Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ SÉC (1994)

Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam và chính phủ cộng hoà Séc (dưới đây gọi tắt là các Bên ký kết).

Khẳng định sự hài lòng đối với sự phát triển các mối quan hệ kinh tế – thương mại từ trước đến nay giữa hai nước,

Với nguyện vọng mong muốn tăng cường và phát triển hơn nữa các mối quan hệ đó trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi,

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1:

Các Bên ký kết sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp của mình, để tạo thuận lợi cho việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước trên cơ sở ổn định và lâu dài.

Điều 2:

Các bên ký kết sẽ dành cho nhau chế độ tối huệ quốc về thuế quan , thuế cũng như về thủ tục hải quan và các thủ tục khác liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá xuất xứ từ nước Bên kia.

Qui định trên không bao gồm:

a) Những ưu đãi và miễn trừ mà một trong các Bên ký kết đã hoặc trong tương lai sẽ dành cho các nước láng giềng của mình để tạo sự thuận lợi cho mậu dịch biên giới;

b) Những ưu đãi và miễn trừ đã được dành hoặc trong tương lai sẽ đươc dành cho bất cứ Bên nào trong các Bên ký kết có tham gia trong khu vực mậu dịch tự do hoặc trong liên minh thuế quan.

Điều 3:

Hai bên ký kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức khác nhau về hợp tác kinh tế - thương mại giữa các pháp nhân và tự nhiên nhân của hai nước (dưới đây goị tắt là các chủ thể), phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước.

Điều 4:

Việc xuất nhập khẩu hàng hoá và các dịch vụ giữa các chủ thể hai nước sẽ được thực hiện theo các hợp đồng được ký kết theo các điều khoản của Hiệp định này, phù hợp với luật pháp hiện hành ở hai nước và tập quán thương mại quốc tế, trên cơ sở giá cả thị trường thế giới.

Không Bên nào trong các Bên ký kết chịu trách nhiệm về những cam kết thương mại của các chủ thể hai nước. Các chủ thể hữu quan sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về những cam kết đã ký trong hợp đồng và sẽ giải quyết những tranh chấp nếu có.

Điều 5:

Việc thanh toán giữa các chủ thể, phát sinh trên cơ sở Hiệp định này, sẽ thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, phù hợp với luật pháp hiện hành ở mỗi nước.

Điều 6:

Các khoản nợ và các cam kết phát sinh trước ngày 31 tháng 12 năm 1992 giữa một bên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một Bên là các pháp nhân trước đây của Cộng hoà Séc (Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, liên bang cộng hoà Tiệp Khắc và Liên bang Cộng hoà Séc và Xlovakia) sẽ được thảo luận và ký thoả thuận riêng.

Điều 7:

Các Bên ký kết, với lòng mong muốn tăng cường và mở rộng việc buôn bán giữa hai nước, sẽ ủng hộ và tạo thuận lợi cho việc tham gia các cuộc hội chợ triển lãm thương mại được tổ chức ở nước Bên kia, phục vụ việc mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước. Việc miễn thuế quan, thuế và các khoản lệ phí khác đối với các vật dụng, thiết bị được sử dụng tạm thời trong các cuộc hội chợ, triển lãm thương mại, sẽ được giải quyết theo luật pháp hiện hành của nước chủ nhà.

Điều 8:

Nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định này các Bên ký kết thoả thuận thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm đại diện của các cơ quan hữu quan hai Bên ký kết.

Uỷ ban hỗn hợp sẽ họp luân phiên tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc vào thời gian do các bên ký kết thoả thuận.

Điều 9:

Trong quan hệ giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc, khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, thì Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang cộng hoà Séc và Xlovakia ký ngày 20.02.1992 sẽ chấm dứt hiệu lực.

Điều 10:

Hiệp định này phải được phê duyệt phù hợp với luật pháp của mỗi nước và có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày nhận được bản công hàm cuối cùng mà các bên ký kết gửi cho nhau thông báo việc hoàn tất thủ tục phê duyệt.

Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 5 năm và hiệu lực của Hiệp định sẽ mặc nhiên được kéo dài thêm từng năm một, trừ phi một trong hai Bên ký kết thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao cho Bên kia ý định chấm dứt hiệu lực này ít nhất trước 6 tháng.

Hiệp định này có thể được thay đổi hoặc bổ sung theo sự thoả thuận bằng văn bản của các Bên ký kết.

Sau khi hiệp định này hết hiệu lực, các qui định của Hiệp định vẫn được tiếp tục áp dụng đối với những hợp đồng ký kết trong thời gian Hiệp định cồn hiệu lực, cho đến khi hợp đồng được thực hiện xong hoàn toàn.

Làm tại Praha ngày 22 tháng 08 năm 1994 thành hai bản chính bằng Tiếng Việt và tiếng Séc, hai văn bản đều có giá trị như nhau. 

 

THỪA UỶ QUYỀN CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THỪA UỶ QUYỀN CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ SEC

 

BỘ NGOẠI GIAO
-------

SAO Y BẢN CHÍNH

"Để báo cáo, Để thực hiện".

Số: 129/LPQT

Hà Nội ngày 26 tháng 11 năm 1994

 

 

Nơi gửi:
- VPCP,
- Bộ thương mại
- Bộ tài chính
- Uỷ ban kế hoạch NN,
- Tổng cục hải quan
- ĐSQ VN tại Séc,
- Vụ đông âu – Trung á,
- Vụ LPQT
- LT (9b)

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
VỤ TRƯỞNG VỤ LP VÀ ĐU QUỐC TẾ




Nguyễn Quý Bính

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định này ngày 05 tháng 11 năm 1994.

Chính phủ Séc đã phê duyệt Hiệp định này ngày 15 tháng 9 năm 1994 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Séc (1994)

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Séc
Người ký: ***
Ngày ban hành: 22/08/1994
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Séc (1994)

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…