Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2013

 
THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ CHẤT LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN THUỶ NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thuỷ nội địa, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thuỷ nội địa, trang thiết bị lắp đặt trên phương tiện thuỷ nội địa áp dụng đối với tất cả các phương tiện phải kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng theo quy định trong Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.

2. Các loại hình kiểm định phương tiện bao gồm: Kiểm định hàng năm; kiểm định định kỳ; kiểm định lần đầu; kiểm định bất thường; kiểm định trên đà, trong ụ; kiểm định trung gian; kiểm định thiết bị nâng hàng; kiểm định bình chịu áp lực; thẩm định thiết kế; kiểm định đóng mới; kiểm định hoán cải, sửa chữa và kiểm định chứng nhận thể tích chiếm nước của phương tiện.

Điều 2. Người nộp phí

1. Người nộp phí là các tổ chức, cá nhân được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thực hiện các công việc kiểm định theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

2. Người nộp phí có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền phí theo quy định tại Thông tư này cho cơ quan đăng kiểm trước khi tiến hành thực hiện công việc kiểm định phương tiện, các chi phí phát sinh sẽ được thu trước khi cấp hồ sơ đăng kiểm cho phương tiện.

Điều 3. Biểu mức thu phí

1. Mức thu phí quy định tại Biểu mức phí ban hành kèm theo Thông tư này đã gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không gồm lệ phí cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, chất lượng phương tiện thủy nội địa (theo quy định tại Thông tư số 102/2008/TT-BTC ngày 11/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải) và chi phí ăn ở, đi lại, thông tin liên lạc phục vụ công tác kiểm định ở nơi xa trụ sở đăng kiểm trên 100 km (chi phí này thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).

2. Đối với những công việc kiểm định mà phí kiểm định được tính theo thời gian thực hiện kiểm định thì mức phí thu là 200.000 đồng/giờ. Mức thu tối thiểu cho 01 lần kiểm định là 200.000 đồng/lần.

3. Trong trường hợp kiểm định lần thứ nhất không đạt thì vẫn phải thu phí kiểm định lần thứ nhất, mức thu theo đúng loại hình kiểm định tương ứng; khi phương tiện kiểm định từ lần thứ hai trở đi thì phí kiểm định được tính theo thời gian thực hiện kiểm định như quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Quản lý và sử dụng phí

1. Cơ quan đăng kiểm tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thuỷ nội địa theo quy định tại Thông tư này.

2. Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thuỷ nội địa là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và được quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định.

3. Các nội dung liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thuỷ nội địa không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2013; Thay thế Quyết định số 11/2003/QĐ-BTC ngày 24/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thuỷ nội địa.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế, Kho Bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CST (5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

BIỂU MỨC THU PHÍ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 123/2013/TT-BTC ngày 28/8/2013 của Bộ Tài chính)

I. Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện khai thác

Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện trong khai thác bao gồm: Phí kiểm định hàng năm; phí kiểm định định kỳ; phí kiểm định trung gian; phí kiểm định lần đầu; phí kiểm định bất thường; phí kiểm định trên đà, trong ụ; phí kiểm tra thiết bị nâng hàng; phí kiểm định bình chịu áp lực.

Trong trường hợp đợt kiểm định có các loại hình kiểm định như trên trùng nhau thì phí kiểm định được thu bao gồm tổng các khoản phí theo từng loại hình kiểm định riêng biệt.

1. Phí kiểm định hàng năm

Phí kiểm định hàng năm phương tiện thuỷ nội địa đang khai thác tính theo công thức:

Mức phí  = [L x (B + D) + P] x a x β x A   

Trong đó:

L: Chiều dài thiết kế phương tiện tính bằng mét;

B: Chiều rộng thiết kế phương tiện tính bằng mét;

D: Chiều cao mạn thiết kế phương tiện tính bằng mét;

P: Tổng công suất định mức máy chính, máy phụ tính bằng sức ngựa;

Α: Hệ số loại phương tiện quy định tại Biểu số 1;

Β: Hệ số tuổi phương tiện quy định tại Biểu số 2;

A: Giá trị một đơn vị tính phí quy định bằng 2.800 đồng.

Biểu số 1:

Số TT

Loại phương tiện

Hệ số α

1

Tàu chở hàng khô

1,00

2

Tàu kéo, tàu đẩy, tàu dầu (trừ tàu chở dầu loại I), tàu công trình, tàu công tác, tàu công-ten-nơ.

1,20

3

Tàu nghiên cứu, thăm dò; tàu chở hàng đông lạnh; tàu chở dầu loại I; tàu chở khách; phà chở khách; tàu thể thao, giải trí; tàu cao tốc không chở khách; ụ nổi, nhà nổi, bến nổi.

1,50

4

Tàu chở hàng nguy hiểm, tàu chở khí hoá lỏng, tàu chở hoá chất nguy hiểm, tàu chở khách cao tốc, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm.

1,80

Biểu số 2:

Số TT

Tuổi phương tiện

Hệ số β

1

Đến 5 năm

1,00

2

Trên 5 đến 10 năm

1,25

3

Trên 10 đến 15 năm

1,50

4

Trên 15 đến 20 năm

1,75

5

Trên 20 năm

2,00

2. Phí kiểm định định kỳ

Phí kiểm định định kỳ phương tiện được tính theo mức phí kiểm định hàng năm (quy định tại điểm 1 Mục này) và nhân với hệ số 1,5.

3. Phí kiểm định lần đầu

3.1. Đối với phương tiện đóng mới theo thiết kế được thẩm định và được cơ quan Đăng kiểm giám sát thi công, phí kiểm định được tính như sau:

a) Trường hợp việc giám sát thi công và cấp hồ sơ đăng kiểm lần đầu tại cùng một cơ quan Đăng kiểm thì chỉ thu phí kiểm định đóng mới (quy định tại Mục II Biểu mức thu phí).

b) Trường hợp việc giám sát thi công và cấp hồ sơ đăng kiểm lần đầu tại hai cơ quan Đăng kiểm khác nhau thì cơ quan Đăng kiểm thực hiện giám sát thi công thu phí kiểm định đóng mới, còn cơ quan Đăng kiểm cấp hồ sơ đăng kiểm lần đầu thu phí bằng mức phí kiểm định hàng năm của phương tiện đó.

3.2. Đối với phương tiện đã đóng chưa có giám sát kỹ thuật của cơ quan Đăng kiểm khi vào kiểm định lần đầu, phí kiểm định được tính như sau:

a) Nếu đã có thiết kế được thẩm định thì phí kiểm định được tính bằng phí kiểm định đóng mới của phương tiện đó.

b) Nếu chưa có thiết kế được thẩm định hoặc không đúng với thiết kế được thẩm định thì phí kiểm định bao gồm phí thẩm định thiết kế đóng mới (quy định tại điểm 1 Mục III Biểu mức thu phí) và phí kiểm định đóng mới phương tiện đó.

3.3. Đối với phương tiện nhập khẩu, phí kiểm định được tính như sau:

a) Đối với phương tiện đã được kiểm tra và phân cấp tại cơ quan Đăng kiểm nước ngoài do Cục Đăng kiểm Việt Nam uỷ quyền thì phí kiểm định được tính theo loại hình kiểm định tương ứng (Ví dụ: Đến kỳ kiểm định hàng năm thì thu phí kiểm định hàng năm) đối với phương tiện đó.

b) Đối với phương tiện đã được kiểm tra và phân cấp tại cơ quan Đăng kiểm nước ngoài nhưng chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam uỷ quyền:

- Nếu phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam, phí kiểm định bao gồm: Phí thẩm định thiết kế lập hồ sơ (quy định tại điểm 2 Mục III Biểu mức thu phí) và hai lần mức phí kiểm định định kỳ (quy định tại điểm 2 Mục này) phương tiện đó.

- Nếu không phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam, phí kiểm định bao gồm: phí thẩm định thiết kế lập hồ sơ, phí kiểm định sửa chữa, hoán cải (quy định tại Mục IV Biểu mức thu phí) và hai lần mức phí kiểm định định kỳ phương tiện đó.

c) Đối với phương tiện chưa được cơ quan Đăng kiểm nước ngoài nào kiểm tra, phân cấp thì phí kiểm định bao gồm: phí thẩm định thiết kế lập hồ sơ và phí kiểm định đóng mới phương tiện đó.

3.4. Phí kiểm định phương tiện chuyển cấp từ tàu biển về phương tiện thủy nội địa được tính bao gồm: phí thẩm định thiết kế hoán cải và phí kiểm định theo loại hình kiểm định phù hợp với công việc kiểm định phương tiện đó.

4. Phí kiểm định bất thường

Phí kiểm định bất thường được tính theo mức phí kiểm định hàng năm và nhân với hệ số 0,8.

5. Phí kiểm định trên đà, trong ụ

a) Phí kiểm định khi kiểm tra trên đà, trong ụ mà không kiểm tra hàng năm và giám sát sửa chữa được tính theo mức phí của kiểm tra hàng năm và nhân với hệ số 0,5.

b) Phí kiểm tra trên đà, trong ụ trùng với kiểm tra hàng năm hoặc định kỳ được tính theo phí kiểm tra hàng năm (hoặc phí kiểm định định kỳ) và nhân với hệ số 0,25.

6. Phí kiểm định trung gian: Tính theo mức phí kiểm định hàng năm.

7. Phí kiểm định thiết bị nâng hàng 

a) Mức phí cơ bản được tính theo Biểu số 3 cụ thể như sau:

Biểu số 3:

Số TT

Sức nâng, T (tấn)

Mức phí kiểm tra (nghìn đồng)

Lần đầu

Định kỳ

Hàng năm

1

Từ 1 đến 3 tấn

420

300

200

2

Trên 3 đến 5 tấn

700

500

300

3

Trên 5 đến 10 tấn

980

700

500

4

Trên 10 đến 20 tấn

1.260

900

700

5

Trên 20 đến 40 tấn

1.540

1.100

900

6

Trên 40 tấn

1.540+(T-40) x 10

1.100+(T-40)x 10

900 + (T-40) x 10

b) Phí kiểm định theo tuổi của thiết bị tính theo quy định tại Biểu số 3 và nhân với hệ số điều chỉnh (β) của Biểu số 2.

8. Phí kiểm định bình chịu áp lực 

a) Mức phí cơ bản được tính theo Biểu số 4 cụ thể như sau:      

Biểu số 4:

Số TT

Dung tích bình chịu áp lực (lít)

Mức phí kiểm tra (nghìn đồng)

Bên ngoài

Bên trong

Thử áp lực nước

1

Đến 50

100

150

150

2

Trên 50 đến 100

150

200

200

3

Trên 100

270

360

360

b) Phí kiểm định theo tuổi của bình tính theo quy định tại Biểu số 4 và nhân với hệ số điều chỉnh (β) của Biểu số 2.

II. Phí kiểm định an toàn kỹ thuật, chất lượng phương tiện đóng mới

1. Phí kiểm định đóng mới phương tiện được tính trên cơ sở phí kiểm định hàng năm đối với phương tiện đó và nhân với hệ số 12. Mức phí tối thiểu không thấp hơn 1.000.000 đồng/1 phương tiện.

2. Phí kiểm định trên chưa bao gồm phí kiểm định chất lượng vật liệu, máy và các trang thiết bị lắp đặt trên phương tiện (theo quy định của Bộ Tài chính về phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị, vật tư).

III. Phí thẩm định thiết kế phương tiện

1. Phí thẩm định thiết kế đóng mới được tính bằng 10% mức phí kiểm định đóng mới phương tiện tương ứng. Mức phí thẩm định thiết kế thấp nhất là 200.000 đồng/1 bộ hồ sơ thiết kế.

2. Phí thẩm định thiết kế lập hồ sơ được tính bằng mức phí thẩm định thiết kế đóng mới.

3. Phí thẩm định thiết kế thi công được tính bằng 30% phí thẩm định thiết kế đóng mới.

4. Phí thẩm định thiết kế hoàn công tính bằng 20% phí thẩm định thiết kế đóng mới.

5. Phí thẩm định thiết kế đóng mới, thiết kế hoán cải, sửa đổi từ sản phẩm thứ 2 trở đi thuộc lô sản phẩm đóng mới, hoán cải giống nhau trong cùng 1 lần thẩm định, tại cùng nơi thi công được tính bằng 30% phí thẩm định thiết kế đóng mới quy định tại điểm 1 Mục III hoặc 30% phí thẩm định thiết kế hoán cải, sửa chữa quy định tại Biểu số 5 của chiếc thứ 1.

6. Phí sao và thẩm định mẫu được tính theo thời gian thực hiện công việc nhưng không thấp hơn 200.000 đồng/1 bộ hồ sơ sao và thẩm định.

7. Phí thẩm định thiết kế sản phẩm lắp đặt lên phương tiện tính theo thời gian thực hiện thẩm định. Mức phí thẩm định thiết kế thấp nhất là 200.000 đồng/1 bộ hồ sơ thiết kế.

8. Phí thẩm định thiết kế hoán cải, sửa đổi được tính theo Biểu số 5.

Biểu số 5:

Số TT

Loại hình thiết kế

Tỷ lệ đề nghị

1

Hoán cải, sửa đổi  vỏ thay đổi 2-3 kích thước chính

60% phí thẩm định thiết kế đóng mới

2

Hoán cải, sửa đổi vỏ thay đổi 1 kích thước chính

50% phí thẩm định thiết kế đóng mới

3

Hoán cải thay đổi máy chính

28% phí thẩm định thiết kế đóng mới

4

Tính nghiệm nâng, hạ cấp, chạy vượt vùng

30% phí thẩm định thiết kế đóng mới

5

Các hoán cải, sửa đổi nhỏ khác

Tính theo thời gian thực hiện thẩm định

IV. Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện sửa chữa, hoán cải

1. Phí kiểm định phương tiện trong sửa chữa và hoán cải được tính theo Biểu số 6 (nếu có thay đổi về kích thước ban đầu và công suất máy thì mức phí được tính theo các thông số mới đã thay đổi).

Biểu số 6:

Số TT

Loại hình giám sát hoán cải, sửa chữa

Tỷ lệ đề nghị

1

Hoán cải, sửa chữa kích thước thân tàu

[L1 x (B1+D1) – L x (B+D)] x A x g x α x β

2

Hoán cải thay đổi máy chính

18% phí giám sát đóng mới

3

Hoán cải nâng, hạ cấp, chạy vượt vùng và các hoán cải, sửa chữa nhỏ khác

Tính theo thời gian thực hiện giám sát

Trong đó:

L1: Chiều dài thiết kế thân tàu sau hoán cải tính bằng mét;

B1: Chiều rộng thiết kế thân tàu sau hoán cải tính bằng mét;

D1: Chiều cao thiết kế thân tàu sau hoán cải tính bằng mét;

L: Chiều dài thiết kế thân tàu trước hoán cải tính bằng mét;

B: Chiều rộng thiết kế thân tàu trước hoán cải tính bằng mét;

D: Chiều cao thiết kế thân tàu trước hoán cải tính bằng mét;

A: Hệ số tương ứng với 2.800 đồng;

g: Hệ số tỷ lệ giữa phí giám sát đóng mới và phí giám sát hàng năm được chọn là 12;

α, β: Hệ số quy định tại Biểu số 1 và Biểu số 2

Trường hợp tàu hoán cải thay đổi công dụng từ tàu chở hàng khô sang công dụng khác thì hệ số α sẽ được tính theo loại công dụng sau khi hoán cải.

Mức phí tối thiểu mỗi lần thực hiện giám sát hoán cải, sửa chữa là 200.000 đồng /1 phương tiện.

2. Phí kiểm định trên chưa bao gồm phí kiểm định chất lượng vật liệu, máy và các trang thiết bị lắp đặt trên phương tiện (theo quy định của Bộ Tài chính về phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị, vật tư).

3. Trường hợp kiểm định giám sát sửa chữa, hoán cải trùng với các đợt kiểm định lần đầu, định kỳ, hàng năm, trên đà, bất thường thì ngoài phí kiểm định sửa chữa, hoán cải được cộng thêm phí kiểm định các loại hình kiểm tra tương ứng.

V. Phí kiểm định chứng nhận thể tích chiếm nước phương tiện

1. Mức phí cơ bản được tính theo Biểu số 7 dưới đây: 

Biểu số 7:

Số TT

Trọng tải toàn phần (tấn)

Mức phí (đồng/tấn)

Kiểm tra cấp sổ

Xác nhận hàng năm

1

Dưới 200

3.300

1.600

2

Từ 200 đến dưới 350

3.200

1.600

3

Từ 350 đến dưới 500

3.100

1.600

4

Từ 500 đến dưới 700

3.050

1.600

5

Từ 700 đến dưới 1.000

3.000

1.600

6

Từ 1.000 trở lên

2.900

1.600

2. Trường hợp phương tiện phải khảo sát, đo vẽ lại tuyến hình để làm cơ sở chứng nhận thể tích chiếm nước, phí kiểm định tính theo mức phí quy định tại Biểu số 7 và nhân với hệ số 2,0.

3. Trường hợp cấp lại sổ chứng nhận thể tích chiếm nước nhưng không phải đo và vẽ lại tuyến hình, phí kiểm định tính theo mức phí quy định tại Biểu số 7 nhân với hệ số 0,8.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 123/2013/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 123/2013/TT-BTC
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Vũ Thị Mai
Ngày ban hành: 28/08/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 123/2013/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [9]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [3]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…