Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4900/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI, TAY CHÂN MIỆNG, SỐT XUẤT HUYẾT VÀ MỘT SỐ BỆNH DỊCH MỚI NỔI NĂM 2014

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi năm 2014.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Website Bộ Y tế; website Cục QLKCB;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI, TAY CHÂN MIỆNG, SỐT XUẤT HUYẾT VÀ MỘT SỐ BỆNH DỊCH MỚI NỔI NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4900/QĐ-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2014)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 477/CĐ-TTg ngày 16/4/2014 về việc phòng, chống dịch sởi, Công điện số 585/CĐ-TTg ngày 06/5/2014 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng và Sốt xuất huyết và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp ngày 12/5/2014, Bộ Y tế xây dựng triển khai Kế hoạch tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh Sởi, Tay chân miệng, Sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi năm 2014 với các nội dung cơ bản như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Bệnh Sởi

Tích lũy từ đầu năm 2014 đến ngày 22/5/2014 cả nước ghi nhận 4.729 trường hợp mắc sởi xác định trong số 23.408 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố, ghi nhận 144 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.

Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi; trong đó 12,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi; 86,4% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

2. Bệnh Tay chân miệng

Từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh dịch Tay chân miệng xảy ra hầu hết các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc thấp hơn năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến ngày 22/5/2014 cả nước đã ghi nhận 20.683 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng tại 62 địa phương, trong đó có 2 người bệnh tử vong tại Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

3. Bệnh Sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh Sốt xuất huyết xảy ra hầu hết các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc thấp hơn năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến ngày 22/5/2014, cả nước đã ghi nhận 9413 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết trong đó có 6 người bệnh tử vong tại Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước.

4. Một số bệnh dịch mới nổi khác

- Cúm A H5N1 ở người có tỷ lệ tử vong, bệnh do vi rút H5N1 lây qua tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm bị nhiễm A H5N1, ở Việt Nam hiện nay thỉnh thoảng xuất hiện dịch lẻ tẻ và đã gây tử vong, Cúm H5N1 đã và đang được khống chế mạnh do tăng cường công tác tuyên truyền nên việc tiêm phòng cúm ở gia cầm, thủy cầm được thực hiện mạnh mẽ.

Bệnh Cúm A H7N9 có tỉ lệ tử vong cao, xuất hiện ở một số nước trong đó có Trung Quốc, chưa xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam hết sức đề phòng, phát hiện sớm từ cửa khẩu vì việc khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều và người Việt Nam đi làm ăn, công tác ở nước ngoài về nước có thể bị nhiễm H7N9

- Mers-Cov là bệnh mới xuất hiện ở vùng Trung đông, do vi rút Corona gây nên, từ đầu năm 2014 đến ngày 22/5/2014 đã gây tử vong 193 người chủ yếu ở Arập Xê út, Việt Nam luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm ca đầu tiên vì việc giao lưu, du lịch. Đến nay WHO cũng chưa xác định được đường lây, nguồn lây.

5. Đặc điểm một số bệnh dịch

a) Bệnh Sởi là bệnh dịch do virut gây ra, lây qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành, bệnh gây suy giảm miễn dịch nên các biến chứng sau sởi thường nặng. Bệnh sởi có vac xin tiêm phòng đặc hiệu, người chưa có miễn dịch, phòng lây nhiễm là cách ly, mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay thường xuyên.

b) Bệnh Tay chân miệng là bệnh dịch do virut, lây qua đường tiêu hóa, từ người sang người, chủ yếu là gây bệnh ở trẻ nhỏ, lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh diễn biến nặng gây suy đa phủ tạng dễ dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có vac xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng lây nhiễm hiệu quả bằng rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn các mặt đồ vật liên quan đến trẻ và người trông, nuôi trẻ

c) Bệnh Sốt xuất huyết là bệnh dịch do virut, lây truyền từ người bệnh sang người khác theo đường máu qua muỗi đốt, gây bệnh ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, học sinh phổ thông. Hiện nay chưa có vac xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể phòng bệnh hiệu quả bằng cách diệt muỗi, diệt loăng quăng và tránh bị muỗi đốt.

d) Bệnh Sởi thường mắc ở trẻ nhỏ, khu vực phía Bắc mắc nhiều và diễn biến biến chứng nặng hơn các tỉnh phía Nam. Bệnh Tay chân miệng và bệnh Sốt xuất huyết hiện mắc nhiều ở các tỉnh phía Nam nhưng cũng cần đề phòng bùng phát và lan rộng ở phía Bắc.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường năng lực hệ thống điều trị để phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch mới nổi (sau đây gọi tắt là bệnh dịch) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm mắc, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, thuốc, vật tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng công tác điều trị

2.2. Đào tạo nâng cao năng lực về thực hành lâm sàng cho chuyên ngành Nhi, Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu,

2.3. Chuẩn hóa và cập nhật các hướng dẫn về chuyên môn

2.4. Kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

2.5. Tăng cường công tác truyền thông tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

2.6. Tăng cường ghi nhận ca bệnh, thông tin, báo cáo đáp ứng công tác chỉ đạo và điều hành

2.7. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát

III. CÁC HOẠT ĐỘNG

3.1. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, thuốc, vật tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng công tác điều trị

- Số giường bệnh, khu cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm

- Trang thiết bị y tế

- Thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện liên quan

- Nhân lực, trình độ nhân lực.

3.2. Đào tạo nâng cao năng lực về thực hành lâm sàng cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch

- Tập huấn cơ bản: Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, kiểm soát lây nhiễm cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đến tuyến tỉnh, huyện và xã (Sở Y tế có thể phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối để triển khai thực hiện)

- Đào tạo nâng cao (đơn vị huấn luyện): Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng lâm sàng về chẩn đoán, xử trí, cấp cứu, điều trị tích cực, chăm sóc.

- Đường dây nóng hỗ trợ về chuyên môn tại bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh để hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới

3.3. Cập nhật và chuẩn hóa các hướng dẫn về chuyên môn

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A H5N1 và H7N9

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh corona virut (Mers-Cov)

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác

3.4. Kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Cập nhật các hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm

- Đào tạo, tập huấn tăng cường cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện phòng lây nhiễm bệnh dịch

- Kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về phân luồng, cách ly, thông khí, sử dụng phương tiện phòng hộ, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện

3.5. Tăng cường công tác truyền thông tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Xây dựng các thông điệp truyền thông cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về: phát hiện sớm, các dấu hiệu của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh.

- Tổ chức các hình thức truyền thông, tư vấn hiệu quả

3.6. Tăng cường ghi nhận ca bệnh, thông tin, báo cáo

- Khảo sát xây dựng mạng lưới hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm từ cơ sở khám, chữa bệnh

- Thống nhất biểu mẫu báo cáo, thời gian báo cáo giữa các cơ quan liên quan

- Xây dựng phần mềm ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm trực tuyến

- Tổ chức hội thảo, tập huấn sử dụng phần mềm ghi nhận ca bệnh và báo cáo trực tuyến bệnh truyền nhiễm

- Hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng phần mềm nhằm nâng cao chất lượng ghi nhận và báo cáo

- Báo cáo các hoạt động phòng, chống dịch của đơn vị

- Tổng hợp báo cáo thường xuyên và đột xuất

3.7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Y tế, các Vụ/Cục và các chuyên gia về chuyên môn, kỹ thuật đối với các đơn vị.

- Kiểm tra, giám sát của Sở Y tế, Y tế Bộ/ngành, liên ngành.

- Tự kiểm tra, giám sát của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Phân công nhiệm vụ cho các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế; các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế, Y tế ngành.

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

1.1. Đánh giá thực trạng, nhu cầu trong thu dung, điều trị

Rà soát, tổng hợp nhu cầu về bảo đảm cơ sở vật chất, khu cách ly, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện trọng điểm trong công tác thu dung, điều trị, tập huấn, đào tạo, chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra giám sát (số bệnh viện chủ yếu tham gia, khoa nhi, khoa truyền nhiễm, khoa hồi sức tích cực, khu cách ly, các trang thiết bị y tế thiết yếu, số giường bệnh, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…).

1.2. Biên soạn tài liệu chuyên môn

Kiện toàn và tổ chức họp Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kịp thời để cập nhật, chuẩn hóa các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn, phân tuyến điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A H5N1, H7N9, corona virut… biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đến các khoa tham gia điều trị bệnh dịch của các bệnh viện (khoa khám bệnh, khoa nhi, khoa truyền nhiễm, khoa hồi sức cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, khoa chống nhiễm khuẩn). Phối hợp các đơn vị liên quan phân tích các ca tử vong để rút kinh nghiệm. Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học chia sẻ kinh nghiệm.

Chỉ đạo và phối hợp với các Đơn vị huấn luyện của các bệnh viện tuyến cuối về điều trị bệnh dịch để biên soạn, cập nhật các giáo trình huấn luyện cơ bản và giáo trình huấn luyện nâng cao về chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, chăm sóc, kiểm soát nhiễm khuẩn, cách ly đối với mỗi bệnh dịch. Chỉ đạo việc tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn.

1.3. Công tác chỉ đạo điều hành

- Tăng cường Lãnh đạo, chuyên viên tham gia công tác phòng, chống bệnh dịch.

- Ban hành văn bản chỉ đạo hoặc trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt văn bản chỉ đạo hệ thống khám, chữa bệnh nhằm giảm tử vong, giảm mắc, giảm quá tải tuyến trên, giảm ngày điều trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…

1.4. Công tác kiểm tra, giám sát, tư vấn hỗ trợ chuyên môn

- Tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế

- Thành lập các đoàn kiểm tra của Cục để kiểm tra, giám sát tư vấn, hỗ trợ chuyên môn trong việc thu dung, cấp cứu, hồi sức, điều trị, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc, dinh dưỡng điều trị bệnh dịch đối với một số Bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh.

1.5. Công tác thông tin báo cáo

- Xây dựng và triển khai biểu mẫu báo cáo về thu dung, điều trị bệnh dịch, thống nhất thời gian, quy trình báo cáo từ cơ sở khám, chữa bệnh về Sở Y tế, về Cục Quản lý Khám chữa bệnh để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng, báo cáo Chính phủ. Tiến tới thiết lập hệ thống báo cáo, tổng hợp kết quả thu dung, điều trị mỗi bệnh dịch của từng cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện trực tuyến qua mạng

- Duy trì hệ thống báo cáo trực tuyến: thuê máy chủ, đường truyền bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục thông suốt 24/24

- Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, thống kê, báo cáo của Bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế, các bệnh viện trọng điểm.

1.6. Phối hợp với các đơn vị liên quan

- Phối hợp với các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

- Cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời về tình hình bệnh dịch, các nội dung về chẩn đoán, điều trị, giảm tử vong và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch cho các cơ quan báo chí, truyền thông.

- Đề xuất kinh phí thực hiện của các hoạt động theo kế hoạch và đảm bảo chế độ kinh phí về chống dịch cho cán bộ, công chức, hợp đồng lao động theo quy định của Nhà nước (Dự toán kinh phí kèm theo-chưa gồm dự toán trang thiết bị y tế).

- Triển khai kế hoạch đến các đơn vị liên quan. Tùy theo tình hình bệnh dịch, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch bổ sung trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính

- Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của công tác truyền thông, điều trị phòng, chống bệnh dịch cho các bệnh viện trực thuộc Bộ và các bệnh viện trọng điểm khác theo kế hoạch này.

- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc sử dụng nguồn kinh phí phòng chống dịch theo đúng quy định.

- Chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho những trường hợp cần thiết. Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan đề xuất cơ số dự trữ quốc gia về trang thiết bị y tế trình Chính phủ phê duyệt

3. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng

- Đầu mối, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Trung tâm TTGDSK TW các bệnh viện tuyến cuối được phân công làm tốt công tác truyền thông

- Chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí về tình hình bệnh dịch, các biện pháp phòng chống, các kinh nghiệm chuyên môn, các gương đơn vị, cá nhân điển hình trong công tác phòng chống dịch bệnh.

- Phổ biến các kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.

4. Cục Quản lý Y dược cổ truyền

Chỉ đạo các bệnh viện y học cổ truyền tuyên truyền cho nhân dân, phổ biến và sử dụng các bài thuốc cổ truyền, các bài thuốc mới đã được Bộ Y tế thẩm định để điều trị những người bệnh mắc bệnh nhẹ.

5. Cục Y tế dự phòng

- Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, thường xuyên thông báo kết quả giám sát dịch tễ bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh dịch mới nổi để có biện pháp kịp thời nâng cao chất lượng thu dung, điều trị

- Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động chỉ đạo điều hành hệ thống điều trị phòng, chống bệnh, thông tin, số liệu về tình hình dịch.

6. Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát, báo cáo kết quả thu dung, điều trị của các bệnh viện nhi, sản nhi

7. Cục Quản lý Dược

Bảo đảm nhu cầu các thuốc cấp cứu, thuốc điều trị, đặc biệt là dung dịch cao phân tử trong điều trị bệnh sốt xuất huyết, globulin miễn dịch trong điều trị sởi, tay chân miệng

8. Vụ Trang thiết bị-Công trình y tế

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bệnh viện trong việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các khu cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

- Chỉ đạo việc cung ứng, thẩm định về cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị chống dịch bảo đảm sự phù hợp và chất lượng.

9. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương

Phối hợp với Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong công tác chỉ đạo và thực hiện truyền thông, giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh

10. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa

Các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đến bệnh viện tuyến trung ương, kể cả bệnh viện thuộc các ngành, bệnh viện tư nhân:

Kiện toàn Kế hoạch phòng chống bệnh dịch của đơn vị năm 2014, trong đó:

10.1. Chuẩn bị tốt về trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao, thuốc, hóa chất để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh từ tuyến dưới chuyển lên hoặc người bệnh nặng tự đến. Đặc biệt các trường hợp đến bệnh viện để khám chữa bệnh chuyên khoa khác nhưng có kèm mắc bệnh dịch.

10.2. Cử cán bộ đi tập huấn, đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên về điều trị phòng, chống dịch bệnh để có thể độc lập thực hiện khám, chữa bệnh dịch tại bệnh viện, giảm tải cho bệnh viện chuyên khoa tuyến trên.

10.3. Khi địa bàn có bệnh dịch, bệnh viện tiếp nhận bệnh đều phải tổ chức tốt khu cách ly, phân luồng từ khoa khám bệnh đến các khoa, buồng cấp cứu, buồng điều trị đối với từng loại bệnh dịch và thực hiện đúng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị.

10.4. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh dịch đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

10.5. Tổ chức bình bệnh án của các bệnh nhân bị bệnh dịch tại mỗi buổi giao ban hàng ngày. Chú ý rút kinh nghiệm khi có trường hợp xử trí không đúng hướng dẫn, đặc biệt là bệnh án tử vong.

10.6. Tăng cường công tác truyền thông trong đơn vị về phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi khác dưới nhiều hình thức phù hợp đối với cán bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh để tránh lây lan bệnh ngay trong cơ sở khám, chữa bệnh và lây lan từ cơ sở khám, chữa bệnh ra cộng đồng. 

10.7. Thực hiện việc báo cáo tình hình khám, chữa bệnh dịch đầy đủ, đúng thời gian theo chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

10.8. Thành lập các tổ cơ động chống dịch, sẵn sàng cấp cứu ngoại viện, chi viện cho tuyến dưới.

10.9. Công bố số điện thoại thường trực để bệnh viện tuyến trên hoặc tuyến dưới thông tin, tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết.

10.10. Dự trù kinh phí cho việc phòng chống bệnh dịch, trong đó có chế độ cho cán bộ tham gia phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước.

10.11. Phối hợp chặt chẽ với Y tế dự phòng trong công tác phòng, chống dịch và phát hiện ca bệnh dịch đầu tiên tại bệnh viện.

11. Các bệnh viện trực thuộc Bộ và bệnh viện hạng I của các Bộ, ngành

Ngoài nhiệm vụ chung của các bệnh viện, kiện toàn Kế hoạch phòng chống bệnh dịch của đơn vị năm 2014, trong đó:

11.1. Các bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đa khoa TW Huế, Chợ Rẫy kiện toàn 4 tổ chống dịch cơ động, các bệnh viện và viện có giường bệnh còn lại mỗi bệnh viện kiện toàn 2 tổ chống dịch cơ động để sẵn sàng ứng phó tại chỗ và hỗ trợ bệnh viện khác khi có yêu cầu.

11.2. Sẵn sàng chi viện chuyên gia hoặc kíp kỹ thuật chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, kiểm soát nhiễm khuẩn…đến hỗ trợ các bệnh viện khác khi cần theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

11.3. Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển, Uông bí, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba, Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác sẵn sàng kế hoạch để thiết lập bệnh viện dã chiến với số giường bệnh từ 50-100 khi cần thiết theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

12. Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ (phụ trách) đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh

12.1. Phân công (theo các Quyết định phân công của Bộ Y tế)

12.2. Nhiệm vụ

a) Thành lập, kiện toàn đơn vị huấn luyện

Bệnh viện thành lập, kiện toàn Đơn vị huấn luyện (tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch khác) có đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, đủ thành phần để đào tạo, huấn luyện chuyển giao các kỹ thuật về khám bệnh, chẩn đoán, phân mức bệnh, cấp cứu, hồi sức, điều trị, điều trị tích cực, chăm sóc, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn …

b) Khảo sát đánh giá

- Khảo sát đánh giá chung đối với mỗi tỉnh/Tp đã được phân công, nắm được tình hình về số lượng và trình độ nhân lực, cơ sở vật chất (vị trí, không gian, khu cách ly, số giường bệnh…) trang thiết bị (hồi sức, cấp cứu, thông thường) thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết của cơ sở điều trị tuyến tỉnh (BV nhi hoặc BV sản nhi, BVĐK tỉnh: Khoa khám bệnh, Khoa nhi, khoa truyền nhiễm, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa cấp cứu, Khoa hồi sức tích cực, Khoa dinh dưỡng…)  và cơ sở điều trị tuyến huyện (BV các huyện: Khoa khám bệnh, Khoa nhi, Khoa truyền nhiễm, Khoa cấp cứu, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn)

- Đánh giá thực trạng đơn nguyên điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết tuyến tỉnh đối với từng tỉnh/Tp để có kiến nghị phù hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế.

c) Xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, bệnh viện lập kế hoạch chi tiết về chương trình, nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo, tập huấn cơ bản và nâng cao về mỗi bệnh trên cho mỗi tỉnh phụ trách (chẩn đoán, phân tuyến, phân loại, cấp cứu, hồi sức, điều trị, chuyển viện, chăm sóc, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn…).

- Tập huấn cơ bản: Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, kiểm soát lây nhiễm cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đến tuyến tỉnh, huyện và xã (Sở Y tế có thể phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối để triển khai thực hiện)

- Đào tạo nâng cao (đơn vị huấn luyện): Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng lâm sàng về chẩn đoán, xử trí, cấp cứu, điều trị tích cực, chăm sóc.

- Bảo đảm sau khi đào tạo các kíp kỹ thuật thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao.

- Dự trù kinh phí và vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí hợp pháp cho công tác đào tạo.

d) Thảo luận và thống nhất kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các tỉnh/thành phố

Thảo luận và thống nhất kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn đối với mỗi tỉnh/Tp đã được phân công, gồm:

- Thời gian đào tạo, địa điểm, thành phần, số lượng Bác sĩ, Điều dưỡng tham gia khóa học cơ bản, nâng cao

- Cam kết việc tham gia đào tạo

đ) Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ, giám sát

Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ, giám sát kỹ thuật đối với mỗi tỉnh phụ trách, trọng tâm vào các tỉnh có số mắc lớn, có tử vong, kịp thời rút kinh nghiệm chẩn đoán, phân loại, cấp cứu, điều trị, chăm sóc.

e) Thực hiện việc báo cáo

Bảo đảm báo cáo đầy đủ, đúng thời gian theo chỉ đạo, yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về công tác đào tạo: số lượng lớp đào tạo, thời gian đào tạo (số ngày), số lượng học viên, địa phương tham gia học, nơi tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo, kết quả đầu ra,…

12.3. Thành lập tổ cấp cứu cơ động và bệnh viện dã chiến 

Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh, mỗi bệnh viện thành lập 4-6 tổ cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, xây dựng kế hoạch để có thể triển khai bệnh viện dã chiến từ 50-100 giường bệnh.

13. Bệnh viện tuyến tỉnh (bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Nhi/Sản nhi)

- Thiết lập, kiện toàn, nâng cao năng lực chung cho Đơn nguyên điều trị bệnh dịch về cơ sở vật chất (buồng bệnh, giường bệnh), máy, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ, số lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đủ để thực hiện được theo phân tuyến điều trị (là đơn vị chuyên môn tuyến cuối của tỉnh/thành phố) trên cơ sở có ý kiến của Sở Y tế và Bệnh viện do Bộ Y tế phân công phụ trách.

- Xây dựng kế hoạch để có thể triển khai bệnh viện dã chiến từ 50-100 giường bệnh khi có chỉ đạo của Sở Y tế.

14. Các cơ sở khám, chữa bệnh khác

Các cơ sở khám, chữa bệnh khác bao gồm: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa thuộc bộ, ngành trên địa bàn, trạm y tế xã/phường/thị trấn, cơ quan,trường học.

14.1. Tham gia tập huấn đầy đủ các lớp cơ bản do Sở Y tế tổ chức, chủ động đề nghị tuyến trên đào tạo, tập huấn lại nếu chưa nắm được Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch khác.

14.2. Tuân thủ các Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, một số bệnh dịch khác do Bộ Y tế ban hành, phù hợp với quy định phân tuyến điều trị của Sở Y tế và chuyển tuyến người bệnh an toàn.

14.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng bệnh dịch tại đơn vị dưới nhiều hình thức đối với cán bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh để tránh lây lan bệnh ngay trong cơ sở khám, chữa bệnh. 

14.4. Tư vấn, yêu cầu tuyến trên hỗ trợ khi có khó khăn.

15. Y tế các Bộ, ngành

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế các địa phương, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:

- Bệnh viện hạng I của Bộ, ngành tham gia điều trị phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo trực tiếp của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh còn lại tham gia mạng lưới điều trị phòng, chống bệnh dịch của Sở Y tế địa phương.

16. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Rà soát, đánh giá thực trạng năng lực thu dung, điều trị bệnh dịch của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc (kể cả y tế tư nhân) và y tế ngành trên địa bàn để kiện toàn Kế hoạch phòng, chống dịch năm 2014 của ngành y tế tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định, trong đó:

16.1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch năm 2014 cấp tỉnh/thành phố và kiện toàn Tiểu Ban điều trị của Sở Y tế. Chỉ đạo, kiểm tra việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch năm 2014 cấp quận/ huyện.

16.2. Củng cố mạng lưới điều trị bệnh dịch tại địa phương để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Giao nhiệm vụ, phân tuyến điều trị phù hợp với thực tiễn của địa phương và mỗi bệnh dịch đối với các cơ sở khám, chữa bệnh gồm:

- Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa nhi/sản nhi tuyến tỉnh

- Bệnh viện tuyến huyện

- Bệnh viện tư nhân

- Bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa thuộc y tế ngành trên địa bàn

- Phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám tư nhân

- Trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp…

16.3. Tăng cường việc đầu tư, kiểm tra, giám sát việc thiết lập đơn nguyên điều trị tích cực bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch khác đối với bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Nhi/Sản nhi.

16.4. Bảo đảm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện được Bộ Y tế phân công phụ trách để thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường việc đào tạo giảng viên tại tỉnh (đào tạo nâng cao) để khi kết thúc khóa học thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, điều trị bệnh dịch tại bệnh viện, đồng thời có thể làm giảng viên nòng cốt cả về lý thuyết và thực hành về đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến dưới đảm bảo được yêu cầu chuyên môn.

- Phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện đã được Bộ Y tế phân công hỗ trợ tuyến trong đào tạo, tập huấn cơ bản cho bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện huyện, y tế xã, y tế tư nhân, y tế các Bộ, ngành trên địa bàn.

16.5. Chỉ đạo các bệnh viện thuộc Sở Y tế chuẩn bị phương án bổ sung nhân lực làm tại các khoa khám bệnh, cấp cứu, điều trị khi cần thiết (cử đi đào tạo, tập huấn cơ bản, nâng cao)

16.6. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo về cơ sở vật chất (buồng bệnh, số giường bệnh) cơ số thuốc, dịch truyền vật tư y tế, trang thiết bị điều trị, hồi sức cấp cứu; phương tiện vận chuyển, phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc để đáp ứng với mỗi bệnh dịch hoặc đồng thời nhiều bệnh dịch. 

16.7. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng bệnh dịch tại đơn vị dưới nhiều hình thức đối với cán bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh để tránh lây lan bệnh ngay trong bệnh viện từ khoa khám đến các khoa điều trị.

16.8. Cung cấp thông tin và chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp thông đầy đủ, kịp thời về tình hình bệnh dịch và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch cho các cơ quan báo chí.

16.9. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.

16.10. Có phương án chọn 1-2 Bệnh viện tuyến tỉnh có điều trị bệnh dịch, sẵn sàng thành lập và triển khai bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

16.11. Chỉ đạo việc bảo đảm báo cáo về kết quả thu dung, điều trị, phân tích tử vong, khó khăn, vướng mắc… của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc về Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh và báo cáo về Bộ Y tế theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

16.12. Ban hành các văn bản chỉ đạo hoặc trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời nhằm giảm tử vong, giảm mắc, giảm biến chứng, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên do bệnh dịch.

16.13. Tham mưu kịp thời cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác điều trị phòng, chống bệnh dịch, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nhân lực cho các đơn nguyên điều trị tích cực của bệnh viện tuyến tỉnh (bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Nhi/Sản nhi…) bảo đảm kinh phí cho giường bệnh, trang thiết bị y tế, thuốc để cấp cứu, điều trị và chế độ đối với người làm công tác phòng chống dịch

16.14. Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí riêng cho các Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện đa khoa khu vực thuộc tỉnh làm nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo, tập huấn và hỗ trợ tuyến dưới.

Tùy theo tình hình diễn biến mỗi bệnh dịch tại địa phương, Sở Y tế có các kế hoạch bổ sung để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- UBND các tỉnh, Tp trực thuộc TW (phối hợp chỉ đạo);
- Các BV trực thuộc BYT (để thực hiện);
- SYT các tỉnh, Tp trực thuộc TW (để thực hiện);
- Website Bộ Y tế, Website Cục QLKCB (để đăng tin);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 4900/QĐ-BYT về Kế hoạch Tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh dịch mới nổi năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu: 4900/QĐ-BYT
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Y tế
Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
Ngày ban hành: 30/05/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 4900/QĐ-BYT về Kế hoạch Tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh dịch mới nổi năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…