Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 192/2003/CT-UBTDTT

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2003 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO ĐẢM TÍNH TRUNG THỰC, CAO THƯỢNG TRONG TỔ CHỨC,THI ĐẤU CÁC MÔN THỂ THAO TẠI SEA GAMES 22 VÀ ASEAN PARA GAMES 2

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN TDTT

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Para Games) tổ chức tại Việt Nam tháng 12 năm 2003 ( sau đây gọi chung là Đại hội) là hai sự kiện có ý nghĩa lớn về Chính trị - Ngoại giao - Văn hoá - Thể thao của nước ta.

Trong 3 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; ngành Thể dục thể thao cùng với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã tích cực triển khai công việc chuẩn bị với mục tiêu: Tổ chức Đại hội thành công về mọi mặt, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước; phấn đấu đạt thành tích cao nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc trên tinh thần đoàn kết - trung thực và cao thượng.

Thực tế cho thấy, trong một số giải thể thao quốc gia và quốc tế gần đây, do tư tưởng “phải chiến thắng bằng mọi giá” và bệnh thành tích, nên vẫn còn những hành vi tiêu cực như: gian lận trong tổ chức thi đấu và trọng tài, móc ngoặc, nhường điểm, sử dụng Doping, vi phạm luật lệ và thô bạo trong thi đấu, làm mất đi sự trong sáng, tính trung thực, cao thượng của thể thao.

Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 22 và ASEAN Para Games 2 trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao - kinh tế - xã hội; vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Thể thao Việt Nam đã hội nhập đầy đủ vào nền thể thao khu vực và có bước tiến rõ rệt, có khả năng giành thứ hạnh cao ở nhiều bộ môn. SEA Games 22 và ASEAN Para Games 2 được tổ chức ở nước ta là dịp thuận lợi để giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, về nền thể dục thể thao nước nhà đang tiếp tục vươn lên ở đấu trường thể thao khu vực. Vì vậy toàn ngành Thể dục thể thao quyết tâm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Đại hội trên tinh thần trung thực, cao thượng, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi tiêu cực có thể ảnh hưởng tới sự thành công của Đại hội và làm giảm giá trị nhân văn của thể thao.

Nhằm thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại thông báo số 104 ngày 16/1/2003;  Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao. Chỉ thị 10/2003/CT-TTg ngày 18/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội; để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao , Trưởng ban tổ chức SEA Games 22 yêu cầu các đồng chí thành viên Ban tổ chức Đại hội, các Tiểu ban chuyên môn, Ban tổ chức thi đấu của các địa phương, Đoàn Thể thao Việt Nam, cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên, tình nguyện viên, cộng tác viên thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây :

1. Triển khai đợt tuyên truyền - giáo dục, học tập nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của toàn ngành Thể dục thể thao trong việc tổ chức đại hội trên tinh thần trung thực, cao thượng; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, không trong sáng trong thi đấu và tổ chức điều hành thi đấu.

Nội dung tuyên truyền - giáo dục, học tập bao gồm: Chỉ thị 17/CT-TW ngày 23/10/2002 và Thông báo 104 ngày 16/4/2003 của Ban Bí thư; Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26/7/2002 và Chỉ thị 10/2003/CT-TTg ngày 18/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động của toà ngành hướng tới SEA Games 22; Luật và Điều lệ thi đấu các môn trong Đại hội; Hiến chương “Fair play” của Uỷ ban Olympic Quốc tế; Chủ đề SEA Games 22 “Đoàn kết, hợp tác - vì hoà bình và phát triển” và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

 Đối tượng chính cần được tuyên truyền giáo dục, học tập là cán bộ, công chức ngành Thể dục thể thao, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, Ban tổ chức thi đấu các môn, các Tiểu ban chuyên môn của Ban tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Vụ pháp chế, Tiểu ban tuyên truyền - Báo chí xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp cụ thể để tuyên truyền, giáo dục các nội dung nói trên, tạo dư luận xã hội phê phán những hành vi tiêu cực trong quá trình tổ chức thi đấu và điều hành Đại hội; đồng thời biểu dương kịp thời những hành vi cao thượng, fair play trong thể thao.

Vị Thể thao thành tích cao I, Vụ Thể thao thành tích cao II, Vụ Thể dục thể thao quần chúng phối hợp với các Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia tăng cường công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, ý chí, lòng yêu nước, ý thức phấn đấu vì vinh quang của Tổ quốc; quán triệt tinh thần thi đấu trung thực, cao thượng cho các thành viên Đoàn thể thao Việt Nam và lực lượng trọng tài tham dự Đại hội theo phương châm: Đoàn thể thao Việt Nam phải nỗ lực tập luyện, thi đấu với quyết tâm cao nhất, giành vinh quang cho Tổ quốc bằng thực lực của chính mình; lực lượng trọng tài phải thực sự là người “cầm cân, nảy mực”, điều hành các cuộc thi đấu tại Đại hội đúng luật, vô tư, trong sáng.

2. Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn và sử lý kịp thời các biểu hiện, hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của Ban tổ chức và thành công chung của Đại hội.

Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật phối hợp với Ban tổ chức các cuộc thi đấu trong chương trình Đại hội triển khai các biện pháp tổ chức và quản lý điều hành đội ngũ trọng tài, giám sát các môn thi nhằm đảm bảo sự công tâm, trong sáng trong tổ chức và điều hành các cuộc thi đấu.

Thanh tra Uỷ ban Thể dục thể thao phối hợp với Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật và Ban tổ chức các cuộc thi tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để phòng, chống và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực; xử lý nghiêm khắc, kịp thời, đúng luật các trường hợp vi phạm.

Tiểu ban An ninh, Tiểu ban Y tế và kiểm tra Đoping phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp cụ thể để bảo vệ an toàn và kiểm tra Đoping theo đúng quy định của Ban tổ chức.

3.Tổ chức tốt việc giải quyết, xử lý các khiếu nại tố cáo liên quan tới tổ chức điều hành thi đấu; đảm bảo chế độ cung cấp thông tin một cách thường xuyên và công khai.

Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật phối hợp với Ban tổ chức các cuộc thi đấu tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khiếu nại phát sinh trong quá trình diễn ra Đại hội trên tinh thần khách quan, công bằng và tuân thủ Luật, Điều lệ của từng môn thể thao.

Viện Khoa học Thể dục thể thao và Tiểu ban Công nghệ thông tin - truyền thông phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý kết quả thi đấu một các chính xác, kịp thời, cung cấp công khai trên hệ thống mạng và trang thông tin điện tử chính thức của Ban tổ chức Đại hội; sử dụng các trang thiết bị điện tử hiện đại để xác định thành tích và công khai hiển thị thông tin về thành tích thi đấu tại hiện trường.

Trung tâm điều hành SEA Games 22, Trung tâm điều hành ASEAN Para Games 2 phải thường xuyên cung cấp các thông tin đầy đủ, chi tiết về lịch thi đấu và tổ chức điều hành các cuộc thi đấu cho các đoàn thể thao tham dự Đại hội; phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết tốt các đề nghị, khiếu nại, thắc mắc của các đoàn liên quan tới thi đấu và tổ chức điều hành thi đấu, giữ gìn hình ảnh vô tư, công bằng, khách quan của Ban tổ chức Đại hội.

Đảm bảo tính trung thực, cao thượng trong tổ chức và thi đấu tại Đại hội theo đúng truyền thống văn hoá và tinh thần thượng võ của dân tộc là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo nên thành công chung của Đại hội. Ban tổ chức Đại hội yêu cầu toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, lực lượng tình nguyện viên, cộng tác viên, đoàn thể thao Việt Nam, các Tiểu ban và Ban tổ chức từng môn thể thao ở mỗi địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Uỷ ban Thể dục thể thao và Ban tổ chức Đại hội sẽ quy định cụ thể mức khen thưởng cho những tập thể và cá nhân có thành tích cao trong thi đấu, gương mẫu thực hiện các nội dung của Chỉ thị; đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Trung tâm điều hành Đại hội và Tiểu ban tuyên truyền của Ban tổ chức chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và kịp thời báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao - Trưởng ban tổ chức Đại hội về việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN TDTT
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC SEA GAMES 22
 


 
Nguyễn Danh Thái

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 192/2003/CT-UBTDTT về bảo đảm tính trung thực, cao thượng trong tổ chức, thi đấu các môn thể thao tại SEA Games 22 và ASEAN Para Games 2 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban thể dục ,thể thao ban hành

Số hiệu: 192/2003/CT-UBTDTT
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Uỷ ban Thể dục Thể thao
Người ký: Nguyễn Danh Thái
Ngày ban hành: 09/09/2003
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 192/2003/CT-UBTDTT về bảo đảm tính trung thực, cao thượng trong tổ chức, thi đấu các môn thể thao tại SEA Games 22 và ASEAN Para Games 2 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban thể dục ,thể thao ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…