Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4176/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2019-2025

Căn cứ Luật Thúy 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 -2025

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT qui định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1003/SNN-CNTY ngày 22 tháng 7 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh Cúm gia cầm lây lan trên diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; chủ động xây dựng vùng an toàn dịch cúm gia cầm; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

- Ngăn chặn không để các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80 % tổng đàn thuộc diện tiêm.

- Xây dựng thành công các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của tổ chức Thú y thế giới (OIE), nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm, sản phẩm của gia cầm.

- Góp phần giảm thiểu hoặc không để phát sinh các ca bệnh CGC ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và H7).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN

1. Phân vùng để có cơ sở kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Cúm gia cầm:

Căn cứ theo các tiêu chí phân vùng huyện nguy cơ của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025, năm 2019 Phú Thọ được phân thành 02 vùng như sau:

- Vùng nguy cơ cao, gồm 10 huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phù Ninh, Lâm Thao, Cẩm Khê, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn.

- Vùng nguy cơ thấp, gồm 03 huyện, thành, thị: Huyện Tân Sơn, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ.

Hàng năm, căn cứ tiêu chí phân vùng nguy cơ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y quyết định việc chuyển đổi giữa các vùng nguy cơ; lập danh sách các huyện nguy cơ cao, nguy cơ thấp gửi Cục Thú y để theo dõi, giám sát.

2. Giám sát dịch bệnh

2.1. Giám sát bị động:

- Tất cả đàn gia cầm nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh Cúm gia cầm phải được lấy mẫu để xét nghiệm vi rút cúm và chẩn đoán phân biệt.

- Đàn gia cầm nghi có tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm phải được giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Cúm gia cầm.

2.2. Giám sát chủ động:

- Giám sát lưu hành vi rút Cúm gia cầm: Hàng năm, tổ chức 02 đợt lấy mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi đợt lấy 300 mẫu gộp để giám sát lưu hành vi rút Cúm gia cầm trước tiêm phòng.

- Giám sát sau tiêm phòng vắc xin: Sau mỗi đợt tiêm phòng, tiến hành lấy mẫu đánh giá hiệu giá kháng thể đối với vắc xin Cúm gia cầm. Số mẫu dự kiến 81 mẫu/đợt (162 mẫu/năm).

3. Xử lý ổ dịch: Thực hiện việc xử lý ổ dịch theo qui định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

4. Tiêm vắc-xin phòng bệnh

4.1. Đối tượng, phạm vi tiêm phòng:

Căn cứ kết quả giám sát lưu hành trước tiêm phòng, tổ chức tiêm vắc-xin Cúm cho đàn gia cầm (gà, vịt) của các hộ gia đình nuôi theo qui mô nhỏ lẻ tại cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có kết quả giám sát dương tính với vi-rút cúm A (A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9…), các xã tiếp giáp với xã phát hiện vi-rút cúm và các xã có ổ dịch cũ năm trước.

Đối với đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi qui mô lớn (qui mô trang trại, cơ sở an toàn dịch bệnh) thuộc phạm vi tiêm phòng, chủ cơ sở tự túc chi phí tiêm phòng vắc-xin.

4.2. Thời gian tiêm phòng: Tổ chức tiêm phòng ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện lưu hành vi-rút Cúm gia cầm.

4.3. Kinh phí: Từ nguồn ngân sách nhà nước, người chăn nuôi và các nguồn huy động hợp pháp khác.

5. Dự trữ vắc xin để phòng, chống dịch bệnh:

Thực hiện dự trữ 1-2 triệu liều vắc xin Cúm gia cầm để xử lý nhanh các ổ dịch Cúm gia cầm phát sinh.

6. Kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật:

- Thực hiện quản lý chăn nuôi, gắn với kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

- Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan như Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, chính quyền các cấp để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm khi phát hiện trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu hoặc nghi nhập lậu.

7. Kiểm soát giết mổ gia cầm:

- Rà soát cơ sở giết mổ, từng bước sắp xếp cơ sở giết mổ theo hướng tập trung, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

- Thời gian: Hoàn thành việc rà soát, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y 100% cơ sở giết mổ trong 2020; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở phát sinh mới hàng năm.

8. Kiểm soát ấp nở gia cầm:

- Tổ chức rà soát cơ sở ấp nở gia cầm; thực hiện theo quy định về quản lý chăn nuôi và ấp nở gia cầm theo quy định của Luật Chăn nuôi.

- Hoàn thành việc rà soát, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y 100% cơ sở ấp nở trong 2020; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở mới phát sinh hàng năm.

9. Vệ sinh tiêu độc khử trùng:

- Chỉ đạo, hướng dẫn 100% các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; các hộ chăn nuôi, gia trại, thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút Cúm gia cầm.

- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ gia cầm; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

- Tổ chức các đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động hoặc căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế trên địa bàn tỉnh.

10. Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh CGC:

- Tổ chức hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh; phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 01 vùng (cấp huyện) đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm. Phối hợp các tập đoàn, công ty có tiềm năng xây dựng các chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Tổ chức chủ động lấy mẫu giám sát theo tiêu chuẩn của OIE ở tất cả (100%) vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh bảo đảm không có mầm bệnh CGC để tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Hướng dẫn thực hiện việc duy trì trạng thái an toàn bệnh CGC đối với các cơ sở đã được công nhận.

11. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi:

- Phối hợp với Đài PT - TH tỉnh, Báo Phú Thọ thực hiện các tin, phóng sự về phòng, chống bệnh cúm gia cầm phát trên các phương tiện thông tin đại chúng Đồng thời tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin như Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Website của Sở Nông nghiệp và PTNT, tờ rơi, poster... để người dân hiểu, nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm.

- Hàng năm tổ chức tập huấn về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm cho đối tượng là các hộ chăn nuôi và cán bộ Thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh.

III. KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH

1. Cơ chế tài chính

1.1. Ngân sách cấp tỉnh:

Ngân sách tỉnh đảm bảo chi phí triển khai ở cấp tỉnh, bao gồm: Mua vắc-xin dự trữ; lấy mẫu, gửi mẫu chẩn đoán bệnh; giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng; tuyên truyền; các chi phí phòng, chống dịch cấp tỉnh.

1.2. Ngân sách cấp huyện:

Chi phí triển khai các hoạt động phòng, chống dịch ở cấp huyện như: trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng; mua văc-xin, hỗ trợ công tiêm phòng; bảo quản, vận chuyển vắc xin từ huyện xuống xã; kiểm tra, giám sát tại cơ sở; chi phí tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.

1.3. Ngân sách cấp xã: Đảm bảo chi phí triển khai kế hoạch ở cấp xã, bao gồm: Chi phí tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, báo cáo.

1.4. Kinh phí do người chăn nuôi tự đảm bảo:

Các trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi tự túc chi phí tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc, lấy mẫu xét nghiệm mẫu định kỳ theo qui định.

2. Kinh phí triển khai thực hiện: Căn cứ vào tình hình thức tế hàng năm Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; tổ chức các hoạt động phòng chống cúm trên gia cầm tại tỉnh; kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý khi phát hiện các ổ dịch cúm; xây dựng kế hoạch giám sát, hướng dẫn triển khai tiêm phòng; tổ chức tuyên truyền phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch phần ngân sách tỉnh đảm nhiệm; làm chủ đầu tư, mua sắm vắc xin, vật tư dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm (nếu có).

2. Sở Tài chính: Tham mưu, đề xuất cân đối, bố trí nguồn kinh phí phục vụ triển khai các hoạt động của Kế hoạch; thẩm định dự toán kinh phí triển khai hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

3. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp PTNT.

4. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh gia cầm và sản phẩm của gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra Giao thông, các cơ quan liên quan, tập trung kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

5. Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Thú y, Công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các ga tầu, bến xe, đầu mối giao thông.

6. Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan đấu tranh, ngăn chặn các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo tổ chức công tác truyền thông nguy cơ bệnh Cúm gia cầm và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút cho người theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

- Xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn và chỉ đạo UBND cấp xã, các ban, ngành của địa phương tập trung triển khai các nội dung kế hoạch; nhất là công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện sớm và xử lý nhanh khi có ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh lây lan rộng.

- Tập trung triển khai xây dựng các chuỗi, các vùng sản xuất các sản phẩm gia cầm theo hướng an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Chủ động bố trí nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn.

9. Trách nhiệm của người chăn nuôi:

Chủ động thực hiện các qui định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y và phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019 - 2025. Yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Cục Thú y;
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- NCTH;
- Lưu: VT, KT6

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 4176/KH-UBND năm 2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2025

Số hiệu: 4176/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
Người ký: Nguyễn Thanh Hải
Ngày ban hành: 11/09/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 4176/KH-UBND năm 2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2025

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…