THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ
CỘNG HÒA |
Số: 14-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 1970 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHÂN PHỐI HÀNG HÓA PHỤC VỤ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC
Mấy năm qua, để giảm bớt khó khăn cho công nhân, viên chức trong việc mua hàng, Bộ Nội thương, Tổng cục Lương thực đã phối hợp với Tổng công đoàn hướng dẫn việc tổ chức phân phối một số hàng hóa tại một số cơ quan, xí nghiệp giúp cho công nhân, viên chức ở những nơi đó mua hàng được thuận tiện hơn.
Nhưng nhìn chung việc tổ chức phân phối hàng hóa hiện nay còn nhiều mặt chưa tốt, chủ yếu là do mạng lưới mậu dịch quốc doanh còn hẹp, nhân viên bán hàng còn thiếu, giờ bán hàng nhiều nơi còn chưa hợp lý. Do đó công nhân, viên chức còn bận tâm, lo lắng và tốn nhiều thì giờ đi xếp hàng chờ đợi để mua hàng, ít có thì giờ để nghỉ ngơi, học tập, có lúc phải lấy vào giờ sản xuất, công tác để đi mua hàng.
Để góp phần thực hiện tốt cuộc vận động làm theo di chúc của Hồ Chủ tịch, động viên mọi lực lượng lao động sản xuất của toàn xã hội, tích cực lao động sản xuất, tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác nhằm tăng nhanh sản phẩm xã hội, khôi phục kinh tế, cải thiện từng bước đời sống của nhândân”, Thủ tướng Chính phủ quyết định: Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm và các ngành làm chức năng phân phối cần phải mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ và phục vụ để phục vụ tốt việc cung cấp hàng hóa và một số nhu cầu cần thiết cho công nhân, viên chức, nhằm:
a) Phục vụ tốt hơn đời sống của công nhân, viên chức, giúp cho anh chị em tập trung được thì giờ vào sản xuất, công tác và có thêm thì giờ để nghỉ ngơi, học tập, góp phần động viên tinh thần phấn khởi lao động, tạo thêm điều kiện cho mỗi người làm việc đủ giờ công, ngày công với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao.
b) Góp phần ổn định thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, thực hiện tốt trật tự công cộng.
Để thực hiện tốt các yêu cầu nói trên, các cấp, các ngành cần khẩn trương thực hiện mấy việc dưới đây:
1. Tùy tình hình cụ thể ở từng nơi, Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm và các ngành làm chức năng phân phối cần bàn bạc với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương để tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa và phục vụ cho thích hợp. Ở các xí nghiệp lớn, công trường lớn, các khu công nghiệp, ở các cơ quan lớn hoặc các khu vực tập trung cơ quan, tập trung trường học, khu tập thể lớn,… thì tổ chức cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Ở những cơ quan xí nghiệp số công nhân, viên chức không đông lắm hoặc ở những khu có vài ba cơ quan, xí nghiệp nhỏ không tiện tổ chức cửa hàng mậu dịch quốc doanh thì tùy theo số người, từng đơn vị hay phối hợp với nhau, tổ chức hợp tác xã tiêu thụ. Những cửa hàng mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã tiêu thụ này kinh doanh tổng hợp về lương thực, thực phẩm, một số mặt hàng công nghệ phẩm, phục vụ ăn sáng, giải khát, phục vụ sửa chữa một số đồ dùng để đáp ứng thuận tiện các nhu cầu cần thiết cho công nhân, viên chức. Hàng hóa thì do Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm và các ngành làm chức năng phân phối bảo đảm cung cấp. Địa điểm bán hàng, phương tiện bán hàng và bảo quản hàng hóa thì Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm và các ngành làm chức năng phân phối cùng các cơ quan, xí nghiệp bàn bạc giải quyết. Về cán bộ phụ trách cửa hàng và nhân viên phục vụ, nếu là cửa hàng mậu dịch quốc doanh thì do các Bộ nói trên điều động tới hoặc do cơ quan, xí nghiệp rút bớt người trong biên chế ra làm rồi chuyển hẳn sang; nếu là hợp tác xã tiêu thụ thì do Bộ Nội thương căn cứ vào doanh số của từng đơn vị mà định số biên chế cần thiết, trước mắt các cơ quan, đơn vị lấy người trong biên chế gián tiếp ra làm, sau sẽ điều chỉnh dần cho đúng chế độ. Bộ Nội thương cần gấp rút ban hành điều lệ hợp tác xã tiêu thụ. Trong khi chờ đợi, các cơ quan, xí nghiệp nào thành lập hợp tác xã tiêu thụ có thể căn cứ vào mấy nguyên tắc sau đây mà tổ chức: hợp tác xã tiêu thụ là tổ chức của công nhân, viên chức do công đoàn cơ quan hay xí nghiệp giúp đỡ thành lập ra nhằm phục vụ đời sống của công nhân, viên chức; hợp tác xã phải đăng ký với Nhà nước (cơ quan tài chính) về số lượng xã viên, số vốn và mặt hàng kinh doanh; vốn của hợp tác xã do xã viên góp, trường hợp thiếu vốn, hợp tác xã có thể vay vốn của Ngân hàng Nhà nước; hợp tác xã phải giữ sổ sách kế toán phân minh và nộp lợi nhuận (nếu có). Ban quản trị hợp tác xã do đại hội xã viên bầu ra và chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của hợp tác xã; công đoàn cơ sở và các cơ quan có chức năng của Nhà nước (như thương nghiệp, tài chính,….) có quyền kiểm tra hoạt động của hợp tác xã.
2. Đợt đầu cần tập trung hoàn thành việc tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa và phục vụ cho công nhân, viên chức các cơ quan, xí nghiệp thuộc trung ương quản lý ở Hà-Nội. Trước mắt Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm và các ngành làm chức năng phân phối phối hợp chặt chẽ với Ủy ban hành chính Hà-Nội, có kế hoạch cụ thể và tiến hành thật khẩn trương để hoàn thành nhanh, gọn đợt này, sau đó sẽ triển khai rộng rãi trong tất cả các ngành, các địa phương, các cơ sở với tinh thần khẩn trương để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.
Tổ chức việc phân phối hàng hóa cho công nhân, viên chức nhất định sẽ góp phần cải thiện đời sống và động viên mọi người phấn khởi sản xuất, công tác, tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1970.
Các ngành, các địa phương phải có kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ thị này với tinh thần khẩn trương, tích cực và hàng tháng báo cáo kết quả về Phủ Thủ tướng.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 14-TTg năm 1970 về tổ chức phân phối hàng hóa phục vụ công nhân, viên chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 14-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Đỗ Mười |
Ngày ban hành: | 28/01/1970 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 14-TTg năm 1970 về tổ chức phân phối hàng hóa phục vụ công nhân, viên chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video