UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2013/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 9 năm 2013 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 6e/2008/NQ-HĐND ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua "Quy hoạch Phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020";
Căn cứ Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND, ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu
- Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 nhằm xây dựng và phát triển nền thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc; xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao. Phấn đấu đạt vị trí trong top 20 tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, đóng góp nhiều vận động viên cho các đội tuyển quốc gia và đạt thành tích cao tại các giải thể thao khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế.
- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao thành tích thi đấu thể thao, tăng cường hội nhập với nền thể thao trong nước và quốc tế, tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ đối với các đơn vị mạnh trong toàn quốc.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn từ 2013 - 2015:
- Đầu tư 05 môn thể thao trọng điểm: Cờ, Karatedo, Vật, Điền kinh, Bơi - lặn trở thành những môn thể thao có thế mạnh tham dự các giải quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao.
- Tham gia Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, phấn đấu đạt từ 04 - 06 huy chương vàng và xếp vị trí 25 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
- Phấn đấu đạt từ 500 - 520 huy chương các loại tại các giải thể thao quốc gia và 45 - 60 huy chương các loại tại các giải thể thao quốc tế.
- Phấn đấu có 40 - 50 vận động viên tham gia thi đấu trong các đội tuyển quốc gia; có 45 - 50 vận động viên đạt cấp kiện tướng và 100 vận động viên cấp I.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Tập trung đầu tư 07 môn thể thao trọng điểm: Cờ, Karatedo, Vật, Điền kinh, Bơi - lặn, Võ cổ truyền, Taekwondo trở thành những môn thể thao có thế mạnh tham dự các giải quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao.
- Tham gia Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, phấn đấu đạt từ 10 - 15 huy chương vàng và xếp vị trí 20 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
- Phấn đấu đạt từ 1.050 - 1.100 huy chương các loại tại các giải thể thao quốc gia và 80 - 100 huy chương các loại tại các giải thể thao quốc tế.
- Phấn đấu có 70 - 80 vận động viên tham gia thi đấu trong các đội tuyển quốc gia; có 130 - 150 vận động viên đạt cấp kiện tướng và 150 - 200 vận động viên cấp I.
3. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Tiếp tục củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu hình thành Trung tâm đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu để thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên thành tích cao gắn với nhiệm vụ tổ chức thi đấu.
b) Đổi mới cơ chế tổ chức, nội dung tuyển chọn và đào tạo vận động viên. Tập trung tuyển chọn, đào tạo vận động viên ở 05 môn trọng điểm giai đoạn 2013 - 2015 và 07 môn trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Hỗ trợ phát triển các môn xã hội hóa để có đủ lực lượng vận động viên tham gia Đại hội thể thao toàn quốc và các giải thể thao khu vực, quốc tế đạt mục tiêu đề ra.
c) Có kế hoạch đào tạo hoặc gửi đi đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý; huấn luyện viên từng môn thể thao đảm bảo yêu cầu về quản lý và huấn luyện thể thao thành tích cao; xây dựng đội ngũ trọng tài trẻ, y bác sỹ thể dục thể thao chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển thể thao thành tích cao.
d) Nhanh chóng tiến hành rà soát hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để tập trung đầu tư xây dựng một số hạng mục trọng điểm như nhà tập luyện các môn Võ thuật, Khu liên hợp thể thao của tỉnh để phục vụ phát triển thể thao thành tích cao.
đ) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút nguồn đầu tư phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Có chính sách khuyến khích hoạt động tài trợ và kinh doanh dịch vụ thi đấu thể thao chuyên nghiệp; tiến hành thành lập câu lạc bộ và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp đối với các môn: bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, Golf…
e) Chính sách hỗ trợ các vận động viên:
- Vận động viên đạt huy chương quốc tế, huy chương Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, huy chương giải vô địch quốc gia:
+ Huy chương Vàng: 04 lần mức lương tối thiểu/người/tháng
+ Huy chương Bạc: 03 lần mức lương tối thiểu/người/tháng
+ Huy chương Đồng: 02 lần mức lương tối thiểu/người/tháng
- Vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và cấp I:
+ Kiện tướng: 03 lần mức lương tối thiểu/người/tháng
+ Cấp I: 01 lần mức lương tối thiểu/người/tháng
Mỗi vận động viên chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ ở một mức cao nhất theo thành tích hoặc danh hiệu đạt được.
Thời gian được hưởng là 12 tháng kể từ ngày vận động viên đạt được huy chương hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Điều 2. Phân công tổ chức thực hiện
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án và chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính tổ chức bố trí, huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Đề án.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đế án.
4. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại tổ chức bộ máy của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể là các tổ chức đơn vị sự nghiệp TDTT, đề xuất với UBND tỉnh để hoàn thiện về biên chế tổ chức, bảo đảm chất lượng cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên… đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục thể theo của tỉnh.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT trong trường học; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kế hoạch tuyển chọn vận động viên năng khiếu trong trường học; thống nhất tổ chức các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội điền kinh học sinh và một số giải thể thao học sinh từng năm theo yêu cầu đào tạo vận động viên của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho học sinh được tham gia chương trình tập huấn và thi đấu đỉnh cao của tỉnh và quốc gia.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào quy hoạch, đề án được phê duyệt để có kế hoạch giải quyết nhu cầu sử dụng đất cho các công trình phát triển TTTTC.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về các hoạt động TDTT nói chung và công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu đỉnh cao diễn ra trên địa bàn một cách thường xuyên và kịp thời.
8. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; các tổ chức Liên đoàn, Hội thể thao, Câu lạc bộ thể thao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển thể thao thành tích cao trên địa bàn; thực hiện quy hoạch ổn định đất cho hoạt động thể dục thể thao. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ luyện tập, thi đấu thể thao; đẩy mạnh phong trào luyện tập TDTT trong nhân dân, tổ chức tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan công tác TDTT, góp phần tích cực cho công tác đào tạo vận động viên và thi đấu đỉnh cao của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chính sách hỗ trợ các vận động viên được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Điều 4. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Quyết định 38/2013/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 38/2013/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Ngô Hòa |
Ngày ban hành: | 10/09/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 38/2013/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020
Chưa có Video