HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2012/NQ-HĐND |
Quảng Nam, ngày 19 tháng 9 năm 2012 |
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP Y TẾ TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 05
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Sau khi xem xét Tờ trình số 3237/TTr-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị thông qua Đề án Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với các nội dung sau:
1. Mục tiêu
Quy hoạch phát triển toàn diện sự nghiệp y tế từ tỉnh đến cơ sở theo hướng sâu rộng, hiện đại, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực; đảm bảo người dân tiếp cận và sử dụng thuận lợi các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật và di chứng, tăng chỉ số về sức khỏe, thể lực, tuổi thọ; ổn định quy mô và chất lượng dân số; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển sự nghiệp y tế.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Đến năm 2015, đạt 06 bác sĩ, 45 cán bộ y tế/vạn dân và đạt 08 bác sĩ, 52 cán bộ y tế/vạn dân vào năm 2020 (Phụ lục I).
- Đến năm 2015, đạt 22,5 giường bệnh/vạn dân và đạt 26 giường bệnh/vạn dân vào năm 2020 (Phụ lục II).
- Nâng cấp, xây dựng mới các cơ quan, đơn vị của ngành y tế (Phụ lục III).
- Đến năm 2015, đầu tư trang thiết bị theo danh mục quy định của Bộ Y tế từng tuyến điều trị đạt 80% và đạt 100% vào năm 2020.
- Đến năm 2015, trên 50% xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế và đạt 80% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, mỗi thôn, bản có từ 01 đến 02 nhân viên y tế được đào tạo trình độ sơ học y trở lên.
- Đến năm 2015, 100% cán bộ quản lý về dược được đào tạo về quản lý; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ phụ trách công tác dược, y học cổ truyền; 100% khoa dược có dược sỹ đại học tại trung tâm y tế, bệnh viện ở các thành phố, huyện đồng bằng, 80% ở các huyện miền núi và đạt 100% vào năm 2020.
- 100% trường học (kể cả trường chuyên nghiệp) có bộ phận y tế tại trường vào năm 2015.
- 100% cơ sở bán lẻ thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”; 100% khoa dược tại các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, tuyến huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” và “Thực hành tốt nhà thuốc” vào năm 2015.
- Đến năm 2015, 90% cơ sở điều trị công lập có hệ thống xử lý chất thải lỏng đạt yêu cầu, 80% cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải rắn y tế và đạt 100% vào năm 2020.
3. Giải pháp
- Huy động và lồng ghép tốt các nguồn lực cho phát triển y tế; nâng cao tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước hằng năm cho ngành y tế; tăng cường hợp tác quốc tế; khuyến khích các cơ sở y tế huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và cung cấp các dịch vụ y tế.
- Củng cố, xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu, trong đó chú trọng đào tạo bổ sung đội ngũ bác sĩ chuyên khoa định hướng, bác sĩ y tế dự phòng, kỹ thuật viên; nâng cao năng lực chuyên môn cho các bác sĩ tuyến y tế cơ sở để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Có chính sách thu hút, đãi ngộ đặc biệt đối với các bác sỹ, dược sỹ có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu, bác sỹ về công tác tuyến y tế cơ sở. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế cho miền núi. Hình thành học bổng đào tạo bác sỹ, bác sỹ nội trú.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; trong đó, chú trọng đầu tư công tác dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo quản và kinh doanh thuốc trên địa bàn. Quy hoạch và phát triển vùng dược liệu; đầu tư chế biến sâu các loại dược liệu quý. Kết hợp hài hòa giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.
- Đảm bảo chỉ tiêu mở rộng đất cho các công trình y tế theo Nghị quyết số 44/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2011-2015). Khuyến khích, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế ngoài công lập.
- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất theo tính chất, chức năng, nhiệm vụ và quy mô giường bệnh của các đơn vị, cơ sở y tế; tập trung đầu tư, xây dựng trạm y tế chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Y tế; phát triển phòng khám đa khoa khu vực tại các khu công nghiệp, cụm liên xã miền núi cao; lồng ghép tổ chức hoạt động của trạm y tế xã với phòng khám đa khoa khu vực.
- Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế phù hợp với điều kiện, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực, đáp ứng triển khai các kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến của Bộ Y tế; ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào công tác chẩn đoán và điều trị; điều hành, quản lý bệnh viện và xử lý chất thải y tế. Chú trọng phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý ngành và công tác chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở.
- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá y tế; tăng cường hợp tác quốc tế để đầu tư cho y tế, tranh thủ và thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án của các tổ chức; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được phép tổ chức cung cấp các dịch vụ y tế.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, thực hiện các chính sách về y tế; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu trọng điểm, thông qua các kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt các chương trình, dự án quốc gia về y tế. Thực hiện phân cấp quản lý đối với y tế tuyến huyện và cơ sở để đảm bảo quản lý nhà nước về y tế có hiệu quả.
4. Kinh phí thực hiện
Ngoài ngân sách Trung ương và các khoản huy động khác; tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn cụ thể (Phụ lục IV).
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VIII, Kỳ họp thứ 05, thông qua ngày 19 tháng 9 năm 2012./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Số hiệu: | 47/2012/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký: | Nguyễn Văn Sỹ |
Ngày ban hành: | 19/09/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Chưa có Video