BỘ
THƯƠNG MẠI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1951
TM/ĐB |
Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2002 |
BÁO CÁO KẾT QUẢ HỘI NGHỊ ỦY BAN ĐÀM PHÁN THƯƠNG MẠI ASEAN - TRUNG QUỐC (Từ 15 - 16/5/2002 tại Bắc Kinh, Trung Quốc)
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Uỷ ban đàm phán Thương mại ASEAN - Trung Quốc (TNC) đã họp phiên đầu tiên từ ngày 15-16/5/2002 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Trước đó, Nhóm đàm phán thương mại ASEAN (TNG) đã họp vào ngày 13/5/2002 và Hội nghị tham vấn giữa các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN - Trung Quốc (SEOM-MOFTEC) lần thứ 3 cũng họp vào ngày 14/5/2002 để chuẩn bị và định hướng cho Hội nghị. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị TNC lần này có đại diện Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ Thương mại làm Trưởng đoàn. Bộ Thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung chính của Hội nghị như sau:
Hội nghị lần thứ nhất Uỷ ban đàm phán Thương mại ASEAN - Trung Quốc đánh dấu sự khởi động đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN - Trung Quốc, nổi bật là việc hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Đây là lần đầu tiên cả ASEAN và Trung Quốc cùng bày tỏ thẳng thắn các quan điểm cơ bản về tương lai hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.
Chuẩn bị cho sự kiện này, ASEAN đã hai lần tổ chức họp Nhóm đàm phán thương mại của ASEAN (TNG) do Thái Lan chủ tọa với mục tiêu thống nhất quan điểm chung của các thành viên và xây dựng nội dung, cách thức thực hiện hợp tác kinh tế để đưa ra đàm phán với phía Trung Quốc. Trong khi Thái Lan và Singapore tỏ ra mong muốn đẩy nhanh đàm phán để xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, một số nước như Malaysia, Inđônêsia, Philipin có thái độ tương đối thận trọng đối với phía Trung Quốc. Chính vì thế, trong một số tình huống nhất định, nội bộ ASEAN đã không có được tiếng nói chung với một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là mô hình cắt giảm thuế của Thái Lan (sẽ báo cáo chi tiết tại phần sau).
Về phía Trung Quốc, suốt quá trình diễn ra Hội nghị, đoàn Trung Quốc tỏ ra bất ngờ và lúng túng với các đề xuất của ASEAN. Đồng thời, Trung Quốc không đưa ra được một sáng kiến hoặc đề xuất riêng nào.
a/ Về phạm vi của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc:
Hai bên thống nhất Hiệp định khung sẽ bao trùm toàn bộ các lĩnh vực có khả năng thúc đẩy hợp tác, không chỉ tập trung vào xây dựng Khu vực mậu dịch tự do. Đồng thời, Hiệp định sẽ được xây dựng một cách đơn giản và xác định phương hướng đàm phán trong tương lai về các lĩnh vực cụ thể.
Tại Hội nghị TNC, ASEAN chủ động đưa ra cho phía Trung Quốc dự thảo của mình (được Singapore soạn thảo với sự góp ý của các thành viên ASEAN). Sơ bộ Hiệp định khung sẽ có ba (03) phần lớn: (i) phần 1 - tự do hóa thương mại; (ii) phần 2 - hợp tác kinh tế; (iii) phần 3 - các điều khoản thực hiện. Tại phần 1 của dự thảo Hiệp định, do sự khác biệt về đối tượng, phương pháp và thời gian tiến hành tự do hóa nên các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư được tách riêng thành các điều khoản khác nhau.
Trung Quốc tỏ ra lúng túng và thụ động với đề xuất này. Ngoài việc đề nghị các nước ASEAN cơ cấu lại các điều khoản để cấu trúc của Hiệp định cho hợp lý hơn, phía Trung Quốc không đưa ra một chính kiến nào về nội dung các điều. Cuối cùng, Hội nghị đồng ý rằng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ cung cấp ý kiến đối với Hiệp định khung cho Singapore trước 7/6/2002.
b/ Về phạm vi của Khu vực mậu dịch tự do (ACFTA)
Về tự do hóa trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ, cả ASEAN và Trung Quốc đều có tiếng nói chung vì đây là những vấn đề cơ bản của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, đối với lĩnh vực đầu tư vẫn còn những khác biệt không chỉ giữa ASEAN và Trung Quốc mà ngay trong nội bộ ASEAN. Singapore và Thái Lan muốn tiến hành tự do hóa chế độ đầu tư nhưng Malaysia và Inđônêsia cho rằng chỉ nên tập trung vào việc xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện để môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Phía Trung Quốc tỏ thái độ nghi ngờ về mục tiêu tự do hóa về đầu tư vì cho rằng WTO cũng chỉ xử lý các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại trong Hiệp định TRIMs. Tuy nhiên, Trung Quốc không phản đố phạm vi của ACFTA có thể bao gồm cả đầu tư. Singapore và Thái Lan lập luận rằng đầu tư là một vấn đề mà WTO sẽ tiến hành đàm phán trong khuôn khổ của vòng đàm phán mới, nếu bỏ vấn đề đầu tư ra ngoài sẽ không theo kịp tiến trình của WTO và không tận dụng được các cơ hội đầu tư. Đồng thời, trong ASEAN cũng đã ký kết Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN. Tuy nhiên, Singapore và Thái Lan cũng đồng ý rằng lĩnh vực đầu tư có thể có các phương pháp tự do hoá khác với thương mại hàng hóa và sẽ có lộ trình riêng. Cuối cùng, các nước đều cho rằng ACFTA cần thiết có các quy định về đầu tư nhưng nội dung cụ thể sẽ được bàn kỹ thêm ở các phiên họp sau.
2. Vấn đề thu hoạch sớm (Early Havest)
a/ Về thời điểm hưởng “Thu hoạch sớm”
Các nước ASEAN nhấn mạnh “thu hoạch sớm” là khoản “trả trước” của Trung Quốc để thiết lập khu vực mậu dịch tự do với ASEAN. Trong đó, Trung Quốc sẽ cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan với những mặt hàng có lợi cho các nước ASEAN và được thực hiện ngay khi Hiệp định khung có hiệu lực trên cơ sở MFN cho toàn bộ thành viên ASEAN. ASEAN cho rằng thực hiện ngay “thu hoạch sớm” là cần thiết để ASEAN hưởng ưu đãi của Trung Quốc hơn các nước WTO khác vì từ năm 2004, nhiều biện pháp thuế và phi thuế của Trung Quốc sẽ giảm đáng kế và có thẻ làm mất ý nghĩa của “thu hoạch sớm”
Trung Quốc cho rằng, nếu như “thu hoạch sớm” được thực hiện theo đề xuất của ASEAN thì vấn đề không phải là “Trung Quốc muốn hay không” mà là Trung Quốc không có khả năng thực hiện. Cụ thể, từ nay đến tháng 11/2002 (thời điểm Hiệp định khung dự kiến được ký kết) thì Trung Quốc chưa thể chuẩn bị được hệ thống hải quan, việc giảm thuế và cơ chế thực hiện quy tắc xuất xứ. Trung Quốc thẳng thắn đề nghị ASEAN không nên gây sức ép thêm cho Trung Quốc vì các ngành công nghiệp của Trung Quốc đang gặp khó khăn khi tham gia vào WTO. Những lý do mà Trung Quốc đưa ra đã làm nhiều nước ASEAN thất vọng. Malaysia, Thái Lan phải tái khẳng định Hiệp định ACFTA là có lợi cho cả ASEAN và Trung Quốc. Khó khăn về cạnh tranh quốc tế không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả các nước ASEAN. Hội nghị chưa thống nhất được về thời điểm thực hiện “thu hoạch sớm”
b/ Vấn đề đối xử tương hỗ không đầy đủ (Less than full reciprocity)
Mong đợi lớn nhất của ASEAN là Trung Quốc sẽ cho ASEAN không đối xử tương hỗ không đầy đủ, nghĩa là Trung Quốc mở cửa nhiều, sớm và nhanh hơn cho ASEAN. Tuy nhiên, đây là vấn đề gây bất đồng lớn nhất giữa ASEAN và Trung Quốc.
ASEAN viện dẫn thoả thuận giữa hai bên trong cuộc họp SEOM - MOFTEC tại Brunây tháng 10/2001 rằng ASEAN đã giải thích và Trung Quốc đã chấp nhận nguyên tắc này trên thực tế. Tuy nhiên, do lúc đó Trung Quốc nêu khó khăn về mặt câu chữ nên ASEAN đồng ý không cam kết bằng văn bản. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không có ý chấp nhận nguyên tắc đó mà giữa ASEAN và Trung Quốc cần phải được thực hiện một cách công bằng, đôi bên cùng có lợi vì giữa ASEAN và Trung Quốc là “quan hệ giữa các nước đang phát triển và bè bạn”. Về yêu cầu của Việt Nam đề nghị Trung Quốc có các đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước thành viên mới của ASEAN, Trung Quốc khẳng định sẵn sàng xem xét đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho 4 nước ASEAN mới trong đó có Việt Nam. Hội nghị đồng ý xác định vấn đề này cụ thể hơn tại Mô hình cắt giảm thuế do Thái Lan đề xuất (xin được báo cáo dưới đây).
c/ Mô hình cắt giảm thuế quan (ACPT)
Mô hình cắt giảm thuế quan (ACPT) do Thái Lan đề xuất với cách thức cắt giảm thuế tương tự như CEPT/AFTA. Nội dung căn bản là phân chia hàng hóa thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất là các loại hàng hóa thực hiện cắt giảm nhanh (thực chất là chương trình “thu hoạch sớm”). Nhóm thứ hai là các hàng hóa nhạy cảm. Nhóm thứ 3 là các hàng hóa cắt giảm thông thường, tập trung xử lý đỉnh thuế trên 15%. Nhóm thứ 4 là các hàng hóa nông sản có hạn ngạch thuế quan trong khuôn khổ WTO.
Mô hình của Thái Lan đã gây ra tranh cãi trong nội bộ ASEAN về cơ sở xây dựng mô hình, về quan điểm xử lý vấn đề về hàng nông sản, nguyên tắc tương hỗ không đầy đủ, tốc độ cắt giảm. Tuy nhiên, Thái Lan đã bảo lưu mô hình trên (loại bỏ các chỉ dẫn về thời gian, tỷ lệ cắt giảm và đưa thêm nhiều đòi hỏi chung về trách nhiệm của mỗi bên ASEAN, Trung Quốc) để đưa ra cho phía Trung Quốc nghiên cứu như tài liệu mang tính tham khảo.
Nội dung chủ yếu của mô ình này là yêu cầu: (i) Trung Quốc mở cửa sớm hơn với số lượng lớn hơn; (ii) Trung Quốc có nghĩa vụ cụ thể tại mốc thời gian giữa kỳ trong khi ASEAN không có nghĩa vụ này; (iii) dành cho các thành viên mới của ASEAN ưu đãi về thời gian thực hiện dài hơn và khác biệt về thuế suất cuối cùng; và (iv) tập trung xử lý hạn ngạch thuế quan của Trung Quốc đối với hàng nông sản.
Phía Trung Quốc cho rằng mô hình này gây “thất vọng” cho Trung Quốc vì có quá nhiều yếu tố bất lợi cho phía Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc cho rằng mô hình cần thể hiện:
· Thời gian bắt đầu, kết thúc, nghĩa vụ cắt giảm thuế giữa kỳ, mức thuế suất tối đa được hưởng ưu đãi, thuế suất cuối cùng, giai đoạn cắt giảm phải tương tự như của ASEAN ;
· Các thành viên mới của ASEAN (Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có thể được hưởng thời gian thực hiện dài hơn nhưng thuế suất cuối cùng phải bằng nhau;
· Trung Quốc có thể linh hoạt về tỷ lệ các sản phẩm giảm thuế cho nhóm hàng hóa thứ nhất của mô hình ACPT sau khi đàm phán (nghĩa là số lượng hàng hóa Trung Quốc đưa vào cắt giảm sớm có thể nhiều hơn ASEAN );
· Nguyên tắc tương hỗ của CEPT phải được thể hiện trong mô hình ACPT; và
· Trung Quốc và ASEAN cùng loại bỏ các biện pháp phi thuế quan trái với WTO.
Với quan điểm này, Trung Quốc và ASEAN đã không thẩm quyền được nguyên tắc đối xử tương hỗ không đầy đủ. Mặt khác, chương trình “thu hoạch sớm” có lẽ không được như ASEAN mong đợi vì khó có thể thực hiện ngay sau khi ký kết Hiệp định khung. Trung Quốc chỉ đồng ý sẽ linh hoạt do sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các thành viên ASEAN. Như vậy, chỉ có những thành viên mới của ASEAN được hưởng ưu đãi.
Các thành viên mới của ASEAN đề nghị Trung Quốc xem lại việc không cho hưởng sự khác biệt về thuế suất cuối cùng. Phía Trung Quốc cho rằng mục tiêu cuối cùng của khu vực mậu dịch tự do phải là tự do hóa chu chuyển hàng hóa, vì vậy thuế suất cuối cùng phải giống nhau. Hiện nay, ta vẫn đề nghị bạn tiếp tục xem xét thêm vấn đề này.
Do còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết ngay giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan đến đề nghị của Thái Lan nên Hội nghị quyết định các thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện mô hình cắt giảm thuế, xác định danh mục các hàng rào phi thuế quan đối với “thu hoạch sớm” và các biện pháp cũng như các lĩnh vực quan tâm trước ngày 7/6/2002.
Tại Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam cũng đã vận động các nước ASEAN ủng hộ Việt Nam là nước cần được hưởng ưu đãi đơn phương (GSP-type) của Trung Quốc như 3 nước Lào, Camphuchia và Myanmar. Trung Quốc nhắc lại giữa Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt nên luôn xác định Việt Nam là một ưu tiên trong quan hệ. Vấn đề hưởng ưu đãi đơn p hương như các nước Lào, Camphuchia và Myanmar cần xét đến phân loại của Liên hợp quốc về các nước chậm phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc ghi nhận đề nghị của ta và đề xuất rằng việc này sẽ được thảo luận song phương. Bên lề Hội nghị, Trưởng đoàn của Brunây khuyên ta nên tiếp cận Trung Quốc qua kênh ngoại giao song phương sẽ thuận lợi hơn.
ASEAN và Trung Quốc thống nhất sẽ tăng cường đàm phán để đạt được Hiệp định khung vào cuối năm vì vậy từ nay cho đến tháng 10/2002, TNC sẽ họp mỗi tháng một lần để xây dựng văn kiện và thống nhất quan điểm.
Hầu hết các nước thống nhất rằng, Hiệp định khung mang tính bao trùm tất cả mọi lĩnh vực hợp tác nên cấp Lãnh đạo Chính phủ sẽ ký tương tự như Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế của ASEAN. Chỉ có Myanmar còn cần xin thêm ý kiến trong nước. Đối với các Hiệp định cụ thể hóa Hiệp định khung sau này sẽ có thể do các Bộ trưởng Kinh tế ký kết.
Tóm lại, Hội nghị lần này mới là bước đầu thăm dò quan điểm của các bên. Cả ASEAN và Trung Quốc đều cần có thời gian nghiên cứu và xin ý kiến trong nước. Kết quả chính của Hội nghị lần này là khởi động đàm phán và đưa ra trao đổi một số vấn đề có tính nguyên tắc.
III/ KIẾN NGHỊ CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI
Dựa trên kết quả của Hội nghị, Bộ Thương mại dự kiến một số công việc cần triển khai như sau:
1/ Xin ý kiến các Bộ/Ngành thành viên Tổ công tác Liên Bộ về các dự thảo Hiệp định khung và Mô hình cắt giảm thuế quan;
2/ Chuẩn bị ý kiến của Việt Nam để đóng góp cho bạn trước ngày 7/6/2002;
3/ Xây dựng phương án đàm phán cho phiên họp thứ 2 của TNC trước ngày 20/6/2002;
4/ Mời đại diện văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp làm thành viên Tổ công tác Liên Bộ.
Bộ Thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo để triển khai./.
|
KT/BỘ
TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Báo cáo số 1951 TM/ĐB ngày 21/05/2002 của Bộ Thương mại về việc báo cáo kết quả Hội nghị Uỷ ban đàm phán KVTMTD ASEAN - Trung Quốc
Số hiệu: | 1951TM/ĐB |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Thương mại |
Người ký: | Mai Văn Dâu |
Ngày ban hành: | 21/05/2002 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo số 1951 TM/ĐB ngày 21/05/2002 của Bộ Thương mại về việc báo cáo kết quả Hội nghị Uỷ ban đàm phán KVTMTD ASEAN - Trung Quốc
Chưa có Video