ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 03 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÔNG TÁC TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Trong những năm qua, công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đã phát huy được vai trò tích cực trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống xã hội. Tuy vậy, tình hình vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa diễn ra khá phức tạp: Buôn bán các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận đo lường đối với các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu... đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh:
- Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong phạm vi của ngành và địa phương mình quản lý.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.
- Triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành, địa phương mình quản lý chủ động xây dựng và áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quyền sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa; ngăn chặn việc lưu thông hàng hóa giả, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa đã hết hạn sử dụng, hàng hóa không đảm bảo đo lường, hàng hóa độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.
- Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất-chất lượng: Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở trong quá trình sản xuất, kinh doanh; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, HACCP...); hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia và các hình thức tôn vinh khác trong lĩnh vực chất lượng.
- Tăng cường hệ thống kiểm định phương tiện đo, đầu tư năng lực kỹ thuật, nâng cao trình độ kiểm định viên, đảm bảo đủ năng lực kiểm định các phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định theo quy định trên địa bàn. Đầu tư, trang bị các phương tiện phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra về đo lường, chất lượng đáp ứng với yêu cầu hiện nay.
3. Các Sở quản lý chuyên ngành:
- Hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận và công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực được phân công theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Tăng cường quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa được phân cấp quản lý.
- Chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử Iý vi phạm theo quy định.
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu không thực hiện hoặc không hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao và lĩnh vực được phân công.
4. UBND các huyện, thành phố, thị xã (gọi tắt là cấp huyện):
- Chủ tịch UBND cấp huyện xác định vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn; nếu để xẩy ra các vi phạm trên địa bàn thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc lưu thông hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa đã hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng hóa độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, đặc biệt vào các dịp lễ, tết.
- Chủ trì, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán buôn, bán lẻ khác trên địa bàn đối với phép đo, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn theo phân cấp trên địa bàn; Chỉ đạo các trung tâm thương mại, các Ban quản lý chợ phải bố trí điểm cân đối chứng tại khu vực chợ;
Triển khai kiểm định cân tại địa phương, nhất là tại các chợ, các cơ sở kinh doanh có sử dụng cân nhằm hạn chế gian lận về đo lường. Tăng cường đầu tư thiết bị, chuẩn đo lường và đào tạo cán bộ để phục vụ cho công tác quản lý đo lường theo quy định.
5. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm:
- Thường xuyên cập nhật các quy định mới về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất kinh doanh cho cán bộ quản lý và người lao động.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; sử dụng chuẩn đo lường, đảm bảo thực hiện phép đo, định lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng lực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và hội nhập kinh tế.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức Hội, Đoàn thể phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, các ngành tăng cường vận động đoàn viên, hội viên nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “nói không” với sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng hóa không đủ định lượng; giám sát, phát hiện và thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng những hiện tượng vi phạm về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội để triển khai thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị này; hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Sở Khoa học và Công nghệ (qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý nhà nước công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Số hiệu: | 08/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký: | Nguyễn Thiện |
Ngày ban hành: | 17/03/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý nhà nước công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Chưa có Video