Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 24 tháng 3 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC-XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH NĂM 2025

Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Bệnh Sởi lây nhiễm qua đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh Sởi hoặc lây bệnh sang người khác.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giám sát các bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng nói chung và bệnh Sởi nói riêng. Việc gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng và giảm tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu khiến hàng triệu trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc- xin trong đó có bệnh Sởi, dẫn tới nguy cơ cao khả năng bùng phát dịch Sởi trên toàn cầu và đặc biệt trẻ em chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh và tử vong do Sởi.

Trong năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 898 ca mắc bệnh Sởi, 31 ca mắc bệnh Rubella và trong những tháng đầu năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh đang tiếp tục ghi nhận 622 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi trong đó 190 ca Sởi dương tính.

Tình hình trên cho thấy cần có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả ngăn ngừa không để bệnh Sởi, Rubella diễn biến phức tạp và gây dịch trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Sởi cho nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn toàn tỉnh là rất cần thiết.

UBND tỉnh Đắk Lắk xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Sởi trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2025, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc Hội;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/2/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ;

- Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh Sởi;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh Sởi, Rubella”;

- Công văn số 20/PB-TC ngày 16/3/2025 của Cục Phòng bệnh về việc rà soát đối tượng, đề xuất nhu cầu vắc-xin để tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc- xin phòng, chống bệnh Sởi.

- Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Sởi năm 2025 đợt 2.

- Quyết định số 909/QĐ-BYT ngày 19/3/2025 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 2 và Quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung “Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-BYT ngày 11/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh Sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi, dịch Sởi xảy ra.

2. Mục tiêu cụ thể

- Trên 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi.

- Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Thời gian: Triển khai sớm ngay sau khi vắc-xin được cung ứng và đảm bảo thời gian quy định của Bộ Y tế

2. Đối tượng:

- Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm 01 mũi vắc-xin Sởi đơn.

- Trẻ từ 01 đến 10 tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra, nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân Sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi theo quy định.

3. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn toàn tỉnh.

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Điều tra, lập danh sách đối tượng

- Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc-xin Sởi.

- Trẻ từ 01-10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi.

* Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc-xin có chứa thành phần Sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên Phiếu/sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý Tiêm chủng); đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi theo quy định.

 (Lưu ý, nếu không rõ hoặc không rà soát được tiền sử tiêm chủng thì thực hiện tiêm vắc-xin ngay).

Các địa phương chủ động tiến hành điều tra hộ gia đình, lập danh sách các trẻ vùng nguy cơ tại trường học và tại cộng đồng tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt ở những vùng có biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Truyền thông

Truyền thông trước, trong và sau khi triển khai hoạt động tiêm chủng chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh Sởi.

- Tuyến tỉnh, huyện: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh, báo chí... để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng.

- Tuyến xã, phường, thị trấn: Thông báo hàng ngày trên loa, đài tại các thôn/buôn/tổ dân phố về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức buổi tiêm chủng.

3. Cung ứng vắc-xin

3.1. Loại vắc-xin:

- Vắc-xin Sởi do Công ty Cổ phần vắc-xin Việt Nam hỗ trợ (sử dụng cho nhóm trẻ từ đủ 6 đến 9 tháng tuổi và nhóm từ 6-10 tuổi).

- Vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (sử dụng vắc-xin chứa thành phần Sởi để tiêm bù mũi cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc- xin).

3.2. Dự kiến phân bổ vắc-xin Sởi và vắc-xin Sởi-Rubella (MR) cho các đơn vị

(chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

3.3. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc-xin

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận và bảo quản vắc-xin Sởi, vắc- xin MR tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc-xin cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố ít nhất là 01 tuần trước khi tổ chức tiêm chủng.

- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận vắc-xin Sởi, vắc- xin MR từ kho tỉnh về kho huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã 1-2 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm chủng.

- Tuyến xã, phường, thị trấn tiếp nhận vắc-xin Sởi, vắc-xin MR từ tuyến huyện, bảo quản và vận chuyển vắc-xin cho các điểm tiêm chủng.

- Việc bảo quản vắc-xin Sởi, vắc-xin MR tại các tuyến phải được thực hiện theo các quy định hiện hành.

4. Tổ chức tiêm chủng

4.1. Hình thức triển khai:

- Tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi, vắc-xin MR tại các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường, thị trấn và các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ một hoặc nhiều đợt theo cụm, tùy vào điều kiện của từng địa phương.

- Triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm: Đối với các địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, tùy vào điều kiện của từng địa phương quyết định điểm tiêm ngoài trạm cho phù hợp với đối tượng tiêm.

- Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.

4.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Trạm Y tế xã tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin Sởi, vắc-xin MR tại Trạm Y tế xã hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể liên quan để bố trí điểm tiêm chủng ngoài trạm theo quy định.

- Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT- BYT.

- Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm khi tiêm cho riêng vắc-xin Sởi hoặc vắc-xin MR; không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắc-xin khác.

- Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót.

- Đối với các trường hợp tạm hoãn: cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng.

- Lưu ý:

+ Trong chiến dịch: KHÔNG tiêm vắc-xin Sởi/MR cho những đối tượng đã được tiêm vắc-xin có chứa thành phần Sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm; KHÔNG tiêm vắc-xin Sởi/MR cho đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin chứa thành phần Sởi theo quy định.

+ Sau chiến dịch:

Trường hợp trẻ từ 01 tuổi trở lên đã tiêm 02 mũi vắc-xin Sởi, trong đó có 01 mũi vắc-xin phối hợp MR thì khi trẻ đủ 18 tháng tuổi không tiêm vắc-xin MR trong tiêm chủng thường xuyên.

Những trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm 01 liều vắc-xin Sởi thì được tính là mũi Sởi 0 (mũi bổ sung), sau đó trẻ vẫn phải tiêm đủ 02 mũi vắc-xin có thành phần Sởi theo quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế, đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 4 tuần với liều tiếp theo khi trẻ trên 9 tháng tuổi.

4.3. Kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, xử trí phản ứng sau tiêm

- Phòng chống sốc: Bố trí trang bị, nhân lực tại chỗ, sự hỗ trợ và tham gia công tác phòng chống sốc của hệ điều trị (có bảng phân công cơ sở điều trị/đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho từng điểm tiêm chủng).

- Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm (nếu có).

- Giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm: Trong thời gian triển khai, thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng nặng, cụm phản ứng sau tiêm chủng theo quy định.

5. Theo dõi, giám sát và báo cáo

- Các địa phương nhập danh sách đối tượng đã tiêm vắc-xin Sởi, vắc-xin MR trong Kế hoạch này trên Hệ thống Thông tin tiêm chủng quốc gia và báo cáo kết quả tiêm và tình hình sử dụng vắc-xin theo quy định.

- Theo dõi, báo cáo tình hình phản ứng sau tiêm vắc-xin theo thường quy, báo cáo kết quả cùng với báo cáo tiêm chủng. Các trường hợp tai biến nặng được điều tra và báo cáo theo quy định.

- Thực hiện báo cáo kết quả tiêm vắc-xin hàng tuần trong thời gian tổ chức Kế hoạch và báo cáo tổng hợp trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tiêm vắc- xin trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát trước, trong và sau các cơ sở tiêm chủng khi triển khai Kế hoạch đảm bảo theo tiến độ đề ra.

 (Lưu ý, không đưa vào báo cáo chiến dịch đối với những trường hợp thuộc diện tiêm chủng thường xuyên vào thời gian triển khai chiến dịch để tránh trùng lặp đối tượng, kết quả tiêm chủng, vắc-xin sử dụng).

6. Kinh phí thực hiện

6.1. Cung ứng vắc-xin

Sử dụng vắc-xin của Chương trình TCMR cung ứng từ nguồn ngân sách nhà nước Trung ương và các nguồn vắc-xin được cung ứng từ các nguồn hợp pháp khác cho tỉnh (nếu có).

6.2. Kinh phí địa phương

Sử dụng nguồn kinh phí địa phương cho các hoạt động như: Điều tra lập danh sách đối tượng, in ấn biểu mẫu, thống kê báo cáo, truyền thông, nước, đường, kiểm tra giám sát, bơm kim tiêm, hộp an toàn...

Kinh phí dự kiến: 1.876.851.000 đồng. (Bằng chữ: Một tỷ, tám trăm bảy mươi sáu triệu, tám trăm năm mươi mốt nghìn đồng)

(Chi tiết tại phụ lục II đính kèm).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện chức năng nhiệm vụ trong công tác giám sát phòng, chống, chẩn đoán, điều trị, truyền thông bệnh Sởi, Rubella và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh Sởi trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu đề ra. Bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho việc thực hiện chiến dịch.

- Cung cấp tài liệu chuyên môn cho các cơ quan thông tin đại chúng, các Ban, ngành, đoàn thể phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của tiêm chủng vắc-xin Sởi, Sởi - Rubella và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất.

- Kiểm tra, giám sát và đôn đốc, việc triển khai thực hiện Kế hoạch; đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chiến dịch về Bộ Y tế, UBND tỉnh đảm bảo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành y tế tại địa phương rà soát, lập danh sách sách đối tượng trẻ từ 01 – 10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa tiêm đủ mũi 02 vắc-xin cho chứa thành phần Sởi để tiến hành tiêm chủng.

- Chủ động phối hợp với ngành Y tế và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học.

3. Sở Tài chính

Căn cứ dự toán kinh phí của Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất và khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch theo quy định.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tiếp tục phối hợp với ngành Y tế và ngành Giáo dục để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với địa phương và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành Y tế tại địa phương rà soát, lập danh sách sách đối tượng trẻ từ 01 - 10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa tiêm đủ mũi 02 vắc-xin Sởi để tiến hành tiêm chủng.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, giám sát và đôn đốc tiến độ thực hiện theo Kế hoạch; Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai thực hiện tại các đơn vị trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Sởi trên địa bàn toàn tỉnh năm 2025; UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo những vướng mắc, phát sinh về Sở Y tế để được hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Cục Phòng bệnh (b/c);
- Viện VSDT Trung ương (b/c);
- Viện VSDT Tây Nguyên (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: YT, GDĐT, TC, VHTTDL;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh;
- Phòng KTTH; TTCNCTTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (Th.20b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thiên Văn

 

PHỤ LỤC I

DỰ KIẾN PHÂN BỔ VẮC-XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI CHO CÁC ĐƠN VỊ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 24/3/2025 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

TT

Đơn vị

Đối tượng cần tiêm

Số lượng vắc-xin Sởi/MR (liều)

6-9 tháng

1-5 tuổi

6-10 tuổi

Nhóm trẻ 6-9 tháng tuổi

Nhóm trẻ 1-5 tuổi

Nhóm trẻ 6-10 tuổi

1

TP. Buôn Ma Thuột

1.119

296

4.129

1.590

420

6.120

2

H. Lắk

557

1.367

502

800

1.950

720

3

H. Krông Bông

403

1.638

2.570

600

2.330

3.660

4

H. Krông Búk

316

330

1.504

460

470

2.140

5

H. Ea H'leo

493

474

1.628

700

670

1.720

6

H. Krông Pắc

814

1.499

1.454

1.170

2.140

2.070

7

H. Krông Ana

308

163

831

440

230

1.180

8

H. Cư M'gar

850

1.600

2.078

1.220

2.280

2.960

9

H. Ea Súp

346

598

1.615

500

850

2.300

10

H. M'Drắk

351

212

878

510

300

1.250

11

H. Krông Năng

610

1.167

377

870

1.710

540

12

H. Ea Kar

640

640

2.696

760

800

3.000

13

H. Buôn Đôn

295

627

511

430

890

730

14

H. Cư Kuin

376

605

1.105

470

860

1.430

15

TX. Buôn Hồ

339

496

1.035

490

710

1.460

Tổng cộng

7.817

11.712

22.913

11.010

16.610

31.280

 


PHỤ LỤC II

DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC-XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 24/3/2025 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Đơn giá

Số lượng

Thành tiền

1

Bông, cồn, túi đựng rác thải y tế (42.442 đối tượng x 500đ/đối tượng)

Đối tượng

500

42.442

21.221.000

2

In phiếu khám sàng lọc, giấy mời (42.442 đối tượng x 2 tờ x 500đ/đối tượng)

Tờ

500

84.884

42.442.000

3

Điều tra, lập danh sách đối tượng (2 người/xã x 3 ngày x 180 xã)

Ngày

150.000

1.080

162.000.000

4

Hỗ trợ cộng tác viên điều tra, phát giấy mời và hỗ trợ cán bộ Y tế xã trong buổi tiêm chủng (1 người x 2 ngày x 2.199 thôn/buôn)

Ngày

100.000

4.398

439.800.000

5

Truyền thông, băng rôn, khẩu hiệu tại xã và phát thanh (180 xã)

3.000.000

180

540.000.000

6

Truyền thông, băng rôn, khẩu hiệu tại huyện và phát thanh (15 huyện)

Huyện

3.000.000

15

45.000.000

7

Hỗ trợ công tiêm cho cán bộ y tế xã (42.442 đối tượng)

Mũi tiêm

2.000

42.442

84.884.000

8

Nước uống và đường để pha với nước (200.000đ/xã x 180 xã)

200.000

180

36.000.000

9

In sao biểu mẫu thống kê, báo cáo tuyến xã

500.000

180

90.000.000

10

Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch cho tuyến tỉnh

Huyện

2.000.000

15

30.000.000

11

Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch cho tuyến huyện

Huyện

7.000.000

15

105.000.000

12

Đội cấp cứu lưu động của tuyến huyện thường trực tại các điểm tiêm chủng

Huyện

7.000.000

15

105.000.000

13

Trực ngoài giờ, thống kê báo cáo cho cán bộ tỉnh (2 giờ/ngày x 2 người x 20 ngày)

Giờ

100.000

120

12.000.000

14

Trực ngoài giờ, thống kê báo cáo cho cán bộ huyện (2 giờ/ngàyx 20 ngày x 15 huyện)

Giờ

100.000

600

60.000.000

15

Bơm kim tiêm pha hồi chỉnh (5ml)

Cái

1.000

4.670

4.670.000

16

Bơm kim tiêm (0.5ml)

Cái

2.000

42.442

84.884.000

17

Hộp an toàn (5 lít)

Cái

15.000

930

13.950.000

Tổng cộng

 

 

 

1.876.851.000

(Bằng chữ: Một tỷ tám trăm bảy mươi sáu triệu tám trăm năm mươi mốt nghìn đồng).

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 64/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025

Số hiệu: 64/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
Người ký: Nguyễn Thiên Văn
Ngày ban hành: 24/03/2025
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 64/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…