Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang với các nội dung như sau:

I. SƠ LƯỢC HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG

1. Đánh giá chung

- Về công nghiệp: Mặc dù công nghiệp trong các năm qua được phát triển mở rộng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh chủ yếu gắn với chế biến nông thủy sản và các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Thiếu hoặc không có các doanh nghiệp phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ tri thức khoa học chất lượng cao…Năng lực sản xuất công nghiệp thực tế đều thấp hơn nhiều so với năng lực thiết kế ở hầu hết các mặt hàng chủ lực. Không gian hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung tại 03 địa phương: Thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Chợ Mới. Riêng các cơ sở sản xuất cá thể phân bổ khá đồng đều ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh, tăng dưới 10% giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021. Trong nội bộ khu vực sản xuất công nghiệp (SXCN), cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm cao nhất, trung bình chiếm khoảng 80% về giá trị sản xuất.

- Về thương mại: Các ngành dịch vụ thương mại nhìn chung đều có xu hướng tăng trưởng qua các năm. Hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiên ích,…được đầu tư phát triển mở rộng; thương mại điện tử được ứng dụng. Tuy nhiên, hoạt động thương mại nội địa với các loại hình truyền thống là chủ yếu, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn rộng lớn. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá ở một số mặt hàng chủ lực, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu nhìn chung chưa đa dạng, chưa phát huy hết tiềm năng phát triển của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu tăng trưởng chậm và thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

2. Hiện trạng kết cấu hạ tầng và năng lực phát triển ngành công thương

2.1. Hiện trạng kết cấu hạ tầng

a. Hạ tầng công nghiệp và năng lượng

- Về công nghiệp:

+ Khu công nghiệp: Đến nay, 03 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích khoảng 219,97 ha, và cả 03 KCN này đang hoạt động. Ngoài ra, KCN Vàm Cống, thành phố Long Xuyên với quy mô 193,31 ha, đang được nhà đầu tư thực hiện thủ tục xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

+ Cụm công nghiệp: Hiện nay có 9 cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động, trong đó có 02 CCN do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, khai thác và quản lý (CCN Long Châu - thị xã Tân Châu, CCN Vĩnh Bình - huyện Châu Thành), 04 CCN do nhà nước đầu tư (CCN Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên; CCN Tân Trung, huyện Phú Tân; CCN An Phú, huyện An Phú; CCN Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc); các cụm công nghiệp nhà nước đầu tư một phần, phần còn lại doanh nghiệp đầu tư: CCN Phú Hòa - huyện Thoại Sơn; CCN Lương An Trà - huyện Tri Tôn.

- Về năng lượng: Địa phương có tổng cộng 4 nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, với tổng công suất 256 MW. Ngoài ra tỉnh còn phát triển điện mặt trời áp mái, với công suất lắp đặt trên 146,8 MW.

b. Hạ tầng thương mại và logistics

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 02 trung tâm thương mại, 02 trung tâm mua sắm, 08 siêu thị (trong đó có 01 siêu thị chuyên doanh), 89 cửa hàng tiện lợi và 186 chợ truyền thống, trong đó: 10 chợ hạng II, 176 chợ hạng III phân bổ đều 11 huyện, thị, thành phố.

- Hệ thống kho dự trữ xăng dầu: Trên địa bàn có 9 kho trung chuyển xăng dầu cấp tỉnh có quy mô sức chứa dưới 5.000 m3. Ngoài ra, toàn tỉnh có 563 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (462 cửa hàng mặt đất, 101 xà lan xăng dầu).

- Cơ sở hạ tầng của các khu chức năng tại khu kinh tế cửa khẩu cơ bản hoàn chỉnh như: KCN Xuân Tô (57 ha), Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình (34 ha); Khu thương mại - công nghiệp Vĩnh Xương (21 ha).

- Khu vực cửa khẩu: hiện có 08 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung... đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân, từng bước đảm bảo và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương

- Hạ tầng dịch vụ logistics: Hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 7 cảng thủy, trong đó có 02 cảng vận chuyển hàng hóa, 01 cảng hành khách và 04 cảng chuyên dùng.

2.2. Năng lực phát triển ngành công thương

- Về năng lực thương mại: Hoạt động thương mại nội địa phát triển với khoảng 2.500 doanh nghiệp và hơn 110 ngàn hộ cá thể kinh doanh dịch vụ.

- Về năng lực công nghiệp chế biến: Tính đến nay, cả tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp; trong đó, doanh nghiệp xay xát gạo chiếm nhiều nhất (100 doanh nghiệp), kế tiếp là doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (34 doanh nghiệp), doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả (7 doanh nghiệp).

- Về năng lực xuất khẩu hàng hóa: hiện có trên 97 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Trong đó có 19 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, 46 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; 01 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả; 12 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc ngành hàng may mặc-da giày. Ngoài ra đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, còn có 19 doanh nghiệp ngoài tỉnh nhưng có kho chế biến gạo trên địa bàn An Giang.

- Về năng lực phát triển ngành năng lượng tái tạo: với sản lượng trấu, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác tỉnh An Giang có tiềm năng phát triển thêm các nguồn điện sinh khối, rác thải và điện gió.

II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN

1. Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương tỉnh An Giang đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030, bao gồm các chỉ tiêu cơ bản như sau:

TT

Chỉ tiêu

2021-2025

2026-2030

 

I

Về phát triển công nghiệp

 

 

 

1

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân/năm

9,8%

≥ 10%

 

2

Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP

12%

17% vào năm 2030

 

3

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP

9,2

12%

 

II

Về phát triển năng lượng

 

 

 

1

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng (Pmax theo Công ty Điện lực An Giang cung cấp năm 2023 tại đầu thanh cái 110kV)

55%

(256/462 MW)

52%

(402/774 MW)

 

III

Về phát triển thị trường trong nước

 

 

 

1

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/năm (chưa loại trừ yếu tố giá)

10%

12%

 

2

Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại

10% vào năm 2025

13% vào năm 2030

 

3

Tỷ lệ doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả tỉnh

5%

8% vào năm 2030

 

 

IV

Về phát triển xuất khẩu

 

 

 

1

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân/năm

5,23%

2,5%

 

2

Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu

62%

58%

 

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tái cơ cấu ngành công nghiệp

a) Đến năm 2030, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: chế biến lương thực, thực phẩm (sản phẩm chế biến từ gạo, chế biến từ rau củ quả, chế biến từ thủy sản nuôi, chế biến từ nấm, chế biến dược liệu, các thực phẩm chế biến khác…); công nghiệp sản xuất may mặc, da giày; công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; công nghiệp năng lượng... đạt trình độ phát triển khá và nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu về giá trị sản xuất công nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số phát triển công nghiệp đạt bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2030, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 17% trong GRDP của tỉnh.

b) Tập trung phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ sạch, đảm bảo môi trường; tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh.

c) Nhiệm vụ trọng tâm trên một số lĩnh vực công nghiệp chủ yếu như sau:

- Công nghiệp chế biến gạo và thủy sản: Phát triển các dòng sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chế biến sâu, cùng với việc xây dựng thương hiệu uy tín để thâm nhập sâu vào chuỗi phân phối toàn cầu, giúp duy trì và phát triển vị thế dài hạn. Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng khác thông qua ứng dụng công nghệ.

- Công nghiệp chế biến rau quả: Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến rau quả gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu. Nâng cao năng lực chế biến rau quả, tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phụ phẩm sau chế biến.

- Công nghiệp chế biến dược liệu, thuốc y học: Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc; phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, trong đó chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài.

- Công nghiệp may mặc: Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu. Trong đó phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công); đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

d) Công nghiệp hỗ trợ: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: dệt may, da giày, cơ khí,… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong tỉnh với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp địa phương.

đ) Không gian phát triển công nghiệp: Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp của địa phương đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất các lợi thế của địa phương về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực. Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

e) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tại các địa phương. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công.

2. Tái cơ cấu ngành năng lượng

a) Đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn điện.

b) Khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phù hợp với Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, đối với Điện mặt trời nối lưới giữ nguyên công suất 256 MW, phát triển 01 dự án đối với điện rác với tổng công suất khoảng 20 MW, 02 dự án điện sinh khối với tổng công suất 80 MW. Phát triển dự án điện gió đạt khoảng 50MW.

c) Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án năng lượng, kịp thời khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, gắn với bảo vệ môi trường.

d) Rà soát tính phù hợp của các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đối với các dự án năng lượng theo từng thời điểm, kịp thời tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế.

đ) Tăng cường các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn tỉnh hàng năm đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

e) Đối với ngành điện: Tái cơ cấu ngành điện theo hướng hiện đại. Đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, tin cậy và hiệu quả. Nâng cao chất lượng cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất kinh doanh và sinh hoạt; Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải.

3. Tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu

a) Tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại tỉnh (các sản phẩm từ cá tra, lúa, nếp, xoài,...) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.

b) Nhóm hàng mới: Rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.

c) Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài.

d) Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được. Chú trọng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ các công nghệ tiên tiến gắn với việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật công nghệ.

đ) Hình thành được hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Phát triển thương hiệu An Giang ở nước ngoài.

e) Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ hạ tầng logistics phục vụ xuất khẩu.

g) Phát triển thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế An Giang, đưa An Giang trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế với thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN. Phát triển toàn khu kinh tế cửa khẩu An Giang thành một trong các khu kinh tế trọng điểm quốc gia, trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững.

4. Tái cơ cấu thị trường trong nước

a) Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại; quan tâm định hướng các doanh nghiệp lớn để dẫn dắt thị trường và kích thích sản xuất trên địa bàn để cung cấp tiêu dùng nội tỉnh, trong nước.

b) Xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa. Đặc biệt chú trọng đến hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

c) Hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh bền vững; đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.

d) Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; tập trung tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống, đặc sản của tỉnh gắn với xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; gắn việc phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống, đặc sản địa phương với phát triển du lịch.

5. Hội nhập kinh tế quốc tế

a) Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng củng cố các nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường nội lực của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp trong nước là trọng tâm để hợp tác, hội nhập và ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc bất lợi từ bên ngoài. Thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông - lâm thủy sản, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường…. Nâng cao khả năng tham gia của tỉnh vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

b) Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ. Nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập.

c) Đẩy mạnh hội nhập toàn diện và bền vững thông qua tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn… Chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và các hoạt động của cộng đồng kinh tế khu vực và quốc tế.

IV. TẠO LẬP CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

1. Phát triển công nghiệp gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ: Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

2. Năng lượng tái tạo: Từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đồng thời đẩy mạnh thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Thương mại điện tử: Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, khai thác có hiệu quả xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử.

+ Về quy mô thị trường thương mại điện tử: giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt 50% dân số sử dụng internet của tỉnh có tham gia mua sắm trực tuyến; trên 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường chấp nhận thêm phương thức thanh toán tiền điện tử. Giai đoạn 2026-2030, các chỉ tiêu trên đều đạt trên 70%.

+ Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp: Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu: trên 50% doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả; 50% sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được trưng bày và bán trên các sàn thương mại điện tử phổ biến; có ít nhất 50% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; hỗ trợ 100% doanh nghiệp có ngành nghề hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản bán hàng trực tuyến trong nước hoặc xuất khẩu hiệu quả. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu các chỉ tiêu trên lần lượt đạt 70%; duy trì và nâng chất hỗ trợ 100% doanh nghiệp có ngành nghề hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản bán hàng trực tuyến trong nước hoặc xuất khẩu hiệu quả.

4. Khai thác kinh tế ban đêm

- Khai thác tiềm năng phát triển các khu kinh tế ban đêm, tuyến phố đi bộ ở trung tâm TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc….

- Hình thành các chợ hoặc tuyến phố chuyên đề ẩm thực phục vụ khách du lịch, trong đó kết hợp các hoạt động mua bán và thưởng thức ẩm thực chế biến tại chỗ; hình thành các khu phố mua sắm, các trung tâm thương mại... thu hút các thương hiệu nổi tiếng có gian hàng tại An Giang; khuyến khích các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, đặc biệt tại các khu vực phát triển kinh tế ban đêm, khu vực trung tâm…

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Cập nhật, triển khai thực hiện nghiêm túc các thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các cam kết quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo lập môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao.

a) Trong lĩnh vực công nghiệp

- Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch và đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch lĩnh vực phát triển công nghiệp như: Chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ di dời các các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình khuyến công.... để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông thủy sản có ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

- Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số, các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 (như camera Ai kiểm soát ra/vào Khu công nghiệp, bản đồ số trong Khu công nghiệp/Khu kinh tế cửa khẩu, cửa khẩu số...) để nâng cao hiệu quả quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc xúc tiến đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ hạ tầng cụm công nghiệp, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư phát triển cụm công nghiệp và xử lý tốt các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu của các cụm công nghiệp.

- Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp nói chung và các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn. Tái cơ cấu các hoạt động khuyến công tại địa phương theo hướng phát huy vai trò của các thành phần kinh tế trong việc tham gia đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tăng cường liên kết phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa của địa phương với các địa phương khác trong vùng và liên vùng.

- Tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công của địa phương.

b) Trong lĩnh vực năng lượng

- Triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh và hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bảo đảm an ninh năng lượng. Khuyến khích tiêu thụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông.

- Triển khai thực hiện tốt các chính sách quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Từng bước chuyển dịch từ cơ chế “tự nguyện” sang “bắt buộc” về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với một số lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp; thương mại, dịch vụ; giao thông; nông nghiệp.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Số hóa các hoạt động tiếp cận năng lượng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng; các hoạt động quản lý, vận hành hệ thống năng lượng.

- Rà soát, báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án phát triển các ngành năng lượng có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với các Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành quốc gia.

- Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn.

- Đối với ngành điện:

+ Triển khai thực hiện tốt cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, các chính sách về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.

+ Triển khai thực hiện tốt các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng và phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), đặc biệt các dự án ĐMTMN có công suất từ 100kWp trở lên phải lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển từ xa, kết nối với hệ thống điện tập trung chịu sử quản lý, vận hành của cơ quan Điều độ Việt Nam để các chủ đầu tư phối hợp vận hành hệ thống điện.

+ Triển khai thực hiện tốt các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, công tác giao nhận tài sản các công trình điện.

c) Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các tập đoàn phân phối quốc tế. Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình về xúc tiến nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi cho việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nhà cung ứng, các thị trường, các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong nước chưa sản xuất được; nguyên, vật liệu và máy móc phục vụ sản xuất trong nước.

- Thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý nhập khẩu, nhất là nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, có khả năng làm tổn hại môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu.

- Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu, đáp ứng các quy tắc nguồn gốc xuất xứ để tận dụng có hiệu quả các FTA đã ký kết gắn với nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận. Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường, mặt hàng và hỗ trợ kết nối xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

- Triển khai xây dựng nền tảng cửa khẩu số tại các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo Đề án 06/CP về việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước ở các khu kinh tế cửa khẩu ở An Giang.”

- Phát triển Trung tâm Logistics Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên quy mô khoảng 150 ha và Trung tâm Logistics Cửa khẩu Khánh Bình quy mô khoảng 35 ha nhằm tăng cường lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu với Campuchia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

- Phát triển 01 trung tâm logistics cấp Vùng đặt tại TP. Long Xuyên (trong trung tâm đầu mối cấp vùng tại TP. Long Xuyên, khu vực xung quanh cảng Mỹ Thới) có quy mô tối thiểu từ 20 ha trở lên; nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 trung tâm logistics này được đưa vào khai thác.

- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương. Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR Code... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.

d) Phát triển thị trường trong nước

- Cập nhật, triển khai thực hiện tốt: các chính sách về khuyến khích phát triển thị trường đối với các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số,... để kích cầu, mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ.

- Tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trọng điểm như hệ thống chợ đầu mối gắn với các trung tâm logistics. Khuyến khích đầu tư phát triển và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại tại các vùng sâu, vùng xa.Trong giai đoạn từ nay đến 2030, tập trung phát triển mới 33 siêu thị và 23 trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bán hàng đa cấp.

- Tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm của địa phương vào hệ thống phân phối, bán lẻ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn; kết nối có hiệu quả giữa sản xuất của địa phương với các nguồn tiêu thụ, các nhà phân phối trong và ngoài nước.

- Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động tăng cường thu hút đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Rà soát, báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển thị trường nội địa, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại phát triển liên kết ổn định lâu dài với các cơ sở công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, cơ sở chế biến nông sản, hợp tác xã thương mại, cơ sở nuôi, trồng nông, lâm, thủy sản tại địa phương để xây dựng nguồn hàng ổn định, giảm chi phí lưu thông và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, liên kết vùng, ngành trong nước, khuyến khích các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau, khai thác tối đa khu vực thị trường nông thôn, miền núi, biên giới thông qua tổ chức tuyên truyền quảng bá về sản phẩm trong nước, các chương trình tuần hàng tháng khuyến mại, phiên chợ nhằm phát triển mạng lưới đại lý phân phối sản phẩm, cung ứng các sản phẩm thiết yếu cho người dân vùng sâu, đảm bảo an sinh xã hội.

đ) Hội nhập quốc tế về kinh tế

- Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các hiệp định thương mại, hiệp định đối tác kinh tế, hiệp định đối tác trong một số lĩnh vực thương mại cụ thể với các khu vực thị trường có tiềm năng phát triển kinh tế - thương mại, đặc biệt là các quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi thế cạnh tranh mang tính bổ trợ với tỉnh nhà.

- Thực hiện nghiêm túc cơ chế phối hợp trong quá trình xây dựng phương án và tổ chức thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh của từng ngành, địa bàn trong hội nhập.

- Xây dựng và tổ chức triển khai các Chương trình hành động, Kế hoạch hành động thực hiện các FTA và các cam kết, hợp tác về hội nhập để tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận để hướng tới xuất nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài.

2. Huy động các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành công thương

a) Về công tác đầu tư công

- Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công trong lĩnh vực Công Thương theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

- Tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào các dự án lớn, quan trọng của tỉnh, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa và gia tăng động lực tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực then chốt như: công nghiệp chủ lực, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp môi trường, năng lượng sạch, hạ tầng thương mại, các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị, các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa, …

- Triển khai thực hiện, áp dụng nghiêm túc tiêu chí, điều kiện về thu hút đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư FDI vào ngành công nghiệp, năng lượng và hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Ưu tiên các dự án FDI có định hướng rõ ràng về sử dụng linh phụ kiện sản xuất trong nước, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, có liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

- Thu hút, đón đầu có hiệu quả xu hướng dịch chuyển đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện tốt các quy định khắc phục chuyển giá, đầu tư "núp bóng", có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát thải cao đối với đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp.

b) Công tác tài chính-tiền tệ

- Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục tiếp cận tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ các quỹ, chương trình, đề án về hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp có các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp và trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

- Nghiên cứu, vận dụng và triển khai có hiệu quả các chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi, các chương trình mở rộng tín dụng khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chủ yếu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, phát thải thấp, dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…; các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị toàn cầu, các dự án đầu tư theo cụm liên kết ngành công nghiệp, chuỗi cung ứng theo hệ thống phân phối, các dự án của doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số có tiềm năng xuất khẩu và xuất khẩu trực tiếp.

- Hoàn thiện hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, chứng từ điện tử, thương mại không giấy tờ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới và phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.

c) Về ứng dụng khoa học công nghệ

Xây dựng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn với mục tiêu phát triển ngành, nhu cầu đổi mới và nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp, phát triển chuỗi giá trị của sản phẩm và tạo giá trị gia tăng cao. Ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về nâng cao năng suất, chất lượng trong các ngành công nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chủ yếu đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế (cơ khí chế tạo, hóa chất, phân bón, vật liệu, công nghiệp hỗ trợ,…), công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng, thương mại điện tử, cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa; phát triển các sản phẩm, dịch vụ số,…

d) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp

Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy nhanh chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, dệt may, da giày, thực phẩm,...; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến công nghệ; áp dụng các mô hình quản trị, sản xuất hiện đại, bền vững, tuần hoàn và ít phát thải nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phát triển bền vững; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, có trách nhiệm xã hội, lao động của các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.

- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương về xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ và phân phối.

- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng và triển khai các chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

3. Cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền; thực thi Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.

a) Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước của ngành Công Thương

- Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện/thành phố thuộc tỉnh phù hợp với quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương.

- Tăng cường năng lực thực thi có hiệu quả Luật Cạnh tranh. Tổ chức lại các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện phòng vệ thương mại đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin về thương mại và đầu tư ở nước ngoài, nhất là ở các địa bàn nhiều tiềm năng để mở rộng hỗ trợ cho các doanh nghiệp An Giang ở nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển Văn phòng nghiên cứu và phát triển thị trường ở nước ngoài.

- Hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh việc chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành lập công ty cổ phần. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, chuyển đổi cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang phương thức đặt hàng.

b) Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và số hóa công tác quản lý của ngành Công Thương

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn gắn với đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong cung cấp các dịch vụ công được phân công. Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh.

4. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững

a) Thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.

b) Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Phải có hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; công trình, thiết bị ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các cụm công nghiệp đang hoạt động thì phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung. Rà soát, yêu cầu các dự án, cơ sở chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa. Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường (có chuyên ngành môi trường) và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

c) Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, lao động, phát thải các bon thấp đối với hàng hóa xuất khẩu; phát triển xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh,...; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về các quy định, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn lao động, ...

d) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thương mại. Rà soát, ứng dụng hệ thống các công cụ, chính sách kiểm soát nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, máy móc, thiết bị đảm bảo các yêu cầu về môi trường, biến đổi khí hậu; khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng.

đ) Hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho người lao động; đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

e) Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn về thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu về môi trường, phát thải thấp của các thị trường xuất khẩu; khai thác các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp về triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp...

g) Khuyến khích, thúc đẩy tiêu dùng xanh. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc phân phối và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh, các sản phẩm các bon thấp...; đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị xanh, thân thiện môi trường.

5. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương

- Nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành Công Thương tại địa phương phù hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Công Thương; kết nối với hệ thống các thông tin của Bộ Công Thương và các địa phương khác.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chất lượng cao cho thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương.

- Tăng cường các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ giải pháp theo Kế hoạch này.

- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ hằng năm Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.

- Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030: Chương trình khuyến công; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử; Kế hoạch triển khai chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh An Giang; Kế hoạch phát triển hệ thống logistics tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025….

- Chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được phân công gửi về Bộ Công Thương (Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động cùng các nhiệm vụ khác được giao quy định tại Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Bộ Công Thương.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các sở ngành triển khai chương trình xúc tiến, kêu gọi thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp; tham mưu xây dựng danh mục và triển khai kêu gọi, thu hút các dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển giai đoạn đến năm 2030; theo dõi và đôn đốc các dự án triển khai theo tiến độ cấp phép; Rà soát, đề xuất UBND tỉnh xử lý dứt điểm các dự án không đảm bảo tiến độ theo quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp;

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách như Chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định nhà nước hiện hành.

Căn cứ Kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan có ý kiến về dự toán kinh phí thực hiện hàng năm, tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí thực hiện trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, dự án và các nguồn hợp pháp khác theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học - công nghệ; triển khai đặt hàng và đề xuất danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan, tổng hợp Danh mục trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến Kế hoạch này, đặc biệt có giải pháp phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Phối hợp các địa phương và các ngành có liên quan trong việc giám sát việc sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật; phát triển thị trường cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.

8. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

9. Cục Thống kê

Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương thực hiện rà soát, thống kê và đánh giá các chỉ tiêu phát triển ngành Công Thương theo quý, năm.

10. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Xúc tiến thương mại.

11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng.

12. Các sở, ngành khác và các hiệp hội

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương và các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thuộc Kế hoạch.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo thực hiện: Xây dựng các Chương trình, Đề án, Kế hoạch thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn; bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan trong tổ chức triển khai các nội dung có liên quan của Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị có liên quan, tích cực triển khai để hoàn thành các mục tiêu, nội dung nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (b/c) ;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh, TT.UBND tỉnh (b/c);
- Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các phòng thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Phước

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 178 /KH-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện:

TT

Nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện

Văn bản ban hành

1

Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 17/02/2023 của UBND tỉnh An Giang

2

Kế hoạch triển khai thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang

Kế hoạch số 749/KH-UBND ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh An Giang

3

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh An Giang

4

Kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030

Kế hoạch số 455 /KH-UBND ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh An Giang

5

Kế hoạch Phát triển hệ thống logistics tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 04/6/2021

6

Kế hoạch Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025

Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 của UBND tỉnh An Giang

7

Chương trình Khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025

Quyết định số 2080/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh An Giang

II. Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm:

TT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian trình

Cấp trình

1

Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, thay thế Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2024

UBND tỉnh

2

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2023- 2024

UBND tỉnh

3

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang giai đoạn 2026-2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2025

UBND tỉnh

4

Kế hoạch triển khai thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2026 – 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2025

UBND tỉnh

5

Kế hoạch Phát triển hệ thống logistics tỉnh An Giang giai đoạn 2026-2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2025

UBND tỉnh

6

Kế hoạch/Phương án phát triển hạ tầng cụm công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2024

UBND tỉnh

7

Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2025-2023

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2024

UBND tỉnh

8

Kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tỉnh An Giang đến năm 2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2024

UBND tỉnh

9

Kế hoạch Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2026- 2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2025

UBND tỉnh

10

Kế hoạch xanh hóa công nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2024

UBND tỉnh

11

Chương trình khuyến công tỉnh An Giang giai đoạn 2025-2030

Sở Công Thương

Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện

2025

UBND tỉnh

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2024 triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu: 178/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
Người ký: Lê Văn Phước
Ngày ban hành: 28/02/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [8]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2024 triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…