ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2002/QĐ.UB |
Cần Thơ, ngày 07 tháng 05 năm 2002 |
V/V PHÊ DUYỆT "CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2001-2010"CỦA TỈNH CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 06 năm 1994;
Căn cứ Quyết định 62/2000/QĐ-TTg ngày 06/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cần Thơ từ nay đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ X (nhiệm kỳ 2001-2005);
Căn cứ Biên bản họp Hội đồng nghiệm thu "Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010";
Xét đề nghị của Chủ nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ tại Tờ trình số 245/TTr.DSGĐTE ngày 18/04/2002,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt "Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010" của tỉnh Cần Thơ với những nội dung chủ yếu sau đây:
1/- Tên Chiến lược: Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010" của tỉnh Cần Thơ.
2/- Cơ quan quản lý: ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ
Mục tiêu 1: Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân toàn tỉnh trước năm 2005 để qui mô, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2001- 2010.
Mục tiêu 2: Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình tiên tiến của thế giới vào năm 2010.
* Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt:
STT |
Các chỉ tiêu chủ yếu |
2005 |
2010 |
|
Các chỉ tiêu dân số |
|
|
1 |
Qui mô dân số (người) |
1.946.542 |
2.065.559 |
2 |
Tổng tỷ suất sinh TFR (số con trung bình) |
1,87 |
1,79 |
3 |
Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên (NIR, %0) |
11,58 |
10,63 |
4 |
Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai (%) |
82,40 |
85,65 |
5 |
Chỉ số phát triển con người HDI (điểm) |
0,700 |
0,750 |
6 |
Quản lý dân cư bằng Hệ CSDLQGDC (%) |
80 |
95 |
7 |
GDP bình quân/người/năm (USD) |
550 |
800 |
8 |
Tỷ lệ hộ nghèo (%) (theo tiêu chí năm 2000) |
4 - 5 |
cơ bản xoá |
9 |
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi (%) |
23,5 |
20 |
10 |
Tỷ lệ nạo phá thai/100 trẻ đẻ sống (%) |
40 |
25 |
4.1/- Công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Góp phần quyết định để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
4.2/- Thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm việc điều hòa quan hệ giữa số lượng với chất lượng dân số, giữa phát triển dân số với phát triển nguồn nhân lực, giữa phân bố và di chuyển dân cư với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số; chú trọng ưu tiên cho các xã vùng nông thôn sâu, vùng có nhiều người dân tộc Khmer, vùng có mức sinh con cao để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số và nâng cao mức sống của nhân dân.
4.3/- Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp rất cao. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác dân số, đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng.
4.4/- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chuyển đổi nhận thức và hành vi về dân số và phát triển, kết hợp việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) có chất lượng cao để người dân có đủ điều kiện quyết định và thực hiện quyền về sức khỏe sinh sản. Tăng cường vai trò của gia đình khỏe mạnh, tiến tới ổn định qui mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
5/- Chiến lược Dân số được thực hiện theo 2 giai đoạn :
* Giai đoạn 1 (2001 - 2005) :
Tập trung mọi nỗ lực duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, đặc biệt là tập trung vào những vùng có mức sinh còn cao nhằm giữ vững mức sinh thay thế bình quân trong toàn tỉnh từ nay đến năm 2005. Bước đầu triển khai mô hình và giải pháp thí điểm về nâng cao chất lượng dân số. Tập trung các hoạt động truyền thông để chuyển đổi hành vi sinh sản và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ ở vùng nông thôn sâu, xa, vùng có nhiều người dân tộc, chủ yếu bằng triển khai các chiến dịch truyền thông lồng ghép. Hoàn thiện việc thí điểm và triển khai mở rộng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi tỉnh.
* Giai đoạn 2 (2006 - 2010) :
Thực hiện đồng bộ các nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm duy trì mức sinh thay thế bình quân toàn tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng các mô hình can thiệp và các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Kiện toàn Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư trên qui mô toàn tỉnh.
6.1/- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác dân số, phát huy cao nhất sự hợp tác tích cực giữa các cơ quan Ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội tham gia công tác dân số. Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức làm công tác dân số gia đình và trẻ em các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở để đảm bảo triển khai có hiệu quả chương trình dân số và phát triển.
6.2/- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, tạo sự chuyển đổi hành vi bền vững về dân số, SKSS/KHHGĐ trên cơ sở cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin với nội dung và hình thức phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Chú trọng hình thức tư vấn, đối thoại, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, thanh niên và người chưa thành niên. Thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc và thực hiện quyền về sức khỏe sinh sản. Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, vận động các đối tượng ở các xã nông thôn vùng sâu, xa của tỉnh. Mở rộng các hình thức giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục dân số trong và ngoài nhà trường.
6.3/- Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ với các nội dung và hình thức phù hợp trong khuôn khổ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiến tới thỏa mãn nhu cầu của người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, đặc biệt nạo hút thai ở người chưa thành niên, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
6.4/- Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về dân cư, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược và các chương trình dân số; đảm bảo lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số vào quá trình hoạch định chính sách, lập kế hoạch phát triển nhằm điều chỉnh sự phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ dân cư phù hợp với sự thay đổi của dân số.
6.5/- Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và thực hiện bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
6.6/- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác dân số, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tự nguyện, chủ động tham gia công tác dân số. Triển khai pháp lệnh và các chính sách dân số gắn với phát triển, tạo cơ sở pháp lý và động lực thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược Dân số và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác dân số.
6.7/- Phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có. Trên cơ sở nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ, ngân sách tỉnh và các địa phương đảm bảo kinh phí cho nhu cầu các hoạt động của chương trình dân số. Phấn đấu tổng mức đầu tư cho công tác dân số trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người là 5.760.000 đồng vào năm 2005 và 9.530.000 đồng vào năm 2010 (tương đương 0,6 USD/người/năm).
6.8/- Đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu. Trên cơ sở quy hoạch, tiến hành đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đáp ứng yêu cầu triển khai Chiến lược. Xúc tiến các nghiên cứu khoa học và đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiển cho triển khai Chiến lược Dân số của tỉnh nhằm đảm bảo tính khoa học của Chiến lược.
1/- Các Chương trình hành động của Chiến lược:
1.1/- Chương trình nâng cao năng lực quản lý đội ngũ cán bộ làm công tác dân số giai đoạn 2001-2010.
Cơ quan chủ trì: ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ.
Cơ quan phối hợp: Trường Chính trị tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế.
1.2/- Chương trình Truyền thông giáo dục thay đổi hành vi giai đoạn 2001-2005.
Cơ quan chủ trì: ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ.
Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hóa - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng, UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể.
1.3/- Chương trình Chăm sóc SKSS/KHHGĐ giai đoạn 2001-2010:
Cơ quan chủ trì : Sở Y tế
Cơ quan phối hợp: ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ, Hội KHHGĐ tỉnh
1.4/- Chương trình Nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu về dân cư giai đoạn 2001-2010:
Cơ quan chủ trì ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ.
Cơ quan phối hợp: Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Cục Thống kê, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá.
1.5/- Chương trình Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chất lượng dân số:
Cơ quan chủ trì : ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ.
Cơ quan phối hợp: Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Sở Y tế.
1.6/- Chương trình Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững thông qua hoạt động tín dụng - tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình giai đoạn 2001-2010.
Cơ quan chủ trì: ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ.
Cơ quan phối hợp: Ngân hàng nhà nước Việt nam tỉnh Cần Thơ, Ngân hàng phát triển Nông nghiệp tỉnh Cần Thơ, Ngân hàng người nghèo tỉnh Cần Thơ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cần Thơ.
1.7/- Chương trình Tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2001-2005.
Cơ quan chủ trì: ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Cần Thơ.
Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy ban MTTQ tỉnh Cần Thơ và các đoàn thể.
2/- Nhiệm vụ của các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội :
2.1/- Giao Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và cụ thể hoá các chương trình mục tiêu của Chiến lược Dân số tỉnh giai đoạn 2001 - 2010; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung Chiến lược này trong toàn ngành; phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính - Vật giá, các ngành có liên quan, MTTQ, các đoàn thể, các Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện cùng tiến hành thực hiện các mục tiêu và cụ thể hóa Chiến lược thành chương trình, dự án theo tình hình thực tế từng vùng, từng địa phương và từng bước thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo đúng trình tự quy định. Đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược Dân số trên phạm vi toàn tỉnh.
2.2/- Giao Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện Chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ; kiện toàn màng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến tận xã, phường; tổ chức việc đào tạo và bồi dưỡng kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ về SKSS/KHHGĐ; thực hiện và ứng dụng những nghiên cứu khoa học có liên quan; chủ trì việc xây dựng và thực hiện Chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ; phối hợp với Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh chủ trì việc thực hiện các Chương trình nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chất lượng dân số, tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
2.3/- Giao Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm lồng ghép các yếu tố dân số vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá bố trí các nguồn lực cho Chương trình Dân số. Theo dõi việc thực hiện và sử dụng các nguồn vốn trong nước cũng như viện trợ của nước ngoài nhằm đảm bảo các nguồn lực đầu tư cho chương trình được cân xứng với các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra.
2.4/- Giao Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư bố trí đủ ngân sách cho các kế hoạch hoạt động thực hiện Chiến lược Dân số hàng năm. Theo dõi kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách và các quy định tài chính hiện hành, kịp thời phát hiện uốn nắn hoặc đề xuất với UBND tỉnh xử lý các sai sót, đồng thời có trách nhiệm đề xuất với UBND tỉnh đảm bảo các nguồn lực đầu tư cho Chương trình Dân số được cân xứng với nhiệm vụ và các mục tiêu đã đề ra.
2.5/- Giao Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm đưa kiến thức có nội dung liên quan đến dân số vào giảng dạy trong nhà trường. Chỉ đạo cán bộ, công chức và giáo viên trong ngành thực hiện tốt chính sách dân số và chủ trương giảng dạy kiến thức dân số cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Phối hợp với Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục kiến thức dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính trong và ngoài nhà trường.
2.6/- Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tuyên truyền vận động dưới nhiều hình thức phong phú, có hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về dân số trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt cho nhân dân các vùng nông thôn sâu, xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc và tôn giáo. Huy động các phương tiện thông tin đại chúng và xây dựng các thiết chế văn hóa trên cơ sở phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách về dân số và phát triển. Lồng ghép chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các mục tiêu dân số trong cuộc vân động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".
2.7/- Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh và Giám đốc Sở Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, sử dụng và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nhất là sức khỏe cho lao động nữ; giải quyết các vấn đề về SKSS/KHHGĐ ở những cặp vợ chồng có nguy cơ cao về bệnh di truyền và nhiễm chất độc màu da cam; lồng ghép triển khai các nội dung dân số vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.
2.8/- Giao Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh và các Sở, Ban, ngành có liên quan trong việc triển khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách liên quan đến dân số và phát triển; tham mưu, đề xuất với tỉnh hoặc lên cấp trên những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến dân số và tổ chức đăng ký những biến động về dân cư.
2.9/- Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện Chương trình Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp thông tin dữ liệu về dân cư.. Tổ chức tốt công tác điều tra biến động dân số hàng năm nhằm phản ánh đúng tình hình phát triển dân số và tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có liên quan đến dân số, kịp thời trao đổi và cung cấp các thông tin về dân số cho ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh để có cơ sở đánh giá và xây dựng kế hoạch, chính sách dân số.
2.10/- Giao Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dân số, SKSS/KHHGĐ nhằm phục vụ chỉ đạo thực hiện Chiến lược Dân số; xây dựng kế hoạch và thực hiện các chính sách gắn việc phân bổ dân cư với việc bảo vệ môi trường sinh thái.
2.11/- Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện: phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các chương trình và lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn có liên quan đến công tác dân số, đưa chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xét thi đua hàng năm; tăng cường và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác DSKHHGĐ ở cơ sở; định kỳ báo cáo về UBND tỉnh và cơ quan ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh về tình hình thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010.
2.12/- Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tham gia thực hiện và giám sát Chiến lược dân số ở các cấp.
2.13/- Các Sở, Ngành, Hội, Đoàn thể khác có trách nhiệm tham gia triển khai và thực hiện chiến lược trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.UBND TỈNH CẦN
THƠ |
Quyết định 63/2002/QĐ.UB phê duyệt "Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010" của tỉnh Cần Thơ
Số hiệu: | 63/2002/QĐ.UB |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cần Thơ |
Người ký: | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành: | 07/05/2002 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 63/2002/QĐ.UB phê duyệt "Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010" của tỉnh Cần Thơ
Chưa có Video