ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 06 tháng 12 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH, BÌNH ỔN GIÁ, ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2012 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ TỴ 2013
Thời gian vừa qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012, trong đó có nhiệm vụ quản lý, điều hành, bình ổn giá cả, ổn định thị trường đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh đến tháng 11/2012 vẫn tăng khá cao, tăng 9,16% so với tháng 12/2011 và tăng cao hơn so với mức tăng của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, điều chỉnh tăng học phí, giá nước sạch,… đồng thời tình hình dịch bệnh, thời tiết đang có diễn biến phức tạp, dự báo ảnh hưởng khó khăn đến việc nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp, tác động đến mặt bằng giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; Thông báo số 222/TB-VPCP ngày 21 tháng 6 năm 2012 và Thông báo 386/TB-VPCP ngày 22 tháng 11 năm 2012 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ hàng hóa và chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả, thị trường, hạn chế tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Các sở, ban, ngành và các địa phương:
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng cường các giải pháp điều hành, hoàn thành thu chi ngân sách nhà nước năm 2012; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 23/10/2012 của UBND tỉnh về tăng cường một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường; phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đã đề ra đầu năm.
b) Các Sở ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản, khẩn trương triển khai những giải pháp cần thiết nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường cuối năm 2012 và đầu năm 2013; chủ động xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, các cơ quan cấp trên kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
c) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thông tin tuyên truyền, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các chợ, siêu thị, điểm kinh doanh mua bán trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về đầu cơ, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp Lễ Tết để tăng giá, thu lợi bất chính.
d) Chủ động xây dựng Chương trình, Kế hoạch của ngành và địa phương để tăng cường triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012.
2. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và theo các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012.
3. Ban Chỉ đạo 127/TTH xây dựng kế hoạch liên ngành, chủ động triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào thời gian, đối tượng hàng hóa phục vụ Tết. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động thực hiện Quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn tỉnh được ban hành theo Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 13/11/2009 của UBND tỉnh, sẵn sàng triển khai kịp thời các biện pháp kiểm soát thị trường trong trường hợp có biến động bất thường.
4. Sở Công Thương:
a) Triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp theo sự phân công chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 16/CT-BCT ngày 05/10/2012 về công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, rà soát cân đối cung cầu, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trực tiếp phục vụ cho nhu cầu của nhân dân, nhất là trong dịp tết Nguyên Đán sắp tới.
- Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa; đồng thời triển khai công tác dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác bình ổn thị trường những tháng cuối năm theo Công văn số 2584/UBND-CT ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Chủ động tham mưu UBND tỉnh các chương trình hành động để đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn liền với phát triển thị trường, phát triển hệ thống phân phối, tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, các phiên chợ bán hàng khuyến mại về nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường để duy trì tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
d) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chống đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
5. Sở Tài chính:
a) Chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:
- Tham mưu UBND tỉnh việc đẩy mạnh thu ngân sách theo đúng mục tiêu đề ra và tăng cường quản lý hoạt động thu chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách; giám sát việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Kiểm soát để hạn chế tối đa việc ứng thêm ngân sách cho năm 2013, bổ sung ngân sách ngoài dự toán được giao, trường hợp thật sự cấp bách phải được cơ quan chức năng thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; Trước hết là kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như Y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón… và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu; kiểm tra việc đăng ký, kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin giá theo quy định của pháp luật; kiểm tra các yếu tố hình thành giá của những hàng hóa dịch vụ độc quyền, hàng hóa dịch vụ đang có giá tăng cao không hợp lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá.
b) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá để góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp với Sở Công thương tổ chức thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất, cân đối các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau xanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; theo dõi chặt chẽ, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đề ra các giải pháp kịp thời khống chế khi có dịch bệnh xảy ra; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
7. Sở Y tế tiếp tục rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và quản lý giá thuốc chữa bệnh đối với các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Phối hợp với sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
8. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan chức năng để khuyến cáo, kiểm soát chặt chẽ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng hàng hóa đặc biệt hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây hại sức khỏe của cộng đồng, môi trường; khuyến khích đẩy mạnh công tác đăng ký xác lập quyền, bảo vệ quyền sở hữu về trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của hàng hóa Việt Nam.
9. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành phối hợp thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm mất ổn định thị trường; chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các phòng chức năng cấp huyện trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.
10. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất huy động tối đa bằng đồng Việt Nam và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để bảo đảm các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng các quy định về hoạt động ngân hàng; đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ, vàng, niêm yết quảng cáo hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định của pháp luật.
11. Cục Thuế tỉnh tăng cường các biện pháp đảm bảo thu ngân sách, chống gian lận thuế, nhanh chóng thực hiện các quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp.
12. Cục Hải quan tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu góp phần bình ổn thị trường trong nước; theo dõi cập nhật danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để áp dụng cơ chế chính sách nhập khẩu phù hợp, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
13. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông báo chí: thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai các chương trình thường kỳ quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt, thông tin khách quan tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các ngành, các cấp; cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường trong và ngoài nước, các giải pháp bình ổn thị trường; kiểm soát và chọn lọc thông tin đăng tải, tránh các hiện tượng phản ánh cá biệt gây hiệu ứng dây chuyền và tâm lý bất ổn trong dư luận xã hội.
14. Các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn; thực hiện rà soát các định mức kinh tế - kỹ thuật, đổi mới công nghệ và tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, nhất là các mặt hàng mà doanh nghiệp có lợi thế.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; giao Sở Công Thương kiểm tra, đôn đốc thực hiện và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh kết quả để kịp thời chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 34/CT-UBND năm 2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, ổn định thị trường cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 34/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Nguyễn Văn Cao |
Ngày ban hành: | 06/12/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 34/CT-UBND năm 2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, ổn định thị trường cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Chưa có Video