Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/2021/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2022 - 2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 về Khuyến công; Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Xét Tờ trình số 215/TTr-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2026; Báo cáo thẩm tra số 1015/BC-HĐND ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2026; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2026, cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp

a) Đối tượng hỗ trợ:

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (sau đây gọi chung là cụm công nghiệp, viết tắt là CCN) là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN được xem xét hỗ trợ khi bảo đảm các điều kiện sau:

- CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trừ CCN nằm trên địa bàn các thành phố, thị xã;

- CCN chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước;

- Diện tích chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tối thiểu 10 ha. Riêng CCN trên địa bàn huyện Mường Lát và CCN làng nghề tối thiểu 05 ha;

- CCN đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và được Nhà nước cho thuê đất.

c) Nội dung hỗ trợ:

Chủ đầu tư được hỗ trợ một lần kinh phí để đầu tư các hạng mục: San lấp mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của CCN.

d) Mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ 01 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a (trừ các CCN có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh); riêng CCN thuộc địa bàn huyện Mường Lát hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng/CCN.

- Hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại và các CCN của các huyện 30a có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh. Mức hỗ trợ tối đa không quá 15 tỷ đồng/CCN.

- Hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện đồng bằng và các huyện ven biển; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/CCN.

đ) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

Số lượng hồ sơ: 01 bộ; thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN (theo Mẫu 1, ban hành kèm theo Nghị quyết này);

- Quyết định thành lập CCN (bản sao);

- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư kèm theo dự án đầu tư (bản sao);

- Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của CCN (bản sao);

- Hợp đồng thuê đất (bản sao công chứng);

- Văn bản xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có CCN về việc CCN đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và được Nhà nước cho thuê đất (bản gốc).

2. Hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thu hút lao động tại các huyện miền núi

a) Hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào khu vực miền núi:

- Đối tượng hỗ trợ:

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

- Điều kiện hỗ trợ:

Doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ khi bảo đảm các điều kiện sau:

+ Dự án chưa được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

+ Dự án thuộc Danh mục các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khuyến khích đầu tư vào các huyện miền núi của tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết này.

+ Dự án đã đi vào sản xuất trên phần diện tích đã được Nhà nước cho thuê đất.

- Nội dung hỗ trợ:

Doanh nghiệp được hỗ trợ một lần kinh phí để thực hiện các công việc: San lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải.

- Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 01 tỷ đồng/ha đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện 30a; hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện miền núi còn lại. Mức hỗ trợ tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.

- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

Số lượng hồ sơ: 01 bộ; thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

+ Đơn đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp (theo Mẫu 1, ban hành kèm theo Nghị quyết này);

+ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư kèm theo dự án đầu tư (bản gốc);

+ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (bản sao);

+ Hợp đồng thuê đất (bản sao công chứng);

+ Văn bản xác nhận của Chủ tịch cấp Ủy ban nhân dân huyện về việc nhà máy đã đi vào sản xuất (bản gốc) kèm theo hồ sơ dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (bản sao).

b) Hỗ trợ thu hút lao động tại các huyện miền núi:

- Đối tượng hỗ trợ:

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

- Điều kiện hỗ trợ:

Doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ khi bảo đảm các điều kiện sau:

+ Dự án chưa được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

+ Dự án thuộc Danh mục các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khuyến khích đầu tư vào các huyện miền núi của tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết này;

+ Lao động làm việc (ít nhất 50% lao động là người miền núi của tỉnh) được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, có việc làm từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề xuất hỗ trợ.

- Nội dung hỗ trợ:

Doanh nghiệp được hỗ trợ một lần kinh phí thu hút lao động. Trường hợp đầu tư mở rộng, thu hút lao động thêm thì được tính như đầu tư mới.

- Mức hỗ trợ:

Tổng số lao động được hỗ trợ lớn nhất bằng tổng số lao động theo công suất tối đa của dự án và không quá 02 tỷ đồng/dự án, cụ thể như sau:

+ Đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện 30a: Sử dụng từ 50 lao động đến 100 lao động, được hỗ trợ 01 triệu đồng/người; sử dụng từ trên 100 lao động đến 500 lao động, được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người; sử dụng từ trên 500 lao động trở lên, được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

+ Đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện miền núi còn lại: Sử dụng từ 100 lao động đến 500 lao động, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng/người; sử dụng từ trên 500 lao động đến 1000 lao động, được hỗ trợ 0,7 triệu đồng/người; sử dụng trên 1000 lao động trở lên, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

Số lượng hồ sơ: 01 bộ; thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

+ Đơn đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp (theo Mẫu 1, ban hành kèm theo Nghị quyết này);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao);

+ Danh sách lao động đã ký hợp đồng không xác định thời hạn với doanh nghiệp (thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm ký hợp đồng và địa chỉ thường trú của lao động) (bản gốc);

+ Danh sách lao động đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên, có xác nhận của bảo hiểm xã hội huyện (bản gốc);

+ Bảng trả lương cho lao động 12 tháng trở lên đến thời điểm hỗ trợ (bản gốc).

3. Hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp

a) Đối tượng hỗ trợ:

Tổ chức, cá nhân có thành tích du nhập nghề tạo thành làng nghề mới hoặc khôi phục được làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Tổ chức, cá nhân được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận có thành tích du nhập nghề tạo thành làng nghề mới hoặc khôi phục được làng nghề;

- Được Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định;

- Làng nghề phải được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận.

c) Nội dung:

Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ một phần kinh phí để du nhập nghề mới tạo thành làng nghề hoặc khôi phục được làng nghề, được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.

d) Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/làng nghề.

đ) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

Số lượng hồ sơ: 01 bộ. Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân (theo Mẫu 2, ban hành kèm theo Nghị quyết này);

- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tổ chức, cá nhân có thành tích du nhập nghề tạo thành làng nghề mới hoặc khôi phục được làng nghề (bản gốc);

- Tờ trình đề nghị công nhận làng nghề của Ủy ban nhân dân cấp huyện (bản sao);

- Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về công nhận làng nghề (bản sao).

Điều 2. Trình tự thực hiện chính sách

1. Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; chính sách hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thu hút lao động tại các huyện miền núi được thực hiện như sau:

a) Chủ đầu tư/doanh nghiệp nộp trực tiếp (hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chuyển hồ sơ về Sở Công Thương để xem xét giải quyết.

b) Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Sở Công Thương có văn bản kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi Sở Tài chính; trường hợp Chủ đầu tư/doanh nghiệp không đủ điều kiện được hưởng chính sách, Sở Công Thương có văn bản thông báo và nêu rõ lý do cho Chủ đầu tư/doanh nghiệp đã đề nghị được thụ hưởng chính sách.

c) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ của Sở Công Thương, Sở Tài chính căn cứ mức hỗ trợ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

d) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ trình của Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành quyết định hỗ trợ, gửi Sở Tài chính và Sở Công Thương.

Sau khi có Quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương chuyển Quyết định hỗ trợ về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để trả kết quả cho Chủ đầu tư/doanh nghiệp.

đ) Trong thời gian 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện việc chi trả kinh phí hỗ trợ bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp (hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi Sở Tài chính; trường hợp tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện được hưởng chính sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đã đề nghị được thụ hưởng chính sách.

c) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài chính căn cứ mức hỗ trợ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

d) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ trình của Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành quyết định hỗ trợ.

đ) Trong thời gian 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính thực hiện thông báo bổ sung có mục tiêu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.

e) Trong thời gian 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận thông báo bổ sung có mục tiêu của Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ Quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo bổ sung có mục tiêu của Sở Tài chính thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách

Từ nguồn ngân sách tỉnh.

Điều 4. Thời gian thực hiện chính sách

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh:

1. Tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hằng năm, bảo đảm phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của tỉnh.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 11 tháng 10 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2021./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đỗ Trọng Hưng

 

DANH MỤC

CÁC LĨNH VỰC SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ VÀO CÁC HUYỆN MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA
(Kèm theo Nghị quyết số: 121/2021/NQ-HĐND ngày 11 tháng 10 năm 2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa)

STT

Lĩnh vực đầu tư

Quy mô đầu tư

1

Dự án dệt may, da giầy

Công suất từ 0,5 triệu SP/năm trở lên, thu hút, sử dụng từ 300 lao động trở lên.

2

Dự án sản xuất đồ mộc gia dụng

Công suất từ 1.000 SP/năm trở lên, thu hút, sử dụng 50 lao động trở lên.

3

Dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Sử dụng từ 50 lao động trở lên

4

Nhà máy sản xuất dược liệu

Công suất từ 3.000 tấn SP sơ chế/năm trở lên

5

Nhà máy sản xuất gạch không nung

Công suất từ 15 triệu viên/năm trở lên; riêng huyện 30a dự án có Công suất từ 10 triệu viên/năm trở lên

6

Nhà máy sản xuất phân bón sinh học

Công suất từ 15.000 tấn/năm trở lên; riêng huyện 30a dự án có Công suất từ 10.000 tấn/năm trở lên

7

Các dự án chế biến nông lâm sản

Công suất từ 50 tấn SP/ngày trở lên

 

Mẫu số 1

Đơn vị đề nghị hỗ trợ (Chủ đầu tư/doanh nghiệp)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

…………, ngày… tháng … năm …

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ

(Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp…hoặc đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các huyện miền núi hoặc thu hút lao động tại các huyện miền núi)

Kính gửi: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Căn cứ Nghị Quyết số …../NQ/2021/HĐND ngày … tháng …. năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026.

…(Tên đơn vị)…đề nghị hỗ trợ: (Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp…hoặc đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các huyện miền núi hoặc thu hút lao động tại các huyện miền núi), với các thông tin chính như sau:

I. Thông tin đơn vị đề nghị hỗ trợ

- Tên đơn vị:..................................................................................................

- Địa chỉ trụ sở chính: ...................................................................................

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ....do ...cấp ngày ...................

- Người đại diện theo pháp luật: ……..Chức danh.

II. Thông tin dự án đề nghị hỗ trợ

1. Tên dự án: ……………………………………………………………….

2. Địa chỉ dự án:…………………………………………………………..

3. Diện tích thuê đất:.....................................................................................

4. Tổng vốn đầu tư:.......................................................................................

5. Lĩnh vực sản xuất:……………………………………………………….

6. Nội dung đề nghị hỗ trợ: Đề nghị được hỗ trợ chính sách: (Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp…hoặc đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các huyện miền núi hoặc thu hút lao động tại các huyện miền núi) theo Nghị Quyết số …../NQ/2021/HĐND ngày … tháng …. năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026.

III. Hồ sơ kèm theo:

(Ghi rõ thành phần hồ sơ theo quy định tại Nghị Quyết số …../NQ/2021/HĐND ngày … tháng …. năm 2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026).

Đơn vị cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung đơn đề nghị hỗ trợ này./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở Công Thương;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND huyện...;
- Lưu:...

Người đại diện theo pháp luật
(Chữ ký, dấu)

 

Mẫu số 2

Đơn vị đề nghị hỗ trợ
(Tổ chức/cá nhân)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

…………, ngày… tháng … năm …

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ

Phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp

Kính gửi: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Căn cứ Nghị Quyết số …../NQ/2021/HĐND ngày … tháng …. năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026.

…(Tên tổ chức/cá nhân)…đề nghị hỗ trợ Phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, với các thông tin chính như sau:

I. Thông tin tổ chức/cá nhân đề nghị hỗ trợ

- Tên tổ chức/cá nhân:....................................................................................

- Đối với tổ chức:

+ Tên tổ chức:...............................................................................................

+ Địa chỉ trụ sở chính: ..................................................................................

+ Chức danh:.................................................................................................

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ....do ...cấp ngày ...(nếu có)

- Đối với cá nhân:

+ Họ tên:........................................................................................................

+ Số Căn cước công dân: ....Ngày cấp: ....; Nơi cấp: ............................................

+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: .......................................................................

+ Chỗ ở hiện tại: ....................................................................................................

II. Thông tin dự án đề nghị hỗ trợ

1. Tên làng nghề: …………………………………………………………..

2. Địa chỉ làng nghề:……………………………………………………...

3. Lĩnh vực sản xuất:……………………………………………………….

4. Tổng số lao động đang làm việc trong làng nghề:....................................

5. Nội dung đề nghị hỗ trợ: Đề nghị được hỗ trợ chính sách Phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo Nghị Quyết số …../NQ/2021/HĐND ngày … tháng …. năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026.

III. Hồ sơ kèm theo:

(Ghi rõ thành phần hồ sơ theo quy định tại Nghị Quyết số …../NQ/2021/HĐND ngày … tháng …. năm 2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026).

Tổ chức/cá nhân cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung đơn đề nghị hỗ trợ này./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND huyện....;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- Lưu:...

Người đại diện tổ chức theo pháp luật/cá nhân
(Chữ ký, ghi rõ họ tên)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 121/2021/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026

Số hiệu: 121/2021/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
Người ký: Đỗ Trọng Hưng
Ngày ban hành: 11/10/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [10]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 121/2021/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…