Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 16 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

Căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24 ngày 5 tháng 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.

2. Yêu cầu

a) Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá phải được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành.

b) Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong tỉnh, giữa các tỉnh/thành phố trên cả nước và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2024 - 2025:

- Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%.

- Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%.

- Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

b) Giai đoạn 2026 - 2030:

- Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

- Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%.

- Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Các giai đoạn thực hiện

a) Giai đoạn 1 (2024 - 2025):

- Tập trung vào việc phổ biến Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực thi quy định về môi trường “Không khói thuốc lá”; tổ chức điều tra, khảo sát tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong các nhóm đối tượng; củng cố tổ chức, mạng lưới và nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; triển khai các biện pháp ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên.

- Kết thúc giai đoạn, tổ chức điều tra thực trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; báo cáo, đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2024 - 2025.

b) Giai đoạn 2 (2026 - 2030):

- Tiếp tục tăng cường thực thi quy định môi trường “Không khói thuốc lá”; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá cuối kỳ về tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá; tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

- Báo cáo, đánh giá tổng kết tình hình triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Địa điểm triển khai

a) Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn:

- Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cửa hàng bán lẻ xăng dầu (khu vực bơm, rót xăng dầu, bồn, bể) kho xăng dầu, kho khí hóa lỏng; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

- Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

+ Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác;

+ Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác;

- Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn: Ô tô; Tàu bay; Tàu điện.

b) Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

- Khu vực cách ly của sân bay;

- Quán bar, quán karaoke, vũ trường;

- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác;

- Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

c) Đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá (Theo Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11/5/2023 của Bộ Y tế quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá):

- Có đặt, in, bố trí biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá. Biển bảo đảm các yêu cầu sau đây:

+ Nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn;

+ Chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài;

+ Kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền;

+ Biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.

- Việc đặt biển bảo đảm các yêu cầu sau đây:

+ Khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm;

+ Đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh.

- Không có gạt tàn, dụng cụ dùng cho hút thuốc, đầu mẩu và tàn thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

a) Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật có liên quan để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm hành vi hút thuốc lá tại các điểm cấm hút thuốc lá.

b) Ban hành nghị quyết, kế hoạch phù hợp với từng thời kỳ để thực hiện Kế hoạch này.

c) Chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

d) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; lấy kết quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp.

2. Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng địa phương, từng nhóm đối tượng; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Cập nhật thường xuyên tài liệu, thông tin về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới; lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc lá; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

c) Đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá cho giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục; xây dựng tài liệu giáo dục và tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với các cấp học, bậc học.

d) Phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng trong việc vận động, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá

a) Tăng cường lực lượng, xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp liên ngành; giữa các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành theo chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá theo phân cấp.

c) Tăng cường sử dụng giải pháp về công nghệ thông tin, các mạng xã hội trong giám sát việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

d) Tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá

a) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghiên cứu về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe của người tiêu dùng; các giải pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả; các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả. Định hướng, khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học, khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá trên địa bàn và tại cơ quan, đơn vị gắn liền với các mục tiêu trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

b) Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá từ tỉnh đến cơ sở.

c) Nâng cao chất lượng số liệu giám sát, đánh giá công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; định kỳ thực hiện các nghiên cứu, khảo sát tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá để giúp điều chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

d) Tăng cường phổ biến, chia sẻ thông tin, số liệu về phòng, chống tác hại của thuốc lá giữa các Sở, ngành, địa phương, bảo đảm các thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận.

5. Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá

a) Kiện toàn Ban chỉ đạo về phòng, chống tác hại của thuốc lá các cấp; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở để bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban chỉ đạo; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

c) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá từ tỉnh đến cơ sở.

d) Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

đ) Xây dựng, ban hành chế độ phù hợp để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

6. Hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

V. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Sở, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

3. Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Tài trợ của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.

5. Các nguồn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội

a) Chủ động tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đến cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị và nhân dân trên địa bàn.

b) Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng.

2. Sở Y tế

a) Đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Kế hoạch, kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban chỉ đạo về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện:

- Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cộng đồng.

- Đào tạo nâng cao năng lực về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; phát triển dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị giám sát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; đề xuất các chế độ, chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

d) Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc thẩm quyền quản lý.

đ) Đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá để thực hiện Công ước Khung kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới mà Việt Nam đã tham gia.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì việc thực thi các quy định về cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, tác hại của các sản phẩm thuốc lá thông qua các hình thức sân khấu điện ảnh, truyền hình, văn hóa nghệ thuật; tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa không mời và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá;

c) Chủ trì, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về môi trường không khói thuốc lá tại khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; nhân rộng các địa điểm du lịch không khói thuốc lá;

d) Tiếp tục tăng cường thực hiện lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Gia đình văn hóa”.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Quản lý chặt chẽ việc thực hiện quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo việc cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại thuốc lá trên các phương tiện thuộc lĩnh vực quản lý.

5. Sở Công Thương

a) Chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo hướng giảm tiếp cận của cộng đồng đối với các sản phẩm thuốc lá.

b) Tăng cường công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá, đầu tư trồng cây thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh; Tăng cường kiểm soát lưu thông sản phẩm thuốc lá.

c) Triển khai, tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, hướng dẫn các địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc lĩnh vực quản lý thực hiện nghiêm các quy định theo pháp luật hiện hành.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ sở giáo dục; tăng cường các biện pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh. Tăng cường truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với các cấp học, bậc học.

b) Tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện môi trường không khói thuốc, lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình nâng cao sức khỏe tại các cơ sở giáo dục.

7. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch do các đơn vị có liên quan xây dựng, tùy tình hình cân đối ngân sách hàng năm, Sở Tài chính sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

8. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đưa các tiêu chí về giảm tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc lá và các giải pháp về phòng, chống tác hại thuốc lá vào Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

9. Công an tỉnh

a) Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho lực lượng công an nhân dân; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực tham gia xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác phòng, chống kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp.

10. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: Tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; phối hợp với Sở, ngành chức năng tham gia công tác chống buôn lậu thuốc lá.

11. Cục Quản lý thị trường: Chủ trì kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông sản phẩm thuốc lá trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm về kinh doanh thuốc lá.

12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tăng cường truyền thông, giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ nhân viên trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện các quy định môi trường không khói thuốc; lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy phù hợp với các cấp học, bậc học thuộc hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

b) Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thực hiện Công ước quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

13. Sở Giao thông vận tải

a) Thực hiện nghiêm các quy định về cấm hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm; lồng ghép truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các hoạt động truyền thông trong giao thông, vận tải.

b) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc ngăn chặn việc buôn lậu các sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện giao thông vận tải.

14. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường thực hiện xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong phạm vi quản lý; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường theo định hướng của Kế hoạch.

15. Các Sở, ngành khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, chủ động tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

16. Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai: Tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm về mục tiêu, ý nghĩa, các nội dung của pháp Luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe con người; Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, tình hình thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền, phổ biến về Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và các Nghị định xử phạt khác có liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá; kịp thời đưa tin về các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Kiện toàn Ban chỉ đạo về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm để thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện và công tác thi đua, khen thưởng trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

b) Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 tại địa phương; đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo từng thời kỳ; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án khác của địa phương; chủ động huy động nguồn lực, bố trí ngân sách hằng năm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

c) Tăng cường công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá; Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý và theo phân công, phân cấp.

d) Tăng cường thực hiện lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”..xây dựng lối sống lành mạnh tại cộng đồng dân cư; xây dựng, nhân rộng các mô hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị điển hình trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn tiêu chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá để đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá theo định hướng của Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả 06 tháng (trước ngày 15/6), 01 năm (trước ngày 30/12) gửi về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế; Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc; các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Y tế) xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn Phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh Ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Q. Chủ tịch, các PCT.UBND;
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh (KGVX);
- Lưu: VT, THNC, KGVX. (T)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Sơn Hùng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu: 139/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
Người ký: Nguyễn Sơn Hùng
Ngày ban hành: 16/04/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…