ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Hòa Bình, ngày 21 tháng 3 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2017
Thực hiện Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Quyết định số 1896/QĐ-BKHĐT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương về việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và văn bản hướng dẫn quy trình tổ chức chỉ đạo triển khai Tổng điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương.
Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 nhằm mục đích thu thập thông tin toàn diện về kinh tế - xã hội và sự phân bố các đơn vị cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp đang hoạt động trên cả nước nói chung, từng tỉnh, huyện, thành phố nói riêng; tính toán các chỉ tiêu chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) năm 2016 theo Đề án đổi mới quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia, làm căn cứ so sánh đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp giai đoạn 2015-2020; trên cơ sở đó xây dựng các qui hoạch, phân vùng; đồng thời có số liệu cơ bản làm dàn mẫu tổng thể cho các cuộc điều tra chọn mẫu hàng năm.
Để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Cục trưởng Cục Thống kê, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh
- Cục Thống kê tỉnh có trách nhiệm thường trực cuộc Tổng điều tra, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện:
+ Căn cứ phương án điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương lập kế hoạch Tổng điều tra, phân công, phân nhiệm từng thành viên Ban chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện vật chất như: Xây dựng kế hoạch điều tra, chuẩn bị phiếu điều tra, văn bản tài liệu giải thích hướng dẫn, kinh phí phục vụ cuộc tổng điều tra.
+ Sau khi được Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra, tiến hành tổ chức triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên trên toàn địa bàn tỉnh, đôn đốc thu thập thông tin, chỉnh lý và tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định của phương án Tổng điều tra.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo (Cục Thống kê tỉnh) cung cấp danh sách và thông tin dữ liệu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đến 31/12/2016.
- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các Cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh thực hiện các công việc:
+ Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc phối hợp với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo để hoàn thành tốt công tác Tổng điều tra theo sự phân công của Ban chỉ đạo tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin có liên quan đến nội dung Tổng điều tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh.
+ Lập danh sách các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và có văn bản chỉ đạo các cơ sở trực thuộc chuẩn bị sổ sách chứng từ để ghi chép vào các loại biểu mẫu do Ban chỉ đạo tỉnh chuyển giao và hướng dẫn. Gửi báo cáo về thường trực Ban chỉ đạo (Cục Thống kê tỉnh) theo đúng thời gian quy định.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã (phường, thị trấn)
- Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo đúng thành phần, đảm bảo thời gian quy định; tổ chức thực hiện Tổng điều tra theo phương án của Ban chỉ đạo Trung ương và kế hoạch Tổng điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh.
- Phân công các phòng (ban) tham gia Tổng điều tra theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời phối hợp với Ban chỉ đạo các cấp kiểm tra đôn đốc cuộc Tổng điều tra tại địa phương.
3. Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện, nhà văn hóa...) có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ liên quan phối hợp với điều tra viên kê khai đầy đủ chính xác các nội dung yêu cầu của phiếu điều tra và báo cáo đúng thời hạn quy định theo sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo Tổng điều tra.
4. Giám đốc các doanh nghiệp ngoài nhà nước (Công ty cổ phần, Công ty TNHH, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân) bố trí kế toán trưởng cung cấp thông tin vào các loại biểu mẫu theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về những số liệu đã khai báo, đảm bảo tính chính xác của số liệu.
5. Chủ các cơ sở kinh tế khu vực cá thể cử người nắm được nghiệp vụ và có chuyên môn về lĩnh vực kế toán thống kê cung cấp cho điều tra viên được cử đến những thông tin theo yêu cầu của các loại phiếu điều tra.
6. Chủ các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho điều tra viên được cử đến.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố, phối hợp với Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch Tổng điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hiểu rõ mục đích ý nghĩa để phối hợp với lực lượng điều tra viên kê khai đúng, đầy đủ các nội dung của phiếu điều tra theo yêu cầu.
8. Sở Tài chính phối hợp với Cục Thống kê tỉnh (Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh) đề xuất kinh phí phát sinh phục vụ Tổng điều tra, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo quy định.
9. Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương và Tổ Thường trực Tổng điều tra xúc tiến nhanh các bước chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện cần thiết để tiến hành triển khai Tổng điều tra từ tháng 3 năm 2017 đến ngày 30 tháng 7 năm 2017, đảm bảo tiến độ điều tra đúng theo phương án của Ban chỉ đạo Trung ương.
10. Cục trưởng Cục Thống kê; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo các cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2017 ban hành kèm theo Quyết định số 1896/QĐ-BKHĐT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
CHỦ
TỊCH |
Chỉ thị 06/CT-UBND triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do tỉnh Hòa Bình ban hành
Số hiệu: | 06/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình |
Người ký: | Nguyễn Văn Quang |
Ngày ban hành: | 21/03/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 06/CT-UBND triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do tỉnh Hòa Bình ban hành
Chưa có Video