Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/CT-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH MÍA ĐƯỜNG VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Qua 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo (Thông báo số 77/TB-VPCP ngày 07 tháng 6 năm 2018) về áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường. Sau 2 năm thực hiện, dù đã nhiều cố gắng, ngành mía đường vẫn còn đối diện với những thách thức, cụ thể: (i) Tổ chức sản xuất trong nước chưa theo kịp yêu cầu của thị trường, giá thành sản xuất đường cao nên khó cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là khi giá đường xuống thấp, nhiều nhà máy không đảm bảo được giá mua mía hợp lý cho nông dân; (ii) Việc cơ cấu lại các nhà máy đường còn chậm, ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa đạt hiệu quả; (iii) Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gia tăng, diện tích trồng mía bị thu hẹp; (iv) Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiêu thụ đường mía sản xuất trong nước.

Trong thời gian tới, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực, như: (i) Các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và bà con nông dân luôn quyết tâm giữ ổn định và phát triển mía đường; (ii) Nhiều vùng có lợi thế đối với cây mía còn nhiều dư địa để tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng mía, giảm giá thành sản xuất đường; (iii) Nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới dự báo vẫn còn tăng lên; (iv) Sản xuất điện, phân bón, ethanol, thức ăn chăn nuôi từ các phụ phẩm mía đường còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, ngành mía đường cần nhìn nhận thẳng thắn, phân tích thấu đáo các thách thức, yêu cầu đang đặt ra để có các giải pháp phù hợp nhằm cơ cấu thực chất hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; nâng cao năng lực chế biến và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường; phát triển ngành mía đường phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Với quan điểm chỉ đạo trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan:

a) Khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp trên cơ sở Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.

b) Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; nghiên cứu sản xuất, chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường.

c) Phối hợp với các địa phương và nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

d) Rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về: (i) Sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất mía; (ii) Chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất mía, đường và quản lý đường nhập khẩu; (iii) Nghiên cứu áp dụng biện pháp thanh, kiểm tra sản xuất đường tại nước xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Rà soát Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch về chữ đường, giá mía trong quan hệ mua bán mía nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân.

đ) Nghiên cứu đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan:

a) Chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.

b) Hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại.

c) Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp với tình hình mới.

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, trong đó nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt tiền có tính răn đe cao và hình thức phạt bổ sung đối với các trường hợp vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu.

đ) Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên dành nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mía đường; xem xét thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định hiện hành.

4. Bộ Tài chính:

a) Định kỳ hàng quý và đột xuất khi có yêu cầu cung cấp cho Bộ Công Thương số liệu xuất nhập khẩu các sản phẩm đường để kịp thời phục vụ công tác quản lý.

b) Chủ trì, chỉ đạo lực lượng Hải quan phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước.

c) Chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Hiệp hội mía đường Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan có liên quan xem xét, nghiên cứu việc áp dụng chính sách thuế theo lộ trình phù hợp đối với đồ uống có chứa các loại đường có hại cho sức khỏe.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xem xét sự cần thiết, tính khả thi của việc bổ sung hoạt động kinh doanh sang chiết, phối trộn đóng gói mặt hàng đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại các văn bản có liên quan.

6. Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại quyết liệt hơn; xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép.

7. Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp để triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành mía đường phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế quốc tế.

8. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế; hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả.

b) Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía.

c) Ưu tiên nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường.

9. Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường:

a) Chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Theo dõi thu thập thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh đường trong nước để đề xuất, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xem xét điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

c) Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu.

d) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu; minh bạch về chữ đường, giá mía nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trồng mía, duy trì nguồn nguyên liệu ổn định.

đ) Tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ tiên tiến trong sản xuất đường, sản phẩm cạnh đường và sau đường; xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường.

10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
-
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc các y ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Ban Chỉ đạo 389;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hiệp hội Mía đường Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2)

KT. THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 28/CT-TTg năm 2020 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới do Chính Phủ ban hành

Số hiệu: 28/CT-TTg
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Trịnh Đình Dũng
Ngày ban hành: 14/07/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 28/CT-TTg năm 2020 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới do Chính Phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…