HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số
: 124-CP
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1963
|
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT,
BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC QUY PHẠM, QUY TRÌNH KỸ THUẬT DÙNG TRONG SẢN XUẤT CÔNG
NGHIỆP
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để tăng cường quản lý sản xuất,
quản lý kỹ thuật trong các xí nghiệp công nghiệp, nhằm nâng cao tính tổ chức và
kỷ luật trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật
liệu, bảo đảm chất lượng và quy cách sản phẩm, bảo đảm an toàn lao động cho
công nhân và bảo vệ tốt máy móc thiết bị;
Xét đề nghị của Ủy ban khoa học Nhà nước trong công văn số 224-KHH ngày 08
tháng 3 năm 1963,
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng
Chính phủ ngày 08 tháng 8 năm 1963.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1: - Nay
ban hành điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và
quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp.
Từ nay các công việc nghiên cứu,
xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy phạm Nhà nước, các quy phạm,
quy trình của các bộ, tổng cục và các quy trình của xí nghiệp đều phải theo
đúng các điều quy định trong điều lệ này.
Điều 2. - Ủy
ban khoa học Nhà nước có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành sản xuất
công nghiệp thi hành điều lệ này.
Điều 3. - Bản
điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng
|
ĐIỀU LỆ TẠM
THỜI
VỀ VIỆC DỰ THẢO, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC QUY PHẠM,
QUY TRÌNH KỸ THUẬT DÙNG TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Chương 1:
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. - Để
công tác quản lý kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp đi dần vào nền nếp, có
tổ chức và kỷ luật, nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật
liệu, bảo đảm chất lượng và quy cách sản phẩm, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ
tốt máy móc thiết bị, cần có các quy phạm, quy trình kỹ thuật.
Điều 2. – Nay
quy định ban hành thống nhất những tài liệu kỹ thuật trước đây gọi bằng những
danh từ khác nhau như quy phạm, quy trình, quy tắc, quy chương, quy chuẩn, pháp
quy, điều lệ kỹ thuật… dưới hai hình thức:
Quy phạm là tài liệu do Chính phủ,
một bộ hoặc tổng cục ban hành, quy định các nguyên tắc cơ bản, các mẫu mực vào
điều kiện kỹ thuật phải tôn trọng trong những công tác khảo sát, thiết kế, thi
công, lắp đặt, thí nghiệm, vận hành, quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa.
Quy trình là tài liệu do một bộ,
tổng cục hay một xí nghiệp ban hành, quy định chi tiết từng việc làm và trình tự
tiến hành.
Điều 3. – Căn
cứ vào nội dung, tính chất và phạm vi thi hành mà phân ra:
- Quy phạm Nhà nước do Chính phủ
ban hành, hoặc do Chính phủ ủy nhiệm cho một bộ hoặc cơ quan ngang bộ ban hành
có hiệu lực thi hành trong tất cả các bộ và tổng cục.
- Quy phạm, quy trình do một bộ
hoặc tổng cục ban hành có hiệu lực thi hành trong một bộ hoặc tổng cục.
Những điều quy định trong quy phạm,
quy trình do bộ hoặc tổng cục ban hành không được trái với những quy phạm Nhà
nước do Chính phủ ban hành.
- Các quy trình do giám đốc xí
nghiệp ban hành có hiệu lực thi hành trong một xí nghiệp. Những điều quy định
trong quy trình của xí nghiệp không được trái với các quy phạm, quy trình của
các bộ, tổng cục hoặc của Chính phủ.
Chương 2:
NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, DỰ
THẢO CÁC QUY PHẠM, QUY TRÌNH
Điều 4. – Hàng
năm mỗi xí nghiệp phải có kế hoạch xây dựng hoặc sửa đổi những quy trình dùng
trong xí nghiệp mình và báo cáo với bộ hoặc tổng cục để xét duyệt.
Phòng kỹ thuật của xí nghiệp có
trách nhiệm nghiên cứu, dự thảo các quy trình của xí nghiệp.
Điều 5. – Các
bộ và tổng cục hàng năm phải có kế hoạch xây dựng hoặc sửa đổi những quy phạm,
quy trình dùng trong bộ và tổng cục.
Các vụ Kỹ thuật, viện Nghiên cứu
kỹ thuật, viện Thiết kế, cục Quản lý của các bộ, tổng cục, có nhiệm vụ giúp bộ
hoặc tổng cục đặt kế hoạch xây dựng hoặc sửa đổi các quy phạm, quy trình thuộc
phạm vi ngành mình, vụ Kỹ thuật tổng hợp các kế hoạch đó thành kế hoạch chung của
bộ hoặc tổng cục. Sau khi thảo luận ở Hội đồng kỹ thuật, bộ hoặc tổng cục quyết
định phân công cho những cơ quan trong bộ hoặc tổng cục tiến hành nghiên cứu dự
thảo.
Điều 6. - Ủy
ban khoa học Nhà nước có nhiệm vụ tham gia ý kiến về kế hoạch xây dựng quy
phạm, quy trình của các bộ và tổng cục, chọn ra một số quy phạm dùng chung cho
nhiều bộ và tổng cục để đề nghị Chính phủ phân công cho một bộ hoặc tổng cục,
hay nhiều bộ và tổng cục phối hợp nghiên cứu dự thảo các quy phạm Nhà nước.
Điều 7. – Khi
nghiên cứu xây dựng quy phạm, quy trình cần căn cứ vào:
- Các yêu cầu cụ thể đối với từng
công việc, các điều kiện kỹ thuật và kinh tế phải tôn trọng;
- Các điều kiện thực tế và số liệu
điều tra thống kê trong nước;
- Các tiêu chuẩn quy phạm, quy
trình đã tạm thời hoặc chính thức ban hành;
- Kinh nghiệm thực tế trong những
công tác khảo sát, thiết kế, vận hành…
- Kết quả của công tác nghiên cứu
khoa học kỹ thuật, thí nghiệm và sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được xác nhận;
- Các tài liệu quy phạm, quy
trình của nước ngoài.
Điều 8. - Nội
dung quy phạm, quy trình phải bảo đảm:
- Tiết kiệm nguyên vật liệu,
nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thiết
bị và an toàn lao động cho công nhân;
- Áp dụng được trong điều kiện
thực tế của nước ta.
Điều 9. – Hình
thức trình bày quy phạm, quy trình phải thống nhất: ở đầu ghi rõ cơ quan ban
hành, phạm vi hiệu lực, nội dung chia từng phần, mỗi phần gồm nhiều điều có
đánh số thứ tự và trình bày ngắn, gọn, dễ hiểu, rõ ràng, chính xác, chữ dùng phải
thống nhất.
Điều 10. - Đối
với các quy trình dùng trong xí nghiệp cần tổ chức lấy ý kiến của cán bộ và
công nhân, viên chức. Các bản dự thảo quy phạm, quy trình dùng trong một bộ hoặc
tổng cục phải được sự đóng góp ý kiến của những cơ quan có liên quan trong bộ
hoặc tổng cục; các bản dự thảo quy phạm do Chính phủ ban hành phải được sự đóng
góp ý kiến của các bộ hoặc tổng cục có liên quan trước khi trình Chính phủ xét
duyệt. Các bản dự thảo phải có một bản thuyết minh kèm theo. Các cơ quan nhận
được bản dự thảo có trách nhiệm góp ý kiến trong thời hạn do cơ quan khởi thảo
đề nghị.
Chương 3:
XÉT DUYỆT VÀ BAN HÀNH
CÁC QUY PHẠM, QUY TRÌNH
Điều 11. – Các
bản dự thảo quy trình dùng trong xí nghiệp sẽ do giám đốc xí nghiệp thẩm tra lại
nội dung rồi quyết định cho thi hành tạm thời sau khi đã báo cáo lên bộ hoặc tổng
cục và được bộ hoặc tổng cục đồng ý.
Điều 12. – Các
bản dự thảo quy phạm, quy trình dùng trong một bộ hoặc tổng cục, sẽ do vụ Kỹ
thuật thẩm tra lại nội dung rồi đưa ra thảo luận thông qua ở Hội đồng kỹ thuật
bộ hoặc tổng cục, sau đấy Bộ trưởng hoặc Tổng cục trưởng quyết định cho thi
hành tạm thời. Trong thời gian thi hành tạm thời quy định cho từng văn kiện,
các cơ quan trong bộ hoặc tổng cục có trách nhiệm phát hiện vấn đề cần bổ cứu để
đề nghị với bộ hoặc tổng cục. Vụ kỹ thuật có trách nhiệm thu thập ý kiến, sửa lại
bản tạm thời và đưa ra thảo luận, thông qua ở Hội đồng kỹ thuật. Sau đấy Bộ trưởng
hoặc Tổng cục trưởng quyết định ban hành chính thức.
Điều 13. – Các
bản dự thảo quy phạm, quy trình dùng cho nhiều bộ và tổng cục sẽ do Ủy ban khoa
học Nhà nước thẩm tra lại nội dung và đưa ra thảo luận thông qua ở một hội nghị
đại biểu các bộ và tổng cục có liên quan, sau đấy đề nghị Chính phủ hoặc cơ
quan được Chính phủ ủy nhiệm cho thi hành tạm thời. Trong thời gian thi hành tạm
thời quy định cho từng văn kiện, các bộ và tổng cục có trách nhiệm phát hiện những
vấn đề cần bổ cứu và gửi những đề nghị Ủy ban khoa học Nhà nước, Ủy ban khoa học
Nhà nước sẽ đề nghị Chính phủ giao cho một cơ quan nghiên cứu các đề nghị ấy và
sửa lại bản tạm thời, sau đó Ủy ban khoa học Nhà nước thẩm tra lại nội dung và
đưa ra thảo luận ở một hội nghị đại biểu các bộ và tổng cục có liên quan. Sau
khi đã thống nhất ý kiến giữa các bộ, tổng cục và sửa lại văn bản, Ủy ban khoa
học Nhà nước sẽ đề nghị Chính phủ hoặc cơ quan được Chính phủ ủy nhiệm ban hành
chính thức.
Điều 14. – Quy
phạm, quy trình đã ban hành phải đăng ký vào sổ có đánh số và ký hiệu, do cơ
quan ban hành lưu trữ. Quy phạm của Nhà nước, quy phạm, quy trình dùng trong một
bộ hoặc tổng cục, được công bố trên công báo, trừ các quy phạm, quy trình được
coi là tài liệu bí mật Nhà nước thì không công bố trên công báo.
Các bộ và tổng cục có trách nhiệm
phổ biến và giải thích các quy phạm, quy trình đã ban hành xuống đến các cơ
quan và đơn vị sản xuất trong bộ hoặc tổng cục mình.
Điều 15. – Các
cơ quan ban hành các quy phạm, quy trình có quyền quy định một số quy phạm, quy
trình mà mình ban hành là tài liệu bí mật nếu xét thấy cần thiết. Các cơ quan,
đơn vị sản xuất và công nhân, viên chức phải giữ bí mật các tài liệu đó trong
khi sử dụng và sau khi sử dụng.
Chương 4:
QUẢN LÝ CÁC QUY PHẠM,
QUY TRÌNH
Điều 16. – Sau
khi các quy phạm, quy trình kỹ thuật được ban hành, cán bộ, công nhân, viên chức
trong các cơ quan đơn vị trong phạm vi mà quy phạm, quy trình có hiệu lực thi
hành đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Điều 17. – Các
cơ quan quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và thủ trưởng các đơn vị sản xuất,
khảo sát và thiết kế công nghiệp có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc
chấp hành các quy phạm, quy trình kỹ thuật trong phạm vi ngành, đơn vị của
mình.
Các cơ quan nghiên cứu khoa học,
kỹ thuật có nhiệm vụ kết hợp với các cơ quan nói trên trong việc kiểm tra, theo
dõi việc chấp hành hoặc xây dựng, bổ sung thay đổi các quy phạm, quy trình.
Riêng đối với các quy phạm về an
toàn lao động, bộ Lao động có nhiệm vụ cùng với công đoàn các cấp và các ngành
quản lý sản xuất, các cơ quan quản lý kỹ thuật theo dõi và kiểm tra đôn đốc việc
chấp hành.
Điều 18. – Trong
trường hợp đặc biệt không thể chấp hành được các quy phạm, quy trình đã ban
hành thì phải xin ý kiến và theo sự hướng dẫn của cơ quan ban hành.
Điều 19. - Việc
sửa đổi thay thế những quy phạm, quy trình đã ban hành do cơ quan ban hành quyết
định.
Điều 20. - Thể
lệ nghiên cứu dự thảo, xét duyệt và ban hành những quy phạm, quy trình sửa đổi
cũng phải theo như quy định trên đây đối với bản dự thảo đầu tiên.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng
|