BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2357/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2011 |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 09/03/2010 của Chính phủ về sửa đổi điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
a) Mục tiêu chung:
Tăng cường và hoàn thiện mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến năm 2020 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của từng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngày càng cao của nhân dân.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi, gồm 4 tuyến: trung ương, tỉnh, huyện và xã.
- Phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa cho nhân dân.
- Tăng cường khả năng phát hiện và quản lý điều trị bệnh lao và bệnh phổi. Đầu tư trang thiết bị hiện đại đi đôi với đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu về phòng, chống lao và bệnh phổi, từng bước phát triển kỹ thuật chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
a) Phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền, tích hợp hiệu quả vào hệ thống y tế chung và phù hợp với xu hướng chuyển đổi cơ cấu bệnh lao và bệnh phổi khi bệnh lao giảm nhưng bệnh phổi mạn tính gia tăng như bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh ung thư phổi do những biến đổi môi trường và khí hậu.
b) Kiện toàn tổ chức các cơ sở thuộc mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi theo các tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế. Quy mô của các cơ sở phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
c) Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất phòng, chống lao và bệnh phổi tuyến trung ương, tuyến tỉnh.
d) Ưu tiên kiện toàn tổ chức phòng, chống lao và bệnh phổi tuyến huyện và xã, bảo đảm năng lực phát hiện điều trị bệnh lao và bệnh phổi thường gặp.
a) Tổ chức mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi theo tuyến kỹ thuật y tế bảo đảm tính liên tục về cấp độ chuyên môn.
- Tuyến trung ương:
+ Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện đầu ngành chịu trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh lao và bệnh phổi và chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi trong phạm vi toàn quốc.
+ Bệnh viện 74 Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương là Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh lao và bệnh phổi và chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi các tỉnh theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.
+ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh lao và bệnh phổi và chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.
+ Các Trung tâm, khoa hô hấp hoặc lao và bệnh phổi của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Trung ương chịu trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh lao và bệnh phổi và tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Tuyến tỉnh:
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuỳ theo điều kiện thành lập Bệnh viện hoặc Trung tâm phòng, chống lao và bệnh phổi trực thuộc Sở Y tế; là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ khám phát hiện, điều trị bệnh lao, các bệnh phổi và quản lý triển khai công tác phòng, chống lao và bệnh phổi trong toàn tỉnh, thành phố.
- Tuyến huyện:
Các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) tùy theo điều kiện thành lập Tổ chống lao hoặc Phòng khám lao và bệnh phổi có biên chế ít nhất 03 cán bộ, cụ thể:
+ Tại các huyện đã có Bệnh viện đa khoa huyện: thành lập phòng khám hoặc tổ chống lao và bệnh phổi thuộc bệnh viện thực hiện khám phát hiện, điều trị bệnh lao, các bệnh phổi và triển khai công tác phòng, chống lao trong địa bàn.
+ Tại các huyện mà Trung tâm y tế huyện thực hiện cả chức năng khám, chữa bệnh (chưa có Bệnh viện huyện): thành lập Tổ chống lao thực hiện khám phát hiện, điều trị bệnh lao và triển khai công tác phòng, chống lao trong địa bàn.
- Tuyến xã:
Mỗi xã có ít nhất 01 cán bộ y tế được đào tạo kiến thức về quản lý bệnh lao, giám sát điều trị cho người bệnh đã được chẩn đoán lao, truyền thông giáo dục sức khỏe, giới thiệu người nghi mắc bệnh lao đi khám phát hiện.
b) Phát triển chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống lao và bệnh phổi.
- Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về chăm sóc điều trị lao và bệnh phổi, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ cho người bệnh và cộng đồng.
- Tăng cường nghiên cứu và áp dụng các công cụ chẩn đoán, điều trị, dự phòng của chuyên khoa.
- Áp dụng và phát triển các kỹ thuật chuyên khoa tiên tiến tại các Bệnh viện và các Trung tâm tuyến trung ương, bảo đảm đạt trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
c) Xây dựng mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn 2011 đến 2020 với quy mô:
Giai đoạn 2011 - 2015:
- Các cơ sở phòng, chống lao và bệnh phổi tuyến trung ương, gồm có:
+ 03 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế: Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương với quy mô phát triển từ 500- 700 giường;
+ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh với quy mô phát triển từ 850- 900 giường bệnh.
+ Các Trung tâm, khoa hô hấp hoặc lao và bệnh phổi của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Trung ương với quy mô 50 - 150 giường.
- Các cơ sở phòng, chống lao và bệnh phổi tuyến tỉnh, thành phố:
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu đủ điều kiện thành lập Bệnh viện lao và bệnh phổi, nếu không đủ điều kiện thì thành lập Trung tâm lao và bệnh phổi.
- Cơ sở phòng, chống lao tuyến huyện:
100% các huyện có Tổ chống lao hoặc Phòng khám lao và bệnh phổi với ít nhất từ 03 cán bộ trở lên.
- Tuyến xã:
100% Trạm y tế xã có cán bộ y tế được đào tạo kiến thức về quản lý bệnh lao.
Giai đoạn 2015 – 2020:
Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở phòng chống lao và bệnh phổi các tuyến, trong đó 100% tỉnh có bệnh viện lao và bệnh phổi.
a) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đẩy mạnh công tác thực hiện pháp luật về phòng, chống lao và bệnh phổi.
b) Phát triển nguồn nhân lực:
- Tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ chuyên khoa. Có kế hoạch đào tạo cụ thể từ các Trường Đại học Y, Trường Cao đẳng Y tế, Trung cấp Y tế, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương và các bệnh viện khác khi đủ điều kiện cho cán bộ chuyên khoa lao và bệnh phổi.
- Thường xuyên bổ sung đủ nhân lực, cán bộ y tế làm công tác phòng, chống lao và bệnh phổi ở tất cả các tuyến.
- Thường xuyên tập huấn kỹ năng khám, chữa bệnh và quản lý chương trình phòng, chống lao cho đội ngũ nhân viên y tế đang hoạt động tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, ưu tiên cho các vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Xây dựng chế độ chính sách ưu đãi cho cán bộ phòng, chống lao và bệnh phổi các tuyến, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Khoa học - công nghệ:
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các kỹ thuật về phòng, chống lao và bệnh phổi; triển khai các kỹ thuật cao ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Đầu tư thiết lập hệ thống thông tin điện tử thu thập và quản lý dữ liệu hoàn chỉnh về phòng, chống lao và bệnh phổi ở tất cả các tuyến.
d) Chuyên môn, kỹ thuật:
- Củng cố và nâng cao các kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh hỗ trợ có hiệu quả các kỹ thuật cho tuyến dưới.
- Xây dựng hệ thống liên hoàn và đồng bộ về chẩn đoán, điều trị ở mỗi tuyến để đảm bảo quy trình chuyển tuyến rõ ràng, thuận tiện và mang lại lợi ích cho nguời bệnh.
đ) Truyền thông, giáo dục sức khoẻ:
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe vận động người dân đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có dấu hiệu của bệnh lao, bệnh phổi.
e) Lồng ghép, gắn hoạt động phòng, chống lao và bệnh phổi vào hoạt động của hệ thống y tế chung.
g) Đầu tư và tài chính:
- Chú trọng về đầu tư đặc biệt từ nguồn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi, trọng tâm là các bệnh viện thực hiện nhiệm vụ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, ưu tiên khu vực Tây nguyên, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác từ trong và ngoài nước để thực hiện quy hoạch.
h) Hợp tác quốc tế:
Tiếp tục vận động, tranh thủ sự hợp tác của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống lao và bệnh phổi.
1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh là cơ quan chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch; hàng năm tổng hợp kết quả báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Vụ Kế hoạch- Tài chính chịu trách nhiệm bố trí và cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, bảo đảm các nguồn lực đầu tư phòng, chống lao và bệnh phổi theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Quy hoạch theo đúng tiến độ; giám sát việc thực hiện Quy hoạch trong cả nước.
3. Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch và báo cáo tiến độ về Cục Quản lý khám, chữa bệnh.
4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bệnh viện có tên trong Quy hoạch chịu trách nhiệm phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy hoạch này trong phạm vi quản lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Tổ chức cán bộ- Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Quyết định 2357/QĐ-BYT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 2357/QĐ-BYT |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Nguyễn Quốc Triệu |
Ngày ban hành: | 05/07/2011 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2357/QĐ-BYT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video