BỘ Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/KL-TTrB |
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2016 |
KẾT LUẬN THANH TRA
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HÀNH NGHỀ Y TƯ NHÂN, BẢO HIỂM Y TẾ, XÃ HỘI HÓA Y TẾ, CÁC HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TẠI SỞ Y TẾ TỈNH ĐỒNG NAI
Thực hiện Quyết định số 201/QĐ-TTrB ngày 05/10/2015 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về thanh tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân, bảo hiểm y tế, xã hội hóa y tế, các hoạt động dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Từ ngày 19/10/2015 đến ngày 7/11/2015 đoàn đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, địa chỉ số 2 đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 28/12/2015 của trưởng đoàn thanh tra.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận như sau:
I. KHÁI QUÁT CHUNG
Tỉnh Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và địa thế chiến lược của kinh tế quốc gia. Diện tích tự nhiên gần 6.000 km2, dân số khoảng 2,9 triệu người, mật độ dân số 484 người/ km2. Tỉnh gồm 11 đơn vị cấp huyện (Thành phố Biên Hòa, Thị xã Long Khánh, 9 huyện, với 171 Trạm y tế xã/phường/thị trấn).
- Hệ điều trị có 17 bệnh viện, trong đó: 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 03 bệnh viện đa khoa khu vực, 04 bệnh viện chuyên khoa, 08 bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
- Hệ dự phòng có 10 Trung tâm gồm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; Trung tâm Truyền thông GDSK; Trung tâm chăm sóc SKSS; Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm kiểm nghiệm; Trung tâm Giám định y khoa; Trung tâm Pháp y; Trung tâm Răng Hàm Mặt; Trung tâm SKLĐ & Môi trường; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế.
- 02 Chi cục: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Chi cục Dân số.
- Hệ thống y tế ngoài công lập: Có 3.000 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Trong đó, cơ sở hành nghề y có 37 Phòng khám đa khoa, 05 Bệnh viện tư nhân, 950 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế.
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH
1. Công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế về hành nghề Y tư nhân
1.1. Tổ chức bộ máy
Phòng Quản lý Hành nghề là một phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở Y tế Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 49/2009/QĐ-UBND ngày 20/7/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai, Quyết định sửa đổi số 31/2012/QĐ-UBND ngày 31/05/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thực hiện tham mưu Sở Y tế thành lập:
* Hội đồng tư vấn cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh: được thành lập theo Quyết định số 556/QĐ-SYT ngày 10/5/2013 và Quyết định kiện toàn của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, Quyết định số 580/QĐ/SYT ngày 29/5/2015 của Giám đốc Sở Y tế về việc kiện toàn Hội đồng tư vấn cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
* Tổ thư ký thẩm định hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: được thành lập theo Quyết định số 351/QĐ-SYT ngày 30/3/2012, Quyết định kiện toàn số 709/QĐ-SYT ngày 4/7/2013, Quyết định kiện toàn số 1047/QĐ- SYT ngày 9/9/2014 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.
* Đoàn thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo Quyết định 349/QĐ-SYT ngày 30/3/2012, Quyết định kiện toàn số 1323/QĐ-SYT ngày 11/12/2013 và Quyết định kiện toàn số 1045/QĐ-SYT ngày 09/9/2014.
1.2. Ban hành các văn bản chỉ đạo
Trong thời kỳ thanh tra năm 2013, năm 2014 Sở Y tế Đồng Nai đã ban hành 13 văn bản thuộc lĩnh vực hành nghề y tư nhân và khám, chữa bệnh. Chín tháng đầu năm 2015 Sở Y tế đã ban hành 03 văn bản lĩnh vực khám, chữa bệnh.
1.3. Công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
Sở Y tế luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khám, chữa bệnh cho người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở hành nghề y tư nhân.
Từ 01/01/2013 đến tháng 9 tháng năm 2015, Sở Y tế đã tổ chức 05 đợt tập huấn cho khoảng 6000 người, phổ biến Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh cho các Sở, ngành có liên quan trong tỉnh, các đơn vị trong ngành, các cơ sở hành nghề y tư nhân trên toàn tỉnh.
1.4. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm hoạt động HNYTN
1.4.1. Công tác thanh tra, kiểm tra
- Năm 2013: Kiểm tra 53 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở, với tổng số tiền phạt: 249.500.000 đồng; Đình chỉ hoạt động 06 cơ sở; tước giấy phép hoạt động có thời hạn 01 cơ sở;
- Năm 2014: Kiểm tra 65 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở, với tổng số tiền phạt: 267.500.000 đồng; Đình chỉ hoạt động 01 cơ sở; tước giấy phép hoạt động có thời hạn 03 cơ sở;
- 9 tháng đầu năm 2015: Kiểm tra 72 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt: 979.000.000 đồng; Đình chỉ hoạt động 09 cơ sở; tước giấy phép hoạt động có thời hạn 07 cơ sở;
1.4.2. Công tác hậu kiểm
- Năm 2014 và 2015: Kiểm tra 88 cơ sở, trong đó: Cơ sở vi phạm 22 cơ sở (chiếm 25% số cơ sở được kiểm tra); chuyển Thanh tra Sở Y tế xử lý 14 cơ sở.
- Những lỗi vi phạm chủ yếu: Chưa duy trì tốt các điều kiện như khi thẩm định cấp giấy phép hoạt động (hộp chống shock không đủ cơ số, sai thành phần; thùng chứa chất thải chưa đúng quy định; chưa niêm yết bảng giá, bảng hiệu sai quy định...); một số cơ sở hoạt động chưa được cấp phép.
1.5. Công tác cấp CCHN và GPHĐ khám bệnh, chữa bệnh
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thực hiện Quy trình xét cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động theo nguyên tắc “một cửa”:
1. Bộ phận một cửa xem xét và tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, lập Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả gửi cho khách hàng, chuyển giao hồ sơ cho phòng Quản lý hành nghề (QLHN).
2. Tổ thư ký tiến hành thẩm định hồ sơ, họp xem xét các trường hợp đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi CCHN. Các trường hợp đủ điều kiện, lập danh sách trình lãnh đạo Sở Y tế xem xét phê duyệt. Trong các trường hợp cần thiết, Tổ thư ký xin ý kiến Hội đồng tư vấn về các nội dung liên quan đến cấp, cấp lại, thu hồi CCHN khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ cấp GPHĐ, sau khi Đoàn thẩm định đủ điều kiện đối với cơ sở xin cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động trình Hội đồng để xét cấp, trình Giám đốc Sở Y tế ký cấp;
3. Kết quả trả Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động tại bộ phận một cửa.
- Thời gian từ khi nhận hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đến khi cấp là 60 ngày, với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động thời gian từ khi nhận hồ sơ đến khi cấp là 90 ngày. Năm 2015 Sở Y tế đã thực hiện cải tiến quy trình ISO, rút ngắn thời gian cấp CCHN từ 60 ngày còn 45 ngày; GPHĐ từ 90 ngày còn 75 ngày. Các trường hợp không cấp, cấp lại đều được thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì bộ phận một cửa sẽ hướng dẫn cho khách hàng để hoàn chỉnh hồ sơ.
- Gửi thông báo cho UBND tỉnh, huyện thuộc tỉnh danh sách các cơ sở Khám, chữa bệnh đã được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh Giấy phép hoạt động, đăng tải cổng thông tin điện tử Sở Y tế.
- Chứng chỉ hành nghề: Theo báo cáo của Sở Y tế số lượng người hành nghề thuộc đối tượng phải cấp chứng chỉ hành nghề: 5.766; số đã cấp 4.723 (Đạt tỷ lệ 81,9%). Còn lại 1.043 do chưa đủ thời gian thực hành và đang trong thời gian học để nâng cao trình độ từ trung cấp lên đại học. Trong số chứng chỉ hành nghề đã cấp có 1.324 Bác sỹ; 663 Y sỹ; 2.689 Điều dưỡng; 718 Hộ sinh; 429 Kỹ thuật viên; 3 14 Y sỹ YHCT, Lương y;
- Giấy phép hoạt động: Tổng số GPHĐ khám, chữa bệnh đã cấp đến thời điểm thanh tra:
+ Tổng số cơ sở y tế công lập phải cấp GPHĐ: 197 cơ sở gồm (17 bệnh viện, 8 PKĐK khu vực, 171 trạm y tế xã /phường/thị trấn, 1 trung tâm giám định y khoa. Đến nay đã cấp được 89 cơ sở đạt tỷ lệ 45,1% (năm 2013 cấp 9 cơ sở, 2014 cấp 9 cơ sở, 2015 cấp 71 cơ sở trong đó gồm 17 bệnh viện; 01 PK đa khoa khu vực; 71 Trạm y tế xã); 11 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ. Số còn lại chưa cấp chủ yếu là các Trạm Y tế xã. Dự kiến đến 31/12/2015 sẽ hoàn tất việc cấp GPHĐ cho các cơ sở y tế công lập.
+ Tổng số GPHĐ khám, chữa bệnh đã cấp cho y tế tư nhân: 1.024 cơ sở; Trong đó: PKĐK: 38; PKCK: 591; Nhà hộ sinh: 01; Dịch vụ răng giả: 78; Phòng chẩn trị YHCT: 186; Dịch vụ kính thuốc: 03; Dịch vụ y tế: 70; Phòng khám chẩn đoán hình ảnh: 46; Phòng xét nghiệm: 11.
- Cấp, cấp lại GPHĐ khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tư nhân đạt 93,5 % so với số lượng cơ sở đề nghị cấp phép.
Số CCHN và GPHĐ Sở Y tế đã cấp như sau:
|
Chứng chỉ hành nghề |
Giấy phép hoạt động |
+ Năm 2013 + Năm 2014 + 09 tháng đầu năm 2015 |
4.675 949 518 |
328 479 298 |
Kết quả kiểm tra 50 hồ sơ cấp GPHĐ, 50 hồ sơ cấp CCHN (các hồ sơ được lấy ngẫu nhiên) tại phòng Quản lý hành nghề của Sở Y tế, Đoàn có nhận xét sau:
+ Những mặt làm được:
- Sở Y tế có Phòng Quản lý hành nghề y thực hiện chức năng theo Quyết định số 49/2009/QĐ-UBND và Quyết định sửa đổi bổ sung số 31/2012/QĐ-UBND ngày 31/05/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai.
- Sở Y tế có Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Thành lập Tổ thư ký thẩm định hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Quyết định thành lập Đoàn thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Xây dựng Quy trình xét cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động được thực hiện theo nguyên tắc “một cửa”.
- Thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các đơn vị trong ngành, các cơ sở hành nghề y tư nhân trên toàn tỉnh (từ 01/01/2013 đến tháng 9 năm 2015, Sở Y tế đã tổ chức 05 đợt tập huấn phổ biến về Luật khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành luật).
- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở y tế tư nhân:
+ Năm 2013: Kiểm tra 53 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở, với tổng số tiền phạt: 249.500.000 đồng; Đình chỉ hoạt động 06 cơ sở; tước giấy phép hoạt động có thời hạn 01 cơ sở; tước chứng chỉ hành nghề 03 trường hợp.
+ Năm 2014: Kiểm tra 65 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở, với tổng số tiền phạt: 267.500.000 đồng; Đình chỉ hoạt động 01 cơ sở; tước giấy phép hoạt động có thời hạn 03 cơ sở; tước chứng chỉ hành nghề 04 trường hợp.
+ 9 tháng đầu năm 2015: Kiểm tra 72 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt: 979.000.000 đồng; Đình chỉ hoạt động 09 cơ sở; tước giấy phép hoạt động có thời hạn 07 cơ sở; tước chứng chỉ hành nghề 02 trường hợp.
- Sở Y tế đã thực hiện việc quản lý và cấp chứng chỉ hành nghề, cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc “một cửa” việc quản lý đã từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, thuận tiện và nhanh chóng. Quá trình thẩm định và cấp CCHN, GPHĐ đúng thời gian quy định.
- Danh mục hồ sơ xin cấp CCHN khám, chữa bệnh và GPHĐ được quản lý bằng phần mềm vi tính do Bộ Y tế triển khai, hồ sơ được sắp xếp theo số hồ sơ thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát. Hồ sơ được lưu giữ tại Phòng Quản lý hành nghề được bảo quản theo quy định.
+ Tổng số CCHN đã cấp cho người hành nghề thuộc các bệnh viện và các cơ sở y tế công lập: 4.723/5.766 đạt 81,9%.
+ Tổng số GPHĐ cấp cho cơ sở y tế công lập: 89/197 cơ sở, đạt 45,1%. Số còn lại chưa cấp chủ yếu là các trạm y tế xã, phường đang tiếp tục thẩm định cấp theo lộ trình đến 31/12/2015.
+ Tổng số GPHĐ khám chữa bệnh đã cấp cho các cơ sở y tế tư nhân: 1.024 cơ sở; Trong đó: Phòng khám đa khoa: 38; phòng khám chuyên khoa: 591; Nhà hộ sinh: 01; Dịch vụ răng giả: 78; Phòng chẩn trị y học cổ truyền: 186; Dịch vụ kính thuốc: 03; Dịch vụ y tế: 70; Phòng khám chẩn đoán hình ảnh: 46; Phòng xét nghiệm: 11.
+ Cấp, cấp lại GPHĐ khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tư nhân đạt 93,5 % so với số lượng cơ sở đề nghị cấp phép.
+ Cấp, cấp GPHĐ khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở y tế Nhà nước đạt 45,1% so với số phải cấp.
+ Những tồn tại:
- Biên bản thẩm định sử dụng theo mẫu thống nhất của Sở Y tế nhưng còn một số biên bản thẩm định ghi sơ sài, chưa thể hiện hết các chi tiết về phạm vi hoạt động chuyên môn, nhân lực, trang thiết bị y tế.
- Hồ sơ lưu được sắp xếp riêng từng cơ sở nhưng các tài liệu trong hồ sơ sắp xếp không theo trình tự nhất định nên chưa thuận tiện cho việc kiểm tra.
- Tỷ lệ cấp GPHĐ cho các cơ sở y tế công lập còn thấp: 45,1%
* Thực tế việc thực hiện những quy định của pháp luật tại một số cơ sở y tế tư nhân
Đoàn thanh tra tại 3 cơ sở y tế tư nhân:
Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn-Đồng Nai, địa chỉ F99 Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, địa chỉ 1048A Phạm Văn Thuận, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Công ty TNHH bệnh viện Đa khoa nhi Sài Gòn chi nhánh Đồng Nai-Phòng khám đa khoa, địa chỉ số 185 Phan Trung, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Đoàn có một số nhận xét sau:
- Những mặt làm được:
+ 3/3 cơ sở đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý hoạt động, hồ sơ quản lý nhân sự đúng quy định và thực hiện khám, chữa bệnh theo phạm vi chuyên môn được phê duyệt.
+ Bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được niêm vết công khai tại phòng khám. Phòng cấp cứu được trang bị đủ dụng cụ, phương tiện cấp cứu theo quy định.
+ Có hợp đồng xử lý rác thải y tế và rác thải sinh hoạt, thực hiện phân loại rác thải ngay tại khoa phòng, trang bị túi nilon với màu sắc đúng quy định.
+ Các cơ sở đều khang trang, đủ diện tích theo quy định, được trang bị máy móc phục vụ thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
+ Đủ thuốc và vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
+ 01 cơ sở quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động (Công ty TNHH bệnh viện Đa khoa nhi Sài Gòn chi nhánh Đồng Nai - Phòng khám đa khoa). Đoàn tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
+ Hồ sơ bệnh án chữ viết xấu, khó đọc, ghi còn sơ sài, chưa đầy đủ triệu chứng, phần điều trị không kê đơn thuốc. Một số bệnh án phiếu yêu cầu, và phiếu kết quả xét nghiệm thiếu chữ ký của bác sỹ.
* Thuận lợi và khó khăn trong cấp CCHN và GPHĐ:
Thuận lợi:
- Phôi Chứng chỉ được Bộ Y tế cung cấp kịp thời.
- Bộ Y tế có hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp phép. Bộ Y tế có dự án hỗ trợ cho việc kết nối dữ liệu giữa phần mềm quản lý cấp CCHN sẵn có từ FPT của Sở Y tế được liên thông với phần mềm của Bộ Y tế.
Khó khăn:
- Bộ Y tế chưa có Thông tư hướng dẫn việc chuẩn hóa trình độ Lương y để đủ điều kiện cấp CCHN cho các Lương y đã hành nghề nhiều năm trước đây theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân; các y sĩ chuyên khoa và đa khoa (trừ y sĩ YHCT) khi cấp CCHN chỉ được thực hiện phạm vi hoạt động đếm mạch, đo huyết áp, thay băng, tiêm chích, không phù hợp với chương trình đào tạo...
- Hướng dẫn của Bộ Y tế về bổ sung phạm vi hoạt động đối với CCHN đã cấp không được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011, không có quy định về mức phí trong Thông tư 03/2013/TT-BTC ngày 8/01/2013.
- Người đi học định hướng chuyên khoa, sau đại học không phải là người làm việc tại các cơ sở sẽ không có giấy xác nhận thực hành cho thời gian đi học chuyên khoa, trong khi văn bằng, chứng chỉ đào tạo không thay cho giấy xác nhận thực hành gây thiệt thòi cho người hành nghề khi xin cấp CCHN.
- Quy định về thu hồi CCHN trong trường hợp không cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo Thông tư số 22/2013/TT-BYT trước mắt rất khó khả thi. Các bệnh viện không có trường để nhập liệu và khi người hành nghề chuyển địa bàn hành nghề thì không thể tiếp tục theo dõi.
- Phần mềm cấp giấy phép hoạt động chưa được Bộ Y tế triển khai nhưng trong thủ tục xin cấp GPHĐ không được yêu cầu xác nhận không hành nghề tại nơi cư trú tạo sự rủi ro trong hoạt động cấp GPHĐ, trong quản lý thông tin và báo cáo sau cấp GPHĐ.
2. Xã hội hóa y tế
2.1. Tại Sở Y tế (Đoàn ghi nhận Theo báo cáo của Sở Y tế):
* Sở Y tế hướng dẫn đơn vị Quy trình xã hội hóa cho các đơn vị:
- Các cơ sở liên doanh, liên kết, góp vốn liên doanh bàn bạc ý tưởng trong Cấp Ủy, Ban Giám đốc, BCH Công đoàn và triển khai đến toàn thể CB-CNV để thăm dò và lấy ý kiến của cán bộ viên chức, được đồng thuận cao BGĐ tiến hành các bước sau:
+ Xây dựng Đề án Liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các nội dung theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế.
+ Tờ trình gửi đơn vị chủ quản xin phê duyệt.
+ Biên bản họp thống nhất chủ trương trong đơn vị có chữ ký của Ban Giám đốc, Đảng ủy và tổ chức Công đoàn của đơn vị.
+ Sở Y tế thực hiện phê duyệt đề án.
+ Sau khi được Sở Y tế phê duyệt, đơn vị thực hiện việc mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ trong quá trình liên doanh, liên kết theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính và các văn bản quy định hiện hành.
* Kết quả triển khai liên doanh, liên kết các dịch vụ Xã hội hóa y tế
-Năm 2013:
+ 10/17 đơn vị đã triển khai Xã hội hóa y tế từ năm 2012 (Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Phú, Bệnh viện Đa khoa thành phố Biên Hòa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa huyện Trảng Bom, Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Lộc), đạt 58,82%. 03 đơn vị triển khai thêm đề án mới (Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai).
Đến nay toàn tỉnh có 10/17 đơn vị thực hiện XHH V tế.
2.2. Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất
Thực hiện Quyết định số 2884/QĐ-TTCP, ngày 8/10/2015 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về Phòng chống tham nhũng tại UBND tỉnh Đồng Nai, Đoàn Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra nội dung này tại bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (trong đó có nội dung liên quan đến công tác Xã hội hóa của bệnh viện). Để tránh chồng chéo giữa các Đoàn thanh tra và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bệnh viện, Đoàn thanh tra theo Quyết định số 201/QĐ-TTrB ngày 05/10/2015 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế không thực hiện nội dung thanh tra xã hội hóa y tế tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
3. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm y tế
3.1. Tại Sở Y tế Đồng Nai
3.1.1 Về việc tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHYT
Sở Y tế đã tham mưu giúp UBND tỉnh và các ban ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật BHYT và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT trên địa bàn, cụ thể như sau:
- Thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ngày 15/10/2009 tại Công văn số 8436/UBND-VX về việc thực hiện Công điện số 1801/CĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Luật Bảo hiểm Y tế, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các Sở, ngành liên quan triển khai, phổ biến, quán triệt Luật BHYT, Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.
- Sở Y tế đã tham mưu giúp Ban Thường vụ tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 14/12/2009 về việc “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” và tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 2177/KH-UBND ngày 29/3/2010 về triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Thực hiện các nội dung của Công văn số 5926/BYT-BH ngày 01/9/2009 của Bộ Y tế về việc tổ chức thực hiện BHYT, Sở Y tế phổ biến đến các cơ quan, đơn vị cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành Y tế Luật BHYT và các nghị định, thông tư hướng dẫn và các văn bản chỉ đạo khác.
- Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2678/KH-SYT ngày 29/7/2013, triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020”;
- Về Danh mục và giá dịch vụ kỹ thuật:
+ Ngày 27/3/2009, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND về việc quy định mức thu một phần viện phí áp dụng cho người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú kể cả người bệnh có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
+ Ngày 03/8/2012, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND về việc quy định giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc ngành Y tế tỉnh Đồng Nai;
+ Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND về việc quy định bổ sung mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc ngành Y tế tỉnh Đồng Nai;
+ Ngày 09/6/2015, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung tên và mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc ngành y tế tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 và Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai;
- Các quy định về danh mục, giá thuốc, hóa chất và vật tư y tế tiêu hao (VTYTTH) trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT:
+ Năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 3409/QĐ-UBND ngày 21/11/2012, về việc tổ chức đấu thầu mua thuốc, hóa chất và vật tư y tế tiêu hao trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó chấp thuận cho Sở Y tế Đồng Nai đấu thầu tập trung các loại thuốc tân dược, thuốc từ dược liệu, vắc xin, sinh phẩm y tế, các loại dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền. Các đơn vị y tế công lập, ngoài công lập có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với BHXH tổ chức đấu thầu mua hóa chất, VTYTTH sử dụng tại đơn vị.
+ Năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn số 2377/UBND-ĐT về việc tổ chức đấu thầu mua thuốc, hóa chất, VTYTTH dùng trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đồng Nai. Theo đó chấp thuận Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung mua thuốc, dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền năm 2014 dùng trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của các đơn vị trực thuộc SYT Đồng Nai. Trên cơ sở kết quả trúng thầu do Sở Y tế thông báo các cơ sở y tế thương thảo ký hợp đồng cung ứng với các nhà thầu trúng thầu. Các cơ sở y tế tổ chức đấu thầu mua hóa chất, VTYTTH, oxy y tế dùng trong khám bệnh, chữa bệnh theo nhu cầu của đơn vị theo quy định hiện hành.
+ Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn số 1325/UBND-ĐT về việc tổ chức đấu thầu mua thuốc, hóa chất, VTYTTH dùng trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đồng Nai. Theo đó chấp thuận Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung mua thuốc, dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền năm 2015 dùng trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đồng Nai. Trên cơ sở kết quả trúng thầu do Sở Y tế thông báo các cơ sở y tế thương thảo ký hợp đồng cung ứng với các nhà thầu trúng thầu. Các cơ sở y tế tổ chức đấu thầu mua hóa chất, VTYTTH, oxy y tế dùng trong khám bệnh, chữa bệnh theo nhu cầu của đơn vị theo quy định hiện hành.
3.1.2. Về việc xác định các đơn vị đủ điều kiện đăng ký KCB ban đầu BHYT
- Trước năm 2015, căn cứ Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế Hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT; từ ngày 01/01/2015 căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế Hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT;
- Hằng năm Sở Y tế xác định các cơ sở y tế đủ điều kiện đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT làm cơ sở để Bảo hiểm xã hội tỉnh ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hướng dẫn người có thẻ BHYT đăng ký nơi KCB ban đầu theo quy định;
- Ngày 22/01/2015, Sở Y tế Đồng Nai có công văn số 292/SYT-NVY về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở địa bàn giáp ranh trong tỉnh và giữa các tỉnh theo quy định.
3.1.3. Về việc phân bổ thẻ đăng ký KCB ban đầu trên địa bàn tỉnh
Hằng năm, Sở Y tế có văn bản yêu cầu các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh cung cấp sớm khả năng đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; tổ chức số bàn khám bệnh cũng như khả năng tăng cường khi bệnh nhân đông, nhất là khâu tiếp đón, thu viện phí, xét nghiệm; khả năng tối đa có thể tiếp nhận được bao nhiêu thẻ BHYT.
Trên cơ sở đó để Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn, phân bổ thẻ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở KCB BHYT theo quy định.
3.1.4. Về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện cải tiến quy trình Khám chữa bệnh theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn Quy trình khám bệnh của Khoa khám bệnh của bệnh viện và Thông tư số 19/2013/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.
* Khó khăn, vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong thanh toán chi phí KCB BHYT có những khó khăn vướng mắc như sau:
- Cơ quan BHXH tỉnh không thanh toán chi phí danh mục kỹ thuật theo Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 09/6/2015 của UBND Đồng Nai về việc sửa đổi, bổ sung tên và mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Ngành Y tế tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, do Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 đã có hiệu lực nhưng Bộ Y tế chưa ban hành khung giá dịch vụ kỹ thuật theo quy định.
- Tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, theo Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011, Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cử nhân X quang không được đọc kết quả vào phiếu chụp XQ. Sở Y tế Đồng Nai căn cứ công văn số 6705/CV-BYT về việc giải quyết những vướng mắc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp bổ sung chứng chỉ hành nghề cho các bác sỹ Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã học chuyên khoa I, II, về lao, bệnh phổi được đọc và ký phiếu kết quả XQ. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa thanh toán chi phí X quang do các bác sỹ này ký kết quả, chờ ý kiến của Bộ Y tế (số chưa được thanh toán năm 2013 là 380 triệu đồng, năm 2014 là 350 triệu đồng và 06 tháng đầu năm 2015 là 105 triệu đồng, tổng là 835 triệu đồng);
- Công tác đấu thầu thuốc do Hội đồng đấu thầu, trong đó có thành viên của cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai tham gia xét thầu theo đúng luật định. Tuy nhiên, sau khi có kết quả đấu thầu, cơ quan BHXH yêu cầu phải thương thảo để giám sát tất cả các mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn giá trúng thầu mặt hàng đó tại các địa phương lân cận (tại thời điểm trước khi Đồng Nai xét thầu). Trường hợp nhà thầu không đồng ý giảm giá, nếu cơ sở y tế sử dụng cơ quan BHXH tỉnh không thanh toán.
3.1.5. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT.
Theo Báo cáo của Sở Y tế:
- Sở Y tế đã phối hợp tốt với Bảo hiểm xã hội tỉnh, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công tác khám bệnh, chữa bệnh; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHYT theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định khác của pháp luật.
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường kiểm tra công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn cấp thuốc bảo hiểm y tế.
- Kịp thời giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của người dân liên quan đến KCB BHYT, thanh toán BHYT.
- Hằng quý, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đều có buổi làm việc để định hướng cho những quý tới và giải quyết những thắc mắc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kết quả thanh tra, xác minh các nội dung thanh tra tại Sở Y tế cho thấy:
Về ưu điểm:
Sở Y tế Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai và phối hợp với các cơ quan ban ngành trong tỉnh triển khai tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tới các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và người dân. Tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá các dịch vụ y tế làm cơ sở thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT tại địa phương, chủ trì thống nhất các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng giáp danh để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của chính sách pháp luật BHYT.
Vướng mắc, khó khăn:
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai không thanh toán chi phí KCB với các dịch vụ kỹ thuật theo Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 09/6/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc sửa đổi, bổ sung tên và mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc ngành y tế tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 và Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai, trong khi các dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 đã có hiệu lực nhưng Bộ Y tế chưa ban hành khung giá.
- Sở Y tế căn cứ công văn số 6705/BYT-KCB ngày 04/10/2012 của Bộ Y tế về việc giải quyết những vướng mắc khi thực hiện cấp CCHN khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh đã cấp bổ sung chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ bệnh viện Phổi đã học chuyên khoa I, II, lao bệnh phổi được đọc XQ và ký kết quả XQ. Nhưng Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa thanh toán chi phí XQ do các bác sỹ trên ký, chờ ý kiến của Bộ Y tế.
- Công tác đấu thầu thuốc do Hội đồng đấu thầu, trong đó có thành viên của cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai tham gia xét thầu theo đúng luật định. Tuy nhiên, sau khi có kết quả đấu thầu, cơ quan BHXH yêu cầu phải thương thảo để giám sát tất cả các mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn giá trúng thầu mặt hàng đó tại các địa phương lân cận (tại thời điểm trước khi Đồng Nai xét thầu). Trường hợp nhà thầu không đồng ý giảm giá, nếu cơ sở y tế sử dụng cơ quan BHXH tỉnh không thanh toán.
3.2. Tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại: Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, địa chỉ số 234 Quốc lộ 1, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Y dược Cổ truyền, địa chỉ đường Đồng Khởi, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, địa chỉ 1048A Phạm Văn Thuận, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Quốc tế CTCH Sài Gòn - Đồng Nai, địa chỉ F99 Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; về các nội dung thanh tra, kết quả cho thấy:
3.2.1. Về việc triển khai các văn bản pháp luật BHYT
- Theo báo cáo các bệnh viện được thanh tra cơ bản đã triển khai tập huấn, phổ biến cho cán bộ, nhân viên bệnh viện về Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHYT để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định.
- Về Danh mục và giá dịch vụ kỹ thuật chuyên môn:
Năm 2013 năm 2014 và 06 tháng đầu năm 2015, các bệnh viện được thanh tra đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt Danh mục và giá dịch vụ kỹ thuật chuyên môn để tổ chức thực hiện căn cứ Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND ngày 27/3/2009 và Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 và Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai (Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai, bệnh viện Y dược cổ truyền); Bệnh viện Quốc tế CTCH Sài Gòn - Đồng Nai và Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai giá dịch vụ thanh toán BHYT theo giá bệnh viện công lập hạng 3, được phê duyệt tại 03 Quyết định nêu trên của UBND tỉnh Đồng Nai.
- Về danh mục và giá thuốc: Từ năm 2013, năm 2014 và năm 2015, các bệnh viện công lập được thanh tra Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện họp thống nhất danh mục thuốc, dựa vào nhu cầu thực tiễn điều trị, dựa vào phân tuyến chuyên môn- kỹ thuật của bệnh viện, dựa mô hình bệnh tật và phác đồ điều trị tại bệnh viện, dựa trên số lượng thuốc đã được sử dụng tại bệnh viện và trên cơ sở Thông tư số 31/2011/TT-BYT và Thông tư số 40/2014/TT-BYT quy định các thuốc được BHYT thanh toán để tiến hành xây dựng danh mục thuốc năm, đảm bảo số lượng và chủng loại phục vụ nhu cầu điều trị; Bệnh viện tư nhân được thanh tra, Danh mục lấy theo danh mục thuốc trúng thầu của Sở Y tế. Giá thanh toán BHYT bằng giá trúng thầu tập trung tại Sở Y tế Đồng Nai theo hạng bệnh viện theo quy định.
- Về vật tư y tế tiêu hao: Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai căn cứ Thông tư số 27/2013/TT-BYT về danh mục vật tư y tế được quỹ BHYT chi trả, nhu cầu kỹ thuật phát sinh mới tại bệnh viện, dựa trên số lượng vật tư y tế đã sử dụng tại bệnh viện, Hội đồng thuốc và điều trị yêu cầu các Trưởng khoa đề xuất danh mục vật tư y tế cần thiết sử dụng tại khoa, khoa Dược tiến hành tổng hợp danh mục và số lượng dự kiến gửi về Tổ đấu thầu vật tư y tế của bệnh viện để tiến hành thủ tục đấu thầu theo Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 26/4/2012 về mua sắm tài sản để duy trì hoạt động thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bệnh viện tư nhân được chọn thanh tra căn cứ giá VTYT do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đấu thầu làm cơ sở thanh toán chi phí Khám chữa bệnh BHYT.
3.2.2. Về công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT
a. Về hợp đồng và thanh lý hợp đồng KCB BHYT
- Tình hình ký và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT:
+ Các bệnh viện được thanh tra cơ bản đã ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có nội dung cơ bản theo Mẫu ban hành theo Thông tư liên tịch số 09/TTLT-BYT-BTC và Thông tư liên tịch số 41/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn thực hiện BHYT.
+ Thời gian ký hợp đồng các bệnh viện được thanh tra đã tiến hành ký vào cuối tháng 12 hằng năm hoặc đầu tháng 01, cơ bản theo Quy định.
+ Chủ thể ký Hợp đồng, do Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai ký (tại thời điểm thanh tra không có giấy ủy quyền lưu tại hợp đồng).
- Về thanh lý hợp đồng KCB BHYT:
Năm 2013, các bệnh viện được thanh tra và BHXH tỉnh Đồng Nai tiến hành thanh lý Hợp đồng KCB BHYT theo đúng quy định (Bệnh viện Thống Nhất - Đồng Nai, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai);
Năm 2014, đa số các bệnh viện được thanh tra chưa thực hiện thanh lý hợp đồng.
Kết quả cho thấy:
Hợp đồng KCB BHYT được ký có nội dung cơ bản theo Mẫu hợp đồng KCB BHYT ban hành theo Thông tư liên tịch số 09/TTLT-BYT-BTC và Thông tư liên tịch số 41/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn thực hiện BHYT. Chủ thể ký hợp đồng KCB BHYT năm 2013 do Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai ký (không có giấy ủy quyền là không đúng quy định); thời gian ký hợp đồng KCB BHYT, cơ bản thực hiện theo đúng quy định.
b. Về phân tuyến chuyển tuyến điều trị
Các bệnh viện được thanh tra cơ bản tổ chức thực hiện chuyển tuyến điều trị theo Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT và Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế Hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
c. Về việc áp giá thanh toán chi phí các dịch vụ y tế
- Đoàn thanh tra đã kiểm tra sác xuất một số Bảng kê chi phí khám chữa bệnh ngoại trú (Mẫu 01/BV) tại các bệnh viện, kết quả cho thấy:
+ Bảng kê cơ bản được ghi chép các nội dung theo mẫu quy định;
+ Các Bảng kê được chọn kiểm tra các dịch vụ kỹ thuật, thuốc được chỉ định sử dụng cơ bản trong danh mục và giá đúng với giá được phê duyệt tại bệnh viện;
+ Mức thanh toán với người bệnh BHYT cơ bản đúng theo nhóm đối tượng BHYT.
- Đoàn thanh tra kiểm tra xác suất một số Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh nội trú (Mẫu số 02/BV) tại các bệnh viện kết quả cho thấy:
+ Bảng kê cơ bản được ghi chép các nội dung theo mẫu quy định;
+ Các dịch vụ kỹ thuật, thuốc được chỉ định sử dụng trong danh mục và giá khớp đúng với giá được phê duyệt tại bệnh viện;
+ Mức thanh toán với người bệnh BHYT cơ bản đúng theo nhóm đối tượng BHYT.
3.2.3. Về việc thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT
Theo báo cáo và kết quả kiểm tra tại các cơ sở được thanh tra cho thấy: Đến thời điểm thanh tra các bệnh viện được thanh tra còn có chi phí KCB BHYT năm 2013, năm 2014 và 06 tháng 2015 đã sử dụng cho người bệnh có thẻ BHYT chưa được cơ quan BHXH Đồng Nai thanh, quyết toán, trong đó những chi phí chưa được thanh toán các bệnh viện cho là gây khó khăn như:
- Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, đã điều trị Bệnh viêm gan C bằng thuốc Interferon và Peginterferon theo phác đồ điều trị của Trường Đại học Y dược TP.HCM. Bệnh nhân BHYT vẫn được thanh toán theo chế độ BHYT. Đến tháng 01/2013, BHXH Đồng Nai thu hồi toàn bộ chi phí thuốc điều trị Viêm gan C, Bệnh viện đã cung cấp cho bệnh nhân có thẻ BHYT trong cả năm 2012 với số tiền gần 1,8 tỷ đồng (bao gồm tiền thuốc gần 1,5 tỷ đồng và cả 300 triệu đồng bệnh nhân cùng chi trả).
- Bệnh viện Y dược Cổ truyền, cho đến thời điểm thanh tra số chi phí thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít phổ biến chưa được cơ quan BHXH thanh toán là 6.750.000 đồng.
- Trong Quý I và Quý II năm 2015 Bệnh viện Quốc tế CTCH Đồng Nai chưa được cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai thanh toán số tiền đã chi cho người bệnh BHYT là 1.629.884.000 đồng, lý do Bác sỹ chẩn đoán hình ảnh có chứng chỉ đọc CT, MRI đọc, ký kết quả XQ không phải là trưởng khoa.
3.2.4. Về việc giám định đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT
Theo báo cáo, các bệnh viện được thanh tra đã phối hợp với cơ quan BHXH các tỉnh cơ bản đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.
Kết quả thanh tra theo nội dung thanh tra tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho thấy: Về ưu điểm:
Các cơ sở KCB BHYT được thanh tra, cơ bản đã căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; xây dựng danh mục, áp giá dịch vụ y tế tại cơ sở; thanh toán chi phí KCB và đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT theo quy định.
Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại:
- Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, đã điều trị Bệnh viêm gan C bằng thuốc Interferon và Peginterferon theo phác đồ điều trị của Trường Đại học Y dược TP.HCM. Bệnh nhân vẫn được điều trị và thanh toán theo chế độ BHYT, đến tháng 01/2013, BHXH tỉnh Đồng Nai thu hồi toàn bộ chi phí thuốc điệu trị Viêm gan C trong cả năm 2012 với số tiền gần 1,8 tỷ đồng (bao gồm tiền thuốc gần 1,5 tỷ đồng và cả 300 triệu đồng bệnh nhân cùng chi trả).
- Bệnh viện Y dược Cổ truyền, cho đến thời điểm thanh tra số chi phí thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít phổ biến chưa được cơ quan BHXH thanh toán là 6.750.000 đồng.
- Trong Quý I và Quý II năm 2015 Bệnh viện Quốc tế CTCH Đồng Nai chưa được cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai thanh toán số tiền đã chi cho người bệnh BHYT là 1.629.884.000 đồng, lý do Bác sỹ chẩn đoán hình ảnh có chứng chỉ đọc CT, MRI đọc, ký kết quả XQ không phải là trưởng khoa.
4. Các hoạt động dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
4.1. Tại Sở Y tế
4.1.1. Ban hành các văn bản chỉ đạo
Trong thời kỳ thanh tra năm 2013, 2014 Sở Y tế Đồng Nai đã ban hành 9 văn bản thuộc lĩnh vực Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Năm 2015, trong 9 tháng ban hành 7 văn bản thuộc lĩnh vực Dân số - kế hoạch hóa gia đình.
4.1.2. Công tác thanh tra chuyên ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình năm 2013; 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 thanh tra Sở Y tế chưa triển khai.
4.2. Kết quả kiểm tra, xác minh tại Chi Cục DS-KHHQĐ
Chi cục DS-KHHGĐ được thành lập theo quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 27/6/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai, chi cục có 20 biên chế và 4 người lao động được hợp đồng theo nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 11/7/2000. Chi cục có 01 Chi cục trưởng, 01 Phó Chi cục trưởng và 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Phòng Tổ chức, hành chính, kế hoạch, tài vụ; Phòng Truyền thông-Giáo dục và phòng DS- KHHGĐ).
Cấp huyện gồm: 11 Trung tâm Dân Số-KHHGĐ; Mỗi trung tâm có biên chế từ 06 đến 10 người. Tuyến xã có 171 viên chức thuộc Trạm Y tế xã làm công tác DS- KHHGĐ và 3.604 cộng tác viên DS-KHHGĐ.
4.2.1. Công tác quản lý nhà nước
a) Ban hành các văn bản chỉ đạo
- Quyết định số 41/QĐ-CCDS ngày 31/01/2013 Giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2013;
- Kế hoạch số 58/KH-CCDS ngày 21/02/2013 của Chi cục DS-KHHGĐ về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ tại tỉnh Đồng Nai năm 2013;
- Kế hoạch số 55/KH-CCDS ngày 21/02/2013 của Chi cục DS-KHHGĐ về việc hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ tại tỉnh Đồng Nai năm 2013.
- Quyết định số 30/QĐ-CCDS ngày 14/02/2014 về việc giao chỉ tiêu và kinh phí sự nghiệp DS-KHHGĐ năm 2014;
- Quyết định số 38/QĐ-CCDS ngày 19/02/2014 Giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014;
- Kế hoạch số 40/KH-CCDS ngày 21/02/2014 về hoạt động chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2014;
- Kế hoạch số 61/KH-CCDS ngày 17/3/2014 về việc “Thực hiện xã hội hóa hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sàng lọc chẩn đoán sơ sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020”.
- Quyết định số 01/QĐ-CCDS ngày 7/01/2015 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch DS-KHHGĐ năm 2015;
- Quyết định số 13/QĐ-CCDS ngày 04/3/2015 về việc giao chỉ tiêu và kinh phí sự nghiệp DS-KHHGĐ năm 2015;
- Công văn số 39/CCDS-TCHC ngày 04/3/2015 về hướng dẫn thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2015;
b) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành Dân số-KHHGĐ năm 2014 và 06 tháng năm 2015
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành DS-KHHGĐ được quan tâm chú trọng, hằng năm chi cục DS-KHHGĐ xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác DS-KHHGĐ cụ thể:
Tham mưu Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 1151/KH-SYT ngày 08/4/2015 Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác DS-KHHGĐ năm 2015.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát các đợt chiến dịch Truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình hàng năm.
Mỗi năm hai lần thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ, quản lý tài chính, thực hiện chính sách, chế độ có liên quan trong công tác đảm bảo hậu cần và cung cấp các dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình; quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai; quản lý kho dữ liệu điện tử.
Tham gia đoàn kiểm tra của Sở Y tế về kiểm tra, giám sát liên ngành về công tác DS-KHHGĐ tại Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế xã.
Tham mưu Sở Y tế phối hợp giữa Thanh tra Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông rà soát, kiểm tra các ấn phẩm, đầu sách tại các nhà sách trên địa bàn tỉnh. Đã phát hiện một số đầu sách có nội dung vi phạm tuyên truyền lựa chọn giới tính thai nhi, tiến hành lập biên bản thu hồi hoặc xử lý theo quy định.
Xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện đề án tại 171 xã thuộc 11 trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố;
Hằng năm, phân bổ kinh phí cho Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện tổ chức các hoạt động truyền thông như: pano, nhân bản tài liệu, phát thanh., nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của đề án. Phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ tổ chức những lớp tập huấn về quy trình thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cán bộ y tế trong địa bàn tỉnh.
Năm 2014, bắt đầu thực hiện đề án xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Chi cục DS-KHHGĐ tham mưu Sở Y tế phê duyệt Kế hoạch số 61/KH-CCDS ngày 17/3/2014 về việc “Thực hiện xã hội hóa hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020”
4.2.2. Kết quả việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về quản lý và sử dụng các phương tiện tránh thai (PTTT):
a) Quy cách, tiêu chuẩn chất lượng phương tiện tránh thai
Tất cả các loại phương tiện tránh thai Chi cục Dân Số-KHHGĐ đều được tiếp nhận từ Tổng cục Dân Số-KHHGĐ cấp. Các PTTT đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế, hạn sử dụng đảm bảo đúng qui định, nhãn hiệu hàng hóa theo đúng các loại nhãn hiệu đã đăng ký, các phương tiện tránh thai đều có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
b) Định mức phân phối sử dụng
Thực hiện theo Quyết định 199/QĐ-BYT ngày 20/01/2009 của Bộ Y tế về Ban hành quy định về quản lý hậu cần phương tiện tránh thai thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Dân Số-KHHGĐ, cụ thể như sau:
c) Định mức dự phòng an toàn
Thực hiện theo quy định, tuyến tỉnh tồn kho an toàn ít nhất từ 02-03 tháng sử dụng, cụ thể như sau:
d) Kho và điều kiện bảo quản
Nhà kho và trang thiết bị bảo quản: Đảm bảo diện tích theo quy định. Không để nước thấm, dột, ánh sáng chiếu trực tiếp và hàng hóa; có điều hòa nhiệt độ, hút ẩm, nhiệt kế, giá, kệ đảm bảo việc bảo quản phương tiện tránh thai không bị hư hỏng và mất chất lượng.
Điều kiện bảo quản: Hàng hóa được bảo quản đúng theo quy định của nhà sản xuất.
đ) Quản lý về xuất, nhập kho, hồ sơ sổ sách và chế độ báo cáo
Xuất, nhập kho: Thực hiện đúng chế độ xuất, nhập kho theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Dân Số-KHHGĐ. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra, đối chiếu khi xuất nhập hàng hóa.
Xuất kho định kỳ theo quy định.
Kiểm kê: Thực hiện đầy đủ mỗi năm 02 lần.
Hồ sơ, sổ sách: Quản lý hàng hóa theo mẫu quy định hiện hành của Bộ Tài chính như: Sổ kho, phiếu xuất nhập kho, biên bản giao nhận,...
Chế độ báo cáo: Thực hiện báo cáo hằng quý theo quy định và gửi về Tổng cục Dân Số-KHHGĐ đúng thời gian quy định trên hệ thống phần mềm LMIS (quản lý hậu cần phương tiện tránh thai).
e) Kênh cung cấp các dịch vụ tránh thai
Nguồn miễn phí: Do Tổng cục Dân số-KHHGĐ cấp
Nguồn tiếp thị xã hội: Do Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ (Tổng cục Dân Số-KHHGĐ) phân phối.
g) Phương tiện tránh thai cấp miễn phí
Được Tổng cục Dân số -KHHGĐ cấp phát đủ nhu cầu sử dụng.
4.3. Kết quả kiểm tra, xác minh tại Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nhơn Trạch
4.3.1. Công tác quản lý
a) Ban hành các văn bản chỉ đạo
Trong thời kỳ thanh tra Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tham mưu với Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ của huyện ban hành 10 văn bản về lĩnh vực Dân số - KHHGĐ.
Trung tâm DS-KHHGĐ huyện ban hành 02 văn bản
- Quyết định Giao chỉ tiêu DS-KHHGĐ cho các Trạm y tế năm 2013; 2014 2015; Hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2013; 2014; 2015.
- Kế hoạch tập huấn cho nâng cao năng lực cho trưởng trạm y tế, chuyên trách, cộng tác viên, ban chủ nhiệm câu lạc bộ; Kế hoạch giám sát, kiểm tra quý, 6 tháng và năm 2013; 2014; 2015.
b) Công tác kiểm tra, giám sát công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình
Hằng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác DS-KHHGĐ tại các Trạm y tế: giám sát Chiến dịch, giám sát công tác truyền thông, giám sát việc cung cấp dịch vụ, quản lý tài chính và hậu cần các phương tiện tránh thai; thu thập cập nhật dữ liệu.
4.3.2. Công tác tổ chức triển khai các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh:
Thực hiện mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững của địa phương”, Trung tâm DS-KHHGĐ đã tham mưu với UBND triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện đề án sàng lọc trước sinh - sơ sinh trên địa bàn huyện, đề xuất với Chi cục tham mưu Sở Y tế chỉ đạo triển khai kỹ thuật sàng lọc tại bệnh viện đa khoa huyện.
Hằng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ tổ chức các hoạt động truyền thông như: nói chuyện chuyên đề, làm mới - sửa chữa pano, băng ron, cấp phát tờ rơi, phát thanh... nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của công tác sàng lọc.
Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa cử 9 viên chức tham gia tập huấn lấy máu gót chân tại tỉnh và 01 viên chức học siêu âm tại Bệnh viện Từ Dũ.
Thực hiện Kế hoạch số 61/KH-CCDS ngày 17/3/2014 về việc “Thực hiện xã hội hóa hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sàng lọc chẩn đoán sơ sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020” và được sự chấp thuận của UBND tỉnh tại Văn bản số 7094/UBND-VX ngày 04/8/2014; Bệnh viện đa khoa huyện triển khai lấy máu gót chân cho sơ sinh tại khoa sản từ năm 2014, số liệu còn rất khiêm tốn là 24 trường hợp.
Kết quả sàng lọc trước sinh và sơ sinh:
Chỉ tiêu |
2013 |
2014 |
9 tháng đầu năm 2015 |
Tỷ lệ sàng lọc trước sinh |
961 |
966 |
1.787 |
Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh |
950 |
1.141 |
1.173 |
Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh từ 2013 - 2015 là 2.828 ca.
Sàng lọc, chẩn đoán sơ sinh từ 2013 - 2015 là 3.183 ca.
4.3.3. Việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về quản lý và sử dụng các phương tiện tránh thai theo quy định:
a) Quy cách, tiêu chuẩn chất lượng phương tiện tránh thai (PTTT)
Tất cả các loại phương tiện tránh thai Trung tâm Dân Số-KHHGĐ đều nhận từ Chi cục Dân Số-KHHGĐ tỉnh cấp. Các PTTT đảm bảo các nội dung sau:
Hạn dùng: Tất cả các phương tiện tránh thai đều có hạn sử dụng đảm bảo đúng qui định.
Nhãn hiệu hàng hóa: Theo đúng các loại nhãn hiệu đã đăng ký.
Hướng dẫn sử dụng: Các phương tiện tránh thai đều có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
b) Định mức phân phối sử dụng (đối với từng loại PTTT)
Thực hiện theo Quyết định 199/QĐ-BYT ngày 20/01/2009 của Bộ Y tế về Ban hành quy định về quản lý hậu cần phương tiện tránh thai thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Dân Số-KHHGĐ, cụ thể như sau:
c) Định mức dự phòng an toàn (đối với từng loại PTTT)
Thực hiện đúng theo quy định, tuyến huyện tồn kho an toàn khoảng 02 tháng sử dụng
d) Bảo quản; Quản lý về xuất, nhập kho, hồ sơ sổ sách và chế độ báo cáo theo quy định.
đ) Nguồn phương tiện tránh thai miễn phí và nguồn tiếp thị đều do Chi cục DS- KHHGĐ cấp.
III. KẾT LUẬN
1. Những mặt làm được:
1.1. Công tác quản lý Nhà nước của Sở Y tế về hành nghề y tư nhân
- Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy trình thực hiện cấp, cấp lại CCHN khám, chữa bệnh cho người hành nghề và GPHĐ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Thực hiện theo nguyên tắc “một cửa” trong công tác tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp lại CCHN và GPHĐ đối với các cơ sở Khám, chữa bệnh theo thông tư 41/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y Tế và các quy định khác của pháp luật. Việc quản lý đã từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật thuận tiện và nhanh chóng.
- Danh mục hồ sơ xin cấp CCHN khám, chữa bệnh và GPHĐ được quản lý bằng phần mềm do Bộ Y tế triển khai; danh mục được sắp xếp theo nội dung hành nghề.
- Hồ sơ được lưu giữ tại Phòng Quản lý hành nghề Y, Dược của Sở Y tế, được bảo quản theo quy định. Việc tiếp nhận hồ sơ, quá trình thẩm định hồ sơ và việc tổ chức thẩm định tại cơ sở để cấp GPHĐ đảm bảo về thời gian, không có hồ sơ để quá hạn;
- Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế đối với các cơ sở vi phạm đúng quy trình và đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
* Tai cơ sở hành nghề y tư nhân được kiểm tra
+ 03 cơ sở đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý hoạt động, hồ sơ quản lý nhân sự đúng quy định và thực hiện khám, chữa bệnh theo phạm vi chuyên môn được phê duyệt.
+ Có hợp đồng xử lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải ngay tại khoa phòng, trang bị túi nilon với màu sắc đúng quy định.
+ Các cơ sở đều khang trang, đủ diện tích theo quy định, được trang bị máy móc phục vụ thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
+ Đủ thuốc và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh.
1.2. Xã hội hóa y tế
Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế công lập thực hiện công tác xã hội hóa đúng theo quy định, xây dựng đề án, trình và phê duyệt, đảm bảo thống nhất giữa Đảng- Chính quyền - Công đoàn tại đơn vị; triển khai rộng rãi và dân chủ đến toàn thể cán bộ viên chức toàn đơn vị.
Sở Y tế thực hiện việc lưu hồ sơ liên doanh, liên kết xã hội hóa tại Sở Y tế, hàng năm đơn vị thực hiện việc báo cáo kết quả liên doanh, liên kết xã hội hóa với Sở Y tế.
1.3. Việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT
- Sở Y tế Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh triển khai tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tới các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và người dân. Tham mưu giúp UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá các dịch vụ y tế làm cơ sở thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT tại địa phương, chủ trì thống nhất KCB BHYT với các cơ sở KCB tại vùng giáp ranh; xác định cơ sở đủ điều kiện đăng ký KCB ban đầu; phối hợp phân bổ thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các cơ sở KCB; tổ chức chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn.
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thanh tra, cơ bản đã căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; xây dựng danh mục, áp giá dịch vụ y tế tại cơ sở; thanh toán chi phí KCB và đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT theo quy định.
1.4. Các hoạt động dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Các cấp uy Đảng, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực và chỉ đạo thực hiện tốt công tác Dân Số-KHHGĐ. Công tác Dân Số-KHHGĐ luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các cấp; nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người chấp nhận quy mô gia đình ít con để nuôi dạy con tốt và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.
Hệ thống cán bộ làm công tác Dân Số-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố, được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động tốt; mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số được bố trí đủ tại các xã, phường, thôn/ấp, khu phố không chỉ để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn và cung ứng các phương tiện tránh thai cho đối tượng trên địa bàn mà còn thực hiện các nhiệm vụ y tế khác. Hằng năm, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đã đạt theo đúng kế hoạch; các giải pháp được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Việc quản lý các hoạt động dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý, sử dụng các phương tiện tránh thai của Sở Y tế tính Đồng Nai đã đem lại hiệu quả nhất định, đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ DS-KHHGĐ trong năm, cụ thể: Năm 2013; 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 một số chỉ tiêu chủ yếu về chuyên môn đều đạt ở mức cao:
Chỉ tiêu |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
9 tháng đầu năm 2015 |
|||
Kế hoạch |
Thực hiện |
Kế hoạch |
Thực hiện |
Kế hoạch |
Thực hiện |
|
Tỷ suất sinh thô (‰) |
15 |
15,14 |
14,99 |
13,65 |
13,60 |
13,04 |
Tỷ số giới tính khi sinh: Số bé trai/100 bé gái |
107 |
105 |
107,4 |
107 |
107,6 |
105 |
Tỷ lệ sàng lọc trước sinh (%) |
40 |
59,62 |
50 |
51,85 |
40 |
54,65 |
Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh (%) |
20 |
28,61 |
20 |
32,66 |
30 |
44,89 |
Tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại (ca) |
165,000 |
201.667 |
119,580 |
195,945 |
119,580 |
201.971 |
Tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại (%) |
72,5 |
75,9 |
72,5 |
72,6 |
72 |
73,0 |
Việc triển khai sàng lọc trước sinh, sơ sinh đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân như: để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý, sử dụng các phương tiện tránh thai cơ bản được tiến hành theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật; người dân cơ bản đã được tiếp cận các phương tiện tránh thai miễn phí thuận tiện và sẵn có, góp phần cải thiện mức giảm tỷ lệ sinh;
Lãnh đạo Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân;
Việc hướng dẫn thực hiện kế hoạch năm 2013; 2014 và 2015 chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình công khai, minh bạch và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chuyên ngành DS-KHHGĐ hằng năm được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
2. Những tồn tại, khó khăn vướng mắc
2.1. Công tác quản lý Nhà nước của Sở Y tế về hành nghề y tư nhân
- Biên bản thẩm định sử dụng theo mẫu thống nhất của Sở Y tế nhưng còn một số biên bản thẩm định ghi sơ sài chưa thể hiện hết các chi tiết về phạm vi hoạt động chuyên môn, nhân lực, trang thiết bị y tế.
- Tỷ lệ cấp GPHĐ cho các cơ sở y tế công lập chưa cao: 45,1%
* Tại các cơ sở hành nghề y tư nhân được kiểm tra
- 01 cơ sở quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động (Công ty TNHH bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn chi nhánh Đồng Nai - Phòng khám đa khoa).
- Hồ sơ bệnh án chữ viết xấu, khó đọc, ghi chép còn sơ sài, chưa đầy đủ triệu chứng, phần điều trị không kê đơn thuốc. Một số bệnh án phiếu yêu cầu, và phiếu kết quả xét nghiệm thiếu chữ ký của bác sỹ.
* Khó khăn, vướng mắc
- Khi cấp Chứng chỉ hành nghề
+ Bộ Y tế chưa có Thông tư hướng dẫn việc chuẩn hóa trình độ Lương y để đủ điều kiện cấp CCHN cho các Lương Y đã hành nghề nhiều năm trước đây theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân; các y sĩ chuyên khoa và đa khoa (trừ y sĩ YHCT) khi cấp CCHN chỉ được thực hiện phạm vi hoạt động đếm mạch, đo huyết áp, thay băng, tiêm chích, không phù hợp với chương trình đào tạo...
+ Người đi học định hướng chuyên khoa, sau đại học không phải là người làm việc tại các cơ sở sẽ không có giấy xác nhận thực hành cho thời gian đi học chuyên khoa, trong khi văn bằng, chứng chỉ đào tạo không thay cho giấy xác nhận thực hành.
+ Quy định về thu hồi CCHN trong trường hợp không cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo Thông tư số 22/2013/TT-BYT trước mắt rất khó khả thi. Các bệnh viện không có trường để nhập liệu và khi người hành nghề chuyển địa bàn hành nghề thì không thể tiếp tục theo dõi.
- Phần mềm cấp giấy phép hoạt động chưa được Bộ Y tế triển khai nhưng trong thủ tục xin cấp GPHĐ không được yêu cầu xác nhận không hành nghề tại nơi cư trú tạo sự rủi ro trong hoạt động cấp GPHĐ, trong quản lý thông tin và báo cáo sau cấp GPIIĐ.
- Khi cấp Giấy phép hoạt động
+ Chưa có chuẩn thẩm định danh mục kỹ thuật, trang thiết bị cho từng loại hình khám, chữa bệnh;
2.2. Việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT
-Cơ quan BHXH tỉnh chưa thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các dịch vụ kỹ thuật theo Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung tên và mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc ngành y tế tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 và Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai, khi Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được hướng dẫn;
- BHXH tỉnh Đồng Nai thu hồi toàn bộ chi phí thuốc điều trị Viêm gan C, Bệnh viện đã điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT, do Bộ Y tế chưa có Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014, Ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của BHYT;
- Công tác đấu thầu thuốc do Hội đồng đấu thầu, trong đó có thành viên của cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai tham gia xét thầu theo đúng luật định. Tuy nhiên, sau khi có kết quả đấu thầu, cơ quan BHXH yêu cầu phải thương thảo để giám sát tất cả các mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn giá trúng thầu mặt hàng đó tại các địa phương lân cận (tại thời điểm trước khi Đồng Nai xét thầu). Trường hợp nhà thầu không đồng ý giảm giá, nếu cơ sở y tế sử dụng cơ quan BHXH tỉnh không thanh toán.
- Cơ quan BHXH tỉnh không thanh toán cho cơ sở KCB trường hợp KCB không đúng phạm vi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2014 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- BHXH tỉnh chưa thanh toán với cơ sở KCB những trường hợp người ký kết quả chẩn đoán hình ảnh chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2014 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2.3. Công tác Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình
Sở Y tế chưa tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai kiện toàn Phòng thanh tra chuyên ngành DS-KHHGĐ tại Chi Cục DS-KHHGĐ;
Kết quả sàng lọc trước sinh Sở Y tế chưa thống kê được tổng số thai kỳ được chẩn đoán xác định: Hội chứng Down; dị tật ống thần kinh; số thai kỳ bất thường nhiễm sắc thể; các dị tật khác.
Số lượng thuốc cấy tránh thai và vòng tránh thai Cu 375 SL chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ THEO THẨM QUYỀN ĐÃ ÁP DỤNG
Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với:
Công ty TNHH bệnh viện đa khoa nhi Sài Gòn chi nhánh tại Đồng Nai - Phòng khám Đa khoa. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 134/QĐ-XPVPHC ngày 10/11/2015 của Thanh tra Bộ Y tế.
Hành vi vi phạm hành chính:
Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.
Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền với mức phạt 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).
Hình thức xử phạt bổ sung: không
V. KIẾN NGHỊ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ
1. Đối với Bộ Y tế
1.1. Cục quản lý Khám, Chữa bệnh
- Có hướng dẫn cụ thể về đào tạo liên tục, quản lý thông tin về đào tạo liên tục để tạo điều kiện cho người hành nghề và cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề tại các địa phương thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm theo luật.
- Xây dựng phần mềm quản lý cấp GPHĐ liên thông toàn quốc để thuận tiện cho các địa phương trong quản lý cấp phép.
- Tổng hợp lấy ý kiến từ các các Vụ, Cục, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước, để chỉnh sửa Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn trên cả nước.
- Xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Viêm gan C bằng thuốc Interferon và Peginterferon theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014, Ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, để cơ sở KCB áp dụng và thanh toán chi phí KCB BHYT;
1.2. Vụ Kế hoạch - Tài Chính
Tham mưu xây dựng khung giá Dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế về Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
1.3. Tổng Cục DS-KHHGĐ
- Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách bảo hiểm y tế cho người dân có mức thu nhập thấp và trung bình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành DS-KHHGĐ và việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
- Chỉ đạo Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ thông báo kết quả sàng lọc đối với các trường hợp có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính, trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được mẫu máu. Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực phải thông báo kết quả xét nghiệm cho gia đình của trẻ sơ sinh được sàng lọc, đồng thời thông báo cho Chi cục DS- KHHGĐ; Ban quản lý đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh và cơ sở y tế lấy mẫu máu của trẻ sơ sinh để phối hợp giải quyết các bước tiếp theo để chẩn đoán xác định. Đối với các trường hợp có kết quả xét nghiệm sàng lọc âm tính, hàng tháng Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực thông báo kết quả xét nghiệm cho Chi cục DS-KHHGĐ; Ban quản lý đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh để quản lý, đồng thời thông báo kết quả xét nghiệm cho cơ sở y tế lấy mẫu máu của trẻ sơ sinh để trả lời cho gia đình trẻ tham gia sàng lọc sơ sinh. Trong trường hợp gia đình của trẻ sơ sinh được sàng lọc có yêu cầu, Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực có trách nhiệm trả lời trực tiếp.
- Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành về giá dịch vụ xã hội hóa hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
2. Đối với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai
- Việc quản lý, lưu giữ hồ sơ cấp CCHN cho người hành nghề và cấp, cấp lại, điều chỉnh GPHĐ cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần lưu đầy đủ theo quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành những quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân trên địa bàn và xử lý nghiêm những sai phạm nếu có.
- Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh để tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và BHXH tỉnh Đồng Nai đảm bảo đúng quy định về thời gian, nội dung và các quy định trong thanh toán chi phí phí KCB BHYT.
- Đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập phòng công tác Thanh tra chuyên ngành để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành DS-KHHGĐ.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi bền vững ở các đối tượng dân số chưa sẵn sàng trong quá trình chuyển đổi từ bao cấp, miễn phí sang tự chi trả PTTT trong việc áp dụng các biện pháp Kế hoạch hóa gia đình và các đối tượng chưa sẵn sàng tham gia chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
- Tăng cường đầu tư kinh phí, bổ sung nguồn lực cho các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số/SKSS/KHHGĐ trong đó cần tập trung cho các nội dung về nâng cao chất lượng Dân số. Đầu tư kinh phí mua (tiếp thị xã hội) thuốc cấy tránh thai và vòng tránh thai Cu 375 SL để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Đề nghị BHXH tỉnh Đồng Nai giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT với bệnh viện các dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thanh toán giá thuốc đã được đấu thầu theo đúng quy định; thanh toán chi phí thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít phổ biến với bệnh viện theo đúng Công văn số 4837/BYT-BH ngày 07/7/2015 của Bộ Y tế.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị căn cứ Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế để thực hiện. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cần phát huy những ưu điểm và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm và báo cáo Thanh tra Bộ Y tế trước 15/03/2016./.
Nơi nhận: |
CHÁNH THANH TRA
BỘ |
Kết luận 26/KL-TTrB năm 2016 công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân, bảo hiểm y tế, xã hội hóa y tế, các hoạt động dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại Sở Y tế tỉnh Đồng Nai do Thanh tra Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 26/KL-TTrB |
---|---|
Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thanh tra Bộ Y tế |
Người ký: | Đặng Văn Chính |
Ngày ban hành: | 05/02/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kết luận 26/KL-TTrB năm 2016 công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân, bảo hiểm y tế, xã hội hóa y tế, các hoạt động dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại Sở Y tế tỉnh Đồng Nai do Thanh tra Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video