BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Sô:81/2004/TT-BTC |
Hà Nội,ngày13 tháng08 năm2004 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 81/2004/TT-BTC NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 147/2004/NĐ-CP NGÀY 23/7/2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH THUẾ THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THU NHẬP CAO
Căn
cứ Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số
35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19/5/2001; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 14/2004/PL-UBTVQH11
ngày 24/3/2004;
Căn cứ Nghị định số 147/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
Đối tượng nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (dưới đây gọi tắt là thuế thu nhập cá nhân) bao gồm:
1.1. Công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài có thu nhập;
1.2. Cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam có thu nhập (sau đây gọi là cá nhân khác định cư tại Việt Nam);
1.3. Người nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam bao gồm:
- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, các văn phòng đại diện, các chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam; các cá nhân hành nghề độc lập tại Việt Nam;
- Người nước ngoài tuy không hiện diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.
2.1. Thu nhập thường xuyên gồm:
2.1.1. Các khoản thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao, bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ, lương ca 3, lương tháng thứ 13 (nếu có); tiền phụ cấp; tiền trợ cấp thay lương nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội; tiền ăn trưa, ăn giữa ca (nếu nhận bằng tiền);
2.1.2. Tiền thưởng tháng, quý, năm, thưởng đột xuất nhân dịp ngày lễ, tết, ngày thành lập ngành, thưởng từ các nguồn, dưới các hình thức: tiền, hiện vật;
2.1.3. Thu nhập do tham gia dự án, hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, hội đồng quản lý, hội đồng doanh nghiệp;
2.1.4. Tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, tác phẩm; thu nhập về tiền nhuận bút;
2.1.6. Các khoản thu nhập không tính trong tiền lương, tiền công được chi trả hộ như tiền nhà, điện, nước; riêng tiền nhà tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế trong trường hợp này căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích của căn nhà và cũng được tính tối đa 15% tổng thu nhập chịu thuế. Trường hợp chứng từ chi trả tiền nhà có cả tiền ăn, tiền phục vụ thì số thực tế chi trả hộ chỉ tính trên tiền nhà.
2.1.7. Các khoản thu nhập khác mà cá nhân được hưởng từ cơ quan chi trả thu nhập.
Các khoản thu nhập trên làm căn cứ xác định thu nhập chịu thuế là thu nhập trước khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (thu nhập trước thuế). Trường hợp thu nhập thực nhận không bao gồm thuế thu nhập cá nhân (thu nhập sau thuế) thì phải quy đổi thành thu nhập trước thuế (công thức qui đổi theo Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này).
2.2. Thu nhập không thường xuyên bao gồm:
2.2.1. Thu nhập về chuyển giao công nghệ (trừ trường hợp biếu, tặng) bao gồm:
- Chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, xuất xứ hàng hoá, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và nhãn hiệu hàng hóa đang trong thời hạn được pháp luật Việt Nam bảo hộ và được phép chuyển giao.
- Chuyển giao các bí quyết về công nghệ, kiến thức dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, phần mềm máy tính (được chuyển giao theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ), thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao có kèm hoặc không kèm theo máy móc thiết bị.
- Chuyển giao các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.
- Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để bên nhận có được năng lực công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm và/hoặc dịch vụ với chất lượng được xác định trong Hợp đồng bao gồm:
+ Hỗ trợ trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị nhằm áp dụng công nghệ được chuyển giao;
+ Tư vấn quản lý công nghệ, tư vấn quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao;
+ Đào tạo huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý của công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý để nắm vững công nghệ được chuyển giao.
2.2.2. Trúng thưởng xổ số dưới các hình thức, kể cả trúng thưởng khuyến mại.
4. Các khoản thu nhập không chịu thuế bao gồm:
4.1. Các khoản phụ cấp do Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam:
4.1.1. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy hiểm;
4.1.2. Phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt đối với những nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu xấu, vùng kinh tế mới, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện khó khăn (không bao gồm phụ cấp xa Tổ quốc của người nước ngoài);
4.1.3. Phụ cấp đặc thù của một số ngành nghề theo quy định của Nhà nước;
4.1.4. Phụ cấp lưu động áp dụng với một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở;
4.1.5. Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức;
4.1.6. Phụ cấp thâm niên đối với lực lượng vũ trang, cơ yếu và hải quan; phụ cấp an ninh quốc phòng;
4.1.7. Phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945;
4.1.8. Các khoản phụ cấp khác có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước;
Mức chi các khoản phụ cấp bằng tiền được xác định theo quy định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành. Đối với người nước ngoài, số tiền phụ cấp được xác định trên cơ sở tiền lương cơ bản ghi trong hợp đồng và mức phụ cấp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chung cho mọi đối tượng.
4.2. Tiền công tác phí là các khoản tiền trả cho phương tiện đi lại, tiền thuê phòng ngủ có chứng từ hợp lý, tiền lưu trú theo chế độ; trường hợp khoán công tác phí thì chỉ được trừ những chi phí trên;
4.3. Tiền ăn định lượng theo chế độ quy định đối với một số công việc, một số nghề đặc biệt; bữa ăn tại chỗ, ăn trưa, ăn giữa ca (trừ trường hợp nhận bằng tiền);
4.4. Các khoản trợ cấp xã hội của các đối tượng hưởng chính sách xã hội như: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng; trợ cấp khó khăn đột xuất, tiền trợ cấp hoặc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp giải quyết các tệ nạn xã hội; các khoản trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước;
4.5. Tiền bồi thường bảo hiểm do tham gia bảo hiểm con người và tài sản;
4.6. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo chế độ Nhà nước quy định.
Trường hợp cá nhân được hưởng khoản trợ cấp khi thôi việc tại một đơn vị này để chuyển sang làm việc ở một đơn vị khác trong cùng một Công ty, Văn phòng Công ty đa quốc gia thì không áp dụng quy định này.
4.8. Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh, các giải thưởng quốc tế, các giải thưởng quốc gia do Nhà nước Việt Nam tổ chức, công nhận;
4.9. Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú và các danh hiệu khác được Nhà nước phong tặng; tiền thưởng hoặc chế độ đãi ngộ khác từ ngân sách Nhà nước;
4.10. Tiền nộp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Đối với người nước ngoài đã nộp khoản tiền theo chế độ bắt buộc ở nước ngoài có tính chất như tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Việt Nam thì phải xuất trình chứng từ chứng minh.
4.11. Thu nhập của chủ hộ kinh doanh cá thể, của các cá nhân đã thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp;
II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ
Căn cứ tính thuế thu nhập là thu nhập chịu thuế và thuế suất.
1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.
Thu nhập chịu thuế được xác định bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp thu nhập bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh thu nhập. Trường hợp kiểm tra, phát hiện cơ quan chi trả thu nhập chưa kê khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hàng tháng thì tỷ giá ngoại tệ để tính quy đổi thu nhập ra Đồng Việt Nam là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm kiểm tra.
Trường hợp thu nhập bằng hiện vật thì thu nhập chịu thuế được xác định căn cứ theo giá ghi trên hoá đơn hoặc giá thị trường của sản phẩm cùng loại (hoặc tương đương) tại thời điểm phát sinh thu nhập.
1.1. Thu nhập thường xuyên:
1.1.1. Đối với công dân Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam, thu nhập thường xuyên chịu thuế là số tiền của từng cá nhân thực nhận tính bình quân tháng trong năm trên 5 triệu đồng.
Riêng đối với ca sỹ như diễn viên thanh nhạc biểu diễn các loại hình nghệ thuật ca-nhạc kịch, cải lương, tuồng, chèo, dân ca; nghệ sỹ xiếc, múa; cầu thủ bóng đá; vận động viên chuyên nghiệp có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, được trừ 25% thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế.
1.1.2. Trường hợp công dân Việt Nam trong năm vừa có thời gian làm việc ở trong nước, vừa có thời gian làm việc ở nước ngoài thì thu nhập chịu thuế bình quân tháng được xác định bằng tổng thu nhập phát sinh ở trong nước và ở nước ngoài chia cho 12 tháng, hoặc xác định theo thu nhập chịu thuế bình quân tháng tính cho thời gian ở trong nước, thời gian ở nước ngoài
1.1.3. Đối với người nước ngoài được coi là cư trú tại Việt Nam, thu nhập thường xuyên chịu thuế là tổng số thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh tại nước ngoài, được tính bình quân tháng trong năm trên 8 triệu đồng.
Trường hợp kê khai thu nhập ở nước ngoài thấp hơn thu nhập ở Việt Nam mà không chứng minh được thì lấy thu nhập bình quân tháng trong thời gian ở tại Việt Nam để làm căn cứ tính thuế cho thời gian ở nước ngoài. Tháng tính thuế quy ước là 30 ngày.
Người nước ngoài được coi là cư trú tại Việt Nam nếu ở tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính cho 12 tháng liên tục kể từ khi đến Việt Nam; được coi là không cư trú tại Việt Nam nếu ở tại Việt Nam dưới 183 ngày, kể cả trường hợp không hiện diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
1.2. Thu nhập không thường xuyên:
1.2.1. Đối với thu nhập về chuyển giao công nghệ là khoản thu nhập có giá trị trên 15 triệu đồng tính cho từng hợp đồng, không phân biệt số lần chi trả;
1.2.2. Đối với thu nhập về trúng thưởng xổ số dưới các hình thức, kể cả trúng thưởng khuyến mại là khoản thu nhập có giá trị trên 15 triệu đồng tính cho từng lần trúng thưởng và nhận giải thưởng.
2.1. Đối với thu nhập thường xuyên: Thuế suất đối với thu nhập thường xuyên áp dụng theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao như sau:
2.1.1. Đối với công dân Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam:
Đơn vị: 1000đ
Bậc |
Thu nhập bình quân tháng/người |
Thuế suất (%) |
1 |
Đến 5.000 |
0 |
2 |
Trên 5.000 đến 15.000 |
10 |
3 |
Trên 15.000 đến 25.000 |
20 |
4 |
Trên 25.000 đến 40.000 |
30 |
5 |
Trên 40.000 |
40 |
2.1.2. Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam lao động, công tác ở nước ngoài:
Đơn vị: 1000đ
Bậc |
Thu nhập bình quân Tháng/người |
Thuế suất (%) |
1 |
Đến 8.000 |
0 |
2 |
Trên 8.000 đến 20.000 |
10 |
3 |
Trên 20.000 đến 50.000 |
20 |
4 |
Trên 50.000 đến 80.000 |
30 |
5 |
Trên 80.000 |
40 |
Thuế thu nhập đối với thu nhập thường xuyên được tính theo phương pháp luỹ tiến từng phần (Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này).
2.1.3. Đối với người nước ngoài không cư trú tại Việt nam: áp dụng thuế suất 25% tính trên tổng thu nhập chịu thuế.
2.1.4. Đối với công dân Việt Nam nếu trong năm tính thuế vừa có thu nhập ở trong nước, vừa có thu nhập ở nước ngoài thì thuế suất áp dụng đối với thời gian ở trong nước theo Biểu thuế đối với người Việt Nam (điểm 2.1.1 Mục này), thời gian ở nước ngoài theo Biểu thuế đối với người nước ngoài (điểm 2.1.2 Mục này).
2.2. Đối với thu nhập không thường xuyên:
Thuế suất đối với thu nhập không thường xuyên được áp dụng đối với tổng thu nhập chịu thuế:
2.2.1. Thuế suất 5% đối với thu nhập chịu thuế về chuyển giao công nghệ;
2.2.2. Thuế suất 10% đối với thu nhập chịu thuế về trúng thưởng xổ số, trúng thưởng khuyến mại.
1.1. Đối với trường hợp xác định được cơ quan chi trả thu nhập, việc kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc khấu trừ tại nguồn.
Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập (gọi tắt là cơ quan chi trả thu nhập) có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân để nộp vào ngân sách Nhà nước trước khi chi trả thu nhập cho cá nhân. Cơ quan chi trả thu nhập bao gồm:
- Các tổ chức, cá nhân chi trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng, tiền thù lao và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
- Các cơ quan quản lý, tuyển chọn, môi giới hoặc cung cấp lao động ở trong nước;
- Các cơ quan quản lý, tuyển chọn đưa người đi làm việc tại nước ngoài: các Bộ, các ngành, các doanh nghiệp .v.v.
- Cơ quan ngoại giao, các tổ chức đại diện của cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài;
- Các tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền;
- Các tổ chức chi trả trúng thưởng xổ số, chi trả thưởng khuyến mại và chi trả thưởng khác;
- Các tổ chức, cá nhân chi trả về cung cấp dịch vụ;
- Các nhà thầu;
- Các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, luyện thi, tổ chức biểu diễn, thi đấu thể dục thể thao, tổ chức hội thảo, nghiên cứu đề tài khoa học;
- Các nhà xuất bản, tạp chí, báo, nhà sản xuất phim, băng đĩa hình, âm thanh;
- Các tổ chức, cá nhân khác có chi trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân.
1.2. Đối với các trường hợp khác ngoài các trường hợp nêu trên thì cá nhân tự đăng ký, kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế.
2. Đăng ký, cấp và sử dụng mã số thuế:
2.1. Cá nhân có thu nhập thường xuyên đến mức chịu thuế được cấp mã số thuế theo quy định tại Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành về mã số thuế. Việc đăng ký để cấp mã số thuế được thực hiện tại cơ quan chi trả thu nhập hoặc tại cơ quan thuế:
2.1.1. Đăng ký thông qua cơ quan chi trả thu nhập: Cá nhân có trách nhiệm nộp tờ khai đăng ký cấp mã số thuế cho cơ quan chi trả thu nhập. Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp tờ khai đăng ký của từng cá nhân và nộp cho cơ quan thuế quản lý để làm thủ tục cấp mã số thuế cho từng cá nhân.
Trường hợp cá nhân cùng một lúc nộp thuế thu nhập cá nhân qua nhiều tổ chức chi trả thu nhập thì thực hiện đăng ký tại một đơn vị chi trả thuận lợi nhất để được cấp mã số thuế, sau đó có trách nhiệm thông báo mã số thuế được cấp với các cơ quan chi trả khác.
2.1.2. Đăng ký tại cơ quan thuế: Cá nhân thực hiện nộp tờ khai đăng ký cấp mã số thuế cho cơ quan thuế.
2.2. Mã số thuế cấp cho cá nhân là mã số duy nhất. Mã số thuế được sử dụng trong việc kê khai nộp thuế và quyết toán thuế.
3.1. Đối tượng kê khai thuế:
- Cơ quan chi trả thu nhập cho cá nhân có thu nhập đến mức phải khấu trừ thuế.
- Cá nhân đăng ký nộp thuế tại cơ quan thuế, kể cả trường hợp uỷ quyền cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh dịch vụ tư vấn thuế theo quy định của pháp luật.
3.2. Nơi k?ê khai thuế:
3.2.1. Cơ quan chi trả thu nhập có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan thuế cấp nào quản lý thì kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế đó.
3.2.3. Cá nhân đăng ký thuế tại cơ quan thuế thì kê khai, nộp thuế tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cá nhân liên hệ với Cục thuế địa phương để có hướng dẫn về đăng ký, kê khai thuế và cùng lập Bản ghi nhớ giữa hai bên theo mẫu số 01/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này. Cá nhân có trách nhiệm nộp tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 02a/TNTX (hoặc mẫu số 02b/TNTX) ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan thuế để xác định số thuế tạm nộp hàng tháng. Thời hạn nộp tờ khai đăng ký chậm nhất là ngày 25 của tháng phát sinh thu nhập.
3.3. Thủ tục kê khai, nộp thuế:
3.3.1. Kê khai và nộp thuế đối với thu nhập thường xuyên:
3.3.1.1. Kê khai và nộp thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhập:
Đối với cơ quan chi trả thu nhập, việc kê khai, tạm nộp thuế hàng tháng được thực hiện như sau:
- Thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với khoản chi trả thu nhập cho cá nhân thuộc sự quản lý của cơ quan chi trả thu nhập; cá nhân có ký hợp đồng lao động ổn định (không xác định thời hạn) và các trường hợp ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động thời vụ. Việc lập tờ khai đối với khoản thu nhập này được thực hiện theo mẫu số 03a/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này.
- Thực hiện khấu trừ thuế 10% trên tổng thu nhập đối với các khoản chi trả cho cá nhân có thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên mà khoản thu nhập này có được từ các hoạt động đại lý hưởng hoa hồng, môi giới (kể cả tiền thưởng); tiền nhuận bút, tiền giảng dạy; tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, tác phẩm; tiền thù lao do tham gia dự án, hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên; dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tin học, dịch vụ tư vấn, thiết kế, kiến trúc, đào tạo, hoạt động biểu diễn, hoạt động thể dục thể thao và các khoản tiền chi trả thuộc diện chịu thuế khác.
Riêng đối với cá nhân là công dân Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam thuộc đối tượng được trừ 25% thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại điểm 1.1.1 Mục II của Thông tư này thì thu nhập làm căn cứ khấu trừ 10% là khoản thu nhập đã trừ 25%.
Cuối tháng, cơ quan chi trả thu nhập lập Tờ khai thuế thu nhập đối với thu nhập thường xuyên của cá nhân theo mẫu số 3b/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này để tổng hợp số tiền thuế đã khấu trừ và nộp vào tài khoản tạm thu của cơ quan thuế. Khi chi trả thu nhập, cơ quan chi trả có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân để làm căn cứ kê khai, tổng hợp quyết toán cuối năm.
- Đối với khoản chi trả thu nhập cho cá nhân là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam thì cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế và lập tờ khai theo mẫu số 05/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này.
3.3.1.2. Kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế:
Hàng tháng, cá nhân nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế theo mẫu số 04/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp cá nhân xác định thu nhập ổn định hàng tháng trong tờ khai thuế đầu năm thì tháng đầu tiên nộp tờ khai theo mẫu số 04/TNTX, các tháng tiếp sau không cần nộp tờ khai này mà nộp thuế hàng tháng theo thời hạn qui định, trừ trường hợp có sự thay đổi về thu nhập.
Trường hợp cơ quan quản lý không trực tiếp chi trả thu nhập, nhưng do chức năng, nhiệm vụ có thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức có cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế, nếu đảm bảo việc thu thuế thu nhập tập trung, kịp thời và được cơ quan thuế chấp nhận thì được thu và nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
3.3.2 Kê khai, nộp thuế đối với thu nhập không thường xuyên:
Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập không thường xuyên nộp cho từng lần phát sinh thu nhập. Cơ quan chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ tiền thuế và cấp biên lai thuế khi chi trả cho người có thu nhập.
Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm lập tờ khai nộp thuế thu nhập không thường xuyên theo mẫu số 06/TNKTX ban hành kèm theo Thông tư này của tháng phát sinh thu nhập về số người, số thu nhập, số tiền thuế đã khấu trừ, số tiền thù lao được hưởng, số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
3.4. Thời hạn kê khai, nộp thuế:
Thời hạn nộp tờ khai cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 10 và nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước chậm nhất vào ngày 25 của tháng tiếp theo tháng phát sinh thu nhập.
Việc xác định ngày nộp thuế thu nhập được thực hiện như sau:
Đối với trường hợp nộp thuế bằng chuyển khoản qua ngân hàng thì ngày nộp thuế là ngày ngân hàng, tổ chức tín dụng ký xác nhận trên giấy nộp tiền.
Đối với trường hợp nộp thuế bằng tiền mặt thì ngày nộp thuế là ngày cơ quan kho bạc nhận tiền thuế hoặc ngày cơ quan thuế cấp biên lai.
4.1. Nguyên tắc quyết toán thuế:
- Quyết toán thuế đối với thu nhập thường xuyên được thực hiện theo năm dương lịch. Cuối năm hoặc sau khi hết hạn hợp đồng, cơ quan chi trả thu nhập, cá nhân tổng hợp tất cả các nguồn thu nhập, thu nhập chịu thuế trong năm thực hiện kê khai thuế thu nhập và nộp tờ khai quyết toán thuế;
- Quyết toán thuế thu nhập tại cơ quan chi trả thu nhập áp dụng đối với cá nhân trong năm chỉ có thu nhập duy nhất tại một nơi.
- Quyết toán thuế tại cơ quan thuế áp dụng đối với cá nhân trong năm có thu nhập từ hai nơi trở lên, cá nhân đăng ký nộp thuế tại cơ quan thuế và các trường hợp khác.
4.2. Nội dung quyết toán thuế:
4.2.1. Đối với người Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam:
Cá nhân tổng hợp toàn bộ thu nhập các tháng trong năm (kể cả tháng không có thu nhập), chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng làm căn cứ xác định số thuế phải nộp cả năm; đối chiếu với số đã nộp hàng tháng, xác định số thuế còn thiếu phải nộp thêm (hoặc số nộp thừa được thoái trả).
- Trường hợp trong năm cá nhân vừa có thời gian làm việc ở trong nước, vừa có thời gian làm việc ở nước ngoài thì được lựa chọn một trong hai phương pháp tính thuế dưới đây để xác định số thuế phải nộp:
+ Tổng hợp thu nhập phát sinh ở Việt Nam và thu nhập phát sinh ở nước ngoài để tính thu nhập bình quân tháng làm căn cứ xác định số thuế phải nộp theo biểu thuế tương ứng cho thời gian ở Việt Nam và ở nước ngoài;
+ Xác định thu nhập chịu thuế bình quân tháng của thời gian ở trong nước để áp dụng Biểu thuế đối với công dân Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt nam, thu nhập bình quân tháng của thời gian ở nước ngoài để áp dụng Biểu thuế đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam lao động, công tác ở nước ngoài.
Nếu trong tháng có số ngày ở Việt Nam và số ngày ở nước ngoài thì tính bình quân số thuế phải nộp của một ngày theo biểu thuế tương ứng để xác định số thuế phải nộp của số ngày (chưa đủ một tháng) ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Tháng tính tròn là 30 ngày.
- Trường hợp trong năm tính thuế chỉ công tác, lao động ở nước ngoài thì xác định số thuế phải nộp theo Biểu thuế đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam lao động, công tác ở nước ngoài. Trường hợp đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài và có chứng từ nộp thuế tại các nước đó thì được trừ số thuế đã nộp nhưng không vượt quá số thuế phải nộp theo Biểu thuế của Việt Nam; trường hợp đã nộp thuế thu nhập ở các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Hiệp định.
4.2.2. Đối với người nước ngoài:
4.2.2.1. Xác định thời gian cư trú:
- Thuế thu nhập đối với người nước ngoài được kê khai quyết toán thuế theo tiêu thức đối tượng cư trú. Cá nhân có trách nhiệm lập Bảng kê số ngày cư trú tại Việt Nam theo mẫu số 13a/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này để xác định thời gian cư trú tại Việt Nam; trường hợp đã xác định là đối tượng cư trú tại Việt Nam và làm việc ổn định, liên tục trong một số năm ở Việt Nam thì không kê khai theo mẫu 13a/TNTX chỉ kê khai đối với năm mà có tháng rời khỏi Việt Nam.
- Thời gian cư trú cho năm tính thuế đầu tiên được xác định bằng cách cộng tất cả số ngày có mặt tại Việt Nam trong phạm vi 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên đến Việt Nam (ngày đến, ngày đi được tính là 01 ngày); năm tính thuế thứ 2 (sau năm đầu tiên) được xác định theo năm dương lịch. Nếu khoảng thời gian của năm thứ 2 thuộc năm tính thuế đầu tiên mà cá nhân có thu nhập đã tính thuế theo đối tượng không cư trú, sang năm tính thuế thứ 2 cá nhân thuộc đối tượng cư trú thì đối với khoản thu nhập đã tính thuế này, cá nhân được lựa chọn quyết toán thuế theo thuế suất áp dụng đối với đối tượng không cư trú hoặc theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với đối tượng cư trú. Trường hợp năm trước đã xác định cá nhân thuộc diện cư trú, thì thời gian kế tiếp của năm sau cũng được xác định là cư trú.
Ví dụ: Ông X vào Việt Nam lần đầu tiên và làm việc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ 01/5/2004. Năm tính thuế đầu tiên của ông X là 01/5/2004 đến 30/4/2005. Giả sử từ 01/5/2004 đến 31/12/2004 ông có mặt tại Việt Nam là 150 ngày, từ 01/01/2005 đến 30/4/2005 ông có mặt tại Việt Nam là 32 ngày. Trong năm tính thuế đầu tiên ông X có thời gian ở tại Việt Nam là 182 ngày nên thuộc đối tượng không cư trú tại Việt Nam, vậy ông X nộp thuế thu nhập theo thuế suất 25% trên thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Năm tính thuế thứ 2 được tính theo năm dương lịch, giả sử từ 01/5/2005 đến 31/12/2005 ông X có mặt tại Việt Nam là 160 ngày, tổng số ngày có mặt tại Việt Nam trong năm thứ 2 là 32 ngày + 160 ngày = 192 ngày, như vậy ông X thuộc đối tượng cư trú tại Việt Nam, thực hiện kê khai nộp thuế theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần. Thu nhập của 32 ngày đã áp dụng thuế suất 25%, ông X có thể đề nghị được quyết toán lại theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần.
Khi cần xác minh thời gian cư trú tại Việt Nam, cơ quan thuế gửi phiếu xác minh thời gian cư trú (mẫu số 13b/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này) đến cơ quan công an để xác nhận.
4.2.2.2. Xác định số thuế phải nộp:
Người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt Nam: kê khai tổng số thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam trong năm tính thuế để tính thu nhập bình quân tháng và quyết toán số thuế phải nộp theo quy định tại Mục II Thông tư này. Để có cơ sở xác định đúng thu nhập chịu thuế ở nước ngoài, cá nhân phải xuất trình chứng từ chi trả thu nhập ở nước ngoài, kèm theo thư xác nhận thu nhập hàng năm theo mẫu số 12/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp cá nhân kê khai không chính xác thu nhập phát sinh tại nước ngoài, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài nơi chi trả thu nhập để xác minh thu nhập của cá nhân ở nước ngoài.
- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú tại Việt Nam trong năm tính thuế có thu nhập tại nước ngoài và đã nộp thuế tại nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp theo biểu thuế của Việt nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.
* Ví dụ 1: Trong năm 2005, ông A là đối tượng cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ tiền làm công trong 8 tháng tại Việt Nam là 70.000.000 đồng (trong đó 30.000.000 đồng nhận ở Việt Nam và 40.000.000 đồng nhận ở nước ngoài) và 4 tháng tại nước X là 50.000.000 đồng. Ông A phải nộp thuế tại X đối với thu nhập có được từ nước X với mức thuế suất theo quy định của Luật thuế nước X là 20%. Trong trường hợp này, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ số thuế đã nộp tại nước X của Ông A ở Việt Nam như sau:
+ Thu nhập chịu thuế bình quân tháng của ông A (theo pháp luật về thuế của Việt Nam) là:
(70.000.000 đồng + 50.000.000 đồng) : 12 tháng = 10.000.000 đồng/tháng
+ Số thuế phải nộp mỗi tháng (theo pháp luật về thuế của Việt Nam) là:
(10.000.000 đồng - 8.000.000đồng ) x 10% = 200.000 đồng
+ Số thuế phải nộp cho năm 2005 là:
200.000 đ x 12 tháng = 2.400.000 đồng
+ Số thuế thu nhập đã nộp tại nước X trong năm 2005 đối với phần thu nhập phát sinh tại nước X (theo Luật thuế của nước X) là:
50.000.000 đồng x 20% = 10.000.000 đồng
+ Số thuế được trừ tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh ở nước ngoài theo tỷ lệ phân bổ giữa thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế tại Việt Nam là:
(50.000.000đ /120.000.000đ) x 2,4.000.000 đ = 1.000.000 đ
Như vậy số thuế được tính khấu trừ tối đa tại Việt Nam đối với thu nhập phát sinh ở nước ngoài là 1.000.000 đồng (ở nước ngoài ông A đã nộp thuế là 10.000.000 đồng).
+ Số thuế thu nhập thực tế ông A phải nộp tại Việt Nam là:
2.400.000đ - 1.000.000 đ = 1.400.000 đ
Trường hợp ông A đã nộp thuế ở nước ngoài không phải là 10.000.000 đồng mà là 500.000 đ (giả sử thuế suất 1%) số thuế ông A phải nộp tại Việt Nam là:
1.400.000đ + (1.000.000đ -500.000đ) = 1.900.000 đồng
* Ví dụ 2: Trong năm 2005, ông B có thu nhập từ tiền làm công trong 12 tháng tại Việt Nam là 120.000.000 đồng, ngoài ra còn có thu nhập từ lãi tiền cho vay tại nước X là 10.000.000 đồng. Ông B đã nộp thuế tại nước X đối với khoản thu nhập này theo thuế suất 20%. Trong trường hợp này, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ thuế đã nộp tại nước X của Ông B ở Việt Nam như sau:
+ Thu nhập chịu thuế của ông B (theo pháp luật về thuế của Việt Nam) là:
120.000.000 đồng : 12 tháng = 10.000.000 đồng/tháng
+ Số thuế thu nhập ông B phải nộp trong năm 2005 (theo pháp luật về thuế của Việt Nam) là:
(10.000.000 đ - 8.000.000 đ ) x 10% x 12 tháng = 2.400.000 đồng
+ Số thuế thu nhập đã nộp tại nước X trong năm 2005 đối với thu nhập từ lãi tiền vay (theo Luật thuế của nước X):
10.000.000 đồng x 20% = 2.000.000 đồng
+ Do quy định pháp luật thuế Việt Nam tạm thời chưa thu thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ lãi tiền cho vay, vậy thu nhập từ lãi tiền vay của Ông B có nguồn ở nước X không tính vào thu nhập chịu thuế của ông B tại Việt Nam và tương ứng Ông B không được khấu trừ số thuế đã nộp tại nước X đối với phần thu nhập từ lãi tiền vay. Do đó số thuế ông B phải nộp tại Việt Nam là 2.400.000 đồng.
- Người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam đã nộp thuế khấu trừ tại nguồn thì không phải quyết toán thuế.
4.3. Thủ tục về quyết toán thuế:
4.3.1. Quyết toán tại cơ quan chi trả thu nhập:
- Cá nhân thuộc đối tượng quyết toán thuế tại cơ quan chi trả thu nhập lập giấy uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 09/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cho cơ quan chi trả thu nhập vào tháng 1 của năm sau năm quyết toán hoặc trước khi kết thúc hợp đồng (đối với những cá nhân có hợp đồng kết thúc trước ngày 31/12 và không còn các khoản thu nhập phát sinh trong năm). Trên cơ sở giấy uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân, cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp quyết toán thuế theo mẫu số 10/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này), lập bảng kê chi tiết của các cá nhân theo mẫu số 11/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 28 tháng 2 của năm sau.
- Trên cơ sở tờ khai quyết toán thuế, cơ quan chi trả thu nhập phải nộp số thuế còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước chậm nhất không quá ngày 10 tháng 3 năm sau; trường hợp số thuế đã nộp lớn hơn số phải nộp thì được bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau. Trường hợp không phát sinh số thuế phải nộp kỳ sau thì cơ quan chi trả thu nhập cấp biên lai xác nhận số thuế đã khấu trừ trong năm cho các cá nhân có số thuế nộp thừa để từng cá nhân kê khai tờ khai thuế năm nộp cho cơ quan thuế, thực hiện thoái trả tiền thuế theo hướng dẫn tại điểm 5 mục này.
4.3.2. Quyết toán tại cơ quan thuế:
Cá nhân thuộc đối tượng quyết toán thuế tại cơ quan thuế phải nộp tờ khai quyết toán thuế năm theo mẫu số 08/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan thuế như sau:
- Cá nhân có thu nhập ổn định tại một cơ quan chi trả thu nhập nhưng có thu nhập phát sinh ở những nơi khác thì được lựa chọn nộp tờ khai quyết toán thuế năm cho cơ quan thuế địa phương nơi làm việc chính hoặc cơ quan thuế nơi có thu nhập phát sinh nhiều nhất.
- Cá nhân có thu nhập ổn định tại một cơ quan chi trả thu nhập, trong năm có sự thay đổi cơ quan công tác thì nộp tờ khai quyết toán thuế năm cho cơ quan thuế địa phương nơi đang làm việc, trường hợp không làm việc tiếp ở cơ quan nào thì nộp tờ khai quyết toán thuế năm tại cơ quan thuế nơi làm việc cuối cùng của năm quyết toán.
- Cá nhân đã đăng ký kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nào thì nộp tờ khai quyết toán thuế năm cho cơ quan thuế đó.
Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế năm chậm nhất vào ngày 28/2 năm sau hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng đối với cá nhân có hợp đồng kết thúc trước ngày 31/12 và không còn các khoản thu nhập phát sinh trong năm;
Trên cơ sở tờ khai quyết toán thuế, cá nhân phải nộp số thuế còn thiếu trước ngày 10 tháng 3 năm sau hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng, trường hợp có số thuế nộp thừa thì sẽ được thoái trả tiền thuế theo hướng dẫn tại điểm 5 Mục này.
5.1. Đối tượng được thoái trả thuế thu nhập cá nhân:
- Cá nhân khi quyết toán thuế năm có số thuế thu nhập đã tạm nộp trong năm lớn hơn số phải nộp, trừ trường hợp cá nhân đã được cơ quan chi trả thu nhập bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau.
- Các trường hợp khác được thoái trả tiền thuế theo quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5.2. Hồ sơ đề nghị thoái trả tiền thuế bao gồm:
- Đơn đề nghị thoái trả theo mẫu số 15/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này;
- Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (bản photocopy).
- Tờ khai quyết toán thuế.
- Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập, Biên lai thuế thu nhập (bản chính)
- Chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc như: Quyết định nghỉ hưu, Quyết định thôi việc, Biên bản thanh lý hợp đồng, Bảng kê xác định ngày cư trú ... (nếu có).
- Giấy uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền thoái trả tiền thuế (nếu có)
5.3. Thời hạn thoái trả tiền thuế:
Cơ quan Thuế tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm tra hồ sơ; trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ nếu cá nhân không thuộc đối tượng được thoái trả thì trả lời bằng văn bản và trả lại hồ sơ, trường hợp thuộc đối tượng được thoái trả thuế nhưng hồ sơ chưa lập đầy đủ, đúng quy định thì thông báo bằng văn bản yêu cầu cá nhân bổ sung hồ sơ.
Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế kiểm tra số liệu, xác định số thuế được thoái trả, ra Quyết định thoái trả tiền thuế cho đối tượng, đồng thời gửi cơ quan Kho bạc làm thủ tục thoái trả cho cá nhân.
Thời hạn giải quyết thoái trả thuế tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định; trường hợp cần phải xác minh hồ sơ thì thời hạn tối đa là 45 ngày.
Số ngày xem xét giải quyết thoái trả tiền thuế thu nhập cá nhân được tính theo ngày làm việc.
5.4. Tiền thoái trả thuế thu nhập cá nhân được sử dụng từ Tài khoản tạm thu của cơ quan thuế. Việc quản lý, sử dụng tài khoản tạm thu của cơ quan thuế thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
6. Biên lai thuế thu nhập và chứng từ khấu trừ thuế thu nhập:
Biên lai thuế thu nhập mẫu số CTT 10B và chứng từ khấu trừ thuế thu nhập mẫu số CTT 54 ban hành kèm theo Thông tư này, do Tổng cục Thuế in, phát hành và cấp cho các Cục thuế để tổ chức thu thuế theo quy định.
Biên lai thuế thu nhập và chứng từ khấu trừ thuế thu nhập được quản lý theo các quy định về in, phát hành, quản lý sử dụng ấn chỉ thuế.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG VIỆC THU NỘP THUẾ THU NHẬP
1. Trách nhiệm của cá nhân có thu nhập chịu thuế:
Cá nhân có thu nhập chịu thuế phải tự giác đăng ký, kê khai thu nhập chịu thuế, nộp thuế thu nhập qua cơ quan chi trả thu nhập hoặc trực tiếp tại cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Mục III Thông tư này. Cá nhân nộp thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các số liệu đã kê khai.
2.1. Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi:
- Chủ động khai báo, đăng ký kê khai với cơ quan thuế địa phương việc thu thuế thu nhập của cá nhân theo phương thức khấu trừ tại đơn vị mình; hướng dẫn người có thu nhập chịu thuế thực hiện thủ tục đăng ký mã số thuế cá nhân.
- Hàng tháng, căn cứ vào danh sách cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập và số thực tế chi trả thu nhập cho cá nhân, thực hiện việc khấu trừ tiền thuế thu nhập, lập bảng tổng hợp kê khai nộp thuế thu nhập gửi cho cơ quan thuế và nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước,
- Giữ sổ sách chứng từ liên quan đến việc tổ chức thu thuế thu nhập: thu nhập chịu thuế, tính thuế, khấu trừ tiền thuế, khai báo thuế, kê khai thu nộp, bảo quản biên lai thuế, tính toán số tiền thù lao được hưởng và nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
- Thực hiện chế độ báo cáo; thanh quyết toán tiền thuế, biên lai thu thuế, chứng từ khấu trừ thuế, tiền thù lao được hưởng với cơ quan thuế và xuất trình đầy đủ các tài liệu liên quan đến thuế thu nhập khi cơ quan thuế yêu cầu.
- Cơ quan chi trả thu nhập được hưởng khoản tiền thù lao tính trên số tiền thuế thu nhập đã khấu trừ trước khi nộp vào NSNN để dùng vào mục đích trang trải các chi phí cho việc tổ chức thu nộp thuế và khen thưởng cho cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thu nộp theo tỷ lệ như sau:
+ 0,5% (năm phần ngàn) đối với số thuế thu được từ thu nhập thường xuyên.
+ 1% (một phần trăm) đối với số thuế thu được từ khoản thu nhập không thường xuyên.
2.2. Các tổ chức đón tiếp, quản lý người nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn cho người nước ngoài khi kết thúc nhiệm kỳ công tác phải hoàn tất thủ tục về quyết toán thuế thu nhập để được cấp biên lai thuế trước khi làm thủ tục xuất cảnh.
2.3. Các cơ quan quản lý Nhà nước gồm: Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, cơ quan quản lý lao động và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin liên quan đến thu nhập chịu thuế, người nộp thuế khi cơ quan thuế có yêu cầu.
3. Trách nhiệm của cơ quan thuế:
- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan hữu quan để tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, đồng thời kiểm tra và yêu cầu các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đóng trên địa bàn thực hiện việc đăng ký, kê khai thuế thu nhập theo phương pháp khấu trừ tại nguồn.
- Tổ chức cấp mã số thuế cho đối tượng nộp thuế.
- Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan chi trả thu nhập thực hiện chế độ đăng ký, tổng hợp kê khai, tính thuế, khấu trừ tiền thuế, nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước và tổ chức kiểm tra quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
- Thực hiện cấp và quyết toán biên lai thu thuế, chứng từ khấu trừ thuế thu nhập, thanh quyết toán tiền thuế, quyết toán tiền thù lao được hưởng với cơ quan chi trả thu nhập.
- Tổ chức việc thu thuế, quyết toán thuế thu nhập đối với trường hợp cá nhân đăng ký nộp thuế và cá nhân nộp tờ khai thuế năm tại cơ quan thuế, cấp biên lai thuế thu nhập cho đối tượng nộp thuế.
- Thực hiện các biện pháp cưỡng chế, truy thu tiền thuế, tiền phạt đối với các hành vi vi phạm Pháp lệnh thuế thu nhập, quyết định trích thưởng cho người có công phát hiện các vi phạm, giúp cơ quan thuế truy thu tiền thuế.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan thuế cấp trên.
1. Đối tượng được giảm thuế, miễn thuế:
1.1. Cá nhân người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn làm thiệt hại đến tài sản, thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống bản thân thì người nộp thuế được xét giảm thuế, miễn thuế trong năm tuỳ theo mức độ thiệt hại. Số thuế được xét miễn, giảm bằng tỷ lệ giữa số tiền thiệt hại so với thu nhập chịu thuế trong năm nhưng không vượt qua số tiền thuế phải nộp cả năm.
1.2. Trong trường hợp đặc biệt, nếu việc nộp thuế của cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia thì được miễn, giảm thuế.
2. Thủ tục và thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:
2.1. Cá nhân người nộp thuế làm đơn đề nghị miễn, giảm thuế có xác nhận của chính quyền địa phương (Uỷ ban Nhân dân phường, xã) hoặc của cơ quan chi trả thu nhập gửi đến cơ quan thuế địa phương nơi cá nhân đăng ký nộp thuế hoặc nơi cơ quan chi trả thu nhập khấu trừ thuế; đơn đề nghị miễn thuế, giảm thuế phải nêu rõ lý do, số tiền thiệt hại, mã số thuế cá nhân (kèm theo các chứng từ xác định hoặc biên bản giám định tình trạng xảy ra thiệt hại đến tài sản, thu nhập, ảnh hưởng đến bản thân do cơ quan có thẩm quyền xác định), số thuế phải nộp và số thuế đề nghị miễn, giảm;
2.2. Cơ quan thuế kiểm tra xem xét và ban hành quyết định miễn, giảm thuế hoặc kiến nghị cơ quan thuế cấp trên xử lý theo phân cấp sau đây:
+ Cục trưởng Cục thuế được quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm dưới 5 triệu đồng/năm;
+ Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm;
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm trên 100 triệu đồng/năm.
2.3. Trong thời gian cơ quan thuế có thẩm quyền xét quyết định miễn, giảm thuế, người nộp thuế phải nộp đủ số thuế theo Pháp lệnh; khi có quyết định miễn, giảm thuế thì được thoái trả số thuế được miễn, giảm bằng cách trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau hoặc được cơ quan chi trả thu nhập trả lại tiền thuế đã khấu trừ theo quy định. Trường hợp cá nhân nộp tiền thuế tại cơ quan thuế thì được trừ vào số phải nộp của kỳ sau hoặc được ngân sách nhà nước thoái trả theo quy định.
VI. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG
1.1. Cá nhân, tổ chức không làm đúng những quy định về thủ tục đăng ký, kê khai, quyết toán, lập sổ sách, chứng từ kế toán về thuế thu nhập, không khấu trừ số thuế thu nhập theo đúng quy định, thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế;
1.2. Cá nhân, tổ chức có hành vi khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế thu nhập theo quy định còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
1.3. Cá nhân, tổ chức nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt so với ngày quy định phải nộp hoặc quyết định xử lý về thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế, số tiền phạt, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,1% số tiền nộp chậm;
Ví dụ: Cơ quan chi trả thu nhập X tháng 5 có số thuế TNCN đã khấu trừ và kê khai vào tờ khai theo mẫu số 03a/TNTX là 10 triệu đồng. Tiền thù lao được hưởng 0,5% là 50.000 đồng. Số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước là 9.950.000 đồng. Cơ quan đã gửi tờ khai đến cơ quan thuế vào ngày 9/6, tiền thuế nộp vào Ngân sách theo ngày ghi trên giấy nộp tiền bằng chuyển khoản qua Ngân hàng là ngày 27/6. Như vậy, so với quy định về thời hạn nộp thuế là chậm 2 ngày, cơ quan chi trả phải chịu phạt chậm nộp theo quy định là 9.950.000đ x 0,1% x 2 ngày = 19.900 đồng.
1.4. Trường hợp cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập có hành vi không khai báo, không đăng ký, kê khai các cá nhân thuộc diện chịu thuế, không thực hiện khấu trừ tiền thuế thu nhập trước khi chi trả thu nhập gây thất thu thuế thu nhập cá nhân thì ngoài việc phải bồi thường cho ngân sách nhà nước số thuế bị thất thoát còn bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Số tiền thuế phải bồi thường và số tiền nộp phạt được lấy từ thu nhập của cá nhân, cơ quan chi trả thu nhập, từ tiền thù lao đã được hưởng và không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
1.5. Cá nhân, tổ chức không nộp thuế, nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như sau:
1.5.1. Trích tiền của tổ chức, cá nhân có tại kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt. Kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách nhà nước trước khi thu hồi nợ;
1.5.2. Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.
Các hành vi vi phạm hành chính về thuế thu nhập và thẩm quyền xử lý vi phạm được thực hiện theo các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Cá nhân phát hiện các vụ vi phạm trốn lậu thuế thu nhập và thông báo cho cơ quan thuế dưới các hình thức: phản ánh trực tiếp, công văn, văn thư, đơn, nêu rõ tên, địa chỉ cá nhân hoặc tổ chức có hành vi trốn thuế thì được cơ quan thuế khen thưởng theo quy định hiện hành.
1.1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao không đúng đối với tổ chức, cá nhân mình.
Đơn khiếu nại phải được gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thuế, lệnh thu hoặc quyết định xử lý.
Trong khi đợi giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã được thông báo.
Cơ quan nhận đơn khiếu nại có trách nhiệm xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn; đối với những vụ phức tạp, có thể kéo dài thời hạn nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn.
1.2. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan nhận đơn hoặc quá thời hạn quy định tại điểm 1.1 Mục này mà cơ quan nhận đơn chưa giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.
2.1. Cơ quan thuế có trách nhiệm thoái trả tiền thuế hay tiền phạt thu không đúng và trả tiền bồi thường (nếu có), trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử lý của cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2.2. Trong trường hợp phát hiện và kết luận có sự khai man trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu tiền thuế, tiền phạt hoặc hoàn trả tiền thuế trong thời hạn 5 năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự khai man trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không đăng ký, kê khai, nộp thuế thì thời hạn truy thu tiền thuế, tiền phạt được tính kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 05/2002/TT-BTC ngày 17/01/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2001/NĐ-CP ngày 23/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và các quy định trái với quy định tại Thông tư này.
Việc kê khai, tính thuế thu nhập trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2002/TT-BTC ngày 17/01/2002 của Bộ Tài chính, từ ngày 01/7/2004 trở đi thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về việc nộp thuế thu nhập khác với quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo Điều ước quốc tế đó.
3. Cơ quan thuế các cấp có nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn các cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập và các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để nghiên cứu giải quyết.
|
Trương Chí Trung (Đã ký) |
BẢNG QUY
ĐỔI THU NHẬP SAU THUẾ
RA THU NHẬP TRƯỚC THUẾ
(Kèm theo Thông tư số 81/2004/ TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính)
Đối với công dân Việt Nam và các cá nhân khác định cư tại Việt Nam
Đơn vị tính: 1000đ
THU NHậP SAU THUế (NET) |
THU NHậP TRƯớC THUế |
Trên 5000 đến 14.000 |
NET - 500 0,9 |
Trên 14.000 đến 22.000 |
NET - 2.000 0,8 |
Trên 22.000 đến 32.500 |
NET - 4.500 0,7 |
Trên 32.500 |
NET - 8.500 0,6 |
Đối với người nước ngoài cư trú tại
Việt Nam và công dân Việt Nam
lao động, công tác ở nước ngoài
Đơn vị tính 1000 đ
THU NHẬP SAU THUẾ (NET) |
THU NHẬP TRƯỚC THUẾ |
Trên 8.000 đến 18.800 |
NET - 800 0,9 |
Trên 18.800 đến 42.800 |
NET - 2.800 0,8 |
Trên 42.800 đến 63.800 |
NET - 7.800 0,7 |
Trên 63.800
|
NET - 15.800 0,6 |
BẢNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP
TÍNH THUẾ THEO
BIỂU THUẾ LUỸ TIẾN TỪNG PHẦN ĐỐI VỚI
THU NHẬP THƯỜNG XUYÊN
(Kèm theo Thông tư số 81/2004/ TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính)
Phương pháp tính thuế luỹ tiến từng phần được cụ thể hóa như sau:
Ví dụ 1: Ông X là công dân Việt Nam có thu nhập thường xuyên là 45.000.000đ/tháng, số thuế thu nhập phải nộp ở từng bậc của ông X được tính trong tháng như sau:
- Bậc 1: thu nhập đến 5.000.000 đ không thu
- Bậc 2: thu nhập trên 5.000.000 đ đến 15.000.000đ thuế suất 10%
+ Số thuế phải nộp là:
(15.000.000đ - 5.000.000đ) x 10% = 1.000.000đ
- Bậc 3: thu nhập trên 15.000.000 đ đến 25.000.000đ thuế suất 20%
+ Số thuế phải nộp là:
(25.000.000đ - 15.000.000đ) x 20% = 2.000.000đ
- Bậc 4: thu nhập trên 25.000.000 đ đến 40.000.000đ thuế suất 30%
(40.000.000đ - 25.000.000đ) x 30% = 4.500.000đ
- Bậc 5: thu nhập trên 40.000.000 đ đến 45.000.000đ thuế suất 40%
+ Số thuế phải nộp là:
(45.000.000đ - 40.000.000đ) x 40% = 2.000.000đ
Tổng cộng số thuế phải nộp theo Biểu thuế lũy tiến từng phần của ông X là:
1.000.000đ + 2.000.000đ +4.500.000đ + 2.000.000đ = 9.500.000đ
Theo ví dụ trên với thu nhập là 45.000.000 đ/tháng thì số thuế phải nộp tính rút gọn ông X nộp thuế đến bậc 5 là:
7.500.000đ + (45.000.000 đ- 40.000.000đ) x 40 % = 9.500.000đ.
Biểu tính thuế rút gọn đối với thu
nhập chịu thuế của công dân Việt Nam
và cá nhân khác định cư tại Việt Nam:
Bậc |
Thu nhập bình quân tháng/người |
Thuế suất (%) |
Số thuế thu nhập phải nộp |
1 |
đến 5 tr.đ |
0 |
0 |
2 |
Trên 5 tr.đ đến 15 tr.đ |
10 |
0 tr.đ + 10% số TN vượt trên 5 tr.đ |
3 |
Trên 15 tr.đ đến 25 tr.đ |
20 |
1 tr.đ + 20% số TN vượt trên 15 tr.đ |
4 |
Trên 25 tr.đ đến 40 tr.đ |
30 |
3 tr.đ + 30% số TN vượt trên 25 tr.đ |
5 |
Trên 40 tr.đ |
40 |
7,5 tr.đ + 40% số TN vượt trên 40 tr.đ |
Ví dụ 2: Ông Y là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thu nhập thường xuyên là 90.000.000đ/tháng, số thuế thu nhập phải nộp ở từng bậc của ông Y được tính trong tháng như sau:
- Bậc 1: thu nhập đến 8.000.000 đ không thu
- Bậc 2: thu nhập trên 8.000.000 đ đến 20.000.000đ thuế suất 10%
+ Số thuế phải nộp là:
(20.000.000đ - 8.000.000đ) x 10% = 1.200.000đ
- Bậc 3: thu nhập trên 20.000.000 đ đến 50.000.000đ thuế suất 20%
+ Số thuế phải nộp là:
(50.000.000đ - 20.000.000đ) x 20% = 6.000.000đ
- Bậc 4: thu nhập trên 50.000.000 đ đến 80.000.000đ thuế suất 30%
+ Số thuế phải nộp là:
(80.000.000đ - 50.000.000đ) x 30% = 9.000.000đ
- Bậc 5: thu nhập trên 80.000.000 đ đến 90.000.000 đ thuế suất 40%
+ Số thuế phải nộp là:
(90.000.000đ - 80.000.000đ) x 40% = 4.000.000đ
Tổng cộng số thuế phải nộp theo Biểu thuế lũy tiến từng phần của ông Y là:
1.200.000đ + 6.000.000đ +9.000.000đ + 4.000.000đ = 20.200.000 đồng
Theo ví dụ trên với thu nhập là 90.000.000 đ/tháng thì số thuế phải nộp tính rút gọn ông Y nộp thuế đến bậc 5 là:
16.200.000đ + (90.000.000đ - 80.000.000đ) x 40 % = 20.200.000 đồng.
Biểu tính thuế rút gọn đối với thu
nhập chịu thuế của người nước ngoài cư trú
tại Việt Nam và công dân Việt Nam lao động công tác ở nước ngoài:
Bậc |
Thu nhập bình quân tháng/người |
Thuế suất (%) |
Số thuế thu nhập phải nộp |
1 |
đến 8 tr.đ |
0 |
0 |
2 |
Trên 8 tr.đ đến 20 tr.đ |
10 |
0 tr.đ + 10% số TN vượt trên 8 tr.đ |
3 |
Trên 20 tr.đ đến 50 tr.đ |
20 |
1,2 tr.đ + 20% số TN vượt trên 20 tr.đ |
4 |
Trên 50 tr.đ đến 80 tr.đ |
30 |
7,2 tr.đ + 30% số TN vượt trên 50 tr.đ |
5 |
Trên 80 tr.đ |
40 |
16,2 tr.đ + 40% số TN vượt trên 80 tr.đ |
|
|
|
|
TỔNG CỤC THUẾCỤC THUẾ.... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc |
V/v: Hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân
Hôm nay, vào lúc........giờ......... ngày......... tháng........ năm.........
Tại Phòng .................. - Cục Thuế.............................., chúng tôi gồm có:
Ông (Bà) ...............................................là viên chức thuộc Phòng ..................
Ông (Bà) ..........................................................................................................
Đã tiếp xúc làm việc với:
Ông (Bà) ........................................ Chức vụ:....................... Quốc tịch...........
Ông (Bà) .........................................Chức vụ: ...................... Quốc tịch...........
Làm việc tại: ....................................................................................................
Địa chỉ:.............................................................................................................
NỘI DUNG HƯỚNG DẪN:
I. Trách nhiệm của người nộp thuế:
Căn cứ vào đề nghị của cá nhân hoặc thư mời của Cục thuế..................., Ông (Bà) (hoặc người đại điện được uỷ quyền) đã đến Cục Thuế....................... làm việc để được hướng dẫn việc kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân của Ông (Bà).............. đang làm việc tại............................. Cục Thuế..................... yêu cầu Ông (Bà):
1. Thực hiện việc kê khai các nguồn thu nhập đầy đủ, có trách nhiệm chủ động nộp số thuế thu nhập cá nhân phát sinh trước ngày 25 hàng tháng.
2. Khi có sự thay đổi về thu nhập hoặc các chỉ tiêu trên tờ khai đăng ký thuế, Ông (Bà) có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan thuế bằng văn bản chậm nhất ngày 15 hàng tháng để cập nhật và điều chỉnh kịp thời.
3. Thực hiện việc quyết toán hàng năm chậm nhất không quá ngày 28/2 năm sau hoặc 30 ngày kể từ ngày hết hạn hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.
II. Các chứng từ, tài liệu liên quan hồ sơ đăng ký thuế nộp thuế :
1. Tờ khai đăng ký nộp thuế năm mẫu số 02a/TNTX hoặc 02b/TNTX.
2. Hợp đồng lao động được ký kết với chủ lao động hoặc với Công ty mẹ
3. Thư bổ nhiệm/Hợp đồng lao động
4. Tiền thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê nhà ở tại Việt Nam do cá nhân tự trả hay công ty trả thay (đính kèm hợp đồng thuê nhà).
5. Tờ khai nộp thuế hàng tháng mẫu số 04/TNTX.
Đối với người nước ngoài cần bổ sung các tài liệu
6. Dự kiến thời gian cư trú tại Việt Nam.
III. Các chứng từ, tài liệu liên quan hồ sơ Quyết toán thuế
1. Tờ khai quyết toán thuế năm (mẫu 08/TNTX) thu nhập thường xuyên.
2. Bảng kê tiền nhà điện nước công ty trả thay cho cá nhân
3. Xác nhận thu nhập của Công ty chi trả thu nhập (bản chính) bao gồm tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp bằng tiền....từ tất cả các nguồn dưới các hình thức : tiền, hiện vật.
4. Bảng kê chi tiết số thuế đã nộp hàng tháng (kèm bản sao chứng từ nộp thuế).
Đối với người nước ngoài cần bổ sung các tài liệu
5 . Bảng kê số ngày cư trú tại Việt Nam (mẫu 13a/TNTX) (nếu có).
6. Xác nhận thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam bao gồm tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp bằng tiền....từ tất cả các nguồn dưới các hình thức : tiền, hiện vật.
7. Chứng từ khác:
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
IV. Ý kiến cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân:
Tôi................................. hiện đang làm việc và có thu nhập tại............... hôm nay xác nhận đã được Cục thuế hướng dẫn đầy đủ về việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế. Tôi cam kết sẽ kê khai thu nhập và cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến thu nhập chịu thuế và kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế đúng thời hạn.
Bản ghi nhớ kết thúc vào lúc...... giờ........ cùng ngày, đã được đọc lại cho đương sự nghe rõ xác nhận những điều ghi trong Bản ghi nhớ là đúng sự thật, đồng ý ký tên. Bản ghi nhớ được lập thành 2 bản, có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 1 bản.
CÁ NHÂN |
VIÊN CHỨC THUẾ |
NGÀY NHẬN TỜ KHAI........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Năm..................
(Dùng cho cá nhân Việt Nam nộp thuế tại cơ quan thuế)
Mã số thuế cá nhân:
Họ và tên:............................................................................................
Số chứng minh thư:.............................................................................
Ngày.......... tháng................ năm........ nơi cấp....................................
Địa chỉ liên hệ:....................................................................................
Số Nhà................. Phố............................ Quận...................................
Số điện thoại: Nhà riêng:.......... cơ quan:........... di động:..................
Năm........... tôi có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
Dự kiến thu nhập hàng tháng:..................................................... đồng
Tài liệu chi tiết đính kèm:.....................................................................
Tôi yêu cầu được đăng ký kê khai tạm nộp thuế hàng tháng tại Cục thuế........
Ngày......... tháng..... năm 200.......
Người kê khai nộp thuế
(Ký, ghi rõ họ tên)
NGÀY NHẬN TỜ KHAI........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc |
(Dùng cho cá nhân nước ngoài nộp thuế tại cơ quan thuế)
|
C门 QUAN THUẾ GHI |
|
|||||||||||
|
Mã số thuế |
|
|
||||||||||
Họ và tên:.................................................... Ngày/tháng/năm sinh:.../..../... Quốc tịch:... |
|
2. Hộ chiếu số:...................................... Ngày cấp:..../..../.... Nơi cấp:.................. |
|||||||||||
3. Địa chỉ liên lạc tại Việt Nam: |
|
4. Địa chỉ liên lạc trụ sở chính tại nước ngoài: |
|||||||||||
Số nhà, đường phố, thôn, xã: |
|
Số nhà, đường phố: |
|||||||||||
Quận/huyện: |
|
Quận/huyện: |
|||||||||||
Tỉnh/thành phố: |
|
Tỉnh/thành phố: |
|||||||||||
Điện thoại: Fax: |
|
Điện thoại: Fax: |
|||||||||||
……………../……….…./………….. |
|
6. Thời gian dự kiến ở Việt Nam: Dưới 183 ngày Trên 183 ngày |
|||||||||||
7. Thu nhập phát sinh tại Việt Nam - Lương:............................................................... - Trợ cấp:.............................................................. - Thưởng:............................................................. - Khác:.................................................................. |
8. Thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam - Lương:....................................... - Trợ cấp: :............................................... Thưởng:...................................... - Khác:................................... |
||||||||||||
* Do cá nhân tự chi trả: * Do Công ty trả thay: |
|
10. Tiền thuê nhà ở tại Việt Nam * Do cá nhân tự chi trả: * Do Công ty trả thay: |
|||||||||||
11. Tài khoản Ngân hàng, kho bạc: Số........................ Tại...........................
12. Những nơi làm việc tại Việt Nam:
STT |
Tên Cty/VPĐD |
Quốc tịch |
Địa chỉ |
Giấy phép |
Giấy đăng ký hoạt động |
Thời gian làm việc |
|||
|
|
|
|
Số |
Cấp ngày |
Số |
Cấp ngày |
Từ |
Đến |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tôi cam đoan những nội dung trong bản kê khai này là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai.
Ngày.... tháng..... năm 200... Người khai |
Ngày..... tháng.... năm 200.... Xác nhận của Công ty/VPĐD |
NGÀY NHẬN TỜ KHAI ........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
TỜ KHAI NỘP THUẾ THU NHẬP THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁ NHÂN
(Dùng cho cơ quan chi trả thu nhập)
THÁNG..... NĂM 200...
1. Mã số thuế của cơ quan chi trả:
2. Tên cơ quan chi trả thu nhập:
3. Địa chỉ trụ
sở:
4. Số điện thoại liên lạc: Số fax:
5. Tổng số lao
động trong tháng: người.
6. Tổng số người thuộc diện nộp thuế (tháng này): người.
7. Tổng
số tiền đã chi trả cho cá nhân: đồng
8. Tổng
số thuế thu nhập đã khấu trừ (tháng này):
đồng.
9. Tiền
thù lao đơn vị được hưởng: đồng.
10. Số
thuế còn phải nộp NSNN (tháng này): đồng
Trong đó: Người Việt Nam đồng
Người nước ngoài đồng
11. Số thuế còn
nợ NSNN tháng trước (nếu có): đồng
12. Số thuế đã
nộp NSNN trong tháng: đồng
..... cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
Người lập biểu (Ký, ghi rõ họ tên) |
Ngày tháng năm 200 Cơ quan chi trả thu nhập Thủ trưởng đơn vị (ký tên, đóng dấu) |
NGÀY NHẬN TỜ KHAI ........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
TỜ KHAI NỘP THUẾ ĐỐI VỚI THUẾ KHẤU TRỪ 10%
(Dùng cho cơ quan chi trả thu nhập)
THÁNG..... NĂM 200...
1. Mã số thuế của cơ quan chi trả:
2. Tên
cơ quan chi trả thu nhập:
3. Địa chỉ trụ
sở:
4. Số điện thoại liên lạc: Số fax:
A. Phần tổng hợp:
1. Tổng số tiền đã chi trả
2. Tổng số tiền thuế đã khấu trừ
3. Tiền thù lao được hưởng {(2) x 0,5%)}
4. Số thuế phải nộp NSNN
B. Phần chi tiết:
STT |
Họ và tên
|
Địa chỉ |
Mã số thuế |
Loại thu nhập chi trả |
Số tiền chi trả |
Chứng từ khấu trừ (10%) |
||
Ký hiệu và số chứng từ |
Ngày, tháng, năm |
Số thuế |
||||||
A |
Người Việt Nam |
|
|
|
|
|
|
|
B |
Người nước ngoài |
|
|
|
|
|
|
|
... |
............ |
|
|
|
............ |
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
...... cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
Người lập biểu (Ký, ghi rõ họ tên) |
Ngày tháng năm 200 Cơ quan chi trả thu nhập Thủ trưởng đơn vị (ký tên, đóng dấu) |
NGÀY NHẬN TỜ KHAI ........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
TỜ KHAI NỘP THUẾ THU NHẬP THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁ NHÂN
(Dùng cho cá nhân nộp thuế tại cơ quan thuế)
Tháng..... năm 200.....
1. Mã số thuế :
2. Họ và tên: Quốc tịch:
3. Địa chỉ thường trú:
4. Các chỉ tiêu kê khai:
Đơn vị tính: đồng
STT |
Chỉ tiêu |
Số tiền |
1. |
Tổng thu nhập |
|
2. |
Các khoản thu nhập không chịu thuế, trong đó |
|
a. |
Lãi tiền gửi ngân hàng |
|
b. |
Lợi tức cổ phần |
|
c. |
Phụ cấp |
|
d. |
Thu nhập không chịu thuế khác |
|
3 |
Tổng thu nhập chịu thuế: |
|
3.1 |
Thu nhập phát sinh tại Việt nam |
|
a. |
Lương |
|
b. |
Thưởng |
|
c. |
Tiền nhà |
|
d. |
Thu nhập khác |
|
3.2 |
Thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam (nếu có) |
|
4. |
Thuế thu nhập phải nộp |
|
Tôi cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
Ngày.... tháng... năm 200
Người kê khai nộp thuế
(Ký ghi rõ họ tên)
Mẫu số: 05/TNTX
NGÀY NHẬN TỜ KHAI
........../............/20.......
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TỜ KHAI THUẾ THU NHẬP CỦA
NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
KHÔNG CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM
(Dùng cho cơ quan chi trả thu nhập)
Ngày...... tháng.... năm 200....
1. Mã số thuế cơ quan chi trả thu nhập:
2. Tên cơ quan chi trả thu nhập:
3. Địa chỉ trụ sở:
A. PHẦN TỔNG HỢP:
1. Tổng số người:
2. Tổng thu nhập chịu thuế:
3. Tổng số thuế thu nhập: {(2)x 25%)}
4. Phần thù lao được hưởng:
5. Tổng số thuế phải nộp :
B. PHẦN CHI TIẾT:
STT |
Họ và tên người nộp thuế |
Địa chỉ |
Mã số thuế cá nhân (nếu có) hoặc hộ chiếu, chứng minh thư |
Thu nhập chịu thuế |
Thuế thu nhập phải nộp (thuế suất 25%) |
Biên lai thuế TNCN |
||
|
|
|
|
|
|
Ký hiệu và số biên lai |
Ngày, tháng, năm |
Số thuế |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
..... cam đoan những số liệu kê khai trên là đúng thực tế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
Người lập biểu (Ký, ghi rõ họ tên) |
Ngày tháng năm 200 Cơ quan chi trả thu nhập Thủ trưởng đơn vị (ký tên, đóng dấu) |
NGÀY NHẬN TỜ KHAI ........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
TỜ KHAI NỘP THUẾ THU NHẬP KHÔNG THƯỜNG XUYÊN
(Dùng cho cơ quan chi trả thu nhập)
Tháng..... năm 200...
1. Mã số thuế của cơ quan chi trả:
2. Tên cơ quan
chi trả thu nhập:
3. Địa chỉ trụ
sở:
A. Phần tổng hợp:
1. Tổng thu
nhập chịu thuế:
đồng
2. Tổng số thuế
thu nhập đã khấu trừ : đồng.
3. Tiền thù lao đơn vị được hưởng (2) x 1%)}: đồng.
4. Số
thuế phải nộp NSNN: đồng.
Trong đó: Người Việt Nam đồng.
Người
nước ngoài đồng
B. Phần chi tiết:
STT |
Họ và tên người nộp thuế |
Địa chỉ |
Mã số thuế cá nhân (nếu có) hoặc hộ chiếu, chứng minh thư |
Thu nhập chịu thuế |
Thuế suất |
Thuế TN nộp |
Biên lai |
|||
Trong đó |
Ký hiệu và số biên lai |
Ngày, tháng, năm |
Số thuế |
|||||||
C/giao công nghệ |
Trúng thưởng xổ số |
|||||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
… |
… |
.......... |
......... |
.......... |
..... |
.......... |
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... cam đoan những số liệu kê khai trên là đúng thực tế đã chi trả, khấu trừ thuế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
Người lập biểu (Ký, ghi rõ họ tên) |
Ngày tháng năm 200 Cơ quan chi trả thu nhập Thủ trưởng đơn vị (ký tên, đóng dấu) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
....., ngày... tháng.... năm 200....
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP BIÊN LAI, CHỨNG TỪ
KHẤU TRỪ
THUẾ THU NHẬP CÁ
NHÂN
Kính gửi: (1)............................
- Mã số thuế cơ quan chi trả thu nhập (nếu có):
- Tên cơ quan chi trả thu nhập :
- Địa chỉ :
- Số Điện thoại Số fax
- Số Tài khoản
- Họ và tên người đứng đầu cơ quan chi trả
- Số điện thoại
- Họ tên người liên hệ
- Số điện thoại
Cơ quan tôi có hoạt động chi trả thu nhập cho cá nhân có khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (thuế thu nhập cá nhân). Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã đề cập trách nhiệm cơ quan chi trả phải thực hiện khấu trừ thuế và cấp biên lai thuế TNCN hoặc chứng từ khấu trừ thuế TNCN. Nay cơ quan tôi đề nghị cơ quan thuế cấp chứng từ khấu trừ thuế và biên lai thuế thu nhập cá nhân.
Cơ quan tôi chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng biên lai, chứng từ khấu trừ thuế thu nhập theo đúng quy định tại Quyết định số 30/2001/QĐ-BTC ngày 13/4/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế; Thực hiện báo cáo tình hình sử dụng biên lai, chứng từ với cơ quan thuế hàng tháng vào ngày 20 tháng sau, hoặc vào ngày 20 của tháng đầu quý sau nếu trong quý chỉ sử dụng hết 01 quyển biên lai, cuối năm thực hiện quyết toán biên lai, chứng từ vào ngày 20/2 của năm sau.
Người đứng đầu cơ quan chi trả thu nhập
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
(1): - Gửi Cục thuế hoặc Chi cục thuế nếu cơ quan chi trả thu nhập là đối tượng nộp thuế GTGT, thuế TNDN tại Cục thuế hoặc Chi cục thuế.
- Gửi Cục thuế nếu cơ quan chi trả thu nhập không phải là đối tượng nộp thuế GTGT, thuế TNDN.
NGÀY NHẬN TỜ KHAI
........../............/20.......
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TỜ KHAI QUYẾT TOÁN THUẾ THU
NHẬP
ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THU NHẬP CAO
Năm 200…
(Dùng cho cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế)
A. Thông tin cá nhân: |
|
1. Mã số thuế cá nhân
2. Họ và tên
3.1. Địa chỉ thường trú
3.2. Địa chỉ liên hệ
4. Ngày tháng năm sinh
5. Nếu là cá nhân tự kinh doanh, mô tả loại hình kinh doanh
6.1. Tên cơ quan đang làm việc và số điện thoại liên hệ
tại cơ quan
6.2. Số điện thoại liên hệ tại nhà riêng
7. Số tài khoản cá nhân tại Ngân hàng
B. Thông tin thu nhập: |
|
1. Thu nhập không chịu thuế
1.1. Lãi tiền gửi Ngân hàng
1.2. Lãi tiền gửi tiết kiệm
1.3. Lãi tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu
1.4. Phụ cấp không chịu thuế
1.5. Tiền thuởng không chịu thuế
1.6. Tiền trợ cấp không chịu thuế
1.7. Thu nhập không thuộc diện chịu thuế
1.8. Tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương
tiền công
1.9. Thu nhập không chịu thuế khác
2. Thu nhập chịu thuế đã khấu trừ thuế tại nguồn 10%
2.1. Không
2.2. Có hãy thông tin chi tiết Phần D
3. Thu nhập chịu thuế
3.1. Thu nhập từ: Tiền lương, tiền công.
Tiền thưởng
3.2. Các khoản phụ cấp chịu thuế
Trong đó phụ cấp xa Tổ quốc
3.3. Thu nhập từ dịch vụ khoa học-kỹ thuật
3.4. Thu nhập từ bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu,
tác phẩm
3.5. Thu nhập từ dịch vụ tư vấn, đào tạo
3.6. Thu nhập từ dịch vụ tin học
3.7. Thu nhập từ dịch vụ đại lý
3.8. Thu nhập từ HĐQT, HĐ quản lý
3.9. Thu nhập từ nhuận bút
3.10. Thu nhập từ hoa hồng môi giới
3.11. Thu nhập do tham gia hoạt động sản xuất - kinh
doanh,
dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
3.12. Thu nhập khác
4. Đối với ca sỹ, nghệ sỹ xiếc, múa, cầu thủ bóng đá, vận động viên chuyên nghiệp
4.1. Thu nhập chịu thuế được trừ 25%
4.2. Số thu nhập được trừ {(4.1) x 25%)}
4.3. Tổng thu nhập chịu thuế (3) - (4.2)
C. Thông tin nộp thuế |
5. Số thuế phải nộp trong năm
5.1. Số thuế thu nhập phải nộp theo pháp luật Việt Nam:
5.2. Số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài (nếu có)
5.3. Số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài được khấu trừ
6. Tổng số thuế đã nộp trong năm
7. Tổng số thuế còn phải nộp
8. Tổng số thuế được thoái trả
D. Thông tin chi tiết đối với một số khoản thu nhập đã khấu trừ thuế 10% |
Nơi chi trả thu nhập |
Loại TN |
Thời gian làm việc |
Tổng TN nhận được |
Số thuế đã khấu trừ |
Biên lai/ Chứng từ khấu trừ thuế |
||
|
|
|
|
|
Ký hiệu và số biên lai |
Ngày, tháng, năm |
Số thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng số thuế TN đã khấu trừ
Tổng thu nhập
Tôi cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai
Người khai
Ký, ghi rõ họ tên
...........................
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
GIẤY UỶ QUYỀN QUYẾT TOÁN
THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Năm....
Tên tôi là: ………………………….. Quốc tịch :…………………….
Mã số thuế: ………………………….
Năm....... tôi chỉ có thu nhập chịu thuế tại một nơi là Công ty................ Đề nghị Công ty/đơn vị (mã số thuế)............. thay mặt tôi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm.......... với cơ quan thuế.
Trường hợp cơ quan thuế kiểm tra phát hiện tôi có thu nhập chịu thuế ở nơi khác thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
......, Ngày...... tháng...... năm......
Ký tên
(Ghi rõ họ tên)
NGÀY NHẬN TỜ KHAI........../............/20....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc |
TỜ KHAI QUYẾT TOÁN THUẾ THU
NHẬP
THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁ NHÂN
(Dùng cho cơ quan chi trả thu nhập)
NĂM 200...
1. Mã số thuế của cơ quan chi trả:
2. Tên
cơ quan chi trả thu nhập:
3. Địa
chỉ trụ sở:
4. Số hiệu tài khoản của cơ quan chi trả tại ngân hàng:
5. Tổng số
lao động trong năm: người.
6. Tổng số người thuộc diện quyết toán thuế năm: người
7. Tổng số thu
nhập chịu thuế chi trả cho cá nhân:
đồng
8. Tổng số thuế
phải nộp năm: đồng
9. Tổng số thuế
thu nhập đã khấu trừ năm:
đồng
10. Tiền thù lao đơn vị được hưởng: đồng
11. Đề nghị cơ quan thuế cho bù trừ giữa số thuế phải nộp và số thuế phải thoái trả của các cá nhân trong đơn vị để xác định số thuế quyết toán:
- Số thuế còn phải nộp NSNN năm:
Bằng số: đồng
Bằng chữ: đồng
-
Số thuế nộp thừa:
Bằng số: đồng
Bằng chữ đồng
12. Thanh toán với ngân sách về TNTX:
Thu nhập thường xuyên |
Số thuế còn phải nộp năm trước chuyển sang (Thừa (-); Thiếu (+)) |
Số thuế phát sinh phải nộp năm nay |
Số thuế đã nộp năm nay |
Số thuế còn phải nộp |
- Người Việt Nam |
|
|
|
|
- Người nước ngoài |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
13. Bảng kê thuế thu nhập thường xuyên đã khấu trừ của cá nhân người lao động chi tiết đính kèm Mẫu 11/TNTX.
14. Chi tiết khấu trừ thuế đối với cá nhân không quyết toán tại cơ quan chi trả thu nhập:
STT |
Tên ĐTNT |
Mã số thuế |
Số thu nhập |
Số thuế khấu trừ |
Biên lai |
||
|
|
|
|
|
Ký hiệu và số Biên lai |
Ngày, tháng, năm |
Số thuế |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
................................. chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu trên.
Người lập biểu (Ký, ghi rõ họ tên) |
Ngày tháng năm 200 Cơ quan chi trả thu nhập Thủ trưởng đơn vị (ký tên, đóng dấu) |
BẢNG QUYẾT TOÁN CHI TIẾT SỐ
THUẾ THU NHẬP
CỦA CÁ NHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG
NĂM :
Mã số thuế đơn vị chi trả:
Tên đơn vị chi trả:
Đơn vị tính: đồng
STT |
Họ và tên cá nhân |
Mã số thuế cá nhân |
Thu nhập không chịu thuế |
Thu nhập chịu thuế
|
Thuế thu nhập |
Ghi chú |
|
|||||||||
Tổng số |
Trong đó |
Bình quân tháng |
Thuế phải nộp |
Tổng số thuế đã khấu trừ |
Tổng số thuế còn phải nộp (+) hoặc hoàn trả (-) |
|
||||||||||
Lương
|
Thưởng |
Khác |
Tháng |
Tổng số |
||||||||||||
Tổng số |
Trong đó |
|
||||||||||||||
Phụ cấp |
Trợ cấp |
|
||||||||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
|
A |
Thu nhập thường xuyên người Việt Nam |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
B |
Thu nhập thường xuyên người Nước ngoài |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…….. cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
LẬP BIỂU |
THỦ TRƯỞNG ĐƠNVỊ |
Phòng …..
Cục thuế….
Kính gửi:
Để giúp việc xác định, giải quyết và quyết toán thuế của ông/bà. Chúng tôi yêu cầu ông/bà cung cấp thư xác nhận thu nhập hàng năm, thư này được xác nhận bởi Công ty ….. (theo mẫu đính kèm).
Khi cung cấp những thông tin này, chúng tôi muốn được lưu ý ông/bà về những đặc điểm sau:
1. Theo quy định về trao đổi thông tin trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các quốc gia đã ký kết, chúng tôi có khả năng và thẩm quyền trao đổi, làm việc với cơ quan chức năng của các nước đã ký kết Hiệp định thuế để xác định tính trung thực của các thông tin được cung cấp.
2. Người sử dụng lao động và người lao động thuộc diện cư trú tại Việt Nam (có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày trong một năm tính thuế) có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và tại nước ngoài, không phụ thuộc nơi chi trả (cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam).
3. Cá nhân đại diện cho Công ty trực tiếp tuyển dụng và sử dụng lao động xác nhận các khoản thu nhập chi trả cho người lao động phải là người có đủ thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của tất cả các chi tiết cung cấp trong thư xác nhận.
4. Thời hạn nộp bản xác nhận thu nhập: ………/200…
Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế của ông (bà).
Đại diện cơ quan thuế Việt Nam
Chữ ký:
Họ tên:
Chức vụ:
THƯ XÁC NHẬN THU NHẬP HÀNG NĂM
Ngày tháng năm 200..
Thay mặt Công ty....................................................................
Tôi xin xác nhận về việc ông/bà.............................................
Được bổ nhiệm tới công tác tại Việt Nam với các chi tiết sau:
1. Họ và tên:
2. Chức vụ:
3. Ngày đến Việt Nam:
4. Ngày dự kiến hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam :
5. Thu nhập trong giai đoạn từ ngày ….. đến ngày……..
Trong đó tại Việt Nam:
Tại nước ngoài:
+ Lương cơ bản:
+ Phụ cấp:
+ Tiền thưởng:
+ Các khoản thu nhập khác bằng tiền (chi tiết):
+ Các khoản thù lao phụ cấp khác liên quan đến việc bổ nhiệm công tác tại Việt Nam (chi tiết):
6. Các khoản bị khấu trừ (nếu có):
· Thuế:
· Bảo hiểm y tế:
· Bảo hiểm xã hội:
· Các khoản bị khấu trừ khác (xin cung cấp chi tiết):
7. Những khoản thu nhập trên là thu nhập có/không có thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.
8. Tiền thuê nhà cho ông/bà................ tại Việt Nam là do................... (ghi rõ tên tổ chức, cá nhân) số tiền là:................................
Tổng
các khoản chi trả về thu nhập từ tiền lương, tiền công của
ông/bà là:..........
Gửi kèm: Hợp đồng lao động, ...
Đại diện Công ty.......................................
Chữ ký: .....................................................
Ghi rõ họ tên (cá nhân có thẩm quyền đại diện Công ty)
Chức vụ:...............................
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BẢNG KÊ SỐ NGÀY CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM
(Dùng cho cá nhân là người nước ngoài)
Năm 200...
1. Mã số thuế :
2. Họ và tên: Quốc tịch:
3. Ngày tháng năm sinh :
4. Số hộ chiếu: Ngày Nơi cấp:
5. Mã số thuế cơ quan chi trả thu nhập (nếu có):
6. Tên địa chỉ cơ quan chi trả thu nhập:
7. Các chỉ tiêu kê khai:
Đơn vị tính: đồng
STT |
Ngày tháng đến Việt Nam |
Ngày tháng rời Việt Nam |
Số ngày ở Việt Nam |
Tổng số |
|
|
|
Tôi cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai.
Ngày tháng năm 200
Người kê khai nộp thuế
(Ký, ghi rõ họ tên)
Ghi chú: Ngày tháng đến và rời Việt nam căn cứ vào ngày ghi trong hộ chiếu. Ngày đến và ngày đi tính là một ngày.
TỔNG CỤC THUẾ CỤC THUẾ ............ Số:....... |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày..... tháng.... năm 200... |
PHIẾU XÁC MINH THỜI GIAN CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM
Kính gửi: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18)
Để việc tính thuế thu nhập theo đúng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Cục thuế...... đề nghị Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA18) xác định số ngày cư trú tại Việt Nam từ ngày.... tháng.... năm.... đến nay của cá nhân sau đây:
- Tên cá nhân: Ông (Bà).........
- Quốc tịch:......... Ngày sinh:..............
- Số Passport: Ngày cấp:...............
- Làm việc tại:.......
- Chức vụ:.............
Mong sớm nhận được kết quả trả lời của quý Phòng.
Chân trọng kính chào.
Cục trưởng cục thuế.....
Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu: …
BẢNG KÊ SỬ DỤNG BIÊN LAI THUẾ, CHỨNG TỪ KHẤU TRỪ THUẾ THU NHẬP
Tháng........................ Năm
Mã số thuế (nếu có): ………………………………………………………………………………..................
Cơ quan chi trả thu nhập:. …………………………………………………………………………………….
Địa chỉ:.................................………………………………………………………………………………….
Số TT |
Ký hiệu biên lai |
Số biên lai/Chứng từ |
Họ và tên |
Mã số thuế (nếu có) hoặc số chứng minh thư (hộ chiếu) |
Số tiền thuế |
Ghi chú |
|
|
|
Số |
Ngày tháng năm |
|
|
|
|
I |
Biên lai thuế |
|
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng số tiền thuế đã cấp biên lai |
|||||||
II |
Chứng từ khấu trừ thuế |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
….. |
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng số tiền thuế đã cấp chứng từ khấu trừ thuế |
Người lập biểu |
Thủ trưởng đơn vị |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
..., ngày... tháng... năm...
ĐƠN ĐỀ NGHỊ THOÁI TRẢ THUẾ THU NHẬP
Kính gửi: Cục thuế tỉnh, thành phố....
1. Mã số thuế cá nhân:
2. Tôi tên là:
3. Địa chỉ liên hệ:
4. Số
điện thoại: Số fax:
5. Năm..., Tôi đã nhận
được các khoản tiền chi trả từ các nơi là:
STT |
Nơi có thu nhập (tên, địa chỉ) |
Ngày, tháng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập |
Số tiền (đồng) |
1 |
2 |
3 |
4 |
|
|
|
|
Căn cứ pháp luật về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành, thì:
- Tổng số thuế thu nhập phải nộp năm ... : đồng
- Cơ quan chi trả đã thực hiện khấu trừ thuế và
đã nộp NSNN số tiền là: đồng
- Số thuế thu nhập nộp thừa đề nghị thoái trả là : đồng (bằng chữ)…
Gửi kèm theo hồ sơ có liên quan:
-
-
...
Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai nêu trên và đề nghị Cục thuế.... xét thoái trả số tiền thuế thu nhập theo quy định.
6. Số tiền thuế
được thoái trả đề nghị:
- Bằng tiền mặt:
- Bằng chuyển khoản: số tài khoản cá nhân: tại Ngân hàng....
Người làm đơn đề nghị
(Ký, ghi rõ họ
tên)
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ MINISTRY OF FINANCEGENERAL DEPARTMENT OF TAXATION
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness |
Ký hiệu (Serial No.): AA/2004 Số (No.): 000001 Quyển số (Book No.): |
RECEIPT OF INCOME TAX PAYMENT
(Original 1: For checking)
|
Mã số thuế cá nhân (Tax Indentification Number):
Tên người nộp thuế (Full name of taxpayer):.................................................
Quốc tịch (Nationality):..................................................................................
Đia chỉ hoặc số điện thoại liên hệ (Contact Address or Telephone number):.......
.......................................................................................................................
Số chứng minh thư/Số hộ chiếu (ID/Passport number):.................................
Nơi cấp (Place of issuance):...........................................................................
Tên cơ quan chi trả thu nhập (Name of income paying organization):..........
Mã số thuế cơ quan chi trả thu nhập (TIN of income paying organization ):.....
Kỳ nộp thuế (Tax period) |
Thu nhập chịu thuế (Taxable income) |
Thuế thu nhập phải nộp (Income Tax payable) |
Thuế thu nhập đã nộp (Income Tax paid) |
|
Ngày, tháng (Date, month) |
Số tiền (Amount) |
|||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
Tháng (Month): Năm (Year): |
|
|
|
|
Cộng (Total) |
|
|
|
|
- Tổng số thuế thu nhập đã nộp (Bằng chữ) (Total income tax paid - in words):...
...., Ngày (Date)..... tháng (month)... năm (year) 200......
Cơ quan thu thuế thu nhập
(Tax Department)
(Ký tên, đóng dấu - Sign and seal)
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ MINISTRY OF FINANCEGENERAL DEPARTMENT OF TAXATION
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness |
Ký hiệu (Serial No.): AA/2004 Số (No.): 000001 Quyển số (Book No.): |
CHỨNG TỪ KHẤU TRỪ THUẾ THU NHẬP
CERTIFICATE OF INCOME TAX WITHHOLDING
( Original 1:For checking)
A. Cơ quan chi trả thu nhập (Income paying organization)
Mã số thuế cơ quan chi trả thu nhập (nếu có) {TIN (if any)}:........................
Tên cơ quan chi trả thu nhập (Name of Income paying organization):...........
Địa chỉ cơ quan chi trả (Address of Income paying organization):................
........................................................................................................................
Số điện thoại (Telephone Number):................................................................
B. Cá nhân (Individual recipient of income)
Mã số thuế cá nhân (nếu có) {TIN (if any)}:.................................................
Tên người nộp thuế (Full name of recipient):................................................
Quốc tịch (Nationality):.................................................................................
Địa chỉ liên hệ hoặc số điện thoại liên hệ (Contact Address or telephone number):..................................................................................................................
Số chứng minh thư / Số hộ chiếu (ID/Passport number):...............................
Nơi cấp (Place of Issuance):..........................................................................
C. Số tiền thuế thu nhập đã khấu trừ (Amount of income tax withheld at source):
1. Số tiền cơ quan chi trả thu nhập cho cá nhân (Amount of income paid to individual):....................................................... đồng.
2. Số tiền thuế thu nhập đã khấu trừ 10% (Amount of income tax withheld at 10 percent............................................................. đồng.
3. Số tiền thu nhập cá nhân còn được nhận (1-2) là {Amount of income received by individual (1-2........................................... đồng.
...., Ngày (Date)..... tháng (month)... năm (year) 200......
Cơ quan thu thuế thu nhập
(Tax Department)
(Ký tên, đóng dấu - Sign and seal)
THE MINISTRY OF FINANCE ------- |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No.81/2004/TT-BTC |
Hanoi, August 13, 2004 |
Pursuant
to May 19, 2001 Ordinance No. 35/2001/PL-UBTVQH10 on Income Tax on High-Income
Earners; and March 24, 2004 Ordinance No. 14/2004/PL-UBTVQH11 amending and
supplementing a number of articles of the Ordinance on Income Tax on
High-Income Earners;
Pursuant to the Government’s Decree No. 147/2004/ND-CP of July 23, 2004
detailing the implementation of the Ordinance on Income Tax on High-Income
Earners;
Pursuant to the Government’s Decree No. 77/2003/ND-CP of July 1, 2003 defining
the functions, tasks, powers and organizational structure of the Finance
Ministry;
The Finance Ministry hereby guides the implementation as follows:
1. Taxpayers:
Payers of income tax on high-income earners (hereinafter called personal income tax for short) include:
1.1. Vietnamese citizens who live at home or travel overseas for working missions or labor and earn income;
1.2. Individuals of non-Vietnamese nationality, who, however, indefinitely reside in Vietnam and earn income (hereinafter referred to as other individuals living in Vietnam);
...
...
...
- Foreigners working in Vietnam-based enterprises; economic, cultural and social organizations; representative offices and branches of foreign companies; and individuals independently practicing their occupations in Vietnam.
- Foreigners, who, though being not present in Vietnam, still have income generated in Vietnam.
2. Taxable incomes:
Taxable incomes include regular and irregular incomes.
2.1. Regular incomes include:
2.1.1. Incomes in forms of wage, salary and remuneration, including extra-hour wage, night- shift and extra-month (thirteenth month) wage (if any); subsidies; wage-substitute allowance from social insurance fund; lunch allowance and mid-shift meal allowance (if paid in cash);
2.1.2. Monthly, quarterly and annual bonuses, extraordinary bonuses paid on the occasions of public holidays, Tet (lunar new year) holidays, service/branch founding anniversaries, and rewards from other sources, in cash or in kind.
2.1.3. Incomes earned from participation in projects, business societies, managing boards, management boards or enterprise councils;
2.1.4. Copyright royalties for use of patents, trademarks or works; incomes being authors’ emoluments;
...
...
...
2.1.6. Incomes other than wages or salaries, which are paid for income tax payers, such as house rents, electricity and water charges; particularly, house rents shall be calculated according to the actually-paid amounts, which must not exceed 15% of the total taxable income. In cases where individuals live at working offices, the determination of their taxable income shall be based on house rents or depreciation costs which shall be calculated according to the proportion between the personally-used house area and the entire house area, being equal to 15% of the total taxable income at most. In cases where the receipts of house rent payment also cover meal and service charges, the actually-paid amounts shall be calculated only according to the house rents.
2.1.7. Other incomes paid to individuals by income-paying agencies.
The above-mentioned incomes which serve as basis for determining the taxable income are those earned before deducting the personal income tax (pretax incomes). In cases where the net incomes do not cover personal income tax (after-tax incomes), such incomes must be converted into pretax incomes (according to the formula provided for in Appendix 1 to this Circular*).
2.2. Irregular incomes include:
2.2.1. Incomes from technology transfer (excluding gifts and donations), that covers:
- Transfer of industrial property objects such as inventions, utility solutions, industrial designs, goods’ appellations origins, semi-conductor integrated circuits layout designs and trademarks during the time they are protected by Vietnamese laws and allowed for transfer.
- Transfer of technological know-hows and knowledge in form of technological plans, technical solutions, technological processes, preliminary designs and technical designs, formulas, technical parameters, drawings, technical diagrams, computer software (under technology-transfer contracts), or information and data on transferred technologies with or without accompanying machinery and equipment.
- Transfer of solutions to production rationalization and technological renovation.
- Provision of services in support of technology transfer for the transferees to be technologically capable of creating products and/or services with quality determined in the contracts, including:
...
...
...
+ Provision of technological management consultancy and business management consultancy, and instruction on performance of transferred technological processes;
+ Training and raising of professional and managerial qualifications of workers, technical and managerial personnel so that they can firmly grasp the transferred technologies.
2.2.2. Lottery prizes in any form, including sale promotion prizes.
3. Income tax shall temporarily not be imposed on income amounts being bank deposit interests, savings interests, interests on capital loans, bills, bonds, promissory notes and/or stocks; and incomes from securities investment activities, securities purchase-sale margin.
4. Incomes not subject to income tax include:
4.1. Allowances defined by the State of Vietnam for application to incomes generated in Vietnam:
4.1.1. Noxiousness and hazardousness allowances, for occupations or jobs exposed to noxiousness and/or hazards;
4.1.2. Region-based allowance; allurement allowance, special allowance for remote and far-flung areas, areas with bad climate, new economic zones, remote islands and border regions meeting with difficulties (excluding allowances for foreigners living far from their home countries);
4.1.3. Specific allowances for a number of branches and occupations under the State’s regulations;
...
...
...
4.1.5. Position or responsibility allowance for officials and State employees;
4.1.6. Seniority allowance for armed forces, cipher and customs officers; security and defense allowances;
4.1.7. Preferential allowance for pre-1945 revolutionary activists;
4.1.8. Other allowances of State budget origin;
The levels of pecuniary allowances shall be determined according to regulations of competent authorities and comply with current financial management regime. For foreigners, the allowance amounts shall be determined according to their basic wages inscribed in contracts and the allowance levels prescribed by competent State agencies for all subjects.
4.2. Working trip allowance, being money amounts paid for travel and accommodation, evidenced by regular vouchers, and stay duration allowance under the prescribed regime; in case of package allocation of working trip allowance, the above-mentioned money amounts shall be deducted only;
4.3. Food ration expenses under the prescribed regime for a number of special jobs and occupations; expenses for on-spot meals, lunches and mid-shift meals (except for cases where they are paid in cash);
4.4. Social subsidies for social-policy beneficiaries such as war invalids and diseased soldiers, families of war martyrs and people with meritorious services to the revolution; unexpected difficulty subsidy, subsidy or compensation for labor accidents, occupational diseases, or for the settlement of social vices; other subsidies from the State budget;
4.5. Insurance indemnities for participation in human and property insurance;
...
...
...
For individuals who enjoy severance allowance at one unit for being transferred to another unit within the same company or office of a transnational company, this provision shall not apply.
4.7. Allowance for transfer to production establishments under State regulations, including lump-sum regional transfer allowance for foreigners to reside in Vietnam.
4.8. Pecuniary rewards for technical improvements, innovations, inventions, international prizes and national prizes organized and recognized by the State of Vietnam;
4.9. Pecuniary rewards accompanying the State-conferred titles such as Vietnam Heroine Mother, People’s Armed Force Hero, Labor Hero, Professor, People’s Teacher, Emeritus Teacher, People’s Artist, Emeritus Artist and other titles conferred by the State; pecuniary rewards or other entitlements of State budget origin;
4.10. Social insurance and medical insurance premiums deducted from wages or salaries of laborers. For foreigners who have already paid in foreign countries compulsory money amounts similar to Vietnam’s social insurance or medical insurance premiums, they must produce the proving vouchers.
4.11. Incomes of individual business household owners or individuals already subject to enterprise income tax.
4.12. Benefits paid by income-paying agencies such as personnel-training expenses paid to training bodies, airfares paid for foreigners (being taxpayers) on leave, school tuitions for foreigners’ children paid directly to educational establishments in Vietnam at all educational levels, from preschool to senior high school.
Bases for tax calculation are taxable incomes and tax rates.
...
...
...
Taxable incomes shall be determined in Vietnam dong. Where incomes are in foreign currency(ies) they must be converted into Vietnam dong at the average transaction exchange rates on the inter-bank foreign currency market, announced by the State Bank at the time the incomes are generated. In cases where income-paying agencies are detected through inspections as having not declared and withheld monthly personal income tax, the exchange rate for conversion of incomes into Vietnam dong shall be the average transaction exchange rate on the inter-bank market, announced by the State Bank at the time of inspection.
For incomes in kind, the taxable incomes shall be determined according to prices inscribed in invoices or market prices of products of the same kind (or equivalent) at the time such incomes are generated.
1.1. Regular incomes:
1.1.1. For Vietnamese citizens and other individuals permanently residing in Vietnam, the taxable regular income is the total money amount actually received by each individual and calculated on a year’s monthly average, which is over VND 5 million.
Particularly for singers such as vocalists performing arts like music-song opera, reformed drama, classic opera, folk opera or folk songs; circus artists and dancers; footballers, and professional athletes, if they are certified by specialized State management agencies, they shall enjoy the 25% deduction of their incomes when determining taxable incomes.
1.1.2. For Vietnamese citizens who work both at home and overseas in a year, their average monthly taxable incomes shall be determined by the total incomes generated at home and overseas divided by 12 months, or determined by the average monthly taxable incomes calculated separately for the working duration at home and working duration overseas.
1.1.3. For foreigners considered having permanently resided in Vietnam, their taxable regular income is the total of incomes generated in Vietnam and incomes generated overseas and calculated on a year’s monthly average, which is over VND 8 million.
In cases where the declared income generated overseas is lower than that generated in Vietnam, which cannot be proved, the monthly average income generated in Vietnam shall serve as basis for tax calculation for the overseas stay duration. The conventional tax calculation month has 30 days.
1.1.4. For foreigners considered as not residing in Vietnam, their taxable income is the total of incomes generated in Vietnam, irrespective of whether they receive such incomes in Vietnam or overseas.
...
...
...
1.2. Irregular incomes:
1.2.1. For incomes from technology transfer, the taxable income is an income amount valued at over VND 15 million, calculated for each contract, irrespective of the number of payments.
1.2.2. For incomes being lottery prizes in any form, including sale promotion prizes, the taxable income is an income amount valued at over VND 15 million, calculated for each time of prize winning and receiving.
2. Tax rates:
2.1. For regular incomes: Tax rates for regular incomes shall apply according to the partially-progressive tax table provided for in Clause 4, Article 1 of the Ordinance Amending and Supplementing a Number of Articles of the Ordinance on Income Tax on High-Income Earners as follows:
2.1.1. For Vietnamese citizens and other individuals residing in Vietnam:
Unit: VND 1,000
Grades
Monthly average income/person
...
...
...
1
Up to 5,000
0
2
Between over 5,000 and 15,000
10
3
Between over 15,000 and 25,000
20
...
...
...
Between over 25,000 and 40,000
30
5
Over 40,000
40
2.1.2. For foreigners residing in Vietnam and Vietnamese citizens laboring or working overseas:
Unit: VND 1,000
Grades
Monthly average income/person
...
...
...
1
Up to 8,000
0
2
Between over 8,000 and 20,000
10
3
Between over 20,000 and 50,000
20
...
...
...
Between over 50,000 and 80,000
30
5
Over 80,000
40
Income tax on regular incomes shall be calculated according to the partially-progressive method.
2.1.3. For foreigners not residing in Vietnam: The tax rate of 25% of the total taxable income shall apply.
2.1.4. For Vietnamese citizens, who in a tax calculation year have incomes generated both at home and overseas, the tax rates applicable to their stay duration in Vietnam shall comply with the tax table prescribed for Vietnamese citizens (Point 2.1.1 of this Section), while their overseas stay duration shall be subject to the tax table prescribed for foreigners (Point 2.1.2 of this Section).
2.2. For irregular incomes:
...
...
...
2.2.1. The tax rate of 5% shall apply to taxable income from technology transfer;
2.2.2. The tax rate of 10% shall apply to taxable income from lottery prizes or sale promotion prizes.
III. TAX DECLARATION, COLLECTION AND PAYMENT
1. Organization and management of tax collection:
1.1. For cases where income-paying agencies are identified, the personal income tax declaration and payment shall be effected on the principle of withholding at source.
Income-paying organizations and individuals (called income-paying agencies for short) are obliged to withhold personal income tax for remittance into the State budget before paying incomes to individuals. Income-paying agencies include:
- Organizations and individuals paying wages, salaries, bonuses, remunerations and other money amounts of wage or salary nature;
- Agencies managing, recruiting, brokering or supplying laborers at home;
- Agencies managing and recruiting laborers to work overseas: ministries, branches, enterprises, etc.;
...
...
...
- Organizations and individuals being technology or copyright transferees;
- Organizations paying lottery prizes, sale promotion prizes and other prizes;
- Organizations and individuals paying for service provision;
- Contractors;
- Organizations and individuals that organize extra classes, tutoring for examinations, performances, physical training and sport competitions, symposiums or scientific research;
- Publishers, magazines, newspapers, as well as film-, video and audio tape and disk- producers;
- Other organizations and individuals that pay incomes to people subject to personal income tax.
1.2. For cases other than those mentioned above, individuals shall themselves make tax registration, declaration and payment at tax offices.
2. Registration, granting and use of tax identification numbers:
...
...
...
2.1.1. Registration through income-paying agencies: Individuals shall have to submit declarations of registration for granting of tax identification numbers with income-paying agencies. Income-paying agencies shall have to sum up the registration declarations of individuals and submit them to the tax-managing agencies for completion of the procedures to grant tax identification numbers to individuals.
In cases where individuals pay their personal income tax concurrently through many income-paying organizations, they shall register with one income-paying unit that is the most convenient for them in order to be granted tax identification numbers, and have to notify the granted tax identification numbers to other income-paying agencies.
2.1.2. Registration at tax offices: Individuals shall submit declarations of registration for granting of tax identification numbers to tax offices.
2.2. Tax identification numbers granted to individuals are unique. They shall be used for tax declaration, payment and settlement.
3. Tax declaration and payment:
3.1. Tax declaration subjects:
- Agencies that pay incomes to individuals whose incomes are up to the level subject to tax withholding.
- Individuals who register tax payment at tax offices, including authorized organizations or individuals that are licensed to provide tax consultancy service under law provisions.
3.2. Tax declaration places:
...
...
...
3.2.2. Income-paying agencies not conducting production and business activities shall declare and pay tax at the Tax Departments of the provinces or centrally-run cities where they are headquartered.
3.2.3. Individuals registering tax payment at tax offices shall declare and pay tax at the Tax Departments of the provinces or centrally-run cities. Individuals shall contact provincial/municipal Tax Departments for instructions on tax registration and declaration and, together with the latter, make a memorandum of understanding between the two parties according to Form 01/TNTX issued together with this Circular (*). Individuals shall have to submit tax registration declarations made according to Form 02a/TNTX (or Form 02b/TNTX) issued together with this Circular (*) to tax offices in order to determine the monthly tax amounts temporarily paid. Registration declarations must be submitted by the 25th of the month when incomes are generated at the latest.
3.3. Tax declaration and payment procedures:
3.3.1. Declaration and payment of tax on regular incomes:
3.3.1.1. Tax declaration and payment through income-paying agencies:
For income-paying agencies, the monthly tax declaration and temporary payment shall be effected as follows:
- To withhold tax according to the partially- progressive tax rate table for incomes paid to individuals under their respective management; individuals that sign stable (indefinite) labor contracts and individuals that sign definite labor contracts or seasonal labor contracts. The declarations of these incomes shall be made according to Form 03a/TNTX issued together with this Circular (*).
- To withhold a tax amount equal to 10% of the total incomes paid to individuals, which is VND 500,000 each time of payment or more, provided that these income amounts are generated from commissioned agency activities or brokerage activities (including bonuses); emoluments and teaching remunerations; copyright royalties for the use of inventions, trademarks or works; remunerations for participation in projects, business societies, managing boards or members’ councils; and incomes from the provision of scientific and technical, informatics, consultancy, designing, architectural or training services; incomes from performance activities, physical training and sport activities and other incomes subject to income tax.
Particularly for individuals being Vietnamese citizens and other individuals permanently residing in Vietnam, who enjoy the 25% deduction of their incomes, when determining taxable incomes as prescribed at Point 1.1.1, Section II of this Circular, the income amounts serving as basis for the 10% tax-withholding shall be those already subtracted 25%.
...
...
...
- For income amounts paid to individual foreigners not residing in Vietnam, income-paying agencies shall have to withhold tax money and make declarations according to Form 05/TNTX issued together with this Circular(*).
3.3.1.2. Tax declaration and payment at tax offices:
Monthly, individuals shall submit to tax offices personal income tax declarations, made according Form 04/TNTX(*). In cases where individuals determine their stable monthly incomes in the year-beginning tax declarations, they shall, in the first month, submit declarations made according to Form 04/TNTX, and in the subsequent months pay monthly tax amounts according to the prescribed time-limit, without having to submit these declarations, except for cases of a change in their incomes.
In cases where the managing agencies don’t pay incomes directly but, according to their functions and tasks, manage, inspect and supervise activities of organizations having individual taxpayers, if they can assure the concentrated and timely tax collection and get the consents of the tax offices, they may collect and remit tax into State budget under regulations.
3.3.2. Tax declaration and payment for irregular incomes:
Personal income tax on irregular incomes shall be paid for each time when incomes are generated. Income-paying agencies shall withhold tax money and issue tax receipts when paying incomes to their earners.
Income-paying agencies shall have to make declarations of irregular income tax payment according to Form 06/TNKTX issued together with this Circular, for the month when incomes are generated, which shall detail the number of taxpayers, their income amounts, the withheld tax amounts, the remuneration amounts they are entitled to and the tax amounts remittable to the State budget.
3.4. Tax declaration and remittance time-limit:
Tax declarations must be submitted to tax offices by the 10, and tax amounts must be remitted into the State budget by the 25, of the month following the month when incomes are generated, at the latest.
...
...
...
In cases where tax amounts are remitted via bank account transfer, the tax- remittance date shall be the date when concerned banks or credit institutions sign for certification in the money remittance receipts.
In cases where tax amounts are remitted in cash, the tax-remittance date shall be the date when the treasuries receive tax money or when tax offices issue receipts.
4. Final tax settlement:
4.1. Final tax settlement principles:
- The final settlement of tax on regular incomes shall be effected according to calendar year. By the year-end or upon the expiry of contracts, income-paying agencies and individuals shall sum up all sources of incomes and taxable incomes in the year subject to income tax declaration, then submit the final tax settlement reports;
- The final settlement of income tax at income-paying agencies shall apply to individuals who, in a year, earn incomes from only one agency.
- The final settlement of tax at tax offices shall apply to individuals, who, in a year, earn incomes from two agencies or more; and individuals who register tax payment at tax offices and other cases.
4.2. Contents of final tax settlement:
4.2.1. For Vietnamese citizens and other individuals permanently residing in Vietnam:
...
...
...
- Individuals who, in a year, work both at home and overseas, may choose one of the two following tax calculation methods to determine their payable tax amounts:
+ To add up their incomes generated at home and overseas in order to calculate the monthly average income, which shall serve as basis for determination of the payable tax amount according to the corresponding tax rate tables, for the working duration at home and overseas;
+ To determine the monthly average income of the stay duration at home so as to apply the tax rate table prescribed for Vietnamese citizens and other individuals residing in Vietnam, and the monthly average income of the stay duration overseas so as to apply the tax rate table prescribed for foreigners and Vietnamese citizens laboring and working overseas.
If in a month, individuals stay both at home and overseas, they shall calculate the average tax amount payable for one day according to the corresponding tax rate table so as to determine the total tax amount payable for all the days (less than one month) in Vietnam or overseas. The total number of days in a month shall be rounded to 30.
- In cases where during the tax calculation year they work or labor only overseas, their payable tax amounts shall be calculated according to the tax rate table applicable to foreigners and Vietnamese citizens laboring and working overseas. If they have paid income tax overseas and acquire tax payment vouchers in foreign countries, they shall be entitled to subtract the already paid tax amount, which, however, must not exceed the tax amount payable according to Vietnam’s tax rate table; in cases where they have paid income tax in the countries that have signed with Vietnam agreements on avoidance of double taxation, the provisions of such agreements shall apply.
4.2.2. For foreigners:
4.2.2.1. Determining stay duration:
- Income tax on foreigners shall be declared and settled according to criterion of residents. Individuals shall have to make inventories on the number of days they reside in Vietnam according to Form 13a/TNTX issued together with this Circular (*) so as to determine their stay duration in Vietnam; in cases where they are determined as residents in Vietnam and work stably and constantly for a few years in Vietnam, they shall not make declarations according to Form 13a/TNTX but declare only the years with month(s) during which they leave Vietnam.
- The stay duration for the first tax calculation year shall be determined by adding up all the days when concerned individuals are present in Vietnam within 12 consecutive months, counting from the first day of their arrival in Vietnam (days of arrival and departure shall be calculated as one day); the second tax calculation year (following the first year) shall be determined according to the calendar year. If a duration of the second year belongs to the first tax calculation year, for which income earners have calculated tax in the capacity of non-residents, but in the second tax calculation year they become residents, they may choose the method of settling tax according to tax rates applicable to non-residents or according to the partially-progressive tax rate table applicable to residents. In cases where in the preceding year individuals were determined as residents, they shall also be considered residents in the subsequent year.
...
...
...
The second tax calculation year shall be counted according to the calendar year. Suppose that from May 1, 2005 to December 31, 2005 Mr. X stays in Vietnam for 160 days. The total number of days in the second year during which Mr. X stays in Vietnam, therefore, shall be 32 days + 160 days = 192 days. So, Mr. X is considered residents in Vietnam and has to declare and pay income tax according to the partially-progressive tax rate table. For incomes of the 32 days that have been subjected to the tax rate of 25%, Mr. X may request final tax settlement according to the partially-progressive tax rate table.
When needing to verify taxpayers’ stay duration in Vietnam, tax offices shall send stay duration-verification tickets (made according to Form 13b/TNTX issued together with this Circular*) to the police offices for verification.
4.2.2.2. Determination of payable tax amount:
For foreigners being residents in Vietnam: To declare the total of their incomes generated in Vietnam and incomes generated overseas in the tax calculation year in order to calculate the monthly average income and settle the payable income tax amount according to the provisions in Section II of this Circular.
To have bases for the accurate determination of their taxable incomes overseas, individuals must produce vouchers of income payment overseas together with letters of certification of their annual incomes made according to Form 12/TNCN issued together with this Circular (*); in cases where individuals inaccurately declare their incomes generated overseas, Vietnamese tax offices shall coordinate with tax offices of the foreign countries where incomes are paid in determining individuals’ incomes generated overseas.
- In cases where individuals being residents in Vietnam earn incomes overseas in the tax calculation year and have paid income tax in foreign countries, they shall be entitled to deduct the tax amount already paid overseas. The deducted tax amount must not exceed the amount payable according to Vietnam’s tax table, to be calculated proportionally to the incomes generated overseas. That proportion shall be determined as equal to the proportion between the income amount generated overseas and the total taxable income amount.
* Example 1: In 2005, Mr. A is a resident in Vietnam and earns an income of VND 70,000,000 (including VND 30,000,000 received in Vietnam and VND 40,000,000 received overseas) from his 8-month wages in Vietnam, and another income of VND 50,000,000 for 4 months working in country X. Mr. A has to pay income tax in country X for his incomes generated in this country, at the tax rate of 20% as prescribed by tax laws of country X. In this case, the income tax declaration for payment and deduction of the tax amount already paid in country X for Mr. A in Vietnam shall be as follows:
+ Mr. A’s taxable monthly average income (under Vietnam’s tax legislation) is:
(VND 70,000,000 + VND 50,000,000) : 12 months = VND 10,000,000/month
...
...
...
(VND 10,000,000 – VND 8,000,000) x 10% = VND 200,000
+ The tax amount payable for 2005 is:
VND 200,000 x 12 months = VND 2,400,000
+ The income tax amount already paid in country X in 2005 for incomes generated in this country (under country X’s tax legislation) is:
VND 50,000,000 x 20% = VND 10,000,000
+ The to be-deducted tax amount calculated proportionally to the incomes generated overseas according to the proportion between the incomes generated overseas and the total income amount liable to income tax in Vietnam is:
(VND 50,000,000/ VND 120,000,000) x VND 2,400,000 = VND 1,000,000
So, the maximum tax amount to be deducted in Vietnam for the incomes generated overseas is VND 1,000,000 (Mr. A has paid a tax amount of VND 10,000,000 overseas).
+ The actual income tax amount payable by Mr. A in Vietnam is:
...
...
...
In cases where Mr. A has already paid tax overseas with an amount of VND 500,000 instead of VND 10,000,000 (at the supposed tax rate of 1%), the tax amount payable by Mr. A in Vietnam shall be:
VND 1,400,000 + (VND 1,000,000 – VND 500,000) = VND 1,900,000
* Example 2: In 2005, Mr. B earns an income of VND 120,000,000 from his wages for 12 months in Vietnam and another income of VND 10,000,000 from his loan interests in country X. Mr. B has paid income tax for this income in country X at the tax rate of 20%. In this case, the tax declaration and payment as well as deduction of the paid tax amount for Mr. B in Vietnam shall be as follows:
+ Mr. B’s taxable income (under Vietnam’s tax legislation) is:
VND 120,000,000 : 12 months = VND 10,000,000/month
+ The income tax amount payable by Mr. B in 2005 (under Vietnam’s tax legislation) is:
(VND 10,000,000 – VND 8,000,000) x 10% x 12 months = VND 2,400,000
+ The income tax amount already paid in country X in 2005 for the income from loan interests (under country X’s tax legislation) is:
VND 10,000,000 x 20% = VND 2,000,000
...
...
...
- Foreigners not residing in Vietnam and having paid income tax by mode of tax withholding at source shall not be subject to final tax settlement.
4.3. Final tax settlement procedures:
4.3.1. Final tax settlement at income-paying agencies:
- Individuals subject to final tax settlement at income-paying agencies shall make authorization papers for final settlement of personal income tax according to Form 09/TNTX issued together with this Circular (*) and submit them to income-paying agencies by January of the year following the final tax settlement year or before the expiry of their contracts (for individuals having contracts ending before December 31 and expecting no more incomes generated in the year). Basing themselves on the written authorization for final settlement of personal income tax, the income-paying agencies shall make final tax settlement sum-ups according to Form 10/TNTX issued together with this Circular (*) and send them to tax offices by the 28th of February of the following year at the latest.
- On the basis of final tax settlement declarations, income-paying agencies shall have to remit tax arrears into the State budget by the 10th of March of the following year at the latest; in cases where the remitted tax amount is bigger than the remittable tax amount, the difference shall be cleared against the amount remittable in the subsequent period. In cases where no income tax is remittable in the subsequent period, income-paying agencies shall issue receipts certifying tax amounts already withheld in the year for individuals that have paid tax in excess so that such individuals may fill in the separate annual tax declaration forms to be submitted to tax offices, which shall reimburse tax money under the guidance at Point 5 of this Section.
4.3.2. Final tax settlement at tax offices:
Individuals subject to final tax settlement at tax offices shall have to submit the annual final tax settlement declarations made according to Form 08/TNTX issued together with this Circular(*) to tax offices as follows:
- Individuals who earn not only stable incomes from one income-paying agency but also other incomes from other places may submit the annual final tax settlement declarations to tax offices of the localities where they are headquartered or where most of their incomes are generated.
- Individuals who earn stable incomes from one income-paying agency but change their working places in a year shall submit the annual final tax settlement declarations to tax offices of the localities where they are working; in cases where they no longer work for any agency, they shall submit the annual declarations of final tax settlement at tax offices of the localities where they work last in the tax settlement year.
...
...
...
The declarations of final tax settlement of a year must be submitted by February 28 of the following year at the latest or within 30 days after the end of the contracts, for individuals whose contracts end before December 31 and who expect no more incomes generated in the year;
On the basis of final tax settlement declarations, individuals must pay tax arrears before March 10 of the following year or within 30 days after the end of the contracts; if they have paid tax in excess, the excessive tax amount shall be reimbursed to them under the guidance at Point 5 of this Section.
5. Tax reimbursement:
5.1. Subjects entitled to personal income tax reimbursement include:
- Individuals, who, as shown by the annual final tax settlement, have temporarily paid income tax amounts larger than the payable amounts, except for cases where the income-paying agencies have already cleared their income tax amounts against the amounts payable in the subsequent period.
- Other cases where tax shall be reimbursed under handling decisions of competent agencies as prescribed by law.
5.2. A dossier of application for tax reimbursement includes:
- The application for tax reimbursement made according to Form 15/TNCN, issued together with this Circular (*);
- The people’s identity card or passport (copies);
...
...
...
- The income tax withholding voucher and income tax payment receipt (originals);
- The documents certifying the termination of working period such as: retirement decision, severance decision, contract liquidation record, stay duration inventory… (if any).
- The authorization letter, in case of authorization for tax reimbursement (if any).
5.3. Tax reimbursement time-limit:
Tax offices shall receive dossiers and examine them; within seven days as from the date of receiving the dossiers, if individuals are not entitled to tax reimbursement, tax offices shall reply them in writing and return the dossiers; if they are entitled to tax reimbursement but their dossiers are incomplete and/or invalid, tax offices shall notify them in writing and request them to supplement the dossiers.
After receiving complete dossiers, tax offices shall examine data and determine the to be-reimbursed tax amounts, issue decisions on tax reimbursement for concerned subjects, and at the same time send them to the Treasury for the completion of procedures for tax reimbursement to individuals.
The time-limit for tax reimbursement shall be 15 days at most as from the date of receiving complete dossiers as prescribed; in cases where dossiers need to be verified, this time-limit shall be 45 days at most.
The number of days for consideration of personal income tax reimbursement shall be calculated according to workdays.
5.4. The money for personal income tax reimbursement shall be withdrawn from the temporary tax-collection accounts of tax offices. The management and use of these accounts shall comply with separate guidance of the Finance Ministry.
...
...
...
The income tax payment receipts, Form CTT 10B, and income-tax withholding vouchers, Form CTT 54, issued together with this Circular(*) shall be printed, distributed and granted to the provincial/municipal Tax Departments for organization of tax collection under regulations.
Income tax payment receipts and income tax withholding vouchers shall be managed according to regulations on printing, distribution and use management of tax prints.
IV. RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS IN INCOME TAX COLLECTION AND PAYMENT
1. Responsibilities of individuals having taxable incomes:
Individuals having taxable incomes shall have to voluntarily register and declare taxable incomes, and pay income tax through income-paying agencies or directly at tax offices under the guidance in Section III of this Circular. Individual taxpayers shall be held responsible before law for the accuracy and truthfulness of declared data.
2. Responsibilities of income-paying agencies, organizations receiving and managing foreigners and State management agencies:
2.1. Income-paying agencies shall have the following responsibilities, obligations and interests:
- To take initiative in declaring and registering with local tax offices the collection of personal income tax by mode of withholding at their respective units; to provide guidance for taxable income earners to fill in the procedures for registration of personal income tax codes.
- Monthly, on the basis of the list of individuals subject to income tax and the actual income amounts paid to individuals, to withhold income tax money, make income tax declaration and payment sum-ups to be submitted to tax offices and remit tax money into the State budget.
...
...
...
- To issue income tax payment receipts to individuals that have demand therefor and issue income tax withholding vouchers to individuals so as to certify the income tax amount already withheld by income-paying agencies. Income-paying agencies shall file applications, made according to Form 07/TNCN issued together with this Circular(*), to tax offices, requesting the issuance of tax payment receipts and tax withholding vouchers; and report on the use of receipts and vouchers each month to tax offices by the 20th of the following month or by the 20th of the first month of the following quarter, if in a quarter only one receipt or voucher book has been used, according to Form 14/TNCN issued together with this Circular(*).
- To comply with the reporting regime; to effect the settlement and final settlement of tax money, tax payment receipts, tax withholding vouchers and remunerations with tax offices, and produce all documents related to income tax when requested by tax offices.
- Income-paying agencies shall enjoy a remuneration to be calculated over the withheld income tax amount before remitting it into the State budget in order to offset expenses for organization of tax collection and reward individuals with achievements in organization of tax collection according to the following rates:
+ 0.5% (five thousandth) for income tax amount collected on regular incomes.
+ 1% (one per cent) for income tax amount collected on the irregular incomes.
2.2. Organizations receiving and managing foreigners shall have to provide guidance for foreigners upon the end of their working terms to complete the income tax settlement procedures in order to be issued tax payment receipts before filling in the exit procedures.
2.3. State management agencies, including entry-exit management agencies, agencies issuing work permits to foreigners, labor management agencies and other relevant agencies shall have to provide tax offices with information related to taxable incomes and taxpayers when so requested by the latter.
3. Responsibilities of tax offices:
- To coordinate with the State management agencies and concerned agencies in propagating and guiding organizations and individuals, and at the same time inspect and request income-paying organizations and individuals based in their respective localities to register and declare income tax by mode of withholding at source.
...
...
...
- To guide and inspect income-paying agencies in the observance of the regime of tax registration, declaration, calculation, withholding and remittance into the State budget and organize the inspection of final settlement of personal income tax.
- To issue and settle tax payment receipts and income tax withholding vouchers, conduct settlement and final settlement of tax money as well as final settlement of remunerations with income-paying agencies.
- To organize the collection and final settlement of income tax for individuals who register tax payment and who submit annual tax declarations at tax offices, and issue income tax payment receipts to taxpayers.
- To take coercive measures, retrospectively collect tax money and fines on acts of violating the Ordinance on Income Tax; to decide on pecuniary rewards for people who detect violations or help tax offices to retrospectively collect tax money.
- To periodically report to superior tax authorities.
V. TAX REDUCTION AND EXEMPTION
1. Subjects of tax reduction and exemption:
1.1. Individual taxpayers who meet with difficulties caused by natural calamities, enemy sabotage or accidents, which damage their properties or incomes and thereby affect their life, shall be considered for tax reduction or exemption in the year, depending on the extent of the damage. The reduced or exempted tax amount shall be equal to the proportion between the lost money amount and the taxable income in the year and must not exceed the tax amount payable for the whole year.
1.2. In particular cases, if tax payment by individuals affects the national economic, political and social interests, such individuals shall enjoy tax reduction or exemption.
...
...
...
2.1. Taxpayers shall individually file applications for tax reduction or exemption with certification by local administrations (commune/ward People’s Committees) or by income-paying agencies to tax offices of the localities where they register tax payment or to income-paying agencies that withhold tax; applications for tax reduction or exemption must state clearly the reasons therefor, the lost money amount, individual tax identification numbers (accompanying vouchers determining or records evaluating circumstances that cause damage to their properties and/or incomes, and thereby affecting them, which are certified by competent agencies), the payable tax amount and tax amounts requested for reduction or exemption;
2.2. Tax offices shall examine the applications and issue decisions on tax reduction or exemption or propose the superior tax authorities to decide thereon according to the following decentralization of responsibility:
+ The directors of the provincial/municipal Tax Departments shall decide on cases where the exempted/reduced tax amount is under VND 5 million/year;
+ The general director of the General Department of Tax shall decide on cases where the exempted/reduced tax amount is between VND 5 million and VND 100 million/year;
+ The Minister of Finance shall decide on cases where the exempted/reduced tax amount is over VND 100 million/year.
2.3. Pending the issuance of tax exemption or reduction decisions by the competent tax authorities, taxpayers shall still have to fully pay tax amounts according to the Ordinance; when tax exemption/reduction decisions are issued, taxpayers shall be entitled to reimbursement of the reduced/exempted tax amounts, which shall be cleared against their payable tax amounts in the subsequent period or refunded to them directly under regulations. In cases where individuals pay income tax at tax offices, the reduced/exempted tax amounts shall be cleared against their payable tax amounts in the subsequent period or refunded to them by the State budget under regulations.
3. For cases of tax exemption or reduction according to the provisions at Point 1.2, Section V of this Circular, organizations and individuals shall send written requests for tax exemption or reduction to the Finance Ministry, clearly analyzing the reasons therefor as well as the national economic, political and social interests related to tax exemption or reduction for taxpayers. The Finance Ministry shall examine dossiers and report them to the Prime Minister for consideration and decision on a case-by-case basis.
VI. HANDLING OF VIOLATIONS AND COMMENDATION
1. Handling of violations:
...
...
...
1.2. Individuals and organizations that commit act of false tax declaration or tax evasion shall, apart from fully paying the prescribed income tax amounts, be subject to fines equal to one or three times the evaded tax amounts; if they evade tax with a large amount or have been administratively sanctioned for tax-related violations but relapse into violations or commit other serious violations, they shall be examined for penal liability under current law provisions.
1.3. Individuals and organizations that pay tax money or fines after the prescribed time-limit or the deadline stated in the tax-handling decisions shall, apart from fully paying tax and fine amounts, be subject to a fine equal to 0.1% of the delayed tax amount for each day of late payment;
Example: In May, income-paying agency X has deducted and declared according to Form 03a/TNTX a personal income tax amount of VND 10 million. That agency enjoys a remuneration of 0.5% of the collected tax amount, being VND 50,000. The tax amount remittable to the State budget, therefore, is VND 9,950,000. The agency already sent the written declaration to the tax office on June 9 and remitted tax money into the State budget according to the date inscribed in the receipt of payment via account transfer, which is June 27. Hence, compared to the prescribed time-limit, the income-paying agency remitted tax money 2 days later and shall be subject to a fine, which shall be VND 9,950,000 x 0.1% x 2 days = VND 19,900.
1.4. In cases where income-paying individuals or organizations commit acts of failing to declare, register or list individuals liable to income tax, or failing to withhold income tax amounts before paying incomes, thus causing personal income tax losses, they shall, apart from paying compensation to the State budget for the lost tax amount, be subject to tax-related administrative sanctions under current law provisions. The to be-compensated tax amounts and payable fine amounts shall be covered by the personal incomes, revenues and remuneration of income-paying agencies and shall not be accounted into expenses when determining incomes subjects to enterprise income tax.
1.5. Individuals or organizations that fail to pay tax and fines according to notices or tax-handling decisions shall be handled as follows:
1.5.1. Their money available at treasuries or credit institutions shall be deducted for tax or fine payment. Treasuries and credit institutions shall have to deduct money from deposit accounts of organizations and individuals at treasuries or credit institutions for tax or fine remittance into the State budget before recovering debts;
1.5.2. Their properties shall be inventoried under law provisions for assurance of the full collection of tax and fine amounts.
The handling of administrative violations regarding income tax and competence for handling violations shall comply with current regulations on sanctioning of administrative violations in the tax domain.
2. Commendation/rewarding:
...
...
...
VII. COMPLAINT AND STATUTE OF LIMITATIONS
1. Complaint:
1.1. Organizations and individuals have the right to complain about the improper application of the Ordinance on Income Tax on High-Income Earners to them.
Complaints must be sent to tax offices directly managing them or having issued handling decisions within 30 days as from the date of receiving tax notices, collection orders or handling decisions.
Pending the settlement of their complaints, complainants shall still have to fully pay on time the notified tax or fine amounts.
Complaint-receiving agencies shall have to consider and settle complaints within 15 days after receiving them; for complicated cases, this time-limit may be prolonged but shall not exceed 30 days as from the date of receiving complaints; if the cases fall beyond their handling competence, they shall have to transfer the dossiers or report such to the competent agencies for handling and notify the complainants thereof within 10 days as from the date of receiving the complaints.
1.2. In cases where complainants disagree with decisions of the complaint-receiving agencies or past the time-limit defined at Point 1.1 of this Section, the complaint-receiving agencies have not handled them, the complainants may further lodge their complaints to the immediately superior agency of the complaint-receiving agency.
2. Statute of limitations:
2.1. Tax offices shall have to reimburse tax or fine money which has been improperly collected and refund compensation amounts (if any) within 15 days as from the date of receiving handling decisions from their superior agencies or competent agencies under law provisions.
...
...
...
VIII. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION
1. This Circular takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette and replaces the Finance Ministry’s Circular No. 05/2002/TT-BTC of January 17, 2002 guiding the implemen-tation of the Government’s Decree No.78/2001/ND-CP of October 23, 2001 detailing the implementation of the Ordinance on Income Tax on High-Income Earners and the regulations contrary to the provisions of this Circular.
The income tax declaration and calculation before July 1, 2004 shall comply with the guidance provided for in the Finance Ministry’s Circular No.05/2002/TT-BTC of January 17, 2002; from July 1, 2004 onwards, the provisions of this Circular shall apply.
2. In cases where international agreements which Vietnam has signed or acceded to contain provisions different from those of this Circular, the provisions of such international agreements shall apply.
3. Tax authorities at all levels shall have to popularize among and guide individuals being tax payers as well as income-paying organizations and individuals to strictly implement the provisions of the Ordinance, the Decree and circulars guiding income tax on high-income earners.
Organizations and individuals are requested to report any problems arising in the course of implementation to the Finance Ministry (the General Department of Tax) for study and settlement.
FOR THE FINANCE MINISTER
VICE MINISTER
Truong Chi Trung
...
...
...
ATTACH FILE
;
Thông tư 81/2004/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 147/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 81/2004/TT-BTC |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính |
Người ký: | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành: | 13/08/2004 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 81/2004/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 147/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao do Bộ Tài chính ban hành
Chưa có Video