Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/2012/TTLT-BTC-BYT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Thực hiện Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi áp dụng.

a) Thông tư này hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

b) Thông tư này không áp dụng đối với các nguồn kinh phí sau:

- Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, trừ trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với nguồn vốn này.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.

3. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân không sử dụng ngân sách nhà nước được vận dụng chế độ quy định tại Thông tư này để chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và do đơn vị tự bảo đảm kinh phí.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình.

1. Ngân sách trung ương:

a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình.

b) Bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để triển khai các Dự án của Chương trình (trừ các nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS; nhân viên tiếp cận cộng đồng (cộng tác viên) của Chương trình tại địa phương theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 1 Quyết định số 1202/QĐ-TTg. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 12, Điều 3 và gạch đầu dòng thứ nhất, điểm d, khoản 2, Điều 4 Thông tư này.

b) Thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ khác có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, huy động tối đa nguồn lực địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện các chế độ, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Điều 3. Nội dung và mức chi chung của Chương trình.

1. Chi xây dựng chương trình, giáo trình; viết, biên soạn và dịch tài liệu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống HIV/AIDS phục vụ Chương trình. Nội dung và mức chi cụ thể như sau:

a) Chi viết và biên soạn tài liệu thông thường: 75.000 đồng/trang chuẩn 350 từ;

b) Xây dựng tài liệu, chương trình, giáo trình cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn đào tạo: Nội dung và mức chi áp dụng đối với trường hợp xây dựng chương trình môn học, giáo trình cho các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;

c) Dịch tài liệu (bao gồm cả tiếng dân tộc): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2010/TT-BTC).

2. Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn triển khai nhiệm vụ, công tác phòng, chống HIV/AIDS; mít tinh, diễu hành nhân tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS, tháng cao điểm chiến dịch phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).

3. Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho người trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Chương trình và Quyết định số 1107/2009/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2015: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 139/2010/TT-BTC).

Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng kinh phí của Chương trình để hỗ trợ đối tượng là tình nguyện viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước một số nội dung chi sau:

- Chi phí đi lại từ nơi cư trú đến nơi học tập (một lượt đi và về);

- Chi hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ (trường hợp cơ sở đào tạo không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho học viên mà phải đi thuê);

- Hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền giải khát giữa giờ.

Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

4. Chi hợp tác quốc tế, học tập trao đổi kinh nghiệm quốc tế về công tác phòng, chống HIV/AIDS liên quan đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Thông tư số 01/2010/TT-BTC.

5. Chi mua, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối: thuốc, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hoá chất, vật tư tiêu hao, dụng cụ và trang thiết bị khác (sau đây gọi tắt là hàng hoá) dùng cho hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả hoạt động ngoại kiểm (EAQ) và nội kiểm (IQC) cho các xét nghiệm huyết thanh học, đo tải lượng vi rút, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ em, xét nghiệm CD4 thuộc Chương trình, bảo đảm phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. Số lượng, tiêu chuẩn, định mức hàng hoá thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

6. Chi phí hủy bơm kim tiêm đã qua sử dụng; hủy bơm kim tiêm, bao cao su, thuốc, mẫu bệnh phẩm, sinh phẩm, vật tư hóa chất hết hạn sử dụng từ nguồn Chương trình. Mức chi căn cứ hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.

7. Chi hỗ trợ vận chuyển mẫu xét nghiệm từ nơi lấy mẫu về cơ sở thực hiện xét nghiệm để phục vụ hoạt động chuyên môn của từng dự án. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc phân vùng chuyển mẫu.

a) Trường hợp vận chuyển bằng các phương tiện vận chuyển đường bộ: Mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Nếu có nhiều hơn một mẫu bệnh phẩm cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán cũng chỉ được tính như đối với vận chuyển một mẫu;

b) Trường hợp vận chuyển theo đường bưu điện: Mức hỗ trợ theo giá cước dịch vụ bưu chính hiện hành;

c) Trường hợp vận chuyển tại các địa bàn đi lại khó khăn (vùng núi cao, biên giới, hải đảo): Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi dự toán được giao.

8. Chi duy tu, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ kho chứa thuốc, sinh phẩm, mẫu bệnh phẩm, hóa chất phục vụ hoạt động chuyên môn của Chương trình.

9. Chi điều tra, thống kê về HIV/AIDS thuộc nội dung chuyên môn của từng dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/2/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê. Trường hợp thực hiện các cuộc Tổng điều tra thống kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2012/TT-BTC ngày 09/4/2012 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc Tổng điều tra thống kê do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

10. Chi nghiên cứu khoa học gắn với nội dung của Chương trình theo đề cương nghiên cứu được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

11. Chi thuê chuyên gia trong nước: Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động của Chương trình và dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình quyết định việc thuê chuyên gia trong nước theo hình thức ký "Hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm". Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC.

12. Chi phụ cấp cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã):

a) Đối với xã trọng điểm về HIV/AIDS: 400.000 đồng/xã/tháng.

b) Đối với các xã còn lại: 200.000 đồng/xã/tháng.

Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng, thành phần và mức chi cụ thể cho từng đối tượng phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Giám đốc Sở Y tế công bố danh sách các xã trọng điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để làm cơ sở pháp lý cho việc điều hành, giám sát chi tiêu của Chương trình.

13. Chi hỗ trợ công tác quản lý về HIV/AIDS ở cấp xã (bao gồm: giao ban, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, báo cáo): 1.200.000 đồng/xã/năm.

14. Chi công tác kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình, giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, giám sát HIV kháng thuốc, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật tại các tuyến và hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn của từng dự án: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

Đối với đoàn công tác kiểm tra, giám sát đánh giá liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.

15. Chi tham quan, học tập mô hình phòng, chống HIV/AIDS giữa các địa phương: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

16. Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn Luật.

Điều 4. Nội dung và mức chi đặc thù của từng dự án

1. Dự án Thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS.

a) Chi tuyên truyền, phổ biến kiến thức chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS do cấp có thẩm quyền phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí):

- Chi sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình theo hình thức hợp đồng với đơn vị tuyên truyền hoặc cơ quan thông tin đại chúng;

- Chi mua, sản xuất, nhân bản và phát hành các ấn phẩm truyền thông.

Việc lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông do Thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ truyền thông quyết định trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao và thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

b) Chi tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS trực tiếp tại cộng đồng, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS:

- Truyền thanh tại cộng đồng (hỗ trợ biên tập và phát thanh): Mức chi biên tập 75.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh viên 15.000 đồng/lần;

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề:

+ Bồi dưỡng báo cáo viên: 200.000 đồng/người/buổi;

+ Chi nước uống cho người tham dự: 10.000 đồng/người/buổi;

+ Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài (nếu có): Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hoá đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ);

- Làm mới, sửa chữa pa nô, áp phích, khẩu hiệu: Mức chi căn cứ theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp.

c) Chi hỗ trợ hoạt động của các đội tuyên truyền lưu động trong các đợt mít tinh, diễu hành, chiến dịch tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng:

- Chi phí xăng xe hoặc thuê phương tiện, ảnh tư liệu và các hoạt động khác: Mức chi theo thực tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Chi hỗ trợ cho những người trực tiếp tham gia: Mức chi 50.000 đồng/người/buổi.

d) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm:

- Biên soạn đề thi và đáp án (nếu có), quy chế cuộc thi: Mức chi tối đa 500.000 đồng/bộ đề thi hoặc quy chế cuộc thi;

- Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: Mức chi tối đa 300.000 đồng/người/ngày;

- Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức, Ban thư ký cuộc thi: Mức chi tối đa 200.000 đồng/người/ngày;

- Chi giải thưởng: Giải tập thể từ 500.000 đồng đến 4.000.000 đồng/giải thưởng; giải cá nhân từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/giải thưởng;

Căn cứ dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể tùy theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở) trong khung mức chi nêu trên;

- Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi được sử dụng kinh phí của Chương trình để hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn, thuê phòng nghỉ cho người dự thi ở xa nơi tổ chức. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC;

- Các khoản chi khác phục vụ cuộc thi (nếu có) như: thuê hội trường, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang trí; bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình (MC); văn phòng phẩm; xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển. Mức chi căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt, hợp đồng, hoá đơn và các chứng từ chi tiêu hợp pháp. Trường hợp chưa có quy định mức chi, Thủ trưởng cơ quan tổ chức cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán được giao.

đ) Hỗ trợ các buổi biểu diễn văn nghệ để cổ động, tuyên truyền cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức quyết định mức hỗ trợ trong phạm vi dự toán được giao.

2. Dự án giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.

a) Chi cho các hoạt động xét nghiệm:

- Chi xét nghiệm HIV, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI) phục vụ các hoạt động chuyên môn của Chương trình trong các đợt giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (gồm giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện, giám sát trọng điểm lồng ghép giám sát hành vi và các chỉ số sinh học) của các đối tượng bắt buộc phải xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật (bao gồm cả các đợt điều tra, phục vụ nghiên cứu).

Chủ nhiệm Chương trình ban hành danh mục các loại xét nghiệm cần thiết cho công tác giám sát dịch HIV/AIDS. Nội dung và mức chi bao gồm:

+ Chi phí xét nghiệm: Mức chi áp dụng theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; mức thu phí y tế dự phòng áp dụng đối với các cơ sở y tế dự phòng theo quy định hiện hành;

+ Chi bồi dưỡng người tổ chức và lấy mẫu máu xét nghiệm: 10.000 đồng/mẫu; người tổ chức và lấy mẫu bệnh phẩm ở đường sinh dục, hậu môn: 15.000 đồng/mẫu;

+ Chi bồi dưỡng cho người làm xét nghiệm: 5.000 đồng/mẫu.

- Chi hỗ trợ xét nghiệm tìm các chất ma túy trong máu, nước tiểu và các xét nghiệm thường quy khác theo quy định của Bộ Y tế cho người thuộc hộ gia đình nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mức chi áp dụng theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; mức thu phí y tế dự phòng áp dụng đối với các cơ sở y tế dự phòng theo quy định hiện hành.

b) Chi bồi dưỡng cán bộ y tế đi giám sát dịch tễ học 30.000 đồng/người/ngày đi giám sát (ngoài chế độ quy định tại khoản 14, Điều 3 Thông tư này).

c) Chi hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tư vấn cho đối tượng tự nguyện xét nghiệm HIV và đối tượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế:

- Trường hợp đi tư vấn tại cộng đồng: Được thanh toán chế độ công tác phí theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC và được bồi dưỡng theo đối tượng tư vấn với mức 10.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng;

- Trường hợp tư vấn tại các cơ sở xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: Mức bồi dưỡng 10.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn, nhưng tối đa không quá 500.000 đồng/người/tháng, không quá 2 người/1 cơ sở. Riêng đối với cơ sở xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có số bệnh nhân đến tư vấn trên 200 người/tháng thì tối đa không quá 3 cán bộ tư vấn/cơ sở.

d) Chi triển khai thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt:

- Chi phụ cấp cho nhân viên tiếp cận cộng đồng đã được cấp thẻ: 500.000 đồng/người/tháng.

Giám đốc Sở Y tế quyết định số lượng nhân viên tiếp cận cộng đồng phù hợp với thực tế của địa phương.

Trường hợp nhân viên tiếp cận cộng đồng đã được hưởng chế độ thù lao từ các nguồn kinh phí khác thì không được hưởng chế độ thù lao từ nguồn kinh phí Chương trình và ngược lại.

- Chi hỗ trợ hoạt động của nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng (số lượng nhóm, số lượng thành viên do Giám đốc Sở Y tế quyết định phù hợp với thực tế của địa phương), bao gồm:

+ Hỗ trợ sinh hoạt nhóm hàng tháng: 10.000 đồng/thành viên/tháng, nhưng tối đa không quá 1.200.000 đồng/nhóm/năm;

+ Hỗ trợ trang thiết bị truyền thông, đồng phục, dụng cụ tiêu hao cho hoạt động của nhóm (hộp đựng bơm kim tiêm bẩn, kẹp nhặt bơm kim tiêm, găng tay, ủng) theo định mức quy định của Giám đốc Sở Y tế;

+ Chi thăm hỏi khi thành viên trong nhóm bị ốm đau: 50.000 đồng/lần, tối đa 3 lần/năm;

+ Trợ cấp một lần đối với thành viên có nhiều thành tích đóng góp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn: 200.000 đồng/thành viên.

3. Dự án Hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

a) Hỗ trợ điều trị HIV/AIDS:

- Người bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp, rủi ro của kỹ thuật y tế, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trừ đối tượng đã được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế hoặc được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác) được hỗ trợ:

+ Chi phí thực hiện các xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế phục vụ công tác điều trị. Mức chi áp dụng theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; mức thu phí y tế dự phòng áp dụng đối với các cơ sở y tế dự phòng theo quy định hiện hành;

+ Chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV đang được chăm sóc, điều trị tại gia đình, cộng đồng. Mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/năm.

- Người nhiễm HIV trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam: Hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội theo quy định tại Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg ngày 28/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam và các văn bản hướng dẫn Quyết định.

b) Hỗ trợ nhóm tình nguyện viên tham gia chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV tại cộng đồng ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: 350.000 đồng/người/tháng. Giám đốc Sở Y tế quyết định thành lập nhóm, số lượng tình nguyện viên tùy theo số lượng người nhiễm HIV/AIDS cần được chăm sóc, điều trị trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn nhiệm vụ, quy chế hoạt động của nhóm.

c) Hỗ trợ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Chi xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV, trẻ em dưới 18 tháng tuổi sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV/AIDS. Mức chi áp dụng theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; mức thu phí y tế dự phòng áp dụng đối với các cơ sở y tế dự phòng theo quy định hiện hành.

d) Người nhiễm HIV tử vong bị bỏ rơi hoặc không xác định được thân nhân được hỗ trợ chi phí mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ bảo đảm theo đúng quy định về chuyên môn y tế của việc mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người nhiễm HIV bị chết.

đ) Chi hỗ trợ Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS theo Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

4. Dự án Tăng cường năng lực các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS:

Việc xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2011-2015.

Điều 5. Lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán

1. Việc lập, phân bổ dự toán Chương trình thực hiện theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và cơ chế quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hàng năm, khi phân bổ dự toán Chương trình, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ cho các xã trọng điểm HIV/AIDS, các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thực hiện phân cấp cho các địa phương trong việc mua sắm hàng hoá phục vụ hoạt động của Chương trình. Trường hợp đặc biệt, các địa phương không có khả năng mua sắm hoặc cần mua sắm tập trung, Bộ Y tế trực tiếp thực hiện mua sắm và phân bổ bằng hiện vật cho các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tục bàn giao tài sản, hiện vật thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật. Việc mua sắm hàng hoá, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư xây dựng, Luật Dược, các văn bản hướng dẫn Luật và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Đối với hàng hoá, dịch vụ đặt hàng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Các cơ quan, đơn vị được phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo chế độ quy định. Đối với các hoạt động, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị được giao dự toán ký hợp đồng với các cơ quan, đơn vị khác thực hiện thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan, đơn vị được giao dự toán gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, báo cáo quyết toán kinh phí của cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng ký kết, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác. Các hoá đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan trực tiếp thực hiện hợp đồng lưu giữ theo quy định hiện hành.

Cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã ký kết, trực tiếp sử dụng kinh phí theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; lập báo cáo quyết toán số kinh phí được cấp theo quy định

gửi cơ quan, đơn vị ký hợp đồng (không tổng hợp vào báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị mình nhưng phải mở sổ kế toán riêng để theo dõi).

3. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng quý, năm, các Bộ, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chương trình (cả kinh phí và chỉ tiêu chuyên môn) theo quy định hiện hành.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2012.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ Khoa giáo văn xã, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Tài chính, Sở Y tế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Y tế;
- Cổng TTĐT Bộ Tài chính, Bộ Y tế;
- Lưu VT: Bộ Tài chính, Bộ Y tế (600 bản).

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư liên tịch 163/2012/TTLT-BTC-BYT quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu: 163/2012/TTLT-BTC-BYT
Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
Người ký: Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thanh Long
Ngày ban hành: 08/10/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [22]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư liên tịch 163/2012/TTLT-BTC-BYT quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [4]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…