BỘ
Y TẾ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 22-BYT/TT |
Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 1966 |
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN SỨC KHỎE ĐỂ LÀM CÔNG TÁC LẶN DƯỚI NƯỚC
Trong mấy năm qua, công tác lặn dưới nước đã được tiến hành nhiều và sau này sẽ ngày càng phát triển. Ngày 19 tháng 12 năm 1964 liên bộ Lao động – Y tế đã ra Thông tư số 19-TT/LB về chế độ làm việc, bồi dưỡng và bảo vệ sức khỏe cho thợ lặn nhằm cải tiến một bước việc bảo vệ sức khỏe thợ lặn. Nghị định số 24-CP ngày 13-3-1963 của Hội đồng Chính phủ đã quy định những điều kiện để xét tuyển dụng công nhân, viên chức vào các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, trong đó một điều kiện quan trọng chung cho tất cả mọi người là phải có đủ sức khỏe và đã đủ 18 tuổi.
Riêng trong công tác lặn dưới nước (có áo lặn hoặc chỉ có mặt nạ lặn) là một loại công tác đặc biệt nặng nhọc, cơ thể người công nhân thường xuyên phải chịu một áp lực lớn dưới nước, do đó mọi bệnh tật đều ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người thợ lặn trong khi lặn và có thể gây nguy cơ tai nạn nghiêm trọng, hoặc bệnh tật có thể trở thành nặng thêm.
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân làm công tác lặn, và đảm bảo khả năng phục vụ lâu dài của người thợ lặn, sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động, Tổng công đoàn, các Bộ Giao thông vận tải, Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Bộ y tế ra thông tư này quy định những tiêu chuẩn sức khỏe và chế độ khám sức khỏe để làm công tác lặn dưới nước cho các loại thợ lặn áo và lặn mặt nạ kể cả thợ học lặn.
I. TIÊU CHUẨN SỨC KHỎE ĐỂ LÀM CÔNG TÁC LẶN DƯỚI NƯỚC
Tiêu chuẩn sức khỏe để làm công tác lặn dưới nước gồm tiêu chuẩn để tuyển công nhân mới vào học nghề lặn và tiêu chuẩn để được tiếp tục làm nghề lặn đối với thợ lặn đang công tác.
Do điều kiện vật lý đặc biệt của công tác lặn nêu trên, người thợ lặn mới tuyển phải thật mạnh khỏe, không trẻ quá và không nhiều tuổi quá, và phải có thật đầy đủ điều kiện sức khỏe chung mới có thể tránh được mọi bất trắc, mọi tai nạn nguy hiểm cho tính mạng trong khi làm việc dưới nước.
Đối với thợ lặn đang công tác, tiêu chuẩn sức khỏe để được tiếp tục làm công tác lặn có thể châm chước trong một phạm vi rất nhỏ so với các tiêu chuẩn của công nhân mới vào nghề nhưng phải do Hội đồng giám định y khoa tỉnh quyết định cho từng trường hợp riêng biệt.
Những người thợ lặn, trong những đợt khám định kỳ hoặc do mắc bệnh đột xuất, xét thấy vĩnh viễn không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tiếp tục công tác lặn, phải ngừng ngay công tác lặn và được chuyển công tác khác thích hợp với điều kiện sức khỏe.
Tuổi tối đa để làm công tác lặn dưới nước là 45 tuổi. Quá 45 tuổi người thợ lặn phải thôi công tác lặn và được chuyển làm công tác khác trên mặt nước như huấn luyện, chỉ đạo kỹ thuật cho công tác lặn hoặc làm việc khác yêu cầu công tác và nguyện vọng của mình.
Tiêu chuẩn cụ thể như sau:
A. Tiêu chuẩn sức khỏe để tuyển công nhân mới vào làm công tác lặn (kể cả công nhân học nghề).
Không được tuyển những người như sau:
1. Phụ nữ,
2. Nam dưới 20 tuổi và trên 30 tuổi,
3. Chiều cao dưới 1m58,
Cân nặng dưới 47 kg,
Vòng ngực dưới 80 cm,
4. Đang mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh cấp tính.
5. Về bộ phận hô hấp: có tiền sử khái huyết – lao phổi dù đã ổn định – hen xuyễn – dãn phế nang – viêm phế quản kinh niên – dãn phế quản – các bệnh mãn tính khác về đường hô hấp.
6. Về bộ phận tiêu hóa và nội tạng: người béo bệu – sa ruột – gan to – lách to (số 2 trở lên) – loét dạ dày, hành tá tràng (có xác định bằng X quang), nôn ra máu, đau dạ dày do viêm kinh niên - kiết lỵ mãn tính – táo bón thường xuyên quá 2 ngày – các bệnh mãn tính về đường ruột, gan – đái đường - một bệnh – thoát vị bất kỳ ở chỗ nào trên cơ thể.
7. Về bộ phận tuần hoàn: bệnh tim dù nhẹ (tim đập nhanh, đập không đều, tim hay đánh trống ngực, dễ hồi hộp, cơn đau tim, bệnh van tim…) mạch nhanh trên 85, chậm dưới 50.
- Huyết áp tối đa trên 140 và dưới 100, tối thiểu trên 90 và dưới 50 - khoảng cách giữa tối đa và tối thiểu dưới 30.
- Viêm động mạch, tĩnh mạch - phồng động mạch, tĩnh mạch – dãn tĩnh mạch - hạ trĩ – hay chảy máu cam, đau đầu, hoa mắt - bệnh Raynaud - hội chứng chảy máu nhẹ hoặc nặng, chảy máu dưới da.
8. Về bộ phận tiết niệu: có an-buy-min thường xuyên trong nước tiểu – các bệnh về thận, về bàng quan mãn tính.
9. Về bộ phận tinh thần và thần kinh: động kinh và triệu chứng tương tự - các bệnh về tinh thần - nhức đầu thường xuyên – hay choáng váng – khó ngủ - phản xạ tay chân không bình thường – run chân tay - cử động chân tay không bình thường – tay cụt từ 1 ngón - cột sống có dị dạng (vẹo, lòi đĩa đệm…).
10. Về giác quan:
a) Mắt: đeo kính – có một mắt thị lực dưới 8/10 (do không đeo kính) - loạn sắc, quáng gà – lác - chột - sệ mi – đau mắt hột T1, T2, T3 – lông quặm – nhài quạt – chảy nước mắt thường xuyên do ống dẫn nước mắt bị tắc.
b) Tai: không nghe nói khẽ cách 0m50, nói to cách 5m - điếc một bên, 2 bên – viêm tai giữa bán cấp tính, mãn tính – Các thể viêm tai – xương chũm mãn tính - thủng màng tai các loại - tắc ống loa ốt-tát - rối loạn chức năng tiền đình và mê đạo.
c) Mũi họng: Viêm mũi, viêm xoang mũi mãn tính - thịt thừa ở mũi – mũi có dị hình - vẹo vách ngăn mũi ảnh hưởng đến hô hấp bằng mũi - thủng màng buồm – khâu cái – các loại viêm mãn tính của họng – các bệnh mãn tính (và cấp) của thanh quản, và có rối loạn thần kinh của thanh quản.
11. Da liễu: Chốc nhọt - hắc lào - bệnh dị ứng chàm (eczéma), mề-đay (urticaire) - bệnh xuất huyết dưới da (purpura) - bệnh thâm tím các đầu chi (acrocyanose) - bệnh ra mồ hôi bàn tay, bàn chân (hyperhydrose palmoplantaire) - lậu – giang mai – hủi.
12. Bệnh khác: Thấp khớp cấp (đang hoặc đã bị) – viêm khớp - thấp khớp kinh niên – răng hà chưa chữa, chưa hàn kín - mất 2 răng cửa ở một hàm (chưa lắp răng giả).
B. Tiêu chuẩn sức khỏe để được tiếp tục làm công tác lặn.
Không được tiếp tục lặn dưới nước nếu:
1. Quá 45 tuổi,
2. Thị lực: có một mắt dưới 7/10 (do không đeo kính);
3. Các bộ phận khác từ mục 4 đến 12 như tiêu chuẩn trên (phần A) và chỉ có thể châm chước trong một phạm vi rất nhỏ do Hội đồng giám định y khoa tỉnh quyết định cho từng trường hợp riêng biệt. Trường hợp vượt khả năng chuyên khoa của đại phương, Hội đồng giám định y khoa tỉnh chuyên lên Hội đồng giám định y khoa trung ương với đầy đủ hồ sơ để xét.
II. LỊCH KHÁM ĐỊNH KỲ VÀ TỔ CHỨC KHÁM TUYỂN VÀ KHÁM ĐỊNH KỲ
1. Công tác trước khi được tuyển vào làm công tác lặn hoặc học lặn, nhất thiết phải được khám sức khỏe thật kỹ và chỉ những người có đủ tiêu chuẩn sức khỏe mới được tuyển vào làm công tác lặn.
2. Sau 15 ngày kể từ khi bắt đầu lặn, thợ học lặn và thợ lặn mới tuyển phải được khám sức khỏe lại và phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe như quy định ở mục A phần I mới được tiếp tục lặn (xem mục B phần II Thông tư số 19-TT/LB).
3. Định kỳ 3 tháng một lần, tất cả những người thợ lặn (kể cả thợ lặn chính thức và thợ học lặn) đều phải được khám sức khỏe lại và phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe như quy định ở mục B phần I mới được tiếp tục lặn (xem mục B phần II Thông tư số 19-TT/LB).
4. Những người thợ lặn vì bất cứ lý do gì, phải ngừng công tác lặn quá 3 tháng, trước khi trở lại lặn, phải được khám sức khỏe lại và đảm bảo có đủ tiêu chuẩn sức khỏe như quy định ở mục B phần I mới được tiếp tục làm công tác lặn.
5. Việc khám tuyển và khám kiểm tra định kỳ do y sĩ hay bác sĩ của đơn vị hoặc y sĩ, bác sĩ phòng khám bệnh của bệnh xá, bệnh viện của ngành chủ quản hoặc của địa phương huyện, tỉnh (nếu đơn vị không có y sĩ và ngành chủ quản không có cơ sở khám bệnh) có trách nhiệm thực hiện. Đơn vị sử dụng người thợ lặn có trách nhiệm tổ chức việc khám sức khỏe hoặc gửi công nhân đi khám.
Các bệnh viện địa phương có trách nhiệm giúp khám tuyển và khám kiểm tra định kỳ về các chuyên khoa cần thiết.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng đặc biệt thấy có thể châm chước, đơn vị phải gửi lên Hội đồng giám định y khoa tỉnh để xét và kết luận. Trường hợp đặc biệt vượt khả năng chuyên khoa của địa phương, Hội đồng giám định y khoa tỉnh chuyển lên Hội đồng giám định y khoa trung ương với đầy đủ hồ sơ để xét.
6. Kết quả mỗi lần khám sức khỏe được ghi trong giấy chứng nhận sức khỏe và trong y bạ của người thợ lặn (ở phần khám định kỳ). Giấy chứng nhận sức khỏe phải làm theo mẫu, đúng theo 2 mục A và B phần I trên đây và làm thành 2 bản, một bản để vào hồ sơ y bạ của thợ lặn do y tế đơn vị giữ, một bản gửi lên bộ phận theo dõi công tác y tế của ngành chủ quản để giúp cho việc quản lý và theo dõi tình hình sức khỏe anh em thợ lặn.
Bộ Y tế đề nghị các ngành, các đơn vị sử dụng thợ lặn thực hiện hết sức chặt chẽ những yêu cầu về khám tuyển mới và khám định kỳ đối với những người làm công tác lặn để bảo vệ sức khỏe và tính mạnh của họ, tránh những tai nạn và bệnh nặng đáng tiếc, bảo đảm cho người thợ lặn phục vụ lâu dài.
Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và các sở, ty y tế cần giúp đỡ và đôn đốc kiểm tra chặt chẽ các đơn vị có sử dụng thợ lặn trong việc thi hành thông tư này.
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ |
Thông tư 22-BYT/TT-1966 quy định tiêu chuẩn sức khỏe để làm công tác lặn dưới nước do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 22-BYT/TT |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Nguyễn Văn Tín |
Ngày ban hành: | 14/09/1966 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 22-BYT/TT-1966 quy định tiêu chuẩn sức khỏe để làm công tác lặn dưới nước do Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video