02 ngăn, tường gạch tô, cửa và mái lợp tôn kẻm, móng xây đá chẻ. Kinh phí dự toán là 10 triệu đồng/cái.

c) Hỗ trợ lắp điện sinh hoạt cho 500 hộ. Quy mô theo thiết kế kỹ thuật gồm: 01 đồng hồ điện, 02 trụ đỡ dây, 90 m dây điện. Kinh phí dự toán là 5 triệu đồng/hộ.

d) Hỗ trợ lắp nước máy cho 1.040 hộ hiện đang thiếu nước sinh hoạt. Quy mô theo thiết kế kỹ thuật gồm: 01 đồng hồ nước, đường ống dẫn nước từ ống cái và 01 vòi nước. Kinh phí dự toán là 10 triệu đồng/hộ.

đ) Hỗ trợ phát triển sản xuất:

- Hỗ trợ con giống theo các mô hình đã được chuyển giao như nuôi dê sinh sản và bò sinh sản cho: 1.200 hộ. Kinh phí 15 triệu đồng/hộ.

Giải pháp thực hiện theo nguyên tắc:

- Việc bình xét đối tượng được thụ hưởng phải hết sức chặt chẽ và đúng qui trình; hộ được hỗ trợ phải là hộ khó khăn về đời sống, hộ có nhu cầu thực sự và có điều kiện chăn nuôi tốt để tăng thu nhập cải thiện đời sống.

- Tăng cường công tác tham quan, gặp gỡ chia sẻ, học tập kinh nghiệm những mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Cùng với việc hỗ trợ con giống cần quan tâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi với phương châm “cầm tay chỉ việc” để bà con thực hiện có hiệu quả cao; UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả cho đồng bào dân tộc học tập kinh nghiệm.

- Kinh phí thực hiện: Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, hộ dân phải đảm bảo có nguồn vốn đối ứng của gia đình hoặc vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Gồm:

+ Đối với các hộ có nhu cầu nuôi bò sinh sản phải đảm bảo có nguồn vốn đối ứng tối thiểu từ 8 triệu đồng để mua con giống, làm chuồng trại, mua thức ăn trước khi được hỗ trợ.

+ Đối với các hộ có nhu cầu nuôi dê sinh sản phải đảm bảo có nguồn vốn đối ứng tối thiểu từ 3 triệu đồng để xây chuồng trại, mua thức ăn trước khi được hỗ trợ.

e) Hỗ trợ về Văn hóa:

- Hỗ trợ kinh phí hàng năm cho cộng đồng các dân tộc bảo tồn các lễ hội hàng năm cho cộng đồng các dân tộc bảo tồn các lễ hội Jang Vri (Thần Rừng) tháng 3 âm lịch, lễ hội Jang Va (Thần Lúa) tháng Chạp âm lịch của người Chơ ro; lễ hội Choi Chnam Thmay, Sen Dol Ta tháng 4 và tháng 9 âm lịch của người Khơ me; lễ hội Quản nhân duyên tháng 11 Âm lịch của người Hoa. Kinh phí dự toán là 550 triệu đồng

- Hỗ trợ 100 bộ trang phục truyền thống để mặc tham dự diễu hành các ngày lễ lớn và cho hoạt động các lễ hội; 06 bộ cồng - chiêng và 05 bộ nhạc cụ dân tộc Chơ ro cho các Nhà văn hóa dân tộc Chơ ro tại 04 huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ, Tân Thành và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Kinh phí dự toán là 780 triệu đồng

Song song với việc sưu tầm hỗ trợ về văn hóa như: Cồng, chiêng, nhạc cụ, trang phục truyền thống, cần phải quan tâm mời nghệ nhân hướng dẫn, dạy cách sử dụng để phát huy có hiệu quả, bảo tồn nét văn hóa dân tộc truyền thống ngày một phong phú và đa dạng. Kinh phí thực hiện do huyện, xã triển khai chi trả.

g) Hỗ trợ về giáo dục:

- Hỗ trợ tập vở 200 ngàn đồng/em/ năm và sách giáo khoa 300 ngàn đồng/em/năm cho 26.550 em học sinh dân tộc (cấp 1,2,3).

h) Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật:

- Tổ chức các lớp học tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số cho khoảng 8.000 lượt học viên.

i) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phát triển kinh tế, xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa tại 04 huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ, gồm:

- Đầu tư mới và nâng cấp đường giao thông từ đường đất lên đường cấp phối đá xô bồ, từ đường cấp phối lên đường nhựa 79.500m đường giao thông liên thôn, ấp vùng đồng bào dân tộc phục vụ địa bàn cho 2.387 hộ đồng bào dân tộc thụ hưởng.

- Xây dựng 9.700m hệ thống điện dùng thắp sáng và phục vụ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc phục vụ địa bàn cho 376 hộ đồng bào dân tộc thụ hưởng.

- Xây dựng 8.600m hệ thống nước phục vụ cho sinh hoạt đời sống vùng đồng bào dân tộc phục vụ địa bàn cho 286 hộ đồng bào dân tộc thụ hưởng.

- Xây dựng 4.500m hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc phục vụ địa bàn cho 114 hộ đồng bào dân tộc thụ hưởng.

- Sửa chữa nhà văn hóa dân tộc truyền thống và sân khấu sinh hoạt văn nghệ tại Nhà văn hóa dân tộc Chơ ro ấp Tân Thuận, xã Long Tân phục vụ địa bàn cho 130 hộ đồng bào dân tộc thụ hưởng.

l) Một số giải pháp khác:

- Đối với các hộ vay vốn đối ứng để xây dựng nhà ở: theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay hỗ trợ về nhà ở cụ thể: Mức cho vay tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ; lãi suất cho vay 0,275%/tháng (bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ, lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay là 0,55/tháng); thời hạn vay tối đa là 10 năm, nếu hộ vay vốn chưa thoát nghèo và đang gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng tối đa không quá 2,5 năm.

- Đối với các hộ vay vốn đối ứng để phát triển sản xuất: Theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay hỗ trợ để phát triển sản xuất cụ thể: Mức cho vay tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ; lãi suất cho vay 0,275%/tháng (bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ); thời hạn vay tối đa là 10 năm.

- Các huyện có đông đồng bào dân tộc không có đất sản xuất như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc cần dành quỹ đất địa phương xây dựng các khu tái định canh, định cư. Có định hướng để sắp xếp lại khu dân cư tập trung và kế hoạch bố trí cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc để tạo sự phát triển ổn định và bền vững.

- Bình xét hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và phát triển sản xuất phải thực hiện ưu tiên cho những hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trước, sau đó mới tiến hành hỗ trợ cho nhưng hộ khó khăn theo thứ tự ưu tiên. Ngoài việc hỗ trợ lắp điện, nước sinh hoạt cho những nơi có thể kết nối được với mạng lưới chính thì UBND các huyện, thành phố phải xây dựng giải pháp cụ thể để giải quyết hỗ trợ cho những vùng còn khó khăn thiếu điện, nước sinh hoạt.

- Tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành phố, UBMT Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án để có sự thống nhất và đạt hiệu quả cao; hàng năm có sơ kết, cuối giai đoạn có tổng kết đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm từ những hạn chế, khó khăn để khắc phục chấn chỉnh, đồng thời tích cực biểu dương nhân rộng những gương điển hình tiên tiến vươn lên thoát nghèo.

5. Kinh phí thực hiện các hạng mục của đề án:

a) Nhóm hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình đồng bào dân tộc: 56.700 triệu đồng. Trong đó:

- Xây mới nhà ở: 626 căn, kinh phí: 34.430 triệu đồng

Trong đó:

+ Nhà nước hỗ trợ kinh phí 40 triệu/hộ: 25.040 triệu đồng

+ Hộ dân đối ứng kinh phí tối thiểu 15 triệu/hộ: 9.390 triệu đồng

- Nhà vệ sinh: 937 cái, kinh phí: 9.370 triệu đồng

- Điện sinh hoạt: 500 hộ, kinh phí: 2.500 triệu đồng

- Nước sinh hoạt: 1.040 hộ, kinh phí: 10.400 triệu đồng

b) Nhóm hỗ trợ về Văn hóa, giáo dục: 14.605 triệu đồng.

Trong đó:

- Văn hóa 1.330 triệu đồng

+ Hỗ trợ các lễ hội: 550 triệu đồng

+ Hỗ trợ trang phục truyền thống: 200 triệu đồng

+ Trang bị 06 bộ cồng và chiêng: 480 triệu đồng

+ Trang bị 05 bộ cồng nhạc cụ dân tộc Chơ ro: 100 triệu đồng

- Giáo dục: 13.275 triệu đồng

+ Hỗ trợ tập vở học sinh cho 26.550 em học sinh phổ thông con em đồng bào dân tộc (cấp 1,2,3): 5.310 triệu đồng.

+ Hỗ trợ sách giáo khoa cho 26.550 học sinh phổ thông con em đồng bào dân tộc (cấp 1,2,3): 7.965 triệu đồng.

c) Nhóm hỗ trợ phát triển sản xuất: 18.000 triệu đồng.

Trong đó: Hỗ trợ cây, con giống theo các mô hình đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.200 hộ, kinh phí 15 triệu đồng/hộ là: 18.000 triệu đồng

Trong đó:

+ Nhà nước hỗ trợ kinh phí 10 triệu/hộ: 12.000 triệu đồng

+ Hộ dân đối ứng kinh phí tối thiểu 5 triệu/hộ: 6.000 triệu đồng

d) Tuyên truyền phổ biến pháp luật: 1.200 triệu đồng.

- Tổ chức các lớp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho 8.000 lược người: 1.200 triệu đồng.

e) Nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: 183.720 Triệu đồng.

Trong đó:

- Đường giao thông liên thôn, ấp: 159.520 triệu đồng

- Hệ thống điện thắp sáng: 9.700 triệu đồng

- Hệ thống nước sinh hoạt: 4.300 triệu đồng

- Hệ thống thủy lợi: 9.000 triệu đồng

- Sửa chữa nhà văn hóa: 1.200 triệu đồng

(Biểu số 02A, 03)

6. Tổng vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:

a) Tổng kinh phí của đề án: (Biểu số 01)

Tổng kinh phí đề án: 274.745 triệu đồng.

(Hai trăm bảy mươi bốn tỷ, bảy trăm bốn mươi lăm triệu đồng)

Trong đó:

- Vốn đầu tư: 183.720 triệu đồng

- Vốn sự nghiệp: 75.115 triệu đồng

- Vốn đối ứng: 15.390 triệu đồng

Gồm:

* Vốn đối ứng hộ dân tự có là: 10.000 triệu đồng

* Vốn đối ứng bố trí cho vay là : 5.390 triệu đồng

- Phí quản lý: 520 triệu đồng

b) Phân kỳ đầu tư: (Biểu số 02)

- Năm 2016: 48.090 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 40.000 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 6.700 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 1.300 triệu đồng

+ Phí quản lý: 90 triệu đồng

- Năm 2017: 62.130 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 40.000 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 18.210 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 3.800 triệu đồng

+ Phí quản lý: 120 triệu đồng

- Năm 2018: 61.545 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 40.000 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 17.730 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 3.700 triệu đồng

+ Phí quản lý: 115 triệu đồng

- Năm 2019: 59.755 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 40.000 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 16.350 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 3.295 triệu đồng

+ Phí quản lý: 110 triệu đồng

- Năm 2020: 43.225 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 23.720 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 16.125 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 3.295 triệu đồng

+ Phí quản lý: 85 triệu đồng

c) Phân bổ kinh phí thực hiện đề án theo từng địa phương:

- Huyện Xuyên Mộc: 99.545 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 74.470 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 21.025 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 4.050 triệu đồng

- Huyện Châu Đức: 87.090 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 61.525 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 21.565 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 4.000 triệu đồng

- Huyện Tân Thành: 62.865 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 41.475 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 17.740 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 3.650 triệu đồng

- Huyện Đất Đỏ: 12.415 triệu đồng

Trong đó:

+ Vốn đầu tư: 6.250 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 4.915 triệu đồng

+ Vốn đối ứng: 1.250 triệu đồng

Các huyện, thành phố còn lại thực hiện các hạng mục thuộc vốn sự nghiệp, gồm:

- Huyện Long Điền: 3.880 triệu đồng

- Thành phố Bà Rịa: 6.225 triệu đồng

- Thành phố Vũng Tàu: 2.055 triệu đồng

- Huyện Côn Đảo: 150 triệu đồng

- Ban Dân tộc: Phí quản lý: 520 triệu đồng

(Biểu số 01, 1A)

7. Nguồn vốn thực hiện:

a) Ngân sách tỉnh bố trí vốn đầu tư, vốn sự nghiệp: 94,4%.

b) Nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình: 3,6%.

c) Vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay đối ứng: 2%

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ban Dân tộc: Là chủ đầu tư phần vốn sự nghiệp, căn cứ vào đề án được UBND tỉnh phê duyệt và nhu cầu thực tế hàng năm của các địa phương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiến hành thẩm tra, rà soát tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho từng địa phương triển khai thực hiện; chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các hạng mục thuộc lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, giáo dục đã được UBND tỉnh phê duyệt; chủ trì giúp UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện đề án.

2. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối vốn, bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách địa phương cho đề án theo phân kỳ hàng năm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối vốn, bố trí vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cho đề án theo phân kỳ hàng năm.

4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban dân tộc, các địa phương trong việc tổ chức các lễ hội dân tộc truyền thống; tổ chức truyền dạy sử dụng các nhạc cụ dân tộc, quản lý các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân tộc truyền thống tại các tụ điểm, nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban dân tộc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhóm hỗ trợ con giống theo các mô hình đã được chuyển giao; tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi; chuyển giao các mô hình làm ăn có hiệu quả cho người dân trong đó ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông phối hợp với Phòng Dân tộc và Văn phòng các huyện, thành phố tổ chức cấp phát, tổng hợp danh sách học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện được thụ hưởng về hỗ trợ giáo dục.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khảo sát số hộ nghèo, hộ chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số để được hỗ trợ các hạng mục của đề án.

8. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh căn cứ vào nguồn vốn được giao hàng năm tổ chức cho vay theo qui định.

9. UBND các huyện, thành phố là chủ đầu tư phần vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm chỉ đạo cho Phòng Dân tộc, Văn phòng UBND huyện, thành phố hàng năm rà soát, bình xét đối tượng thụ hưởng các hạng mục theo đề án của các xã, phường thị trấn (cấp xã) gởi về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện; định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và những khó khăn vướng mắc về UBND tỉnh thông qua Ban Dân tộc tỉnh. Xây dựng phương án sắp xếp lại dân cư gắn với bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.

10. Phòng Dân tộc, Văn phòng UBND huyện, thành phố hàng năm bình xét, tổng hợp các đối tượng thụ hưởng, trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án theo quy định hiện hành.

11. UBMT Tổ quốc Việt Nam, tổ chức, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị; Người uy tín trong đồng bào dân tộc có trách nhiệm tuyên truyền và vận động nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện đề án; theo dõi, giám sát để mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 48/2016/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn II (2016-2020) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Số hiệu: 48/2016/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký: Nguyễn Hồng Lĩnh
Ngày ban hành: 04/08/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [10]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 48/2016/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn II (2016-2020) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…