Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 176/NQ-UBTVQH9

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 1994  

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI VỀ THỰC HÀNH  TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ, CHỐNG THAM NHŨNG, CHỐNG BUÔN LẬU

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 4 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

QUYẾT NGHỊ:

Ban hành Quy chế về việc phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 16 tháng 3 năm 1994.

 

 

 

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nông Đức Mạnh

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI  VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ, CHỐNG THAM NHŨNG, CHỐNG BUÔN LẬU

Căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội Khoá IX, Kỳ họp thứ 4 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu;
Quy chế này quy định việc phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Quốc hội.

Chương 1:

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Người đứng đầu cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Quốc hội trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực mình phụ trách; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội và vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, chốnh lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Việc tổ chức thực hiện và phối hợp dược tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật và được xác định trong Nghị quyết Quốc hội.

Điều 2. Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa Án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm chính trước Quốc hội về việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội; chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết Quốc hội về lĩnh vực mà Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban phụ trách; hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết Quốc hội tại địa phương; định kỳ làm việc với Chính phủ, Tòa Án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội.

Điều 3. Nội dung phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực chính sau đây:

1. Sử đổi, bổ sung và ban hành mới chính sách, chế độ và cơ chế quản lý phù hợp;

2. Kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ các cơ quan Nhà nước, trước hết là cơ quan bảo vệ pháp luật;

3. Chấn chỉnh, tăng cường và bảo đảm hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm sát và xét xử;

4. Xử lý các vi phạm pháp luật về tham nhũng, buôn lậu, lãng phí.

Chương 2:

CÁC NỘI DUNG TRONG QUAN HỆ PHỐI HỢP

MỤC 1: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ BAN HÀNH MỚI CÁC VĂN BẢN CẦN THIẾT

Điều 4. Chính phủ có kế hoạch rà soát văn bản hiện hành; sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản cần thiết; trước hết tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng cơ bản, quản lý nhà đất, phân bổ và sử dụng ngân sách, vay vốn và sử dụng vốn vay nước ngoài, thuế, hải quan, ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu, chủ trương đầu tư, xét duyệt và tổ chức thực hiện các dự án, tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách và tiêu dùng của nhân dân, từng bước xoá bỏ chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh của các bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản.

Điều 5. Việc phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản được tiến hành như sau:

Đối với những văn bản do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan đã chủ trì soạn thảo những văn bản đó tiến hành việc rà soát, các cơ quan liên quan có trách nhiệm tham gia;

Đối với những văn bản do Chính phủ ban hành thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan đã chủ trì soạn thảo những văn bản đó tiến hành việc rà soát, các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tham gia;

Đối với những văn bản mà cơ quan chủ trì soạn thảo đã giải thể hoặc chuyển thành đơn vị khác, thì cơ quan Nhà nước cấp trên đã quản lý trực tiếp cơ quan đó tự mình hoặc chỉ định cơ quan thuộc quyền mình quản lý tiến hành việc rà soát;

Đối với những văn bản do Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, thì cơ quan ban hành có trách nhiệm tiến hành việc rà soát, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phát hiện và kiến nghị;

Đối với những văn bản do  các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành thì cơ quan nhà nước cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan đã ban hành văn bản thuộc quyền mình quản lý tiến hành việc rà soát;

Trên cơ sở rà soát văn bản, tiến hành việc phân loại; quyết định hoặc kiến nghị bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền hoặc mang tính đặc quyền, đặc lợi, cục bộ của các ngành, các địa phương; quyết định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản cần thiết.

Cơ quan có thẩm quyền về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản có trách nhiệm xem xét và kịp thời xử lý các kiến nghị nói trên

Điều 6. Tòa Án nhân dân tối cao thông qua công tác xét xử và việc hướng dẫn, kiểm tra công tác xét xử của Toà án cấp dưới, phát hiện, sửa đổi, bổ sung những văn bản do ngành ban hành và kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan hữu quan theo thẩm quyền huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách, chế độ, cơ chế quản lý phù hợp; đồng thời phát hiện những sai sót trong các bản án đã xét xử và kịp thời xử lý các sai sót đó theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 7. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trên cơ sở thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các văn bản pháp quy của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, phát hiện và kiến nghị bãi bỏ những văn bản trái pháp luật, sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp hoặc ban hành mới các văn bản cần thiết.

Điều 8. Thực hiện chức năng giám sát trong lĩnh vực ban hành văn bản pháp luật, Uỷ ban pháp luật, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc rà soát văn bản thuộc lĩnh vực mình phụ trách; kịp thời kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Quốc hội và với các cơ quan hữu quan theo thẩm quyền bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các chính sách, chế độ và cơ chế quản lý phù hợp.

MỤC 2: KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Điều 9. Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo và thực hiện việc kiện toàn tổ chức, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước thuộc quyền mình quản lý từ Trung ương đến cơ sở; kết hợp đồng bộ giữa quản lý hành chính với quản lý của các tổ chức, đoàn thể.

Trong việc kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ viên chức nhà nước trong sạch, nắm vững pháp luật và các cơ chế chính sách của Nhà nước; từng bước tiêu chuẩn hoá cán bộ; kịp thời ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để buôn lậu hoặc tiếp tay cho bọn buôn lậu, hối lộ, tham ô, lãng phí, nhũng nhiễu quần chúng, vi phạm các quyền dân chủ của công dân, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và lợi ích của nhân dân.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số văn bản về kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ:

Ban hành Pháp lệnh về Quy chế công chức nhằm đưa việc quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức Nhà nước vào nền nếp.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc đấu tranh chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Bổ sung các quy định phù hợp nhằm tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và chế độ bồi dưỡng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, trước hết là cán bộ thuộc các bộ phận trực tiếp làm nhiệm vụ chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Điều 11. Kiện toàn các tổ chức chống tham nhũng, chống buôn lậu và các cơ quan bảo vệ pháp luật từ Trung ương đến cơ sở; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn để các tổ chức này có đủ thẩm quyền và điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời nghiên cứu thành lập tổ chức quản lý tài sản quốc gia và tổ chức kiểm toán quốc gia.

MỤC 3: CÔNG TÁC GIÁM SÁT, THANH TRA, KIỂM TRA, ĐIỀU TRA,  KIỂM SÁT VÀ XÉT XỬ

Điều 12. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát tập trung vào việc đấu tranh chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; tình hình quản lý, sử dụng ngân sách và thực hành tiết kiệm; tình hình xử lý những vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương, cơ sở; thu thập ý kiến và động viên cán bộ nhân dân phát hiện các vi phạm pháp luật; kịp thời kiến nghị xử lý và giám sát việc xử lý các vụ việc lãng phí, tham nhũng, buôn lậu.

Điều 13. Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có kế hoạch chỉ đạo và tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm sát, xét xử về những yêu cầu, nội dung được ghi trong Nghị quyết Quốc hội.

Hằng tháng và khi có vụ việc đột xuất, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo cho nhau và bàn biện pháp giải quyết các vấn đề cần phối hợp xử lý nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử được kịp thời, nghiêm minh và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở cơ sở.

MỤC 4:  XỬ LÝ CÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT

Điều 14. Trong chỉ đạo và xử lý các vụ lãng phí, tham nhũng, buôn lậu, phải thực hiện đúng quy định của Nghị quyết Quốc hội: những người có hành vi vi phạm pháp luật, dù ở cương vị nào, cấp bậc nào, đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật và phải bồi thường đầy đủ nếu làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của công dân; đồng thời xử lý nghiêm khắc những người bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật, những người dùng biện pháp "xử lý nội bộ" trong những trường hợp vi phạm có đủ yếu tố để đưa ra truy tố trước pháp luật.

Trong trường hợp phải xử lý về hình sự, các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

Việc xử lý cán bộ có sai phạm được tiến hành kịp thời, theo đúng thẩm quyền, đúng quy định về quản lý cán bộ và trong trường hợp cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong việc xử lý cán bộ là đảng viên, có sự phối hợp với tổ chức đảng quản lý đảng viên đó trên cơ sở Điều lệ Đảng, các quy định về quản lý đảng viên và pháp luật.

Điều 15. Chính phủ quy định biện pháp xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xẩy ra vụ việc lãng phí, tham nhũng, buôn lậu và việc xem xét trách nhiệm của thủ trưởng cấp trực tiếp quản lý. Nếu lãnh đạo các ngành, các cấp vì lợi ích cục bộ, tự đặt ra các quy định hoặc có hành vi trái với pháp luật và chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, gây tác động xấu đến trật tự kinh tế - xã hội, tạo sơ hở cho bọn tham nhũng, buôn lậu lợi dụng thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

 MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Điều 16. Căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội và các quy định về quan hệ phối hợp trong Quy chế này, Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có chương trình công tác phù hợp để bảo đảm việc phối hợp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Quốc hội.

Điều 17. Mỗi tháng một lần và khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa Án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để nghe thông báo tình hình xử lý các vụ, việc tham nhũng, buôn lậu, lãng phí; bàn biện pháp phối hợp tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Quốc hội.

Ba tháng một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội và thông báo đến đại biểu Quốc hội.

Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận có thể được mời tham dự các cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết Quốc hội và phát biểu ý kiến về những vấn đề có liên quan.

Chủ tịch nước có thể tham dự các cuộc họp này khi xét thấy cần thiết.

Tại các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Điều 18. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội có kế hoạch phối hợp với các cơ quan Nhà nước, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò làm chủ, xây dựng nếp sống cần kiệm; phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, buôn lậu hoặc tiếp tay cho bọn buôn lậu; tham gia giám sát, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời đề cao cảnh giác, chống lại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng việc mở rộng dân chủ trong cuộc đấu tranh này để hoạt động phá hoại, chia rẽ nội bộ hoặc làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước ta.

Chính phủ tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và nhân dân phát huy được vai trò giám sát của mình trong cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; quy định các hình thức động viên, khen thưởng và các biện pháp bảo vệ những người phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 19. Các ngành, các cấp xác định việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội là một trọng tâm công tác chính và có kế hoạch phối hợp hành động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội và Quy chế này, Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các quan hệ phối hợp phù hợp với đặc điểm của ngành, cấp mình.

Điều 20.

Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các cơ quan hữu quan đảm bảo thông tin chính xác, trung thực, đúng lúc; góp phần động viên nhân tố tích cực, phát hiện đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Việc phát tin, đăng báo phải theo đúng các quy định của Luật báo chí.

Chương 4:

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 21.

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết số 176-UBTVQH9/NQ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu: 176-UBTVQH9/NQ
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký: Nông Đức Mạnh
Ngày ban hành: 16/03/1994
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết số 176-UBTVQH9/NQ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [10]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…