BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-BCT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2015 |
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG XUẤT KHẨU, KIỂM SOÁT NHẬP KHẨU TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM 2015
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng tiệm cận chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu được Quốc hội thông qua là 10%. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 124,56 tỷ USD, tăng 15,9%. Nhập siêu được kiểm soát, ở mức 3,86 tỷ USD, bằng khoảng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản chịu sức ép cạnh tranh trong khi dầu thô và các mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản khác giảm giá và vẫn duy trì ở mức giá thấp.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu có những cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhờ sự tăng trưởng ổn định của kinh tế trong nước, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng tín dụng đạt khá và việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nước nhập khẩu và sự cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa của các nước xuất khẩu, đặc biệt là các nước có phá giá nội tệ so với đồng đô la Mỹ.
Để góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua cho năm 2015 là tăng trưởng xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau đây:
I. Các giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm
1. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu
a) Cục Xuất nhập khẩu, Vụ kế hoạch, các Cục, Vụ quản lý sản xuất phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.
b) Các Cục, Vụ quản lý sản xuất rà soát các dự án sắp hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất để sớm đưa vào hoạt động, phục vụ xuất khẩu.
c) Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước tổ chức làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu để trao đổi về tình hình xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp hỗ trợ, tăng cường tiêu thụ nông sản, các biện pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
d) Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục theo dõi biến động của tình hình tỷ giá và lãi suất trong nước và trên thế giới, đánh giá tác động ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và đề xuất giải pháp; trao đổi, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những vấn đề tỷ giá góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và có cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn để phát triển sản xuất.
đ) Cục Quản lý cạnh tranh, các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, như việc Indonesia, Thái Lan và Malaysia áp thuế chống bán phá giá đối với thép, tôn lạnh của Việt Nam. Chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản này và kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản mới của thị trường nhập khẩu tới các Hiệp hội, doanh nghiệp và phối hợp đề xuất các biện pháp ứng phó.
e) Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ sớm ký ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2009 quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may theo hướng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
g) Tổng cục Năng lượng nghiên cứu, xem xét báo cáo Lãnh đạo Bộ phương án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu than chất lượng cao mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.
h) Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, khai thác tốt các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới tiềm năng, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu năm 2015.
2. Phát triển thị trường xuất khẩu
a) Các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát, đánh giá ảnh hưởng của tỷ giá tới các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng có cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam của nước sở tại và các nước có phá giá tiền tệ; kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
b) Các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các cơ quan quản lý của nước sở tại, các Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận về thương mại, các thỏa thuận có liên quan giúp mở cửa thị trường cho các chủng loại trái cây, rau quả có thế mạnh của Việt Nam như thanh long ruột đỏ vào Nhật Bản, vú sữa vào Hàn Quốc, chôm chôm vào Niu Di-lân, xoài và thanh long vào Úc...
c) Vụ Thị trường châu Âu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Liên bang Nga, đẩy mạnh hợp tác, quan hệ thương mại với vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.
d) Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Vụ Thị trường nước ngoài đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm xuất khẩu Việt Nam đến các nhà phân phối nước ngoài; đôn đốc các đơn vị chủ trì chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tổ chức thực hiện tốt các đề án đã được phê duyệt; rà soát kinh phí đối với các chương trình đã thực hiện hoặc không thực hiện để điều chuyển kinh phí phê duyệt bổ sung các đề án xúc tiến thương mại có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2015.
đ) Các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác thông tin thị trường đối với các mặt hàng thủy sản và gạo, theo đó, tăng cường cập nhật, nắm bắt diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu tại các thị trường để có định hướng điều hành kịp thời, phù hợp.
e) Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu các biện pháp đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định hoặc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, đánh giá sự phù hợp sản phẩm nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước.
g) Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại chủ động theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới; tổng hợp chung các thông tin cơ bản, thông tin chính sách của các thị trường nhập khẩu do các Vụ Thị trường ngoài nước cung cấp, gửi các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tham khảo, phục vụ công tác điều hành.
h) Các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu tổ chức hiệu quả hoạt động thông tin ngành hàng, nâng cao vai trò liên kết giữa các hội viên, đại diện và bảo vệ lợi ích của các hội viên trong thương mại quốc tế; chủ động đề xuất với Bộ Công Thương các chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị trường cụ thể; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để bảo đảm uy tín và chất lượng ổn định của hàng hóa xuất khẩu.
3. Tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA
a) Các đơn vị chủ trì đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trao đổi với phía đối tác nhằm đôn đốc các nước đã ký FTA với Việt Nam hoàn thành sớm các thủ tục nội bộ trong việc phê chuẩn thông qua Hiệp định để sớm đưa vào thực thi. Xây dựng các văn bản nội luật để sớm tận dụng các cơ hội do các FTA mới ký mang lại.
b) Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế làm đầu mối, phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường ngoài nước đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức, biên soạn tài liệu phân tích cam kết, hướng dẫn và định hướng hội nhập kinh tế quốc tế, tổ chức các chương trình để phổ biến các nội dung các FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết, về gói cam kết Bali và về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong đó làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể thụ hưởng, để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường có mức nhập siêu cao
c) Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục chủ trì, tham gia tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho đối tượng là cán bộ, nhân viên của các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu, các đơn vị được Bộ ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; cơ quan hải quan trung ương/địa phương.
d) Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet, kết nối thông suốt với Cơ chế Một cửa Quốc gia và Cơ chế Một cửa ASEAN.
4. Thuận lợi hóa thương mại
a) Các Cục, Vụ liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.
b) Các Cục, Vụ liên quan rà soát danh mục mặt hàng và quy trình cấp giấy phép đối với các nhóm hàng hiện đang được quản lý theo hình thức giấy phép theo hướng giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
c) Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hóa chất tiếp tục triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia, đảm bảo vận hành tốt các thủ tục qua mạng.
d) Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong công tác nâng cao năng lực, thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam; phối hợp trong công tác giảm thiểu các loại phí, lệ phí đối với hàng xuất khẩu.
đ) Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
e) Cục Xuất nhập khẩu trao đổi với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các quy định về kiểm dịch thực vật để sửa đổi các quy định về kiểm dịch và mặt hàng kiểm dịch chưa phù hợp, gây khó khăn cho xuất khẩu; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị chỉ cần giấy chứng nhận kiểm dịch khi nước nhập khẩu có yêu cầu theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 3655/VPCP-KTTH ngày 21 tháng 5 năm 2015.
5. Tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu
a) Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ rà soát các biện pháp quản lý nhập khẩu đang triển khai, đề xuất các biện pháp phù hợp với cam kết quốc tế để quản lý nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng và nhóm hàng trong nước đã sản xuất được; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được đáp ứng nhu cầu như thép xây dựng, phân bón, đường, muối.
c) Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ theo dõi tiến độ thực hiện các dự án sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu theo Quy hoạch của từng ngành và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc để các dự án sớm đưa vào hoạt động.
d) Cục Quản lý cạnh tranh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trước hành vi thương mại không công bằng của các nhà xuất khẩu nước ngoài hoặc đối phó với việc hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh, đột biến nhằm kiểm soát nhập khẩu; tăng cường công tác tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện tốt công tác kháng kiện các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu phù hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
đ) Cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm như: thuốc lá, xăng dầu, gas, phân bón vô cơ...
e) Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ tổ chức thực hiện nhập khẩu hợp lý, đảm bảo sản xuất, không nhập quá nhu cầu; xem xét khả năng tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, thay thế nhập khẩu.
g) Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các chính sách, giải pháp để phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nhất là giữa các doanh nghiệp phân phối lớn có mạng lưới bán buôn, bán lẻ tại nhiều nước với các đầu mối sản xuất cung ứng hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng để đẩy mạnh lượng hàng xuất khẩu qua kênh phân phối bán buôn, bán lẻ của doanh nghiệp; Triển khai hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu theo hướng tăng cường sử dụng hàng hóa, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu; Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020.
1. Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ trách nhiệm được giao, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
3. Giao Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ.
4. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan có báo cáo, phản ánh bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, xử lý./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 16/CT-BCT về giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm 2015 do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu: | 16/CT-BCT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương |
Người ký: | Vũ Huy Hoàng |
Ngày ban hành: | 13/10/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 16/CT-BCT về giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm 2015 do Bộ Công thương ban hành
Chưa có Video