Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 05/2008/CT-UBND

Lai Châu, ngày 11 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP GÓP PHẦN KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Bước vào thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch năm 2008, ngay từ đầu năm chúng ta đã gặp phải nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá cả tăng cao; có dấu hiệu lạm phát trên toàn cầu. Ở trong nước, tình hình do đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng và dịch bệnh gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh, đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm gần chục ngàn gia súc bị chết rét, hàng ngàn ha lúa Đông xuân, cây trồng khác bị chết phải gieo cấy lại; giá các mặt hàng thiết yếu cho xây dựng và tiêu dùng tăng cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống.

Để thực hiện Nghị quyết số 08/2008/NQ-CP của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 91/TB-VPCP ngày 07 tháng 4 năm 2008 góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững.

UBND tỉnh Chỉ thị cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc và Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh tập trung triển khai một số công việc cụ thể sau đây:

1. Tập trung chỉ đạo khắc phục các thiệt hại do rét đậm, rét hại đầu năm đảm bảo giữ vững và thực hiện đạt Kế hoạch sản xuất Đông xuân đã đề ra, chủ động chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, dịch gia súc gia cầm để đảm bảo khôi phục và tăng trưởng của đàn gia súc. Cụ thể:

- Rà soát toàn bộ diện tích đã gieo cấy lại, xác định các diện tích không thể gieo cấy lại để chuyển trồng cây lương thực ngắn ngày. Hướng dẫn bà con nông dân tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, đảm bảo cho lúa và cây trồng phát triển tốt.

- Tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Tập trung kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ thực hiện tiêu độc, khử trùng, không để bùng phát dịch trên gia súc, gia cầm. Đặc biệt là dịch cúm H5N1, dịch lở mồm long móng ở trâu bò ngựa và dịch tai xanh ở lợn.

- Chủ động đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa và cây trồng, đồng thời phải xây dựng kế hoạch chủ động phòng ,chống bão lũ, gió xoáy, mưa đá có thể xảy ra để giữ vững sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Triển khai các biện pháp để thực hiện tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi, giảm những việc chưa cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các giải pháp thực hành tiết kiệm chi ngân sách sau đây:

- Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách Nhà nước ở các cơ quan và Doanh nghiệp Nhà nước; Thực hiện nghiêm túc chế độ Hội nghị, chế độ sử dụng xe công vụ, chế độ chi công tác phí, tiếp khách. Đình hoãn các cuộc họp, hội nghị chưa cần thiết, không tổ chức các cuộc thăm quan học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước.

- Các cơ quan đơn vị phải chủ động bố trí chi tiêu hợp lý đúng chế độ, chính sách trong khoản kinh phí đã giao đầu năm và thực hiện tiết kiệm chi 10% (các khoản chi thường xuyên), kiểm soát chặt chẽ việc ứng vốn ngân sách đối với các công trình xây dựng cơ bản. UBND tỉnh không xem xét bổ sung ngân sách ngoài dự toán đã giao đầu năm trừ các nhiệm vụ cấp bách về an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai.

- Tập trung chỉ đạo rà soát toàn bộ các khoản thuế, phí, lệ phí phải thu đối với các đối tượng phải nộp, các khoản thuế nợ đọng để thu hết vào ngân sách. Xử lý nghiêm các đối tượng trốn, lậu thuế, dây dưa không chịu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí. Đồng thời phải xem xét các trường hợp miễn giảm thuế theo chính sách để đảm bảo cho sản xuất phát triển.

UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính căn cứ vào dự toán ngân sách giao đầu năm để trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu tiết kiệm cho từng cơ quan đơn vị tỉnh và các huyện, thị xã (kể cả các đơn vị hành chính và sự nghiệp, các Ban QLDA…) trước ngày 30 tháng 4. Phối hợp với Cục thuế, Kho Bạc Nhà nước tỉnh để thực hiện kiểm soát các khoản chi của cơ quan sử dụng Ngân sách Nhà nước theo tinh thần nội dung tiết kiệm của Chính phủ và của tỉnh tại Chỉ thị này. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các trường hợp chi tiêu không đúng mục đích sai chế độ.

3. Tổ chức rà soát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc Ngân sách Nhà nước. Cụ thể:

- Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn chương trình mục tiêu, vốn vay, vốn trái phiếu Chính phủ, cụ thể:

a) Đối với các công trình đã được phê duyệt dự án thiết kế dự toán đã được ghi kế hoạch vốn vay năm 2008, phải tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công.

b) Đối với các công trình, dự án thuộc kế hoạch khởi công mới nhưng đến nay chưa đủ thủ tục để triển khai thi công, thì rà soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét, đình hoãn hoặc điều chuyển vốn cho các công trình dự án khác cùng nguồn vốn, cùng địa bàn. UBND tỉnh không giải quyết, bổ sung danh mục đầu tư mới trừ các trường hợp cấp bách phục vụ an ninh - quốc phòng và phòng chống thiên tai.

c) Đối với các dự án đã hoàn thành, các chủ đầu tư và nhà thầu phải hoàn tất thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán công trình, bàn giao đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Trong tháng 5 năm 2008 nếu các chủ đầu tư không hoàn tất thủ tục thanh toán thì điều chuyển vốn đã bố trí cho công trình khác đồng thời xử lý kỷ luật trách nhiệm của chủ đầu tư. Và không chấp nhận cho các nhà thầu tham gia xây dựng các công trình khác.

d) Đối với các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn thuộc nguồn cơ quan Trung ương quản lý đã được ghi kế hoạch vốn thì các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thị xã phải phối hợp chặt chẽ với các chủ dự án để thực hiện các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo các thủ tục cần thiết để đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình.

UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã tổ chức rà soát các công trình thuộc khoản 3a, 3b để báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý trước ngày 30 tháng 4 năm 2008.

UBND các huyện, thị xã, các ngành đơn vị được giao chủ đầu tư căn cứ vào các nội dung chỉ đạo tại mục 3 trên đây để có biện pháp xử lý các dự án công trình thuộc thẩm quyền đã được phân cấp. Trong tháng 5 năm 2008 báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch & Đầu tư).

4. Tập trung kiểm soát thị trường giá cả:

UBND các huyện, thị xã và các ngành chức năng phải tăng cường quản lý thị trường giá cả, chống đầu cơ buôn lậu, lợi dụng tình hình để đầu cơ nâng giá trực lợi bất chính. Cụ thể:

Ban Chỉ đạo 127, Chi cục quản lý thị trường tỉnh và các huyện, thị xã phải tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thị trường, chống các hành vi đầu cơ, buôn lậu, trốn lậu thuế và nâng giá bất chính. Trước hết là kiểm tra giá bán xăng dầu, xi măng sắt thép, điện nước sinh hoạt, vật tư nông nghiệp, cước vận tải và giá các dịch vụ, các mặt hàng thiết yếu (có trợ cước, trợ giá) cho nhân dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, xử lý các trường hợp tự ý nâng giá bán vượt giá quy định của các đơn vị cung ứng và mức giá đã được các cơ quan thẩm quyền cho phép.

UBND các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất rau mầu, thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng địa phương để bán ra thị trường. Đồng thời với việc tiết kiệm tiêu dùng tập trung vốn vào phát triển sản xuất.

5. Các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của Chính phủ về các giải pháp quản lý tiền tệ, tín dụng để góp phần kiềm chế lạm phát. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, giải quyết việc làm, vay đối với xuất khẩu lao động và sinh viên nghèo, không để gián đoạn ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lai Châu, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Lai Châu chủ động viết bài đưa tin trung thực về tình hình và các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững của Chính phủ và các nội dung Chỉ thị này tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh, phản ánh các hoạt động sản xuất và tham gia các giải pháp của Chính phủ đề ra của nhân dân trong tỉnh. Chống các thông tin thất thiệt hoặc xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước để nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào Đảng, Chính phủ.

UBND tỉnh đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Uỷ ban MTTQ tỉnh và các tổ chức quần chúng thành viên sử dụng đội ngũ báo cáo viên để tuyên truyền các chủ trương biện pháp trên đây tới cán bộ Đảng viên và nhân dân thực hiện góp phần đẩy lùi lạm phát, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định đời sống nhân dân.

7. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, Thị xã, các ngành tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trước ngày 30 tháng 5 năm 2008 phải có báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh. UBND tỉnh giao cho Giám đốc Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Chánh Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc các huyện, Thị xã các ngành thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lò Văn Giàng

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 05/2008/CT-UBND thực hiện biện pháp góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội tăng trưởng bền vững do tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu: 05/2008/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
Người ký: Lò Văn Giàng
Ngày ban hành: 11/04/2008
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 05/2008/CT-UBND thực hiện biện pháp góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội tăng trưởng bền vững do tỉnh Lai Châu ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…