Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/VBHN-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN CÔNG BỐ DỊCH, CÔNG BỐ HẾT DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2023.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.[1]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định điều kiện, trình tự công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 2. Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm

1. Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

2. Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C:

a) Một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất;

b) Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên;

c) Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Điều 3. Trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A

1. Ngay sau khi nhận được thông tin về người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, cơ quan được Bộ Y tế chỉ định thực hiện việc điều tra xác minh (sau đây gọi tắt là cơ quan xác minh dịch).

2. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi xác định có người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ quan xác minh dịch có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế nơi có dịch xảy ra đồng thời báo cáo Bộ Y tế.

3. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan xác minh dịch, Sở Y tế nơi có dịch xảy ra có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của Sở Y tế nơi có dịch xảy ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế:

a) Công bố dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Thông báo trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của cơ quan xác minh dịch đối với trường hợp người nhập cảnh Việt Nam được xác định mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố dịch đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Điều 4. Trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nhóm C

1. Ngay sau khi nhận được thông tin người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế tại nơi người mắc bệnh truyền nhiễm cư trú trong thời gian ủ bệnh quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này có trách nhiệm tổ chức điều tra xác minh dịch.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xác định có dịch, Sở Y tế nơi có dịch xảy ra có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi xảy ra dịch có trách nhiệm xem xét, quyết định việc công bố dịch nhóm B và nhóm C theo thẩm quyền.

4. Trường hợp có từ hai tỉnh trở lên đã công bố cùng một dịch bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này trong khoảng thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm công bố dịch theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 5. Điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

1. Ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Sau khoảng thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, Sở Y tế báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định:

a) Công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;

b) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định công bố hết dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định:

a) Công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi xảy ra dịch;

b) Công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi các tỉnh đã công bố hết dịch;

c) Xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với trường hợp dịch mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch.

Điều 6. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định này trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo Sở Y tế thực hiện việc thống kê, quản lý và báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm hàng tháng, hàng năm trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế

1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định này trên phạm vi cả nước.

2. Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh thuộc nhóm A và các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nhóm C không quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, căn cứ đặc điểm dịch tễ học hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế xác định khoảng thời gian nhất định không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung danh mục quy định thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 8. Hiệu lực thi hành[2]

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2016.

2. Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng Thông tin
điện tử Chính phủ);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH THỜI GIAN Ủ BỆNH TRUNG BÌNH VÀ THỜI GIAN KHÔNG PHÁT HIỆN THÊM TRƯỜNG HỢP MẮC BỆNH TRUYỀN NHIỄM LÀM CĂN CỨ ĐỂ CÔNG BỐ HẾT DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên bệnh truyền nhiễm

Nhóm

Thời gian ủ bệnh trung bình (ngày)

Thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới (ngày)

1

Bệnh bại liệt

A

18

35

2

Bệnh cúm A-H5N1

A

11

21

3

Bệnh cúm A-H7N9

A

11

21

4

Bệnh dịch hạch

A

7

14

5

Bệnh đậu mùa

A

14

28

6

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg)

A

11

21

7

Bệnh sốt Tây sông Nin (Nile)

A

9

17

8

Bệnh sốt vàng

A

7

14

9

Bệnh tả

A

4

7

10

Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV)

A

14

28

11

Bệnh bạch hầu

B

7

14

12

Bệnh ho gà

B

14

28

13

Bệnh lỵ trực trùng

B

4

7

14

Bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue)

B

7

14

15

Bệnh sốt rét

B

18

35

16

Bệnh sởi

B

11

21

17

Bệnh tay-chân-miệng

B

7

14

18

Bệnh than

B

30

60

19

Bệnh thương hàn

B

30

60

20

Bệnh ru-bê-ôn (Rubeon)

B

14

28

21

Bệnh viêm gan vi rút (Viêm gan A)

B

30

60

22

Bệnh viêm màng não do não mô cầu

B

7

14

23

Bệnh viêm não vi rút

B

11

21

24

Bệnh xoắn khuẩn vàng da

B

11

21

25

Bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota)

B

4

7

26

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta)

C

11

21

27

Bệnh COVID-19[3]

B

4

8

 



[1] Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm:”

[2] Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg Sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2023 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 10 năm 2023.

2. Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.”

[3] Số thứ tự tại Phụ lục được bổ sung theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2023.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Văn bản hợp nhất 15/VBHN-BYT năm 2023 hợp nhất Quyết định quy định về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu: 15/VBHN-BYT
Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Y tế
Người ký: Nguyễn Thị Liên Hương
Ngày ban hành: 20/11/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [2]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Văn bản hợp nhất 15/VBHN-BYT năm 2023 hợp nhất Quyết định quy định về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…