Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 201/2004/QĐ-TTG NGÀY 06 THÁNG 12 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HỆ THỐNG THUẾ ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010;
Căn cứ ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại công văn số 147-TB/TW ngày 16 tháng 7 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu tổng quát: xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu hợp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo chính sách động viên thu nhập quốc dân, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu, yêu cầu cụ thể:

a) Chính sách thuế, phí và lệ phí (sau đây gọi chung là chính sách thuế) phải là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế, động viên được các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh sản xuất; khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

b) Chính sách thuế phải huy động đầy đủ các nguồn thu vào ngân sách nhà nước, đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên của Nhà nước và dành một phần cho tích luỹ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảm bảo tỷ lệ động viên về thuế vào ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt từ 20% - 21% GDP.

c) Chính sách thuế phải thể hiện và tạo ra những nội dung cụ thể phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm được yêu cầu về bảo hộ có chọn lọc, có thời hạn, có điều kiện một cách hợp lý, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm lợi ích quốc gia.

d) Chính sách thuế phải tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng. áp dụng hệ thống thuế thống nhất không phân biệt giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

đ) Đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai; tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế.

e) Nhanh chóng hiện đại hoá và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý thuế; khắc phục các hiện tượng tiêu cực, yếu kém làm cho bộ máy quản lý thuế trong sạch, vững mạnh.

3. Nội dung cải cách hệ thống chính sách thuế:

a) Ban hành mới các sắc thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử; thuế bảo vệ môi trường; thuế tài sản; thuế sử dụng đất.

Việc ban hành và thực hiện các sắc thuế mới trên đây phải chú ý đến đối tượng, mức độ và thời điểm áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo ổn định sản xuất, thị trường và đời sống nhân dân.

b) Sửa đổi, bổ sung đồng bộ các sắc thuế hiện hành; tăng dần tỷ trọng các nguồn thu trong nước cho phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng diện thuế trực thu và tăng tỷ trọng thuế trực thu trong tổng số thu về thuế.

c) Nội dung, lộ trình cải cách một số sắc thuế chủ yếu:

- Thuế giá trị gia tăng: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh; áp dụng một mức thuế suất để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế và đơn giản trong việc tính thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ; hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới xác định ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng để thực hiện một phương pháp tính thuế khấu trừ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp với mục tiêu điều tiết thu nhập và hướng dẫn tiêu dùng. Tiến tới xoá bỏ miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế và nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và nhập khẩu.

- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: trong năm 2005 sẽ trình Quốc hội hoàn thiện Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu theo hướng khuyến khích tối đa xuất khẩu; sửa đổi các quy định về thuế suất, giá tính thuế, thời hạn nộp thuế để thực hiện cam kết và thông lệ quốc tế; sửa đổi quy trình, thủ tục thu nộp thuế cho phù hợp với Luật Hải quan, góp phần tăng cường quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

- Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành vào cuối năm 2005.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng giảm mức thuế suất, giảm diện miễn, giảm thuế; thống nhất mức thuế suất và ưu đãi thuế giữa các thành phần kinh tế để khuyến khích đầu tư và đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh.

- Thuế thu nhập cá nhân: đến năm 2007 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế cho Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, thu hẹp sự khác biệt giữa đối tượng nộp thuế là người Việt Nam và người nước ngoài.

- Thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế.

- Thuế bảo vệ môi trường: đến năm 2008 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng đối tượng chịu thuế là các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; căn cứ tính thuế được xác định phù hợp với từng loại hàng hoá, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường. Nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường chỉ dành để dùng cho bảo vệ môi trường, không dùng cho việc khác.

- Thuế tài sản: đến năm 2008 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản theo hướng mở rộng đối tượng tài sản chịu thuế để bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

- Về phí, lệ phí được sắp xếp lại theo hướng: tiếp tục rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi các loại phí, lệ phí không hợp lý, gây phiền hà cho sản xuất và đời sống. Các loại phí thu do cung cấp dịch vụ công sẽ chuyển dần sang giá dịch vụ, các loại phí mang tính chất thuế chuyển thành thuế. Thống nhất mức thu phí, lệ phí đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện công bằng xã hội.

4. Nội dung, lộ trình cải cách quản lý thuế: đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, nâng cao trình độ quản lý thuế của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực theo hướng:

a) Hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát cho được tất cả các đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, hạn chế thất thu thuế ở mức thấp nhất, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

b) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác quản lý thu thuế nhằm nâng cao quyền hạn, trách nhiệm và hiệu lực của bộ máy quản lý thuế. Năm 2006 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế nhằm quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan thuế và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bổ sung quyền cưỡng chế thuế, điều tra các vụ vi phạm về thuế cho cơ quan thuế. Từ năm 2007 áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế trên phạm vi toàn quốc.

c) Thực hiện tuyên truyền, giáo dục về thuế bằng nhiều hình thức phong phú để nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của đối tượng nộp thuế; khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tư vấn, kế toán thuế; mở rộng diện nộp thuế theo phương pháp kê khai. Từ năm 2005, áp dụng các hình thức dịch vụ hỗ trợ về thuế cho mọi đối tượng nộp thuế trên toàn quốc.

d) Áp dụng công nghệ tin học hiện đại vào công tác quản lý thuế: giai đoạn 2005 - 2008 sẽ kết nối mạng giữa các cơ quan: Thuế, Hải quan, Kho bạc, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan; xây dựng chương trình ứng dụng hỗ trợ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho đối tượng nộp thuế; xây dựng chương trình ứng dụng quản lý thuế theo cơ chế đối tượng nộp thuế tự khai, tự nộp thuế; xây dựng chương trình ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân.

Giai đoạn 2009 - 2010 củng cố các chương trình đã được thiết lập, mở rộng việc kết nối thông tin với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan phục vụ cho công tác quản lý thuế.

đ) Mở rộng ủy nhiệm thu đối với một số loại thu gắn với cơ quan, tổ chức chi trả nguồn thu nhập để đảm bảo chống thất thu.

e) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều hành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của cán bộ thuế theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp.

g) Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

5. Giải pháp thực hiện:

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong tất cả các mặt của lĩnh vực thuế và cải cách hệ thống thuế.

b) Các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống giáo dục quốc gia có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về các chính sách thuế để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế. Biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời phê phán mạnh mẽ các hiện tượng vi phạm pháp luật thuế.

c) Hoàn thiện, cải cách đồng bộ các cơ chế, chính sách quản lý về đất đai, thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký kinh doanh, xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh, kế toán, giá... để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thuế và cải cách hệ thống thuế.

d) Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp với cơ quan thuế như: cung cấp thông tin, điều tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các biện pháp hành chính khác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật thuế.

đ) Khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ về thuế, kế toán, kiểm toán, đại lý thuế nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân nộp thuế hiểu rõ các quy định của pháp luật về thuế, làm tốt công tác kế toán, thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

e) Kiện toàn bộ máy ngành thuế theo hướng quản lý theo chức năng, tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế các cấp.

g) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ thuế theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế tiên tiến, hiện đại.

h) Các chính sách về thuế được quy định và chỉ có giá trị pháp lý trong các văn bản pháp luật về thuế.

Điều 2. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 nêu tại Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 201/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 201/2004/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 06/12/2004
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 201/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…