ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2014 |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên của thành phố Hà Nội nhằm giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả và bền vững, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2014 – 2020, với các nội dung như sau:
1. Mục đích
- Quán triệt sâu, rộng chủ trương, giải pháp, nội dung của Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 26/7/2013 của Thành ủy Hà Nội và các Nghị quyết, Kế hoạch hành động của Trung ương về ứng phó biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất về tư tưởng và hành động chủ động ứng phó trong toàn ngành Công Thương Hà Nội.
- Tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn ngành Công Thương trong xây dựng năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và tiến độ thực hiện các nội dung Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 26/7/2013 của Thành ủy Hà Nội và các Nghị quyết, Kế hoạch hành động của Trung ương về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương trên địa bàn Thủ đô.
2. Yêu cầu
- Xây dựng các nhiệm vụ cụ thể gồm các danh mục, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án trong lĩnh vực công nghiệp (bao gồm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp), thương mại, năng lượng nhằm thực hiện mục tiêu, giải pháp chủ yếu theo Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 26/7/2013 của Thành ủy Hà Nội.
- Gắn nhiệm vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội với quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể của ngành Công Thương Hà Nội. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, hướng tới phát triển tăng trưởng xanh, bền vững.
1. Quan điểm
1.1. Ngành Công Thương Hà Nội thực hiện hài hòa nhiệm vụ “thích ứng” và “giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”, trong đó trọng tâm là “giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” theo từng giai đoạn. Góp phần phấn đấu đến năm 2020, Thành phố từng bước cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chủ động phòng chống thiên tai.
1.2. Thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của toàn ngành Công Thương đáp ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế “các bon thấp”.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương Hà Nội nhằm giảm thiểu hiểm họa, đảm bảo sự phát triển bền vững của biến đổi khí hậu, đáp ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới một nền kinh tế “các bon thấp”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Triển khai đồng bộ các Chương trình của Thành phố về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Chương trình di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô và khu dân cư; Đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp… thực hiện lồng ghép trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng giai đoạn.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Tăng cường nhận thức về nguồn tác động, các vấn đề về biến đổi khí hậu, biện pháp “thích ứng” và “giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” trong ngành Công Thương. Xác định các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính, thực hiện lồng ghép các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Công Thương Hà Nội.
- Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đối với ngành Công Thương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Hỗ trợ các doanh nghiệp hành động giảm mức phát thải khí nhà kính, góp phần phấn đấu hoàn thành mục tiêu từ 8-10% trên đơn vị GDP so với năm 2010 trên phạm vi cả nước, đáp ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
1. Nhóm nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng; thông tin, tuyên truyền các hoạt động, giải pháp ứng phó, điển hình về ứng phó biến đổi khí hậu trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện lồng ghép với các hoạt động truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu với các Chương trình khác của ngành Công Thương.
- Tập huấn, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, phổ biến kinh nghiệm trong nước và quốc tế về biến đổi khí hậu; Tuyên truyền các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong các hoạt động công nghiệp, thương mại, năng lượng.
- Phổ biến các trang thiết bị, công nghệ mới, công nghệ thông minh, công nghệ thân thiện với khí hậu và bảo vệ môi trường (phát hành tờ rơi, poster…).
- Trang bị kiến thức, năng lực thích ứng cơ bản về ứng phó biến đổi khí hậu cho cán bộ quản lý trong ngành Công Thương.
- Đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức ứng phó biến đổi khí hậu (trong nước và nước ngoài) nhằm nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương đáp ứng nhiệm vụ quản lý, đánh giá và đề xuất các giải pháp với ứng phó biến đổi khí hậu ngành Công Thương Hà Nội.
2. Nhóm nhiệm vụ 2: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực của ngành Công Thương
- Điều tra khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá sự tác động, xác định tiềm năng về ứng phó biến đổi khí hậu cho ngành Công Thương thành phố Hà Nội.
- Điều tra, khảo sát, học tập kinh nghiệm và đề xuất cách thức tiếp cận, xây dựng phương án tham gia thị trường các bon ngành Công Thương Hà Nội; Nghiên cứu, thống kê nguồn phát thải khí nhà kính; Xây dựng quy trình, phương pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính ngành Công Thương.
3. Nhóm nhiệm vụ 3: Xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu
- Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2014 – 2020.
- Rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đối với ngành Công Thương Hà Nội gắn với việc phát triển Thành phố thông minh.
- Đề xuất phương án tiếp cận thị trường giảm phát thải các bon của ngành Công Thương Hà Nội.
4. Nhóm nhiệm vụ 4: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải “các bon thấp”, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội
- Ứng dụng các công nghệ phát thải “các bon thấp”, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường và khả năng ứng dụng các công nghệ thông minh phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, năng lượng xây dựng quy trình quản lý, vận hành hành máy móc, trang thiết bị. Đổi mới công tác quản lý theo hướng thân thiện với môi trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hướng tới nền kinh tế các bon thấp.
- Thí điểm triển khai một số dự án về khả năng thích ứng đối với một số đơn vị thuộc ngành Công Thương bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình theo hướng cải tiến, áp dụng các công nghệ thông minh, thân thiện với khí hậu, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, hoạt động: doanh nghiệp trọng điểm; tiêu thụ điện trong chiếu sáng công cộng, tòa nhà; trang thiết bị sử dụng năng lượng.
5. Nhóm nhiệm vụ 5: Giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các cơ sở ngành Công Thương
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xác định tiềm năng và đề xuất các giải pháp ứng dụng trang thiết bị, công nghệ, thực hiện tích hợp trong công tác quản lý theo các tiêu chuẩn hiện hành nhằm thích ứng và giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, thân thiện với môi trường hướng tới tăng trưởng xanh.
- Ứng dụng việc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; Tích hợp công nghệ trong ngành Công Thương Hà Nội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức gắn với phát triển thành phố thông minh.
- Đầu tư hiện đại hóa lưới điện (truyền tải, phân phối), phát triển lưới điện thông minh, giảm tổn thất điện năng.
- Triển khai các dự án thu hồi khí thải trong lĩnh vực Công Thương. Đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, vật liệu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hài hoà với mục tiêu bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững.
- Thực hiện lồng ghép các Chương trình của Thành phố về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Chương trình di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô và khu dân cư; Đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và các chương trình khác có liên quan để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương.
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Đẩy mạnh việc rà soát, nâng cấp các cơ chế chính sách quản lý, điều hành đảm bảo thuận lợi, thông thoáng; hướng dẫn thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Công Thương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Thúc đẩy, triển khai các cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, thu hút nguồn lực bên trong và bên ngoài để triển khai có hiệu quả hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thực hiện lồng ghép các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu với các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Công Thương Hà Nội.
- Có cơ chế khuyến khích việc phát triển các tổ chức tham gia các hoạt động dịch vụ hỗ trợ việc triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển kinh tế Thủ đô bền vững, thân thiện với môi trường.
2. Giải pháp vốn
2.1. Nguyên tắc
Huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật, trong đó nguồn vốn ngân sách có tác dụng hỗ trợ, kích thích các nguồn vốn khác. Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
- Nguồn ngân sách Thành phố: Tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực; Khảo sát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu các cơ sở ngành Công Thương; Điều tra, khảo sát và đề xuất phương án tiếp cận, tham gia thị trường giảm phát thải các bon của ngành Công Thương Hà Nội; Xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ thông minh, công nghệ phát thải “các bon thấp”, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội; Hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp các giải pháp ứng dụng trang thiết bị, công nghệ, môi trường, thực hiện công tác quản lý … nhằm thích ứng và giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, thân thiện với môi trường; Đầu tư hiện đại hoá lưới điện, giảm tổn thất điện năng, phát triển lưới điện thông minh … (theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2014 – 2020).
- Nguồn ngân sách Trung ương: Tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, Bộ Công Thương.
- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác: Nguồn vốn của doanh nghiệp, các nguồn vốn của tổ chức nước ngoài thực hiện đầu tư, đổi mới các trang thiết bị, công nghệ hiệu suất cao, sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, tích hợp công nghệ, phát triển công nghệ thông minh, công nghệ phát thải “các bon thấp”,… thích ứng với biển đổi khí hậu phù hợp với điều kiện phát triển Thủ đô Hà Nội.
2.2. Kinh phí
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2014 – 2020 (tạm tính) là: 427.250 triệu đồng và sẽ được cân đối hàng năm, trong đó:
- Nguồn vốn sự nghiệp: 27.250 triệu đồng
- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác: 400.000 triệu đồng.
3. Giải pháp về đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực
- Thúc đẩy và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân về ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành Công Thương.
- Thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các cán bộ nòng cốt trong các cơ quan, đơn vị ngành Công Thương, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao từ đó nhân rộng ra toàn ngành.
4. Giải pháp về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ thông minh, công nghệ phát thải "các bon thấp", thân thiện với khí hậu.
- Chủ động tìm kiếm, thu hút, tiếp nhận và tranh thủ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế về tư vấn chuyển giao công nghệ, tài chính thông qua hợp tác song phương, đa phương. Tham gia các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu.
1. Sở Công Thương
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các tổ chức liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch này; Xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương; Điều phối, kiểm tra kết quả của chương trình, kế hoạch, đề án, dự án; Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) và theo yêu cầu về triển khai kế hoạch này với UBND Thành phố, Bộ Công Thương; Rà soát, hiệu chỉnh trình UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch hàng năm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Kết thúc giai đoạn 1: 2014 - 2015, Sở Công Thương phối hợp các cấp, các ngành tham mưu cho UBND Thành phố đánh giá, rà soát bổ sung hiệu chỉnh các nhiệm vụ giai đoạn 2: 2016 - 2020.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với các Sở: Công Thương, Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện công tác lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án; thẩm định dự án đầu tư phù hợp với Kế hoạch số 95 – KH/TU ngày 26/7/2013 của Thành ủy Hà Nội đảm bảo nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả các dự án. Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển.
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố; bố trí vốn, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch. Chủ trì cân đối kinh phí, thẩm định dự toán kinh phí hàng năm (nguồn vốn ngân sách Thành phố) và hướng dẫn thực hiện theo quy định.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; Quản lý, thẩm định, phê duyệt, giám sát triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội
- Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn Thành phố tuyên truyền, phổ biến hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương.
- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị... xây dựng các phóng sự, chuyên mục, tin bài tuyên truyền, phổ biến các hoạt động, giải pháp điển hình ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương.
6. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất
Phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các đơn vị trong khu công nghiệp triển khai việc ứng phó với biến đổi khí hậu: tập huấn; ứng dụng, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; tích hợp công nghệ và phát triển công nghệ thông minh; tích hợp áp dụng mô hình quản lý môi trường, năng lượng… theo tiêu chuẩn ISO 14001 và ISO 50001.
7. UBND các quận, huyện, thị xã
Xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 – 2020 trên địa bàn các quận, huyện, thị xã phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, năm và báo cáo theo yêu cầu với UBND Thành phố, đồng thời gửi Sở Công Thương để tổng hợp.
8. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội
Thực hiện các giải pháp đầu tư hiện đại hóa lưới điện, ngầm hoá lưới điện, phát triển lưới điện thông minh, giảm tổn thất điện năng theo Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội đã được phê duyệt.
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2014 – 2020 có hiệu lực kể từ ngày ký. UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh các đơn vị có báo cáo gửi về cơ quan thường trực là Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố để xem xét, chỉ đạo kịp thời.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2014 về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2014-2020
Số hiệu: | 118/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Ngọc Tuấn |
Ngày ban hành: | 10/06/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2014 về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2014-2020
Chưa có Video