ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 191/KH-UBND |
Lào Cai, ngày 29 tháng 3 năm 2024 |
PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2024
Thực hiện Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025; Quyết định số 3756/QĐ-BYT ngày 21/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở; Quyết định số 5904/QĐ-BYT ngày 20/12/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã”; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 28/8/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai về Phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025.
Để triển khai có hiệu quả các hoạt động dự phòng, quản lý, điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các rối loạn sức khoẻ tâm thần thường gặp, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần năm 2024, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (sau đây gọi chung là bệnh không lây nhiễm), các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác (sau đây gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu 1: Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
- 90% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần;
- Ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực phù hợp; 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
b) Mục tiêu 2: Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
- Ít nhất 50% người phát hiện thừa cân, béo phì được thực hiện các biện pháp tư vấn kiểm soát thừa cân, béo phì phù hợp; 50% người phát hiện nguy cơ tim mạch được thực hiện các biện pháp quản lý điều trị dự phòng theo quy định; 30% người từ 18 tuổi trở lên được sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia;
- Ít nhất 35% người trưởng thành trong đó 60% người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp 01 lần/năm để phát hiện sớm tăng huyết áp; 40% người mắc tăng huyết áp được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh tăng huyết áp được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;
- Ít nhất 50% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 01 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường; 40% người mắc đái tháo đường được phát hiện và 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; 20% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 30% số phát hiện được can thiệp dự phòng, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;
- Ít nhất 40% người từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc định kỳ 01 lần/năm để xác định nguy cơ bệnh hô hấp mãn tính; 30% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn trước khi có biến chứng và 80% số người mắc bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; 30% người bệnh hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn trước khi có biến chứng và 50% số người phát hiện bệnh được điều trị đạt kiểm soát hen trong đó 20% đạt kiểm soát hoàn toàn;
- Ít nhất 30% số người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung và ung thư đại trực tràng theo hướng dẫn sàng lọc từng loại ung thư;
- Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh; 50% người mắc rối loạn trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác;
- Quản lý điều trị cho 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người mắc rối loạn trầm cảm đã được phát hiện.
c) Mục tiêu 3: Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế để dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
- Ít nhất 70% số huyện, thị xã, thành phố có cơ sở y tế triển khai khám, chẩn đoán, quản lý điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản theo quy định;
- 95% số Trung tâm Y tế hoặc Bệnh viện Đa khoa huyện, thị xã, thành phố triển khai khám, chẩn đoán, quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường theo quy định;
- 95% Trạm Y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh có ít nhất 03 nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, 02 nhóm thuốc điều trị đái tháo đường và có thuốc thiết yếu cho điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản theo danh mục quy định; 95% Trạm Y tế xã thực hiện dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác theo quy định;
- 100% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh; 60% số huyện có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm và 50% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc cho người mắc một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác;
- 100% Trạm Y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh; 50% Trạm Y tế quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm;
- 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần các tuyến được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý theo quy định.
d) Mục tiêu 4: Phát triển hệ thống quản lý thông tin, giám sát, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ
- 100% Trạm Y tế và các cơ sở y tế thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê báo cáo theo quy định;
- 95% cán bộ đầu mối giám sát, thống kê báo cáo các tuyến được tập huấn về giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.
II. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1.1. Tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và ưu tiên bố trí nguồn lực để đạt được các mục tiêu của địa phương trên cơ sở các mục tiêu Quốc gia. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh.
- Xã hội hóa công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.
1.2. Tăng cường phối hợp, thực hiện các chính sách liên ngành
Sở Y tế và các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ để rà soát việc thực hiện chính sách, quy định, hướng dẫn về phòng, chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần, tăng cường phối hợp triển khai thực hiện đầy đủ và tập trung vào các hoạt động sau:
- Hoạt động truyền thông: Tích cực phối hợp giữa Sở Y tế với các sở, ngành, UBND các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thực hiện hoạt động truyền thông và vận động xã hội để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác trên địa bàn tỉnh.
- Phòng, chống tác hại do lạm dụng rượu, bia, thuốc lá:
+ Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá và phòng, chống tác hại của rượu, bia.
+ Tăng cường phối hợp giữa các sở ngành, các địa phương, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc chấp hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; kiểm tra, giám sát chất lượng rượu, bia lưu hành trên thị trường, kiểm tra việc thực hiện quy định về thông tin, in cảnh báo trên nhãn sản phẩm về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn.
- Tăng cường dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm và kiểm soát ô nhiễm môi trường:
+ Xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện cung cấp chế độ ăn của học sinh, người lao động và người mắc bệnh không lây nhiễm. Hướng dẫn người dân bổ sung vi chất an toàn, hợp lý.
+ Kiểm tra, giám sát công tác truyền thông về việc thực hiện giảm hàm lượng muối, đường, chất béo tổ chức kiểm tra lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn.
+ Thường xuyên phối hợp kiểm tra, đánh giá tác động của các yếu tố gây ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như: Chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, sản phẩm xây dựng, hóa chất bảo vệ thực vật…
- Tăng cường hoạt động thể lực:
+ Khuyến khích luyện tập thể dục thể thao, phù hợp với từng lứa tuổi để tăng cường rèn luyện sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
+ Tổ chức phát video hướng dẫn tập thể dục giữa giờ trong các hoạt động học tập, hội nghị, hội thảo. Xây dựng việc tập thể dục giữa giờ thành một thói quen trong các sinh hoạt tập thể.
+ Phát động phong trào thực hiện thông điệp “Mỗi người thực hiện 10.000 bước chân mỗi ngày để thay đổi cuộc sống”.
+ Tạo điều kiện để người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao.
- Sử dụng đa dạng, hiệu quả mạng lưới thông tin truyền thông để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc và khám xác định bệnh.
- Tăng cường giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý, truyền thông về phòng bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua các chương trình, hoạt động giáo dục phù hợp cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
- Sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức truyền thông và nâng cao sức khỏe phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Đề xuất phát động phong trào toàn dân thực hiện lối sống tăng cường sức khỏe gắn với phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Tổ chức hoạt động truyền thông với hình thức lễ phát động, chiến dịch, cuộc thi tìm hiểu kiến thức… nhân các Ngày thế giới phòng, chống tác hại của thuốc lá (31/5), Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (16-23/10), Ngày sức khỏe thế giới phòng, chống Tăng huyết áp (17/5), Ngày tim mạch (30/9), Ngày Đái tháo đường (14/11) và Ngày phòng, chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản (16/11)...
- Duy trì các bài truyền thông phòng chống bệnh không lây nhiễm trên cuốn Bản tin y tế và Website của Sở Y tế.
3.1. Cung cấp dịch vụ sàng lọc phát hiện sớm bệnh
- Triển khai cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các nghiệm pháp để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần cho người dân, ưu tiên người có nguy cơ cao và tiền bệnh.
- Tổ chức các hình thức sàng lọc thường xuyên khi người dân đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (Trạm Y tế xã); sàng lọc lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục, trong khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại cơ quan, tổ chức và khám quản lý sức khỏe cho người cao tuổi; sàng lọc trong hoạt động thăm hộ gia đình, sàng lọc khi khám thai cho phụ nữ có thai. Tổ chức các chương trình, hoạt động sàng lọc, kiểm tra sức khỏe tại cộng đồng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương.
3.2. Theo dõi, tư vấn, dự phòng cho người nguy cơ cao và tiền bệnh
- Triển khai lập hồ sơ để theo dõi, tư vấn, dự phòng cho người thừa cân, béo phì, người tiền bệnh và người có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm và một số rối loạn sức khỏe tâm thần; quản lý người có nguy cơ tim mạch; tư vấn, cai nghiện; thuốc lá; sàng lọc và can thiệp giảm tác hại do uống rượu, bia.
- Tổ chức các hình thức theo dõi, tư vấn, dự phòng lồng ghép trong quản lý, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ quan, tổ chức; quản lý sức khỏe người cao tuổi và quản lý, theo dõi sức khỏe người dân tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.
3.3. Quản lý điều trị và chăm sóc cho người mắc bệnh
- Thực hiện chẩn đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật.
- Tăng cường phát hiện, quản lý, điều trị và chăm sóc người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản; lập hồ sơ, quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm tại Trạm Y tế xã theo quy định.
- Thực hiện tư vấn dinh dưỡng, vận động thể lực, tâm lý và thay đổi lối sống cho người mắc bệnh không lây nhiễm; chăm sóc giảm nhẹ, trị liệu tâm lý cho người bệnh ung thư tại cơ sở y tế và tại nhà; chăm sóc, phục hồi chức năng, tái thích ứng cộng đồng xã hội cho người bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần tại cộng đồng và tại các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.
4.1. Tăng cường năng lực các cơ sở y tế
- Củng cố, sắp xếp, bố trí nhân lực các tuyến cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Phát triển, củng cố các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Tăng cường năng lực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa ở tuyến tỉnh để cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần và để hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở.
+ Củng cố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện để chẩn đoán, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm; khám, quản lý điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần; tham gia khám sàng lọc, chăm sóc giảm nhẹ, phòng, chống ung thư; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về khám, quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh tại Trạm Y tế xã và tại cộng đồng theo quy định.
4.2. Hoàn thiện quy định, hướng dẫn cho công tác dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
- Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do Trạm Y tế xã thực hiện, trong đó quy định danh mục chuyên môn kỹ thuật về tư vấn, sàng lọc phát hiện sớm, giám sát, quản lý các ca bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Hoàn thiện quy định, hướng dẫn để bảo đảm thuốc thiết yếu, trang thiết bị, vật tư, kỹ thuật cho các hoạt động dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm, giám sát, quản lý các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo hiểm y tế bảo đảm bảo cho việc quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã.
- Xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn người dân biết phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh; tự biết hỗ trợ, quản lý, chăm sóc khi mắc bệnh.
- Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật để dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
- Củng cố mạng lưới, đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu cho bác sỹ chuyên khoa tâm thần các tuyến để khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần; tập huấn cho cán bộ Trạm Y tế về sàng lọc, phát hiện sớm, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.
4.3. Nâng cao năng lực dự phòng, phát hiện và và quản lý điều trị bệnh không nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực phòng chống bệnh không lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng tuyến. Bảo đảm đào tạo và đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng chống bệnh không lây nhiễm:
+ Thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu cho bác sỹ chuyên khoa tâm thần; đào tạo, tập huấn cho bác sỹ đa khoa tại tuyến huyện để khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần; tập huấn cho cán bộ y tế xã về khám, chẩn đoán, điều trị, quản lý và cấp thuốc ngoại trú cho người bệnh tại cộng đồng; tập huấn cho cán bộ y tế xã và y tế thôn, bản về sàng lọc và phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần; tập huấn cho người làm công tác trợ giúp xã hội và cộng tác viên công tác xã hội về chăm sóc, phục hồi chức năng cho người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.
+ Ưu tiên đào tạo lại cán bộ y tế xã, y tế thôn bản thông qua chương trình đào tạo toàn diện và lồng ghép phòng chống các bệnh không lây nhiễm nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ trong dự phòng, quản lý điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế và cộng đồng.
- Triển khai định kỳ, thường xuyên hoạt động giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trạm Y tế xã theo hình thức cầm tay chỉ việc do tuyến tỉnh, huyện thực hiện.
- Bảo đảm trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại các bệnh viện.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho triển khai hoạt động dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã, bao gồm: Thực hiện đầy đủ các quy định về cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu chuyên môn làm cơ sở cho việc kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; bảo đảm danh mục chuyên môn kỹ thuật, thuốc, trang thiết bị, xét nghiệm, vật tư và các quy định về tài chính, bảo hiểm y tế.
4.4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
- Kết nối liên tục, chia sẻ thông tin giữa các tuyến để bảo đảm theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của cá nhân một cách liên tục.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tập huấn và khám chữa bệnh từ xa (telemedicine).
- Xây dựng các trang thông tin điện tử về sức khỏe và các phần mềm, ứng dụng để chia sẻ thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh, người dân thực hiện phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe; xây dựng phần mềm, ứng dụng trên điện thoại để giúp người dân tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh, thay đổi hành vi lối sống, giúp người bệnh và người chăm sóc tự quản lý bệnh tại gia đình.
5.1. Phát triển,nâng cao năng lực hệ thống giám sát, quản lý thông tin
- Tổ chức đào tạo, tập huấn về giám sát bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần cho cán bộ y tế các tuyến từ tỉnh tới địa phương.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý các thông tin, số liệu và phổ biến, cung cấp trên các trang web chuyên ngành.
5.2. Triển khai các hoạt động giám sát
- Giám sát các yếu tố nguy cơ: Tổ chức điều tra, khảo sát thu thập, theo dõi, đánh giá thực trạng và chiều hướng các yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh không lây nhiễm.
- Giám sát tử vong: Triển khai thu thập, thống kê nguyên nhân tử vong do bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên cơ sở thu thập thông tin từ hệ thống báo cáo tử vong của Trạm Y tế xã. Tăng cường năng lực, hoàn thiện công cụ, quy trình, nâng cao chất lượng thống kê, ghi chép, chẩn đoán nguyên nhân tử vong của Trạm Y tế xã để phục vụ cho giám sát tử vong.
- Giám sát mắc bệnh: Triển khai ghi nhận ung thư để định kỳ cập nhật, công bố các số liệu chuẩn hóa về ung thư.
- Giám sát đáp ứng của hệ thống y tế: Định kỳ, thường xuyên thu thập, báo cáo các thông tin, số liệu về kết quả hoạt động và đáp ứng của hệ thống y tế trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Thống nhất quy trình, nâng cao chất lượng thống kê báo cáo định kỳ về bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần cho mạng lưới y tế từ tỉnh đến tuyến xã theo chế độ báo cáo thống kê của Bộ Y tế; áp dụng công nghệ thông tin trong thống kê, báo cáo; định kỳ tổng hợp số liệu thống kê báo cáo về kết quả dự phòng, sàng lọc, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần từ tất cả các Trạm Y tế xã và các cơ sở y tế liên quan.
- Tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động trong phòng chống bệnh không lây nhiễm rối loạn sức khỏe tâm thần và yếu tố nguy cơ gây bệnh, tiến độ thực hiện Chiến lược và các chính sách liên quan của các Bộ, ngành.
- Tổ chức điều tra, đánh giá các chỉ số về bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần vào đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Nguồn ngân sách nhà nước
- Ngân sách tỉnh: Các cơ quan, đơn vị tuyến tỉnh thực hiện nhiệm vụ đã được bố trí kinh phí tại Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
- Ngân sách cấp huyện bố trí kinh phí cho các cơ quan đơn vị ở cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của chương trình.
2. Nguồn do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.
3. Nguồn Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.
4. Nguồn xã hội hóa (nếu có).
1. Sở Y tế
- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các Sở, ngành tổ chức triển khai và thực hiện Kế hoạch đạt mục tiêu đề ra.
- Kiện toàn mạng lưới hoạt động y tế các tuyến, chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn về bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần chỉ đạo hệ thống y tế toàn tỉnh. Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần. Phát hiện sớm và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
- Lập dự toán kinh phí cụ thể phục vụ công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn tâm thần, công tác phòng chống tác hại của rượu, bia hàng năm của các đơn vị dự toán trực thuộc gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành làm tốt công tác tham mưu cho UBND các cấp trong triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh như: Công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, truyền thông... tại các địa phương và các cơ sở khám, chữa bệnh, dự phòng. Định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tỉnh Lào Cai năm 2024;
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế phân bổ nguồn vốn để triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tỉnh Lào Cai năm 2024.
3. Sở Tài chính
Hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo các quy định hiện hành.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo; Trường Cao đẳng Lào Cai; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh, sinh viên giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần, đưa các hoạt động truyền thông phòng ngừa bệnh vào các hoạt động chính khóa và ngoại khóa tại trường học.
- Thực hiện các quy định về kiểm soát, quản lý việc quảng cáo, kinh doanh, cung cấp các thực phẩm, đồ uống không có lợi cho sức khỏe tại các cơ sở giáo dục. Phát động phong trào phòng, chống tác hại thuốc lá, lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác trong toàn ngành giáo dục.
- Chỉ đạo, tổ chức hiệu quả hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ; đảm bảo học sinh, sinh viên được tham gia thể dục buổi sáng (đối với các trường có học sinh, sinh viên ở nội trú, bán trú) và thể dục giữa giờ thường xuyên.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giáo dục thể chất, giáo dục sức khoẻ tâm thần, tư vấn tâm lý học đường, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, chế độ dinh dưỡng hợp lý và các hoạt động thể lực phù hợp trên trang thông tin điện tử của nhà trường, qua hệ thống phát thanh, bảng tin, pa nô, áp phích, tời rơi,…
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần, dự phòng các bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần.
5. Sở Công Thương
- Tăng cường quản lý về kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác theo quy định nhằm ngăn chặn tối đa yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh không lây nhiễm từ các sản phẩm này.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về dán nhãn minh bạch sản phẩm, in thông tin cảnh báo sức khỏe trên các sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác có yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm.
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các dự án quản lý, giám sát hàm lượng muối, đường, chất béo, phụ gia trong các thực phẩm chế biến sẵn và can thiệp giảm sử dụng muối tại cộng đồng để phòng chống bệnh không lây nhiễm.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Triển khai các hoạt động quản lý sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm, quản lý điều trị, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
- Phối hợp với Sở Y tế, các Cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát bảo đảm môi trường làm việc nâng cao sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần thuộc lĩnh vực quản lý.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo các khu vui chơi công cộng lành mạnh để người dân đến sinh hoạt và bảo đảm vệ sinh an toàn trong các cơ sở, dịch vụ hướng dẫn tập luyện thể dục, thể thao.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng Kế hoạch tăng cường hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật năm 2023 khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện trên cơ sở lồng ghép với Đề án vận động toàn dân luyện tập thể dục, thể thao bảo vệ, nâng cao sức khỏe tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng và phổ biến, hướng dẫn các bài tập thể dục cho người dân để nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh, tật khác.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát quảng cáo thuốc lá, rượu, bia và các sản phẩm khác có yếu tố nguy cơ với sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về kế hoạch, chính sách liên quan phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Thẩm định, cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, đơn vị tuyên truyền về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai
- Phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần cho Nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp Người dân nhận thức đúng, đầy đủ về bệnh, nguyên nhân, cách phát hiện, triệu chứng và các biện pháp phòng, chống để chủ động, thường xuyên, thực hiện tại gia đình, cộng đồng.
- Đài phát thanh truyền hình tỉnh tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn tâm thần. Lồng ghép chương trình truyền thông vào chuyên mục “Sức khỏe cộng đồng”. Tăng cường công tác truyền thông phát động phong trào Phòng chống tác hại thuốc lá, lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác.
10. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Thực hiện chi trả các dịch vụ y tế theo quy định, tạo thuận lợi trong việc thanh quyết toán cho bệnh nhân tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả các Trạm Y tế xã. Phối hợp và tạo điều kiện để ngành y tế triển khai đầy đủ các nội dung của Thông tư số 39/2017-TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Phối hợp với ngành y tế và địa phương chỉ đạo các tổ chức, thành viên, các cán bộ, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân quan tâm, tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng một số bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần cho bản thân và cộng đồng.
- Lồng ghép truyền thông, giáo dục sức khỏe về dự phòng một số bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt cộng đồng…
- Triển khai các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, tại nơi làm việc, học tập để phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực tham gia, hỗ trợ nguồn lực vào việc triển khai các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, tại nơi làm việc, học tập; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, vận động Nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, trường học góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý từ nguồn ngân sách của huyện, thành phố, thị xã.
- Phát động phong trào thay đổi hành vi lối sống nâng cao sức khỏe: Giảm muối trong thực phẩm, tăng cường vận động thể lực, không lạm dụng rượu bia... Vận động xây dựng, tham gia mô hình cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng gồm mô hình trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe, gia đình sức khỏe, cộng đồng vì sức khỏe và lành mạnh.
- Huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hoá phù hợp với điều kiện của địa phương để triển khai thực hiện kế hoạch; bố trí đủ nhân lực thực hiện công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên cho Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế về diễn biến tình hình bệnh và công tác phòng, chống các bệnh này tại địa phương. Chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn quản lý theo chỉ tiêu được giao.
V. THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá định kỳ, hàng năm và đột xuất về việc thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khoẻ tâm thần trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Kế hoạch 191/KH-UBND phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024
Số hiệu: | 191/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lào Cai |
Người ký: | Giàng Thị Dung |
Ngày ban hành: | 29/03/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 191/KH-UBND phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024
Chưa có Video