BAN THƯỜNG TRỰC
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CTrPH-MTTW-BCT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2022 |
ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;
Căn cứ Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị;
Căn cứ Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Căn cứ Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương,
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt hận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương thống nhất thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, như sau:
1. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) nâng cao hiệu quả, chất lượng Cuộc vận động trong tình hình mới theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; vận động nhân dân đấu tranh, tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác.
2. Thông qua Chương trình phối hợp làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; phối hợp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức, cơ quan nhằm góp phần phục hồi kinh tế, thích ứng với kiểm soát linh hoạt, an toàn với phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
3. Việc tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tăng cường tính gắn kết, thống nhất, đồng bộ giữa hai cơ quan. Định kỳ 05 năm tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng trong triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này.
1. Tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; đặc biệt là Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới; Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa theo phương thức truyền thống và hiện đại, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử; triển khai đồng bộ, linh hoạt các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; tổ chức các chuyến đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các điểm bán hàng Việt Nam,...
3. Phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam chất lượng đến với người tiêu dùng.
4. Phối hợp tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền giới thiệu các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trong khuôn khổ triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-BCT ngày 17 tháng 3 năm 2021).
5. Tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động.
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1.1. Chỉ đạo các báo, tạp chí của Mặt trận, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Cuộc vận động trên các trang thông tin nội bộ, website, báo, tạp chí, bản tin công tác Mặt trận...
- Thông tin, giới thiệu về các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy đến với người tiêu dùng; vận động, kết nối, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản cho các địa phương, tham gia các hoạt động bình ổn giá cả thị trường góp phần ổn định thị trường, an sinh xã hội.
- Phối hợp tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trong khuôn khổ triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025.
1.2. Chủ trì, phối hợp với tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân trong đấu tranh tố giác hàng giả, hàng kém chất lượng.
1.3. Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động nhân dân giám sát, phát hiện, tố giác hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác.
1.4. Cử đại diện tham gia một số đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương liên quan đến hoạt động tăng cường triển khai Cuộc vận động; mời đại diện Bộ Công Thương tham gia một số hoạt động kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Bộ Công Thương
2.1. Thông qua cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, các báo, đài truyền hình, các kênh truyền thông của các cơ quan thuộc Bộ; các chương trình, đề án đã được phê duyệt tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến Cuộc vận động. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Công Thương gương mẫu hưởng ứng thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động.
2.2. Triển khai có hiệu quả Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 với họng tâm phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường trong nước với tên gọi; “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
2.3. Tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường trong nước; đẩy manh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, trong phân phối và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam ở trong và ngoài nước; các hoạt động đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài,...
2.4. Cử đại diện tham gia trao đổi thông tin tại các Hội nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Công Thương; tham gia một số đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Công Thương; Mời đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia một số đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương liên quan đến hoạt động tăng cường triển khai Cuộc vận động.
2.5. Tổ chức các hoạt động phù hợp để khen thưởng, động viên khích lệ kịp thời, tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu, có uy tín đã tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Cuộc vận động.
1. Chế độ làm việc
- Duy trì thường xuyên quan hệ trao đổi thông tin hàng năm và định kỳ làm việc liên tịch giữa lãnh đạo hai bên để giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Chương hình phối hợp.
- Hằng năm, Bộ Công Thương cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp và triển khai nhiệm vụ thực hiện trong năm tiếp theo. Ưu tiên lựa chọn những nhiệm vụ cụ thể để triển khai cho từng năm hoặc từng giai đoạn; 05 năm tổng kết Chương trình.
2. Giao đơn vị đầu mối: Ban Phong trào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương là các đơn vị đầu mối, phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình này.
3. Triển khai thực hiện
Căn cứ vào Chương trình phối hợp này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Công Thương cùng cấp triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị,... bảo đảm thực hiện Chương trình phối hợp thực chất, có hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện Chương trình phối hợp, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị đầu mối (được quy định tại điểm 2 phần IV) có trách nhiệm báo cáo Ban Thường trực Ủy ban -Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương để cùng xem xét, điều chỉnh.
TM. BỘ CÔNG THƯƠNG |
TM. BAN THƯỜNG TRỰC |
|
|
Chương trình phối hợp 09/CtrPH-MTTW-BCT năm 2022 về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Công Thương
Số hiệu: | 09/CtrPH-MTTW-BCT |
---|---|
Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Người ký: | Đỗ Thắng Hải, Trương Thị Ngọc Ánh |
Ngày ban hành: | 09/12/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chương trình phối hợp 09/CtrPH-MTTW-BCT năm 2022 về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Công Thương
Chưa có Video