ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND |
Thái Bình, ngày 03 tháng 12 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI ĐỢT CAO ĐIỂM HÀNH ĐỘNG NĂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản loại C còn cao, việc cải thiện ATVSTP chậm và thiếu bền vững, các sự cố về an toàn thực phẩm chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng, cung cấp đầy đủ thông tin làm giảm khả năng tiếp xúc thị trường của một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Để thực hiện có hiệu quả Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến hết Tết Nguyên Đán năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phát động triển khai Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể, hội, hiệp hội, xã, phường, thị trấn, các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thuộc diện quản lý để ngăn chặn có hiệu quả và tiến tới việc không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng trên rau, quả; đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công, phân cấp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp, Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện, thành phố, các xã tăng thời lượng tuyên truyền tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại đối với nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh cấm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng Kế hoạch triển khai Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai đến các đơn vị trong ngành và các địa phương; thí điểm dán lô gô cho các sản phẩm an toàn được xác nhận theo hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, hội thảo giới thiệu địa chỉ các sản phẩm an toàn được xác nhận; phối hợp với các sở, ngành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn thực phẩm; tổ chức các hình thức để tuyên truyền thông tin đầy đủ, kịp thời thực tế tình hình an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin địa chỉ về các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn được xác nhận.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông trong Đợt cao điểm Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng đến công tác tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả.
4. Sở Y tế: Kiểm tra, giám sát việc lưu thông, sử dụng chất Salbutamol, kháng sinh trên thị trường; thông tin về sản phẩm an toàn, cách ứng xử phù hợp đối với sản phẩm cảnh báo không an toàn; tuyên truyền cho người dân biết tác hại của việc sử dụng sản phẩm không an toàn, đặc biệt thịt lợn có hàm lượng Salbutamol cao, thịt gà có sử dụng chất Vàng O, rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
5. Công an tỉnh: Chủ trì điều tra, nắm tình hình và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản giả, kém chất lượng; đặc biệt tập trung vào phát hiện sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.
6. Sở Công thương: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm nông, lâm, thủy sản kinh doanh tại các chợ đông người, hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh; triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, thiết lập liên kết sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm được xác nhận an toàn.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công thương để phát sóng, đăng tải các phóng sự, tin, bài, các chuyên đề, chuyên mục về vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh trong đợt cao điểm; đặc biệt, quảng bá cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, sản phẩm an toàn có xác nhận.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, tổ chức đoàn thể: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các chi hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các trường hợp sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, giả, ngoài danh mục, hết hạn sử dụng để xử lý kịp thời trong Đợt cao điểm Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2015 triển khai đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do tỉnh Thái Bình ban hành
Số hiệu: | 21/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Bình |
Người ký: | Phạm Văn Ca |
Ngày ban hành: | 03/12/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2015 triển khai đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do tỉnh Thái Bình ban hành
Chưa có Video