Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 1962 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHÍNH SÁCH TIÊU DÙNG, THU MUA PHÂN PHỐI VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN, THỰC PHẨM HIỆN NAY

Nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân, về nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu tăng lên rất nhiều so với trước. Nhưng việc lãnh đạo sản xuất, thu mua, phân phối và hướng dẫn tiêu dùng nông sản và thực phẩm làm chưa tốt, nhất là trong năm qua. Kế hoạch mua nông sản, thực phẩm năm 1961 chỉ đạt 36,7%; nhiều loại nông sản chủ yếu, tuy năm 1961 sản xuất vẫn tăng hơn hoặc xấp xỉ bằng 1960, nhưng mức mua được so với sản lượng thực tế đạt quá thấp và sút hẳn so với 1960 như lạc, đỗ tương, vừng, cói, gai. Các loại rau, quả, gà, vịt, trứng, cá nước ngọt mua càng ít hơn so với sản xuất. Kết quả mua kém đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, đến việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu đổi lấy nguyên liệu, phân bón, máy móc và hàng hóa khác mà trong nước chưa sản xuất được, đến việc cung cấp và giữ giá thực phẩm cho nhân dân, nhất là ở các thành phố và khu công nghiệp.

Mặt khác, việc quản lý thị trường nông sản thực phẩm lại bị buông lỏng, thương nhân lại phát triển thêm, gây khó khăn cho công tác bình ổn vật giá, cải tạo và sắp xếp thị trường, ảnh hưởng không tốt đến việc quản lý lao động và sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp.

Sở dĩ có tình trạng trên đây, một phần do có khó khăn khách quan về mặt sản xuất; chăn nuôi gia súc và trồng cây công nghiệp vụ đông xuân 1960 – 1961 có bị sút kém so với kế hoạch, dẫn tới tình trạng cung cầu mất cân đối, giá cả nhiều thứ tăng lên, tác động đến tâm lý một số không ít nông dân muốn giữ nông sản bán ra ngoài với giá cao. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì trong nhận thức tư tưởng, trong việc chấp hành chính sách, trong việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện của các ngành và các cấp có trách nhiệm có nhiều thiếu sót.

Khuyết điểm nổi bật nhất là do chưa quán triệt nhiệm vụ bước đầu thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, chưa thấm nhuần tinh thần tự lực cánh sinh và cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, chưa thấy hết khó khăn chung và chưa nhận rõ quan hệ khăng khít giữa công nghiệp và nông nghiệp, nhiều địa phương chưa chú trọng đúng mức thực hiện nhiệm vụ thu mua, chưa chú trọng lãnh đạo tiết kiệm tiêu dùng trong nhân dân, buông lỏng quản lý thị trường, không chú ý tiếp tục việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp nhỏ.

Về mặt tổ chức thực hiện thì đường lối chính sách của Đảng không được phổ biến sâu rộng, có nơi không phổ biến đến cán bộ cơ sở và quần chúng; việc giáo dục, vận động nông dân cá thể bán nông sản cho Nhà nước chưa được chú ý đúng mức. Chưa tích cực thu mua nhiều loại hàng tuy linh tinh nhưng khối lượng khá lớn và có giá trị xuất khẩu; còn coi nhẹ việc kinh doanh những loại hàng thực phẩm quan trọng như rau, quả, gà, vịt, trứng, cá nước ngọt. Việc cung cấp hàng công nghiệp đi đôi với mua nông sản làm chưa được tốt. Việc phối hợp giữa các ngành có liên quan chưa chặt chẽ; việc phân công phối hợp giữa Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán trong việc thu mua ở cơ sở chưa được quy định rõ ràng. Trong khi đó tổ chức thu mua ở cơ sở nói chung còn yếu, nhất là ở miền núi; đội ngũ cán bộ thu mua chưa được bồi dưỡng nhiều về quan điểm, lập trường, chính sách và nghiệp vụ…

Các Bộ, các Tổng cục có liên quan và các cấp lãnh đạo địa phương từ tỉnh đến xã cần kiểm điểm kỹ công tác đã làm, biểu dương những đơn vị và cá nhân làm tốt, phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời nghiêm khắc phê phán những lệch lạc, thiếu sót, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 1962.

Sang năm 1962, sự nghiệp cách mạng tiến lên một bước mới, đặt cho chúng ta những yêu cầu mới, to lớn hơn năm trước. Chỉ tiêu sản xuất và thu mua nông sản, thực phẩm năm nay cao hơn năm 1961 nhiều. Chúng ta lại thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cụ thể hiện nay: sản xuất cây công nghiệp vụ đông xuân không thuận lợi lắm, tình hình lương thực còn có khó khăn, một số loại nông sản và phần lớn sản phẩm chăn nuôi còn do cá thể xã viên và nông dân riêng lẻ sản xuất, thị trường tự do về nông sản còn rộng, giá cả thị trường chưa thật ổn định…

Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi: các hợp tác xã nông nghiệp đang ngày càng được củng cố, phong trào thi đua trong nông nghiệp đang trên đà vươn lên, tình hình thực phẩm nói chung có tiến bộ hơn năm 1961, nhận thức của các cấp cán bộ và nhân dân bước đầu có chuyển biến tốt, nhiều địa phương đã thấy được những thiếu sót trong thời gian qua và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sản xuất, thu mua, phân phối nông sản, thực phẩm trong thời gian tới.

Vấn đề đặt ra trước mắt là phải làm sao cho toàn thể cán bộ và nhân dân nhận thức sâu sắc vấn đề để có một sự chuyển biến mạnh mẽ bằng hành động cụ thể, quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ nhắc các Bộ, Tổng cục có liên quan, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh phải nắm vững những điểm cơ bản về chính sách và biện pháp sau đây:

1. Trước hết cần xác định rõ là: nông sản, thực phẩm có một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân; đồng thời là nguồn thu nhập bằng tiền rất lớn của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và của nông dân. Vì vậy, đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất lúa và hoa mầu, cần liên tục đẩy mạnh việc trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc và nuôi cá. Theo tinh thần hội nghị ngày 07 tháng 04 năm 1962 do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập, các Ủy ban hành chính tỉnh, huyện cần đi sát nắm tình hình sản xuất của từng xã và hợp tác xã, có biện pháp cụ thể hướng dẫn, giúp đỡ giải quyết khó khăn về thuỷ lợi, kỹ thuật, phân, giống, vốn… Các cơ quan thương nghiệp, lương thực, ngân hàng… có trách nhiệm phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển trong phạm vi chức năng của mình.

2. Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, phải lãnh đạo chặt chẽ việc thu mua và phân phối sản phẩm ngay từ cơ sở sản xuất đến nơi tiêu thụ, theo chính sách tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm nhất và có lợi nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cho việc cải thiện đời sống nhân dân. Các Ủy ban hành chính địa phương cần đứng trên quan điểm toàn diện, nhìn cả nông nghiệp và công nghiệp, nhu cầu của địa phương và nhu cầu chung, nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu để chỉ đạo chặt cả sản xuất và phân phối, thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện kế hoạch thu mua, phân phối mà Trung ương đã giao. Phải làm cho cán bộ và nhân dân có ý thức vì sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, vì nghĩa vụ quốc tế của nhân dân ta, mà đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, cố gắng sản xuất thêm và hết sức tiết kiệm tiêu dùng để có thêm sản phẩm bán cho Nhà nước.

Về chính sách tiêu dùng phân phối: Nói chung, thứ gì có thể tiết kiệm tiêu dùng trong nước (chỉ dùng ít hoặc không dùng) thì kiên quyết dành cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc, nguyên liệu, hàng hóa. Thứ gì trong nước cần và xuất khẩu cũng cần thì cần tính toán kỹ, dành phần cần thiết và phần tốt cho xuất khẩu. Thứ gì vừa cần làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, vừa cần cho tiêu dùng trực tiếp của nhân dân thì dành ưu tiên cho sản xuất. Đối với những thứ thực phẩm mà nhân dân nông thôn và thành thị đều cần, phải trên cơ sở sản xuất mà có kế hoạch phân phối hợp lý, hết sức chú trọng cung cấp cho thành thị, nhất là cho các thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung.

Việc phân phối trong các cơ quan Nhà nước, giữa trung ương và địa phương, giữa các Bộ và các Tổng cục với nhau phải quán triệt tinh thần nói trên đây. Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần tôn trọng triệt để lệnh điều động phân phối của trung ương, nhất thiết không được tự tiện giữ lại để tiêu dùng ở địa phương quá mức đã phân phối. Nếu có những ý kiến khác nhau thì phải bàn bạc để đi đến nhất trí hành động.

3. Phải tăng cường chức năng của Nhà nước trong việc quản lý phân phối sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bảo đảm Nhà nước nắm được nguồn hàng để tiến hành phân phối có kế hoạch, đồng thời chú trọng làm tốt công tác quản lý thị trường, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp nhỏ, củng cố thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất.

Đối với toàn bộ sản phẩm của các nông trường quốc doanh, vẫn theo đúng những điều đã quy định trong Thông tư số 348-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/08/1961 về chế độ nông trường quốc doanh giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.

Đối với sản phẩm của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân, việc quản lý phân phối, lưu thông quy định như sau:

- Đối với những loại thuộc về nguyên liệu chính của công nghiệp và vật tư xuất khẩu quan trọng, việc phân phối, tiêu dùng cần được quản lý chặt chẽ. Nhà nước sẽ ký hợp đồng với các hợp tác xã và nông dân mua toàn bộ hoặc tuyệt đại bộ phận sản phẩm bán ra để phân phối theo kế hoạch, không để buôn bán tự do như hiện nay.

- Đối với những loại Nhà nước và nhân dân đều cần, thành thị và nông thôn đều cần (như sản phẩm chăn nuôi và nông sản, thực phẩm) Nhà nước cần nắm một tỷ lệ cần thiết so với sản xuất, nhiều hay ít tuỳ theo từng loại hàng, nhằm giải quyết tốt việc cung cấp cho nhu cầu của nhân dân thành thị và khu công nghiệp. Phần còn lại sẽ tổ chức và lãnh đạo việc lưu thông của quần chúng, giữa người sản xuất và người tiêu thụ.

- Đối với những loại hàng linh tinh không thuộc nhu cầu quan trọng của công nghiệp, xuất khẩu và đời sống nhân dân, thì vẫn để lưu thông tự do, nhằm khuyến khích thêm tính tích cực sản xuất của nông dân.

Về mặt cải tạo quản lý thị trường: để quản lý thị trường tốt, biện pháp chủ yếu là phải quản lý tận cơ sở sản xuất, tức là dựa vào hợp tác xã mà quản lý việc phân phối sản phẩm ngay từ khi thu hoạch theo những chủ trương nói trên. Mặt khác, cần coi trọng việc củng cố các tổ hợp tác tiểu thương, giáo dục về chính sách, hướng dẫn cải tiến nghiệp vụ, sử dụng họ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tốt hơn, kinh doanh theo đúng luật lệ và chính sách của Nhà nước. Đối với tiểu thương đến nay vẫn còn buôn bán tự do, cần tiếp tục tổ chức sắp xếp lại, chuyển một bộ phận sang sản xuất. Đối với những người vừa qua bỏ sản xuất, bỏ tổ hợp tác ra buôn bán tự do, cần kiên quyết giáo dục đưa về sản xuất và kinh doanh trong các cơ sở cũ. Đối với những người lợi dụng lúc tình hình hàng hóa khó khăn, buôn bán theo lối đầu cơ nâng giá, dìm giá, gây khó khăn cho việc thu mua, phân phối và quản lý thị trường của Nhà nước, cần áp dụng những luật lệ về quản lý hành chính thương nghiệp hiện hành để ngăn chặn và xử trí thích đáng. Đối với nông dân, cần kết hợp việc giáo dục với quản lý lao động trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để ngăn chặn không cho họ bỏ sản xuất đi buôn.

Các cơ quan, trường học, xí nghiệp, công trường, đơn vị bộ đội cần nghiêm chỉnh và gương mẫu chấp hành mọi thể lệ quản lý thị trường của Nhà nước.

4. Biện pháp thu mua nông sản thực phẩm chủ yếu là kết hợp vận động chính trị, giáo dục ý thức nghĩa vụ với những biện pháp kinh tế để tiến hành ký hợp đồng kinh tế với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân.

Mục đích của việc ký hợp đồng kinh tế trước hết là nhằm thông qua đó, cơ quan thương nghiệp đi sát để phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần củng cố các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thắt chặt quan hệ giữa Nhà nước và nông dân, trên cơ sở đó và đi đúng đường lối quần chúng, vận động thu mua có kết quả tốt.

Hợp đồng kinh tế xác định nghĩa vụ của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc bản đảm thực hiện kế hoạch Nhà nước: một bên thương nghiệp quốc doanh bảo đảm tiêu thụ sản phẩm và cung cấp tư liệu sản xuất nông nghiệp, hàng công nghiệp cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hàng công nghiệp cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân, một bên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch sản xuất và bán nông sản cho Nhà nước.

Hợp đồng thu mua ký kết dựa trên cơ sở chỉ tiêu sản xuất và bán nông sản, thực phẩm mà chính quyền địa phương đã giao cho từng hợp tác xã và nông hộ. Nếu tình hình sản xuất có bị sút kém nhiều thì hai bên sẽ thương lượng điều chỉnh hợp đồng dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương và trên tinh thần cố gắng ưu tiên bảo đảm nhu cầu của Nhà nước.

Đối với những sản phẩm do tập thể hợp tác xã sản xuất ra, cần lãnh đạo các hợp tác xã, sau khi thu hoạch, tập trung bán cho Nhà nước theo hợp đồng đã ký, rồi chia hoa lợi cho xã viên bằng tiền mặt và một phần bằng số hiện vật còn lại, không chia hết hiện vật cho xã viên, rồi sau đó mới vận động tập trung trở lại để bán cho Nhà nước như nhiều nơi đã làm vừa qua.

Đối với những sản phẩm do kinh tế phụ gia đình của xã viên sản xuất, như các loại thực phẩm và một số nông sản khác, cần dựa vào các hợp tác xã vận động các xã viên ký hợp đồng bán cho Nhà nước. Hợp tác xã có trách nhiệm giáo dục, đôn đốc xã viên thi hành nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký.

Đối với nông dân cá thể, các Ủy ban hành chính xã cần phổ biến chính sách, giáo dục ý thức nghĩa vụ bán nông sản, giao chỉ tiêu và đôn đốc họ bán nông sản cho Nhà nước theo như cách đã làm đối với xã viên hợp tác xã nông nghiệp.

Các ngành thu mua có liên quan nhất là Lương thực, Nội thương, Ngoại thương, cần phối hợp chặt chẽ trong việc ký kết hợp đồng kinh tế với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để tránh nhiều đầu mối gây khó khăn cho hợp tác xã trong việc tính toán và ký hợp đồng.

Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất và tích cực bán nông sản cho Nhà nước, Chính phủ đã quyết định giá mua cụ thể đối với từng loại nông sản trong năm 1962, giữ những giá đã định hợp lý, đồng thời điều chỉnh lên một số giá xét ra còn chưa hợp lý hoặc cần khuyến khích thêm. Mặt khác tiếp tục thi hành chính sách giá khuyến khích đối với số nông sản bán vượt mức hợp đồng và những nông sản vụ thu. Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần chỉ đạo chặt chẽ, đôn đốc kiểm tra các cơ quan thu mua chấp hành cho đúng để phát huy tác dụng tích cực của giá cả đối với sản xuất, tránh tình trạng ép cấp ép giá, làm thiệt cho nông dân, hoặc nâng cấp, nâng giá làm thiệt cho Nhà nước.

Các Bộ có liên quan và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố cần nghiên cứu kỹ chỉ thị này để vận dụng đúng đắn đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, đặt kế hoạch cụ thể thi hành cho tốt trong ngành, địa phương mình.

Trong việc chỉ đạo thực hiện, phải hết sức coi trọng công tác tư tưởng trong cán bộ và nhân dân, nhất là trong nông dân; đồng thời phải coi trọng việc củng cố các tổ chức cơ sở sản xuất và các tổ chức thu mua để đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch của Trung ương giao cho.

Để giúp Chính phủ nắm được tình hình kịp thời các ngành và các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh phải giữ vững chế độ thường kỳ báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị này cần được phổ biến đến tận cán bộ và xã viên hợp tác xã nông nghiệp.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 52-TTg năm 1962 về chính sách tiêu dùng, thu mua phân phối và quản lý thị trường nông sản, thực phẩm hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 52-TTg
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
Người ký: Phạm Hùng
Ngày ban hành: 10/05/1962
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 52-TTg năm 1962 về chính sách tiêu dùng, thu mua phân phối và quản lý thị trường nông sản, thực phẩm hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…