BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1630/KH-BCT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2016 |
CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ NĂM 2016
Thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 ngày 26 tháng 01 năm 2016 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
a) Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
b) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn của cộng đồng, sức khỏe của người dân.
a) Các cơ quan, đơn vị và công chức thuộc ngành Công Thương phải quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm; tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
c) Nắm vững tình hình tại các địa bàn, tuyến trọng điểm, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ có hiệu quả, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
d) Triển khai các kế hoạch chuyên đề, trọng tâm vào các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, các loại hàng hóa nhập khẩu, hàng có thuế suất cao, hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt là tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ; Công điện số 90/CĐ-BCĐ ngày 13 tháng 7 năm 2015 về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Công điện số 05/CĐ-BCĐ389 ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Quyết định số 76/QĐ-BCT ngày 08 tháng 01 năm 2016 của Bộ Công Thương về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
2.1. Xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giám sát, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, tập trung vào các nội dung sau:
a) Thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương.
b) Yêu cầu đối với các Kế hoạch chuyên đề:
- Đảm bảo bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm soát; phân công, giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho các đơn vị trực tiếp quản lý địa bàn, đảm bảo tăng các cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính, tịch thu tang vật đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả tại các địa bàn, tuyến trọng điểm.
- Đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ; huy động các lực lượng, đơn vị cùng đấu tranh trên cơ sở phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thế trận hiệp đồng liên hoàn, khép kín, hiệu quả giữa các lực lượng ở biên giới cửa khẩu và nội địa.
- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng hóa, các vi phạm về giá, ghi nhãn hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... trên thị trường nội địa.
c) Về mặt hàng: chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng cấm (vật liệu nổ, pháo, tài liệu phản động, động vật, thực vật hoang dã, vàng, ngoại tệ, máy móc thiết bị đã qua sử dụng); các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế (thuốc lá, rượu, xăng, dầu, than, quặng); các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường (thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hóa chất và các loại chất cấm trong thức ăn chăn nuôi…).
d) Về địa bàn: tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội và các tỉnh lân cận; từ khu vực biên giới Tây Nam về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; từ các khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa, đường hàng không, đường biển... nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, An Giang... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
đ) Tiếp tục thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đã được phê duyệt. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
2.2. Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Hóa chất, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp, hỗ trợ cho lực lượng Quản lý thị trường trong việc thu thập thông tin, trao đổi nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan.
a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Bộ Công Thương đúng tiến độ; bảo đảm chất lượng, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật.
b) Cục Hóa chất:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Quản lý thị trường; bổ sung hành vi kinh doanh phân bón không đạt chất lượng so với công bố trên nhãn; bổ sung thẩm quyền tịch thu phân bón đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh, Thanh tra chuyên ngành,...;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón vô cơ.
c) Cục Quản lý thị trường:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng;
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Pháp lệnh Quản lý thị trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành;
- Tiếp tục tăng cường chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ của đơn vị Quản lý thị trường các cấp với việc rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; tập hợp, kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung để đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ Công Thương.
d) Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản để quản lý chặt chẽ việc vận chuyển khoáng sản bằng đường biển và đường thủy nội địa, tránh bị lợi dụng để xuất lậu theo chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 8263/VPCP-V.I ngày 03 tháng 10 năm 2013.
đ) Các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, rà soát, đánh giá, phát hiện những quy định bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về thương mại, quản lý thị trường và xử lý vi phạm hành chính; kịp thời kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là việc rà soát, chấn chỉnh, hoàn thiện chính sách thương mại biên giới, khu thương mại, chính sách kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại.
4. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường:
- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ Trung ương và địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra kiểm soát, tập trung xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi; các điểm lên xuống, nơi giao nhận hàng hóa trên tất cả các tuyến hàng không, đường bộ, đường sắt, bưu điện qua đó để phát hiện hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam; nhất là địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký với các lực lượng chức năng như quy định tại Quyết định 65/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
- Tăng cường các hoạt động phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp trong trao đổi thông tin, hỗ trợ chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế trọng tâm vào phối hợp giữa các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu hợp tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
5. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường
Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường cả nước:
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BCT ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường,
- Có kế hoạch, hình thức thiết thực thực hiện Chỉ thị số 14/CT-BCT ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường các cấp; tăng cường thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức; tổ chức sơ kết, đánh giá nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức Quản lý thị trường;
Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Kế hoạch số 7105/KH-BCT ngày 29 tháng 7 năm 2014; công văn số 7599/BCT-QLTT ngày 11 tháng 8 năm 2014 về việc tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và Kế hoạch số 2232/KH-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của ngành Công Thương về công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
7. Đẩy mạnh phát triển sản xuất và thị trường trong nước
a) Vụ Thị trường trong nước phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát tình hình thu mua nông sản trên các địa bàn trong cả nước, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm.
b) Cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chủ trương của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng mang thương hiệu “Made in Vietnam”.
c) Các cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương có phương án cải tiến công nghệ, phát triển sản xuất thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa bảo đảm chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
1. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai ngay Kế hoạch này.
2. Cục Quản lý thị trường là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ việc triển khai thực hiện Kế hoạch này định kỳ Quý I, 6 tháng đầu năm, Quý III và tổng kết công tác năm 2016.
3. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Quản lý thị trường chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình, đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về Cục Quản lý thị trường để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Kế hoạch 1630/KH-BCT công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu: | 1630/KH-BCT |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương |
Người ký: | Đỗ Thắng Hải |
Ngày ban hành: | 26/02/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 1630/KH-BCT công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 do Bộ Công thương ban hành
Chưa có Video