ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 28 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Hiện nay, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp, một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng danh nghĩa hoạt động bán hàng đa cấp chân chính để biến tướng theo phương thức bán hàng đa cấp bất chính với nhiều hành vi, thủ đoạn tinh vi. Một số doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình hoạt động vi phạm các quy định Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; trong đó, phổ biến là các hành vi: yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ được người khác tham gia bán hàng đa cấp; cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa; “thổi phồng” về công dụng của hàng hóa, sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp và về công ty bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới hoặc mua hàng hóa của công ty; công ty bán hàng đa cấp nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cấp; công ty đa cấp không bán hàng mà sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính....
Để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
1. Sở Công Thương
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 09/3/2016 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và các quy định của pháp luật có liên quan; trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề cụ thể sau:
+ Lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính.
+ Hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, bao gồm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và các nghĩa vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
+ Việc thực hiện các quy định về tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo (có và không có yếu tố nước ngoài) của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp.
+ Các hành vi thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp và các lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
+ Các nghĩa vụ thông báo hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; các nghĩa vụ liên quan đến kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp (trong đó kiểm tra việc chi trả hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế cho người tham gia bán hàng đa cấp).
Khi tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đa cấp, phải thực hiện công bố công khai Quyết định kiểm tra và số điện thoại đường dây nóng của Sở Công Thương để người dân biết và cung cấp thêm thông tin hoặc gửi khiếu nại (nếu có). Kịp thời xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; báo cáo Bộ Công Thương các doanh nghiệp vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan (Công an tỉnh, Sở Y tế...) và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ- CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
- Chủ động đấu mối, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công Thương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để nâng cao năng lực, nghiệp vụ giám sát, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
- Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện việc đưa tin kịp thời về các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật bán hàng đa cấp, các hành vi, thủ đoạn vi phạm để các đơn vị, tổ chức và người dân trên địa bàn nắm bắt.
2. Sở Y tế
- Chỉ đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua bán các sản phẩm bán hàng đa cấp thuộc danh mục quản lý của ngành, đặc biệt là đối với sản phẩm là thực phẩm chức năng; xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
3. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác trinh sát, chủ động nắm tình hình; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, xác minh về tổ chức, phương thức, thủ đoạn hoạt động, quy mô, số lượng người tham gia; kịp thời điều tra, và truy tố trước pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm hình sự.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa
- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về hình thức kinh doanh đa cấp; trong đó tập trung:
+ Thông tin đến người dân các quy định của pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp và những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để người dân, người tham gia bán hàng đa cấp chủ động phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
+ Tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn để từ đó tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Thực hiện công bố công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, hình thức xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe và để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương; yêu cầu dừng hoạt động và xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 và các quy định có liên quan; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác nắm bắt thông tin, kịp thời thông tin về Sở Công Thương những trường hợp có nghi vấn về bán hàng đa cấp trá hình để phối hợp xử lý.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp thông qua các buổi sinh hoạt, tọa đàm, hội nghị... nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân; chủ động nắm tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, kịp thời thông tin những trường hợp có dấu hiệu vi phạm với cơ quan có thẩm quyền để phối hợp xử lý.
Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (vào ngày cuối tuần thứ 3 của tháng cuối Quý), gửi Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 16/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Lê Thị Thìn |
Ngày ban hành: | 28/04/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Chưa có Video