BỘ
THƯƠNG MẠI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0891 TM/CSTNTN
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2004 |
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC THÁNG 2 NĂM 2004
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trong tháng 2/2004, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp 2 buổi để đánh giá và phân tích tình hình thị trường trong nước những tháng đầu năm 2004 và đã có 2 công văn số 0657 TM/CSTTTN ngày 18 tháng 2 năm 2004 và số 0752 TM/CSTTN ngày 23 tháng 2 năm 2004 về giải pháp xử lý đối với một số mặt hàng (chủ yếu là đối với nhựa và sắt thép); Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thị trường trong nước tháng 2/2004 như sau:
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế trong nước tháng 2 năm 2004 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Cùng với sự chỉ đạo tích cực nhằm chủ động nguồn nước chống hạn của các ngành, thời tiết giữa tháng ấm dần đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ lúa Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc và thu hoạch lúa Đông Xuân tại các tỉnh ĐBSCL; dịch cúm gia cầm đã cơ bản được khống chế, đồng thời các giải pháp chế biến, lư thông, tiêu thụ gia cầm dồi dào, nhưng do sức mua sau Tết giảm đáng kể, nên nhịp độ lưu thông hàng hoá và sức mua của xã hội sau Tết giảm hơn. Hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh (giá thép tăng cao, nhiều công trình tiến độ xây dựng chậm lại; giá hạt nhựa tăng cao không ít doanh nghiệp bị lỗ khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu...)
Do giá cả nhiều mặt hàng tăng cao vào dịp Tết và sau Tết (được tính vào chỉ số giá tháng 2 năm 2004) nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2004 so với tháng 1 năm 2004 tăng 3% (trong đó khu vực nông thôn tăng 2,6%). Trong cơ cấu chỉ số giá tháng 2 nhóm LT-TP có mắc tăng cao nhất là 5,1% (LT: + 1,5%; TP: +6,8%), các nhóm hàng khác có mức tăng từ 0,5 - 1,8%, riêng nhóm may mặc - mũ nón giảm 0,3% và nhóm giáo dục là ổn định. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2004 tăng 4,1% (đây là mức tăng giá 2 tháng đầu năm cao nhất trong 10 năm qua), trong đó nhóm LT-TP có mức tăng cao nhất là 6,8% (LT: + 3,6%; TP: +8,5%), kế đó là nhóm đồ uống và thuốc lá là 3,4, các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,2 - 2,7%, giá vàng tăng 2,2%, giá đô la Mỹ tăng 0,1%.
Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 2 tháng đạt 59.500 tỷ đồng, tăng 16, 2% so với cùng kỳ. Dự báo tháng 2 năm 2004 chỉ số giá tiêu dùng còn tăng nhẹ, do giá một số loại vật tư đã tăng cao trong tháng qua sẽ chững lại, giá một số thực phẩm sẽ giảm dần, riêng giá lương thực khả năng sẽ tăng lại các tỉnh phía Bắc và cả ĐBSCL.
- Các tỉnh phía Bắc: nguồn lương thực trên thị trường nhìn chung đáp ứng được nhu cầu, nhưng do thời gian vụ còn kéo dài, nông dân có tâm lý hạn chế bán ra, giá lương thực bắt đầu có chiều hướng tăng từ 50 - 100 đ/kg. Các tỉnh phổ biến ở mức: thóc tẻ từ 2.400 - 2.700 đ/kg; gạo tẻ từ 3.500 - 3.900 đ/kg (Quảng Ninh, Lạng Sơn từ 4.000 - 4.200 đ/kg).
- Các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ giá lương thực nhìn chung ổn định riêng các tỉnh ĐBSCL do dang thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn lương thực tăng nên giá lương thực đầu tháng giảm từ 100 - 150 đ/kg, phổ biến ở mức từ 1.800 - 1.850 đ/kg (lúa) và 2.900 - 3.100 đ/kg (gạo tẻ). Cuối tháng giá lúa tại ĐBSCL lại tăng trở lại, ở mức 1.850 - 1.950 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao tại mạn hiện khoảng 2.920 - 3.050 đ/kg, gạo 25 tấm phổ biến khoảng 2.760 - 2.800 đ/kg. Thời gian tới giá lương thực sẽ ổn định ở mức cao, do sản lượng vụ lúa Đông Xuân 2003/2004 giảm 230.000 tấn so với vụ trước (diện tích giảm 45.000 ha so với vụ trước), mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký, cùng với giá gạo trên thị trường thế giới ở mức cao.
Trên thị trường gạo Châu Á giá gạo tiếp tục tăng: Tại Thái Lan do Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình can thiệp thị trường lúa vụ chính đã hỗ trợ giá gạo tăng: gạo 100%B từ 220 USD/T tăng lên 227 USD/T (20/2); 25% tấm từ 196 USD/T tăng lên 206 USD/T (20/2). Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo nhằm thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký, giá chào xuất khẩu tăng: gạo 5% tấm từ 193 USD/T, tuy giá gạo xuất khẩu tăng nhưng vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 7 - 16 USD/T. ước xuất khẩu gạo tháng 2/2004 khoảng 200.000 tấn, ước 2 tháng đầu năm 2004 khoảng 300.000 tấn.
Trên thị trường, lượng thực phẩm cung ứng vẫn dồi dào nhưng do tác động của dịch cúm gia cầm và rét đậm kéo dài nên giá thực phẩm vẫn duy trì ở mức cao từ sau Tết. Giá thực phẩm cao đã hỗ trợ phần nào khó khăn cho đời sống của bà con nông dân. Đề nghị Nhà nước cần có các giải pháp kịp thời để khôi phục đàn gia cầm như hoãn nợ, khoanh nợ cũ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ mua giống, cung cấp văcxin phòng bệnh gia cầm đối với người chăn nuôi gia cầm; đồng thời chỉ đạo mạnh mẽ việc đảm bảo VSATTP trong giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm, gia súc thông qua việc thiết lập lại hệ thống các điều kiện kinh doanh thực phẩm nhằm khuyến khích tiêu dùng gia cầm, gia súc qua chế biến công nghiệp, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh.
Hiện nay các nhà may đang vào vụ ép rộ, giá thu mua mía nguyên liệu nhìn chung là tăng, mức giá thu mua cụ thể sau:
- Phía Bắc: + Tại ruộng là 205.000 đ/T
+ Tại nhà máy từ 230.000 - 240.000 đ/T
- Miền Trung: + Tại ruộng là 210.000 - 220.000 đ/T
- ĐBSCL: + Tại ruộng là 250.000 đ/T
+ Tại nhà máy là 290.000 đ/T
Một số nhà máy phía Nam đã có hiện tượng thiếu mía sản xuất.
Giá đường bán tại nhà máy ở mức từ 3.800 - 3.900 đ/kg (miền Bắc); 3.900 - 4.000 đ/kg (miền Trung); 4.100 đ/kg (ĐBSCL).
Giá bán lẻ đường RE trên thị trường ở mức từ 5.000 - 5.500 đ/kg.
Dự báo giá đường trong nước thời gian tới có thể giảm, nhưng mức giảm không nhiều. Trên thị trường thế giới, giá đường tiếp tục xu hướng tăng: tại Luân Đôn đường trắng giao T5/2004 là 194 USD/T tăng lên 200,7 USD/T.
Ước tiêu thụ đường tháng 2 khoảng 75.000 tấn (BQ năm 2003 là 90.000 tấn/tháng), giảm mạnh so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm.
Trên thị trường thế giới do nhu cầu giảm đã tác động tới giá phân urê bắt đầu có dấu hiệu giảm: tại Bắc Mỹ giá urê hạt từ 190 USD/T giảm còn 182 - 184 USD/T.
Trong nước nhu cầu tiêu thụ phân bón vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc gia tăng nhưng nguồn phân bón đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ Đông Xuân năm 2003/2004. Tuy nhiên, do giá phân bón nhập khẩu ở mức cao cùng với cước phí vận chuyển tăng, giá phân urê trong nước tiếp tục tăng từ 100-200 đ/kg tại một số địa bàn. Các tỉnh phổ biến bán lẻ ở mức từ 3.400-3.600 đ/kg (có nơi ở mức 3.800 - 3.900 đ/kg) mặc dù giá giao tại cảng chỉ 3.000 - 3250 đ/kg ure tuỳ loại.
Dự báo thời gian tới giá phân bón trong nước không có biến động lớn, do nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu vụ Đông Xuân (vụ Hè Thu phải đến tháng 4 - 5 mới có nhu cầu) và giá thế giới có xu hướng giảm nhẹ. Hiện mức tồn kho urê cả nước khoảng 400.000 tấn (miền Bắc 200.000 tấn, miền Nam 200.000 tấn) và lưu thông bình thường.
5. Xăng dầu: Trên thị trường thế giới trong 10 ngày đầu tháng 2 giá dầu thô xu hướng giảm: tại Luân Đôn dầu thô Brent giao tháng 3 từ 30,15 USD/thùng giảm xuống 28,9 USD/thùng, tuy nhiên sau khi OPEC quyết định cắt giảm hạn ngạch sản xuất 1 triệu thùng/ngày còn 23,5 triệu/thùng thi hành từ 1/4/2004, đã tác động tới giá dầu thô trên thị trường tăng dần trở lại lên trên 30 USD/thùng.
Tuy giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhưng các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vẫn bảo đảm nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động, ngày 21 tháng năm 2004 Bộ Tài chính đã có Quyết định số 20/2004/QĐ-BTC điều chỉnh tăng từ 250 - 400 đ/l giá bán lẻ xăng dầu, với mức giá:
+ Xăng 92: 6.000 đ/l
+ Xăng 90: 5.800 đ/l
+ Diesel 1%: 4.550 đ/l
+ Dầu hoả: 4.600 đ/l
Với mức giá bán trên, kinh doanh xăng dầu vẫn bị lỗ. Bộ Tài chính, Bộ Thương mại cùng các Bộ liên quan đã chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện điều chỉnh giá định hướng năm 2004. Dự báo giá xăng dầu trên thị trường thế giới còn duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Sau Tết nhiều công trình xây dựng được triển khai, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong tháng 2/2004 ước đạt 1,77 triệu tấn (TCTy xi măng 790.000 tấn; các LĐ 530.000 tấn), tăng 60% so với tháng 1/2004, ước 2 tháng đầu năm 2004 đạt 2,860 triệu tấn (TCTy xi măng 1,270 triệu tấn; các LD 890.000 tấn), tuy nhiên so với kế hoạch đạt vẫn còn thấp, nguyên nhân do giá sắt thép tăng quá cao, nhiều công trình xây dựng đang triển khai phải điều chỉnh giảm tiến độ thi công, nên việc tiêu thụ xi măng bị ảnh hưởng.
Do nguồn cung xi măng trên thị trường dồi dào nên giá xi măng thị trường khá ổn định từ 720 - 760 đ/kg (phía Bắc) và 840 - 920 đ/kg (phía Nam).
Hiện nay giá clinker nhập khẩu từ các nước ASEAN dao động từ 21 - 21,5 USD/TIFOB, song do chi phí thuê tàu vận chuyển tăng cao tới 8 USD/T, đã ảnh hưởng tới giá thành xi măng.
Do nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường thế giới vẫn tăng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc nơi thị trường thép có ảnh hưởng lớn nhất (dự báo năm 2004 lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ chiếm 31% tổng tiêu thụ thép trên toàn cầu), cùng với giá cước vận chuyển tăng... đã tác động tới giá phôi thép và sản phẩm thép tiếp tục tăng cao trong tháng: giá chào phôi thép từ 420 USD/T (cuối tháng 1/2004) tăng lên 450 USD/T (đầu tháng 2/2004 những ngày giữa tháng 2/2004 lên 480 - 485 USD/T).
Trước tình hình giá phôi thép tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép tiếp tục phải điều chỉnh tăng giá bán, giá bán lẻ thép trên thị trường trong tháng tăng từ 1.000 - 1.500 đ/kg, giá thép phi 6 xây dựng các tỉnh phổ biến ở mức từ 8.000 - 9.000 đ/kg (tại Hà Nội cuối tháng 2 là 9.300 - 9.400 đ/kg).
Giá bán thép của các nhà máy và giá bán lẻ thép trên thị trường hiện nay là có sự tăng giá “đón đầu” từ phía nhà sản xuất với lý do để đối phó với việc phải nhập phôi giá cao (vì thời gian qua các nhà máy vẫn sản xuất theo giá phôi thép nhập khẩu trước đây dưới 350 USD/T theo hợp đồng ký cuối năm 2003).
Dự báo thời gian tới giá thép trên thị trường sẽ ổn định hơn, có khả năng giảm vì theo hợp đồng đã ký thì lượng phôi thép nhập khẩu về từ nay đến hết tháng 5 năm 2004 giá phôi cao nhất cũng chỉ 420 USD/T (nếu tính giá phôi thép nhập khẩu là 420 USD/T thì giá thành sản xuất đã có thuế VAT là 88.605 đ/kg), lượng thép XD trong nước thép cân đối đến hết tháng 5/2004 đảm bảo đáp ứng nhu cầu (tính từ tháng 2/2004) là 840.000 tấn. Chưa kể lượng thép thành phẩm và phôi thép sẽ được nhập về miễn thuế nhập khẩu để “hạ nhiệt”. Khi thuế nhập khẩu phôi và các loại thép thành phẩm được công bố giảm xuống 0% thì tại thị trường Hà Nội giá bán lẻ thép đã giảm dần, ngày 3 tháng 3 năm 2004 thép phi 6 giảm xuống mức 8.900 đ/kg.
Đầu tháng giá bột nhựa PVC nhập khẩu đã lên tới 840-850 USD/tấn tăng 300-350 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2003. Các loại nguyên liệu nhựa khác như PP, PE... cũng đã lên tới 900 USD/tấn, tăng 30 - 40 USD/tấn so với đầu tháng 1/2004 và tăng 350 - 400 USD/tấn so với cùng thời điểm năm ngoái và 50% so với cuối năm 2003. Hiệp hội nhựa Việt Nam nhận định đợt tăng giá quá cao này chỉ mang tính đột biến, khó có khả năng kéo dài trên 3 tháng (do giá xăng dầu cao, do 1 số nhà sản xuất ngừng sản xuất sửa chữa, do một số nhà buôn làm giá) nên Hiệp hội đã có kiến nghị bãi bỏ khoản phụ thu 5% đối với PVC hạt nhập khẩu và giảm tiếp các mức thuế nhập khẩu phù hợp đối với PVC hạt (hiện là 5%) và PVC huyên phù (hiện ngoài ASEAN) và PVC nhũ tương bột (3% trong ASEAN). Trước đó Bộ Thương mại cũng đã có kiến nghị về vấn đề này, nhưng theo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì do đã có sự thoả thuận với các nhà đầu tư nước ngoài nên không thể áp dụng các giải pháp về thuế và phụ thu.
Nhìn chung giá cả thuốc sản xuất trong nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, có một số loại thuốc tăng giá trung bình từ 5 - 10% so với tháng 12 năm 2003 do một số nguyên liệu nhập ngoại từ Trung Quốc và ấn Độ tăng 2-3%. Đối với thuốc nhập ngoại có một số loại thông thường tăng giá từ 5-10%. Đặc biệt có 4 loại thuốc tiêm của nhà sản xuất F.Hoffnann - La Roche của Thuỵ Sỹ có mức giá tăng khá cao từ 21 - 57% được giải thích là do giá ống tiêm rỗng tăng cao.
Sự tăng giá tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường chính là Trung Quốc, ấn Độ và thuốc tính theo giá tiền EURO. Chủ yếu là mặt hàng nguyên phụ liệu sản xuất thuốc kháng sinh, các loại vitamin và thuốc thú y. Trong tháng 2, Bộ Y tế đã làm việc với 5 công ty dược phẩm nước ngoài đang phân phối một lượng thuốc lớn tại thị trường Việt Nam, các công ty cam kết sẽ duy trì ổn định giá thuốc và nếu có tăng giá sản phẩm phải thông báo và giải trình việc tăng giá, trong trường hợp tăng giá quá mức, không hợp lý thì cơ quan nhà nước sẽ có biện pháp cứng rắn để ổn định giá.
Qua sự biến động giá bất thường của thị trường thế giới tác động mạnh đến giá cả thị trường trong nước đối với các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế, Tổ thị trường trong nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Yêu cầu các Bộ, ngành soát xét lại chiến lược và quy hoạch phát triển cùng ngành hàng cụ thể trên cơ sở đảm bảo sự chủ động của nguồn hàng trọng yếu trong nước cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Hạn chế tối đa việc xuất nguyên liệu, nhập thành phẩm (như việc xuất quặng, nhập phôi thép, kể cả thép phế liệu...)
2. Yêu cầu các Bộ ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt, đúng tiến độ công tác điều hành thị trường trong nước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại thông báo số 867/VPCP-KTTH ngày 26 tháng 2 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ (Kiểm soát đầu vào, thiết lập hệ thống phân phối tổng đại lý, đại lý bán lẻ của các ngành hàng).
Kính trình Thủ tướng Chính phủ.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Báo cáo số 0891 TM/CSTNTN ngày 3/03/2004 của Bộ Thương mại về việc thị trường trong nước tháng 2/2004
Số hiệu: | 0891TM/CSTNTN |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Thương mại |
Người ký: | Phan Thế Ruệ |
Ngày ban hành: | 03/03/2004 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo số 0891 TM/CSTNTN ngày 3/03/2004 của Bộ Thương mại về việc thị trường trong nước tháng 2/2004
Chưa có Video