THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 258/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2010 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 9 năm
2004;
Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Nơi nhận: |
KT.
THỦ TƯỚNG |
ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của
Thủ tướng Chính phủ)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở chính trị, pháp lý của việc xây dựng Đề án
Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, việc đổi mới và hoàn thiện các tổ chức bổ trợ tư pháp nói chung và giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong nhiều Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Trung ương 8 Khóa VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX). Đặc biệt, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Hoàn thiện chế định giám định tư pháp. Nhà nước cần đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng. Thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên. Quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời hạn trưng cầu và thực hiện giám định. Ban hành quy chuẩn giám định phù hợp với từng lĩnh vực giám định. Xác định rõ cơ chế đánh giá kết luận giám định, bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ việc”.
“... Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…”.
Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2009 (ban hành kèm theo Công văn số 66/VPCP-TH ngày 20 tháng 01 năm 2009), Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”.
2. Thực trạng công tác giám định tư pháp
2.1.1. Về thể chế
Thể chế về công tác giám định tư pháp đã được hoàn thiện một bước, đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh giám định tư pháp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh. Các văn bản về chế độ, chính sách đối với người giám định tư pháp cũng được quan tâm xây dựng và ban hành như Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tư pháp về chế độ phụ cấp giám định viên tư pháp. Các quy định hướng dẫn thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi quản lý cũng được một số bộ, ngành quan tâm xây dựng như Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 09/2006/TT-BCA ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 67/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Pháp lệnh giám định tư pháp trong lực lượng công an nhân dân. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2007/TT-BYT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 35/2009/TT-BXD ngày 05 tháng 10 năm 2009 hướng dẫn về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.
2.1.2. Về tổ chức
Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước, nhất là hệ thống tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế. Cụ thể như Viện Pháp y quốc gia, Viện Giám định pháp y tâm thần thuộc Bộ Y tế, 33 Trung tâm pháp y và 16 Phòng giám định pháp y ở cấp tỉnh, 11 Trung tâm Giám định pháp y tâm thần cấp tỉnh đã được thành lập. Viện Khoa học hình sự ngày càng phát triển và là tổ chức đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực kỹ thuật hình sự, đạt tiêu chuẩn khu vực. Năm 2008, Viện Khoa học hình sự đã tham gia mạng lưới các Viện Khoa học hình sự Châu Á với tư cách là đồng sáng lập. Các Phòng kỹ thuật hình sự ở công an cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn, đặc biệt bộ phận giám định kỹ thuật hình sự đang được triển khai thành lập ở công an cấp huyện; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trong Bộ Quốc phòng đã được thành lập.
2.1.3. Về đội ngũ người giám định tư pháp
Tính đến tháng 9 năm 2009, Bộ Tư pháp cấp 2.461 thẻ giám định viên tư pháp, trong đó có 844 giám định viên pháp y, 517 giám định viên kỹ thuật hình sự, 152 giám định viên pháp y tâm thần, 486 giám định viên tài chính – kế toán, 179 giám định viên văn hóa, 81 giám định viên xây dựng, 33 giám định viên tài nguyên môi trường, 43 giám định viên giao thông vận tải, 47 giám định viên Nông lâm nghiệp, 65 giám định viên khoa học kỹ thuật, 14 giám định viên ở các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, có 237 người giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực cũng đã được các Bộ, ngành và địa phương đề nghị Bộ Tư pháp lập danh sách và công bố.
Nhìn chung, đội ngũ giám định viên tư pháp đã được các Bộ, ngành và địa phương rà soát, tăng cường, củng cố một bước. Chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp cũng được nâng lên.
2.1.4. Về cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác của các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã được quan tâm, chăm lo hơn trước. Sau 5 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, Viện Pháp y quốc gia đã được đầu tư, trang cấp một số trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho hoạt động giám định pháp y với tổng số kinh phí đầu tư là 36 tỷ đồng. Một số Trung tâm pháp y tỉnh đã được cấp đất, đã và đang xây dựng trụ sở riêng và được trang cấp một số thiết bị, phương tiện giám định, 50% số Trung tâm pháp y có xe ô tô riêng phục vụ cho công tác giám định. Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương và một số Trung tâm Giám định pháp y tâm thần ở cấp tỉnh cũng được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, II và các cơ sở chuyên khoa tâm thần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất. Đặc biệt, hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng công an nhân dân đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động giám định với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
2.1.5. Hoạt động giám định tư pháp
Hoạt động giám định kỹ thuật hình sự trong toàn quốc được củng cố thêm một bước và nề nếp hơn, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết các yêu cầu của xã hội. Hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần từng bước đi vào ổn định.
Theo báo cáo của Bộ Công an thì từ năm 2005 đến hết năm 2008, số việc giám định tư pháp được các cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra của Bộ Công an và 59 công an các tỉnh, thành đã trưng cầu và được các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định với tổng số: 351.639 việc, trong đó có 95.229 việc giám định pháp y, 3318 việc giám định pháp y tâm thần, 132.070 việc giám định kỹ thuật hình sự, 13.383 việc giám định về ma túy, 13.538 việc tài chính – kế toán, 724 việc giám định văn hóa, 257 việc giám định xây dựng, 77.277 việc giám định ở các lĩnh vực khác.
2.1.6. Quản lý nhà nước về giám định tư pháp
Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đã phát huy vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế về giám định tư pháp, chủ động đôn đốc các Bộ, ngành quan tâm, củng cố hoạt động giám định tư pháp trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các giám định viên trong toàn quốc.
Các Bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, chăm lo hơn đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc quản lý ngành hoặc địa phương của mình. Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, việc ban hành các văn bản, củng cố, phát triển về mặt tổ chức, đầu tư đáng kể trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho Viện Khoa học hình sự và các Phòng kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh. Vì vậy, công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y thuộc ngành công an không ngừng được củng cố và lớn mạnh hơn. Bộ Y tế thời gian gần đây đã quan tâm hơn đến công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần. Một số Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Sở chuyên môn và phát huy vai trò, trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp ở địa phương và chăm lo các điều kiện về trụ sở, kinh phí, phương tiện hoạt động và nhân lực, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc mà tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương gặp phải như Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc…
Bên cạnh một số kết quả đạt được như trên, công tác giám định tư pháp còn nhiều hạn chế, yếu kém, cụ thể như sau:
2.2.1. Về thể chế
- Sau gần 5 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vẫn chưa được ban hành đầy đủ và kịp thời, dẫn đến nhiều quy định của Pháp lệnh chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chế độ bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ người giám định tư pháp được ban hành và tổ chức thực hiện chậm nên chưa động viên, thu hút được người làm giám định tư pháp; quy định về phí giám định tư pháp vẫn chưa ban hành được do nhận thức còn khác nhau về vấn đề này và những xung đột, vướng mắc trong hệ thống pháp luật hiện hành; các quy trình, quy chuẩn giám định tư pháp trong các lĩnh vực chưa được các Bộ, ngành quan tâm xây dựng, cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực vẫn chưa ban hành được quy trình, quy chuẩn chuyên môn về giám định tư pháp.
- Chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong Pháp lệnh giám định tư pháp còn thiếu các quy định cụ thể về điều kiện, giải pháp thực thi đồng bộ và lộ trình hợp lý để bảo đảm thực thi trên thực tế. Cụ thể như thiếu cơ chế tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của các cơ quan, tổ chức chuyên môn, chuyên gia thuộc các khu vực kinh tế khác nhau; cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân thực hiện giám định đối với cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu giám định; điều phối hoạt động giám định, quản lý người giám định tư pháp trong các lĩnh vực giám định không còn tổ chức; mức thu, chế độ thanh toán, quản lý, sử dụng phí giám định tư pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, nhất là các tổ chức thực hiện giám định là các cơ quan quản lý; thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền với các cơ quan tiến hành tố tụng…
2.2.2. Về tổ chức
Việc củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp, nhất là lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế không thống nhất về quy mô, cơ cấu tổ chức, tên gọi…
Hiện vẫn còn 14/63 địa phương duy trì tổ chức giám định pháp y theo quy định của Nghị định số 117/HĐBT trong khi Pháp lệnh giám định tư pháp có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2005; có 19/30 địa phương có Bệnh viện tâm thần cấp tỉnh nhưng không thành lập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần.
Theo quy định của Pháp lệnh, các tổ chức giám định ở các lĩnh vực văn hóa, xây dựng, tài chính – kế toán… đã được giải thể, giám định viên trưởng của các tổ chức này cũng đã được miễn nhiệm, chỉ duy trì đội ngũ giám định viên tư pháp với tư cách là các nhà chuyên môn, tuy nhiên, do thiếu cơ chế điều phối hoạt động giám định và những chính sách cụ thể nên không thu hút được đội ngũ các nhà chuyên môn tham gia thực hiện giám định, dẫn đến nhiều vụ án bị ách tắc, kéo dài, do không trưng cầu được giám định (trong các lĩnh vực như xây dựng, tài chính …) hoặc còn ý kiến khác nhau về kết quả trưng cầu giám định.
2.2.3. Về người giám định tư pháp
Đội ngũ giám định viên tư pháp chưa thực sự được quan tâm, xây dựng, phát triển một cách bài bản, tổng thể, còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Hầu hết các tổ chức giám định pháp y đều thiếu giám định viên pháp y chuyên trách, riêng đội ngũ giám định kỹ thuật hình sự toàn quốc còn thiếu trên 200 người so với yêu cầu nhiệm vụ, tình trạng chảy máu nguồn nhân lực trong các tổ chức giám định tư pháp đang diễn ra ngày càng mạnh, trong khi đó chưa có giải pháp khắc phục.
Hơn 3/4 đội ngũ giám định viên tư pháp hiện có chưa được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cần thiết.
Việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp và lập danh sách người giám định tư pháp chưa trên cơ sở quy hoạch phát triển và chưa thực sự bám sát vào nhu cầu của hoạt động tố tụng, chưa mở rộng đến các chuyên gia giỏi ở ngoài khu vực nhà nước, chưa coi trọng khả năng nghiệp vụ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là người sử dụng, đánh giá kết luận giám định tư pháp. Việc lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chủ động và thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Nội dung về giám định tư pháp trong đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng còn nhiều hạn chế, chưa được coi trọng như một biện pháp nghiệp vụ thiết yếu. Điều này đã khiến cho đội ngũ người tiến hành tố tụng thiếu những kiến thức căn bản về giám định tư pháp cũng như những kỹ năng cần thiết trong việc trưng cầu, đánh giá kết luận giám định.
Các tài liệu, giáo trình phục vụ cho việc đào tạo chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp lý còn chắp vá, thiếu tính hệ thống và đồng bộ.
2.2.4. Về cơ sở vật chất của các tổ chức giám định tư pháp
Cơ sở vật chất của hầu hết các tổ chức giám định tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu công việc giám định đặt ra, nhất là các tổ chức pháp y, pháp y tâm thần còn rất thiếu thốn, lạc hậu. Mặc dù so với các lĩnh vực khác thì các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự được quan tâm chăm lo, bảo đảm hơn nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, mẫu chuẩn... của nhiều tổ chức giám định kỹ thuật hình sự ở tuyến tỉnh còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
2.2.5. Về hoạt động
Hiệu quả hoạt động giám định tư pháp còn dừng lại ở mức độ nhất định, như chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp; việc trưng cầu giám định trong nhiều trường hợp còn chưa trúng, chưa đúng với yêu cầu đặt ra của vụ án; chất lượng kết luận giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa bảo đảm; việc giám định chưa được thực hiện theo quy trình, quy chuẩn thống nhất nên có tình trạng mâu thuẫn giữa các kết luận giám định, gây phức tạp cho hoạt động tố tụng, điển hình trong hoạt động giám định pháp y thương tích; thời gian giám định thường kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời hạn tố tụng; việc chi trả, thanh toán các chế độ bồi dưỡng giám định, các chi phí cần thiết khác chậm, nợ đọng của các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến khiến cho các tổ chức, cá nhân chuyên môn bức xúc, từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định, làm cho việc trưng cầu giám định càng trở lên khó khăn hơn, thậm chí là ách tắc. Điển hình như vụ án Tượng đài chiến thắng Điện Biên, vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra Kho cảng Thị Vải.
Các yêu cầu giám định trong tố tụng dân sự, hành chính chưa thực sự được bảo đảm đáp ứng, đặc biệt là yêu cầu giám định trực tiếp của người tham gia tố tụng chưa được tiếp nhận và tổ chức thực hiện một cách công khai, chính thức và thống nhất trong toàn quốc mà tùy thuộc vào sự vận hành ở mỗi tổ chức giám định.
Việc tham gia phiên tòa để trình bày, bảo vệ kết luận giám định của người giám định chưa được chú trọng, còn nhiều hạn chế, chưa tương thích với yêu cầu nâng cao dân chủ và tranh tụng trong điều kiện cải cách tư pháp.
2.2.6. Về quản lý
Quản lý nhà nước về giám định tư pháp có nơi có lúc còn buông lỏng quản lý hoặc chồng chéo dẫn đến hiệu quả còn thấp. Nhiều Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở Bộ, ngành và địa phương mình. Một số Bộ, ngành và địa phương coi quản lý hoạt động giám định là chức năng của riêng ngành tư pháp. Do đó, cho đến hiện nay, vẫn chưa có Bộ, ngành nào xây dựng và ban hành được quy chuẩn, quy trình chuyên môn, phí giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình. Việc quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất (kinh phí, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện giám định…) cho các tổ chức giám định tư pháp, chăm lo phát triển đội ngũ người giám định tư pháp ở các Bộ, ngành chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp của ngành tư pháp còn nhiều bất cập. Quản lý về giám định tư pháp thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó, Bộ Tư pháp giữ vai trò đầu mối, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp chưa thực sự đi vào chiều sâu, thiếu quyết liệt, chưa tham mưu, đề xuất được: cơ chế quản lý nhà nước hiệu quả, biện pháp bảo đảm thực thi hữu hiệu nhiệm vụ thống nhất quản lý của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cũng như mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động phù hợp với thực tiễn đang có nhiều biến động; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp hầu như còn bỏ ngỏ.
Nhiều cơ quan tư pháp ở địa phương chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công tác giám định tư pháp ở địa phương.
2.3. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng yếu kém, hạn chế.
Những hạn chế, yếu kém trong công tác giám định tư pháp lâu nay có nhiều nguyên nhân, song tựu trung lại có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
2.3.1. Nhận thức về giám định tư pháp còn hạn chế
Nhận thức của các ngành, các cấp về bản chất, vai trò, ý nghĩa của giám định tư pháp đối với cải cách tư pháp, đối với việc bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn chế, chưa đầy đủ. Do đó, tổ chức, hoạt động giám định tư pháp chưa được các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp quan tâm, chăm lo ngang tầm nhiệm vụ. Nguyên nhân này tác động không nhỏ đến sự phát triển của tổ chức và hoạt động cũng như chất lượng, hiệu quả của công tác giám định tư pháp.
2.3.2. Hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến giám định tư pháp còn bất cập, chưa đồng bộ
Hệ thống các văn bản pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật về giám định tư pháp chưa có sự đồng bộ, liên thông trong việc bảo đảm quyền yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng, quyền được chủ động xuất trình kết luận giám định do tự mình thu thập với tư cách là một loại chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng; trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xem xét, đánh giá kết luận giám định do người tham gia tố tụng thu thập, xác lập một cách khách quan, công bằng với kết luận giám định do cơ quan tiến hành tố tụng xác lập. Chưa có văn bản pháp lý cao ở tầm luật điều chỉnh hoạt động giám định tư pháp nên các xung đột pháp luật liên quan đến giám định tư pháp chưa được giải quyết một cách hợp lý, triệt để.
2.3.3. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quản lý công tác giám định tư pháp chưa hiệu quả.
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý bao quát (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) với các cơ quan quản lý ngành dọc (Bộ, Sở chuyên môn chủ quản) với quản lý theo lãnh thổ (Ủy ban nhân dân các tỉnh) còn lỏng lẻo. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng và đánh giá chất lượng hoạt động giám định rất hạn chế.
2.3.4. Lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định chưa được bảo đảm
Lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định chưa được bảo đảm trong mối tương quan hợp lý với nguyên tắc, quy luật dịch vụ, hàng hóa trong cơ chế kinh tế thị trường.
2.3.5. Kinh phí cho việc trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp chưa được bảo đảm
Chưa có mục chi ngân sách riêng bảo đảm cho việc trưng cầu, thực hiện giám định trong hoạt động tố tụng hình sự; chưa có cơ chế tài chính thực thi chính sách hỗ trợ chi phí giám định cho các đương sự yêu cầu trưng cầu giám định mà không có khả năng chi trả.
Từ những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn hoạt động giám định tư pháp hiện nay, yêu cầu của hoạt động giám định tư pháp trong tình hình mới, nhất là trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp thì việc xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là rất cần thiết. Việc xây dựng và thực hiện Đề án này nhằm tạo ra sự phát triển có tính bước ngoặt trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giám định, phục vụ yêu cầu chung của xã hội trong các quan hệ dân sự, hành chính.
1. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bảo đảm hoạt động giám định đáp ứng tốt các yêu cầu của hoạt động tố tụng, gắn với thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp và việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
2. Đề án phải khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp: hoàn thiện thể chế giám định tư pháp phải đồng bộ, liên thông, song hành với việc đổi mới pháp luật tố tụng; hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp phù hợp với tình hình mới; đặc biệt phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong hoạt động giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng; nâng cao vị thế của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp, tạo vị trí xứng tầm hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp và trong xã hội; chuyển biến nhận thức của các ngành, các cấp về giám định tư pháp.
3. Đề án phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ và khả thi, có tính kế thừa, tận dụng tối đa nguồn lực hiện có. Các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với việc hoạch định những chương trình, chính sách trong từng lĩnh vực giám định riêng biệt đã và đang được các Bộ, ngành thực hiện.
Đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoàn thiện chế định giám định tư pháp theo hướng đổi mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam, ban hành Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ về tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp, bảo đảm gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa pháp luật về giám định tư pháp với các quy định của pháp luật tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính).
2.2. Về tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp
a) Hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự theo hướng:
- Phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần ở trung ương thành các Trung tâm đầu ngành trong nước vào năm 2015 và đạt tiêu chuẩn khu vực vào năm 2020; tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức giám định kỹ thuật hình sự ở trung ương đạt tiêu chuẩn thế giới vào năm 2020.
- Xây dựng, phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự trọng điểm theo khu vực, vùng miền (khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nam bộ, khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên…).
- Củng cố, phát triển, chuyển đổi các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở các địa phương theo hệ thống ngành dọc.
b) Xây dựng, phát triển mạng lưới các tổ chức chuyên môn có năng lực trong các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp: văn hóa, tài chính – kế toán, xây dựng, môi trường, thông tin và truyền thông, sở hữu trí tuệ… thông qua cơ chế điều phối, huy động, thu hút các tổ chức này tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
c) Phấn đấu đến năm 2015, các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự có đủ giám định viên chuyên trách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của hoạt động tố tụng.
d) Đến năm 2015, đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng (trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp lý cần thiết); đến năm 2015, các giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp trong danh sách công bố được bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý; bảo đảm người giám định tư pháp là các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực cần giám định.
2.3. Về cơ sở vật chất của các tổ chức giám định tư pháp
Phấn đấu đến năm 2015, các tổ chức giám định tư pháp ở trung ương và ở khu vực, các thành phố lớn được bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất: trụ sở, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực; từng bước bảo đảm cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định tư pháp ở địa phương.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm phục vụ kịp thời, đắc lực các yêu cầu của hoạt động tố tụng; không gây ách tắc, ảnh hưởng đến thời hạn, chất lượng của hoạt động tố tụng.
- Bảo đảm hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực được thực hiện theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
- Bảo đảm sự độc lập của hoạt động giám định tư pháp.
- Bảo đảm các kết luận giám định chính xác, khách quan.
- Đẩy mạnh việc thực hiện giám định theo yêu cầu giám định của tổ chức, cá nhân trong xã hội của các tổ chức giám định tư pháp.
Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp. Xây dựng được cơ chế quản lý nhà nước phù hợp, hiệu quả đối với hoạt động giám định tư pháp theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác giám định tư pháp, bảo đảm các công cụ cần thiết cho việc thực hiện quản lý nhà nước của cơ quan này; kết hợp với phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chuyên môn chủ quản; tăng cường vai trò của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong từng lĩnh vực giám định.
1.1. Rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về giám định tư pháp phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện các quy định pháp luật về giám định tư pháp; Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản có liên quan.
Thời gian thực hiện: năm 2010
1.2. Xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
1.3. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định về quy chuẩn chuyên môn theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
1.4. Xây dựng và ban hành Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng cho giám định pháp y.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
1.5. Xây dựng và ban hành quy trình giám định trong các lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính, văn hóa, xây dựng, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông, sở hữu trí tuệ… theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
1.6. Xây dựng và ban hành quy định về phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
1.7. Ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: Quý I năm 2010.
2. Hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp
2.1. Củng cố, phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, ở trung ương thành các Trung tâm đầu ngành; tiếp tục phát triển, hoàn thiện tổ chức giám định kỹ thuật hình sự ở trung ương; đầu tư phát triển các cơ sở giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự trọng điểm theo khu vực, vùng miền; củng cố và phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở cấp tỉnh.
2.1.1. Tiến hành thống kê, rà soát, đánh giá năng lực (quy mô, cơ cấu tổ chức, nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định, trụ sở), khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Tổ chức Hội nghị tổng kết 05 thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp trong toàn quốc.
Thời gian thực hiện: năm 2010
2.1.2. Tổ chức khảo sát ngoài nước về mô hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở những nước có nền tư pháp và pháp luật phát triển như Pháp, Mỹ và những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Cộng hòa liên bang Nga, Trung Quốc.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
2.1.3. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn đến năm 2020.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2012
2.1.4. Nghiên cứu phương án hoàn thiện mô hình tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần ở cấp trung ương và cấp tỉnh.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2012.
2.2. Huy động, thu hút các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực, điều kiện ở các lĩnh vực văn hóa, tài chính – kế toán, xây dựng, môi trường, khoa học – công nghệ, thông tin – truyền thông và các lĩnh vực khác tham gia hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.
2.2.1. Tiến hành thống kê, rà soát, đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của các cơ quan, tổ chức chuyên môn trong các lĩnh vực văn hóa, tài chính – kế toán, xây dựng, môi trường và các lĩnh vực khác tham gia hoạt động giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
2.2.2. Xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực, điều kiện của các tổ chức chuyên môn.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
2.2.3. Lựa chọn, lập và công bố danh sách các tổ chức giám định tư pháp, các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực ở từng lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc để bảo đảm đáp ứng kịp thời, chất lượng các yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
2.2.4. Nghiên cứu, xây dựng mô hình xã hội hóa giám định tư pháp theo đặc thù của từng lĩnh vực giám định và tổ chức thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra trong cả nước với từng bước đi thích hợp.
Thời gian thực hiện: 2010 – 2013.
2.2.5. Nghiên cứu và xây dựng cơ chế về tổ chức, hoạt động giám định của các cơ quan, tổ chức chuyên môn trong các lĩnh vực văn hóa, tài chính – kế toán, xây dựng, môi trường, thông tin – truyền thông và các lĩnh vực khác.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
2.2.6. Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về ưu tiên, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các cơ quan, tổ chức chuyên môn khi tham gia hoạt động giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2013.
3.1. Thống kê, rà soát, đánh giá nguồn nhân lực trong đội ngũ người giám định tư pháp (giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc).
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
3.2. Quy hoạch đội ngũ người giám định tư pháp đến năm 2020 gắn với quy hoạch phát triển tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng ở từng giai đoạn.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2012;
3.3. Nghiên cứu, đổi mới hệ tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, lập danh sách người giám định tư pháp; đổi mới cách thức công bố danh sách gắn với việc tôn vinh các tổ chức giám định tư pháp, các tổ chức chuyên môn, cá nhân người giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
3.4. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp; hoàn thiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các cá nhân tham gia hoạt động giám định cả ở phương diện vật chất (ngạch lương riêng, phụ cấp trách nhiệm, chế độ thâm niên đối với người giám định tư pháp chuyên trách, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đối với người giám định hưởng lương từ ngân sách nhà nước; bảo đảm tương quan thu nhập từ việc thực hiện giám định tư pháp với mặt bằng thu nhập của người giám định không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và phi vật chất (tôn vinh các chuyên gia giỏi, hàng đầu trong các lĩnh vực tham gia hoạt động giám định).
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2013.
3.5. Đào tạo nguồn giám định viên tư pháp cho một số chuyên ngành giám định, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người giám định tư pháp theo từng giai đoạn và từng năm; hình thành và phát triển các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định trong từng lĩnh vực.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
3.6. Xây dựng bộ giáo trình, tài liệu chính thống về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý theo đặc thù của từng lĩnh vực giám định để đưa vào sử dụng thống nhất, rộng rãi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
3.7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định trong từng lĩnh vực.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
4.1. Khảo sát, đánh giá nhu cầu và tổng kinh phí bảo đảm về cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
4.2. Xây dựng danh mục, kế hoạch đầu tư, trang cấp các trang thiết bị, máy móc, phương tiện giám định và các điều kiện vật chất khác (trụ sở, kinh phí…) cho các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự trong toàn quốc.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
4.3. Tổ chức thực hiện việc đầu tư và bảo đảm cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định tư pháp theo từng giai đoạn cụ thể và thứ tự ưu tiên, trọng tâm trọng điểm.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
4.4. Nghiên cứu, xây dựng và thực thi cơ chế khai thác, sử dụng thiết bị chuyên dụng của các cơ sở khoa học, kỹ thuật và tổ chức chuyên môn vào hoạt động giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2012.
5.1. Thống kê, dự báo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng để làm cơ sở cho việc quy hoạch, phát triển các tổ chức và đội ngũ người giám định tư pháp.
5.2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng của các bên tố tụng trong việc cung cấp các kết luận giám định với tư cách là một loại chứng cứ; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá kết luận giám định do các bên tố tụng đưa ra một cách khách quan, công bằng; tăng cường sự tham gia phiên tòa của người giám định tư pháp trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, những trường hợp mà kết luận giám định là căn cứ duy nhất hoặc mấu chốt cho việc giải quyết vụ án.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
5.3. Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế trưng cầu giám định theo nguyên tắc coi trọng yếu tố năng lực của các tổ chức chuyên môn và cá nhân nhà chuyên môn khi lựa chọn và trưng cầu giám định.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
5.4. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế “cung cấp dịch vụ chuyên môn” của các tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn phục vụ bình đẳng cho các bên tố tụng (cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự, các bên đương sự trong tố tụng dân sự, hành chính), đáp ứng nhu cầu giám định ngoài tố tụng của tổ chức, cá nhân trong xã hội phục vụ cho các giao dịch dân sự, kinh tế.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
5.5. Tổ chức việc thực hiện giám định tư pháp theo quy trình, quy chuẩn chuyên môn thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2012.
5.6. Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian thực hiện: 2010 – 2012.
5.7. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế bảo đảm kinh phí cho các cơ quan tiến hành tố tụng chi trả các chi phí cần thiết cho việc trưng cầu, thực hiện giám định.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
5.8. Xây dựng chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện việc thống kê, đánh giá số lượng, chất lượng hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.
Thời gian thực hiện: năm 2010
6.1. Tổ chức quán triệt nhận thức của các ngành, các cấp về bản chất, vai trò, ý nghĩa của giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là các Bộ, ngành chuyên môn chủ quản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cấp ủy đảng đối với quản lý công tác giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
6.2. Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp cho đội ngũ người tiến hành tố tụng.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
6.3. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh tố tụng theo hướng tăng cường nội dung, thời lượng giảng dạy về giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2012.
6.4. Nghiên cứu, xây dựng trang thông tin điện tử về giám định tư pháp đặt dưới sự quản lý của Bộ, ngành được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý về công tác giám định tư pháp để tạo lập cổng thông tin riêng về giám định tư pháp, diễn đàn trao đổi về các vấn đề tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
7. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp và thực thi pháp luật.
7.1. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đổi mới hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp theo hướng tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác giám định tư pháp, bảo đảm đủ các công cụ thực hiện quản lý nhà nước của cơ quan này, khắc phục tình trạng quản lý hình thức; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chuyên môn chủ quản, các cơ quan tiến hành tố tụng; tăng cường vai trò của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong từng lĩnh vực giám định.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
7.2. Xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa ngành tư pháp với ngành chuyên môn trong quản lý giám định tư pháp, trong đó Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý hoạt động giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng; Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
7.3. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ, đột xuất.
Thời gian thực hiện: 2010 – 2011.
7.4. Xác lập cơ chế trách nhiệm của thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2011.
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp
- Ban Chỉ đạo ở Trung ương:
Trưởng Ban chỉ đạo là 01 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó trưởng Ban Thường trực, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp việc, tham mưu cho Ban chỉ đạo.
Thành viên chủ chốt của Ban chỉ đạo gồm: lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương.
Tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ của từng thời điểm, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xem xét, quyết định điều chỉnh thành phần, số lượng thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Ban Chỉ đạo ở địa phương:
Căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở địa phương mình.
2.1. Bộ Tư pháp
2.1.1. Chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành hữu quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác giám định tư pháp ở Trung ương và hướng dẫn, chỉ đạo việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình hoạt động của Ban chỉ đạo ở trung ương và hướng dẫn tổ chức, hoạt động Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh.
2.1.2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án theo từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
2.1.3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp quy định tại các điểm 1.1, 1.2, 1.7, 2.1.1, 2.1.2, 2.1.3, 2.2.1, 2.2.4, 2.2.5, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 5.1, 6.1, 6.4, 7.1, 7.2, 7.3, 7.4 Phần IV của Đề án này.
2.1.4. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án số 1, 2 và 6 trong Danh mục các Dự án ban hành kèm theo Đề án này vào Quý I năm 2010.
2.2. Bộ Y tế:
2.2.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án.
2.2.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình quy định tại các điểm 1.3, 1.4, 1.5, 2.1.4, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 5.5 Phần IV của Đề án này.
2.2.3. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án số 3 trong Danh mục các Dự án ban hành kèm Đề án này theo Đề án này vào Quý I năm 2010.
2.3. Bộ Công an
2.3.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án.
2.3.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình quy định tại các điểm 1.3, 1.5, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 5.5 Phần IV của Đề án này.
2.3.3. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án số 4 trong Danh mục các Dự án ban hành kèm theo Đề án này vào Quý I năm 2010.
2.4. Bộ Quốc phòng
2.4.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án.
2.4.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình quy định tại các điểm 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 5.5 Phần IV của Đề án này.
2.4.3. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án số 5 trong Danh mục các Dự án ban hành kèm theo Đề án này vào Quý I/2010.
2.5. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành chủ quản khác.
2.5.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án; có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
2.5.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình quy định tại 1.3, 1.5, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.4, 5.5, 5.6 Phần IV của Đề án này.
2.6. Bộ Tài chính
2.6.1. Có trách nhiệm bảo đảm ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho việc thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án.
2.6.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình quy định tại 1.3, 1.5, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.4, 5.5, 5.6 Phần IV của Đề án này.
2.7. Bộ Kế hoạch - Đầu tư
2.7.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án
2.7.2. Phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng các Dự án đầu tư trong lĩnh vực giám định tư pháp theo Đề án này, thẩm định các Dự án theo quy định.
2.7.3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình quy định tại 1.3, 1.5, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.4, 5.5 Phần IV của Đề án này.
2.8. Bộ Nội vụ
2.8.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án.
2.8.2. Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành trong việc bảo đảm nguồn nhân lực và chính sách cán bộ cho hoạt động giám định tư pháp theo Đề án này.
2.9. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
2.9.1. Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2.9.2. Chỉ đạo Sở Tư pháp và các Sở chuyên môn tiến hành củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp ở địa phương; nâng cao năng lực đội ngũ người giám định tư pháp tại địa phương; rà soát, lập danh sách các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực và chuyên gia giỏi ở các ngành nghề, lĩnh vực tham gia hoạt động giám định tư pháp ở địa phương để đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người giám định tư pháp phù hợp với yêu cầu của địa phương và tổ chức thực hiện.
2.9.3. Bố trí biên chế cần thiết cho các tổ chức giám định tư pháp ở địa phương.
2.9.4. Đảm bảo trụ sở, kinh phí và các điều kiện về cơ sở vật chất khác cần thiết cho các tổ chức giám định tư pháp trong phạm vi địa phương.
2.9.5. Tổ chức thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực và chuyên gia giỏi ở các ngành nghề, lĩnh vực tham gia hoạt động giám định tư pháp ở địa phương.
2.10. Đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương
2.10.1. Chỉ đạo phối hợp với các chương trình, kế hoạch cải cách tư pháp với việc thực hiện Đề án trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp trong việc thực hiện các giải pháp của cải cách tư pháp;
2.10.2. Tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án;
2.10.3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng về việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến giám định tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính theo hướng trao cho người tham gia tố tụng được quyền tự mình yêu cầu các tổ chức giám định tư pháp, các cơ quan, tổ chức chuyên môn và chuyên gia thực hiện giám định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong hoạt động tham gia tố tụng.
2.11. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
2.11.1. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện Đề án.
2.11.2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến hoạt động của ngành mình quy định tại điểm 5.2, 5.3, 5.6, 5.8, 6.2, 6.3 Phần IV của Đề án này.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tiến hành thống kê, đánh giá nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng để làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ các cơ quan, tổ chức chuyên môn và người giám định tư pháp; theo dõi, thống kê và đánh giá hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.
3.1. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án được bảo đảm thực hiện bằng ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ, viện trợ (nếu có).
3.2. Ngân sách Trung ương bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giao cho các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và hỗ trợ trang cấp các thiết bị, phương tiện giám định chuyên dụng cho các tổ chức giám định tư pháp ở địa phương.
Hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, giải pháp được giao theo tiến độ quy định tại Đề án này, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định và giao dự toán theo quy định.
Kinh phí bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại các điểm 1.1, 1.2, 1.7, 2.1.1, 2.1.2, 2.1.3, 2.2.1, 2.2.4, 2.2.5, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 5.1, 5.4, 6.1, 6.4, 7.1, 7.2, 7.3, 7.4 Phần IV của Đề án này ước tính là 16.230.000.000 đồng (mười sáu tỷ, hai trăm ba mươi triệu đồng) được phân bổ theo tiến độ công việc của từng năm (Phụ lục khái toán kèm theo).
Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác trong Đề án được cấp theo dự toán hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3.3. Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại mục 2.9, Phần V của Đề án này trong ngân sách thường xuyên hàng năm của địa phương.
3.4. Thu hút, huy động sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước trong việc thực hiện Đề án.
4. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết
Hàng năm, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết những việc đã thực hiện và đúc rút bài học kinh nghiệm tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mà Đề án đặt ra./.
|
KT.
THỦ TƯỚNG |
CÁC DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định
tư pháp được phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010
của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Tên Dự án |
Nhiệm vụ, giải pháp |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian |
1 |
Khảo sát, thống kê tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp ở các lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài về giám định tư pháp và xây dựng Quy hoạch tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn và cá nhân thực hiện giám định tư pháp |
2.1.1, 2.1.2, 2.1.3, 2.2.1, 3.1, 3.2, 5.1 |
Bộ Tư pháp |
Các Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh |
2010 - 2011 |
2 |
Xây dựng mô hình và thực hiện thí điểm xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp |
2.2.4 |
Bộ Tư pháp |
Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan |
2011 - 2012 |
3 |
Tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần và đào tạo nguồn giám định viên pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế. |
3.5, 4.1, 4.2, 4.3 |
Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh |
Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan |
2010 – 2015 |
4 |
Tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, pháp y và đào tạo nguồn giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng công an nhân dân. |
3.5, 4.1, 4.2, 4.3 |
Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh |
||
5 |
Tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định pháp y, kỹ thuật hình sự và đào tạo nguồn giám định pháp y, kỹ thuật hình sự trong quân đội. |
3.5, 4.1, 4.2, 4.3 |
Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh |
||
6 |
Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành chuyên môn chủ quản, các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng về quản lý giám định tư pháp; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. |
7.1, 7.2, 7.3, 7.4 |
Bộ Tư pháp |
Các Bộ chủ quản, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh |
2010 - 2011 |
THE
PRIME MINISTER |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 258/QD-TTg |
Hanoi, February 11, 2010 |
APPROVING THE SCHEME ON RENEWING, AND RAISING THE EFFECTIVENESS OF, JUDICIAL ASSESSMENT
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the December 25,
2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to September 29, 2004 Ordinance No. 24/2004/PL-UBTVQH11 on Judicial
Assessment;
Pursuant to the Government's Decree No. 67/2005/ND-CP of May 19, 2005, detailing
a number of articles of the Ordinance on Judicial Assessment;
At the proposal of the Minister of Justice,
DECIDES:
Article 1. To approve the Scheme on renewing, and raising the effectiveness of, judicial assessment promulgated together with this Decision.
Article 2. This Decision takes effect on the date of its signing.
Article 3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People's Committees shall implement this Decision.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
FOR
THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Truong Vinh Trong
ON RENEWING, AND RAISING THE EFFECTIVENESS OF, JUDICIAL
ASSESSMENT
(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 258/QD-TTg of
February 11, 2010)
I. NECESSITY TO FORMULATE THE SCHEME
1. Political and legal grounds for formulating the Scheme
In the context of stepping up judicial reform and building a socialist Vietnamese State ruled by law, the renewal and improvement of judicial assistance organizations in general and judicial assessment organizations in particular constitute an important issue reiterated in different Party resolutions (Resolution of the VIIth Congress Party Central Committee's 8th plenum. Resolutions of the VIIIth Congress Party Central Committee's 3rd and 7th plenums, and Resolution of the XthParty Congress). Particularly, the Political Bureau's Resolution No. 49-NQ/TW of June 2, 2005, on the judicial reform strategy through 2020 already stated: "To improve the judicial assessment institution. The State should invest in a number of assessment fields to meet regular requirements of procedural activities. To socialize assessment fields in which regular assessment needs are not great. To strictly and clearly stipulate the order, procedures and time limit for requesting and conducting assessment. To promulgate assessment regulations suitable to each field of assessment. To^ specify a mechanism for evaluating assessment conclusions to ensure their accuracy and objectivity as a basis for settlement of cases".
"... To study, provide and develop state services of different types to create conditions for involved parties to proactively collect evidences and protect their lawful rights and interests..."
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Present situation of judicial assessment
2.1. Achievements
2.1.1. Institution
The judicial assessment institution has been further improved following the enactment of the Ordinance on Judicial Assessment. The Government issued Decree No. 67/2005/ND-CP on May 19, 2005, guiding a number of articles of this Ordinance. Various documents on entitlements of and policies towards judicial assessors were also promulgated, such as the Prime Minister's Decision No. 74/2009/QD-TTg of May 7, 2009, on judicial assessment allowances; and the Justice Ministry's Circular No. 02/2009HT-BTP of September 17, 2009, on allowances for judicial assessors. Ministries and branches also issued regulations guiding judicial assessment, such as the Public Security Ministry's Circular No. 09/2006/TT-BCA of August 22,2006, guiding a number of provisions of Decree No. 67/2005/ND-CP detailing a number of articles of the Ordinance on Judicial Assessment within people's police forces; the Health Ministry's Circular No. 04/2007/TT-BYT of February 12,2007, guiding criteria, conditions, order and procedures for appointment and relief from duty of forensic medicine and forensic psychiatry assessors; and the Construction Ministry's Circular No. 35/2009/TT-BXD of October 5, 2009, guiding construction-related judicial assessment.
2.1.2. Organization
Central and local judicial assessment organizations in forensic medicine, forensic psychiatry and criminal techniques have been consolidated, especially forensic medicine and forensic psychiatry organizations in the health sector, with the formation of the National Institute of Forensic Medicine: the Institute of Forensic Psychiatry Assessment under the Ministry of Health; 33 forensic medicine centers, 16 forensic psychiatry divisions and 11 forensic psychiatry centers at the provincial level. The Criminal Science Institute has increasingly developed, acting as the leading organization in criminal techniques in the country, which reaches regional standards. In 2008, it joined the network of Asian Criminal Science Institutes as co-founder. Criminal technique divisions of provincial-level Public Security Departments have been consolidated. Particularly, the formation of criminal technique assessment sections is taking place in district-level Public Security Divisions. The Criminal Technique Assessment Agency under the Ministry of National Defense has been established.
2.1.3. Contingent of judicial assessors
By September 2009 the Ministry of Justice had issued 2.461 judicial assessor cards, including 844 for forensic medicine assessors, 517 for criminal technique assessors, 152 for forensic psychiatry assessors. 486 for finance-accounting assessors, 179 for cultural assessors, 81 for construction assessors, 33 for natural resources and environment assessors, 43 for transport assessors, 47 for agriculture-forestry assessors, 65 for scientific and technical assessors, and 14 for assessors in other fields.
In addition, ministries, branches and localities have proposed the Ministry of Justice to list and notify 237 persons conducting ad hoc judicial assessment in different fields.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.1.4. Physical foundations
More attention had been paid to physical foundations and other necessary conditions of forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations. After 5 years' enforcement of the Ordinance on Judicial Assessment, the National Institute of Forensic Medicine has been furnished with special-use equipment for forensic medicine assessment activities with a total value of VND 36 billion. A number of provincial-level forensic medicine centers have received land for building their own offices and procured assessment equipment and facilities. 50% of forensic medicine centers have their own cars for assessment work. The National Institute of Forensic Psychiatry and a number of provincial-level forensic psychiatry assessment centers have also had their physical foundations strengthened with the support of Central Mental Disease Hospitals I and II and specialized mental disease establishments. Particularly, criminal technique and forensic psychiatry assessment organizations within people's police forces had received investments in physical foundations and essential equipment worth hundreds of billions Vietnam dong for assessment activities.
2.1.5. Judicial assessment activities
Criminal technique assessment activities nationwide have been further consolidated and put into order, greatly contributing to crime prevention and fighting and response to social requirements. Forensic medicine and forensic psychiatry assessment activities have been step by step stabilized.
According to a Public Security Ministry report, from 2005 through 2008, the Ministry's investigative police and investigative security agencies and 59 provincial-level Public Security Departments had requested assessment of, and had assessment conducted by organizations and individuals for. a total of 351.639 matters, including 95,229 related to forensic medicine, 3.318 related to forensic psychiatry, 132,070 related to criminal techniques. 13.383 related to narcotics, 13.538 related to finance-accounting. 724 related to cultural matters, 257 related to construction, and 77,277 in other fields.
2.1.6. State management of judicial assessment
As an agency assisting the Government to perform the unified state management of judicial assessment, the Ministry of Justice with its role as the focal-point agency has assumed the prime responsibility for, and coordinated with concerned ministries and branches in, advising the Government, the Prime Minister and the National Assembly Standing Committee in promulgating and step by step improving the system of judicial assessment institutions, urging ministries and branches to promote judicial assessment in each field under their specialized management, guiding and directing localities to raise the effect and effectiveness of state management of judicial assessment, and enhancing professional training for assessors nationwide.
Ministries, branches and localities have paid greater attention to judicial assessment organization and operation under their management. The Ministry of Public Security has timely directed the elaboration and promulgation of regulations, consolidated the organizational apparatus, and made significant investment in physical and technical foundations for the Criminological Institute and criminal technique divisions under provincial-level Public Security Departments. As a result, criminal technique and forensic medicine assessment within the public security sector has been increasingly consolidated and developed. Recently, the Ministry of Health has paid more attention to forensic medicine and forensic psychiatry assessment. Some provincial-level Justice Departments like the Justice Departments of Ho Chi Minh City and Vinh Phuc province have proactively coordinated with other provincial-level specialized departments in advising provincial-level People's Committees on consolidation of local judicial assessment organizations, allocated funds for their offices, working facilities and human resources and settled their difficulties and problems.
2.2. Limitations and weaknesses
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.2.1. Institutions
- After nearly 5 years' enforcement of the Ordinance on Judicial Assessment, its guiding documents have not been fully and timely promulgated, resulting in the fact that many provisions ot the Ordinance could not enter into life. Entitlements and policies for judicial assessors were slow to be promulgated and implemented, failing to encourage and attract judicial assessors. Regulations on judicial assessment charges have not been issued due to divergent opinions on the matter as well as conflicts and problems in the current legal system. Ministries and branches have not yet paid due attention to formulating judicial assessment processes and regulations in different fields. As a result, professional processes or regulations on judicial assessment have not yet been promulgated in most fields.
- The policy to socialize judicial assessment under the Ordinance on Judicial Assessment have not been concretized in terms of conditions, comprehensive solutions and appropriate roadmap for implementation. There are no specific regulations on the judicial assessment organization and operation of specialized agencies and organizations and experts in different economic sectors; no legal mechanism for settling disputes between assessment-conducting organizations and individuals and procedure-conducting agencies that have requested assessment; no mechanisms for coordinating assessment activities and managing judicial assessors in assessment fields which have been socialized; no regulations on rates, payment, management and use of judicial assessment charges by assessment-conducting organizations and individuals, especially those that are management agencies; and no mechanism for coordination between competent management agencies and procedure-conducting agencies, and so on.
2.2.2. Organization
The consolidation of judicial assessment organizations, especially those engaged in forensic medicine and forensic psychiatry in the health sector, remains inconsistent in size, organizational structure and name.
At present, 14 out of 63 localities still maintain forensic medicine assessment organizations formed under Decree No. 117/ HDBT despite the Ordinance on Judicial Assessment took effect on January 1, 2005; and 19 out of 30 localities have provincial-level mental disease hospitals but do not establish forensic psychiatry assessment centers.
Under the Ordinance, assessment organizations in the fields of culture, construction and finance-accounting have been dissolved and their chief assessors have been relieved from duty. Judicial assessors work only as professionals. However, the lack of assessment coordination mechanisms and specific policies has resulted in the failure to attract professionals to conduct assessment. Many cases have been delayed or prolonged because assessment cannot be sought (in such fields as construction and finance) or no agreement can be reached on assessment results.
2.2.3. Judicial assessors
Due attention has not been paid to building a contingent of judicial assessors that are now insufficient in number and limited in quality. Most forensic psychiatry assessment organizations lack full-time forensic psychiatry assessors. Particularly, the country lacks over 200 criminal technique assessors to meet fulfill assessment tasks. Brain-drain is drastically taking place in judicial assessment organizations without effective remedies.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The appointment of judicial assessors and the listing of judicial assessment persons have not yet been based on development planning or requirements of procedural activities, without taking into account outstanding experts in non-state sectors or attaching importance to professional capability. Close coordination with procedure-conducting agencies in the capacity as users or evaluators of judicial assessment conclusions remains absent. The listing of judicial assessment persons for ad hoc cases is not yet coordinated, active and consistent nationwide.
Judicial assessment contents in judicial training and retraining still show limitations and are not regarded as an essential professional measure. As a result, procedure-conducting persons lack fundamental knowledge about judicial assessment as well as necessary skills in requesting assessment and evaluating assessment conclusions.
Training materials used in training and retraining in assessment skills and legal knowledge remain patchy, unsystematic and incomplete.
2.2.4. Physical foundations of judicial assessment organizations
The physical foundations of most judicial assessment organizations fail to meet assessment requirements, especially those of forensic medicine and forensic psychiatry assessment organizations which are even inadequate and obsolete. Compared to other fields, criminal technique assessment organizations have received greater attention but the physical foundations, equipment, consumable supplies and standard specimens of many of these organizations at the provincial level are still insufficient, failing to meet task requirements.
2.2.5. Operation
The effectiveness of judicial assessment remains modest. Specifically, this work fails to meet requirements of procedural activities in the spirit of judicial reform; assessment requests in many cases remained improper, failing to meet requirements of cases; the quality of judicial assessment conclusions in some cases remained poor; assessment was conducted not according to uniform processes and regulations, resulting in contradictory assessment conclusions and complicating procedural activities, especially in injury assessment. The assessment duration is often prolonged, greatly affecting the time for completing procedures. The payment of assessment allowances and other necessary expenses has been slow. Procedure-conducting agencies owed and are owing debts to professional organizations and individuals, forcing the latter to refuse assessment requests. This has caused more difficulties to requesting assessment, even making it come to a standstill. The criminal cases of Dien Bien Phu Victory Monument, intentional violation of state regulations on economic management causing serious consequences, and asset embezzlement in Thi Vai Port Warehouse are typical examples.
Assessment requests in civil and administrative procedures have not been properly responded to. Especially, the receipt and implementation of assessment requests of proceeding participants have not been carried out in a public, official and unified manner nationwide, but depend on the operation of each assessment organization.
Importance has not yet been attached to assessors' participation in court trials to present and defend their assessment conclusions, which still sees many limitations and does not meet requirements of promoting democracy and argumentation in the context of judicial reform.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
State management of judicial assessment was lax or overlapping here and there or now and then, leading to low effectiveness. Many ministries, branches and provincial-level People's Committees have not paid due attention to their judicial assessment organization and operation. Some of them regarded assessment management as a function of the judicial sector only. So far. no ministry or branch has formulated and promulgated professional assessment regulations and processes or judicial assessment charges in the sector under its management. The consolidation of judicial assessment organizations and the assurance of physical foundations (assessment funds, equipment and facilities and offices) for these organizations as well as the development of a contingent of judicial assessors in ministries and branches fail to meet operation requirements.
The justice sector's state management of judicial assessment remains problematic. Judicial assessment management is the responsibility of different ministries, branches and localities with the Ministry of Justice acting as the focal point. However, due to many objective and subjective causes, the Ministry's state management of judicial assessment has not yet been intensive and drastic. The Ministry has not yet come up with any advice or proposals on effective state management mechanisms or measures to ensure effective unified management by the Ministry of Justice and provincial-level Justice Departments and on organizational models and operation mechanisms suitable to practical developments. The inspection and examination of judicial assessment work has been left almost unattended.
Many local justice agencies have not actually promoted their role and responsibility to assist provincial-level People's Committees in managing judicial assessment work in localities.
2.3. Main causes of weaknesses and limitations
Limitations and weaknesses in judicial assessment work can be attributed to the following main causes:
2.3.1. Limited awareness about judicial assessment
Ministries' and branches' awareness about the nature, role and significance of judicial assessment in judicial reform and socioeconomic development stability remains very limited. As a result, party committees, branches and authorities at all levels have not paid due attention to judicial assessment organization and operation. This has greatly affected the organization, operation, quality and effectiveness of judicial assessment work.
2.3.2. Problematic and uncoordinated legal system on judicial assessment
Criminal, criminal procedure, civil procedure and judicial assessment laws and regulations are uncoordinated and inconsistent in assuring procedure participants' rights to request assessment and produce assessment conclusions collected by themselves as evidence for protecting their lawful rights and interests in procedural activities and on responsibilities and obligations of procedure-conducting agencies to consider and evaluate in an objective and fair manner assessment conclusions collected and established by procedure participants against assessment conclusions established by procedure-conducting agencies. Judicial assessment is just regulated by sub-law documents, not a law, so conflicts in regulations on judicial assessment have not been settled reasonably and resolutely.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Coordination among general management agencies (the Ministry of Justice and provincial-level Justice Departments), line management agencies (relevant ministries and specialized provincial-level Departments) and territory-based management agencies (provincial-level People's Committees) remains lax and coordination among judicial assessment management agencies and procedure-conducting agencies in identifying assessment needs of procedural activities and evaluating assessment quality is very limited.
2.3.4. Failure to assure interests of assessment-conducting organizations and individuals
Assessment-conducting organizations and individuals' interests have not been assured reasonably in accordance with goods and service principles and rules in a market economy mechanism.
2.3.5. Insufficient funds for requesting and conducting judicial assessment
There are neither separate state budget expenditure items for requesting and conducting assessment in criminal procedures nor financial mechanisms for implementing the policies to support assessment expenses for parties asking for assessment but unable to pay for such assessment.
Stemming from current political and legal grounds for and practices of judicial assessment and judicial assessment requirements in the new situation, especially in the process of judicial reform, it is necessary to formulate a Scheme on renewing, and raising the effectiveness of, judicial assessment, aiming to create a turning point in the development of judicial assessment organization, operation and management with a view to raising the quality and effectiveness of judicial assessment to better serve investigation, prosecution and trial activities in response to increasing requirements of judicial reform and further step up socialization of assessment activities to meet general societal requirements in civil and administrative relations.
1. The Scheme's formulation and implementation must institutionalize Party guidelines on the judicial reform strategy through 2020, ensure assessment activities' satisfaction of requirements of procedural activities in association with administrative and judicial reforms and the implementation of the Strategy on building and improvement of Vietnam's legal system through 2015 with orientations towards 2020.
2. The Scheme should address existing limitations and problems in judicial assessment organization, operation and management through improving judicial assessment institutions along with renewing the procedure law; improving the system of judicial assessment organizations to suit the new situation, especially creating marked and breakthrough improvements in judicial assessment activities to properly meet requirements of procedural activities; raising the status of judicial assessment-conducting organizations and individuals, securing a deserving position of judicial assessment in procedural activities and judicial reform and in society; and improving awareness about judicial assessment.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To renew judicial assessment organization, operation and management with a view to creating marked and breakthrough improvements in the quality and effectiveness of judicial assessment to meet increasing requirements of procedural activities, contributing to raising the quality of procedural activities, focusing on ensuring accurate, objective and lawful trial and justice and social equality and stepping up socialization of judicial assessment to meet assessment requirements of organizations and individuals not related to procedural activities for national socio-economic stabilization and development.
2.1. Institutions
To improve judicial assessment institutions through renewing them in accordance with international practice and Vietnam's practical conditions and promulgating the Law on Judicial Assessment and guiding documents, thus creating a sufficient, unified and comprehensive legal ground for judicial assessment organization, operation and management to ensure the relevance and consistence between the judicial assessment law and (criminal, civil and administrative) procedural laws.
2.2. Judicial assessment organizations and contingent of judicial assessors
a/ To improve the system of judicial assessment organizations in the fields of forensic medicine, forensic psychiatry and criminal techniques through:
- Developing forensic medicine and forensic psychiatry assessment organizations at the central level into leading centers to reach national standards by 2015 and regional standards by 2020; further consolidating and developing criminal technical assessment organizations at the central level to reach international standards by 2020.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Consolidating, developing and transforming local forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations in localities within a vertical system.
b/ To establish and develop a network of capable specialized organizations in the fields without judicial assessment organizations, such as culture, finance-accounting, construction, environment, information and communication and intellectual property, through coordinating, mobilizing and attracting these organizations to actively and effectively participate in judicial assessment activities.
c/ To strive for the target that by 2015, forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations will have sufficient full-time assessors suitable to their functions and tasks as well as requirements of procedural activities.
d/ By 2015, judicial assessors and persons conducting ad hoc judicial assessment will be sufficient in quantity and satisfactory in quality (professional qualifications, assessment skills and necessary legal knowledge). By 2015, judicial assessors and persons conducting judicial assessment on the notified list will be retrained in assessment skills and legal knowledge; and to ensure that judicial assessors are outstanding experts in the fields subject to assessment.
2.3. Physical foundations of judicial assessment organizations
To strive for the target that by 2015, judicial assessment organizations at central and regional levels and in big cities will have necessary physical foundations, e.g., working offices, funds, modern assessment equipment and facilities up to regional standards, and step by step ensure physical foundations for local judicial assessment organizations.
2.4. Operation
- To raise the quality and effectiveness of judicial assessment so as to timely and properly respond to requirements of procedural activities, without delaying and affecting the quality of procedural activities.
- To ensure that judicial assessment activities in different fields nationwide conform to professional regulations and uniform processes.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To ensure the accuracy and objectivity of judicial assessment conclusions.
- To step up judicial assessment organizations' assessment activities at the request of organizations and individuals in society.
2.5. Management
To ensure the effect and effectiveness of state management ol judicial assessment. To develop appropriate and effective mechanisms for state management of judicial assessment through enhancing the role and responsibilities of agencies assisting the Government in uniformly managing judicial assessment and provide necessary tools for these agencies' state management work, in combination with promoting to the utmost the role and responsibilities of relevant ministries and branches and enhancing the role of professional associations and organizations in each field of assessment.
1.1. To review and evaluate current regulations on judicial assessment for amending, supplementing, promulgating or improving legal provisions on judicial assessment. To study and propose amendments and supplements to relevant provisions of the Criminal Procedure Code, the Civil Procedure Code, the Ordinance on Settlement of Administrative Cases and relevant documents.
Implementation time: 2010.
1.2. To draft and submit to the National Assembly for promulgation a Law on Judicial Assessment.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.3. To study, elaborate and promulgate professional regulations addressing the requirements and characteristics of each Held of assessment.
Implementation time: 2010-2011.
1.4. To formulate and promulgate a table of injury rates used in forensic medicine assessment.
Implementation time: 2010.
1.5. To formulate and promulgate assessment processes in the fields of forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique, financial, cultural, construction, natural resource and environmental, transport, information and communication and intellectual property assessment addressing the requirements and characteristics of each field of assessment. Implementation time: 2010-2011.
1.6. To formulate and promulgate regulations on judicial assessment charges in different fields according to requirements and characteristics of each field of assessment.
Implementation time: 2010.
1.7. To promulgate a joint circular guiding the Prime Minister's Decision No. 74/2009/QD-TTg on judicial assessment allowances.
Implementation time: first quarter of 2010.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.1. To consolidate and develop central forensic medicine and forensic psychiatry assessment organizations into leading centers; to further develop and improve central criminal technique assessment organizations: to develop key forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations in different regions; to consolidate and develop provincial-level forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations.
2.1.1. To make statistics of, review and evaluate forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations' capacity (size, organizational structure, personnel, funds, assessment equipment and facilities, working offices) and ability to respond to assessment requests.
To hold a national conference to review 5 years' enforcement of the Ordinance on Judicial Assessment.
Implementation time: 2010.
2.1.2. To organize overseas surveys of judicial assessment organizational and operational models in countries with developed judicial and legal systems such as France and the US, and countries with transitional economies such as the Russian Federation and China.
Implementation time: 2010.
2.1.3. To formulate and implement a Scheme on planning to develop the system of judicial assessment organizations and specialized organizations through 2020.
Implementation time: 2010-2012.
2.1.4. To study a plan on improving the organizational model of central- and provincial-level forensic medicine and forensic psychiatry assessment organizations.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.2. To mobilize and attract capable specialized agencies and organizations in the fields of culture, finance-accounting, construction, environment, science-technology, information-communication and others to participate in judicial assessment, timely responding to assessment requests of procedural activities.
2.2.1. To make statistics of, review and evaluate the capacity of specialized agencies and organizations in the fields of culture, finance-accounting, construction, environment and others engaged in judicial assessment, and their ability to respond to assessment requests.
Implementation time: 2010.
2.2.2. To formulate criteria for evaluating the capacity and conditions of specialized organizations.
Implementation time: 2010-2011.
2.2.3. To select, draw up and notify a list of 0judicial assessment organizations and capable specialized agencies and organizations in each field nationwide for ensuring the timely and quality response to assessment requests of procedural activities.
Implementation time: 2010-2011.
2.2.4. To study and formulate a judicial assessment socialization model taking into account the characteristics of each field of assessment and implement it on a pilot basis, then draw experiences for nationwide implementation with appropriate steps.
Implementation time: 2010-2013.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Implementation time: 2010-2011.
2.2.6. To study, formulate and implement policies on priorities and material and non-material incentives for specialized agencies and organizations engaged in judicial assessment.
Implementation time: 2010-2013.
3.1. To make statistics of, review and evaluate the contingent of judicial assessment-conducting persons (judicial assessors and persons conducting ad hoc judicial assessment).
Implementation time: 2010-2011.
3.2. To plan the contingent of judicial assessors through 2020 in association with the planning to develop judicial assessment organizations and specialized organizations on the basis of evaluating and forecasting assessment needs of procedural activities in each period.
Implementation time: 2010-2012.
3.3. To study and renew criteria of, and process of appointing and listing, judicial assessors; to renew the method of notifying the lists of in association with honoring judicial assessment organizations, specialized organizations and individual judicial assessors.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.4. To study and formulate a mechanism for attracting outstanding professionals and experts in judicial assessment; to improve preferential treatment policies for individuals engaged in assessment activities in both material incentives (separate salary rank, responsibility-based allowance, work seniority allowance for full-time judicial assessors, judicial assessment allowance for assessors salaried by the state budget; ensuring equivalence between income from judicial assessment and income of assessors not salaried by the state budget) and non-material incentives (honoring outstanding leading assessors in different fields who are engaged in assessment activities).
Implementation time: 2010-2013.
3.5. To train judicial assessors in a number of assessment specialties and update assessment skills and legal knowledge for persons conducting judicial assessment in each period and year; to form and develop assessment skill training and retraining establishments in each field.
Implementation time: 2010-2015.
3.6. To develop official teaching course books and materials on assessment skills and legal knowledge, taking into account the characteristics of each field of assessment, for uniform and wide application to training and retraining assessment skills and legal knowledge for the contingent of judicial assessors.
Implementation time: 2010-2015.
3.7. To promote international cooperation in training and retraining assessment skills in each field.
Implementation time: 2010-2015.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Implementation time: 2010.
4.2. To make investment portfolios and plans, provide assessment equipment, machinery and facilities and other physical conditions (working offices, funds, etc.) for forensic medicine, forensic psychiatry and criminal technique assessment organizations nationwide.
Implementation time: 2010-2011.
4.3. To invest in and provide physical foundations for judicial assessment organizations in each period according to order of priority with focal points.
Implementation time: 2010-2015.
4.4. To study, formulate and implement a mechanism for exploiting and using special-use equipment of science and technology institutions and specialized organizations in judicial assessment.
Implementation time: 2010-2012.
5.1. To make statistics of and forecast assessment needs of procedural activities for use as a basis for planning and developing judicial assessment organizations and individuals.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Implementation time: 2010-2015.
5.3. To study, formulate and implement a mechanism for requesting assessment on the principle of attaching importance to the capacity of specialized organizations and professionals when selecting and requesting assessment.
Implementation time: 2010-2011.
5.4. To formulate and implement a mechanism for providing professional services by judicial assessment organizations and specialized organizations ensuring equality for procedure parties (procedure-conducting agencies and participants in criminal procedures, involved parties in civil and administrative procedures), to meet the needs of organizations and individuals in society for assessment related to civil and economic transactions.
Implementation time: 2010-2015.
5.5. To conduct judicial assessment according to uniform professional processes and regulations nationwide.
Implementation time: 2010-2012.
5.6. To study, formulate and implement a mechanism for evaluating and using judicial assessment conclusions of procedure-conducting agencies.
Implementation time: 2010-2012.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Implementation time: 2010.
5.8. To develop statistical criteria and make statistics of and evaluate the volume and quality of judicial assessment in investigation, prosecution and trial activities.
Implementation time: 2010.
6.1. To improve awareness of branches and authorities about the nature, role and significance of judicial assessment in procedural activities and judicial reform and in socio-economic stability and development; to raise the responsibility of branches and authorities, especially managing ministries and branches, provincial-level People's Committees and party committees at all levels, to manage judicial assessment.
Implementation time: 2010-2015.
6.2. To intensify the dissemination of laws and regulations on judicial assessment among procedure-conducting persons.
Implementation time: 2010-2015.
6.3. To renew professional training and retraining contents and programs for judicial titles through increasing the contents and time of judicial assessment training.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6.4. To study and establish a judicial assessment website under the management of ministries and branches assigned to perform the unified management of judicial assessment for establishing a separate portal on judicial assessment and a forum for exchanging opinions on judicial assessment organization, operation and management.
Implementation time: 2010-2011.
7.1. To study and formulate a mechanism for renewing the state management of judicial assessment through increasing the role and responsibilities of agencies assisting the Government in uniformly managing judicial assessment to ensure adequate state management tools of these agencies, putting an end to formalistic management: to promote to the utmost the role and responsibilities of managing ministries and branches and procedure-conducting agencies; to enhance the role of professional associations and organizations in each field of assessment.
Implementation time: 2010-2011.
7.2. To elaborate and promulgate a Regulation on coordination between the justice sector and professional sectors in managing judicial assessment with the Ministry of Justice and provincial-level Justice Departments acting as responsible agencies coordinating with concerned ministries and branches; a Regulation on coordination between judicial assessment management agencies and procedure-conducting agencies; and a Regulation on organization and operation of the Steering Committee for the Scheme's implementation.
Implementation time: 2010-2011.
7.3. To formulate programs and plans to regularly or irregularly examine and inspect judicial assessment organization and operation.
Implementation time: 2010-2011.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Implementation time: 2010-2011.
V. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION
- The Central Steering Committee:
A Deputy Prime Minister shall act as the head; the Minister of Justice shall act as the standing deputy head; the Ministry of Justice shall act as the assisting and advising agency of the Steering Committee.
The Steering Committee's key members include leaders of the Ministries of Health; Public Security; National Defense: Finance; Home Affairs; Planning and Investment; Construction; Culture. Sports and Tourism; Science and Technology: and Information and Communications, the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy, and the Central Steering Committee for Judicial Reform.
Depending on the task requirements in each period, the Steering Committee's head shall, at the proposal of the Minister of Justice, consider and decide to adjust the composition and membership of the Steering Committee for the Scheme's implementation.
- Local Steering Committees:
Based on requirements of and specific conditions in each locality, the head of the provincial-level Justice Department shall advise and submit to the provincial-level People's Committee chairperson for consideration and decision the formation of a Steering Committee for implementation of the Scheme on renewing, and raising the effectiveness of, judicial assessment in that locality.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.1. The Ministry of Justice shall:
2.1.1. Assume the prime responsibility for. and coordinate with concerned departments and branches in, advising the Prime Minister on the formation of the Central Steering Committee for Judicial Assessment Renewal and guide and direct the formation of provincial-level Steering Committees; formulate operation plans, contents and programs of the Central Steering Committee and guide the organization and operation of provincial-level Steering Committees.
2.1.2. Assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and branches in, organizing the Scheme's implementation; formulate specific programs and plans for the Scheme's implementation in each period and submit them to the Prime Minister for approval; direct, guide, urge, examine and evaluate the Scheme's implementation results.
2.1.3. Assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and branches in, implementing solutions specified at Points 1.1, 1.2, 1.7, 2.1.1, 2.1.2, 2.1.3, 2.2.1, 2.2.4, 2.2.5, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 5.1, 5.4, 6.1, 6.4, 7.1, 7.2, 7.3 and 7.4, Part IV of this Scheme.
2.1.4. Formulate and submit in the first quarter of 2010 to a competent agency for approval Projects 1.2 and 6 on the List of projects attached to this Scheme (not printed herein).
2.2. The Ministry of Health shall:
2.2.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in, the Scheme's implementation.
2.2.2. Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in, implementing solutions related to the fields under their management as specified at Points 1.3,1.4. 1.5. 2.1.4, 2.2.2. 2.2.3. 2.2.6. 3.4. 3.5. 3.6. 3.7, 4.1.4.2,4.3,4.4 and 5.5. Part IV of this Scheme.
2.2.3. Formulate and submit in the first quarter of 2010 to a competent agency for approval Project 3 on the List of projects attached to this Scheme (not printed herein).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.3.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation.
2.3.2. Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in, implementing solutions related to the fields under their management as specified at Points 1.3,1.5, 2.2.2,2.2.3,2.2.6. 3.4,3.5. 3.6.3.7,4.1.4.2,4.3, 4.4 and 5.5. Part IV of this Scheme.
2.2.3. Formulate and submit in the first quarter of 2010 to a competent agency for approval Project 4 on the List of projects attached to this Scheme (not printed herein).
2.4. The Ministry of National Defense shall:
2.4.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation.
2.4.2. Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in, implementing solutions related to the fields under their management as specified at Points 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 4.1, 4.2, 4.3, 4.4 and 5.5, Part IV of this Scheme.
2.4.3. Formulate and submit in the first quarter of 2010 to a competent agency for approval Project 5 on the List of projects attached to this Scheme (not printed herein).
2.5. The Ministry of Culture, Sports and Tourism, the Ministry of Construction, the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Information and Communications and other managing ministries and branches shall:
2.5.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation and organize the Scheme's implementation within the scope of their management.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.6. The Ministry of Finance shall:
2.6.1. Provide annual state budget allocations for the Scheme's implementation in accordance with the State Budget Law; coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation.
2.6.2. Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in, implementing solutions related to the fields under their management as specified at Points 1.3, 1.5, 1.6, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7,4.4, 5.5 and 5.6. Part IV of this Scheme.
2.7. The Ministry of Planning and Investment shall:
2.7.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation.
2.7.2. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in formulating judicial assessment investment projects under this Scheme and appraising these projects under regulations.
2.7.3. Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in. implementing solutions related to the fields under their management as specified at Points 1.3, 1.5, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.6, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7,4.4 and 5.5, Part IV of this Scheme.
2.8. The Ministry of Home Affairs shall:
2.8.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.9. Provincial-level People's Committees shall:
2.9.1. Plan, direct and organize the Scheme's implementation in localities and annually report the Scheme's implementation results to the Ministry of Justice for summarization and reporting to the Prime Minister.
2.9.2. Direct provincial-level Justice Departments and specialized Departments in consolidating, and raising the capacity and effectiveness of, judicial assessment organizations and raising the capacity of the contingent of judicial assessors in localities; review and list capable specialized agencies and organizations and outstanding experts in different trades and fields that are engaged in judicial assessment in localities for proposing competent agencies to notify these lists; formulate plans to train and retrain the contingent of judicial assessors in accordance with local requirements and organize their implementation.
2.9.3. Arrange state payrolls necessary for local judicial assessment organizations.
2.9.4. Arrange working offices, funds and other physical foundations necessary for judicial assessment organizations in localities.
2.9.5. Implement policies to encourage and attract capable specialized agencies and organizations and outstanding experts in different trades and fields to engage in local judicial assessment activities.
2.10. The Central Steering Committee for Judicial Reform shall:
2.10.1. Direct the combination of judicial reform programs and plans with the Scheme's implementation within the framework of the judicial reform strategy through 2020; direct ministries, branches and localities to increase physical foundations and other conditions necessary for raising the operation capacity and effectiveness of judicial assessment organizations in implementing judicial reform solutions.
2.10.2. Join the Steering Committee for the Scheme's implementation and coordinate with concerned agencies in directing the Scheme's implementation.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2.11. The Supreme People's Procuracy and Supreme People's Court shall:
2.11.1. Coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in the Scheme's implementation.
2.11.2. Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and concerned ministries and branches in. implementing solutions related to their activities as specified at Points 5.2, 5.3, 5.6, 5.8, 6.2 and 6.3, Part IV of this Scheme; and in making statistics of and evaluating procedural activities' assessment needs as a basis for building and zand judicial assessors; annually or irregularly monitoring, making statistics of and evaluating judicial assessment in procedural activities.
3. Funds for the Scheme's implementation
3.1. Funds for the Scheme's implementation will come from the state budget and financial donations (if any).
3.2. The central budget shall allocate funds for implementing tasks and solutions assigned to ministries and central branches and agencies and for providing special-use assessment equipment and facilities for local judicial assessment organizations.
Annually, ministries and central branches and agencies shall make fund estimates for implementing assigned tasks and solutions according to the schedule specified in this Scheme and send them to competent agencies for appraisal and assignment under regulations.
Funds for implementing tasks and solutions specified at Points 1.1, 1.2, 1.7, 2.1.1, 2.1.2, 2.1.3, 2.2.1, 2.2.4, 2.2.5, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 5.1, 5.4, 6.1, 6.4, 7.1, 7.2, 7.3 and 7.4, Part IV of this Scheme are estimated at VND 16,230,000.000 (sixteen billion, two hundred and thirty million), which shall be allocated according to the annual schedule of tasks (in the attached Appendix, not printed herein).
Funds for implementing other tasks and solutions under the Scheme shall be allocated under annual estimates in accordance with the State Budget Law.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.4. Contributions of domestic and foreign individuals and organizations will be mobilized for the Scheme's implementation.
Annually, the Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for. and coordinate with ministries, branches and localities in. reviewing the tasks performed and draw experience lessons for further implementing solutions to attain the objectives set in the Scheme.-
FOR
THE PRIME MINISTER
DEPUTY MINISTER
Truong Vinh Trong
;
Quyết định 258/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 258/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Trương Vĩnh Trọng |
Ngày ban hành: | 11/02/2010 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 258/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video