Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 259/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 14 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NHÂN RỘNG VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH BÁC SĨ GIA ĐÌNH NĂM 2016 - 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2016 của Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Công văn số 509/KCB ngày 18/5/2016 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 10/8/2016 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ năm 2016 - 2017, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

2. Mục tiêu cụ thể

- Triển khai phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trong hệ thống y tế tỉnh Tiền Giang.

- Thực hiện các văn bản pháp quy về hoạt động của mô hình BSGĐ do Bộ Y tế ban hành và nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số cơ chế thực hiện đặc thù tại địa phương.

- Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ y học gia đình.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động phòng khám BSGĐ.

- Xây dựng các phòng khám BSGĐ tại tuyến huyện.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2016 - 2017

- Xây dựng và phát triển 50% các Trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện; bệnh viện đa khoa tuyến huyện có phòng khám BSGĐ.

- Xây dựng và phát triển 20% Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

- Tổ chức đào tạo tại chỗ và gửi đào tạo ngoài tỉnh về y học gia đình: BSGĐ định hướng, chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ... nhóm liên kết y học gia đình: y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng - vật lý trị liệu, y sĩ răng hàm mặt…

- Bước đầu xây dựng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử vào công tác khám, chữa bệnh của BSGĐ.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng, hoàn thiện mô hình phòng khám BSGĐ

a) Các mô hình tổ chức:

- Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

- Phòng khám bác sĩ gia đình:

+ Phòng khám BSGĐ tư nhân.

+ Phòng khám BSGĐ thuộc Bệnh viện đa khoa, TTYT tuyến huyện.

b) Nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế của mô hình:

- Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Bảo đảm đủ nhân lực theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn; có bác sĩ đa khoa được đào tạo tối thiểu 03 tháng về y học gia đình.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020.

- Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân; phòng khám BSGĐ thuộc Bệnh viện đa khoa, TTYT tuyến huyện:

+ Nhân sự: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề BSGĐ (trong giai đoạn thí điểm, bác sĩ đa khoa được đào tạo về y học gia đình 03 tháng). Người trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sức khỏe phải được đào tạo về y học gia đình.

Riêng đối với phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện, TTYT tuyến huyện thì các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có thể luân chuyển tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám BSGĐ.

+ Cơ sở vật chất và trang thiết bị:

Xây dựng và thiết kế tại địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình. Phải có nơi đón tiếp người bệnh, có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10m2. Ngoài ra, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng khám còn phải đáp ứng thêm các điều kiện phù hợp với hình thức tổ chức và phạm vi hoạt động chuyên môn đã đăng ký.

Có thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đăng ký.

c) Nhiệm vụ của mô hình phòng khám BSGĐ:

- Nhiệm vụ của Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình:

+ Thực hiện nhiệm vụ của Trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế tuyến xã nhưng phải theo nguyên lý toàn diện và liên tục.

+ Thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình.

+ Thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến y học gia đình: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị.

Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến.

+ Thực hiện tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm.

+ Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời.

+ Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch.

+ Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành y học gia đình.

- Nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ: Phải bảo đảm nguyên lý toàn diện và liên tục.

+ Tham gia phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

+ Khám bệnh, chữa bệnh: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp. Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; khám chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

+ Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi.

+ Thực hiện chuyển tuyến y học gia đình: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám chữa bệnh; có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị.

Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Riêng đối với phòng khám BSGĐ thuộc Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, TTYT tuyến huyện, việc chuyển tuyến y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.

+ Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch.

- Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.

- Tư vấn sức khỏe: Tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành y học gia đình.

Trên cơ sở mô hình phòng khám BSGĐ nêu trên, hàng năm Sở Y tế tổ chức sơ kết, đánh giá thực tiễn hoạt động để bổ sung, hoàn thiện về quy mô, chức năng, nhiệm vụ.

2. Nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế đặc thù về BSGĐ tại địa phương

Trong thời gian chờ Bộ Y tế xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về hoạt động của phòng khám BSGĐ, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh nghiên cứu và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét để thực hiện lồng ghép chính sách Bảo hiểm y tế với hoạt động phòng khám BSGĐ như:

- Cơ chế thu chi tài chính: Được thu phí từ bệnh nhân trên nguyên tắc bù đắp được chi phí. Ngoài chi phí bệnh nhân phải thanh toán theo quy định của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cơ quan - đơn vị phụ trách phòng khám BSGĐ công khai cho người bệnh chi phí cần thiết mà người bệnh phải thanh toán thêm cho dịch vụ khám chữa bệnh BSGĐ và báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế để theo dõi thực hiện.

- Cơ chế về quyền lợi của bệnh nhân có bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế như chuyển tuyến bảo hiểm y tế.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thanh toán bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để xây dựng phần mềm tin học quản lý hoạt động BSGĐ.

- Bước đầu xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử y học gia đình.

- Xây dựng phương án mạng quản lý thông tin (nối mạng hệ thống: mạng LAN, Internet) tại các cơ sở khám chữa bệnh BSGĐ và các bệnh viện.

4. Đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ y học gia đình

- Tổ chức đào tạo về y học gia đình: định hướng BSGĐ, sơ bộ chuyên khoa, chuyên khoa 1, 2... cho các bác sĩ trong tỉnh qua các đơn vị có năng lực đào tạo như: Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình - Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang…

- Tổ chức đào tạo liên tục: Hàng năm có tổ chức đào tạo tại chỗ về y học gia đình cho các bác sĩ có nhu cầu.

- Tổ chức đào tạo chuyên khoa bác sĩ y học gia đình cho tất cả các bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã.

- Tổ chức đào tạo nhân viên y tế cùng tham gia công tác y học gia đình như: y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng - vật lý trị liệu, y sĩ răng hàm mặt…

5. Nhân rộng và phát triển các phòng khám BSGĐ

Thành lập các phòng khám BSGĐ tại các Bệnh viện đa khoa, các TTYT tuyến huyện và Trạm y tế xã. Lộ trình thực hiện năm 2016 - 2017 như sau:

- Năm 2016: phát triển 10% phòng khám BSGĐ trực thuộc các Bệnh viện đa khoa, các TTYT huyện; 10% Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

- Năm 2017: phát triển 50% phòng khám BSGĐ trực thuộc các Bệnh viện đa khoa, các TTYT huyện; 20% Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

6. Công tác thông tin truyền thông

- Tổ chức truyền thông về mô hình, lợi ích, năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của các phòng khám BSGĐ.

- Truyền thông thuyết phục người dân sử dụng các dịch vụ y tế do phòng khám BSGĐ cung cấp.

III. KINH PHÍ

1. Kinh phí thực hiện trong 2 năm 2016 - 2017 như sau:

7.677.000.000 đồng/năm x 2 năm = 15.354.000.000 đồng.

Chi tiết mỗi năm:

- Kinh phí đầu tư về trang thiết bị cho phòng khám BSGĐ: Theo lộ trình phát triển và nhân rộng từ năm 2016 đến năm 2020, hàng năm trang bị cho 10% Bệnh viện đa khoa, TTYT huyện (02 đơn vị/20 đơn vị) và 10% Trạm y tế xã (17 đơn vị/173 đơn vị):19 đơn vị.

Mỗi phòng khám BSGĐ:

+ 01 máy siêu âm xách tay: 250.000.000 đồng.

+ 01 máy đo điện tim: 30.000.000 đồng.

+ 01 máy đo đường huyết và que thử: 3.000.000 đồng.

+ 01 Bộ đồ khám lưu động: 10.000.000 đồng.

Tổng cộng: 293.000.000 đồng.

19 đơn vị x 293.000.000 đồng = 5.567.000.000 đồng/năm.

- Kinh phí đào tạo: Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo định hướng y học gia đình cho bác sĩ và ít nhất 03 nhân viên y tế tại Trạm y tế xã tham gia hoạt động y học gia đình: Dự kiến chi 2.000.000.000 đồng/năm (Kinh phí này sẽ ngưng khi đã đào tạo đủ).

- Kinh phí truyền thông: 60.000.000 đồng/năm.

- Kinh phí quản lý, sơ kết, tổng kết, khen thưởng: 50.000.000 đồng/năm.

Tổng dự kiến chi hàng năm: 7.677.000.000 đồng.

2. Nguồn kinh phí: Kinh phí nhà nước cho công tác y tế và các nguồn kinh phí xã hội hóa, hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Hướng dẫn, đôn đốc, giao trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ năm 2016 - 2017 tại tỉnh Tiền Giang; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và định kỳ tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh sơ, tổng kết thực hiện kế hoạch này.

- Đề nghị khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện kế hoạch.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp y tế hàng năm do Sở Y tế quản lý để đảm bảo lộ trình thực hiện kế hoạch.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Y tế bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để đảm bảo lộ trình thực hiện kế hoạch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng khám BSGĐ, xây dựng phần mềm quản lý phòng khám BSGĐ; định hướng, thông tin tuyên truyền về mô hình, sự cần thiết và lợi ích của phòng khám BSGĐ.

5. Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành các quy định về chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ y tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ.

6. Trường Cao đẳng Y tế: Có kế hoạch tổ chức đào tạo về y học gia đình phù hợp theo điều kiện của đơn vị.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành: Chỉ đạo Phòng Y tế giám sát các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn hoạt động phòng khám BSGĐ.

Trên đây là kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ năm 2016 - 2017 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị, thành tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế) để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Đức

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 259/KH-UBND năm 2016 triển khai nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình năm 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu: 259/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
Người ký: Trần Thanh Đức
Ngày ban hành: 14/11/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 259/KH-UBND năm 2016 triển khai nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình năm 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…