Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/TTLN

Hà Nội , ngày 10 tháng 1 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 01/TTLN NGÀY 10 THÁNG 1 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN VIỆC XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN VỀ TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ DÂN SỰ

Để đảm bảo quyền lợi cho các bên có liên quan về tài sản trong các vụ án do tình trạng biến động về giá cả hoặc do bên có nghĩa vụ về tài sản chưa thực hiện nghĩa vụ, chưa thi hành gây nên, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn các Toà án các cấp thực hiện việc xét xử và thi hành án về tài sản trong các vụ án hình sự, dân sự như sau:

I. HƯỚNG DẪN ĐỐI VỚI VIỆC XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN:

1. Về các tài sản là hiện vật:

Trong các trường hợp có thể buộc bên có nghĩa vụ về tài sản trả được bằng hiện vật cùng loại (cụ thể là những vật có hình thức, chất lượng và giá trị tương đương như: vàng, sắt, thép, xi măng, máy vô tuyến truyền hình, xe máy cùng loại v.v...) khi xét xử, Toà án quyết định bên có nghĩa vụ về tài sản phải trả bằng hiện vật. Tuy nhiên Toà án vẫn phải xác định giá trị của hiện vật đó thành tiền theo giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm để tính án phí. Khi thi hành án, các bên đương sự có thể thoả thuận trả bằng hiện vật hoặc thanh toán bằng tiền. Nếu các bên đương sự không thoả thuận được về phương thức thi hành án và bên phải thi hành án không có hiện vật để trả, thì Toà án quyết định bên phải thi hành án phải thanh toán bằng tiền theo giá trị của hiện vật đó tại thời điểm thi hành án.

Thí dụ: A cho B vay hai chỉ vàng 98%. Khi xét xử sơ thẩm Toà án buộc B phải trả cho A hai chỉ vàng 98%. Nếu giá vàng 98% tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 500.000đồng/chỉ thì B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 50.000 đồng (5% x 500000 đồng/chỉ x 2 chỉ = 50000 đồng).

2. Về các khoản tiền:

a) Đối với các khoản tiền bồi thường, tiền bồi hoàn, tiền công, tiền lương, tiền chia tài sản, tiền đền bù công sức, tiền cấp dưỡng, tiền vay không có lãi, tiền truy thu thuế, tiền truy thu thu lợi bất chính,nếu trong thời gian từ khi gây thiệt hại hoặc giao dịch đến khi xét xử sơ thẩm mà giá gạo ổn định hoặc giảm, thì khi xét xử, Toà án chỉ xác định các khoản tiền đó để buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán bằng tiền mà không quy đổi các khoản tiền đó ra gạo. Nếu trong thời gian từ khi gây thiệt hại hoặc giao dịch đến khi xét xử sơ thẩm mà giá gạo tăng thì Toà án quy đổi các khoản tiền đó ra gạo theo giá gạo loại trung bình ở địa phương (từ đây trở đi gọi tắt là "giá gạo") tại thời điểm gây thiệt hại hoặc giao dịch, rồi tính số lượng gạo đó thành tiền theo giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm để buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán và chịu án phí theo số tiền đó.

Đối với các khoản tiền tịch thu, tiền phạt, tiền án phí, khi xét xử Toà án chỉ quyết định mức tiền trong bản án mà không quy đổi các khoản tiền này ra gạo.

Để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, từ nay về sau, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp cho Toà án để đưa vào Ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu thu lợi bất chính, tiền phạt, tiền án phí ), Toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định (sau đây gọi chung là bản án) là kể từ tháng thứ hai trở đi, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành án xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Khi tính lãi Toà án chỉ tính lãi của số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền chưa thanh toán.

Thí dụ: Tháng 1 -1990 xảy ra việc tham ô khoản tiền 1 triệu đồng. Nếu tháng 10-1991 xét xử sơ thẩm thì Toà án phải quy đổi 1 triệu đồng ra gạo theo gía gạo vào tháng 1-1990, giả định là 500 đồng/kg, nên số lưọng gạo quy đổi dựoc là 2000 kg(1 triệu đồng: 500 đồng/kg = 2000 kg). Giả định giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm vào tháng 10-1991 là 2000 đồng/kg, thì trong phần quyết định của bản án, Toà án buộc người bị kết án về tội tham ô phải bồi thường số tiền là 4 triệu đồng (2000 kg x 2000 đồng/kg = 4 triệu đồng); phải chịu án phí sơ thẩm là 200.000 đồng (5% x 4 triệu đồng = 200.000 đồng ) và kể từ tháng thứ hai trở đi, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành án xong các khoản tiền đó, hàng tháng người bị kết án phải trả cho bên bị thiệt hại khoản tiền lãi của số tiền chưa bồi thường và phải chịu khoản tiền lãi của số tiền án phí chưa nộp theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian người bị kết án chưa thi hành án.

b) Đối với các khoản tiền vay, gửi ở tổ chức Ngân hàng, tín dụng, do giá trị của các khoản tiền đó đã được bảo đảm thông qua các mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định, cho nên khi xét xử, trong mọi trường hợp Toà án đều không phải quy đổi các khoản tiền đó ra gạo, mà quyết định bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán số tiền thực tế đã vay, gửi cùng với khoản tiền lãi, kể từ khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong, theo mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thí dụ: Tháng 1 -1991 A vay Ngân hàng Nhà nước hàng 1 triệu đồng với thời hạn 6 tháng và theo mức lãi suất là 3%; khi hết hạn hợp đồng A không trả tiền vay và tiền lãi cho Ngân hàng. Khi xét xử sơ thẩm vào tháng 10 -1991 Toà án quyết định A phải trả cho Ngân hàng 1 triệu đồng cùng với các khoản tiền lãi của số tiền đã vay, bao gồm: tiền lãi theo hợp vay là 180.000 đồng (1 triệu đồng x 3%/tháng x 6 tháng = 180.000đ ) và tiền lãi do nợ quá hạn từ tháng 7-1991 đến khi trả xong số tiền đã vay theo mức lãi nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Toà án buộc A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo tổng số các khoản tiền phải thanh toán tại thời điểm xét xử sơ thẩm, bao gồm: 1 triệu đồng tiền vay, 180.000đ tiền lãi theo hợp đồng và tiền lãi nợ quá hạn từ tháng 7-1991 đến tháng 10-1991 (giả định mức lãi nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định là 5%/tháng ) thì số tiền lãi do nợ quá hạn là 150.000 đồng (1 triệu đồng x 3 tháng = 150.000đ). Trong trường hợp cụ thể này, án phí dân sự sơ thẩm là 66.500 đồng (5% x "1 triệu đồng + 180.000đ + 150.000đ" = 66.500 đồng). Từ tháng thứ hai trở đi, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành án xong khoản tiền án phí 66.500đ, hàng tháng A phải chịu khoản tiền lãi của số tiền án phí chưa thi hành án theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định (theo cách tính ở điểm a).

c) Đối với các khoản tiền vay có lãi và có thời hạn ở ngoài tổ chức Ngân hàng tín dụng thì Toà án quy đổi số tiền mà bên vay chưa thanh toán vào thời điểm hết hạn hợp đồng (bao gồm tiền vay và tiền lãi theo mức lãi suất do hai bên thoả thuận khi vay) ra gạo theo giá gạo lúc hết hạn hợp đồng; sau đó, căn cứ vào giá gạo vào thời điểm xét xử sơ thẩm, Toà án tính số lượng gạo đó thành tiền để buộc bên vay phải thanh toán, phải chịu án phí và chịu tiền lãi của các khoản tiền này theo cách tính ở điểm a. Trong trường hợp mức lãi suất do hai bên thoả thuận cao hơn mức lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước quy định trong thời hạn hợp đồng cho vay giữa các đương sự, thì Toà án chỉ chấp nhận bằng mức lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh tại thời điểm xét xử sơ thẩm (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì kể từ ngày 11-7-1991 mức lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh là 6%/tháng).

Thí dụ: Tháng 1-1991 A vay B 1 triệu đồng với thời hạn 6 tháng và với mức lãi suất do hai bên thoả thuận là 10%/tháng; khi hết hạn hợp đồng A không trả cho B cả tiền vay và tiền lãi. Khi xét xử sơ thẩm vào tháng 10 -1991, Toà án quy đổi khoản tiền A vay B là 1 triệu đồng cộng với tiền lãi trong 6 tháng (nhưng không phải theo mức lãi suất do hai bên đã thoả thuận là 10%/tháng mà theo mức lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước quy định là 6%/tháng), thì số tiền lãi tính đến khi hết hạn hợp đồng là 360.000 đồng (1 triệu đồng x 6%/tháng x 6 tháng = 360.000 đồng) là 1.360.000 đồng ra gạo theo giá gạo lúc hết hạn hợp đồng là tháng 7-1991. Giả định giá gạo vào tháng 7-1991 là 2000 đồng/kg thì số lượng gạo quy đổi được là 680 kg (1.360.000 đồng : 2000 đồng/kg = 680 kg). Sau đó, căn cứ vào giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm (10-1991) giả định là 2500 đồng/kg, Toà án tính số lượng 680 kg gạo đó thành tiền để buộc A phải trả cho B là 1.700.000 đồng (680 x 2500đ/kg = 1.700.000 đồng); buộc A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 85.000 đồng (5% x 1.700.000 đồng = 85.000 đồng). Đồng thời Toà án quyết định rõ trong bản án là kể từ tháng thứ hai trở đi, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi A thi hành xong, hàng tháng A phải trả cho khoản tiền lãi của số tiền chưa trả trong tổng số tiền 1.700.000 đồng và A phải chịu tiền lãi của số tiền án phí dân sự sơ thẩm chưa thi hành án theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định (theo cách tính ở điểm a).

đ) Đối với các khoản tiền vay không thời hạn và có lãi ở ngoài tổ chức Ngân hàng, tín dụng thì Toà án quy đổi số tiền mà bên vay chưa thanh toán vào thời điểm bên cho vay khởi kiện yêu cầu Toà án buộc bên vay tiền phải thanh toán cho mình theo hợp đồng (bao gồm tiền vay và khoản tiền lãi theo mức lãi suất do hai bên thoả thuận khi vay, nhưng không được vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước quy định trong thời hạn từ khi cho vay đến khi khởi kiện) giá gạo theo giá gạo thời điểm khởi kiện; sau đó căn cứ vào giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm, Toà án tính số lượng gạo đó thành tiền để buộc bên vay phải thanh toán và chịu án phí, chịu tiền lãi của các khoản tiền này tương tự như cách tính ở điểm c.

II. HƯỚNG DẪN VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA THÔNG TƯ

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 10-12-1989 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

Kể từ ngày 10-1-1992 trở đi, đối với các vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm theo hướng dẫn trước đây, nếu có kháng cáo, kháng nghị để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, thì Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc thẩm thực hiện đúng những hướng dẫn tại Thông tư này và giải thích cho các đương sự về nội dung những hướng dẫn đó.

Đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 10-1-1992 và được giải quyết theo đúng các hướng dẫn trước đây thì không áp dụng các hướng dẫn tại Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

2. Việc thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày ban hành Thông tư này được giải quyết như sau:

a) Đối với các khoản tiền trong các bản án được quyết định theo Chỉ thị số 01/NCPL ngày 20-1-1987 của Toà án nhân dân tối cao (tức là đã quy ra gạo) mà chưa thi hành hoặc mới thi hành được một phần, thì khi thi hành án, Toà án chỉ quy đổi số lượng gạo còn phải thi hành án thành tiền để các đương sự thi hành và không được tính lãi theo Thông tư này.

b) Đối với các bản án về các vụ án đã được giải quyết trước khi có Chỉ thị số 01/NCPL ngày 20-1-1987, cũng như về các vụ án đã được xét xử theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 10-12-1989 (tức là không quy đổi các khoản tiền ra gạo) mà chưa được thi hành hoặc thi hành được một phần, thì việc thi hành án sẽ được giải quyết như sau:

- Đối với các khoản tiền phạt, tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu thu lợi bất chính, tiền án phí, thì Toà án không quy đổi ra gạo mà chỉ thu theo mức tiền đã được quyết định trong bản án và không được tính bất cứ khoản tiền lãi nào nếu vụ án đã được giải quyết trước khi có Chỉ thị số 01/NCPL ngày 20-1-1987. Trong trường hợp vụ án được xét xử theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 09/TTLN 10-12-1989 thì vẫn phải thi hành bản án theo hướng dẫn tại Thông tư này là: kể từ tháng thứ hai trở đi, tính từ ngày có quyết định đưa bản án ra thi hành, bên phải thi hành án phải chịu thêm khoản tiền lãi theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn đối với số tiền chưa thi hành. Đối với các khoản tiền thu cho Ngân hàng Nhà nước trong các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày đổi tiền 14-9-1985 thì cũng không quy đổi ra gạo, nhưng được thu theo đơn vị tiền mới ngang với đơn vị tiền cũ. Thí dụ: nếu tiền phạt là 10.000 đồng tiền cũ thì nay thu 10.000 đồng tiền mới.

Các Toà án cần rà soát kỹ các bản án mà mình có nhiệm vụ thi hành án trong đó có các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước mà bên phải thi hành án chưa thi hành hoặc mới thi hành được một phần. Nếu xét thấy khoản tiền phải thu của mỗi đương sự (khoảng từ 3000 đồng trở xuống) không phải bù đắp chi phí cho việc tiến hành các thủ tục thi hành án để thu các khoản tiền đó, thì mỗi Toà án cần lập biên bản danh sách những người phải thi hành án thuộc trường hợp này, trong đó ghi rõ mức tiền mà họ còn phải thi hành án để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Bản danh sách này phải được Chánh án Toà án đã lập danh sách kiểm tra, xác nhận làm căn cứ để Toà án không chủ động tiến hành các thủ tục thi hành án đối với họ, nhằm tránh gây thiệt hại cho Ngân sách; bản sao bản danh sách này phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp người có tên trong danh sách này tự nguyện nộp tiền thi hành án thì Toà án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục thi hành án để thu khoản tiền đó và làm thủ tục nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Đối với các khoản tiền không phải là tiền phạt, tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu thu lợi bất chính, tiền án phí, thì Toà án căn cứ vào sự biến động về giá cả tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật và thời điểm bản án được thi hành, hướng dẫn các đương sự thương lượng với nhau về mức bồi thường, thanh toán một cách hợp lý mà họ có thể chấp nhận được. Nếu họ thoả thuận được với nhau thì Toà án công nhận sự thoả tuận của họ.

 Trong trường hợp họ không thoả thuận được với nhau thì Toà án quy đổi các khoản tiền đó ra gạo theo giá gạo ở thị trường địa phương khi bản án có hiêụ lực pháp luật và căn cứ vào giá gạo khi thi hành án tính thành tiền để các đương sự thi hành. Do các khoản tiền này đã được bảo đảm giá trị bằng việc quy đổi ra gạo, nên khi thi hành án, Toà án không buộc bên phải thi hành án phải chịu thêm khoản tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn đối với số tiền chưa thi hành án như trước đây đã hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 10-12-1989.

Hồ Tế

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thìn

(Đã ký)

Trần Đông

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 01/TTLN năm 1992 hướng dẫn xử lý và thi hành án về tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự do Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân tối cao- Bộ Tư pháp- Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 01/TTLN
Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký: Hồ Tế, Nguyễn Văn Thìn, Trần Đông, Trịnh Hồng Dương
Ngày ban hành: 10/01/1992
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 01/TTLN năm 1992 hướng dẫn xử lý và thi hành án về tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự do Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân tối cao- Bộ Tư pháp- Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [3]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…