Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-UBND

Nghệ An, ngày 15 tháng 10 năm 2013

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh vận tải và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ có nhiều diễn biến phức tạp, vận tải khách còn nhiều vi phạm, tồn tại nhưng chưa được chấn chỉnh, xử lý, tình trạng xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải trọng cho phép diễn ra thường xuyên, dẫn đến tình hình tai nạn giao thông trong thời gian vừa qua có chiều hướng gia tăng, hạ tầng giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của một số đơn vị kinh doanh vận tải còn chưa triệt để, một số đơn vị kinh doanh vận tải không đảm bảo điều kiện kinh doanh, chưa quan tâm đến công tác quản lý an toàn giao thông; công tác quản lý, sử dụng, điều hành phương tiện và lái xe chưa chặt chẽ, xe công nông, xe ba, bốn bánh tái chế vẫn hoạt động nhiều, quản lý xe thô sơ chưa được chú ý; Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng chưa kiên quyết, hiệu quả của việc xử lý còn hạn chế, công tác quản lý vận tải khách và vận tải hàng hóa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 13/6/2013 và Chỉ thị 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 của Bộ Giao thông vận tải về triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ và chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xe vận tải bằng ô tô; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 09/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị cần phải tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần phải làm thường xuyên, liên tục, toàn diện, cụ thể:

1. Sở Giao thông Vận tải

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, hiệu lực quản lý Nhà nước về giao thông - vận tải:

- Chủ trì phối hợp với Hiệp hội vận tải ôtô Nghệ An tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải bằng đường bộ cho các cán bộ và các lái xe kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

- Rà soát các quy định của pháp luật về vận tải đường bộ, phát hiện những tồn tại, bất cập để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có kế hoạch và thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe, lập hồ sơ theo dõi tình trạng sức khỏe của lái xe. Quá trình khám định kỳ nếu phát hiện lái xe sử dụng chất ma túy, yêu cầu doanh nghiệp phải loại ra khỏi đơn vị ngay.

- Chỉ đạo cắm biển hạn chế tải trọng cầu đường bộ đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Khu quản lý đường bộ IV tiến hành cắm biển hạn chế tải trọng cầu đường bộ trên các tuyến Quốc lộ; hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng cho phép của cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã.

- Thành lập các tổ công tác thường trực tại các bến xe khách, nhất là thành phố Vinh để kiểm tra, xử lý việc chấp hành quy định ra vào bến; xử lý nghiêm các trường hợp xe chạy sai Biểu đồ xe đã được công bố, sai hành trình; Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp, HTX cố tình không thực hiện đúng phương án kinh doanh đã đăng ký, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có lái xe thường xuyên vi phạm tốc độ, xe thường xuyên chở quá lượng khách quy định, xe chạy vi phạm hành trình, đón trả khách không đúng nới quy định.

- Nắm vững tình hình xe quá tải, quá khổ; Tổ chức kiểm tra xe quá tải, quá khổ ngay tại điểm dừng, điểm xuất phát và vi phạm khi lưu thông trên đường;

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện quy định tại Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT ngày 24/9/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy định về quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (hoàn thành trong tháng 10/2013).

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chất chỉnh hoạt động, quản lý của các bến xe trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Chấn chỉnh công tác cấp giấy phép vận tải.

- Chỉ đạo các Đơn vị quản lý Bến xe trên địa bàn:

+ Kiểm tra nghiêm ngặt, kiên quyết không cho xuất bến đối với xe không đáp ứng đầy đủ về an toàn lỹ thuật, lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu bia, chất kích thích;

+ Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng của ngành Công An kiểm tra, kiểm soát hoạt động đón, trả khách của các phương tiện kinh doanh vận tải để phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định;

- Chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ đối với các doanh nghiệp vận tải; cương quyết xử lý và áp dụng hình thức xử phạt cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp phương tiện vận tải chở quá trọng tải cho phép; xe chở khách vượt quá số chỗ quy định.

- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia vận hành hàng hóa bằng ô tô, chủ các mỏ khoáng sản, nhà máy xi măng ... trên địa bàn tỉnh cam kết vận chuyển, bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng, khổ giới hạn quy định.

- Hạn chế việc cấp giấy phép lưu hành xe ôtô chở quá khổ, quá tải (trừ trường hợp đặc biệt).

- Chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thường xuyên vi phạm về chở hàng hóa quá tải, quá khổ.

b) Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi Giấy phép lái xe:

- Tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ chủ chốt của các cơ sở đào tạo lái xe, các sát hạch viên, giáo viên dạy lái xe về các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

- Thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe theo quy định. Đình chỉ có thời hạn đối với các Trung tâm đào tạo vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

- Chỉ đạo các Trung tâm đào tạo đưa nội dung về quy định và tác dụng của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô vào giáo trình đào tạo lái xe các hạng D, E, Fc nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học viên.

c) Tổ chức kiểm tra, nắm chắc tình hình bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường GTNT... để chỉ đạo các đơn vị quản lý lắp đặt, bổ sung các thiết bị phụ trợ, biển báo giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, nguy cơ xẩy ra tai nạn; khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, bão lụt, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là tại các đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao.

d) Thiết lập số điện thoại đường dây nóng trực 24/24 giờ và thông báo rộng rãi trên website của Sở, các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh niêm yết trên xe để nhân dân biết, phản ảnh kịp thời những nguy cơ mất an toàn trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá và kết cấu hạ tầng giao thông.

2. Công an tỉnh

a) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường thường có xe quá tải, quá khổ đi qua; kiểm tra xe chở hàng hóa vượt tải trọng cho phép và quá khổ giới hạn của cầu, đường, trong chú ý tập trung trên các tuyến Quốc lộ và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ có cầu yếu. Kiểm tra xử lý đối với xe khách chở lượng khách vượt quá quy định, xe công nông và xe ba, bốn bánh tự chế lưu hành.

b) Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải theo Quy chế phối hợp 137/QC-LN và các lực lượng chức năng khác để duy trì thường xuyên công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận tải.

c) Chỉ đạo Công an cấp huyện thường xuyên xây dựng Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, huy động tối đa lực lượng kể cả Công an cấp xã, tăng cường tuần tra lưu động để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cao... Thực hiện việc phân cấp mạnh tuyến đường, địa bàn tuần tra kiểm soát cho công an cấp huyện.

d) Huy động các lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra kiểm soát cơ động; tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ, đối tượng chính là lái xe ôtô chở khách, xe buýt, ôtô tải, xe vận tải container chạy quá tốc độ quy định; vi phạm nồng độ cồn; tránh, vượt sai quy định; đi sai phần đường, làn đường; chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật, xe công nông 3,4 bánh tự chế...

đ) Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; căn cứ vào hình ảnh ghi lại và các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm.

e) Đẩy mạnh điều tra các vụ án do tai nạn giao thông và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

g) Tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, sai phạm.

3. Sở Y tế

a) Phối hợp các đơn vị kinh doanh vận tải và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đột xuất đối với đội ngũ lái xe, trước hết là lái xe khách tuyến cố định, lái xe buýt, xe taxi, xe vận tải Công - ten - nơ...

b) Quản lý chặt chẽ, chống các biểu hiện tiêu cực trong việc khám sức khỏe cho lái xe trong quá trình cấp, đổi giấy phép lái xe.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An

a) Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xây dựng phóng sự, tin bài, chuyên đề tập trung vào một số nội dung trọng tâm, như: cảnh báo nguyên nhân, hậu quả tai nạn giao thông do xe khách, xe tải phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, quá khổ, quá tải, đi sai phần đường, làn đường...

b) Kịp thời đưa tin các hoạt động của lực lượng chức năng thực hiện công tác thực thi nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông phục vụ tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông; phê phán kịp thời các tổ chức cá nhân vi phạm về an toàn giao thông.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tham mưu biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có hành vi vi phạm pháp luật.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản bảo đảm tuân thủ quy định khổ giới hạn, tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu đường bộ.

b) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có phương tiện thường xuyên vi phạm chở quá tải, quá khổ...

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

a) Tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng cho phép của cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

b) Chỉ đạo đài truyền thanh các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm xe ô tô chở hàng hóa quá tải, quá khổ cho phép trên các tuyến đường bộ; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị khai thác khoáng sản, khu kinh tế, các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bến bãi tập kết hàng hóa trên địa bàn để ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải, nhất là xe chở hàng hóa quá tải, quá khổ cho phép.

c) Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, Thanh tra giao thông để xử lý các phương tiện xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh tự chế còn lưu hành theo đúng quy định pháp luật; xử lý người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy, xe đạp điện và xe thô sơ vi phạm các quy tắc giao thông.

d) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là đối với UBND cấp xã.

8. Các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tập trung tuyên truyền các nội dung: Quy tắc giao thông, phòng chống uống rượu, bia, khi tham gia giao thông; các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn giao thông; thực hiện nghiêm việc kiểm điểm người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị.

9. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh

a) Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung của Chỉ thị này; tổ chức in ấn, phát hành các loại tài liệu tuyên truyền về đến tận khối, xóm, thôn, bản...

b) Phối hợp các đơn vị quản lý đường bộ rà soát, xử lý các “điểm đen”, nơi thường xảy ra tai nạn giao thông; điều chỉnh hợp lý, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, đèn tín hiệu đường bộ và các thiết bị phụ trợ an toàn giao thông. Rà soát, lắp đặt bổ sung biển báo tuyên truyền tại các bến xe, nhà ga và trên các tuyến giao thông trọng điểm.

Phối hợp Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan kết nối hệ thống tín hiệu đường sắt với đường bộ tại các nút giao cắt; rà soát, xử lý các điểm giao cắt thường xảy ra tai nạn giao thông, các đường ngang dân sinh trái phép...

c) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này ở từng đơn vị, địa phương, hàng tháng đánh giá rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Đồng thời, hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh)./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thanh Điền

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2013 tăng cường giải pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu: 27/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
Người ký: Huỳnh Thanh Điền
Ngày ban hành: 15/10/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2013 tăng cường giải pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…