BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ CÔNG ĐOÀN GTVT VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15726/BGTVT-CĐGTVTVN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017 VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2016 - 2020
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 -2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Ban Thường vụ Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam thống nhất phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và các cấp Công đoàn trong toàn ngành hăng hái tích cực thi đua, phát huy 71 năm truyền thống đi trước mở đường của CNVCLĐ ngành Giao thông vận tải, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Chủ đề thi đua chung của toàn ngành là: “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”. Năm 2017, được chọn là năm tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong hệ thống của ngành giao thông vận tải, tất cả các hoạt động đều hướng tới lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
2. Tổ chức các phong trào thi đua có tính thiết thực, hiệu quả, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng hình ảnh người lao động ngành Giao thông vận tải trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - hiện đại hóa của ngành và đất nước.
3. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia vào các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của Ngành, của từng cơ quan, đơn vị và các cấp công đoàn. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin.
4. Gắn kết phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của Ngành, của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
5. Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc thường xuyên quan tâm, phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc tuyên truyền, học tập và làm theo các tấm gương người tốt, việc tốt tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy mọi khả năng và phẩm chất tốt đẹp để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ ngành GTVT phát triển toàn diện, xây dựng văn hóa cơ quan, doanh nghiệp và xã hội văn minh, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực, những thói hư, tật xấu.
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan tham mưu giúp việc, các đơn vị phải xây dựng và hoàn thiện, nâng cao chất lượng các văn bản quản lý thuộc thẩm quyền đã được phân cấp; tham mưu cho Bộ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý Nhà nước về Giao thông vận tải. Các cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua Hội nghị Cán bộ công chức hoặc Hội nghị Người lao động tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế quản lý nội bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội quy, quy chế đó. Các phong trào thi đua cần tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành trong thời kỳ mới; quản lý, khai thác một cách hiệu quả nhất và tăng cường tính kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.
- Tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực của Ngành trong công tác: Đầu tư, đấu thầu, giám sát thi công xây dựng công trình, an toàn, vệ sinh lao động, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức vận tải, đăng kiểm, thanh tra, thu phí, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...
- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, doanh nghiệp không được để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, vi phạm các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, vi phạm các quy định của Bộ Giao thông vận tải.
2. Về đề cao trách nhiệm đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu
Mỗi cán bộ, công nhân lao động ngành GTVT, đặc biệt là người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ về chất lượng, tiến độ mỗi công trình, sản phẩm là vinh quang và niềm tự hào của những người làm giao thông vận tải. Từ đó phải có nhiều giải pháp trong tổ chức thi công, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện, lao động khoa học, hợp lý, hiệu quả để tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh trong từng công trình, sản phẩm. Chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc tăng cường biện pháp quản lý; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế (tổ chức đấu thầu, quy trình sản xuất, thi công, quy chế tư vấn thiết kế, giám sát thi công, nghiệm thu, hoàn công, thủ tục bàn giao, thanh toán...); nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến độ và chất lượng công trình.
Các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành Giao thông vận tải phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng. Đồng thời phải cụ thể hóa thành nội dung cụ thể cho phù hợp với tùng cơ quan, doanh nghiệp để các tổ chức, cá nhân cam kết thực hiện có hiệu quả các quy định của luật; bảo đảm sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, nội bộ đoàn kết.
Người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng tác phong lao động công nghiệp trong các doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải, duy trì và phát triển phong trào “xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. Phấn đấu giảm thiểu các vụ tai nạn lao động hàng năm, đặc biệt giảm thiểu các vụ tai nạn lao động nặng, tai nạn lao động chết người.
Các cơ quan, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong CNVCLĐ toàn ngành; phải xây dựng kế hoạch cụ thể theo tùng giai đoạn để triển khai thực hiện nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông và phòng chống tai nạn thương tích giao thông đường bộ, qua việc áp dụng các giải pháp để giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Cán bộ, CNVCLĐ trong ngành phải là người gương mẫu và vận động người thân trong gia đình gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông. Ở những nơi có yếu tố nhạy cảm, yêu cầu CNVCLĐ làm việc trong các lĩnh vực như: lái xe, thanh tra, đăng kiểm, thu phí, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... phải ký cam kết với thủ trưởng đơn vị về thực hiện đúng, không để xảy ra tiêu cực trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, doanh nghiệp không được để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, vi phạm các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, vi phạm các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong phạm vi chức trách của mình, nếu để xảy ra các vi phạm ở đơn vị mình phụ trách.
3. Về thực hiện thi đua sáng tạo
Căn cứ vào các phong trào thi đua do Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát động như: Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; hưởng ứng với cuộc vận động các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các phong trào do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát động như: phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, hưởng ứng chương trình “ Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020”, chủ trương “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Ngành Giao thông vận tải chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện tốt văn hóa công Sở, văn hóa ứng xử trong giao tiếp với phương châm “4 xin ” và “4 luôn ” các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, xây dựng các phong trào thi đua có mục tiêu, nội dung cụ thể gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị, từng cá nhân như: Đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng trong công tác, tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động...
4. Về quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp
Thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không. Kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng, tiêu cực, hối lộ, buông lỏng quản lý gây lãng phí, thất thoát trong các lĩnh vực nói trên.
Xây dựng các biện pháp đồng bộ, cụ thể, kiên quyết không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sản phẩm và các dịch vụ đã cam kết, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tập thể và cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sản phẩm, dịch vụ gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan đơn vị và ngành Giao thông vận tải.
Kiên quyết đấu tranh, phê phán tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác giữa các bên trong từng hợp đồng kinh tế. Tổ chức ký cam kết với các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án về chất lượng, tiến độ và kết quả giải ngân các dự án xây dựng công trình giao thông.
5. Về phong trào ủng hộ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa
Cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải tích cực vận động đóng góp cho Quỹ xã hội từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam; tổ chức tốt các hoạt động xã hội, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ; thông qua các hoạt động xã hội như: hỗ trợ xây nhà ở “Mái ấm Công đoàn”, thăm CNVCLĐ bị tai nạn lao động, con CNVCLĐ bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc màu da cam, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi... chăm lo giúp đỡ người lao động nghèo, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ giúp đỡ cựu Thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, cuộc vận động “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” và thực hiện các hoạt động xã hội khác…, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của các cơ quan, đơn vị và tổ chức Công đoàn trong ngành.
1. Từ mục tiêu chung và 5 nội dung thi đua cụ thể trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Ban Thường vụ Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn xây dựng các mục tiêu, nội dung thi đua cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng chuyên ngành, cơ quan doanh nghiệp mình để phát động các đợt thi đua theo năm, theo đợt; có thể chọn một số công trình, sản phẩm đăng ký chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước, của ngành.
2. Mỗi đợt thi đua phải có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Việc xét khen thưởng phải đặc biệt chú ý đến tính thiết thực, hiệu quả kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống CNVCLĐ. Kiên quyết xóa bỏ tính phô trương hình thức, kém hiệu quả, lãng phí, bệnh thành tích trong thi đua và khen thưởng.
3. Giao cho Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam theo dõi, đôn đốc công tác phát động thi đua và tổng hợp danh sách đề nghị khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các đợt thi đua, giải quyết kịp thời công tác khen thưởng.
Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, càng khó khăn chúng ta càng phải thi đua, phát huy những thành tích đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Ban Thường vụ Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, CNVCLĐ phát huy truyền thống đi trước mở đường, khắc phục mọi khó khăn, ra sức thi đua trong lao động sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch năm 2017 và Kế hoạch 5 năm (2016-2020)./.
CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
Nơi nhận: |
|
Văn bản 15726/BGTVT-CĐGTVTVN phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 do Bộ Giao thông vận tải và Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 15726/BGTVT-CĐGTVTV |
---|---|
Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam |
Người ký: | Trương Quang Nghĩa, Đỗ Nga Việt |
Ngày ban hành: | 30/12/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Văn bản 15726/BGTVT-CĐGTVTVN phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 do Bộ Giao thông vận tải và Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam ban hành
Chưa có Video