Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2204/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 16 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP Y TẾ, DÂN SỐ TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Nhằm phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2012 - 2020 (viết tắt là Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND); tiếp tục triển khai thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 47/2012/NQ-HĐND

1. Củng cố kiện toàn hệ thống y tế công lập: hệ thống y tế công lập được sắp xếp tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế. Tuyến tỉnh, huyện từ 55 đơn vị sự nghiệp còn 33 đơn vị (giảm 22 đơn vị, giảm 34 tổ chức bên trong); còn 241 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (viết tắt là Trạm Y tế xã).

2. Phát triển hệ thống y tế tư nhân: tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 07 Bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 1.140 giường bệnh (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2012); 187 Phòng khám chuyên khoa, 18 Phòng khám đa khoa (tăng 2,3 lần so với năm 2012); 1.097 cơ sở hành nghề tân dược (tăng gấp 20 lần so với năm 2012); 17 cơ sở hành nghề dược cổ truyền; 10 Công ty và chi nhánh Công ty dược - vật tư y tế trên địa bàn tỉnh (tăng hơn 3 lần so với năm 2012).

3. Phát triển nhân lực y tế: nhân lực y tế toàn tỉnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến năm 2020, nhân lực y tế toàn tỉnh là 9.803 người, đạt 53,6 nhân lực y tế/10.000 dân; 11,2 Bác sĩ /10.000 dân; 1,68 Dược sĩ đại học/vạn dân, vượt mục tiêu đến năm 2020 tại Nghị quyết số 47/2012/NQ- HĐND (52 nhân lực y tế/10.000 dân, 8 Bác sĩ/vạn dân và 1,5 Dược sĩ đại học/vạn dân). Chất lượng cán bộ y tế được nâng cao, trình độ cán bộ y tế có chuyên môn đại học, sau đại học ngày càng nhiều; bên cạnh đó, Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 đã góp phần đáng kể nâng cao năng lực cán bộ y tế.

4. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô giường bệnh: đối với tuyến tỉnh, có 27 dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa 09 Bệnh viện tuyến tỉnh, 05 Trung tâm chuyên ngành tuyến tỉnh, 01 Trạm Cấp cứu 115. Tuyến huyện, có 15 dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa 09 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (viết tắt là Trung tâm Y tế huyện) và 01 Bệnh viện. Tuyến xã, có 06 Phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư xây mới, nâng cấp; 111 Trạm Y tế xã được xây mới, 64 Trạm Y tế xã được sửa chữa, nâng cấp.

5. Cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng đảm bảo môi trường y tế: tính đến năm 2020, có 10/11 cơ sở y tế tuyến tỉnh được xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng (đạt 90,9%); 18/18 đơn vị khám, chữa bệnh tuyến huyện có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoặc đã có chủ trương đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng (đạt 100%). Tuyến xã: 02/07 Phòng khám đa khoa khu vực có hệ thống xử lý chất thải lỏng.

6. Đầu tư trang thiết bị y tế: về trang thiết bị y tế cơ bản, được thay thế, bổ sung hằng năm đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn; tập trung cho các xã vùng 3 (vùng khó khăn); ngoài ra, trong những năm gần đây các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, nhất là 03 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh đã được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao như: máy chụp cắt lớp điện toán 64 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (HT PACS), máy hồi sức tim phổi, máy ECMO, hệ thống mổ nội soi, hệ thống nội soi chẩn đoán, siêu âm chẩn đoán, máy XQ kỹ thuật số… nên từng bước nâng cao kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện.

7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế: được triển khai theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế; đã áp dụng các phần mềm khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp quản lý, giám định chặt chẽ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; ứng dụng các phần mềm quản lý công tác y tế dự phòng, dân số… giúp quản lý, đánh giá chặt chẽ công tác y tế dự phòng, dân số; triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân để quản lý sức khỏe toàn dân; các phần mềm quản trị bệnh viện; phần mềm kế toán; phần mềm quản lý tài sản, quản lý nhân lực…; ứng dụng công nghệ thông tin từng bước đã giúp giảm các thủ tục hành chính; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh và quản lý chuyên môn, quản lý nhà nước của ngành Y tế.

8. Cải thiện các chỉ số sức khỏe cơ bản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh: tuổi thọ trung bình từ 72,4 (năm 2012) tăng lên 73,1 (năm 2020); tỷ số giới tính khi sinh ở mức ổn định (107 bé trai/100 bé gái); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 17,4‰ (năm 2012) xuống còn 15,5‰ (năm 2020); tỷ suất tử vong mẹ ở mức dưới 20/100.000 ca đẻ sống (toàn quốc là 53/100.000 ca đẻ sống); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi từ 16% (năm 2012) xuống còn 10% (năm 2020); suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi từ 30,1% (năm 2012) xuống còn 22% (năm 2020).

9. Tình hình kinh phí thực hiện giai đoạn 2012 - 2020: trong giai đoạn 2012 - 2020, nguồn vốn đầu tư cho y tế (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA...) là 1.902,7 tỷ đồng, đạt 91,8% so với Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND đề ra (2.073,5 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách sự nghiệp y tế địa phương (bao gồm ngân sách giao y tế; chi mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số; hỗ trợ chi mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên; chi Chương trình mục tiêu quốc gia) là 6.544 tỷ, bình quân khoảng 843 tỷ đồng/năm.

10. Đánh giá chung: Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả, hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đạt được sự thành công đó là nhờ có sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, sự ủng hộ của Hội đồng nhân dân tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, đặc biệt là chính sách đầu tư công, thu hút nhân lực y tế trình độ cao (bác sĩ), hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu của tỉnh...; sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh, huy động được các nguồn lực tập trung đầu tư cho y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa về y tế, sự tham gia tích cực của các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh.

11. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

- Về hệ thống tổ chức: chưa kiện toàn hệ thống tổ chức theo đúng tiến độ tại Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam; cụ thể là Khoa sản Bệnh viện Phụ sản - Nhi chưa thành lập; Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An chưa phát triển lên Bệnh viện hạng II, nguyên nhân chính là do thiếu bác sĩ.

- Về nhân lực y tế: theo các quy định của Bộ Y tế về chuyên môn hiện hành, nhân lực y tế toàn ngành còn bất cập về cơ cấu, nhất là thiếu bác sĩ; dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện đào tạo chuyên sâu, ê kíp; đào tạo các chuyên ngành cơ bản (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh…) và một số lĩnh vực đặc thù (chuyên khoa Tâm thần, Giám định pháp y, chuyên ngành Lao và bệnh phổi…) thiếu ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã.

- Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị: còn một số Trạm Cấp cứu 115 chưa được đầu tư; Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chưa đạt bệnh viện hạng II; đầu tư trang thiết bị theo danh mục quy định của Bộ Y tế chưa đạt 80% danh mục từng tuyến điều trị; một số hạng mục công trình được đầu tư từ năm 1997 đến nay đã gần 25 năm, xuống cấp trầm trọng, công năng không còn phù hợp với việc khám, chữa bệnh hiện nay, đặc biệt là các Khu kỹ thuật, Khu khám - cấp cứu, Phòng xét nghiệm và hạ tầng kỹ thuật; các Kho bảo quản thuốc tân dược, kho bảo quản thuốc, nguyên liệu thuốc cổ truyền, Kho bảo quản vắc xin, Kho bảo quản vật tư y tế, Kho bảo quản hóa chất… của một số cơ sở y tế tỉnh, huyện chưa đạt các điều kiện về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế: hầu hết các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin và kinh phí thực hiện.

II. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH

Sau 09 năm thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND còn nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang triết bị so với quy định, cần tiếp tục đầu tư, trang bị, đào tạo trong thời gian đến.

Dự báo về nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong giai đoạn 2021 - 2025 còn nhiều vấn đề đặt ra như: nhu cầu khám, chữa bệnh tăng; bệnh truyền nhiễm còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát và quay trở lại bất cứ lúc nào; các bệnh không lây nhiễm phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tâm thần phân liệt, trầm cảm, hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính…) có xu hướng gia tăng; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi vẫn còn cao (năm 2020, tỉ lệ này là 22%); thực trạng mất an toàn thực phẩm, tử vong do ngộ độc thực phẩm cấp tính vẫn xảy ra; mô hình bệnh tật tại các Bệnh viện có xu hướng thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Về chất lượng dân số vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: tỉ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi còn cao; còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn về các bệnh, tật bẩm sinh; tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn còn thấp; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn... Từ đó, cho thấy công tác y tế dự phòng, công tác khám bệnh, chữa bệnh và công tác dân số trong thời gian đến còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới đến năm 2025, cần thiết phải ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế - Dân số giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện cho giai đoạn 5 năm và hằng năm.

III. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Các chủ trương của Đảng

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 27/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Cơ sở pháp lý

Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/11/2009;

Luật Bảo hiểm y tế ngày 14/11/2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Bảo hiểm y tế ngày 13/6/2014;

Luật Dược ngày 06/4/2016;

Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 06/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;

Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Nghị định số 54/2017/NĐ-CP 08/5/2017 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược;

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương;

Quyết định số 122/2013/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới;

Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam;

Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030;

Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030;

Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế;

Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn;

Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Quyết định số 647/QĐ-BYT ngày 14/02/2015 của Bộ Y tế ban hành Tiêu chí xác định xã tiên tiến về y dược cổ truyền;

Quyết định số 2992/QĐ-BYT ngày 17/7/2015 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2015 - 2020;

Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam;

Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn;

Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Quảng Nam;

Quyết định số 2882/QĐ-UBND ngày 25/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam;

Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 13/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

IV. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam đảm bảo năng lực đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025

Mục tiêu 1: Tiếp tục thực hiện, hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy ngành Y tế tỉnh Quảng Nam theo đúng quy định.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- Đạt tối thiểu 43,6 giường bệnh trên 10.000 dân; trong đó, tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập đạt 20% (Chi tiết phát triển giường bệnh tại Phụ lục I)

- Phát triển ít nhất 02 Bệnh viện đạt bệnh viện hạng I; xây dựng ít nhất 01 Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh đạt đơn vị hạng I;

- 100% Bệnh viện có bộ phận Dược lâm sàng, Công tác xã hội và Dinh dưỡng, tiết chế;

- 100% Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa, Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh là cơ sở đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe;

- 100% cơ sở khám, chữa bệnh có bộ phận Y dược cổ truyền, Phục hồi chức năng; có 01 Bệnh viện Phục hồi chức năng tuyến tỉnh;

- 100% huyện, thị xã, thành phố thống nhất mô hình mỗi huyện, thị xã, thành phố chỉ có một Trung tâm Y tế đa chức năng;

- 100% xã, phường, thị trấn có Trạm Y tế, gắn với nhiệm vụ quản lý y tế trường học;

- 100% thôn, bản có Nhân viên Y tế thôn bản - Cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em hoạt động.

Mục tiêu 2: Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu; tăng cường khám bệnh, chữa bệnh y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% Bệnh viện (bao gồm Trung tâm Y tế có Bệnh viện) đạt mức chất lượng khá trở lên. Trong đó, có ít nhất 02 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, 02 Bệnh viện ngoài công lập đạt mức chất lượng bệnh viện tốt;

- 100% Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, khu vực, Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến; 100% Trung tâm Y tế có Bệnh viện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến; 100% Trạm Y tế xã thực hiện được tối thiểu 90% danh mục gói dịch vụ y tế cơ bản, 50% Trạm Y tế xã triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình;

- Tiếp tục phát triển y tế chuyên sâu kỹ thuật cao về can thiệp Tim mạch, phẫu thuật Ung thư, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Tiết niệu - Lồng ngực - Mạch máu, Nội Thần kinh, Đột quỵ, Hồi sức tích cực - Chống độc ở các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, khu vực; thành lập Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng - Vi phẫu tạo hình - Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam; phát triển lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng ở các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện;

- 100% cơ sở khám, chữa bệnh liên thông kết quả xét nghiệm với các Phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc; chất lượng Phòng xét nghiệm y học đạt từ mức 4 trở lên đối với Bệnh viện hạng II trở lên; đạt từ mức 3 trở lên đối với Bệnh viện hạng III; 100% Phòng xét nghiệm y học bảo đảm an toàn sinh học cấp II trở lên;

- Tỷ lệ % khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền/y học hiện đại đạt  20% đối với tuyến tỉnh,  25% tuyến huyện,  30% tuyến xã; 100% Trạm Y tế xã đạt tiên tiến y dược cổ truyền;

- 100% cơ sở kinh doanh bán buôn thuốc, cơ sở y tế trên địa bàn đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng thí nghiệm - GLP”; 100% cơ sở phân phối, bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”;

- Ít nhất 60% xã, phường, thị trấn triển khai và duy trì Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp để hòa nhập cộng đồng;

- 100% Trạm Y tế xã triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình;

- 100% xã, huyện nằm trong Kế hoạch về đích Nông thôn mới đạt các tiêu chí y tế về Nông thôn mới.

Mục tiêu 3: 100% các cơ sở y tế đạt chỉ tiêu nhân lực theo Đề án Vị trí việc làm được phê duyệt và theo đúng quy định.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- Đạt 60 cán bộ y tế/10.000 dân. Trong đó, đạt: 12 Bác sĩ/10.000 dân, 02 Dược sĩ đại học/10.000 dân, 20 Điều dưỡng/10.000 dân;

- Trên 50% tổng số Bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I hoặc tương đương trở lên, ít nhất 20% tổng số Bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp II hoặc tương đương tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, khu vực;

- 100% Trung tâm Y tế huyện có Bệnh viện có ít nhất 01 Bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I hoặc tương đương trở lên cho các chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Y học cổ truyền, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức; 100% Trung tâm Y tế huyện có ít nhất 02 Bác sĩ Y học dự phòng hoặc Y tế công cộng trở lên;

- 100% các Bệnh viện Đa khoa có Bác sĩ chuyên ngành Phục hồi chức năng; Dược sĩ lâm sàng; cán bộ chuyên ngành Dinh dưỡng có trình độ đại học trở lên; cán bộ làm Công tác xã hội có Chứng chỉ về Công tác xã hội; cán bộ làm Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có Chứng chỉ về Kiểm soát nhiễm khuẩn;

- 100% các đơn vị y tế có ít nhất 01 cán bộ chuyên ngành phụ trách Công nghệ thông tin;

- 100% Trạm Y tế xã thực hiện công tác khám, chữa bệnh có Bác sĩ làm việc;

- 100% Trạm Y tế xã có Hộ sinh viên hoặc Y sĩ sản nhi; có cán bộ phụ trách công tác Dược và Y Dược học cổ truyền;

- Trên 95% Nhân viên Y tế thôn, bản - Cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em đạt chuẩn theo quy định.

(Chi tiết phát triển nhân lực y tế tại Phụ lục II)

Mục tiêu 4: Tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp, phát triển hạ tầng cơ sở y tế theo quy mô giường bệnh, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật và đảm bảo môi trường y tế; trang bị máy móc thiết bị y tế cơ bản và nâng cao đáp ứng phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên môn khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng phát triển y tế số.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- Xây mới, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng cơ sở y tế đáp ứng quy mô giường bệnh đạt tối thiểu 6.730 giường (trong đó, giường bệnh công lập thuộc Sở Y tế quản lý đạt tối thiểu 4.780 giường); đảm bảo 100% cơ sở y tế khám, chữa bệnh quy mô từ Phòng khám đa khoa trở lên có hệ thống xử lý chất thải lỏng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

- Đầu tư máy móc, thiết bị y tế đảm bảo thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu được phê duyệt;

- 100% cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện đạt Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ mức 5 trở lên (tương ứng Bệnh án điện tử); trong đó, ít nhất 03 đơn vị đạt mức 6 (tương ứng Bệnh viện thông minh);

- 100% Trạm Y tế xã được xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý theo quy định;

- 100% Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, khu vực triển khai được Hệ thống chẩn đoán, điều trị ̣từ xa (Telemedicine), gắn với đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu 5: Tăng cường thực hiện tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế dự phòng, công tác dân số, y tế cơ sở.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, khu vực từ đảm bảo chi thường xuyên, tiến tới tự chủ hoàn toàn;

- 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự đảm bảo chi thường xuyên cho hệ điều trị (khám bệnh, chữa bệnh).

Mục tiêu 6: Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

- Tốc độ gia tăng dân số bình quân 0,5%/năm trong suốt giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đến năm 2025 dân số đạt khoảng 1.542.992 người;

- Tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi;

- Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96% dân số;

- Tỉ số giới tính khi sinh duy trì ở mức dưới 107 bé trai/100 bé gái;

- 40% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến (HC Down, HC Edward, HC Patau, di tật ống thần kinh); 60% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất (thiếu men G6PD, thiểu năng giáp bẩm sinh, Thalassemie, bệnh rối loạn chuyển hóa acid amin, acid béo và acid hữu cơ);

- Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin;

- Giảm tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5‰, dưới 1 tuổi còn 12,5‰; giảm tỉ số tử vong mẹ xuống còn dưới 20/100.000 trẻ đẻ sống;

- Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 5 tuổi dưới 20%;

- Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đạt 167 cm đối với nam và đạt 156 cm đối với nữ;

- Phấn đấu trên 98% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% Trạm Y tế xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; 100% học sinh được theo dõi, quản lý sức khỏe học đường;

- Duy trì giảm mắc sốt rét dưới 0,05/1.000 dân; mắc sốt xuất huyết dưới 4,7/100.000 dân; duy trì thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, phấn đấu thanh toán bệnh sởi; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,2%; tăng tỷ lệ phát hiện lao trên 5%/năm; tăng tỷ lệ phát hiện lao trẻ em trên 4%/năm; duy trì tỷ lệ điều trị khỏi lao phổi AFB (+) mới trên 85%;

- Các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm được kiểm soát, 50% người bệnh đái tháo đường trong cộng đồng được phát hiện và quản lý điều trị; 70% người bệnh tăng huyết áp được phát hiện sớm và quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; giảm tỷ lệ trẻ em 8 - 10 tuổi bị bệnh bướu cổ dưới 6%; 30% người mắc ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng được phát hiện sớm và hướng dẫn điều trị, chăm sóc;

- 95% số xã quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt, bệnh nhân động kinh và 30% số xã quản lý bệnh nhân rối loạn trầm cảm. Quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho 85% số bệnh nhân tại các xã đã được triển khai;

- 95% số xã quản lý điều trị, thực hiện dự phòng bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; 35% bệnh nhân bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện, quản lý và điều trị sớm.

- Giảm 4% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể từ 30 người mắc/vụ trung bình giai đoạn 2021 - 2025 so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân.

V. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Hệ thống y tế công lập trực thuộc Sở Y tế

a) Tổ chức bộ máy:

- Rà soát, điều chỉnh Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam phù hợp với giai đoạn 2021 - 2025;

- Phát triển và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh hạng I; trong đó, thành lập các Trung tâm chuyên sâu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng - Vi phẫu tạo hình - Phục hồi chức năng);

- Xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đạt Bệnh viện hạng I;

- Xây dựng các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh đạt đơn vị hạng II; trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt hạng I;

- Thành lập Khoa Lão khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam;

- Thành lập bộ phận Dinh dưỡng, tiết chế tại tất cả các Bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền phải thành lập Khoa Dinh dưỡng, tiết chế;

- Phát triển và hoàn thiện tổ chức bộ máy của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam theo hướng ưu tiên phát triển trước lĩnh vực Nhi khoa;

- Xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Y học cổ truyền; thành lập Khoa Y học cổ truyền tại 02 đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, Trung tâm Y tế huyện Nam Giang; thành lập bộ phận Y dược cổ truyền tại các Bệnh viện chuyên khoa; củng cố và thành lập bộ phận Phục hồi chức năng tại các Bệnh viện;

- Sáp nhập Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An vào Trung tâm Y tế thành phố Hội An;

- Tổ chức bộ phận Dược lâm sàng và Tổ Công tác xã hội tại tất cả các Bệnh viện;

- Củng cố và thiết lập hệ thống nhi khoa, đơn nguyên sơ sinh tại các Trung tâm Y tế huyện có Bệnh viện;

- Củng cố, kiện toàn các bộ phận chuyên trách triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, công tác dân số tại tuyến xã, tuyến huyện; bộ phận quản lý các bệnh không lây nhiễm; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...;

- Củng cố và xây dựng mạng lưới y học cổ truyền, phục hồi chức năng tại Trạm Y tế xã;

- Tuyển dụng và đào tạo để đảm bảo 100% thôn, bản có Nhân viên Y tế thôn, bản - Cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em hoạt động; 100% thôn, bản vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có Cô đỡ thôn bản.

b) Nhân lực:

b1. Về chỉ tiêu biên chế và số lượng người làm việc:

- Đối với đơn vị đặc thù tuyến tỉnh, hệ dự phòng, tuyến xã và dân số viên: đảm bảo số lượng biên chế hiện tại theo Đề án Vị trí việc làm đã phê duyệt; tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức kịp thời đối với những vị trí việc làm chưa được tuyển dụng, nghỉ hưu hoặc bỏ việc;

- Đối với hệ điều trị: bổ sung thêm biên chế hoặc định mức số lượng người làm việc trên cơ sở định mức giường bệnh (đạt mức tối thiểu theo quy định; trong đó, số lượng người làm việc = số biên chế được giao + số hợp đồng lao động) tại các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh toàn diện;

- Tuyển dụng và đào tạo nhân lực công nghệ thông tin để đảm bảo vận hành hệ thống các phần mềm ứng dụng tại đơn vị. Mỗi cơ sở khám, chữa bệnh tỉnh, huyện tuyển dụng ít nhất 02 Kỹ sư công nghệ thông tin.

b2. Về chuyên môn:

- Về lĩnh vực dự phòng: nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách về lĩnh vực quản lý, kiến thức chuyên môn sâu của các dự án, các hoạt động Y tế dự phòng - Dân số;

- Về lĩnh vực đặc thù: đào tạo nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho đội ngũ cấp cứu ngoại viện tại Trung tâm Cấp cứu 115; đào tạo chuyên sâu phân tích kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; đào tạo hệ thống quản lý chất lượng, năng lực kiểm nghiệm viên theo các phép thử cho viên chức để đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phòng thí nghiệm - GLP của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm.

- Về lĩnh vực điều trị:

+ Đào tạo Bác sĩ chuyên khoa II và Bác sĩ chuyên khoa I tuyến tỉnh để đảm bảo chỉ tiêu có ít nhất 20% Bác sĩ chuyên khoa II (hoặc tương đương) và ít nhất 50% Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) trở lên theo Quyết định số 2992/QĐ-BYT ngày 17/07/2015 của Bộ Y tế và đảm bảo công tác phát triển các dịch vụ chuyên môn tại các đơn vị tuyến tỉnh; nhu cầu đào tạo cụ thể như sau:

Chuyên sâu Nhi về các chuyên ngành: Ngoại Nhi, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Mắt, Gây mê - Hồi sức Nhi... cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi;

Chuyên ngành Tâm thần: tuyển dụng và đào tạo bổ sung 03 - 05 Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) cho Bệnh viện Tâm thần;

Chuyên ngành Lao - bệnh phổi: tuyển dụng và đào tạo 05 Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) cho Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch;

Chuyên ngành Dinh dưỡng, tiết chế: đào tạo 09 Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) cho tất cả các Bệnh viện tuyến tỉnh;

Chuyên ngành Lão khoa: đào tạo ít nhất 09 Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) cho 03 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh;

Chuyên ngành Sản phụ khoa: tuyển dụng và đào tạo 10 Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) cho Khoa Phụ sản của Bệnh viện Phụ sản - Nhi quy mô 50 giường;

Các chuyên ngành khác: đào tạo 95 Bác sĩ chuyên khoa I (hoặc tương đương) và 85 Bác sĩ chuyên khoa II (hoặc tương đương) cho các Bệnh viện tuyến tỉnh.

+ Đào tạo chuyên ngành Dược lâm sàng để đảm bảo 100% các Bệnh viện có ít nhất 02 Dược sĩ chuyên khoa I Dược lâm sàng/mỗi Bệnh viện tuyến tỉnh và có ít nhất 01 Dược sĩ chuyên khoa I Dược lâm sàng/mỗi Bệnh viện tuyến huyện: cần đào tạo 30 Dược sĩ chuyên khoa I Dược lâm sàng cho tất cả các Bệnh viện.

+ Đào tạo các Bác sĩ chuyên ngành cho Bệnh viện tuyến huyện:

Để đảm bảo đến năm 2025, mỗi Bệnh viện tuyến huyện đạt ít nhất 0,2 Bác sĩ/giường bệnh thì tổng Bác sĩ phải có là 346 người (hiện có 328 Bác sĩ), trừ số nghỉ hưu, số lượng Bác sĩ cần tuyển dụng thêm ít nhất là 40 Bác sĩ;

Các chuyên ngành Bệnh viện tuyến huyện cần đảm bảo tối thiểu là 5 chuyên ngành Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm; các chuyên ngành cơ bản khác đang thiếu hoặc chưa có Bác sĩ chuyên khoa về Hồi sức - Cấp cứu, Gây mê - Hồi sức, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Chẩn đoán hình ảnh, Dược sĩ lâm sàng… Nhu cầu các chuyên ngành cơ bản cần đào tạo bổ sung tại các đơn vị cụ thể như sau:

Bác sĩ chuyên khoa I Truyền nhiễm: 15/15 đơn vị;

Bác sĩ chuyên khoa I Nhi: 08 đơn vị;

Bác sĩ chuyên khoa I Sản: 05 đơn vị;

Bác sĩ chuyên khoa I Nội: 02 đơn vị;

Bác sĩ chuyên khoa I Chẩn đoán hình ảnh: 07 đơn vị;

Bác sĩ chuyên khoa lẻ (Mắt, Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng): 04 đơn vị;

Bác sĩ Phục hồi chức năng: 07 đơn vị;

Bác sĩ Y học cổ truyền: 04 đơn vị;

Bác sĩ Gây mê - Hồi sức: 08 đơn vị;

Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu: 13 đơn vị;

Dược sĩ chuyên khoa I Dược lâm sàng: 14 đơn vị.

+ Đảm bảo đạt chất lượng Phòng xét nghiệm y học mức 4; thực hành bảo đảm an toàn sinh học Phòng xét nghiệm:

Quán triệt, chỉ đạo 100% các cơ sở y tế triển khai thực hiện Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 của Bộ Y tế ban hành Tiêu chí đánh giá mức chất lượng Phòng xét nghiệm y học, để tiến tới thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm;

Tổ chức đào tạo cho toàn bộ nhân lực hệ thống xét nghiệm về quy trình tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 của Bộ Y tế;

Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất Phòng xét nghiệm; bổ sung tủ an toàn sinh học cấp II cho 18 Bệnh viện huyện để đảm bảo chuẩn chất lượng xét nghiệm y học.

+ Nhân lực y tế tuyến xã:

Đảm bảo nhân lực theo cơ cấu: Bác sĩ hoặc Y sĩ đa khoa, Điều dưỡng, Hộ sinh, Dược sĩ, Y sĩ Y học cổ truyền, Dân số viên;

Đào tạo nhân lực y tế của 136 Trạm Y tế xã theo nguyên lý Y học gia đình;

Tuyển dụng Dược sĩ, Kỹ thuật viên Dược hoặc đào tạo viên chức kiêm nhiệm công tác Dược;

Đào tạo Y sĩ Y học cổ truyền kiêm nhiệm công tác Phục hồi chức năng;

Chuẩn hóa Nhân viên Y tế thôn, bản - Cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em; đào tạo Cô đỡ thôn, bản cho khoảng 150 thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ y tế xã trong tổng số 421 thôn của 6 huyện miền núi cao, ít nhất mỗi thôn, bản có 01 Cô đỡ thôn, bản đã qua đào tạo 6 tháng; đào tạo đạt chuẩn trình độ chuyên môn cho khoảng 1.522 Nhân viên Y tế thôn, bản - Cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em.

c) Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ thông tin:

c1. Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị:

- Tuyến tỉnh:

+ Mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện hạng I (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) đảm bảo quy mô 1.000 giường bệnh; trong đó, phát triển các Trung tâm chuyên sâu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng - Vi phẫu tạo hình - Phục hồi chức năng); mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam lên quy mô 650 giường;

+ Xây dựng trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quy mô 10 tầng đáp ứng nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh, tương ứng Trung tâm hạng I tại địa chỉ số 129 - 135 Trưng Nữ Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam;

+ Xây dựng, đầu tư trang thiết bị hoàn thiện các Khu chức năng của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn GLP theo quy định;

+ Xây mới, cải tạo nâng cấp các hạng mục công trình xuống cấp nặng của các Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh;

+ Cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung các Kho bảo quản thuốc, vật tư y tế, vắc xin sinh phẩm đảm bảo đạt GSP của các đơn vị tuyến huyện;

+ Xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý chất thải lỏng cho các cơ sở y tế chưa có hoặc xuống cấp;

+ Xây dựng trụ sở làm việc cho 02 Trạm Cấp cứu 115 tại thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành để ổn định nơi làm việc và bảo quản xe cứu thương; cải tạo, sửa chữa trụ sở chính;

+ Bố trí trụ sở cho 01 đơn vị chưa có trụ sở (Trung tâm Giám định Y khoa);

+ Nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho các đơn vị tuyến tỉnh bị xuống cấp (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền);

+ Lắp đặt hệ thống máy phát điện dự phòng 02 Bệnh viện tuyến tỉnh chưa được trang bị (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần);

+ Đầu tư bổ sung phương tiện xe cấp cứu, phòng, chống dịch cho các đơn vị tuyến tỉnh (chưa có xe hoặc đã thanh lý xe): 21 xe cấp cứu, 11 xe chỉ đạo tuyến, 04 xe chuyên dùng đặc thù;

+ Đầu tư trang thiết bị y tế cho các đơn vị tuyến tỉnh để đảm bảo triển khai các danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

- Tuyến huyện:

+ Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các hạng mục công trình xuống cấp, đặc biệt là các hạng mục đã xuống cấp nặng, hết niên hạn sử dụng (Khu kỹ thuật nghiệp vụ, Khu điều trị nội trú) của Trung tâm Y tế các huyện: Quế Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Thăng Bình;

+ Nâng cấp, cải tạo, xây mới một số phòng cho 03 Trung tâm Y tế huyện không có Bệnh viện để đảm bảo bố trí các phòng chuyên môn, kho bảo quản thuốc theo quy định (cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc, Trung tâm Y tế huyện Núi Thành);

+ Xây mới Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng cho Trung tâm Y tế các huyện: Phú Ninh, Tây Giang, Đông Giang;

+ Xây mới Khoa Dinh dưỡng, tiết chế cho hầu hết các Trung tâm Y tế huyện có Bệnh viện;

+ Tiếp tục cải tạo, nâng cấp sửa chữa các hạng mục xuống cấp, chật hẹp của hầu hết các Trung tâm Y tế huyện;

+ Xây mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý chất thải lỏng các đơn vị đã có chủ trương đầu tư (Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc) hoặc đã xuống cấp (Trung tâm Y tế các huyện: Duy Xuyên, Nam Giang, Thăng Bình);

+ Lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho 02 đơn vị chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy (Trung tâm Y tế các huyện: Tây Giang, Tiên Phước);

+ Trang bị 06 xe cấp cứu và 17 xe chuyên dùng phòng, chống dịch cho các đơn vị tuyến huyện.

- Tuyến xã: xây mới, nâng cấp, sửa chữa cho 83 Trạm Y tế xã xuống cấp nặng.

(Danh mục chi tiết về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến tỉnh, huyện, xã tại Phụ lục III, Phụ lục IV).

c2. Về ứng dụng công nghệ thông tin:

- Quản lý, điều hành:

+ Triển khai tích hợp dữ liệu y tế vào Hệ thống IOC tỉnh Quảng Nam theo Đề án đã được phê duyệt;

+ Triển khai thực hiện có hiệu quả một phần mềm duy nhất quản lý Trạm Y tế theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế.

- Chuyên môn, kỹ thuật:

+ Duy trì triển khai phần mềm quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở kinh doanh thuốc;

+ Phát triển và hoàn thiện các tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; nâng mức ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh đạt mức 6 vào năm 2021 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam), các đơn vị còn lại đạt mức 4; từ năm 2024 trở đi tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều đạt mức 6 để đảm bảo triển khai bệnh án điện tử [tiêu chí hạ tầng, phần mềm quản lý điều hành, tiêu chí hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), tiêu chí hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS - PASC), tiêu chí hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), tiêu chí phi chức năng, tiêu chí bảo mật và an toàn thông tin, bệnh án điện tử (EMR)]: một số nội dung cần tập trung đầu tư là hệ thống kết nối kết quả các loại xét nghiệm với phần mềm khám, chữa bệnh; hệ thống PASC; chữ ký số, hóa đơn điện tử; hệ thống gọi số, xếp hàng tự động; bố trí cán bộ công nghệ thông tin (tối thiểu 02 cán bộ cho mỗi đơn vị);

+ Triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh (theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế):

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023: các Bệnh viện hạng I đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam); các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử;

Giai đoạn từ năm 2024 trở đi: tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn lại triển khai hồ sơ bệnh án điện tử;

+ Triển khai Bệnh viện thông minh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam triển khai Bệnh viện thông minh vào năm 2024;

+ Triển khai hệ thống thanh toán điện tử không dùng tiền mặt: 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện dịch vụ y tế triển khai được hệ thống thanh toán điện tử không tiền mặt từ năm 2023 trở đi.

d) Phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, y tế dự phòng, công tác dân số, khám bệnh, chữa bệnh:

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ trên mọi lĩnh vực y tế trên cơ sở hệ thống vãn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng trong việc chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát. Tập trung các lĩnh vực khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý hành nghề y dược tư nhân;

- Phát triển lĩnh vực y tế, dự phòng, công tác dân số để đảm bảo đạt các mục tiêu, chỉ tiêu chương trình sức khỏe Việt Nam của Bộ Y tế, mục tiêu công tác y tế, dân số đến năm 2025;

- Phát triển chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh: đào tạo, triển khai danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến đảm bảo thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật tại các Bệnh viện tuyến tỉnh; trên 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật tuyến huyện, xã; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền đạt tỷ lệ 30% ở tuyến xã, 25% tuyến huyện và 20% tuyến tỉnh; triển khai khám, chữa bệnh phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã; tập trung thành lập các Trung tâm chuyên sâu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh.

2. Các cơ sở y tế công lập không trực thuộc Sở Y tế

- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu; cơ sở đào tạo và thực hành khối ngành sức khỏe của khu vực.

- Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam phát triển lĩnh vực điều trị nội trú.

- Mạng lưới y tế trường học thực hiện theo Quyết định số 3427/QĐ- UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, giao nhiệm vụ y tế trường học cho y tế xã quản lý.

3. Phát triển y, dược tư nhân

- Hiện nay, số cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh khá lớn, đã phủ khắp các vùng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển y tế tư nhân như sau:

- Quy mô giường bệnh tư nhân đạt đến 20% tổng số giường bệnh trên toàn tỉnh;

- Phát triển số lượng, chất lượng dịch vụ kỹ thuật trong phát triển chung của ngành Y tế tỉnh, đảm bảo theo các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế ban hành;

- Phát huy các bài thuốc gia truyền và có kiểm soát về chất lượng;

- Phát triển việc kết nối cơ sở dữ liệu hệ thống y tế tư nhân với hệ thống thông tin dữ liệu toàn tỉnh;

- Quản lý tốt các hoạt động y, dược tư nhân, tránh tình trạng thương mại hóa trong lĩnh vực y tế.

VI. GIẢI PHÁP

1. Kiện toàn, sắp xếp mạng lưới cơ sở y tế

Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thống nhất mô hình hoạt động y tế ở cấp huyện, xã; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy của từng đơn vị theo quy định và thống nhất trong toàn tỉnh ở từng tuyến, từng lĩnh vực.

2. Phát triển nhân lực

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhân lực y tế, dân số công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó có nội dung kế hoạch đào tạo chuyên sâu, ê kíp đang tiếp tục thực hiện trong năm 2021 theo Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh);

- Rà soát Đề án Vị trí việc làm của các đơn vị, nhất là cơ cấu vị trí việc làm và số lượng người làm việc của từng vị trí trong hệ điều trị để đảm bảo cơ cấu chuyên môn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh theo từng chuyên khoa;

- Triển khai thực hiện tuyển dụng, điều động nhân lực đúng theo Đề án Vị trí việc làm đã được phê duyệt, tránh chỗ thừa, thiếu, không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn;

- Việc đào tạo phát triển trình độ chuyên môn phải dựa trên kế hoạch được phê duyệt, tránh phát triển đào tạo theo nhu cầu cá nhân; chú trọng ưu tiên những lĩnh vực bức thiết;

- Có kế hoạch luân phiên Bác sỹ công tác tại xã về huyện và ngược lại để có điều kiện cập nhật kiến thức và tăng cường cho tuyến dưới; thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của tuyến trên đối với tuyến dưới; triển khai đào tạo, hội chẩn từ xa;

- Tổ chức các Hội thảo, Hội nghị khoa học để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trau dồi cập nhật thông tin giữa các đơn vị y tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế;

- Chú trọng việc rèn luyện y, đức; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế.

3. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ thông tin

- Xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo nguyên tắc ưu tiên, đầu tư trọng điểm và bức thiết nhất (các hạng mục công trình xuống cấp nặng, không đảm bảo công năng sử dụng, ảnh hưởng nhiều đến người bệnh); ưu tiên cho các Trạm Y tế xã vùng 3; các Trung tâm Y tế huyện miền núi; Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để giảm tình trạng chuyển tuyến ngoài tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát triển hoàn chỉnh Bệnh viện hạng I; các Bệnh viện Đa khoa khu vực phát triển lên Bệnh viện hạng I); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ dự phòng, kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh; ưu tiên đầu tư hạ tầng và trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm (năm 2021) thì mới được phép kiểm nghiệm theo quy định;

- Đầu tư đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị với nhân lực được đào tạo để phát huy hiệu quả đầu tư;

- Chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện nhà thu gom rác thải, các hệ thống xử lý chất thải lỏng, phòng cháy, chữa cháy cho tất cả các đơn vị;

- Từng bước giải quyết các hạng mục công trình xuống cấp của tất cả các đơn vị để đảm bảo làm việc, phục vụ khám, chữa bệnh, tạo sự thoải mái cho người bệnh;

- Xây dựng Đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm triển khai thực hiện đạt các mục tiêu đề ra.

4. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, dân số

- Tăng cường rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế và các lĩnh vực liên quan; đánh giá việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản của cơ quan cấp trên; bố trí thêm cán bộ cho các phòng chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện toàn diện, chuyên sâu quản lý nhà nước lĩnh vực y tế;

- Đảm bảo xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình, Dự án, Kế hoạch công tác y tế dự phòng, dân số đạt mục tiêu đến năm 2025; tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả các Chương trình, Dự án, Kế hoạch;

- Tăng cường quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh; quản lý hành nghề y, dược tư nhân, y dược cổ truyền, phục hồi chức năng; kiểm soát và đẩy mạnh việc thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện; chất lượng Phòng xét nghiệm y học, Phòng xét nghiệm đảm bảo an toàn sinh học;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, dân số đảm bảo thực hiện theo lộ trình và quy định của Bộ Y tế.

5. Tăng cường truyền thông, vận động

- Tăng cường quán triệt, phổ biến mục tiêu, nội dung, giải pháp của Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 trong toàn ngành Y tế (bao gồm cả cơ sở y, dược ngoài công lập) nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chung tay xây dựng và phát triển đơn vị, phát triển ngành;

- Truyền thông, vận động đến các Sở, Ban, ngành để huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực Y tế, Dân số và phối hợp triển khai thực hiện;

- Tăng cường đa dạng các kênh truyền thông, phổ biến rộng rãi nội dung Kế hoạch này để huy động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, hợp tác quốc tế.

6. Đảm bảo tài chính thực hiện Kế hoạch

- Ưu tiên cân đối nguồn ngân sách tỉnh cho lĩnh vực Y tế từ các nguồn đầu tư phát triển, ngân sách sự nghiệp y tế;

- Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư;

- Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nhằm huy động nguồn thu đảm bảo cân đối chi thường xuyên đối với hệ điều trị; dành ngân sách nhà nước cho công tác Y tế dự phòng, Dân số và đầu tư phát triển; xây dựng và sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp hiệu quả;

- Huy động các nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường hợp tác quốc tế cho lĩnh vực y tế, dân số.

VII. DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Nguồn kinh phí

Phân kỳ năm

2021

2022

2023

2024

2025

2021 - 2025

1

Ngân sách tỉnh

170,050

396,850

422,950

440,950

297,950

1.730,750

a)

Kinh phí sự nghiệp

135,950

145,950

145,950

150,950

145,950

724,750

b)

Kinh phí đầu tư

34,100

250,900

277.000

292,000

152,000

1.006,000

2

Nguồn thu KCB

70,000

70,000

60,000

55,000

55,000

310,000

3

Nguồn ADB

138,550

0

0

0

0

138,550

4

Xã hội hóa

43,000

458,000

173,000

158,000

163,000

995,000

 

Cộng

421,600

924,850

655,950

655,950

515,950

3.174,300

(Chi tiết tại Phụ lục V)

VIII. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách tỉnh

- Nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung.

- Nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm.

- Nguồn vốn đối ứng các dự án.

2. Nguồn thu của bệnh viện

3. Nguồn vốn khác

- Nguồn vốn ADB.

- Nguồn vốn đầu tư cho y tế xã thuộc vùng khó khăn theo Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội).

- Nguồn vốn viện trợ.

- Nguồn vốn xã hội hóa.

- Nguồn vốn hợp pháp khác.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai hằng năm. Định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu xây dựng các Dự án, Kế hoạch thành phần trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để đảm bảo đạt mục tiêu Kế hoạch này đến năm 2025.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế kêu gọi, huy động, phân bổ các nguồn lực từ các Chương trình để bố trí nguồn vốn thực hiện Kế hoạch này, theo khả năng cân đối nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

3. Sở Tài chính

Chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho ngành Y tế để triển khai thực hiện các Kế hoạch về y tế được phê duyệt giai đoạn 5 năm và hằng năm; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế cân đối ngân sách để thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu xây dựng và phê duyệt Đề án Vị trí việc làm; xây dựng, triển khai Kế hoạch tuyển dụng viên chức, công chức; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý; hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách cho cán bộ y tế công tác ở các vùng khó khăn theo quy định và Đề án chính sách cho Nhân viên Y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

5. Ban Dân tộc

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; trong đó, có lĩnh vực y tế.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế lập Quy hoạch sử dụng đất cho nhu cầu phát triển y tế đến năm 2025; các quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ và phòng, chống ô nhiễm môi trường nhằm ngăn chặn nguy cơ gây bệnh tật.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ về việc đào tạo nhân lực y tế hệ cử tuyển; xây dựng các chính sách đãi ngộ trong đào tạo; kiện toàn tổ chức y tế trường học theo Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; củng cố và cải thiện công tác y tế trong trường học.

8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Tiếp tục phối hợp với Sở Y tế củng cố Ban Quân dân y kết hợp các cấp, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động tại các Phòng khám khu vực, Trạm Y tế vùng biên giới, hải đảo.

9. Các Ban, ngành, tổ chức đoàn thể tỉnh

Phối hợp với ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe đến với cộng đồng và người dân; tăng cường giám sát việc thực hiện Kế hoạch này tại cơ sở.

10. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền lợi về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung phát triển và giải pháp Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp y tế, dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh và địa phương mình.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng mới các cơ sở y tế theo quy hoạch của địa phương mình và có biện pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đề nghị các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra./.

 


Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CPVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, KTTH, NC, TH, KGVX.
D:\QUANG VX\Năm 2021\Kế hoạch\KH thực hiện CTPTSNYT-DS 2021-2025.docx

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tân

 

PHỤ LỤC I

CHỈ TIÊU GIƯỜNG BỆNH ĐẾN NĂM 2025
(Giường bệnh công lập thuộc Sở Y tế quản lý)
(Đính kèm theo Kế hoạch số 2204/KH-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên bệnh viện

Năm 2020

Chỉ tiêu đến năm 2025

I

Giường bệnh toàn tỉnh

6.390

6.730

II

Giường bệnh công lập thuộc Sở Y tế

4.560

4.870

A

Tuyến tỉnh

3.050

3.355

1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh

900

1000

2

Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam

900

1000

3

Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam

555

620

4

Bệnh viện Y học cổ truyền

190

200

5

Bệnh viện Phụ sản - Nhi

170

200

6

Bệnh viện Tâm thần

100

100

7

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

135

135

8

Bệnh viện Mắt

50

50

9

Bệnh viện Da liễu

50

50

B

Tuyến huyện

1.510

1.515

1

Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An

115

115

2

Trung tâm Y tế thành phố Tam Kỳ

120

120

3

Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình

145

150

4

Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên

170

170

5

Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn

165

165

6

Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước

75

75

7

Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn

75

75

8

Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh

75

75

9

Trung tâm Y tế huyện Đông Giang

80

80

10

Trung tâm Y tế huyện Nam Giang (bao gồm Phòng khám Chà Vàl)

90

90

11

Trung tâm Y tế huyện Tây Giang (bao gồm Phòng khám A Xan)

80

80

12

Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My

80

80

13

Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My

60

60

14

Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn (bao gồm Phòng khám Phước Chánh)

80

80

15

Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức

90

90

16

Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc (bao gồm Phòng khám vùng A)

5

5

17

Trung tâm Y tế thành phố Hội An (bao gồm Phòng khám Tân Hiệp)

5

5

 

PHỤ LỤC II

CHỈ TIÊU CƠ BẢN VỀ NHÂN LỰC Y TẾ ĐẾN NĂM 2025
(Đính kèm theo Kế hoạch số 2204/KH-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh)

TT

Nhân lực y tế

Thực hiện năm 2020

Chỉ tiêu đến năm 2025

1

Nhân lực y tế chung/10.000 dân

53,6

60,0

2

Bác sĩ/10.000 dân

11.2

12,0

3

Dược sĩ đại học/10.000 dân

1.5

2,0

4

Điều dưỡng/10.000 dân

15.0

20,0

5

Tỉ lệ Trạm Y tế xã (khám chữa bệnh) có bác sĩ làm việc (%)

51.0

100.0

6

Bác sĩ điều trị/ giường bệnh

0.18

0,2

7

Tỉ lệ Bác sĩ chuyên khoa I trở lên/số Bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh (%)

< 50.0

50.0

8

Tỉ lệ Bác sĩ chuyên khoa II/số Bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh (%)

<10.0

20.0

9

Bác sĩ chuyên khoa I đối với 08 chuyên ngành cơ bản (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Gây mê - Hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh)/mỗi Trung tâm Y tế huyện có bệnh viện

Chưa đủ Bác sĩ chuyên khoa I các chuyên ngành cơ bản/mỗi Trung tâm Y tế huyện có bệnh viện

Ít nhất có 01 Bác sĩ chuyên khoa I/mỗi chuyên ngành/mỗi Trung tâm Y tế huyện có bệnh viện

10

Dược sĩ chuyên khoa I Dược lâm sàng/ mỗi bệnh viện

Mới có 02 bệnh viện có dược sĩ lâm sàng

Ít nhất có Dược sĩ chuyên khoa I Dược lâm sàng/mỗi bệnh viện

 

PHỤ LỤC III

CHỈ TIÊU VỀ NÂNG CẤP, XÂY DỰNG MỚI HẠ TẦNG CƠ SỞ Y TẾ, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ ĐẾN NĂM 2025
(Sắp xếp ưu tiên theo từng tuyến)
(Đính kèm theo Kế hoạch số 2204/KH-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh)

TT

Đơn vị

Hiện trạng năm 2020

Chỉ tiêu đến năm 2025

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Đầu tư trang thiết bị y tế

I

TUYẾN TỈNH

I.1

Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh

1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Xây dựng từ năm 1997, quy mô 500 giường bệnh; mở rộng nâng cấp lên quy mô 600 giường. Đến nay, hầu hết các hạng mục công trình đã xuống cấp. Chưa đáp ứng với nhu cầu hiện nay là Bệnh viện hạng I, 900 giường bệnh kế hoạch, thực kê 1.200 giường.

Hoàn chỉnh Bệnh viện hạng I, quy mô 1000 giường bệnh. Trong đó: phát triển khoa Ung bướu thành Trung tâm Ung bướu. Phát triển khoa Ngoại- Chấn thương - Bỏng và khoa Phục hồi chức năng thành Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng - Vi phẫu tạo hình - Phục hồi chức năng.

(1) Khu điều trị - Hội trường 7 tầng (Gồm các Khoa: Khám, Chẩn đoán hình ảnh; Phẫu thuật gây mê bổ sung; Hồi sức, chống độc bổ sung; Tim mạch bổ sung; Thăm dò chức năng; Lọc máu; Truyền nhiễm);

Năm 2022 (nguồn xã hội hóa)

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

(2) Khoa Dinh dưỡng nội trú 5 tầng (gồm các Khoa: Dinh dưỡng; Nội tổng hợp; Y học cổ truyền; Quản lý nhiễm khuẩn); Khu Hành chính, Khoa Dược 5 tầng (gồm: Khám bệnh; Dược; Hành chính);

Năm 2023

(3) Khu điều trị nội trú 1 - 5 tầng (Gồm các Khoa: Lao; Tiết niệu; Mắt; Tai - Mũi - Họng; Răng - Hàm - Mặt); Khu điều trị nội trú 2 - 5 tầng (Gồm các Khoa: Chấn Thương; Thần kinh, cột sống; Ngoại Tiêu hóa; Sản; Nhi);

Năm 2024

(4) Nâng cấp, cải tạo Khoa Ung bướu; Nâng cấp, cải tạo Khoa Sản cũ thành Khu Truyền nhiễm; Khu Nhà Giải phẫu bệnh - Pháp y; Hạng mục nhà để oxy, nhà giặt ủi, nhà đại thể, nhà để xe bệnh nhân, nhà để xe cấp cứu, xe khác, xe nhân viên, hạng mục phụ trợ khác; Cây xanh, sân vườn, thoát nước nội bộ và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác; trang thiết bị phát triển kỹ thuật cao chẩn đoán, điều trị ung bướu.

Năm 2025

2

Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam

Bệnh viện được xây dựng từ năm 2005 với quy mô ban đầu 300 giường, qua 7 lần sửa chữa lớn, nâng lên quy mô 400 giường. Chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay là Bệnh viện hạng II, 550 giường bệnh kế hoạch, thực kê 650 giường.

Mở rộng, nâng cấp Bệnh viện hạng II, quy mô 650 giường.

(1) Mở rộng Khoa Nội 7 tầng [bao gồm: Nội Thần kinh, Nội Cơ - Xương - Khớp, Nội Tiêu hóa và Liên chuyên khoa (814,2m2)]; trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng nhu cầu thực tế theo định mức phê duyệt;

Năm 2023

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

(2) Xây dựng Khoa Nhi 5 tầng (420m2); cải tạo nâng cấp Khoa Nhi cũ thành Khu hành chính và sân vườn tổng thể; trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng nhu cầu thực tế theo định mức phê duyệt;

Năm 2024

(3)Khoa Truyền nhiễm 4 tầng (400 m2); Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (500m2); Khoa Dinh dưỡng (500 m2); Khoa Dược 2 tầng (600 m2); trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng nhu cầu thực tế theo định mức phê duyệt.

Năm 2025

3

Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam

Bệnh viện được xây dựng từ năm 2001, quy mô ban đầu 120 giường; được đầu tư xây mới các khối nhà kỹ thuật và điều trị, nâng lên quy mô 695 giường. Còn một số hạng mục công trình cũ (khu xét nghiệm, thăm dò chức năng, các khoa nội...); chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay là Bệnh viện hạng II, 900 giường bệnh kế hoạch, thực kê 1200 giường.

Phát triển lên Bệnh viện hạng I quy mô 1.000 giường bệnh.

Xây dựng khối nhà đa năng 10 tầng (Gồm: Tầng hầm: Nhà xe; Tầng 1: Khoa Cấp cứu, Khoa Sinh hóa, Khoa Dược, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (20 giường); Tầng 2: Khoa Huyết học truyền máu, Khoa Giải phẫu bệnh, Khoa Nội soi, Khoa Thăm dò chức năng, Khoa Vi sinh; Tầng 3: Khoa Nội Cơ - Xương - Khớp, Khoa Nội Tổng hợp, Khoa Lão học (120 giường); Tầng 4: Khoa Ung bướu, Khoa Huyết học lâm sàng (120 giường); Tầng 5: Khoa Y Dược cổ truyền, Khu Điều trị ban ngày thuộc Khoa Y Dược cổ truyền (120 giường); Tầng 6: Khoa Nội Thần kinh, Khoa Dị ứng (120 giường); Tầng 7: Khoa Nội tiết, Khoa Nội Hô hấp (120 giường); Tầng 8: Khoa Nội Cơ - Xương - Khớp, Da liễu (120 giường); Tầng 9: Hành chính, hội trường, thư viện, nhà truyền thống; Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng nhu cầu thực tế theo định mức phê duyệt.

Năm 2024 (nguồn xã hội hóa)

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

I.2

Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh

1

Bệnh viện Tâm thần

Bệnh viện được xây dựng từ năm 2005 với quy mô ban đầu đáp ứng 100 giường bệnh; qua 15 năm sử dụng, các hạng mục công trình đã xuống cấp thấm dột, rỉ sét. Chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh hiện nay, Bệnh viện hạng III, 100 giường bệnh kế hoạch, giường bệnh thực kê hơn 100 giường.

Xây mới một số hạng mục công trình, đảm bảo công năng Bệnh viện hạng III, quy mô 100 giường.

Xây dựng mới Khu Khám bệnh cấp cứu 2 tầng (diện tích sàn 3100m2). Gồm: Tầng 1: Khu Khám bệnh, Phòng Cấp cứu, Phòng Thu viện phí, dược; Tầng 2: Phòng Kế hoạch tổng hợp, Tài chính - Kế toán, Phòng Tổ chức - Hành chính.

Năm 2022

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và nhân lực đào tạo.

2

Bệnh viện Mắt

Bệnh viện được xây dựng từ năm 2014, Bệnh viện hạng III, quy mô 50 giường; chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng.

Phát triển lên Bệnh viện hạng II, phát triển các kỹ thuật cao về điều trị các bệnh, tật khúc xạ của mắt.

Đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng công suất 50m3/ngày đêm.

Năm 2021 đến năm 2022

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và nhân lực đào tạo; trang thiết bị kỹ thuật cao (Laser quang đông võng mạc đa điểm; Hệ thống phẫu thuật khúc xạ; Laser quang đông võng mạc nội nhãn; Hệ thống phẫu thuật dịch kính - bán phần sau).

3

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Bệnh viện dược xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2004, quy mô 90 giường bệnh; hơn 15 năm sử dụng nên nhiều hạng mục công trình xuống cấp. Hiện chưa đáp ứng nhu cầu Bệnh viện hạng III, 135 giường bệnh kế hoạch.

Xây mới một số hạng mục công trình, đảm bảo công năng bệnh viện hạng III, quy mô 135 giường.

Xây mới Khoa Hen, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Bệnh phổi nghề nghiệp (2 tầng);

Năm 2024

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

Xây mới Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Nội A, B, C, Dược - Vật tư y tế và hành lang nội bộ (2 tầng).

Năm 2025

4

Bệnh viện Y học cổ truyền

Bệnh viện hạng III, quy mô 190 giường, thực kê 278 giường; Bệnh viện đã qua cải tạo sửa chữa, nhưng đã cũ xuống cấp thấm dột, chưa có một số hạng mục (khu bào chế dược liệu...); đã có chủ trương và bố trí vốn xây dựng khu điều trị 4 tầng quy mô 100 giường năm 2021.

Xây mới một số hạng mục công trình, đảm bảo công năng Bệnh viện hạng III, quy mô 200 giường; phát triển thành Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng cuối năm 2025.

Khu bào chế dược liệu, Khoa Dinh dưỡng; hành lang nội bộ có mái che;

Năm 2024

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và nhân lực đào tạo.

Xây mới Khu nhà điều trị phục hồi chức năng.

Năm 2025

I.3

Trung tâm tuyến tỉnh

2

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Trung tâm hạng II. Có 02 cơ sở: Cơ sở 1 là Khu hành chính ở đường Nguyễn Văn Trỗi xây dựng từ năm 2014; Cơ sở 2 là khối nhà sáp nhập của 04 Trung tâm cũ xây dựng từ năm 2002, xuống cấp, không đảm bảo triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn về dự phòng, kiểm soát bệnh tật của cấp tỉnh.

Phát triển Trung tâm đáp ứng năng lực dự phòng hạng I.

Xây mới khu nhà 10 tầng (diện tích sàn xây dựng 4.452m2. Gồm: Tầng hầm: Nhà để xe cho nhân viên và bệnh nhân; Tầng 1: Phòng khám đa khoa, Phòng tiêm vắc xin, Khu điều trị Methadol; Tầng 2: Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng; Tầng 3: Khoa Dược - Vật tư y tế, Phòng Kế hoạch tổng hợp; Tầng 4: Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế toán - Tài vụ; Tầng 5: Khoa HIV/AIDS, Khoa Bệnh truyền nhiễm, Hội trường nhỏ; Tầng 6: Khoa Bệnh không lây nhiễm, Ký sinh trùng côn trùng, Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe; Tầng 7: Phòng Ban Giám đốc, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Bệnh nghề nghiệp; Tầng 8: Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế học đường, Hội trường lớn.

Năm 2021

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 80% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

II

TUYẾN HUYỆN

II.1

Trung tâm Y tế huyện có bệnh viện

1

Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình

Được đầu tư nhiều giai đoạn, quy mô 120 giường, hầu hết các hạng mục công trình Bệnh viện đã xuống cấp; chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay Bệnh viện hạng III, 145 giường kế hoạch; thực kê 180 giường.

Đảm bảo công năng Bệnh viện hạng III, quy mô 150 giường.

Xây dựng dự án đầu tư tổng thể trung tâm (Xây mới Khối nhà khu kỹ thuật, phòng mổ, Khu nhà Khoa Truyền nhiễm, Khoa Y tế dự phòng, Ngoại, Sản, Khoa Dinh dưỡng... ) + Mua sắm Trang thiết bị.

Năm 2022

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

2

Trung tâm Y tế huyện Nam Giang

Bệnh viện hạng III, quy mô 90 giường, xây dựng tư năm 2001 - 2002; hầu hết công trình đã xuống cấp, không đảm bảo làm việc.

Đảm bảo công năng Bệnh viện hạng III, quy mô 90 giường.

Dự án xây dựng tổng thể Bệnh viện (Xây mới Khoa Xét nghiệm - Cận lâm sàng và Khu Dịch vụ kỹ thuật, Khoa Nội - Truyền nhiễm, Khoa Nhi, Khoa Y tế dự phòng - Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Khoa Sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Khoa Ngoại - Liên chuyên khoa, Nhà Tiết chế dinh dưỡng,...); cải tạo, nâng cấp Khoa Hồi sức - Cấp cứu và Khoa Dược - Vật tư y tế, Khu Hấp, sấy, giặt là, Nhà đại thể, Bê tông nền sân, nâng nền, Đường bê tông nội bộ; nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

Năm 2022

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

3

Trung tâm y tế Duy Xuyên

Bệnh viện hạng III, quy mô 170 giường; một số hạng mục chưa có hạ tầng (Khoa Dược, Khoa Dinh dưỡng); hệ thống xử lý nước thải xuống cấp.

Đảm bảo công năng Bệnh viện hạng III, quy mô 170 giường.

Xây mới Khoa Dược, Khoa Dinh dưỡng; cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu kỹ thuật, phòng mổ; Khối hành chính, Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản; cải tạo, nâng cấp Hệ thống xử lý nước thải, Hệ thống nước sinh hoạt trung tâm.

Năm 2025

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và nhân lực đào tạo.

4

Trung tâm Y tế Phú Ninh

Bệnh viện hạng III, quy mô 75 giường; Khu điều trị Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Khoa Khám bệnh cấp cứu… chật hẹp.

Đảm bảo công năng Bệnh viện hạng III, quy mô 75 giường,

Xây mới Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng quy mô 50 giường bệnh, cải tạo nâng cấp Khoa Khám bệnh - Cấp cứu - Hồi sức (05 giường bệnh), Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Phòng mổ, Khối hành chính, Khoa Nội - Nhi - Truyền nhiễm (22 giường bệnh), Khoa Ngoại - Phụ sản - Liên chuyên khoa (21 giường bệnh); xây mới nhà đại

Năm 2025

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và

II.2

Trung tâm Y tế huyện không có bệnh viện

1

Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn

Trung tâm Y tế huyện hạng III; cơ sở 1 là Phòng khám; cơ sở 2 được chuyển giao từ đơn vị khác, chưa đáp ứng nhiệm vụ y tế, dân số cấp huyện.

Trung tâm Y tế huyện hạng III, đáp ứng năng lực khám, điều trị bệnh ngoại trú, y tế dự phòng và dân số cấp huyện.

Xây dựng mới 1 khối nhà 4 tầng làm cơ sở 2 (bố trí các phòng chức năng, khoa dự phòng và phòng cấp Methdone) - diện tích sàn 816m2. Nâng cấp khoa, phòng Trung tâm Y tế đang sử dụng,

Năm 2022

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và nhân lực đào tạo.

2

Trung tâm y tế huyện Núi Thành

Trung tâm Y tế huyện hạng III; cơ sở chật hẹp, xuống cấp chưa đáp ứng nhiệm vụ khám bệnh ngoại trú, y tế dự phòng, dân số.

Trung tâm Y tế huyện hạng III, đáp ứng năng lực khám, điều trị bệnh ngoại trú, y tế dự phòng và dân số cấp huyện.

Xây mới Khu kỹ thuật, An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng khám lao, da liễu, Khoa Y tế dự phòng (Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS - Y tế công cộng, Phòng tiêm chủng...); Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; cải tạo, mở rộng Khu hành chính, Phòng cấp cứu, Phòng trực, kho thuốc; hệ thống xử lý nước thải y tế nguy hại, nước thải sinh hoạt; nâng cấp, nới rộng Khu tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại.

Năm 2025

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có nhân lực đào tạo sử dụng thiết bị.

3

Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc

Trung tâm Y tế huyện hạng III; cơ sở chật hẹp, xuống cấp chưa đáp ứng nhiệm vụ khám bệnh ngoại trú, y tế dự phòng, dân số.

Trung tâm Y tế huyện hạng III, đáp ứng năng lực khám, điều trị bệnh ngoại trú, y tế dự phòng và dân số cấp huyện.

Xây mới Khu cấp cứu (144m2), Khu xét nghiệm, Phòng chụp X quang, Khoa Dược - Vật tư - Trang thiết bị y tế, Nhà lưu giữ chất thải y tế; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khối hành chính, hệ thống điện, nước.

Năm 2025

Trang thiết bị bổ sung, thay thế đáp ứng thực hiện 90% danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo phân tuyến kỹ thuật; trong định mức được phê duyệt và có

III

TUYẾN XÃ

1

30 Trạm Y tế

30 Trạm Y tế xuống cấp nặng

Xây mới 30 Trạm Y tế

Danh mục xây mới Trạm Y tế xã ở Phụ lục IV

Từ năm 2021 đến năm 2023

Trang thiết bị bổ sung thay thế theo Thông tư số 28/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế

2

191 Trạm Y tế

191 Trạm Y tế xuống cấp

Sửa chữa, nâng cấp 191 Trạm Y tế

Danh mục ưu tiên sửa chữa, nâng cấp Trạm Y tế xã ở Phụ lục IV

Từ năm 2021 đến năm 2025

 

PHỤ LỤC IV

GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Đính kèm theo Kế hoạch số 2204/KH-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh)

TT

Lĩnh vực/dự án

Năm đầu tư

Quy mô đầu tư

Năm 2021

1

Dự án XM TYT xã Tam Sơn (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

2

Dự án XM TYT xã Ladee (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

3

Dự án XM TYT xã Đại Chánh (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

4

Dự án XM TYT xã Quế Long (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

5

Dự án XM TYT xã Quế Lưu (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

6

Dự án XM TYT xã Phước Trà (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

7

Dự án XM TYT xã Tiên Châu (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

8

Dự án XM TYT xã Tiên Lập (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

9

Dự án XM TYT xã Tiên An (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

10

Dự án XM TYT xã Tiên Ngọc (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

11

Dự án XM TYT xã Tiên Cảnh (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

12

Dự án XM TYT xã Phước Năng (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

13

Dự án XM TYT xã Lăng (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

14

Dự án XM TYT xã Bhalêê (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

15

Dự án XM TYT xã Zơ Ngây (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

16

Dự án XM TYT xã Tà Lu (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

17

Dự án XM TYT xã Trà Nú (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

18

Dự án XM TYT xã Atiêng (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

19

Dự án XM TYT xã Zà hung (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

20

Dự án XM TYT thị trấn Thạnh Mỹ (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

21

Dự án XM TYT xã Phước Hiệp (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

22

Dự án XM TYT xã Phước Mỹ (Vốn vay ADB)

2021-2023

Xây mới

23

Dự án SCNC TYT xã Duy Hòa (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

24

Dự án SCNC TYT xã Quế Thuận (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

25

Dự án SCNC TYT xã Quế Hiệp (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

26

Dự án SCNC TYT xã Bình Sơn (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

27

Dự án SCNC TYT xã Thăng Phước (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

28

Dự án SCNC TYT xã Tiên Cẩm (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

29

Dự án SCNC TYT xã Phước Ninh (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

30

Dự án SCNC TYT xã Tam Trà (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

31

Dự án SCNC TYT xã Đại Hiệp (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

32

Dự án SCNC TYT xã Trà Sơn (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

33

Dự án SCNC TYT xã Trà Dương (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

34

Dự án SCNC TYT Xã Ba (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

35

Dự án SCNC TYT xã Gari (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

36

Dự án SCNC TYT xã Phước Đức (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

37

Dự án SCNC TYT xã Phước Xuân (Vốn vay ADB)

2021-2023

Sửa chữa nâng cấp

38

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT phường Hòa Hương

2021

Sửa chữa, bảo trì

39

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT phường An Phú

2021

Sửa chữa, bảo trì

40

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT phường Tân Thạnh

2021

Sửa chữa, bảo trì

41

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT phường Trường Xuân

2021

Sửa chữa, bảo trì

42

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Cẩm Thanh

2021

Sửa chữa, bảo trì

43

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT phường Cửa Đại

2021

Sửa chữa, bảo trì

44

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT phường Cẩm An

2021

Sửa chữa, bảo trì

45

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tân An

2021

Sửa chữa, bảo trì

46

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Thanh Hà

2021

Sửa chữa, bảo trì

47

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Cẩm Phô

2021

Sửa chữa, bảo trì

48

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tâm Hiệp

2021

Sửa chữa, bảo trì

49

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Giang

2021

Sửa chữa, bảo trì

50

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Hải

2021

Sửa chữa, bảo trì

51

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Nam Đông

2021

Sửa chữa, bảo trì

52

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Dương

2021

Sửa chữa, bảo trì

53

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Phong

2021

Sửa chữa, bảo trì

54

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Trung

2021

Sửa chữa, bảo trì

55

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thắng Nam

2021

Sửa chữa, bảo trì

56

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thắng Trung

2021

Sửa chữa, bảo trì

57

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thắng Bắc

2021

Sửa chữa, bảo trì

58

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Hòa

2021

Sửa chữa, bảo trì

59

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thọ

2021

Sửa chữa, bảo trì

60

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Phong

2021

Sửa chữa, bảo trì

61

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Cường

2021

Sửa chữa, bảo trì

62

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Đàn

2021

Sửa chữa, bảo trì

63

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Dân

2021

Sửa chữa, bảo trì

64

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Dương

2021

Sửa chữa, bảo trì

65

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Giang

2021

Sửa chữa, bảo trì

66

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Minh

2021

Sửa chữa, bảo trì

67

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Đào

2021

Sửa chữa, bảo trì

68

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Sa

2021

Sửa chữa, bảo trì

69

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Trung

2021

Sửa chữa, bảo trì

70

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Tú

2021

Sửa chữa, bảo trì

71

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Phú

2021

Sửa chữa, bảo trì

72

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Định Nam

2021

Sửa chữa, bảo trì

73

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Triều

2021

Sửa chữa, bảo trì

74

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Định Bắc

2021

Sửa chữa, bảo trì

75

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Trinh

2021

Sửa chữa, bảo trì

76

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Vinh

2021

Sửa chữa, bảo trì

77

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Châu, Thu, Phú

2021

Sửa chữa, bảo trì

78

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Xuân 2

2021

Sửa chữa, bảo trì

79

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Phong

2021

Sửa chữa, bảo trì

80

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Hương An

2021

Sửa chữa, bảo trì

81

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Ninh

2021

Sửa chữa, bảo trì

82

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT thị trấn Tân Bình

2021

Sửa chữa, bảo trì

83

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Hiệp Hòa

2021

Sửa chữa, bảo trì

84

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Hiệp Thuận

2021

Sửa chữa, bảo trì

85

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Thọ

2021

Sửa chữa, bảo trì

86

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Việt An

2021

Sửa chữa, bảo trì

87

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Lãnh

2021

Sửa chữa, bảo trì

88

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Thọ

2021

Sửa chữa, bảo trì

89

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Phong

2021

Sửa chữa, bảo trì

90

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Cho chun

2021

Sửa chữa, bảo trì

91

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Dac Toi

2021

Sửa chữa, bảo trì

92

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Dac Pre

2021

Sửa chữa, bảo trì

93

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Dac Pring

2021

Sửa chữa, bảo trì

94

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tabling

2021

Sửa chữa, bảo trì

95

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Ca Dy

2021

Sửa chữa, bảo trì

96

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Zuôi

2021

Sửa chữa, bảo trì

97

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tapo

2021

Sửa chữa, bảo trì

98

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tư

2021

Sửa chữa, bảo trì

99

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Sông Kon

2021

Sửa chữa, bảo trì

100

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Ka Dăng

2021

Sửa chữa, bảo trì

101

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Arooil

2021

Sửa chữa, bảo trì

102

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Macooil

2021

Sửa chữa, bảo trì

103

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Công

2021

Sửa chữa, bảo trì

104

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Hòa

2021

Sửa chữa, bảo trì

105

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Chánh

2021

Sửa chữa, bảo trì

106

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT thị trấn Khâm Đức

2021

Sửa chữa, bảo trì

107

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Giáp

2021

Sửa chữa, bảo trì

108

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Ka

2021

Sửa chữa, bảo trì

Năm 2022

1

Dự án XM TYT xã Tam Xuân 1

2022-2023

Xây mới

2

Dự án XM TYT xã Bình Trị

2022-2023

Xây mới

3

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Sơn Phong

2022

Sửa chữa, bảo trì

4

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Cẩm Châu

2022

Sửa chữa, bảo trì

5

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT

2022

Sửa chữa, bảo trì

6

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Điện An

2022

Sửa chữa, bảo trì

7

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Điện Phương

2022

Sửa chữa, bảo trì

8

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Tam Thái

2022

Sửa chữa, bảo trì

9

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Hồng

2022

Sửa chữa, bảo trì

10

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Minh

2022

Sửa chữa, bảo trì

11

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Đông Phú

2022

Sửa chữa, bảo trì

12

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Châu

2022

Sửa chữa, bảo trì

13

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Minh

2022

Sửa chữa, bảo trì

14

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Cường

2022

Sửa chữa, bảo trì

15

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT An Xuân

2022

Sửa chữa, bảo trì

16

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Nghĩa

2022

Sửa chữa, bảo trì

17

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Trung

2022

Sửa chữa, bảo trì

18

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Hòa Thuận

2022

Sửa chữa, bảo trì

19

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Phú

2022

Sửa chữa, bảo trì

20

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Thanh

2022

Sửa chữa, bảo trì

21

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Anh Bắc

2022

Sửa chữa, bảo trì

22

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Anh Nam

2022

Sửa chữa, bảo trì

23

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Hòa

2022

Sửa chữa, bảo trì

24

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Giang

2022

Sửa chữa, bảo trì

25

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Bui

2022

Sửa chữa, bảo trì

26

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Đông

2022

Sửa chữa, bảo trì

27

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Mỹ Tây

2022

Sửa chữa, bảo trì

28

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Quang

2022

Sửa chữa, bảo trì

29

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Thái

2022

Sửa chữa, bảo trì

30

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã An Sơn

2022

Sửa chữa, bảo trì

31

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Ngọc

2022

Sửa chữa, bảo trì

32

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Thành

2022

Sửa chữa, bảo trì

33

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Thắng

2022

Sửa chữa, bảo trì

34

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Lãnh

2022

Sửa chữa, bảo trì

35

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Quang

2022

Sửa chữa, bảo trì

36

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Ch om

2022

Sửa chữa, bảo trì

37

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Dang

2022

Sửa chữa, bảo trì

Năm 2023

1

Dự án XM TYT thị trấn Ái Nghĩa

2023-2024

Xây mới

2

Dự án XM TYT xã Bình Chánh

2023-2024

Xây mới

3

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Vĩnh Điện

2023

Sửa chữa, bảo trì

4

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Tiến

2023

Sửa chữa, bảo trì

5

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Ngọc

2023

Sửa chữa, bảo trì

6

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Phú Thịnh

2023

Sửa chữa, bảo trì

7

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Vinh

2023

Sửa chữa, bảo trì

8

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Lãnh

2023

Sửa chữa, bảo trì

9

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Phú

2023

Sửa chữa, bảo trì

10

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Nam Phước

2023

Sửa chữa, bảo trì

11

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Phước

2023

Sửa chữa, bảo trì

12

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Thành

2023

Sửa chữa, bảo trì

13

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Sơn

2023

Sửa chữa, bảo trì

14

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Quý

2023

Sửa chữa, bảo trì

15

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Nguyên

2023

Sửa chữa, bảo trì

16

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Quế

2023

Sửa chữa, bảo trì

17

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình An

2023

Sửa chữa, bảo trì

18

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Hải

2023

Sửa chữa, bảo trì

19

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Trung

2023

Sửa chữa, bảo trì

20

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Sơn Viên

2023

Sửa chữa, bảo trì

21

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Giang

2023

Sửa chữa, bảo trì

22

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Xuân 2

2023

Sửa chữa, bảo trì

23

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại An

2023

Sửa chữa, bảo trì

24

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Đồng

2023

Sửa chữa, bảo trì

25

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Nghĩa

2023

Sửa chữa, bảo trì

26

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Hòa

2023

Sửa chữa, bảo trì

27

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Sơn

2023

Sửa chữa, bảo trì

28

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Anong

2023

Sửa chữa, bảo trì

29

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tr Hy

2023

Sửa chữa, bảo trì

30

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã A Vương

2023

Sửa chữa, bảo trì

31

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Thành

2023

Sửa chữa, bảo trì

32

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Lộc

2023

Sửa chữa, bảo trì

33

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Đốc

2023

Sửa chữa, bảo trì

34

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Kot

2023

Sửa chữa, bảo trì

35

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Tân

2023

Sửa chữa, bảo trì

Năm 2024

1

Dự án XM TYT xã Cẩm Kim

2024-2025

Xây mới

2

Dự án XM TYT xã Điện Nam Bắc

2024-2025

Xây mới

3

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Phước Hòa

2024

Sửa chữa, bảo trì

4

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT An Mỹ

2024

Sửa chữa, bảo trì

5

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Cẩm Nam

2024

Sửa chữa, bảo trì

6

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Cẩm Hà

2024

Sửa chữa, bảo trì

7

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Nam Trung

2024

Sửa chữa, bảo trì

8

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Quang

2024

Sửa chữa, bảo trì

9

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Đại

2024

Sửa chữa, bảo trì

10

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Lộc

2024

Sửa chữa, bảo trì

11

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Phước

2024

Sửa chữa, bảo trì

12

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế An

2024

Sửa chữa, bảo trì

13

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Sơn

2024

Sửa chữa, bảo trì

14

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Tân

2024

Sửa chữa, bảo trì

15

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Hải

2024

Sửa chữa, bảo trì

16

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Lãnh

2024

Sửa chữa, bảo trì

17

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Lộc

2024

Sửa chữa, bảo trì

18

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Phước

2024

Sửa chữa, bảo trì

19

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Ninh

2024

Sửa chữa, bảo trì

20

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Quế Lâm

2024

Sửa chữa, bảo trì

21

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Mỹ Đông

2024

Sửa chữa, bảo trì

22

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Nghĩa

2024

Sửa chữa, bảo trì

23

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Tiến

2024

Sửa chữa, bảo trì

24

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Thành

2024

Sửa chữa, bảo trì

25

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Hồng

2024

Sửa chữa, bảo trì

26

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Hưng

2024

Sửa chữa, bảo trì

27

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Thạnh

2024

Sửa chữa, bảo trì

28

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Gia

2024

Sửa chữa, bảo trì

29

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Chà Vành

2024

Sửa chữa, bảo trì

30

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Dơn

2024

Sửa chữa, bảo trì

31

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Vân

2024

Sửa chữa, bảo trì

32

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Vinh

2024

Sửa chữa, bảo trì

33

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Linh

2024

Sửa chữa, bảo trì

34

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Can

2024

Sửa chữa, bảo trì

35

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Nam

2024

Sửa chữa, bảo trì

36

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Tập

2024

Sửa chữa, bảo trì

37

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đông Phú

2024

Sửa chữa, bảo trì

Năm 2025

1

Dự án XM TYT xã Điện Phước

2025-2026

Xây mới

2

Dự án XM TYT thị trấn Tân Bình

2025-2026

Xây mới

3

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Hòa

2023

Sửa chữa, bảo trì

4

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thọ

2023

Sửa chữa, bảo trì

5

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thắng Bắc

2023

Sửa chữa, bảo trì

6

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thắng Trung

2023

Sửa chữa, bảo trì

7

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Điện Thắng Nam

2023

Sửa chữa, bảo trì

8

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Đàn

2023

Sửa chữa, bảo trì

9

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Thái

2023

Sửa chữa, bảo trì

10

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Hương An

2023

Sửa chữa, bảo trì

11

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Thu

2023

Sửa chữa, bảo trì

12

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Duy Phú

2023

Sửa chữa, bảo trì

13

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Mỹ

2023

Sửa chữa, bảo trì

14

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Lộc

2023

Sửa chữa, bảo trì

15

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tiên Hà

2023

Sửa chữa, bảo trì

16

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Hà Lam

2023

Sửa chữa, bảo trì

17

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Nam

2023

Sửa chữa, bảo trì

18

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Định Bắc

2023

Sửa chữa, bảo trì

19

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Phú

2023

Sửa chữa, bảo trì

20

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Triều

2023

Sửa chữa, bảo trì

21

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Bình Dương

2023

Sửa chữa, bảo trì

22

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Hiệp

2023

Sửa chữa, bảo trì

23

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Tam Hải

2023

Sửa chữa, bảo trì

24

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Cường

2023

Sửa chữa, bảo trì

25

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Đại Phong

2023

Sửa chữa, bảo trì

26

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Axan

2023

Sửa chữa, bảo trì

27

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Sông Trà

2023

Sửa chữa, bảo trì

28

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT Prao

2023

Sửa chữa, bảo trì

29

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Mai

2023

Sửa chữa, bảo trì

30

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Don

2023

Sửa chữa, bảo trì

31

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Trà Leng

2023

Sửa chữa, bảo trì

32

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Macooil

2023

Sửa chữa, bảo trì

33

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Công

2023

Sửa chữa, bảo trì

34

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Hòa

2023

Sửa chữa, bảo trì

35

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Phước Chánh

2023

Sửa chữa, bảo trì

36

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT thị trấn Khâm Đức

2023

Sửa chữa, bảo trì

37

Dự án sửa chữa, bảo trì TYT xã Zuôi

2023

Sửa chữa, bảo trì

 

PHỤ LỤC V

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN Y TẾ, DÂN SỐ TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Đính kèm theo Kế hoạch số 2204/KH-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Lĩnh vực/dự án

Tổng mức (triệu đồng)

Nguồn kinh phí

Ghi chú

Nguồn ngân sách tỉnh

Nguồn khác

Kinh phí sự nghiệp

Kinh phí đầu tư

Tổng

Dự án ADB

Nguồn thu KCB

Nguồn xã hội hóa

Tổng

Tổng giai đoạn 2021 - 2025

3.174.300

724.750

1.006.000

1.730.750

138.550

310.000

995.000

1.443.550

 

I

Tuyến tỉnh, huyện

2.829.000

565.000

964.000

1.529.000

0

310.000

990.000

1.300.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

1.820.000

125.000

940.000

1.065.000

0

25.000

730.000

755.000

 

2

Trang thiết bị, xe ô tô

864.000

440.000

24.000

464.000

0

200.000

200.000

400.000

 

3

Hạ tầng CNTT

110.000

0

0

0

0

60.000

50.000

110.000

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

35.000

0

0

0

0

25.000

10.000

35.000

 

II

Tuyến xã

345.300

159.750

42.000

201.750

138.550

0

5.000

143.550

 

1

Cơ sở hạ tầng

307.150

155.000

28.000

183.000

124.150

0

0

124.150

 

2

Trang thiết bị

25.400

0

14.000

14.000

11.400

0

0

11.400

 

3

Hạ tầng CNTT

2.250

2.250

0

2.250

0

0

0

0

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

10.500

2.500

0

2.500

3.000

0

5.000

8.000

 

Năm 2021

421.600

135.950

34.100

170.050

138.550

70.000

43.000

251.550

 

I

Tuyến tỉnh, huyện

216.000

80.000

24.000

104.000

0

70.000

42.000

112.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

30.000

25.000

 

25.000

 

5.000

 

5.000

 

2

Trang thiết bị, xe ô tô

149.000

55.000

24.000

79.000

 

40.000

30.000

70.000

 

3

Hạ tầng CNTT

30.000

 

 

0

 

20.000

10.000

30.000

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

7.000

 

 

0

 

5.000

2.000

7.000

 

II

Tuyến xã

205.600

55.950

10.100

66.050

138.550

-

1.000

139.550

 

1

Cơ sở hạ tầng

179.150

55.000

 

55.000

124.150

 

 

124.150

 

2

Trang thiết bị

21.500

 

10.100

10.100

11.400

 

 

11.400

 

3

Hạ tầng CNTT

450

450

 

450

 

 

 

0

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

4.500

500

 

500

3.000

 

1.000

4.000

 

Năm 2022

924.850

145.950

250.900

396.850

0

70.000

458.000

528.000

 

I

Tuyến tỉnh, huyện

887.000

120.000

240.000

360.000

0

70.000

457.000

527.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

680.000

25.000

240.000

265.000

 

5.000

410.000

415.000

Xây dựng BV TP Hội An

2

Trang thiết bị, xe ô tô

170.000

95.000

 

95.000

 

40.000

35.000

75.000

 

3

Hạ tầng CNTT

30.000

 

 

0

 

20.000

10.000

30.000

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

7.000

 

 

0

 

5.000

2.000

7.000

 

II

Tuyến xã

37.850

25.950

10.900

36.850

0

0

1.000

1.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

32.000

25.000

7.000

32.000

 

 

 

0

 

2

Trang thiết bị

3.900

 

3.900

3.900

 

 

 

0

 

3

Hạ tầng CNTT

450

450

 

450

 

 

 

0

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

1.500

500

 

500

 

 

1.000

1.000

 

Năm 2023

655.950

145.950

277.000

422.950

0

60.000

173.000

233.000

 

I

Tuyến tỉnh, huyện

622.000

120.000

270.000

390.000

0

60.000

172.000

232.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

420.000

25.000

270.000

295.000

 

5.000

120.000

125.000

 

2

Trang thiết bị, xe ô tô

175.000

95.000

 

95.000

 

40.000

40.000

80.000

 

3

Hạ tầng CNTT

20.000

 

 

0

 

10.000

10.000

20.000

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

7.000

 

 

0

 

5.000

2.000

7.000

 

II

Tuyến xã

33.950

25.950

7.000

32.950

-

-

1.000

1.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

32.000

25.000

7.000

32.000

 

 

 

0

 

2

Trang thiết bị

0

 

 

0

 

 

 

0

 

3

Hạ tầng CNTT

450

450

 

450

 

 

 

0

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

1.500

500

 

500

 

 

1.000

1.000

 

Năm 2024

655.950

150.950

292.000

442.950

0

55.000

158.000

213.000

 

I

Tuyến tỉnh, huyện

622.000

125.000

285.000

410.000

0

55.000

157.000

212.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

415.000

25.000

285.000

310.000

 

5.000

100.000

105.000

 

2

Trang thiết bị, xe ô tô

185.000

100.000

 

100.000

 

40.000

45.000

85.000

 

3

Hạ tầng CNTT

15.000

 

 

0

 

5.000

10.000

15.000

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

7.000

 

 

0

 

5.000

2.000

7.000

 

II

Tuyến xã

33.950

25.950

7.000

32.950

-

-

1.000

1.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

32.000

25.000

7.000

32.000

 

 

 

0

 

2

Trang thiết bị

0

 

 

0

 

 

 

0

 

3

Hạ tầng CNTT

450

450

 

450

 

 

 

0

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

1.500

500

 

500

 

 

1.000

1.000

 

Năm 2025

515.950

145.950

152.000

297.950

0

55.000

163.000

218.000

 

I

Tuyến tỉnh, huyện

482.000

120.000

145.000

265.000

0

55.000

162.000

217.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

275.000

25.000

145.000

170.000

 

5.000

100.000

105.000

 

2

Trang thiết bị, xe ô tô

185.000

95.000

 

95.000

 

40.000

50.000

90.000

 

3

Hạ tầng CNTT

15.000

 

 

0

 

5.000

10.000

15.000

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

7.000

 

 

0

 

5.000

2.000

7.000

 

II

Tuyến xã

33.950

25.950

7.000

32.950

-

-

1.000

1.000

 

1

Cơ sở hạ tầng

32.000

25.000

7.000

32.000

 

 

 

0

 

2

Trang thiết bị

0

 

 

0

 

 

 

0

 

3

Hạ tầng CNTT

450

450

 

450

 

 

 

0

 

4

Đào tạo nhân lực y tế

1.500

500

 

500

 

 

1.000

1.000

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 2204/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025

Số hiệu: 2204/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
Người ký: Trần Văn Tân
Ngày ban hành: 16/04/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [10]
Văn bản được căn cứ - [32]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 2204/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…