CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 04/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 17 tháng 3 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CẢI CÁCH HỆ THỐNG THUẾ ĐẾN NĂM 2030
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn ngành Thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu đề ra, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng cho ngành Thuế thực hiện cải cách hệ thống thuế trong giai đoạn tiếp theo. Mặc dù vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhưng kết quả, thành tựu đã đạt được của Chiến lược một lần nữa khẳng định cải cách là con đường tất yếu để xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, tiên tiến, hiện đại.
Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”, đây là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động của ngành Thuế trong 10 năm tiếp theo, có tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế và đời sống của các tầng lớp dân cư. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 hướng tới việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế; xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp; đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Để thống nhất về nhận thức và hành động trong công cuộc Cải cách hệ thống Thuế trong thời gian tới, theo đề nghị của Cục Thuế thành phố Cần Thơ tại Tờ trình số 793/TTr-CTCTH ngày 06/3/2023, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, ban ngành thành phố và các địa phương phối hợp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện trên cơ sở bám sát định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng, Nhà nước, thành phố, tổ chức triển khai và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế để triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo lộ trình tại Đề án đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022.
2. Cục trưởng Cục Thuế thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra theo đúng lộ trình của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, phù hợp với chương trình cải cách hành chính và yêu cầu thực tế tại địa phương. Cụ thể:
a) Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 05 năm 2021-2025 và 2026-2030 như sau:
- Giai đoạn 2021-2025: tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 85-86%.
- Giai đoạn 2026-2030: tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 16-17% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14-15% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 86-87%.
b) Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thi hành các Luật thuế trên địa bàn; tham gia nghiên cứu, rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Thuế để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các Quy trình, quy chế về: kê khai, nộp thuế; hoàn thuế; miễn, giảm thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý nợ; giải quyết khiếu nại, tố cáo;...
c) Tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật thuế, thông tin quản lý thuế đến người nộp thuế và tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm người nộp thuế qua nhiều phương thức như trang thông tin điện tử ngành Thuế, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Đài Phát thanh quận, huyện, cơ quan báo chí, trang mạng xã hội, kênh truyền thông đa phương tiện,... Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hỗ trợ người nộp thuế để giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế, đồng thời nâng cao mức độ tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế như triển khai dịch vụ giải đáp thủ tục hành chính thuế trực tuyến qua website của cơ quan thuế các cấp; cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin của người nộp thuế, đại lý thuế có liên quan,... Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức kinh doanh dịch vụ về thuế phát triển.
d) Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế theo hướng chuẩn hóa mẫu biểu hồ sơ, tối ưu hoá quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính điện tử liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết cho người nộp thuế.
đ) Duy trì và mở rộng các hình thức giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế từ cấp độ 3 trở lên đối với doanh nghiệp và tổ chức. Tập trung hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân sử dụng các hình thức giao dịch điện tử phù hợp. Triển khai và mở rộng điện tử hóa các thủ tục kê khai, tờ khai lệ phí trước bạ, nhà đất, các khoản thu cá nhân, thu khác. Đẩy mạnh và tiến đến hoàn thuế điện tử đối với tất cả các trường hợp hoàn thuế. Mở rộng kết nối chia sẻ thông tin với các sở, ban ngành (công an, hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh, tư pháp, ngân hàng thương mại,...) trong cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu phục vụ công tác hoàn thuế, trao đổi thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm căn cứ cấp mã số thuế, cập nhật thay đổi thông tin, chấm dứt hiệu lực mã số thuế cho cá nhân và người phụ thuộc; trao đổi thông tin với cơ quan có thẩm quyền về giấy phép thành lập, hoạt động và giấy tờ tương đương của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh,...
e) Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra thông qua việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế. Tăng cường giám sát tự động, nâng cao quản lý rủi ro về hoàn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề các lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao; thanh tra, kiểm tra đối với hoàn thuế giá trị gia tăng có rủi ro, đảm bảo quản lý chặt chẽ trong hoàn thuế.
g) Nâng cao chất lượng công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đơn giản hóa các thủ tục quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thời gian xử lý công việc; áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thu hồi nợ thuế đúng, đủ, kịp thời, giảm nợ đọng thuế và chống thất thu ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
h) Xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan thuế có đủ quyền hạn và năng lực thực thi pháp luật thuế theo mô hình quản lý thuế theo chức năng kết hợp với quản lý theo đối tượng, phù hợp với việc áp dụng thuế điện tử và phương pháp quản lý rủi ro trong cơ quan thuế theo hướng tự động hóa; sắp xếp lại, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng hiện đại, tinh gọn cơ quan Thuế các cấp, phù hợp với yêu cầu quản lý thuế tập trung và thực tiễn quản lý tại địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Thuế chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới, có đủ trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho công chức đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại.
i) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố tụng về thuế phù hợp với quy định pháp luật và sát với thực tiễn của ngành. Hoàn thiện thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố tụng về thuế theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế. Tăng cường công tác kiểm soát nội ngành, đảm bảo nghiêm minh trong thực thi pháp luật thuế và kỷ cương kỷ luật của ngành, ngăn chặn những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của công chức thuế đối với người nộp thuế.
Đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động pháp chế, tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra xử lý văn bản về thuế; nâng cao năng lực của công chức thuế khi thực hiện công tác giám định tư pháp về thuế, tham gia các thủ tục tố tụng hành chính, tố tụng hình sự trong các vụ việc, vụ án có liên quan đến thuế.
k) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chiến lược đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai và phối hợp với cơ quan thuế thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, nhất là các tổ chức, cá nhân trực tiếp có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thuế nhận thức được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong thực hiện cải cách hệ thống thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi trong thực thi các quy định của pháp luật thuế.
3. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế, xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030. Cụ thể:
a) Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện các quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, lĩnh vực với cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Quản lý thuế để thường xuyên thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin về người nộp thuế nhằm hoàn thiện kho dữ liệu tập trung, phục vụ cho việc khai thác thông tin và quản lý người nộp thuế.
b) Mở rộng kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông và cơ quan thuế trong việc luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và thông báo nghĩa vụ tài chính của người nộp thuế trong thực hiện thủ tục hành chính.
c) Giám đốc Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Công Thương và các ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính thuế, tăng cường các biện pháp quản lý đối với các khoản thu liên quan đến các lĩnh vực phụ trách: đăng ký kinh doanh; kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, các khoản thu về đất đai; khai thác tài nguyên khoáng sản; thương mại điện tử; ưu đãi đầu tư;...
d) Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố trong lộ trình đơn giản thông tin thu nộp thuế, đơn giản thông tin truyền nhận (truyền nhận theo số tham chiếu trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước), triển khai áp dụng thống nhất định danh các khoản thu nhằm hỗ trợ tối đa người nộp thuế trong việc lập chứng từ nộp ngân sách nhà nước và chuẩn hóa thông tin thu, nộp thuế truyền nhận giữa ngân hàng thương mại/tổ chức trung gian thanh toán với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời; hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước theo hướng đơn giản thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước. Tham gia xây dựng, chuẩn hóa thông tin thu nộp ngân sách nhà nước kết hợp với việc nâng cấp, triển khai đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu, nộp ngân sách nhà nước giữa cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước để áp dụng thống nhất “số tham chiếu”, định danh các khoản thu nhằm đơn giản hóa thông tin luân chuyển giữa các cơ quan góp phần đẩy mạnh nhanh tốc độ thanh toán các giao dịch nộp thuế điện tử.
e) Cục trưởng Cục Thống kê thành phố phối hợp với cơ quan Thuế rà soát, xây dựng và hoàn thiện Quy chế trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa cơ quan thuế với cơ quan thống kê về thông tin các báo cáo kết quả các cuộc điều tra thống kê liên quan đến người nộp thuế và cơ sở kinh doanh; các báo cáo phân tích chuyên đề liên quan đến người nộp thuế và cơ sở kinh doanh; các thông tin thống kê kinh tế vĩ mô; thông tin thống kê khác liên quan đến người nộp thuế và cơ sở kinh doanh; các Danh mục chuẩn cấp quốc gia,... Phối hợp điều tra thống kê thuế với cơ quan thuế và các cơ quan tổ chức có liên quan để thực hiện các cuộc điều tra có liên quan đến dữ liệu thống kê thuế.
g) Giám đốc Công an thành phố, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố chủ động phối hợp với cơ quan Thuế trao đổi thông tin, điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế và thực hiện xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp truy thu thuế ẩn lậu, thu hồi nợ đọng thuế. Phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo lộ trình.
h) Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn phối hợp với Cục Thuế thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chiến lược đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng, nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp mọi tổ chức, cá nhân và nhân dân hiểu rõ pháp luật thuế và xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và nghĩa vụ thuế. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan để thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh thương mại điện tử thông qua các hình thức kinh doanh online trên mạng trực tuyến tại các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter,... theo các quy định hiện hành.
i) Chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cơ quan Thuế trong công tác quản lý và khai thác nguồn thu ngân sách, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế, gian lận thương mại trong phạm vi địa bàn quản lý; chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế trong công tác quản lý thuế trên địa bàn.
4. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Cần Thơ chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chưa tham gia kết nối với Cổng thông tin của Tổng cục Thuế để hoàn thiện thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện kết nối. Phối hợp với cơ quan thuế khi có yêu cầu cung cấp các thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp với cơ quan thuế để công tác tuyên truyền, phổ biến Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030 trên địa bàn thành phố đạt được hiệu quả.
Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện tổ chức triển khai và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến gửi về Cục Thuế thành phố xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
|
CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 do thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu: | 04/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Cần Thơ |
Người ký: | Trần Việt Trường |
Ngày ban hành: | 17/03/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 do thành phố Cần Thơ ban hành
Chưa có Video