ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1428/QĐ-UBND |
Kon Tum, ngày 24 tháng 11 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
Căn cứ Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone”;
Căn cứ Quyết định số 3509/QĐ-BYT ngày 21/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tổ chức thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại cơ sở cấp phát thuốc Methadone;
Căn cứ Quyết định số 52/2012/QĐ-UBND ngày 03/12/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
Căn cứ Kế hoạch số 1062/KH-UBND ngày 28/5/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1.1. Mục tiêu chung: Góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
- Năm 2016: Củng cố, hoàn thiện, duy trì hoạt động của Cơ sở điều trị Methadone số 1 (điều trị cho 100 bệnh nhân) và thành lập Cơ sở điều trị Methadone số 2 tại huyện Ngọc Hồi (điều trị cho 50 bệnh nhân).
- Năm 2017: Thành lập Cơ sở cấp phát thuốc điều trị Methadone tại huyện Đăk Glei, cấp phát thuốc điều trị cho 50 bệnh nhân.
- Năm 2018: Thành lập 2 Cơ sở cấp phát thuốc điều trị Methadone tại 2 huyện Đăk Hà và Đăk Tô, cấp phát thuốc điều trị cho 100 bệnh nhân (50 bệnh nhân/cơ sở).
- Năm 2019: Thành lập 2 Cơ sở cấp phát thuốc điều trị Methadone tại 2 huyện Kon Rẫy và Sa Thầy, cấp phát thuốc điều trị cho 100 bệnh nhân (50 bệnh nhân/cơ sở).
- Năm 2020: Duy trì hoạt động của 2 Cơ sở điều trị và 5 Cơ sở cấp phát thuốc điều trị Methadone nhằm đảm bảo cho 80% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được điều trị bằng thuốc Methadone.
2. Nhiệm vụ
2.1. Củng cố hoạt động và hoàn thiện Cơ sở điều trị Methadone số 1
Củng cố hoạt động và hoàn thiện Cơ sở điều trị Methadone số 1 trực thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum. Địa chỉ: Số 55 Phan Kế Bính, Phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tiếp tục tổ chức tốt công tác điều trị, hoàn thành chỉ tiêu 100 bệnh nhân.
2.2. Mở rộng mạng lưới điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020
2.2.1. Thành lập Cơ sở điều trị Methadone số 2 tại huyện Ngọc Hồi:
a) Điều kiện hoạt động của Cơ sở điều trị Methadone: Phải đáp ứng đủ các điều kiện chi tiết về cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc điều trị thay thế và nhân sự theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 90/2016/NĐ-CP).
b) Tên và địa điểm đặt Cơ sở điều trị Methadone:
- Tên cơ sở: Cơ sở điều trị Methadone số 2 tỉnh Kon Tum.
- Địa điểm: Tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi.
c) Cơ sở vật chất của Cơ sở điều trị Methadone: Sắp xếp, bố trí các phòng chuyên môn của Cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi đảm bảo khoa học và thuận tiện cho việc tiếp nhận và điều trị người bệnh, đủ rộng, thoáng, vệ sinh, an ninh, an toàn để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn theo quy định.
d) Trang thiết bị: Mua sắm trang thiết bị cần thiết ban đầu cho Cơ sở điều trị Methadone số 2 theo quy định.
c) Cơ cấu tổ chức nhân lực của Cơ sở điều trị Methadone:
- Số lượng và cơ cấu: Gồm 10 cán bộ chuyên môn và 02 bảo vệ (là cán bộ hiện có của đơn vị).
- Các nhân viên làm việc tại Cơ sở điều trị Methadone được hưởng chế độ, chính sách đối với người làm công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện thuộc các cơ sở điều trị công lập theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Nghị định 90/2016/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế (nếu có).
- Người phụ trách chuyên môn là bác sỹ phải có giấy chứng nhận đã qua đào tạo theo, tập huấn về điều trị nghiện CDTP theo Hướng dẫn đào tạo về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được ban hành kèm theo Quyết định số 159/QĐ-BYT ngày 19/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có). Người phụ trách chuyên môn là người làm việc toàn thời gian tại cơ sở điều trị thay thế.
- Cơ sở điều trị Methadone số 2 bố trí nhân viên làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày Lễ, ngày Tết. Thời gian làm việc 8 giờ trong ngày, giờ mở cửa và đóng cửa hàng ngày tùy theo nhu cầu của người bệnh và do Cơ sở điều trị Methadone quy định.
2.2.2. Thành lập các Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế các huyện:
a) Điều kiện hoạt động cơ sở cấp phát thuốc: Các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 90/2016/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
b) Nguyên tắc hoạt động của cơ sở cấp phát thuốc:
- Chỉ thực hiện việc cấp phát thuốc Methadone tại cơ sở cấp phát thuốc cho người bệnh đã đạt liều điều trị duy trì.
- Thực hiện bảo quản, cấp phát thuốc theo đúng các quy định hiện hành.
- Tổ chức làm việc hàng ngày bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày nghỉ Lễ và ngày Tết, tùy điều kiện từng cơ sở, số lượng người bệnh nhận thuốc hàng ngày tại cơ sở cấp phát thuốc để quy định thời gian cấp phát thuốc phù hợp.
- Lồng ghép cấp phát thuốc Methadone với các dịch vụ khác như chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, lao, các biện pháp can thiệp giảm tác hại và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh.
- Chịu sự hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Cơ sở điều trị Methadone.
c) Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở cấp phát thuốc Methadone:
- Tên cơ sở: Cơ sở cấp phát thuốc Methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện.
- Loại hình của cơ sở cấp phát thuốc Methadone: Cơ sở cấp phát thuốc là một bộ phận thuộc Trung tâm Y tế huyện; chịu sự chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
- Cơ cấu tổ chức, nhân lực: Gồm 05 nhân viên, trong đó có 03 nhân viên làm toàn thời gian và 02 nhân viên làm bán thời gian và kiêm nhiệm (là nhân viên trong biên chế của đơn vị).
+ Lãnh đạo đơn vị: Trưởng Cơ sở cấp phát thuốc.
+ Cán bộ chuyên môn: Bác sĩ, dược sĩ đại học hoặc trung học, điều dưỡng.
+ Nhân viên: Nhân viên hành chính, tư vấn, bảo vệ, nhân viên vệ sinh.
d) Nhiệm vụ cụ thể:
- Tổ chức cấp phát thuốc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho người bệnh theo đúng “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.
- Tổ chức theo dõi người bệnh tuân thủ điều trị, đảm bảo cho người bệnh được uống thuốc hằng ngày. Thực hiện tốt các biện pháp tư vấn hỗ trợ tuân thủ điều trị.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tâm lý, xã hội để nâng cao hiệu quả điều trị; giới thiệu, tuyên truyền về chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
- Nhập, bảo quản và sử dụng thuốc Methadone theo Quy trình quản lý thuốc Methadone tại cơ sở cấp phát thuốc thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 14/2015/TT-BYT ngày 25/06/2015 của Bộ Y tế quản lý thuốc Methadone.
- Thực hiện việc báo cáo theo quy định.
- Khi xảy ra bất thường về an ninh trật tự, Cơ sở có trách nhiệm giải quyết; nếu cần thiết phải đồng thời liên hệ với Công an địa phương để phối hợp giải quyết.
4.1. Nguồn ngân sách Trung ương (mua thuốc Methadone).
Năm 2016, kinh phí Trung ương hỗ trợ mua thuốc Methadone là 215.875.000 đồng. Từ năm 2017 trở đi, kinh phí mua thuốc Methadone được trích từ nguồn thu phí dịch vụ điều trị Methadone (dự kiến trung bình mỗi năm khoảng 800.000.000 đồng).
4.2. Nguồn ngân sách địa phương:
Kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh là 6.909.390.000 đồng (Sáu tỷ, chín trăm lẻ chín triệu, ba trăm chín mươi ngàn đồng). Trong đó:
- Chi sửa chữa ban đầu cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc: 390.000.000 đồng.
- Chi lương và các khoản phụ cấp: 2.385.950.000 đồng.
- Chi làm thêm giờ: 1.433.330.000 đồng.
- Chi thường xuyên: 2.044.450.000 đồng.
- Chi mua sắm trang thiết bị thiết yếu: 655.660.000 đồng.
(Kèm theo Phụ lục tổng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương theo năm).
Nguồn thu phí dịch vụ điều trị Methadone từ năm 2016-2020 dự kiến khoảng 6.000.000.000 đồng, trong đó chi mua thuốc Methadone 3.228.225.000 đồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Y tế:
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện nâng cấp cơ sở y tế nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ điều trị điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo kế hoạch.
- Hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị nghiện; chủ trì trong việc quản lý, nhập khẩu, cung ứng và dự trù thuốc điều trị nghiện.
- Phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương nâng cấp, phát triển các cơ sở điều trị bằng Methadone thành cơ sở điều trị nghiện toàn diện, cơ sở cấp phát thuốc thay thế thành các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị tại cộng đồng; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương triển khai các Mô hình thí điểm điều trị nghiện. Tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở phương pháp điều trị nghiện; phối hợp với Công an tỉnh có phương án đảm bảo tốt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn và tại nơi triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông vận động người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.
- Tổ chức tập huấn xét nghiệm chất ma túy và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Y tế.
- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/6), cả năm (trước ngày 15/2 của năm sau) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng rà soát, đánh giá nhu cầu điều trị nghiện tại các huyện, thành phố để xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở điều trị nghiện, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú; nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người nghiện trong học nghề, tạo việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác.
3. Công an tỉnh:
- Lồng ghép các hoạt động phòng chống ma túy với các hoạt động của Kế hoạch này.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan y tế cùng cấp thực hiện điều tra, thống kê, lập danh sách, phân loại số đối tượng nghiện ma túy và lập hồ sơ làm cơ sở để tiếp cận, vận động người nghiện tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.
- Vận động, giới thiệu người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang được quản lý tại trại giam, nhà tạm giữ tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
- Tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể quản lý, giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng.
4. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Y tế xây dựng Đề án số lượng người tăng thêm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí ngân sách thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch.
6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đề ra.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng thông tin điện tử tỉnh:
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống ma túy, các biện pháp đổi mới dự phòng và điều trị nghiện, đặc biệt là điều trị bằng thuốc thay thế Methadone.
- Phối hợp với Sở Y tế truyền thông, vận động người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng và triển khai chương trình ngoại khóa về dự phòng và điều trị nghiện để cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh, sinh viên.
9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, cập nhật thường xuyên thông tin về người nghiện ma túy trên địa bàn để phối hợp quản lý và phối hợp vận động người nghiện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.
- Thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đối với người nghiện ma túy.
- Chủ động bố trí ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực để hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở điều trị Methadone/cơ sở cấp phát thuốc điều trị Methadone trên địa bàn.
10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy; phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế thực hiện mô hình Quân dân y cai nghiện tại các xã biên giới.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị; các tổ chức Hội cấp tỉnh (Liên minh Hợp tác xã; Hội Chữ thập đỏ; Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi; Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh): Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động phối hợp, tham gia tổ chức triển khai nhằm tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy gắn với việc vận động giúp đỡ người nghiện tham gia điều trị nghiện; tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương với các hình thức phù hợp để họ vững tin hòa nhập cộng đồng, giảm kỳ thị tạo điều kiện từ bỏ ma túy.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
TỔNG HỢP NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG PHÂN THEO NĂM
Đơn vị tính: Triệu đồng
TT |
Nội dung chi |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Tổng cộng |
1 |
Chi sửa chữa ban đầu cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc |
100,00 |
55,00 |
115,00 |
120,00 |
- |
390,00 |
2 |
Chi các khoản phụ cấp |
398,55 |
453,10 |
488,10 |
523,10 |
523,10 |
2.385,95 |
3 |
Chi phí làm thêm giờ |
41,33 |
211,50 |
299,50 |
440,50 |
440,50 |
1.433,33 |
4 |
Chi thường xuyên |
135,87 |
294,28 |
436,47 |
578,12 |
599,70 |
2.044,45 |
5 |
Chi phí TTB thiết yếu |
- |
110,00 |
175,48 |
303,50 |
66,68 |
655,66 |
|
Tổng cộng |
675,75 |
1.123,88 |
1.514,55 |
1.965,23 |
1.629,98 |
6.909,39 |
Quyết định 1428/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: | 1428/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum |
Người ký: | Lại Xuân Lâm |
Ngày ban hành: | 24/11/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1428/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Chưa có Video