THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 363-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC THƯ TỪ BẠN ĐỌC HOẶC THƯ THÍNH GIẢ GỬI CHO CÁC BÁO VÀ ĐÀI PHÁT THANH
Báo chí của Đảng, đoàn thể là tiếng nói của Đảng, đoàn thể, đồng thời là tiếng nói của nhân dân.
Thư bạn đọc gửi cho báo, thư thính giả gửi cho đài phát thanh là hình thức để công dân thực hiện quyền làm chủ tập thể trong thực hiện quyền làm chủ tập thể trong việc tham gia quản lý và giám sát, kiểm tra các hoạt động của cơ quan và cán bộ, nhân viên Nhà nước. Nghị quyết số 60-NQ ngày 8/12/1958 của Bộ chính trị trung ương Đảng và chỉ thị số 197-CT/TƯ ngày 13/3/1972 của Ban bí thư trung ương Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phê bình, tự phê bình trên báo chí. Điều 23 của nghị định số 217-CP ngày 8/6/1979 của Hội đồng Chính phủ đã quy định các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng, xem xét, giải quyết và trả lời nghiêm túc các ý kiến của nhân dân gửi qua các đoàn thể, các cơ quan báo chí hoặc đài phát thanh.
Gần đây, các cơ quan báo chí, đài phát thanh đã nhận được nhiều thư khiếu nại hoặc tố giác những cán bộ, nhân viên của các cấp, các ngành vi phạm chính sách, luật pháp, xâm phạm hoặc làm lãng phí tài sản của Nhà nước, vi phạm quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số vụ được cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết tương đối tốt, được quần chúng hoan nghênh. Qua thư bạn đọc và bạn nghe đài, các báo và đài đã phản ánh được tình hình và nguyện vọng của nhân dân lên các cấp lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đồng thời góp phần biểu dương, khuyến khích người tốt, việc tốt, phê phán ngăn chặn những việc làm sai trái.
Song ở nhiều nơi có tình trạng không tiếp thu phê bình hoặc tiếp thu chiếu lệ, người có trách nhiệm chỉ xem xét qua loa hoặc bỏ qua không xem xét việc nhân dân khiếu tố, khiếu nại; có trường hợp thư của người khiếu tố lại bị chuyển đến tay kẻ bị khiếu tố xem xét và đã trù dập hoặc gây khó khăn cho người khiếu tố, khiếu nại. Một số vụ việc được phản ánh lên báo đài, chẳng cơ quan có trách nhiệm trực tiếp không chịu giải quyết, mà cơ quan quản lý ngành ở cấp trên, kể cả ở cơ quan trung ương, cũng không kiểm tra, đôn đốc giải quyết, hoặc không có thái độ nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm để chỉ đạo các cơ quan cấp dưới. Cũng có trường hợp các ngành không muốn báo chí công khai phê bình những việc làm sai, những thói hư tật xấu của cán bộ, nhân viên của ngành mình.
Để chấm dứt tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các báo chí và đài phát thanh, truyền thanh, khi nhận được thư bạn đọc phê bình, khiếu nại về những hiện tượng làm sai luật pháp và chế độ chính sách của Nhà nước, đều có quyền điều tra, chất vấn, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm làm sáng tỏ hoặc giải quyết các vấn đề bạn đọc và bạn nghe đài nêu lên. Với sự hướng dẫn của Ban tuyên huấn trung ương và các tỉnh, thành phố, sau khi xác minh sự việc, các ban biên tập báo và đài có thể chủ động quyết định việc đăng công khai các vấn đề bạn đọc gửi báo và đài phát thanh, truyền thanh để đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, ủng hộ những việc làm tốt của quần chúng và các cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan báo và đài phát thanh , truyền thanh có quyền không nêu tên người viết thư hoặc bài đăng báo để bảo vệ họ. Cần bảo đảm những sự việc nêu trên báo, đài là đúng sự thật, giữ gìn bí mật Nhà nước và không để cho kẻ xấu lợi dụng, vu cáo…
2. Sau khi nhận được các báo cáo, thư tố giác, thư bạn đọc mà các báo chí phản ảnh về việc cán bộ, nhân viên vi phạm luật lệ, chính sách, chế độ của Nhà nước, người thủ trưởng cơ quan quản lý các công việc được nêu tên hoặc quản lý cán bộ, nhân viên phải đứng trên tinh thần thi hành nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và luật pháp Nhà nước mà xem xét ngay và trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày phải xử lý và trả lời người đã báo cáo hoặc trả lời các báo, đài đã chuyển thư bạn đọc, thư thính giả đến cơ quan mình.
Gặp trường hợp phải điều tra thêm thì trong thời hạn 30 ngày nói trên người phụ trách phải thông báo cho người đã báo cáo biết và thời hạn trả lời không được chậm quá 3 tháng, kể từ ngày nhận được báo cáo. Trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm không xem xét, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng những vấn đề đặt ra thì cơ quan báo, đài có quyền nhắc nhở, và nếu cần thì báo cáo cơ quan quản lý hoặc cơ quan lãnh đạo cấp trên hoặc tiếp tục phê bình công khai trên báo, đài. Chính phủ nghiêm cấm mọi hành động trả thù người viết thư báo, đài, làm cản trở công việc điều tra, xác minh của các phóng viên, mọi thái độ thiếu trách nhiệm đối với những việc làm sai trái hoặc dung túng, bao che người có lỗi.
3. Mọi cơ quan hoặc cá nhân bị phê bình, chất vấn trên báo, đài đều có trách nhiệm tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm, và có quyền thanh minh những điều bị dư luận hiểu lầm, cải chính những điều không đúng sự thật.
4. Thủ trưởng các cơ quan quản lý các ngành ở trung ương và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khi thấy báo chí đăng những việc thuộc ngành mình, địa phương mình thì phải kiểm tra xác minh công việc xảy ra, đồng thời phải đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan cấp dưới, xử lý các việc sai trái. Trong trường hợp bạn đọc hoặc bạn nghe đài yêu cầu thì thủ trưởng cơ quan ban quản lý ngành ở trung ương hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải trả lời cho nhân dân, cho cơ quan báo hoặc đài phát thanh. Cơ quan quản lý cấp trên phải rút kinh nghiệm chấn chỉnh công tác quản lý của cấp mình và tìm cách ngăn chặn các việc làm sai diễn lại ở các nơi khác.
5. Các cơ quan thanh tra Nhà nước, các ban thanh tra của công nhân, ban thanh tra nhân dân khi thấy báo, đài phát thanh đưa tin về hành động sai trái của cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào, thì trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm và có quyền đôn đốc nhắc nhở các cơ quan có liên quan xem xét giải quyết, hoặc trực tiếp tổ chức việc xem xét giải quyết. Nếu đã nhắc nhở mà cơ quan có liên quan không giải quyết thì có quyền báo cáo với cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý ngành cấp trên để can thiệp giải quyết.
Văn phòng Thủ tướng có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ nắm tình hình dư luận nhân dân phản ảnh qua các báo, đài phát thanh và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện đúng chỉ thị này.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước và nhân dân.
|
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 363-TTg năm 1979 về giải quyết các thư từ bạn đọc hoặc thư thính giả gửi cho các báo và đài phát thanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 363-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Lê Thanh Nghị |
Ngày ban hành: | 13/11/1979 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 363-TTg năm 1979 về giải quyết các thư từ bạn đọc hoặc thư thính giả gửi cho các báo và đài phát thanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video