Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN
THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1239/KH-BCĐ389

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, SẢN XUẤT, KINH DOANH PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT GIẢ, KÉM CHẤT LƯỢNG

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp trên các địa bàn trọng điểm; góp phần kiềm chế, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; nhằm chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) xây dựng Kế hoạch cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường toàn quốc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng.

2. Yêu cầu

- Các bộ, ngành, lực lượng chức năng Trung ương và các cấp địa phương được phân công thực hiện kế hoạch phải phân định đúng thẩm quyền, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; nói không với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc đối với các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quá trình thực hiện không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, gây cản trở đến hoạt động bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

- Phát hiện những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP

1. Thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn diện trên phạm vi toàn quốc về công tác cấp phép, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh; công tác kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm, công bố hợp quy, hợp chuẩn; việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tái kiểm theo thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị chức năng đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

3. Tập trung thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

4. Tổng hợp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản qui phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở và hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

5. Thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh và không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

6. Tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để tham mưu về chủ trương, giải pháp phát triển bền vững thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ NGÀNH, CƠ QUAN CHỨC NĂNG Ở TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan chức năng liên quan:

+ Rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như: Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thống kê, đánh giá hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã ban hành; thống nhất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng hệ thống các phòng thử nghiệm đủ năng lực phục vụ quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;

+ Phát hiện những bất cập, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ đạo Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp Cục Bảo vệ thực vật, các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ và các bộ, ngành, địa phương:

+ Tiến hành tổng rà soát tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc;

+ Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác quản lý, cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị có chức năng, thẩm quyền; kiểm nghiệm, khảo nghiệm, thử nghiệm, công bố hợp quy, hợp chuẩn; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra, tái kiểm đối với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi toàn quốc;

+ Phát hiện và phối hợp cơ quan chức năng điều tra, kết luận, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý, cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, thử nghiệm công bố hợp quy, hợp chuẩn của các tổ chức, đơn vị, cá nhân; xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc;

+ Tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vi phạm trong quản lý nhà nước và vi phạm trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan chức năng liên quan chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vật là hàng thật, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; những hậu quả, tác hại của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; thông tin về kết quả xử lý hành vi buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

- Chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan xử lý (tiêu hủy) tang vật là các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bị tịch thu, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, an toàn và bảo vệ môi trường.

2. Bộ Công Thương

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng liên quan và các địa phương:

+ Tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện qui định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm;

+ Phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi buôn lậu, vi phạm pháp luật trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, các cơ quan báo chí truyền thông:

+ Thường xuyên trao đổi, thống nhất chỉ đạo xử lý thông tin về hành vi buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc;

+ Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vật là hàng thật, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; những hậu quả, tác hại của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thống kê hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã ban hành; thống nhất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Phối hợp các bộ, ngành, cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xác định phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để làm căn cứ kết luận, xử lý các hành vi vi phạm.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành chức năng liên quan để chỉ đạo xử lý (tiêu hủy) tang vật là các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bị tịch thu.

4. Bộ Tài chính

- Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ, các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc thực hiện qui trình, thủ tục hải quan về xuất khẩu, nhập khẩu các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trong đó, tập trung thực hiện giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa (trường hợp cần thiết có thể thực hiện giám sát trực tuyến việc lấy mẫu để kiểm tra chất lượng); phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ, các ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm trong việc chấp hành các quy định về thuế đối với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

5. Bộ Công an

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá hoạt động cấp phép, kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, công bố hợp quy, hợp chuẩn và các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các cơ quan chức năng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

- Chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, Công an các địa phương chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

6. Bộ Quốc phòng

- Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, các đường mòn, lối mở, sông suối biên giới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đường dây, đối tượng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc qua biên giới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân ở khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc qua biên giới.

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là những vùng biển trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đường dây, đối tượng hoạt động buôn lậu, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bằng đường biển.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành chức năng liên quan, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức thông tin về tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vật là hàng thật, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; những hậu quả, tác hại của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thống nhất trên địa bàn tỉnh, thành phố; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; tập trung vào những nội dung sau:

+ Tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn diện việc cấp và quản lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón;

+ Kiểm tra, rà soát, thống kê tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý;

+ Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong lấy mẫu khảo nghiệm, thử nghiệm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;

+ Tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xảy ra thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, phổ biến, hướng dẫn, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vật là hàng thật, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; những hậu quả, tác hại của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; đồng thời phát hiện, tố giác những hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho cơ quan chức năng xử lý.

- Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, thành phố, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Quỹ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo, quảng cáo, trưng bày hàng mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vật là hàng thật, hàng giả, kém chất lượng, những mặt hàng được phép sử dụng, những mặt hàng cấm sử dụng; kiến nghị các chủ trương, chính sách, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ thương hiệu.

- Thực hiện khen thưởng theo qui định đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch; chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ thoái hóa, biến chất, vi phạm công tác quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ, bảo kê, tiếp tay, bao che hoặc để kéo dài, không xử lý dứt điểm các vụ việc buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

- Giao Cơ quan Thường trực (Văn phòng Thường trực) Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả, kiểm tra xác thực thông tin về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương phối hợp điều tra, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo qui định của pháp luật.

9. Các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, hội ngành nghề liên quan

- Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể vận động phong trào nhân dân tích cực tham gia công tác phát hiện, đấu tranh “phòng, chống buôn, lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng”.

- Đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng, chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh, thành phố tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường; tham gia các đợt tập huấn, hội thảo, trưng bày hàng mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả, kém chất lượng, những mặt hàng được phép sử dụng, những mặt hàng cấm sử dụng; tham gia đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân.

- Đề nghị Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam:

+ Thực hiện vai trò liên kết, hợp tác, bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích giữa thành viên là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với nông dân và người tiêu dùng;

+ Thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, bình ổn giá, tham gia đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển và quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chống sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Đề nghị Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Quỹ Chống hàng giả Việt Nam trao đổi thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tổ chức hội thảo, khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm, kiến nghị các chủ trương, chính sách, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ thương hiệu.

- Đề nghị Quỹ Chống hàng giả Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin, nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ cao và huy động các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn tài chính, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

10. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

- Chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng chức năng xây dựng các văn bản và tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch nghiêm túc, hiệu quả.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, hội ngành nghề liên quan, các cơ quan báo chí truyền thông:

+ Chủ động nghiên cứu tình hình thực tế từng địa bàn, tích cực chia sẻ thông tin, đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;

+ Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả phòng, chống buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc;

+ Phát hiện những bất cập, chồng chéo trong quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổng hợp, báo cáo và tham mưu giúp Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các quy định của pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;

+ Đề xuất các cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp then các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tham mưu chỉ đạo xử lý những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, bảo kê, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; những phương thức, thủ đoạn mới về buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch và những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị để báo cáo, tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian

Thời gian thực hiện kế hoạch này là 02 năm: Từ ngày 15 tháng 12 năm 2017 đến ngày 15 tháng 12 năm 2019.

2. Kinh phí

Kinh phí được bảo đảm từ kinh phí công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của các bộ, ngành, địa phương theo qui định.

3. Tổ chức triển khai thực hiện

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, cơ quan chức năng ở Trung ương, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch này, gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để theo dõi; chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, các đơn vị tổng hợp, báo cáo kết quả và tổ chức sơ kết 01 năm, tổng kết 02 năm thực hiện kế hoạch (bằng văn bản riêng) gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia qua Văn phòng Thường trực để chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các đồng chí Ủy viên BCĐ389QG;
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông;
- UBND, BCĐ389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Thường trực BCĐ389QG;
- Các cơ quan, đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng), Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương);
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các hiệp hội, hội ngành nghề liên quan (danh sách kèm theo);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: V.I, NN, KTTH;
- Lưu: VT, BCĐ389 (2).

TRƯỞNG BAN




PHÓ THỦ TƯỚNG
Trương Hòa Bình

 

DANH SÁCH

CÁC HIỆP HỘI, HỘI NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN
(Kèm theo Kế hoạch số 1239/KH-BCĐ389 ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả)

1. Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam

- Địa Chỉ: P.202, Nhà E3A Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

- Fax: (024) 6269 1730

- Hộp thư điện tử: vnfertilizer@gmail.com

2. Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam

- Địa Chỉ: P418, nhà I17, ngõ 157, phố Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

- Điện thoại: (024) 3856 1838

- Fax: (024) 3856 1838

- Email: vietnam.vipa@gmail.com

3. Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam

- Địa Chỉ: Số 91 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Điện thoại: (024) 3936 3289

- Fax: (024) 3936 3289

- Email: vatap@.moit.gov.vn

4. Quỹ Chống hàng giả Việt Nam

- Địa Chỉ: Số 59A phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

- Email: info@acf.org.vn

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 năm 2017 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành

Số hiệu: 1239/KH-BCĐ389
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Người ký: Trương Hòa Bình
Ngày ban hành: 13/12/2017
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 năm 2017 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [11]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…