Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 5467/2003/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ"

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 2102/QĐ-BKHCNMT của Bộ trưởng Bộ KHCNMT ký ngày 05/10/2001 về việc thành lập Hội đồng khoa học - công nghệ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước;
Xét biên bản của Hội đồng chuyên môn thẩm định "Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiệm ma tuý", ngày 19/9/2003;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Vụ trưởng vụ Điều trị - Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiêm ma tuý".

Điều 2. “Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý" được áp dụng trong tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, bán công, tư nhân, các cơ sở cai nghiện ma tuý có đủ điều trị theo quy định của bản hướng dẫn này.

Điều 3. Giao cho Bệnh viện Châm cứu tổ chức tập huấn "Phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện may tuý". Các đơn vị khác sẽ tổ chức tập huấn khi được Bộ Y tế chỉ định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 5. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ YHCT, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT, Vụ trưởng Vụ Điều trị Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Trần Chí Liêm

 

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG

PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5467 /2003/ QĐ-BYT, ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

A. PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ

I. TÁC DỤNG CỦA PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ:

Điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý, đối với người có cơn đói ma tuý là phương pháp không dùng thuốc của Y học cổ truyền (YHCT) bằng tác dụng bồi bổ nguyên khí, điều hoà ngũ tạng, thông khí huyết giúp người bệnh cắt cơn đói ma tuý.

Điện châm có tác dụng làm tăng hàm lượng β-endorphin: nếu điện châm đúng phương pháp (đúng thời điểm, đúng phác đồ, kích thích huyệt hợp lý) thì sau khi điện châm hàm lượng β-endorphin trong máu người bệnh tăng cao hơn so với ở giai đoạn tiền cơn và hàm lượng đó gần với hàm lượng β-endorphin trong máu của người bình thường, có nghĩa là làm tăng Morphin nội sinh trong cơ thể người nghiện nên có tác dụng hỗ trợ cắt cơn đói ma tuý.

II. CHỈ ĐỊNH:

Người bệnh nghiện ma tuý (Heroin, thuốc phiện, Moocphin...bằng các phương thức: hút, hít, chích), quyết tâm tự nguyện cai và chấp nhận điều trị hỗ trợ cai nghiện bằng phương pháp điện châm.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

Người bệnh có thời gian chảy máu kéo dài.

1. Bệnh tâm thần phân liệt.

2. Các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nặng.

3. Suy tim nặng (độ III, độ IV).

4. Phù thũng nặng do suy dinh dưỡng.

5. Suy gan, suy thận.

IV.QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN:

1. Cán bộ y tế: Bác sỹ, y sỹ YHCT, lương y có chứng nhận đã được bồi dưỡng,tập huấn về châm cứu, điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý.

2. Trang thiết bị dụng cụ:

2.1 Máy điện châm.

2.2 Khay, bông, cồn sát trùng, panh y tế đã được tiệt trùng.

2.3 Kim châm vô khuẩn các loại: kim đường kính 0,2- 0,3 mm, dài 5 -10cm

(mỗi bệnh nhân cần 200 - 400 kim châm cứu cho cả quá trình điều trị).

3. Người bệnh:

3.1 Được làm hồ sơ bệnh án:

- Nếu ở cơ sở khám chữa bệnh sử dụng mẫu bệnh án chung do Bộ Y tế ban hành

- Nếu ở cơ sở cai nghiện ma tuý hoặc cai nghiện ma tuý tại cộng đồng: sử dụng mẫu bệnh án ban hành kèm theo Thông tư Liên tịch số 01/2003/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 24 tháng 01 năm 2003 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

3.2 Được giải thích rõ về phương pháp điện châm điêù trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý và những yêu cầu thực hiện trong quá trình điều trị để phối hợp tốt với thầy thuốc.

4. Buồng điều trị:

Mỗi người bệnh cần có một buồng riêng trong quá trình điều trị cắt cơn.

5. Các bước tiến hành

5.1 Chọn thời điểm điện châm: điện châm trước khi người bệnh có trạng thái tiền cơn 15 - 20 phút (để cắt cơn)

5.2 Tư thế người bệnh: người bệnh nằm tư thế thuận lợi cho vị trí các huyệt được điện châm.

5.3 Sát khuẩn vùng châm kim.

5.4 Châm kim và kích thích huyệt theo từng thể bệnh theo phác đồ tại mục V. Kim châm chỉ dùng một lần,sau khi châm huỷ đi.

5.5 Kỹ thuật điện châm:

- Tần số xung từ 1-20 Hz (Hec)

A (microămpe) thích hợp vớiµ- Cường độ điện châm: từ 20-200 từng người bệnh (đạt tới độ mạnh nhất mà người bệnh chịu được nhưng không đau).

- Thời gian điện châm: Lưu kim châm từ 25-30 phút trong một lần điện châm.

5.6 Tắt máy, rút kim, sát khuẩn vùng kim châm.

6. Điều trị hỗ trợ cắt cơn:

6.1 Thời gian điều trị trung bình là 7 ngày.

6.2 Số lần điện châm trong 3 ngày đầu phụ thuộc vào số lần xuất hiện trạng thái tiền cơn của người bệnh. Từ ngày thứ 4 trở đi chỉ điện châm mỗi ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều).

7. Tai biến và xử lý: Thường gặp là vựng châm

7.1 Mức độ nhẹ:

a. Triệu chứng: bệnh nhân mệt, buồn nôn, chóng mặt, sắc mặt xanh, vã mồ hôi trán.

b. Xử lý: Lập tức cho người bệnh nhắm mắt, rút kim, cho người bệnh nằm nghỉ, day huyệt Nhân trung.

7.2 Mức độ nặng:

a. Triệu chứng: Người bệnh bất tỉnh, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh nhỏ khó bắt.

b. Xử lý: Lập tức tắt máy rút kim đặt người bệnh nằm nghỉ ở điều kiện thoáng khí, nới rộng cổ áo, châm huyệt Nhân trung, Thập tuyên; khi người bệnh tỉnh cho uống nước chè đường nóng.

8.Theo dõi:

Như những người bệnh điều trị bệnh khác bằng phương pháp điện châm.

9.Điều trị duy trì: Để duy trì hiệu quả điều trị thì phải điện châm tiếp tục 2 đến 3 tháng, mỗi tuần 3 lần; và có thể lâu hơn tuỳ theo tình trạng bệnh lý của người bệnh.

V. PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ:

1. Hội chứng Can - Đởm:

a. Triệu chứng: Người bệnh thèm ma tuý, hay cáu gắt, bứt rứt khó chịu, đau

đầu, mất ngủ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, tiểu tiện vàng, khát nước.

b. Mạch: Huyền, sác.

c. Phép điều trị: Bình can, giáng hoả, thông kinh hoạt lạc.

d. Thủ pháp - huyệt vị: Châm tả: Hành gian, Phong trì, Thái dương. Châm bổ: Thái khê, Thận du

2. Hội chứng Tỳ - vị:

a. Triệu chứng: Người bệnh thèm ma tuý, tăng tiết nước dãi,đau bụng đi ngoài (có khi đi ngoài ra máu), nôn hoặc nôn ra máu, miệng đắng hoặc chân tay mỏi nhức, ngáp, chảy nước mắt nhiều, rêu lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng.

b. Mạch: Hư nhược

c. Phép điều trị: Kiện tỳ, hoà vị.

d. Thủ pháp - huyệt vị: Châm tả: Hợp cốc, Thiên khu, Trung quản, Nội Quan

Châm bổ: Tam âm giao, Túc tam lý

3. Hội chứng Tâm - Tâm bào - Tiểu trường - Tam tiêu:

a. Triệu chứng: người bệnh thèm ma tuý, đau bụng, tức ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, bồn chồn, gai gai rét, khó ngủ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày.

b. Mạch: hồng,sác

c. Phép điều trị: Thanh tâm, an thần.

d. Thủ pháp - Huyệt vị: Châm tả: Hợp cốc, Nội quan, Khúc trì. Châm bổ : Thái Khê hoặc Thần Môn, Quan nguyên, Khí hải.

4. Hội chứng Thận - Bàng quang:

a. Triệu chứng: Người bệnh thèm ma tuý,đau lưng,mỏi xương khớp, nhức trong ống chân, trong cột sống (có dị cảm) di mộng tinh, liệt dương (nam giới) khí hư, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh (nữ giới), chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng.

b. Mạch: Trầm, nhược.

c. Phép điều trị: Bổ Thận, chỉ thống. d. Thủ pháp - huyệt vị:

Châm tả: Giáp tích L2 - L3 (Thận tích), Khúc trì, Thứ liêu

Châm bổ: Thận du, Tam âm giao

5. Hội chứng Phế - Đại trường:

a. Triệu chứng: Người bệnh thèm ma tuý, khó thở, tức ngực, bứt rứt, cảm giác nghẹt ở cổ, đau bụng, đại tiện táo; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, nứt nẻ.

b. Mạch: thực, sác

c. Phép điều trị: Thanh nhiệt, tuyên phế khí, thông kinh hoạt lạc.

d. Thủ pháp - huyệt vị:

Châm tả: Hợp cốc, Khúc Trì, Khí xá, Quyền liêu xuyên Nghinh hương. Châm bổ: Xích trạch, Túc tam lý.

B. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý có đủ điều kiện theo quy định tại mục

II. PHẦN B CỦA BẢN HƯỚNG DẪN NÀY

2. Khi áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý phải thực hiện theo đúng quy định tại mục A của bản hướng dẫn nàyvà các quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy chế bệnh viện do Bộ Y tế đã ban hành.

II. ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ:

1. Nơi điều trị cần đảm bảo người bệnh không giao tiếp được với các chất gây nghiện (gọi chung là ma tuý); đảm bảo các điều kiện ăn, ở, rèn luyện sức khoẻ cho người bệnh.

2. Có đầy đủ trang thiết bị để điều trị điện châm hỗ trợ cai nghiện ma tuý và các phương tiện, thuốc cấp cứu theo quy định.

3. Có thầy thuốc được tập huấn phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý ; có khả năng xử trí những trường hợp cấp cứu thường gặp và thực hiện theo đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật,quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.

4. Phải có đủ điều kiện để tự làm hoặc liên hệ với các cơ sở y tế khác để làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.

III. THỦ TỤC VÀ YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TUÝ BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM:

1.Thủ tục:

1.1 Người bệnh phải có đơn tự nguyện xin thực hiện phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý.

1.2 Đối với người bệnh là vị thành niên phải có đơn của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật.

1.3 Người bệnh được giải thích đầy đủ về quy trình điều trị và những điều phải thực hiện trong quá trình điều trị để phối hợp tốt với thầy thuốc.

2. Yêu cầu:

2.1 Người bệnh phải có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán trạng thái nghiện và hội chứng cai theo bảng phân loại bệnh Quốc tế ICD10 có ít nhất 3/13 triệu chứng

(trong đó phải có trạng thái thèm muốn mãnh liệt dùng chất ma tuý)

Hội chứng cai như sau:

- Thèm chất ma tuý;

- Chảy nước mắt nước nước mũi;

- Ngáp;

- Đau mỏi cơ khớp;

- Buồn nôn, nôn;

- Đồng tử giãn;

- Nổi da gà, toát mồ hôi;

- Mất ngủ;

- Đau bụng, ỉa chảy;

- Dị cảm;

- Tăng thân nhiệt;

- Mạch nhanh;

- Sút cân.

2.2 Nước tiểu của người bệnh được xét nghiệm xác định chất gây nghiện bằng test nhanh có kết quả dương tính.

2.3 Bản thân người bệnh và gia đình người bệnh phải kiên trì, hợp tác chặt chẽ với cán bộ y tế trong suốt quá trình điều trị.

3. Những trường hợp không nhận điều trị:

3.1 Không có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán trạng thái nghiện và hội chứng cai.

3.2 Không chấp hành nội quy của cơ sở điều trị.

3.3 Những trường hợp có chống chỉ định.”

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 5467/2003/QĐ-BYT ban hành "hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý" do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành

Số hiệu: 5467/2003/QĐ-BYT
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Y tế
Người ký: Trần Chí Liêm
Ngày ban hành: 21/10/2003
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 5467/2003/QĐ-BYT ban hành "hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý" do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…