ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2985a/KH-UBND |
Hà Nam, ngày 16 tháng 10 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 26/CT-TTG NGÀY 04/9/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ THEO HƯỚNG HIỆU LỰC VÀ HIỆU QUẢ HƠN
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn (Chỉ thị 26), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, người dân về việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm;
- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 26 đảm bảo hiệu quả, phù hợp với định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan bộ, ngành trung ương với địa phương; giữa các cơ quan sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố của tỉnh; giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp;
- Thực hiện hiệu quả việc phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế; hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Quyết định số 1256/QĐ-UBND ngày 29/10/2014 của UBND tỉnh) và các Nghị quyết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế như: Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO; Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách, các biện pháp thực thi đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đề xuất loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần tăng cường thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật và cam kết trong các FTA.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể thực thi các quy định của pháp luật và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo hợp pháp, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thể thức, đáp ứng yêu cầu quản lý; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật quốc tế, hướng dẫn phòng tránh và giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
- Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương (các Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước...) để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại đến các doanh nghiệp để ứng phó và hạn chế rủi ro, tổn thất; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để nắm tình hình, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết nhằm giúp doanh nghiệp tra cứu thông tin về các biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
- Sở Tài chính chủ trì rà soát, tham mưu đề xuất điều chỉnh, ban hành mới một số loại phí, đơn giá sử dụng dịch vụ công cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công.
- Cục Thuế tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” tiến tới “Một cửa liên thông điện tử” để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
- Chi cục Hải quan Hà Nam tiếp tục hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử; phát triển hệ thống đại lý làm thủ tục hải quan theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; thiết lập hệ thống xử lý công việc trực tuyến giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp; hoàn thiện dự án Tabmis, dự án hiện đại hóa thu nộp giữa cơ quan Thuế - Kho bạc nhà nước - Hải quan.
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
Chủ động cụ thể hóa và triển khai các chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 1218a/KH-UBND ngày 07/6/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 25/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Quyết định số 1823/QĐ-UBND ngày 15/11/2016 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2020; Đề án số 2213a/ĐA-UBND ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan đơn vị giai đoạn 2016-2020.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030”; Kế hoạch số 2308/KH-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, trong đó chú trọng Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chương trình hành động của UBND tỉnh (phê duyệt tại Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 30/6/2016) thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020,
- Sở Công Thương tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; mở rộng các kênh bán hàng và phân phối...; trong đó chú trọng các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do hiện hành và có tiềm năng đem lại tác động tích cực cho thương mại của tỉnh; tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
4. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư
- Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và các cơ quan liên quan tham mưu đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết và nâng cao vị thế quốc tế của tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; tiếp tục rà soát tham mưu xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, cơ chế thu hút đầu tư đối với các dự án lớn, dự án trọng tâm, trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh.
5. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Sở Công Thương chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền nội dung về các cam kết hội nhập quốc tế đến người dân, doanh nghiệp; theo dõi, giám sát việc thông tin, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông; chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành, đơn vị có liên quan triển khai các hội nghị, hội thảo, phổ biến kiến thức cho cán bộ các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do; các hiệp định kinh tế ASEAN, ASEAN+. Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế ở các cơ quan quản lý nhà nước; đào tạo kiến thức về thị trường, kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành doanh nghiệp, về công nghệ mới và công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nội dung tuyên truyền về phòng vệ thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và đăng tải các thông tin liên quan trên trang Web của Sở Công Thương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
2. Giao Sở Công Thương (Cơ quan giúp việc Ban hội nhập quốc tế về kinh tế) theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị thực hiện chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để kịp thời xem xét, quyết định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Kế hoạch 2985a/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn do tỉnh Hà Nam ban hành
Số hiệu: | 2985a/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Nam |
Người ký: | Nguyễn Xuân Đông |
Ngày ban hành: | 16/10/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 2985a/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn do tỉnh Hà Nam ban hành
Chưa có Video